Sóng bạc
"Bóng con thuyền vượt nghìn trùng lệ trào dâng
Lời ai kêu tan trong gió reo sóng dâng bao la
Kể từ đây mãi mãi mất nhau,
mãi mang thương đau cho mây đen giăng mờ
Để duyên ngâu chia đôi bờ tình mãi mong chờ." (*)
___
Có câu hát vọng lại từ đằng xa, lời ca nhẹ tênh mà trĩu nặng ưu tư vẳng lại cùng tiếng hải âu kêu rầu xúi bẩy hồn tôi vào cơn lao đao. Tôi thắc mắc rằng ai đang hát, vội vã quay sang nhìn thì nhận ra em gái nhỏ đứng ngay cạnh bên. Em tiễn người thân, còn tôi đi tiễn người thương. Ôi ông nhạc sĩ đã viết lên câu chuyện tình ly tan kia ơi, liệu có phải ông biết tôi sắp tiễn đưa em chăng? Em tôi mười tám xuân xanh ra khơi về miền đất lạ, ôm cả bầu trời mơ ước lên vai. Đôi bờ đại dương xanh thẳm dịu dàng đến thế mà nỡ chia duyên tôi ngăn thành hai mảnh. Buồn lắm mà miệng vẫn phải cười. Bởi sợ em ra đi không yên lòng thì ruột gan tôi cũng đâu có an nhiên.
Chẳng rõ ở trên boong tàu em có nghe thấy không mà đôi mắt hoe đỏ. Em vẫy tay cười nhưng mắt lại rưng rưng. Chiếc quần ka-ki cái áo sơ mi bạc màu theo gió nhăn nheo gợi lên cái dáng khắc khổ thuở bé thơ em giữ đến tận giờ. Ánh mặt trời ngày tàn luồn tay vào tóc em, dựa lên đôi gò má tô hồng làn da làm tôi thương biết bao nhiêu. Chiều hối hả tàn mau đuổi thời gian tiễn em ôi sao ngắn lại. Con thuyền ngó vầng dương đã lặn, vội dong buồm gấp gáp đuổi theo. Nơi vầng dương và con thuyền kia tới, người thương tôi bắt đầu chuyến đi tha hương cô đơn một mình.
Tôi tiễn bé nhỏ của tôi đi. Thế là em đi, em đi thật rồi. Con thuyền buôn cũ om rêu rẽ sóng đưa em tôi về miền đất lạ. Sóng bạc, biển xanh, còi tàu kêu mỏi. Chiếc thuyền nhỏ mờ dần giữa lòng đại dương, trở theo bóng hình thân thương nay xa mất hút. Tôi hốt hoảng gọi tên em, sợ rằng bóng em đi mãi rồi đến một ngày thành hóa thành hư vô. Tiếng gọi vang xa theo làn sóng bạc chẳng còn ai đáp lời. Ừ, thế là tôi biết tình mình cách biệt phương trời từ đây.
Em dặn tôi chờ, thì năm năm thôi chứ có nhiều nhặn đâu mà không đợi được. Nhưng lòng tôi bỗng dấy lên một linh cảm không hay, tôi sợ hãi nên chỉ biết đứng đực ra nhìn làn sóng xô bờ, muốn về mà lại bịn rịn không thôi.
Nắng mòn rỏ xuống đôi vai, khẽ bấu tay áo tôi nhủ rằng:
"Chỉ là chút mất mát ngày đưa tiễn em thôi, có gì đâu mà buồn, thôi ai ơi xin hãy về đi." Tôi gật đầu, thế nhưng lòng vẫn không yên mà thở dài với viền cát trắng. Tôi rứt ruột quay đi, bụng dạ lợn cợn trăm mối nhớ nhung tơ vò.
***
Ngày đất nước thống nhất, người ta buông nỗi kham khổ thời chiến tranh để đón về cái khổ kham ngày độc lập. Dân ta không còn phải buồn lo bom đạn mà họ buồn thương kinh tế, ai nấy đều bật dậy lo làm ăn thoát nghèo. Em và tôi cũng chẳng khác chi. Em nghe bao lời khuyên nhủ từ thiên hạ, bằng lòng đi đến một miền đất mới tìm kiếm tương lai. Nơi mà họ vẫn rót vào tai nhau là cơ hội tích cóp làm giàu. Người người đi, nhà nhà đi, biết đi là khổ là cực nhưng ở lại cũng chẳng khá hơn. Chi bằng đi học tập rồi trở lại xây dựng quê hương đất nước, thế còn có chút tương lai.
