Đồng Hào Có Ma

Đây là một truyện được lấy cảm hứng từ một tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong sách ngữ văn lớp 7...

--- ĐỒNG HÀO CÓ MA ---

Đó là một chuyện xảy ra cách đây khá lâu rồi. Ngày ấy nơi tôi ở có một gia đình người Hoa chuyển đến, họ gồm hai vợ chồng và một đứa con trai tầm ba tuổi. Nghe nói là họ làm nghề thu mua tóc dài tóc rối, trước từng ở Tuyên Quang, rồi Hòa Bình, xong nay chuyển xuống Hải Dương. Gia đình người Hoa tìm thuê nhà trong các xóm, tới nhà tôi thì bà nội tôi bảo dưới nhà ngang còn trống, nếu họ muốn ở thì bà tôi cho thuê, giá tương đối cao.

Tôi lúc đó chưa ra đời, đúng hơn là bố còn chưa cả lấy mẹ, những chuyện bây giờ đều là do bố tôi kể lại. Gia đình người Hoa hầu như không ở nhà mấy. Họ đi khắp nơi hỏi mua tóc, tới lúc sẩm tối mới về, đứa con trai nhỏ để ở nhà, hai vợ chồng kia nói là có nắm sẵn cơm cho đứa trẻ khi nào ngủ dậy tự ăn. Bố tôi kể là không thấy con trai nhà ấy quấy khóc bao giờ, hai vợ chồng họ cứ hễ ra ngoài là khóa cửa nhà lại, thành thử đứa trẻ làm gì trong đấy cũng không ai biết. Nói chung là chuyện có một gia đình người Hoa như thế xuất hiện trong xóm đã khiến mọi người xôn xao, ai gặp nhà tôi cũng phải giữ lại hỏi, bàn ra tán vào không hết chuyện.

Bố tôi còn bảo là đôi vợ chồng người Hoa nói rất sõi tiếng Việt, nhưng ít khi thấy họ giao tiếp với người làng, chủ yếu là họ chỉ hỏi tên nhà nọ nhà kia, hình như có ai đã chỉ họ tới đấy mua tóc. Cứ thế độ nửa tháng, hai vợ chồng người Hoa tìm đến một nhà, ở cách xóm tôi cả chục km, mạn bô thời gì đó, người nhà đấy kể là họ vào hỏi mua tóc, nhưng không ai bán. Tưởng là hai vợ chồng ấy đi luôn, nhưng họ lại đứng nói với nhau bằng tiếng Hoa hồi lâu, xong tự nhiên bảo người nhà ấy là cái tủ búp phê trong nhà có bán không, giá bao nhiêu bọn họ cũng mua.

Lúc đó nhà người kia mới lấy làm lạ, đang yên đang lành tự nhiên lại đòi mua tủ, mà cái tủ thì cũng cũ rồi, nó là được mua lại từ một người quen trong xóm, làm bằng gụ, cánh tủ khảm hình hai cây tùng với cô gái ngồi chải tóc, nhìn không có gì là đặc sắc. Bấy giờ hai vợ chồng người Hoa mới bảo là gốc họ ở trên mạn ngược kia, cụ kị từng là phú hào địa chủ, về sau suy sụp phải bán hết đồ đạc trong nhà đi trả nợ, tới đời bọn họ thì đang đi tìm mua lại, cái tủ này đích thị là tủ của cụ kị nhà họ. Tất nhiên nhà kia không tin, nhưng giá mà hai vợ chồng người Hoa đưa ra để mua lại cái tủ đã khiến họ lập tức đồng ý, cứ hiểu là giá đó gấp ba bốn lần giá một cái tủ mới lúc bấy giờ.

Hai vợ chồng người Hoa bảo với chủ nhà là đặt trước một phần ba tiền và để lại địa chỉ nhà, họ sẽ về đấy trước để sắp xếp rồi thuê xe qua chở tủ sau, khi nào xong xuôi rồi thì trả nốt hai phần ba tiền còn lại. Trước khi về họ chỉ xin lấy hai cánh cửa tủ theo, để đảm bảo nhà bên này không bùng kèo bọn họ. Thì lúc đó dân trí chưa tân tiến như bây giờ, nghe vợ chồng kia nói bùi tai nên nhà này đồng ý ngay, họ để hai vợ chồng vào tháo cánh tủ đem ra. Phải hai người mới tháo được một cánh cửa, trông nó có vẻ nặng lắm, còn cánh kia thì nhà chủ định tháo giúp, nhưng hai vợ chồng bảo không cần, họ làm vội vàng cho xong rồi rời đi.

