CHƯƠNG 5: VẠN DẶM GIANG SƠN, XIN MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG


Trời trong xanh cao vun vút, nhành đào đã trĩu hoa như đang sà xuống ngang tầm mắt để mọi người dễ dàng ngắm nhìn vẻ đẹp của nó. Chim trên cành líu lo ríu rít từng đàn, rộn ràng như lòng người đón năm mới đến. Trẻ con chạy nhảy khắp chợ nô đùa. Đứa nào con nhà quan thì quần áo gọn lỏn sạch sẽ. Đứa nào nhà nông cơm áo đủ mặc thì áo quần lụng thụng nhưng vẫn mới tinh tươm. Dù đất nước vẫn đang bị nhòm ngó tứ phương, song, người dân vẫn mong một cái Tết ấm no sum vầy nhất. Và thế là lại một mùa xuân nữa đến rồi!

Trong cung vẫn trang hoàng tươm tất, vẫn cúng tổ tiên mâm ngũ quả, dưa hoa đủ đầy. Bánh mứt vẫn được thợ nấu làm đủ, bày biện trên một cái dĩa nào là mứt bí, mứt dừa, mứt sen, kẹo nha, thèo lèo. Từng phần được để trong cái tráp rồi phân phát cho từng cung. Tuy năm nay có chút thiệt so với mọi năm nhưng các cung vẫn vui vẻ dùng, mọi người đều hiểu cho một năm gian lao của nước nhà.

Hôm nay là ngày chầu đầu năm của năm Thiệu Bảo thứ 7, quan văn quan võ không rộn ràng như dân chúng song vẫn tươm tất hai bên, mặt mày tươi tắn với hy vọng sớm bình nước bình dân trong năm nay. Hai bên im ắng đến khi Quan gia lên triều.

"Cung chúc Quan gia năm mới bình an, xã tắc an bình yên ổn"

"Được rồi, đứng dậy cả đi, trong nhà trong cửa các khanh vẫn sung túc chứ?"

"Bẩm, trong nhà vẫn sung túc như mọi năm, tuy không nhiều nhưng vẫn vừa đủ."

Quan gia nghe xong câu ấy, lòng cũng vui vẻ hơn nhiều nên bắt đầu muốn vào việc chính.

"Vậy thì tốt, chúng ta bắt đầu buổi chầu thôi."

Các Quan bắt đầu báo cáo tình hình xã tắc. Chung quy xã tắc vẫn yên bình nhiều so với nơi biên cương, một số nơi đã bị bọn Mông Nguyên chiếm song người dân đã được di tản đến nơi an toàn. Một số hộ có con đi lính tử trận đã được an ủi hiện kim. Với Quan gia, năm mới chỉ cần nghe được dân chúng vẫn an yên thì lòng người cũng yên an theo.

"Còn biên cương thì thế nào?"

Hai chữ "biên cương" vừa được thốt lên, không khí buổi xuân cũng dần lắng xuống, không một ai còn hứng thú với mai đào quất. Hai mắt ta nhìn người, người nhìn ta, cũng chẳng biết mở miệng thế nào.

Bỗng Thái Úy bước lên trước, hai tay nắm trước mặt, người hơi cúi nói:

"Bẩm, con trai thần có viết thư báo, báo rằng Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, tình hình không được khả quan lắm, cần nghĩ kế sách lâu dài."

"Thưa, Quan gia, bọn chúng đã đưa kế sách, mong quan gia xem xét kéo dài thời gian cho quân lính và lương thảo chi viện."

Quan gia chưa kịp đáp lại, Quan thần khắp điện đã rì rầm gật đầu tán thành.

"Được rồi, được rồi, chuyện này ta sẽ suy ngẫm rồi quyết định, chậm nhất ngày mai sẽ trả lời cho các khanh. Được rồi, bãi triều!"

Sau đó là tiếng thái giám hô to "Bãi triều!" kèm theo tiếng thở dài rồi lắc đầu của mọi người. Ý thiên tử đã quyết, chỉ còn cách chờ đợi.