Bé nhỏ của tôi cũng đồng tình. Gia đình em lo lót vay mượn người ta đâu dăm chục triệu đồng, cho em sang bên ấy vừa học vừa làm. Mong ước ngày sau tích cóp được chút vốn chút tài về quê kinh doanh. Em tôi có chí, tuổi trẻ ham điều lớn lao, em ra khơi với cả một bầu trời ước mơ vời vợi. Còn lại tôi ở đây, ngóng đợi em từng ngày.
Bé nhỏ của tôi ngày xưa ốm lắm, em nhỏ xíu gầy nhom như chiếc kẹo dừa 500 con người ta bán ngoài hàng cóc, suốt ngày quấn quít bên chân các anh chờ dẫn đi chơi. Nhưng anh của em còn bận làm giải phóng, thế là bé nhỏ qua chơi với tôi. Tôi may mắn gia đình có chút của để, được cha mẹ nhờ người sang dạy cho kiến thức. Còn nhà em chẳng có nhiều, ba và anh đi kháng chiến để bé nhỏ lại cùng mẹ, hai mẹ con trồng rau chăm gà nuôi nhau. Tôi thương em quá nên năn nỉ xin thầy nhận cả hai, thầy cũng ưng lòng dạy không lấy em một đồng bạc nào.
Từ dạo ấy có cái nghĩa cái tình với nhau, mẹ con em đã quý còn quý tôi hơn gấp nhiều, coi gia đình tôi như ân nhân, tối ngày có cái gì ngon đều mang sang chia, sáng ngày có cái gì hay đều đem sang kể. Mẹ tôi đùa sau này hai đứa nó thương nhau thì mình cũng thành một nhà, đỡ phải chạy qua chạy lại gì cho mất công. Trời xui khiến sao mà bọn tôi thương nhau thật, nhưng thương nhau chỉ hai đứa biết chứ chẳng dám kể ai nghe, kể chi cho thiên hạ người ta gièm pha. Chao ôi cái thời dân trí còn chưa đủ đầy, táo bạo đập đi từng ấy định kiến chẳng khác nào tự mình hại thân. Bọn tôi chưa có gan làm thế!
***
Em tôi ấy luôn thích mặc quần ka-ki áo sơ mi đóng thùng. Vì chúng cho em cảm giác mình là một người trí thức thoát ly, thoát ly với cái dốt cái khổ của thời đoạn chênh vênh giữa sự đi lên và quá khứ lầm than, tội một mà thương mười. Rồi cái niềm ao ước chất chứa trong lòng mãi, mới đi làm cóp được ít tiền em đã nghe người ta bàn tới chuyện thoát ly. Bé nhỏ quyết tâm tha hương mong gặp bước ngoặt cuộc đời. Sang bên đó, một đất nước xa lắm mà tôi chưa tới bao giờ. Sáng em học trong một ngôi trường nhỏ, tối làm bán thời gian kiếm thêm tiền, vất vả biết bao.
Nhưng ngày mới sang em vui lắm, em thường viết thư kể bên đó đẹp đẽ giàu sang ra sao, rồi lại xuýt xoa đủ điều, cái gì cũng tốt cũng hay hơn bên ta, em thích ở đây hơn ở nước mình. Thế là tôi cười, tôi biết người sống trong cái khổ lâu năm như bé nhỏ dễ bị sự hào thoáng cuốn hút lắm, tôi cũng chẳng trách em vì chúng ta đều khao khát đến điều tốt hơn. Ấy là lẽ thường. Nhưng tôi chờ, vì tôi biết không có thứ gì tuyệt mỹ đến cao siêu.
Chẳng bao lâu sau, em lại nhắn thư về. Tôi không biết em khóc hay giọt mực vô tình nhòe đi vì hạt nước rơi nhưng con chữ em run run. Bé nhỏ nói em khổ lắm, ừ thì trước giờ vẫn khổ nhưng có gia đình, có người thương nó vẫn hơn đơn côi. Em than mình không gắng được, sức khỏe em yếu, không làm thêm thì lấy đâu tiền để dành, mà làm thêm thì em vất vả. Rồi lỡ đến ngày về không có gì khoe với bà con thì biết phải nói sao. Người ta lại cười chê em tha hương lâu thế mà chẳng đem được đồng nào về, em nghĩ thấy nhục nhã lắm. Tôi lại đành khuyên em, về tay không cũng đâu có sao, mình đi học là chính, có kiến thức đã mừng rồi. Em không chịu, em sợ người ta chê mình.
Từ dạo đó bé nhỏ khóc nhiều hơn, con chữ dòng thư cứ nhòe vào nhau rối màu. Em nói bên đó họ khinh em, khinh em ít học, khinh em xuất thân từ dân tộc nghèo hèn có nước da đen bẩn mà thô tục người ta kêu "hạ đẳng". Em buồn, em khổ, em nhớ tình thương của quê hương đồng bào. Em nói rằng muốn về. Em sẽ bỏ tất cả để về. Tôi nơm nớp lo sợ trong phút yếu lòng em suy nghĩ không thông, cuống quít bắt xe lên thành phố ghi thư chuyển nhanh khuyên em hết lời. Ngày đó em đồng ý sẽ kiên nhẫn hơn, tôi cũng mừng.