Nhà chủ đợi đến tối không thấy ai quay lại chở tủ thì sốt ruột, họ lần theo địa chỉ tìm đến nhà bà nội tôi, lúc hỏi về hai vợ chồng người Hoa kia, nhà tôi bảo đúng là họ thuê ở đây, nhưng hôm nay chưa thấy về. Nhà kia thuật lại câu chuyện bán tủ cho nhà tôi nghe, còn hỏi là có sợ hai người đó trốn mất không, nhà tôi khẳng định là họ còn để lại đứa con trai ở đây nên không có trốn được đâu. Nhưng chờ hồi lâu cũng không thấy họ quay lại, mấy người mới cùng xuống nhà ngang phá khóa cửa vào phòng.

Đằng sau cánh cửa tối om, nhà tôi liền mở công tắc điện, bà nội tôi vừa nhìn lập tức rú lên kinh hãi. Trong phòng trống không, ở một góc tường đặt một bàn thờ kiểu như bàn thờ thần tài, chúng tôi nhìn thấy đứa trẻ mà hai vợ chồng người Hoa gọi là con trai đang ngồi trên bàn thờ ấy. Đứa trẻ trắng toát, chân tay bị bó vào thân bằng sợi dây đỏ, có một lá bùa vàng vẽ loằng ngoằng rải từ trên đầu xuống mặt, và một cái đinh mười cắm từ xuyên qua lá bùa trên đỉnh đầu. Rõ ràng là đứa trẻ đã chết, không biết chết từ bao giờ, nhưng người nó được phủ một lớp vôi rất dày, chắc để chống phân hủy, lúc mới bật điện lên ai nhìn cũng giật mình, bố tôi kể lại mà người nổi đầy gai ốc.

Vụ này đã gây chấn động cả vùng quê nơi tôi sống suốt một thời gian dài. Trong miệng đứa trẻ đó còn ngậm một cục sâm và một cái vòng bạc, không ai biết đây là cái gì, họ sợ và không ngừng đồn thổi xung quanh nó. Tôi xin được giải thích về hai vợ chồng người Hoa kia trước, họ tới đây thực chất không phải để mua tóc dài tóc rối, mục đích chính là để tìm cái tủ búp phê kia, nó đúng là của một nhà địa chủ, nhưng là nhà địa chủ bị tịch thu ruộng đất và phân chia tài sản cho những người trong vùng, không ai biết được bí mật lại nằm ở hai cánh tủ ấy. Trong mỗi cánh tủ ước chừng phải chứa tới 10kg vàng, đó là những gì được dịch ra trên tờ giấy đặt trước bàn thờ đứa bé.

Trong giấy còn miêu tả chi tiết về cái tủ búp phê giấu vàng, và không tự nhiên mà hai vợ chồng người Hoa có được thông tin đó, tất cả đều là do đứa trẻ kia nói cho họ. Người ta gọi nó là ngải hài nhi. Hai vợ chồng người Hoa bằng cách nào đó biết được ở đây có mỏ vàng, nhưng không biết chính xác vị trí của nó, vì thế đã bắt cóc (hoặc mua) một đứa con trai ba tuổi đem tới đây, vừa để làm tin với nhà tôi, vừa để làm ngải tế. Bố tôi chỉ biết qua loa nội tình như thế, đứa trẻ sau đó được mọi người đem lên chùa cho sư thầy siêu độ, còn đôi vợ chồng người Hoa thì biệt tăm từ đó, thời bấy giờ phương tiện đại chúng không phổ biến, mọi thứ rất nhanh chìm vào quên lãng.

Đấy mới chỉ là khởi nguyên của chuyện trong nhà tôi. Sau khi đứa trẻ được đem đi, bà nội tôi thu dọn bàn thờ của nó, trong số đồ đạc ấy có một cái đĩa đặt hai đồng xu, hay người ta còn gọi là đài âm dương. Bà tôi không đem vứt đi mà giữ lấy đặt lên bàn thờ trong nhà, tôi không hiểu vì sao bà lại làm vậy, chỉ biết là nhà tôi từ đó về sau xảy ra rất nhiều chuyện kỳ lạ.

