1919 - 1939
"Em ơi
Nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ?"
"Dạ cậu?"
"A...không có gì. Hình như cậu vừa nói mớ thì phải. Mà nè, bức thư hôm bữa con gởi giúp cậu chưa?"
"Dạ rồi thưa cậu. Mà cậu ơi...."
"Sao?"
"Sáng nay ông cả với bà tư có đến."
"Cậu biết rồi."
"Mà cậu ơi!"
"Sao nữa?"
"Con thấy cậu khổ quá."
"Thế mai bắt chước người ta, đi mua khổ qua về nấu đi cho bớt khổ."
"Con nói thiệt đó cậu ơi. Cả cậu cả ông, đều khổ quá. Ông út đi rồi, còn cậu Khương..."
"Bé Hon!"
"...."
"Cậu muốn đọc sách. Con ra ngoài đi."
Tôi nhìn bóng con bé nhẹ nhàng khép cửa lại, rồi lại nhìn ánh sáng đang đổi màu nơi rặng cây. Chỉ trong một lúc, tôi không để ý, vạt nắng ẩn hiện trên những tán lá đã khoác lên một sắc thái mới. Cũng giống như chỉ trong một chớp mắt, khi chúng tôi lơ là, đã là hai mươi năm.
Chợ Lớn, nhà của chúng tôi, nơi mà dòng họ đã ở bao đời, nằm ở phía ngược lại những con đường lớn nô nức xe điện, xe kéo, xe khách của Sài Gòn, ban đầu chỉ là một cái làng, gọi là Minh Hương. Chính xác đó là là một trong những ngôi làng cùng có cái tên này. Tôi nhớ khi còn nhỏ vẫn thường nghe ông ngoại kể về gốc tích làng. Lúc đó, ông hay ôm tôi ngồi trên đùi ông, còn anh thì ngồi chỉnh chu ngay bên cạnh, hẵng còn là trẻ nít, mới chừng tám, chin tuổi. Về sau, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn nghĩ ông ưa anh hơn tất cả những đứa cháu khác trong nhà có lẽ là bởi điểm ấy.
Ông bảo đó là vào năm Kỷ Mùi (1), nhà Minh đã hoàn toàn sụp đổ, và quân xâm lược Mãn Thanh đã tràn vào, kỵ của kỵ của kỵ của kỵ của ông, khi ấy chỉ là một cậu nhóc mười lăm tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, đã cùng với khoảng ba ngàn người khác vượt biển trên tám mươi chiếc thuyền đến Đà Nẵng, vùng đất thuộc sự cai quản của Chúa Nguyễn để xin làm thần dân. Họ đã lập nên những ngôi làng thế này với cái tên Minh Hương ở hạ lưu sông Hương, ở Hội An, và ở một số tỉnh Nam Bộ.
"Tại sao không họ không ở lại miền Bắc vậy ông?" Anh Tú, con của dì tư, cũng bằng tuổi với anh, hỏi. Trong số các anh chị em, anh là đứa bé xinh xẻo nhất, với gương mặt trông như một con búp bê. Tôi cũng nhớ cái lúc mà người ta vớt anh lên từ cái hồ trong nhà, cái hồ mà ông vốn đã cấm chúng tôi không được bén mảng lại gần, gương mặt anh xám lạnh, hệt như con búp bê Pháp trong phòng bác gái tôi. Một con búp bê đang ngủ.
"Có đứa nào biết tại sao không?" Ông tôi cười, những nếp nhăn nơi khóe mắt của ông tạo thành một nét tinh quái. Mấy đứa nhóc chúng tôi, hơn nửa là bắt chước điệu bộ người lớn (có thể là chúng tôi đều tin rằng , đăm chiêu suy nghĩ hẳn sẽ khiến cho chúng tôi nghĩ ra được đáp án) bởi đứa nào cũng biết đáp được câu hỏi của ông sẽ được thưởng.
"Có phải là họ sợ Chúa Trịnh sẽ gởi trả họ về nước, bởi miền Bắc gần hơn, Chúa Trịnh cũng sợ gây hấn với nhà Mãn Thanh không ạ?" Anh trả lời trong sự hài lòng của ông và giữa những đôi mắt đang mở to ngơ ngác lũ của chúng tôi.
"Con trả lời đúng lắm. Làng khi ấy tên là Minh Hương, chữ hương trong từ hương hỏa, nhưng đến thời vua Minh Mạng, do mối quan hệ bang giao với nhà Thanh nên đã đổi thành chữ hương của quê hương. Chúa Nguyễn thật ra cũng lo ngại nhà Thanh, lại đương giữa lúc cần người khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long nên đã đưa phần lớn họ về phương Nam. Những người đó, gồm cả ông ấy, vào năm Mậu Dần, đã đến đây, lúc giờ có tên là Gia Thạnh, và lập nên làng.
Và đến năm Bính Thân, do bị quân Tây Sơn tàn phá nên những người đồng hương của chúng ta từ Cù Lao Phố đã chạy về đây lánh nạn. Cũng do nhu cầu thông thương mà họ đã lập nên chợ Tây Cống, mà như người Việt vẫn hay gọi là Chợ Lớn của ngày nay.
Mấy đứa có thấy tấm biển khắc bốn chữ Thiện Tục Khả Phong treo ngay chính điện Minh Hương Gia Thạnh không? Tấm biển đó vào năm Qúy Hợi đã được vua Tự Đức ban tặng do đức ngài đã nghe về tiếng thơm của làng. Ông của ông bảo là khi cụ còn nhỏ, trong dân gian miền Nam còn có câu ca dao rằng: Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng; Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương." Tôi nhớ lúc nói đến đây, đôi mắt ông lấp lánh một vẻ tự hào và thần thái trên đôi gò má trở nên rạng rỡ lạ kỳ, rồi bỗng nhiên ông dừng lại, vầng hào quang kia cũng bỗng chốc chỉ còn là những tia sáng lẻ loi. Giống như thể những bông hoa đã bị bóng tối u ám từ căn nhà có tuổi thọ cả trăm năm này nuốt chửng mất màu sắc của mình.
Và trong cái lúc chúng tôi đang chờ ông nói tiếp thì bỗng nhiên, ông nhìn thẳng vào mắt các anh chị em, ông nói rất chậm, nhưng âm thanh như thể không phát ra từ vòm miệng của ông, mà lại từ các bức vách.
"Các con phải nhớ, bằng bất cứ giá nào, cũng phải giữ gìn ngôi nhà này, giữ gìn phong hóa của làng Minh Hương chúng ta. Các con hứa với ông chứ?"
Cả lũ chúng tôi đều ngơ ngác gật đầu. Ông có vẻ rất hài lòng, rồi ông giao tôi cho anh, và nói "Thôi, các con đi chơi đi."