Đêm hôm ấy, Lý thị như ngọn đèn trước gió, chỉ cần gió mạnh một chút nữa thì đèn lập tức tắt. Bệnh tình Lý thị đi đến ngày hôm nay đã là một phần phước ông trời ban cho, vì thế, trong lòng mọi người không quá hoảng hốt, chỉ là luyến tiếc nên vội vội vàng vàng. Cả cung Nguyệt Quang rối như tơ vò, người ra kẻ vào, bếp lửa không bao giờ tắt để sắc thuốc. Quá giờ Tý, Lý thị tỉnh táo một chốc, vừa mở mắt đã muốn gặp hết các công chúa. Đêm ấy, ba vị công chúa hầu như ở cung Nguyệt Quang chăm người. Ngay cả Thiều Dương cũng được phép vào cung ngay trong đêm.

"Thúy con, con là chị, tính nết điềm đạm, nay lại yên bề gia thất. Lòng ta chẳng còn gì để bận tâm về con nữa."

Lý thị không mong gì, cả đời bà sống trong cung cấm, có chuyện đấu đá nào bà chưa kinh qua. Có mặt tối góc khuất nào mà bà chưa thấy. Có sự lạnh nhạt nào mà bà chưa cảm nhận được. Một đời người cứ tranh tranh đấu đấu tôn hơi tốn sức rồi cũng hóa tro tàn thì cần chi phải làm thế. Cứ an ổn lớn lên, gả cho một quan hầu nhỏ hay một nhà nông, cứ áo vải bình dân nuôi con nuôi cái đến hết đời thì xem như tốt số rồi. Bà âu yếm nhìn đứa con gái lớn này, lòng nhẹ hơn một chút. Chỉ còn hai đứa nhỏ, hai đứa nhỏ này là tảng đá nặng, khi nào chúng chưa yên bề gia thất lòng bà chưa nhẹ nhõm.

"...Dung, con chưa gả ra ngoài, An Tư còn bé, con hãy chở che con bé."

Ánh mắt bà thật trìu mến. Ánh mắt bà từng chứa biết bao hy vọng của ba nàng công chúa, là tất cả với các nàng khi còn bé.

"...Tư Hạ, con gái của ta, ta nói con nghe một bí mật, ta không phải mẹ ruột của con. Nhưng ta vẫn yêu thương con như chính con ruột của mình..."

Dường như nói những câu dài như thế quá khó khăn với Lý thị, bà dừng một chút, hai tay đưa lên sờ lấy khuôn mặt đầy nước mắt của Tư Hạ, ánh mắt mơ màng rồi lại tiếp tục:

"...số con khổ như mẹ con, nhưng con an tâm, ta đã hứa sẽ bảo vệ con cả đời trước mộ mẹ con, ta nói được sẽ làm được. Con không cần gả xa, hãy gả cho nhà Thái Úy, sống vui vẻ một đời là được rồi."

Rồi bà nhìn một lượt những đứa con của mình.

"Được rồi, lui cả đi, nói với Quan gia... ta muốn gặp người."

Rối bà nằm xuống quay mặt vào trong không nhìn ba công chúa lần nào nữa. Nỗi khổ tâm của người biết sắp phải xa người mình yêu thương thống khổ chẳng kém gì người ở lại.

Khi Quan gia bước vào, người hầu đỡ bà dựa trên chiếc gối tựa, hơi thở ngày một yếu nhưng bà vẫn cố gắng vì đưa con gái của bà.

"Tôi đã hứa người người đó thì phải giữ lấy lời, Quan gia hiểu cho thân già này, hãy hiểu cho sự ích kỷ của một người mẹ đi trước bỏ lại con mình. Tư Hạ có thể là một người khác."

Nói những lời cuối cùng rồi Lý thị thị tịch.