Đầu tiên là khi mẹ sinh ra tôi, mấy lần siêu âm đều là thai đôi, nhưng khi sinh lại chỉ có một mình tôi. Trong ảnh chụp siêu âm không rõ lắm, đại loại là thấy một thai nhi mờ mờ nữa, bố mẹ tôi ban đầu cũng có lo lắng, nhưng thấy tôi lớn lên bình thường thì dần yên tâm. Ngày sinh tôi bố mẹ chuyển xuống nhà ngang, không phải là căn nhà cấp bốn cũ trước đây, bố đã phá nó đi và xây lên thành nhà ba tầng, nhưng vẫn là trên nền căn nhà cũ. Bố kể là khi tôi được sáu tháng, thì có xảy ra một chuyện thế này:

Đêm hôm đấy đi ngủ, bố mẹ nằm ngoài, còn đặt tôi nằm sát tường, chăn gối chèn xung quanh người, bình thường ngày nào cũng nằm như thế. Đến nửa đêm, đột nhiên bố mẹ nghe thấy tiếng tôi khóc ré lên, lúc sờ sang thì tôi đã không còn trên giường nữa, hai người hoảng hốt bật dậy, nghe tiếng khóc là từ ngoài cửa phòng vọng vào, bố tôi vội vàng chạy ra thì thấy tôi đang nằm cạnh cầu thang. Một đứa trẻ sáu tháng làm cách nào nửa đêm rời khỏi giường bò ra ngoài như vậy được? Bố mẹ tôi sợ là chuyện này có liên quan đến vụ ngải hài nhi trong quá khứ, hôm sau mới đem chuyện đó kể với bà nội, muốn xin bà cho mời thầy về xem.

Bà tôi gạt đi. Bố kể từ khi sinh tôi, bà không bế tôi lần nào, bố mẹ ở với bà nhưng không chung nhà, bố mẹ ở nhà ngang, còn bà thì ở nhà trên, hay còn là nhà thờ của gia đình tôi. Bà nội bảo để bà làm lễ khấn các cụ giải vía cho tôi, lúc bà xin đài âm dương có gõ vào cạnh đĩa một cái, xong tung hai đồng xu lên, “coong coong” mấy tiếng tiền rơi lên mặt đĩa, tôi đang ngủ trong lòng mẹ mà đột nhiên giật bắn mình, rồi cứ thế khóc không dỗ được. Từ sau đó bà tôi cấm người trong nhà được nhắc đến thầy cúng, nếu không có việc gì thì cũng không được vào nhà thờ này.

Tới khi tôi biết chạy, mẹ gửi tôi cho bà nội trông để đi làm. Có một lần, mẹ ở công ty về có lên nhà bà đón tôi, nhìn khắp gian thờ không thấy bà đâu, chỉ thấy tôi ngồi quay lưng trên sập cạnh giường thờ. Mẹ gọi tôi mấy câu mà không thấy tôi thưa, nghĩ tôi đang mải chơi nên để tôi ngồi đó mà chạy đi nấu cơm. Vừa nấu xong thì ngoài sân có tiếng mở cổng, mẹ thấy bà dắt tay tôi từ ngoài cổng vào. Lúc đó mẹ có hơi ngờ ngợ, hỏi bà vừa đi đâu về, bà bảo dắt tôi ra đầu làng xem người ta tát ao. Người ta tát ao từ chiều, thế tức là tôi đi ra ngoài tới giờ mới về, vậy đứa trẻ nào ở trong nhà thờ?

Mẹ tái mặt đón lấy tôi, nhìn bà mở cửa đi lên nhà trên, vừa ngó vào mẹ liền sững người, chỗ mà vừa rồi mẹ thấy tôi ngồi, giờ ở đó có cái đài âm dương. Từ lúc đấy mẹ quyết định gửi tôi đi mẫu giáo thay vì để ở nhà cho bà trông, mẹ có nói với bố về chuyện kia, rồi ngỏ ý xin bố cho đi xem bói. Bố bảo mẹ làm gì thì làm, đừng để bà biết là được. Tầm hai tháng sau mẹ đưa tôi đến nhà thầy bói, lúc đó tôi mới được bốn tuổi nên không nhớ thầy bói đã nói gì, mẹ chỉ kể là tôi có vong sinh đôi theo, nó trú trong nhà, muốn bắt được nó thì phải làm lễ các kiểu.