Tôi nhớ khi anh dắt tay tôi ra cửa, tôi đã quay lại nhìn ông, và tất cả những gì tôi thấy chỉ là sườn mặt của ông, ông ngồi trên chiếc ghế dựa của mình, quay lưng lại chúng tôi, hướng về phía cửa sổ. Trong bóng tối, sườn mặt của ông vẽ thành một vệt sáng trắng. Yếu ớt. Cô độc.
"Anh biết không, hồi nhỏ em luôn sợ ông. Mà có phải mỗi em đâu. Thật lạ anh nhỉ, khi mà ông chưa hề nói nặng chúng ta một tiếng nào. Chỉ cho tới hôm đó, em mới thật sự cảm thấy thương ông." Tôi đã bảo với anh như vậy vào một lần anh ghé ngang qua nhà. Đó là vào một ngày mà lá khô đã rụng đầy sân, tiết trời cũng đã thay đổi. Chỉ mới vài hôm trước, đám lá trên những cành cây cao hãy còn đang chuyển màu, sau vài đêm, sau vài cơn gió hoặc sau vài cơn mưa, đã rụng sạch, trơ lại nhưng cành khô khẳng khiu. Đó là thời điểm đặc biệt đẹp nhất ở Chợ Lớn, khi mà thời tiết dễ chịu hơn, trời không quá nắng, và ngập trong không khí là mùi đất ẩm ẩm, mùi cỏ ướt, cái thứ mùi vị hơi lành lạnh, mang đến cảm giác thanh thuần. Thậm chí cả dòng kênh Hàng Bàng, vào mùa nắng vẫn trơ ra cái vẻ chói lói xám xịt như bị thiêu ruội từ tận đáy kênh, thì bấy giờ như cũng xanh hơn, êm dịu hơn, và cả những con người bán tào phớ, bán ché mè phủ, gánh nước thuê hay những phu kéo xe đều bớt đi cái vẻ mệt mỏi, gằn gộc trong những ngày nắng.
"Em vẫn cố gắng giữ nguyên tất cả nhỉ." Anh bảo khi cùng tôi đi dạo trong khuôn viên "Thật im ắng, có thể nghe tiếng giày giẫm lên lá. Anh nhớ trước đây, chưa từng im ắng thế này. Chắc một phần là nhờ chúng ta. Cho đến khi em Tú..."
"...."
"Em vẫn còn giữ chiếc hồ ấy?"
"Ông đã luôn đợi cậu út."
"Phải, anh còn nhớ, ông vẫn kiên trì như vậy. Cho dù khi đó, cô tư đã khóc hết nước mắt."
"..."
"Em còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, anh hay lấy xe đạp chở em đi lòng vòng trong nhà không? Chúng ta thậm chí còn chạy lên cả hành lang, chạy vào cả nhà, anh nhớ có lần còn khiến chị Hoa đánh rơi bát canh tổ yến chị ấy mang cho ông nữa."
"Em nhớ, khi đó chúng ta còn bị bác hai phạt quỳ, nhưng sau lại được ông xin tha cho."
"Bây giờ em vẫn sẽ ngồi sau lưng anh chứ?"
Và anh cười. Biết là tôi sẽ không thể từ chối được.
Anh chở tôi đi từ gian nhà chính ra đến gian nhà phụ, qua những dãy hàng lang, nơi có những cây cột đã được dựng nên bởi tổ tiên của chúng tôi, đắm mình vào làn ánh sáng mỏng manh trải dài trên những viên gạch lát đã lâu đời. Tôi không biết mình đang có cảm giác như thế nào, tất cả những gì tôi có thể cảm nhận là gió, là mùi ẩm ướt, là những chiếc lá khô kêu răng rắc mỗi khi bị bánh xe nghiền qua. Có một cảm giác xa lạ, như thể mình đang ngắm nhìn về một cuộc đời của ai đó, như thể chúng tôi đã đi qua lịch sử trải dài theo căn nhà, cùng với nỗi buồn.
"Mấy năm trước, anh có đến Tô Châu ở cùng chú út"
"Anh đã gặp cậu út?"
"Cũng đã mười năm trước. Anh nhớ một đêm tuyết kia, trời im ắng đến độ có thể nghe thấy tiếng tuyết rơi, bỗng nhiên anh lại nhớ nhà, rõ là kỳ lạ. Nơi ở của chú út cũng tương tự ở đây, cũng là theo kiểu Viện Lạc. Cái khác biệt duy nhất là ở đây có một thứ mà không nơi nào có thể có được. Anh nghĩ mãi, thì mới nhận ra là có lẽ là bởi cái hồ này"
Anh dừng lại ngay bên cạnh hồ. Đó là một cái hồ nằm ở khoảng sân sau, một miếng đất mà ông đã mua sau này, phá bỏ hoàn toàn lề lối truyền thống cũ. Thật ra, bản thân cái hồ đã là một thứ không thể chấp nhận được. Đó là một cái hồ có hình chữ khẩu, đượt lát bằng những viên gạch xanh ngọc bích và lúc nào cũng ăm ắp nước sạch. Tôi nhớ đó là vào một ngày giữa tháng tư, khi mà thời tiết nóng nực nhất, cậu út tôi đã nảy ra cái ý tưởng xây dựng một cái gọi là "hồ bơi". Cậu bảo rằng ở một đất nước có tên gọi là Huê Kỳ, người ta đã thực sự xây dựng được một thứ như vậy (2). Về sau này, tôi vẫn luôn nhớ kỹ, đó là năm 1921, cái hồ đã được khởi công mặc cho bao lời phản đối, bởi đó cũng là năm Việt Nam Sử Lược của học giả Trần Trọng Kim lần được ấn hành. Ông tôi vẫn luôn thích vị ấy, ông thường tấm tắc khen rằng chưa thấy ai còn trẻ mà đã am hiểu lịch sử đến vậy, nhưng ông vẫn không thích từ "người Khách" mà ông ấy vẫn dùng trong sách. Chúng tôi, không ai bảo ai, vẫn biết rằng ông ghét cái từ "người Khách" ấy lắm lắm, nó giống như đã vạch trần một cái sự thật rằng, dù ông có yêu mảnh đất này đến thế nào thì ông vẫn mãi mãi chỉ là khách ở cái xứ này.
"Anh nghĩ là ông còn ghét từ người Tàu hơn kia." anh đã nói với tôi vậy khi nhìn thấy ông vừa đọc sách vừa thở dài.
"Chúng ta đều ghét từ đó mà."
"Chẳng ai muốn bị đánh đồng với lũ giặc Tàu Ô ấy." Anh cười, mắt lấp lánh rồi chúng tôi cùng đi ra sân sau xem người ta xây hồ cho cậu út.
Thật ra thì ông còn ghét hơn cả những gia đình đã sống đất này từ mấy trăm năm vẫn không biết nói một chữ tiếng quốc ngữ. Về sau, tôi vẫn luôn nghĩ như vậy.
Cậu út tôi khi đó đang học lớp Đệ Tam trường Chasseloup Laubat (3), và cái hồ chính là phần thưởng của ông cho việc cậu đã thi đậu Concours.
