Cát trắng
Mùa hè này trời nổi nhiều cơn lộng gió, tựa như cao xanh đang ấm ức chuyện chi mà không được trải lòng. Bữa nay có ổ dông lại càng hung tợn rõ hơn, chỉ khổ người trên đường cứ chốc chốc ngẩng đầu lo ông giời giáng xuống mây mưa.
Từ lớp dạy vẽ anh giáo cọc cạch đạp xe về, nom đằng xa đã thấy người làm đồng mặc sẵn áo tơi chực chờ chạy mưa. Khối dông đen tích đặc một góc trời dọa người còn thản nhiên mấy cũng phải cuống lên trở về. Tầng cao cuồn cuộn mây xoáy thành những dải màu hết đục lại đen, ấy thế mà với tâm hồn nghệ sĩ như anh trông sao thấy nó đẹp lắm. Anh hạ vội chiếc xe đạp cũ tróc sơn từng mảng đứng đực ra nhìn, gì chứ những khoảnh khắc đẹp ngoài thiên nhiên rất quý, thấy được phải cố nhớ như in chừng nào còn vẽ lại thành tranh.
Đương nhịp tháng bảy mùa gặt, người ta phơi rơm đầy cả con đường, mắc vào nan hoa xe đạp từng cọng phất phơ nhìn thế mà cũng thơ. Gió thổi gốc dạ ngắn ngủn đứng ngơ dưới đồng đua nhau rung rinh, luống rau đằng xa trông thế đã vội liêu xiêu cả rồi. Gió xốc gió tung, lá vàng lìa cây toán loạn bay trong không khí, mỗi đứa một nơi. Anh càng xem lại càng nghĩ thấy nó đẹp, khẽ mỉm cười vu vơ.
Rồi chợt có thứ gì màu vàng xẹt qua mắt anh, anh giáo vội vã quay mặt trông theo. Ở tít tận khoảng trời chênh vênh, cánh hoa mướp vàng ươm đã theo gió bay cao, chấm vàng nhỏ tựa như nắng lạc giữa màn đen, vừa mỏng manh lại vừa tươi sáng. Anh giáo giật mình, nghĩ bụng dông đã to lắm, về thôi không lại ướt nhem. Anh nhanh chóng dắt xe ra chỗ thoáng rơm hơn mà đạp, nhưng vừa đi được vài vòng, đôi mắt bỗng bắt phải tấm thảm vàng ươm trên hiên nhà nọ, thảm hoa mướp vàng rực dày đặc đến độ những chiếc lá như bị giấu đi, chẳng còn là cánh hoa nhỏ lạc lõng mà cả một khoảng trời vàng tươi sáng ngời. Anh lỡ một nhịp đạp, chiếc xe loạng choạng may mà tấp kịp vào cây. Anh nhìn giàn hoa mướp một lần nữa, mỉm cười mà sống mũi cay cay. Anh yêu màu nắng, còn em mê đắm sắc bằng lăng ven nhà.
***
Hai chục năm trời, kinh tế bà con đi lên, lớp dạy vẽ ban đầu chỉ để cho vui chẳng mấy chốc cứ đông dần vì phụ huynh cho con đi phát triển năng khiếu. Xưa thầy không lấy tiền. Nay bà con trách thầy cống hiến mãi không chịu nhận lại, rồi nghĩ cho thầy sống bằng lương dạy vẽ ở trường trung học chẳng được bao nhiêu, nên nhất mực khuyên thầy nhận học phí cho phụ huynh họ vui. Thầy bị nói mãi đâm ngại, đành thì đóng góp tiền trang bị cho lớp thì thầy chịu, còn không thì thầy trả về. Từ dạo ấy, lớp học được đầu tư khang trang hơn mấy lần.
Bờ tường ngày xưa vốn chỉ quệt sơ qua vài lớp ve trắng, lâu ngày mọc rêu sỉn sỉn trông đến là bẩn, bây giờ bỗng hóa thành dải xanh thắm như màu đại dương. Thầy vẽ lên đó con thuyền trở khách ngả bóng xuống lòng đại dương, cánh hải âu trắng dập dờn theo cơn gió tự do ngang trời. Ngoài ô cửa sổ gỗ mới, giàn hoa mướp tỏa hương thơm nhẹ còn vẽ nên cả một khoảng bình yên. Bà con đi qua càng nhìn càng thấy ưng, thỉnh thoảng ngó vào xem đám trẻ tô vẽ, rồi thưởng thức tranh thầy treo trên giá tấm tắc mà khen.
Nhưng độ một tuần trở về đây, người ta thấy thầy cứ đứng ngồi thẫn thờ. Hỏi thì thầy bảo có chi đâu, vài ba cái nỗi lo vặt người trung niên ưu tư thôi mà. Nhưng bà con quan tâm nên đến hỏi thăm mãi, thế là người ta phát hiện lớp thầy có thêm một cậu học trò mới. Bà con bảo nhau chắc cậu chẳng liên quan đến cái tâm sự của thầy đâu nhưng cậu kỳ lạ quá nên mọi người cứ đem ra bàn tán.