Mùa xuân đến với sự tươi mới, trái ngược với sự tươi mới là nỗi u buồn trong cung. Tiếng khóc thương vọng ra từ cung Nguyệt Quang làm người ta xé cả ruột gan. An Tư chẳng còn hơi sức nữa mà khóc. Nàng đã vắt kiệt hết bao nước mắt từ thuở lọt lòng khi Lý thị nói lời trăng trối. Giờ đây, đôi mắt vô hồn ấy cứ nhìn mãi vào cái khối gỗ hình chữ nhật kia. Nàng không chỉ đơn giản là mất đi người mẹ thứ hai của mình mà nàng đã mất đi một người yêu thương mình nhất. Nàng nhớ hồi nhỏ có một đám công chúa, tiểu thư rất thích trêu nàng, bọn họ cứ nói nàng là đồ không có mẹ. Rõ ràng là Tư Hạ có mẹ mà! Nàng ấm ức chạy về sà vào lòng Lý thị mà òa khóc, bà đã nhẹ nhàng vỗ vào tấm lưng bé bỏng của nàng rồi nói:

"Ngoan, Tư Hạ ngoan, chẳng phải mẹ ở đây sao? Bọn họ nói xạo, bọn họ trêu Tư Hạ thôi. Ngoan, không khóc con nhé!"

Bỗng dưng nàng thèm cái âu yếm đó, nàng thèm giọng nói nhẹ nhàng vỗ về mình. Nàng nhớ mẹ của nàng rồi. Trăng đã đến lúc đi xuống để dần nhường cho ánh nắng mặt trời, trong cung gõ ba hồi trống, treo khăn trắng ngay trong đêm...

Cũng trong đêm tang tóc ấy, Quan gia sắc phong cho một quý nữ trong thành làm công chúa, gửi thư cho Mông Nguyên tâu rằng gả nghĩa nữ cho Thoát Hoan.

Nhưng người chẳng ngờ răng, khi tang xong, Tư Hạ đã đến gặp người.

Hai mắt nàng đã đỏ lừ vì thức canh bàn thờ. Sắc mặt nhợt nhạt mệt mỏi vì thức hôm thức khuya lo lễ tang chu tất cho Lý thị. Trên người nàng vẫn còn mặc bộ trang phục trắng chưa thay.

"Quan gia"

Nàng cúi người tâu, giọng nàng giờ đây khàn khàn nhỏ như tiếng ruồi muỗi bay.

"Ta biết, khi thân mẫu ta sắp đi, đã gửi gắm ta cho người. Nhưng từ bé đến lớn, ta đã được gửi gắm đủ rồi. Thân là công chúa lại phải nhờ người khác làm công chúa thay ta còn ta lại được ấm êm ở kinh thành hết đời. Ta không làm được. Cho nên..."

Nàng dừng lại, hai mắt đã ửng đỏ ngẩng lên nhìn Quan gia. Trong ánh mắt ấy có sự sợ sệt lại có sự kiên định.

"...hãy gả ta đi! Hay gả ta cho tên tàn bạo ấy, ta biết tiếng bọn chúng, ta có thể giúp ích cho đất nước thay vì quý nữ kia!"

Trong chốc lát, Quan gia chẳng biết thế nào cho vẹn toàn. Người đã khuất thì khuất rồi nhưng lời hứa vẫn còn đó. Người trước mắt lại kiên định như thế. Dường như Tư Hạ hiểu được ánh mắt kia, liền cất lời không do dự.

"Quan gia không cần lo sẽ thất hứa với bề trên, chuyện này ta đã bên người ba hôm nay, ta đã thưa với người, ta tin rằng người trên cao sẽ tôn trọng ta. Ta chỉ xin một điều."

"Điều chi? Cô nhỏ cứ nói."

Tư Hạ chỉ cần hai chữ "điều chi" của Quan gia.

"Đừng nói gì với Trần Thông cả. Nếu ta không trở về, hãy lấy công lao của ta đổi một mối hôn sự thật tốt cho anh Thông."

Vạn dặm giang sơn, ta xin một đoạn cùng người đã đủ rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top