"Ông đúng là rất thương chú út nhỉ. Em nhớ không, cô tư đã nói như vậy, lúc người ta vớt Tú lên, cô đã bảo tất cả là do ông, rằng ông chỉ biết có mỗi chú út, rằng ông chỉ thương mỗi chú út."
"Sau chuyện anh Tú, ông đã yếu đi nhiều."
Có một chuyện tôi đã chẳng kể ai nghe cả. Đôi khi, tôi thức dậy giữa đêm, vẫn nghĩ đó chỉ là một giấc mơ hay một câu chuyện tôi đã tự dựng lên. Chỉ cho đến khi tôi nói chuyện với ba, ấy là năm ngày trước khi ba qua đời.
Tôi nhớ đó là một ngày đầu năm khi mà con ngõ nhỏ dẫn đến nhà ông đã phủ mờ khói pháo và những xác giấy hồng ngập đầy lối, ba tôi ôm tôi ra trước cửa, nhìn chăm chăm vào một khoảng vô định. Tôi không nhớ lúc đó ông đã thấy gì, có lẽ là những cái bóng mờ ảo. Đó là một tuần sau khi người mẹ mạnh mẽ của tôi đã qua đời. Tôi chưa bao giờ thấy ba khóc, nhưng tôi nghĩ rằng ngay lúc đó một giọt nước đã rơi xuống má tôi. Sau đó thì tôi thấy cậu út, tôi không biết cậu ra lúc nào, cậu đi rất êm, đi êm như con mèo mướp của ông tôi, cậu đến bên cạnh ba tôi, nắm lấy tay ba và cả hai đều lặng lẽ ngắm nhìn một thứ gì đó giữa màn trắng đục ấy.
"Không ngờ là con còn nhớ, lúc đó con chỉ mới bốn tuổi." Ba tôi đã cười như vậy rồi cứ đăm đắm nhìn cây hoa Muồng Hoàng Yến đang thả từng chùm. Trong đêm đó, chẳng hiểu sao, những đóa hoa vàng kia như bừng sáng. Ba tôi đang chờ đợi, tôi đã nghĩ vậy. Chỉ không biết ông đã chờ đợi gì. Cho đến khi cậu út về, ba tôi đã đợi được đúng năm ngày.
Vào giữa cái đêm lạnh mướt của ngày thứ tư, cậu đứng trước cửa nhà, mưa thấm đẫm tóc đen, thẫm cả mắt nâu, cậu cười rồi hỏi "cậu đến kịp không?", tôi gật đầu, cậu đi sượt qua tôi, bước nhanh vào nhà, khóe môi vẫn treo một nét cười.
Xuân hồng
Có chàng tới hỏi
Em thơ
Chị đẹp em đâu?
Chị tôi tóc xõa ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội
"Anh à"
Hạ đỏ
Vẫn chàng tới hỏi
Em thơ
Chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa trắng cài đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối
"Anh à" Cậu đến bên cạnh ba tôi, giọng nhẹ như một làn khói, và cậu lại nắm lấy tay ba, rồi cả hai cùng nhìn cây hoa đang tuôn những chuỗi chuỗi vàng.
Thu biếc
Cũng chàng tới hỏi
Em thơ
Chị đẹp em đâu
Chị tôi khăn trắng ngan đầu
Đi hát tình sầu trong núi
Bỗng dưng tôi muốn khóc.
Đông xám
Lại chàng tới hỏi
Em thơ
Chị đẹp em đâu
Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã ngủ trọng lòng mộ tối
Rạng sớm hôm đó đó, ba đi. Những đóa hoa muồng hoàng yến đẫm sương trông như tuôn lệ ngàn ngàn.
"Ồng luôn bảo trông chú út rất nhàn. Ông bảo người biết nhàn mới thực sự nhàn, hồi đó ông hay đọc câu thơ gì ấy nhỉ, à, tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc, tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn. Anh nghĩ ông thích chú cũng là do đó. Nhưng có lẽ chú út không thực sự nhàn. Có một đêm kia, chú út đi tiếp khách về trễ, người nồng nặc mùi rượu nhưng chú trông vẫn rất tỉnh táo. Chú kéo anh ra trước hiên. Chú cười. Chú đọc thơ.
So lao tâm lao lực cũng một đàng
Người trần thế muốn nhàn sao được
Anh hỏi thế sao chú không dừng lại. Không dừng được, không dừng được. Chú đã bảo như vậy. Chú là một người đói, Khương à, con không hiểu được đâu, chú là một người đói, đói đã lâu lắm rồi."
"Anh biết không, sáng ba em mất, cậu út cũng không rõ đã đi đâu. Ngay hôm đó, báo đưa tin chuyến tàu từ Pháp về đây bị đắm, có tên cậu nằm trong danh sách tử nạn. Đêm đó không rõ có phải chỉ là một giấc mơ không."
"Người ở tiên cung vốn lạnh lùng
Có bao giờ bận với yêu mong
Mà tôi yêu lắm, tôi mong lắm
Nàng có bao giờ biết thế không?"
Anh cười, như cậu út đêm hôm đó, giữa cơn mưa đầu mùa lất phất bay.
Tôi nhớ ba tôi lúc ông còn, năm đó tôi vừa lên mười, ông đã mất, cậu út cũng rời nhà, các bác thì chia phe chia phái, tan tác cả. Ông để lại cái nhà cho ba tôi, trước khi mất, ông nắm chặt tay ba, nhắc đi nhắc lại mãi "nhất định không được bán nhà". Đôi mắt ông ầng ậc nước. Sau đó, ba tôi, giữa sự chì chiết của các chú bác, vẫn gồng lưng cố bám lấy căn nhà. Mỗi buổi tối, ba đều ra đứng nhìn cây hoa Muồng Hoàng Yến, cái cây hoa đó là do ba và cậu út cùng trồng, khi mà mẹ tôi đã mất. Tôi nhớ cái dáng đứng của ba giữa những đêm trùng trùng ấy. Ba tôi đã luôn chờ đợi, không phải chỉ trong năm ngày mà đã là từ mười mấy năm, cho đến khi héo rũ, tựa cây hoa Muồng Hoàng Yến những ngày hạn, trơ trụi những nhánh đen khô khốc như những con sâu.
"Vậy còn em? Em chờ đợi gì?"
"...."
"Em biết không, dượng tư cho người đánh chú năm vì tranh giành mối làm ăn. Cô tư, bác cả, cô năm, không phải cũng nhiều lần đến đây đòi em giao ra khế ước nhà. Em còn chờ đợi gì? Ngôi nhà này đã không còn là ngôi nhà của chúng ta thuở thiếu thời nữa rồi. Không, nó đã không còn nguyên vẹn từ trước khi chúng ta được sinh ra. Em còn chờ đợi gì?"
"Người nối tiếp hương hỏa."
"Em thật giống dượng ba."
"....."
