CHƯƠNG HAI (II)

     Sau đó, vị linh mục đã từ chối không bao giờ quay trở lại ngôi nhà cuối Ngõ Đỉnh Nóc nữa. Một vài tháng sau, nhà thờ Lutheran mở cửa lần đầu tiên.
     Yêu cầu duy nhất của thuyền trưởng là, nếu cả vùng muốn được tiếp tục trợ cấp, thì phải tổ chức lễ mừng sinh nhật Fatima vào ngày hạ chí hàng năm.
     Không ai biết phải mong đợi gì vào năm đầu tiên. Và rồi những toa xe nạm vàng chứa đầy ngọc lục bảo, hoa lồng đèn và quýt xuất hiện trên con đường đất dẫn tới Ngõ Đỉnh Nóc. Được điều khiển bởi những người đàn ông nhỏ bé đội mũ cao màu xanh nước biển bằng satin và kéo bởi những chú ngựa lùn đốm, các toa xe đều không có cửa sổ trừ toa cuối cùng. Qua cửa sổ toa xe, những người dân đang tụ tập thoáng thấy người chỉ đạo biểu diễn xiếc và cặp sinh đôi uốn dẻo từ Nova Scotia. Những tư thế tưởng chừng bất khả thi cuối cùng lại là phần được nhắc đến nhiều nhất trong cả buổi lễ mừng, kể cả sau khi có sự xuất hiện của những chú voi.
     Cứ mỗi năm qua, lễ sinh nhật lại càng được tổ chức xa hoa và hào phóng hơn: những vận động viên nhào lộn được đưa tới từ Trung Quốc khi Fatima lên mười, một người phụ nữ gypsy với bàn tay nhăn nheo và một quả cầu pha lê vào sinh nhật thứ mười một; những con hổ trắng liếm những bát kem khổng lồ khi cô bé mười hai tuổi. Ngày hạ chí nhanh chóng trở thành ngày lễ được mong đợi với nhiều phấn khích y như ngày Giáng sinh hay Mùng bốn tháng Bảy(1), với những người từ hàng dặm xa xôi đến tham gia nhảy múa quanh đám lửa trại với những bông hoa cúc trắng gài trên tóc.
     Fatima chẳng bao giờ tự mình tham gia sự kiện. Thi thoảng lại có ai đó - say mèm trong những suy tư mộng tưởng và rượu mật ong - sẽ khẳng định rằng họ thấy hình bóng chiếc áo choàng dài của cô bé đang ngồi trên mái nhà với những con chim, ngắm nhìn lễ hội với sự thích thú.
     Nhưng điều đó thật khó xảy ra.
     Và rồi một mùa xuân, vị thuyền trưởng không trở về từ chuyến đi biển. Ngày hạ chí vẫn tưng bừng với nhiều nhiệt huyết y như những năm trước, nhưng không còn bóng dáng của những chú hổ trắng, bà bói toán gypsy, hay những màn phô diễn của cặp song sinh uốn dẻo từ Nova Scotia.
     Và không ai thấy Fatima Inês trong hàng tháng trời.
     Sau này, ngày cuối cùng cô cũng được mang ra khỏi ngôi nhà được nhớ tới như ngày mà bóng tối có vẻ đen hơn, như thể có gì đó vương vấn mãi ở những nơi tối tăm. Những người hàng xóm tò mò ra đứng bên đường và nhìn Fatima Inês, chỉ mặc duy nhất chiếc váy trắng tơi tả bao phủ trong phân và lông chim, được đưa ra khỏi căn nhà cuối Ngõ Đỉnh Nóc.
     Cô gái trẻ, người có ngày sinh nhật được mọi người ăn mừng suốt chín năm qua đã không hề già đi một chút nào kể từ ngày cô tới, ngày đầu tiên khi ngón tay người thuyền trưởng cháy đỏ mỗi khi chạm vào cô.
     Đàn bồ câu - thú cưng của Fatima Inês đã tự giải thoát mình khỏi những chiếc lồng trên mái và giao phối với đám quạ gần đó. Thế hệ sau của chúng - xấu xí và mang một nửa vẻ ngoài của cả hai loài - quấy nhiễu cả vùng bằng tiếng kêu đầy ám ảnh và sự thông minh đầy phiền phức của chúng.
     Chuyện gì đã xảy ra với cô bé, không ai biết cả. Nhiều người tin rằng cô bé đã được mang tới Bệnh viện tâm thần ở Steilacoom.
     "Ôi!", những người hàng xóm bảo nhau, "Họ còn có thể làm gì khác với con bé cơ chứ?".
     Ngày hạ chí tiếp tục trở thành một ngày lễ ăn mừng của khu dân cư nhỏ ở Seattle suốt nhiều năm. Ngôi nhà tiếp tục có thêm một vài người khác tới ở - một gia đình người gypsy ở đó một mùa thu, năm 1910, và nó từng được sử dụng làm nơi gặp mặt của tăng hội Quaker một thời gian ngắn - nhưng nhìn chung, căn nhà vẫn bỏ hoang cho tới ngày ông ngoại tôi, Connor Lavender, nhìn lên bầu trời Seattle.

(1) Ngày Quốc khánh Mỹ

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top