Thế rồi năm năm trôi qua, bé nhỏ gửi thư báo rằng:
"Em không về nữa. Anh đừng chờ."
Tôi bàng hoàng xót xa!
___
"Đêm qua anh mơ thấy em yêu đến trong mộng buồn
Dĩ vãng thoáng tới đốt cháy trái tim thương em
Khóe mắt đẫm ướt, mái tóc xõa
mới chớm ngang vai cho anh thương em ngàn đời
Anh kêu tên em qua vùng biển sóng chân trời."
Tôi là một họa sĩ vô danh, lớn lên không ôm niềm nghiệp lớn mà chỉ loanh quanh lưu những nét thơ vào trong trang trắng. Bức tranh "khởi nghiệp" của tôi vẽ bé nhỏ bên cành bằng lăng tím tháng năm, em thích bằng lăng lắm, còn tôi ưa sắc vàng sáng tươi, thế mà câu chuyện tình tôi lại chẳng tươi màu, tôi buồn biết bao.
Em không về nữa, tác phẩm ấy tôi thả vào nhà kho. Định đem vứt bỏ mà chẳng hiểu sao lại nhặt về bên giường, đi ra đi vào đều nâng niu. Bức tranh thứ hai, rồi bức tranh thứ ba, đều là em, tất cả đều là em... Muốn đem bỏ hết nhưng trái tim chẳng vừa lòng. Ngẫm kỹ lại, tôi không vứt bỏ nổi em, thôi thì chung tình lụy tình thế nào cũng được, tôi chẳng vứt bỏ nổi em đâu.
Nhiều tác phẩm sau đó chỉ là cảnh vật không người vì "nàng thơ" trong tôi đã đi vắng. Mãi tới một đêm hè, tôi mơ thấy em cầm tấm bằng mới tinh về làm giáo viên dạy trẻ, mở một quán cà phê thú nuôi như em vẫn mong chờ. Lúc tỉnh dậy đặt bút vẽ tranh, trí óc thì ngăn nhưng tim lại cứ vẽ, đến lúc xong tôi mới bật ra ngỡ ngàng: "Thế mà em không về nữa. Tôi ơi, tôi phải làm sao?". Em là nguồn cảm hứng trong tôi, nếu em không về, thứ nghệ thuật trong tôi héo hon!
Chẳng họa sĩ nào muốn nét vẽ trong tim phai màu, nên cố chấp tôi bấu víu vào một dáng hình chiết ra nơi trí óc. Ôi thứ tranh vẽ từ trong tưởng tượng, có hình đây nhưng không có linh hồn.
Chừng một năm sau, em gửi thư về. Bé nhỏ nói em còn thương tôi nhưng ngại ngần cái khổ nơi đất nước ta. Em chạy trốn kham khổ thân quen để chào đón sự sướng vui xa lạ. Mà cũng đúng, rất rất lâu nữa chúng ta cũng chưa bằng họ, nên em không muốn về. Dù nơi xa ấy có người rẻ rúng khinh thường em nhưng bé nhỏ tin chỉ cần ở đó thật lâu, mọi người sẽ quên em đến từ đâu và chào đón em như một công dân đồng bào. Em sẽ cố làm ăn đón gia đình qua đấy. Rồi rằng tôi cũng sang đi... còn không xin hãy buông tay. Nhưng đi làm sao được, tôi yêu cha mẹ, tôi yêu quê hương, tôi yêu đất nước, tôi không muốn đi! Nghĩ qua nghĩ lại, thì thôi, tôi phải để em đi.
Có lẽ bốn mươi, năm mươi năm nữa em cũng không về. Khuôn mặt bé nhỏ trong tim tôi sẽ mãi chỉ dừng lại khoảng mười chín đôi mươi trẻ trung đẹp đẽ. Trở lại bến cảng ngày tiễn em đi, tôi nghẹn một nỗi hoài niệm nhớ thương người thiếu niên có nụ cười như nắng, mãi mãi không về nơi đây. Nhìn từng con sóng nối tiếp nhau xô bờ, tôi nghĩ có lẽ đến năm lăm mươi tuổi, nếu có vẽ bé nhỏ, tôi sẽ tô màu bạc đầu lên mái tóc xanh cho em.
___Hết phần 1___
(*) trích trong bài hát Đôi Bờ
Trước khi sang phần 2 mọi người hãy dành ít thời gian nghe bài hát dưới này nhé, hay lắm đấy, bài hát mang tên "Đôi bờ".
https://youtu.be/8Zb0FbAztt4
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top