Tôi nhớ lại một đêm đó, không trăng, không sao, trời có một màu đỏ tím thẫm, một cái màu nhờ nhờ nhạt nhạt phờ phạc rũ rượi, một cái màu dễ khiến người khác buồn nôn, nhưng may thay là có gió nên không khí bớt đi cái oi nồng, bỗng dưng lại có cái vẻ thanh tân lạ thường với hương hoa mai chiếu thủy nhẹ nhàng len lỏi. Anh đứng ở cửa, nhìn tôi và cười. Tôi đoán là anh vừa trở về từ một trong những nhà hàng lớn nhất ở khu này, từ một bữa tiệc với cô bạn người Pháp của anh. Đó là một cô gái đẹp, độ mười lăm mười sáu tuổi, em gái của một người bạn chung trường. Tôi nhớ lần đầu thấy cô là khi cô đến chơi nhà, hôm đó là một ngày trời xanh, xanh đến mức lạ thường kỳ dị, xanh đến mức ám ảnh, trong leo lẻo, tôi ngờ rằng cả đời mình sẽ chẳng bao giờ còn thấy được một màu xanh như vậy, và lúc đó, cô bước vào, trong bộ váy bằng lụa tơ tằm thêu những đóa hoa chìm. Tóc cô ấy vàng rượm, mềm mại mượt mà như những sợi tơ, như những sợi chỉ thêu trên áo các dì, đôi gò má ửng hồng như một trái đào cùng đôi mắt xanh lơ miên man. Tôi đã nghĩ ngay đến bức tranh cây hoa đào của một danh họa Hòa Lan mà trong một lần cùng cậu út đến nhà một người bạn, đã có dịp xem. Giữa cái nền xanh mềm nhẹ, dịu dàng, cây đào đứng đó, vương ra những cành khẳn khiu mảnh khảnh trĩu nặng những đóa hoa. Trong trẻo, rực rỡ, tươi sáng, huy hoàng. Hồn nhiên như một chú nai con.
"Van Gogh là một người tài năng. Chỉ đáng tiếc..." Lúc đó, cậu út đã nói vậy.
Thuở ấy chúng tôi hay được xem tranh, bởi ba của bạn cậu út là một người có thú sưu tầm tranh. Và người bạn ấy lại rất hiếu khách, lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp chúng tôi, tức là cậu út, ba, anh và tôi. Sau này, người bạn ấy đã biến mất rất đột ngột, không một lời từ biệt, cứ như thể cả gia đình họ đã gom tất cả tác phẩm của Monet, của Van Gogh, của Renoir vào một cái vali rồi vội vàng ra đi, để kịp chuyến đi đến những vùng đất khác.
Riêng ba tôi thì lại ưa tranh của Cézanne hơn cả, đặc biệt là những bức tranh phong cảnh. Ông bảo trông chúng yên tĩnh. Tôi đoán là có lẽ chúng gợi nhớ ông lại một buổi sáng sớm trời, khi mà cảnh vật còn đang được phủ một lớp lụa màu xám nhạt. Thậm chí, ở nhiều góc trong phòng, ánh sáng vẫn còn chưa lần mò tới được. Mọi thứ đề nhè nhẹ. Mọi âm thanh đều se sẽ, mọi màu sắc đều rụt rè. Dù có là đóa hoa lay ơn màu đỏ huyết dụ, màu hoa mà ông trôi thích nhất, cũng đều bị ám lên cái màu lặng lẽ đó. Đó là vào buổi sáng đầu tiên ông trải qua ở nhà này, ngày mùng một Tết, sau khi ba được ông đưa về, thoát khỏi cuộc sống lang thang, bệnh tật nơi lề đường, nơi gầm cầu, nơi cổng chợ.
"Anh ba lúc đó đã mười tuổi mà gầy nhom." Cậu út cười híp mắt khi nói với tôi điều đó. Về sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới nhận ra rằng cậu út đã luôn quan sát ba tôi, từ rất lâu rồi.
"Không ngủ được à?"
Anh bước đến gần hơn, nụ cười dường như sâu hơn dưới ánh sáng nhạt từ chiếc đèn trên tay anh. Đó là một chiếc đèn kiểu Pháp với chân đế bằng đồng chạm khắc tinh tế, bầu và chóa bèo nhún bằng thủy tinh đục màu vàng cam được tô vẽ bằng những bông hoa mai. Đó là quà của cô gái ấy từ một chuyến về đất mẹ.
Và khi anh chỉ còn cách tôi dăm ba bước chân, tôi có thể ngửi thấy mùi rượu nhàn nhạt. Nhưng anh có nhiều mùi, không, phải nói là chúng thấm đẫm vào anh, vào mái tóc, vào da thịt, vào đôi mắt, vào cái miệng, vào những chiếc móng trên đôi bàn tay hoàn hảo, mùi của những cây lụa tuyệt hảo, mùi của những lọ nước hoa đắt tiền, mùi của các đôi giày da được đánh sáng loáng mà người ta có thể soi thấy bóng mình trên đó, mùi của đá quý, mùi của tiền bạc, mùi của vàng. Mười bảy tuổi rưỡi, anh đã giống như một hũ mật.
Tôi đã có lần trộm nghĩ rằng, giữa đám mùi đó, đã sớm trộn lẫn mùi của đàn bà.
"Anh vừa đi gặp cô M?" Tôi gọi cô ấy như vậy chính là bởi vì anh đã luôn gọi cô ấy như vậy. Tôi không biết tên thật của cô là gì, đó vẫn luôn là một bí mật.
"Ừ, cùng với các anh trai cô ấy nữa. Và sau ấy M. bảo rằng cô ấy muốn ăn hàu, phải là loại marenne cơ, thật là một quý cô sành ăn em thấy không, phải là loại marenne chứ không được là loại portugase, loại ấy thì chỉ dành cho dân nghèo, thế là bọn anh đánh xe ra đường Catinat, M. nhất quyết vào Continetal, bởi vì Rabindranath Tagore (4) đã từng đến đây, rồi họ gọi một chai Pouilly-Fuissé, vậy mới đúng điệu" Anh nhại lại điệu bộ của họ, làm ra cái vẻ nghiêm túc có chút lố bịch tức cười.
"Và đến tiệm Source để uống và khiêu vũ?"
"Ừ, đến tiệm Source để uống và khiêu vũ." Anh lập lại lời tôi, nụ cười càng kéo dài hơn.
"Các anh đã uống gì?"
"Marterl Perrier"
"Hẳn là anh sẽ sớm gặp lại họ."
Đêm đó là đêm trước khi anh sang Pháp, để theo học một trường Thương Mại ở Paris.
Anh đứng thẳng nhìn tôi, cái ánh sáng yếu ớt vàng cam nhập nhòe chỉ đủ để soi rọi nửa bên của anh, còn nửa bên còn lại hoàn toàn chìm trong bóng tối. Trong một khoảnh khắc đó, con mắt của anh sáng một nửa, như thể nó đang vỡ, và tôi có cảm giác mình là kẻ phản bội. Rồi đột nhiên, anh nghiêng nghiêng đầu, cười cợt.