Cậu thanh niên không biết ở đâu về trông rõ lạ hoắc, chao ôi đến là xinh trai, làn da trắng bóc như trứng gà, mắt nâu to tròn lấp lánh vui tươi, nhìn cái đã biết không phải dân ta. Giữa đám nhi đồng bé tí, cậu chàng to lớn nổi bật, giọng nói còn ngọng nhịu nên ai nấy đều đoán chắc người xứ lạ về đây. Ừ thì họ nói cũng đúng, nhưng lại đoán sai cậu không liên quan đến cái ưu tư của thầy. Mà họ có biết gì đâu mà đúng với chả sai, thầy cũng kệ họ.
Từ lúc cậu trẻ tới, thầy lơ mơ đoán ra vài điều. Lòng tò mò nhưng tự nghĩ thấy xót xa nên chẳng dám hỏi han, chỉ ân cần dạy học cho phải nghĩa phải tình. Thỉnh thoảng thầy đến gần, cậu trẻ quay ra cười với thầy rất gần gũi, khuôn miệng hình hộp xinh xinh nhanh nhảu hỏi thăm đủ điều, thầy muốn cười đáp lại mà lòng thấy đau nên lại thôi. Thành thử ánh mắt thầy yêu thương lắm mà trông cứ đượm buồn, đành lúng túng né đi. Gần bốn chục tuổi đầu, chính thầy cũng buồn cười mình thế mà đi sợ ánh mắt nụ cười của một thanh niên chưa lớn. Nghĩ tủi thân lại dụi dụi khóe mắt rồi bật cười ngu ngơ.
___
"Nếu xuân nào ngày trở về liệu rằng em
Còn yêu anh như khi chúng ta mới yêu thương nhau?
Ngại đôi khi bão táp đã khiến núi sông cách ngăn cho em thay lòng
Tình ly tan cho ước thề mộng cũ phai tàn .
Hai chục năm trôi đi, thầy giáo vẫn giữ thói quen ra biển ngắm hoàng hôn, cứ như một hành động lặp lại quá nhiều lần đến độ ăn sâu vào máu, trở thành điều hiển nhiên tới mức không làm sẽ bứt dứt chẳng yên. Cũng đã lâu rồi biết người ta không về nhưng vẫn ra đứng nhìn, tựa một loại phản xạ tự nhiên "rèn luyện" suốt một phần ba quãng đời. Bờ biển, bến cảng, con sóng bao năm đổi khác đi rất nhiều, nhưng khác là khác cái lớp áo hào nhoáng, còn thần thái vẫn vẹn nguyên như ngày xưa. Biển vui, biển buồn, biển nhớ nhung. Biển khóc, biển thương, biển ngậm ngùi. Trăm sắc thái của biển anh là người hiểu rõ nhất, nói sai làm sao được.
Giờ bước chân trần trên bờ cát thuở xưa, vẫn đây sự ấm nóng thiêu đốt từng gam bàn chân, mới chạm chỉ muốn rụt lại ngay nhưng lát sau đã quen dần. Bước đến gần đầu sóng, bàn chân thô dát cũng chịu dịu đi. Vô tình anh trông thấy chiếc vỏ sò bị sóng vỡ tan trôi dạt về gần bèn cúi xuống nhặt, mân mê đường nét thô sơ nguyên thủy bần thần chẳng biết nghĩ chi.
Lát sau, anh thảy chiếc vỏ đi, định trở về thì bắt gặp hai bóng dáng thân quen dập dìu đằng xa. Anh sững sờ, bàn tay hơi run rẩy bấu vào gấu áo, cố nén xúc động trào lên trong lòng để nhìn người ta bằng khuôn mặt bình thản tự nhiên. Anh không đợi người kia đi đến, cứ tiếp tục con đường mình vẫn đi, chỉ là con đường đó vô tình đã trùng với con đường của họ. Anh cúi mặt nhìn theo dấu chân tự in trên cát, thỉnh thoảng ngẩng đầu lén trông người đang đến gần, thầm đánh giá hết nông lại sâu.
Bé nhỏ của anh, ừ đúng em rồi, ngay đây trên cùng một bờ biển ngày xưa ra đi. Nói em đổi khác hay không cũng đều chính xác, bé nhỏ vẫn mặc chiếc quần ka-ki áo sơ mi đóng thùng nhưng chất vải đã cao cấp hơn xưa. Trong nét sang giàu thần thái em tựa như vẫn vậy, người ta bảo con người lớn lên trong cái nghèo vùng thôn quê, cơ cực thôn dã đã ngấm vào trong máu trở thành một phần bản chất, dù đến ngày giàu có cao sang thì chất thôn dã vẫn phảng phất trong người. Không phải anh chê em quê mùa mà đó là dấu ấn tuổi thơ quê hương in hằn lên linh hồn con người, nếu phải mất đi, vừa thương lại vừa mừng.
Bé nhỏ bước đi chân trần, tay xách đôi giày da mới cóng lấm những hột cát con. Gặp anh, em đứng lại. Em không nói gì, môi mấp máy định cất lời nhưng lại ngập ngừng mãi không thôi. Cậu bé xinh xắn bên cạnh thấy thế cố tình lảng ra chỗ khác nghịch nước, để lại hai người xưa cũ đứng trông nhau nghẹn ngào.
___Hết phần 2___
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top