"Hẳn vậy, đều là những kẻ đàng điếm hết."
"...."
"...."
"Anh đi ngủ đi, mai còn đi sớm."
"Ừ ừ" Anh gật gật đầu, rồi bỗng nhiên, anh lại nhìn tôi. Thế là bỗng dưng, tôi lại run rẩy. Tôi không biết tại sao. Cơn run rẩy đến nhẹ nhàng như một cơn gió, nhưng tê tái lạnh lùng.
Anh bước đến gần tôi hơn, cho đến khi đã khuất khỏi ánh sáng tù mù từ ngọn đèn dầu, cho đến khi đã được bảo bọc kỹ càng giữa những cành cành lá lá, giữa những đóa hoa mai chiếu thủy dậy hương.
Chúng tôi không nhìn thấy nhau. Chúng tôi chỉ nghe hơi thở nhau. Chúng tôi chỉ chạm vào những ngón tay đã lạnh cóng của nhau.
Mắt đối mắt và tay cầm tay, môi mấp máy rồi lại thôi, chỉ hé nửa vời. Chúng tôi im lặng, tôi thấy người mình như cứng còng lại khi anh ôm tôi. Tôi muốn vùng ra, anh lại càng ôm chặt hơn.
"Đi với anh đi."
"..."
"Đi với anh đi."
"...."
"Đi với anh đi nghen."
Câu cuối anh nói như van lơn.
Đêm đó, tôi ở trong phòng anh. Chúng tôi đứng trong bóng tối, run rẩy và kiên quyết. Anh buông màn, tôi có thể cảm thấy mắt anh đang nhìn, vẫn đăm đắm nhìn. Cho đến khi đôi mắt đã quen với bóng tối, tôi có thể thấy được động tác của anh, tháo cravat, cở áo vest. Tôi chạm vào anh, tôi chạm vào chiếc áo chemise của anh, cái mùi nước hoa trộn lẫn mùi vải cotton thơm tho cuốn lấy tôi. Đó là mùi hương của anh, mùi hương sinh ra từ gốc rễ, rằng nó đã bám chặt lấy anh từ lúc vừa lọt lòng. Tôi chạm vào anh, chạm vào làn da êm ái trơn mượt, chạm vào lồng ngực, chạm vào cổ, chạm vào môi, chạm vào mắt anhm chạm vào hàng mi đang run rẩy. Anh nắm lấy cổ tay tôi, đỡ lấy lưng tôi, nhẹ nhàng đặt tôi xuống giường, chúng tôi hôn nhau. Có mùi máu. Anh khóc. Tôi khóc.
Bất chợt, anh trở nên hung hãn, anh ôm ghì tôi. Anh gọi tên tôi. Như thể một con thú bị thương, như thể một con chim khóc thống thiết trong lồng, như thể mưa những ngày giông.
Đau đớn. Đó là cảm nhận đầu tiên. Và bỏng rát. Tôi có cảm giác như mình đang ở trong lửa. Rồi ngọn lửa thay đổi, trở nên mạnh mẽ hơn, cuồng loạn hơn. Ngọn lửa cuốn chặt lấy chúng tôi. Say đắm và đau đớn.
Anh bảo chúng ta hãy trốn đi. Anh muốn đưa em đi. Chúng ta sẽ lên tàu và mất tích, biến mất hoàn toàn giữa cõi đời này.
Tôi không đáp.
Và anh cũng dần im lặng.
Chúng tôi ôm nhau thinh lặng.
Sáng khi tôi mở mắt, anh đã đi, bên gối để lại một phong thư, chỉ vỏn vẹn năm câu
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends
"Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa, trên cõi đời này" tôi đọc lại một lần nữa khi đi ra kênh Hàng Bàng, nhìn những thuyền bè tấp nập trên sông, biết là anh chỉ đang hờn dỗi. Khi cậu út vừa rời nhà, ba cũng hay ra đứng trên cầu Chà Và nhìn xuống dòng kênh. Nơi của những đám đông, nơi của những tiếng rao, hò, nơi của cuộc sống, nơi của mỗi ngày bình minh lên, và mỗi chiều hoàng hôn xuống.
Tám tháng sau, tôi nhận được thư anh.
Anh bảo bấy giờ là mùa thu, và trời buốt, buốt đến xương, buốt đến da, đó là một từ lạ, nhưng phải dùng đến từ "buốt" thì mới có thể diễn tả được điều đó, và có lẽ vì đã quen với khí hậu ở Sài Gòn mà một sáng thức dậy, có những tia máu chảy ra từ mũi anh. Anh bảo anh thích đi dạo, dù rằng trời buốt đến vậy. Anh khoác áo, bước ra khỏi nhà, ra vườn Luxembourg và ngồi xuống một cái ghế đá. Anh chờ đợi, không rõ chờ đợi cái gì, hay chờ đợi ai, chỉ đơn giản là chờ đợi. Anh nhìn những cành cây dương, những cành cây dẻ ngựa, những cành cây tiêu huyền phủ đầy lá vàng, mà sẽ sớm đổ lá, phơi ra những nhánh xương gân guốc khi mùa đông đến, và tự nghĩ rằng mình cũng là một cái cây, đã sớm chín trái sầu.
Buổi sáng trời có mưa, nếu không vì cơn lạnh, anh đã tưởng mình còn ở Sài Gòn vào cái độ mưa đầu mùa, nhưng những phố cũ, hè xưa vắng teo tắt thì thật buồn bã. Anh nghĩ mình bị bệnh, bị bệnh rất nặng. Có lẽ là đã buốt giá từ tâm.
Anh nhớ Sài Gòn, anh nhìn dòng sông Seine và nghĩ tới kênh Hàng Bàng, nhưng dĩ nhiên là dòng Seine lớn hơn kênh Hàng Bàng rất nhiều, và không có cầu Chà Và, cũng không có hai dãy cây bàng thẳng tắp hai bên kênh.
Anh bảo anh cũng gặp đồng hương, những người đồng hương sớm đã bị Paris cuốn lấy. Họ tụ tập ở những quá rượu, la cà ở những bữa tiệc, họ dậy quá muộn để kịp lên lớp, và suốt cả buổi trưa đều ngủ vùi trong da thịt trắng trẻo của những cô gái thập thành, mà họ gọi là những cô gái Paris.
Cũng may, cũng may, anh đã nghĩ như vậy, may là anh có một điều để chờ đợi, dù là trong từng giây phút chờ đợi đó đều ít nhiều buồn đau.
"Em có biết vì sao cậu ấy muốn xây cái hồ đó không?" Cuối thư, anh đã hỏi tôi như vậy.
Tôi nhớ, cái năm đó, tháng ba, trời nóng nhất từ trước đến giờ, nóng nực đến bức bối, suốt mấy tuần liền ba đều không ngủ được. Buổi tối, ba ôm tôi ra đứng ở cầu, nhìn xuống con kênh mà vừa mới sáng thôi hãy còn ồn ào những âm thanh, tiếng gọi đò, tiếng gọi xe kéo, hãy còn mùi rang lạc, mùi cây trái, mùa thảo mộc, mùi mồ hôi, mùi ánh sáng muốn bỏng da, khi đêm xuống thì chỉ còn mùi tanh tanh của nước và thoang thoảng chút mùi gió.
"Ba con luôn sợ nóng." Cậu út bảo, vào cái đêm trước khi cậu đi. Tôi đứng cùng cậu trước hồ, nhìn xuống dòng nước xanh tối om kìn kịt, đêm đó cũng là một đêm oi nồng, "khi cậu và ba con còn nhỏ, mỗi khi trời nói, ba con luôn dắt tay cậu đi ra cầu hóng mát. Lúc đó còn là cây cầu Malabars, sau này thì người Pháp mới xây cầu Chà Và." Cậu mỉm cười, nụ cười rất dịu dàng, như thể cái hồ này chính là điều tốt đẹp nhất mà cậu đã làm trong suốt hai mươi mấy năm sống ở cõi đời.
"Ba con cưới mẹ con, rước dâu bằng thuyền, ấy là ý muốn của ông, đội rước dâu đi một vòng kênh, rồi về một căn nhà phía bên kia mà ông con đã mua sẵn. Hôm rước dâu, ba con mặc bộ đồ tân lang, bông hoa đỏ trên áo đỏ đến chói mắt. Thuyền đi đến cầu Ba Cẳng, cậu đứng trên cầu, nhìn mãi, đến khi cái dải dây đỏ kia chỉ còn là một chấm nhỏ như nốt ruồi son trên mắt ba con. Hôm đó, cậu về nhà, gót chân đã tướm máu cả, cũng không biết là đã về nhà bằng cách nào. Cho đến khi chị ba... Khi nghe ông con bảo rằng ba con và con sẽ về lại nhà, cậu đã cảm thấy vui mừng. Con biết không, cậu luôn cảm thấy có lỗi với chị, nhưng mỗi khi nhớ về năm đó, vào buổi sáng mờ mịt, cậu đứng đợi mãi cho đến khi thấy ba con, hình ảnh hư ảo như khói như sương, bế con đi chầm chậm từ phía đầu ngõ, nhìn cậu và mỉm cười, mọi thứ vẫn ngọt ngào y thuở ban đầu"
Cậu út ngồi xổm, những ngón tay đan vào nhau đặt trên sống mũi, đôi mắt vẫn chằm chằm nhìn vào dòng nước lấp lánh xô đẩy méo mó ánh trăng. Tôi tưởng mình đã thấy cậu, lúc trên cầu, lúc chạy theo thuyền, cậu hãy còn nhỏ, đôi mắt, cái mũi, khuôn miệng vẫn còn nhỏ, khờ dại đến nao lòng, dưới cái nắng nóng khiến người ta mệt mỏi, giữa thứ ngôn ngữ của chúng tôi, thứ ngôn ngữ mà tôi luôn cảm thấy ồn ào, xô bồ, chói thét rất nhiều so với ngôn ngữ của người Việt, những tiếng guốc gỗ, tiếng kéo xe, tiếng xe điện leng keng, tiếng hú của hỏa xa. Và khi cậu đứng trên cầu, chiếc cầu cong cong, cậu đứng một mình, trơ thân giữa ánh nắng chói chang, nhìn thấy ba tôi, đỉnh đầu của ông và của mẹ tôi dần dần đi qua, có thể ba tôi cũng thấy cậu, có thể ông đã nhìn cậu trong giây phút, và rồi ba tôi đi qua, cũng là lúc chiếc hỏa xa hú lên tiếng còi cuối cùng của nó. Tiếng hú cất lên như thứ nước tóe ra từ một cái phễu rồi tan vào không khí, bốc hơi.
Tôi cũng thấy cậu út đêm đó, nằm trên chiếc giường của mình, trong bóng tối. Và mỗi khi có ai đi ngang qua, bóng của họ lại hắt lên cửa sổ nơi phòng cậu. Những cái bóng, những âm thanh trò chuyện về tiệc cưới hiện lên rất rõ nét. Cậu út ở đó, nơi căn phòng tối, được ngăn cách với ngoài kia bằng một bức tường mỏng, cậu út nằm đó, phơi bày mình một cách bí mật.
Tôi ngồi chờ cậu nói tiếp, nhưng cậu không nói gì cả, cứ nhìn mãi như vậy nên tôi nghĩ là có thể cậu muốn ở một mình. Và trước khi đi, tôi nghe tiếng cậu lẩm nhẩm.
"Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân"
Cậu út tôi đã cắn vào một thứ quả mọng, cả miếng ngọt lẫn miếng đắng.
Kể từ đó, đêm nào ba tôi cũng ra đứng trước hồ.
Tôi nhớ, khi còn nhỏ, có lần tôi đã hỏi cậu tại sao lại muốn xây hồ. Cậu bảo tôi rằng để dạy cho chúng tôi học bơi, bơi ở kênh như cậu hồi nhỏ thì chẳng hay chút nào, mấy chị em gái thì không chịu học, có mỗi anh, tôi và anh Tú, nhưng cậu chỉ cho phép chúng tôi xuống hồ khi có cậu. Mỗi khi đó, ba tôi cũng đi ra, có điều ba không bao giờ xuống hồ, ba luôn mặc chiếc áo vải của mình, đứng trên thành hồ nhìn chúng tôi, mỉm cười. Chuyện đó diễn ra suốt những ngày cuối tuần khi cậu út không phải đến trường cho đến một hôm anh Tú sảy chân rơi xuống hồ mà không ai biết. Và bởi vì có người bảo rằng đã thấy tôi đi cùng anh Tú nên sau khi trách móc ông, dì Tư cho rằng chính tôi đã đẩy anh xuống hồ.
"Cô Tư đã luôn ganh tỵ với em." Anh bảo vậy sau khi đưa tôi về phòng. Nguyên buổi hôm đó, anh đã ở cùng tôi suốt.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn nằm mơ, tôi thấy thuở nhỏ của mình, vào một đêm Trung Thu nào đó, tôi theo ba, cậu út và anh đi mua lồng đèn. Ba chọn cho tôi một chiếc đèn kéo quân. Rồi chúng tôi về nhà, thắp đèn lên, chiếc đèn chạy vòng quay vòng quanh, nào ngựa giấy, nào voi giấy, hắt bóng đầy lên tường nhà. Bỗng nhiên anh Tú giật phắt cây đèn của tôi và quăng nó xuống đất. Cây đèn bốc cháy phừng phừng, và anh Tú đứng đó, cười, gương mặt trẻ thơ đầy vặn vẹo đanh ác. Tôi cũng mơ thấy anh, vào một ngày trời nắng, anh mặc chiếc áo màu xanh, giống hệt chiếc áo của tôi, anh dắt tôi và Tú ra sau nhà, chúng tôi cùng chơi trốn tìm, anh Tú là người đi tìm. Tôi nấp phía sau những cái chum thả cá của ông, nín thở và chờ đợi, chỉ chừng một hai phút nhưng bỗng nhiên rất dài, rất dài. Bỗng tôi nghe giọng anh.
"Tìm thấy em rồi." Anh mỉm cười, nắm lấy tay tôi, đôi tay của anh lạnh ngắt.
"Anh Tú đâu rồi anh?"
"Anh cũng không biết nữa, anh đợi hoài mà không thấy Tú, chắc là Tú lên nhà trên rồi. Em có muốn ăn kẹo mạch nha không?"
Và tôi lại thấy anh Tú, anh nằm giữa hồ, gương mặt của anh như một con búp bê trắng sứ, xám ngắt, trương phềnh bõng bẽo như một củ khoai.
Đó luôn là lúc tôi tỉnh dậy, cảm thấy cả người ớn lạnh đến buồn nôn. Lúc nào cũng là giữa đêm, lắm lúc tôi lại có cảm giác anh Tú đang đứng đó, nơi hồ, mặc chiếc áo lụa tơ tằm mà anh ấy yêu thích nhất, đôi con ngươi vô hồn như hai viên bi thủy tinh trên làn da đã trương phềnh của mình, anh gọi tôi, anh gọi mãi, tiếng gọi thê thiết và đau đớn, tiếng gọi của anh xuyên qua những tán cây, xuyên qua những bức tường, xuyên qua những tấm rèm, anh trách tôi sao không nghe thấy tiếng anh rơi xuống nước, anh trách tôi sao không nghe tiếng anh quẫy đạp, anh trách tôi sao đã bịt mắt, đã che tai.
Ở cái hồ của cậu út, anh Tú đã chết.
Ở giữa những cái chum nuôi cá của ông, tôi đã chôn vùi bản thân mình.
Tôi nhớ vào một ngày mưa, lúc đó, tôi đang học lớp đệ tứ trường Chasseloup Laubat, còn anh đang học lớp đệ nhị trường Pétrus Ký (5), đương khi tôi đang đợi tài xế đánh xe tới đón thì thấy anh, anh cầm một cây dù đen, bước ra giữa màn mưa trắng xóa, mưa đã xối ướt đến hơn nửa ống quần.
"Về thôi em." Anh cười.
"Xe đâu anh?"
"Ở đằng kia. Chúng ta đi bộ một đoạn nào." Anh nói rồi nhẹ nghiêng một bên dù về phía tôi.
Chúng tôi đi bên cạnh nhau, im lặng, mưa vẫn rơi ào ào, nhưng không có gió mạnh, và tôi đã chắc rằng, những cái cây đang oằn mình kia là do bị trận bom mưa ném đến oằn mình. Đâu đó ở miền Bắc, nghe nói vẫn đang lâm râm nổ ra những cuộc khởi nghĩa, lớn có, nhỏ có. Cuộc bạo đồng gần với chúng tôi nhất là ở Lạng Sơn, vào năm 1921, cũng là năm mà cái hồ được xây, chúng tôi đã đón nhận cái tin đó một cách rất xa lạ, như thể chuyện đó không phải xảy ra trên đất nước chúng tôi. Sau này, tôi luôn nghĩ rằng, tuổi thơ của tôi đã sống cùng chiến tranh, chỉ là tôi đã không nhận ra mà thôi.
Anh đi rất vững, những bước chân của anh nện xuống lòng đường tung tóe nước như thể trong giày của anh vẫn mang thanh chì mà ông đã bắt chúng tôi mang khi luyện võ. Khi nhìn bờ vai cao cùng sườn mặt nghiêng nghiêng, cái mũi thanh tú của anh, tôi đã chợt nghĩ rằng sẽ không có gì có thể xô ngã anh được.
"Anh sẽ đi Pháp." Anh nói, đôi mắt vẫn đăm đắm nhìn những giọt mưa đang lao xuống trước mặt.
"Khi nào cơ?"
"Sau khi lấy bằng Tú Tài hai. Ông đã sắp xếp hết như vậy."
"Ừm"
Anh bỗng dừng lại, nghiêng đầu, cúi xuống nhìn tôi. Đôi mắt anh mênh mông, thẫm một màu. Và anh hôn tôi.
Một nụ hôn rất nhẹ, vành môi chạm lấy vành môi, những phiến môi như chảy ra mật, cuốn lấy nhau, dính chặt vào nhau, hút lấy nhau. Một nụ hôn mang cả vị của mưa.
Chúng tôi nhìn nhau trong giây lát. Rồi anh nắm lấy tay tôi.
"Anh thật muốn thành mưa."
"..."
"Nếu vậy, có thể tan biến trên môi em."
Khi lên xe, chúng tôi không ai nói với ai lời nào, chúng tôi đều mải nhìn màn mưa ngoài ô cửa. Mưa vẫn đổ ồn ã như thác nước.
Chậm rãi, từ tốn, những ngón tay tìm đến những ngón tay.
Đêm xuống, chúng tôi nằm bên nhau, như từ nhỏ đến giờ chúng tôi vẫn nằm, chỉ khác là chúng tôi không nói gì, chỉ nằm như vậy.
Anh hôn lên tóc, lên mắt, lên đôi chân mày.
Anh gọi tên tôi rất dịu dàng, cứ gọi mải miết như vậy, cứ như thể anh sẽ tiếp tục gọi cho đến khi bờ môi đã rách nát, đã tươm máu.
Tôi đã thức suốt đêm, và đến khi bình minh đến, tôi đã làm điều mà ba tôi đã luôn làm. Ba tôi mắc nợ ông, mắc nợ ngôi nhà này, và tôi cũng thế, tôi mắc nợ dì Tư, mắc nợ anh Tú. Đó là định mệnh của cả hai chúng tôi.
Vẫn nhớ đôi mắt anh lúc đó. Sao lại có thể khổ sở nhường ấy.
"Em đang nghĩ gì vậy?" Anh hỏi, thức tỉnh tôi về với thực tại.
"Một vài chuyện cũ."
Chúng tôi nhìn chăm chăm vào cái hồ, trên mặt hồ đã phủ lác đác lá khô. Cũng bởi do tình hình khó khăn vài năm gần đây, tôi đã không còn đủ tiền để thuê người hầu quét tước, chăm nom như thời ông còn. Ngoại trừ con bé Hon và một người bếp đã lớn tuổi thì cũng không còn ai khác.
"Nghe nói bác cả và ba anh cấu kết nhau, không những giành khách của tiệm vải nhà chúng ta, lại còn đi bêu xấu ba em cùng em?"
"..."
"..."
"Anh không về với bác hai sao?"
"Trước khi chú út mất, chú có lập di chúc để lại toàn bộ tài sản bên Pháp lẫn Tô Châu cho anh. Thêm nữa, anh cũng có cơ sở của riêng mình."
"..."
"Em buông được không?"
"....."
"Sang Pháp cùng anh được không?"
"Anh biết là không thể mà." Tôi cười, mắt vẫn chăm chăm nhìn anh.
Sao yêu một người lại khổ sở nhường đó?
"...."
"...."
"Này, chúng ta cùng nhảy xuống hồ không, giống như ngày xưa?" Anh hỏi.
"Chúng ta đã bao nhiêu tuổi rồi mà còn chơi trò đó?"
"Nếu em không nhảy thì thôi để anh."
"Anh định mặc nguyên âu phục mà nhảy xuống hồ sao?"
Ngay khi tôi vừa dứt lời, đã thấy anh leo lên xe đạp, tiếp đó là một cơn gió vút qua, và có tiếng anh rơi ùm xuống hồ.
"Anh không sao đó chứ?" Tôi vội chạy lại thành hồ, nhưng dưới lớp nước tối tăm, tôi chẳng nhìn thấy gì cả.
Tôi đợi, đợi, đợi, đợi anh và chiếc xe đạp trồi lên, nhưng vẫn không thấy gì. Thoáng chốc, tim tôi co rút lại, như thể có những chiếc móng tay dài nhọn bấu chặt vào nó, có phải anh đã bị thương, rằng anh cũng giống như anh Tú, sẽ nằm lại mãi mãi ở trong dòng nước này, rằng anh sẽ như anh Tú, trôi lềnh bềnh như một củ khoai, với đôi con mắt mở he hé, trơ ra những con ngươi như bi ve vô hồn.
Nghĩ thế, tôi bèn lao xuống hồ. Tôi ngụp lên ngụp xuống cố gắng tìm anh, lạ lùng là cái hồ vốn không rộng lắm nhưng giờ đây lại trông mênh mông đến vô tận, không thể nhận biết đâu là giới hạn, và cũng chẳng thấy phương hướng là chốn nào. Tôi gọi tên anh, gọi đến khản cổ, nhưng giữa bức tường gạch đã bám đầy rêu, chẳng thấy được cả vạt áo của anh, giữa dòng nước xanh lục tối đen lạnh lẽ đó, tôi hoàn toàn một mình, hoàn toàn cô độc một mình.
Đôi chúng ta, sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa, nơi cõi đời này.
..............................
"An, An, dậy đi, mơ gì mà nước mắt ràn rụa thế kia?"
Tôi nghe thấy tiếng chị Hoa gọi trong cơn chập chờn. Tiếng chị càng lúc càng gần hơn, và tôi nghĩ chắc là vía của tôi đã về, theo như các cụ hay nói, tôi ngồi nhổm dậy.
"Ơ, chị Hoa. Mấy giờ rồi ạ?" Tôi hỏi chị, mắt vẫn ngơ nhác nhìn sắc trời ngoài song đang dần chuyển thành một màu xanh đục đục.
"Sắp đến giờ cậu cả dậy rồi. Chị thấy chú mày giờ chưa dậy là chị nghi lắm, vào thấy thì y như rằng. Chú mày mơ gì mà khóc thế? Nhớ nhà đấy hửm?"
Nghe chị Hoa nói thế, tôi mới giật mình sờ lên mặt mình, đúng là trên mặt đều đầy nước.
"Em cũng không biết nữa. Chỉ nhớ là một điều gì đó buồn lắm" Tôi gãi đầu, ngại ngùng bảo chị.
"Thôi, mau đi rửa mặt súc miệng đi rồi còn lên hầu cậu. Trễ là phải đòn bây giờ"
"Cậu cả không đánh đòn bao giờ đâu"
"Phải phải, nhưng mà để cho ông bà với cô hai mà biết thì chết nhé. Nhất là cô hai đấy"
Chị Hoa nói rồi đi ra ngoài, để lại tôi một mình trong gian phòng nhỏ. Sau khi ra giếng múc nước rửa ráy xong xuôi thì nước chị Hoa nấu cũng đã sôi, tôi vội đổ nước nóng rồi pha thêm nước giếng vào cái chậu đồng, bưng lên cho cậu. Khi lên đến nơi, trong phòng cậu đã sáng ánh đèn.
"Thưa cậu"
"An đấy à? Vào đi em"
Tôi bước vào, nương theo ánh đèn tờ mờ, tôi thấy cậu đang mặc chiếc áo choàng đen, là quà từ một người bạn Pháp mang biếu, đang ngồi bên bàn viết. Chiếc kính cận của cậu loang loáng phảng chiếu ánh đèn,
"Hôm nay em muộn"
"Thưa, con ngủ quên mất"
"Không có gì đâu, tôi thuận miệng hỏi vậy thôi. Em ngồi đó đợi một lát, chờ tôi xong, em ra giúp tôi biên thơ"
Tôi ngượng ngùng, không dám ngồi xuống mà cứ đứng đấy đợi cậu. Phòng của cậu lúc nào cũng ngăn nắp sạch sẽ, với một bức bình phong có thêu hoa ngăn ra một góc nhỏ làm chỗ cho cậu vệ sinh. Tôi đợi chừng một lúc thì thấy cậu đã ra, mái tóc cậu ướt nước khiến cậu cả có một vẻ rạng rỡ hơn nhiều. Cậu nhìn tôi, hơi ngạc nhiên.
"Ơ hay, sao em không ngồi xuống? Mau mau ngồi xuống đây. Này, em ghi vào quyển này, để tôi đọc nhé"
Cậu đằng hắng một chút lấy giọng rồi bắt đầu ngâm. Giọng của cậu êm nhẹ, nghe như tiếng những đọt lá rì rào.
(Cont)
*Ghi chú:
(1) Năm Kỷ Mùi: 1679, năm Mậu Dần: 1698, năm Qúy Hợi: 1863, năm Bính Thân: 1776
(2) Hồ bơi đầu tiên bằng bê tông, tên là Deep Eddy Swimming Pool được xây dựng ở Texas năm 1915
Nguồn: http://www.swimmingpool.com/games-safety/pool-fun/fun-facts
(3) Chasseloup Laubat: được thành lập vào năm 1874 ở Sài Gòn, ban đầu chỉ hình thành bậc Tiểu Học, về sau mới có bậc Tú Tài, nay là trường Lê Qúy Đôn.
Lớp đệ tứ: lớp 9, đệ tam: lớp 10, đệ nhị: lớp 11.
(4) Rabindranath Tagore (7/5/1861 – 7/8/1941): thi hào Ấn Độ, được giải thưởng Nobel Văn Chương năm 1913, đã từng đến Sài Gòn và ngụ tại khách sạn Continental vào những năm 1911.
(5) Pétrus Ký: được thành lập vào năm 1927, nay là trường Lê Hồng Phong.
Các bài thơ được sử dụng trong truyện theo trình tự: Mòn Mỏi của Thanh Tịnh (1936), Tình Sầu của Huyền Kiêu (1938), Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ, L'adieu của Guillaume Apollinaire
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top