Nhưng chưa kịp hành động thì mẹ tôi đã bị bà mắng cho một trận té tát, tức là bà biết được mẹ đi xem bói, còn biết mẹ chuẩn bị làm lễ cho tôi. Bả bảo mẹ định hại bà, hại cháu bà, xong cấm mẹ được lên nhà thờ, còn đuổi mẹ muốn đi đâu thì đi. Mẹ ức quá mới bế tôi về ngoại, tiện thể làm luôn lễ cho tôi ở bên đó, và mãi một tuần sau bố mới xuống đón mẹ con tôi về. Bố cũng không rõ sao bà biết chuyện mẹ đi xem bói, vì toàn thấy bà đóng cửa trong nhà thờ, suốt ngày nghe thấy tiếng xin đài âm dương “coong coong” vọng ra.

Bẵng đi một thời gian, lúc mà tôi bắt đầu có ý thức và nhớ được vài chuyện, có một lần đang ngồi chơi ở ngoài hiên, tự nhiên trong nhà trên vọng ra tiếng “coong coong”, tôi dù đã quen nhưng vẫn giật mình nhìn lên. Bất thình lình có một bóng trắng chạy vụt qua trước mặt tôi, nó lướt rất nhanh, hình dáng giống một đứa trẻ, trắng mờ mờ, chạy từ trong nhà tôi lên nhà trên. Nhanh đến mức tôi chỉ thấy nó bước qua cửa rồi biến mất, không nhớ là tôi có sợ hay không, chỉ biết là cái bóng trắng đó ám ảnh tôi đến bây giờ, dù mọi chuyện đã kết thúc rồi nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng “coong coong” là tôi lại liên tưởng đến nó.

Năm sau đó bà nội tôi ốm một trận, sức khỏe giảm sút đáng kể, tôi không hiểu sao nhiều lúc bà lại nhầm tôi với một ai đó, người mà bà gọi là cậu Quý. Nhất là một lần, bà dắt tôi đi sang nhà hàng xóm chơi, lúc về bà mới nhìn tôi hỏi, cậu Quý có thích ăn thịt gà không? Tôi không biết cậu Quý là ai, nhưng tôi thích ăn thịt gà nên liền gật đầu. Thế là hôm sau bà bảo mẹ đi chợ mua con gà về thịt, sau đó đem lên bàn thờ thắp hương. Bà còn khấn lầm rầm trước bàn thờ như là gọi cậu Quý kia về hưởng lễ, xong lại xin ba đài âm dương, mỗi lần đều được một sấp một ngửa, bà thấy thế thì mừng lắm, nói:

- Cậu cười rồi, cậu cười rồi.

Năm tôi lên bảy, bà nội trở đau nặng, hầu như mọi sinh hoạt đều phải làm trên giường hết, mẹ tôi phải lên ngủ ở nhà trên để chăm bà. Mẹ kể, nhiều đêm đang ngủ bà lại nhỏm dậy, mẹ nằm ở giường đối diện chạy sang hỏi bà muốn làm gì để mẹ giúp, nhưng không thấy bà trả lời, tay bà lần mò sang giường thờ, với lấy cái đài âm dương, bà gõ một cái vào thành đĩa rồi tung hai đồng xu lên. “coong coong”. Miệng bà lầm rầm cái gì đấy không rõ, có khi còn cười thành tiếng, xong bà lại từ nằm xuống ngủ tiếp.

Mẹ tôi đâm ra sợ nên có kể cho bố nghe, bố bảo hay là lựa lúc nào bà không để ý thì đánh tráo cái đài âm dương đó đi. Vài hồm sau mẹ làm thật, đài âm dương cũ mẹ bọc vào túi đem ra ao vứt, lúc về không hiểu sao mẹ thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Đêm hôm đó bà vẫn dậy như bình thường, nhưng sau khi xin đài âm dương xong không thấy bà lầm rầm gì nữa. Từ hôm đó trở đi bà không còn dậy đêm, ban ngày có vẻ tỉnh táo hơn, da dẻ cũng hồng hào hẳn lên.

Mấy ngày đó tôi hay nằm mơ, lần thì thấy mình ở trong ngôi nhà cũ, bên cạnh có hai người không rõ mặt mũi, họ nói tiếng gì tôi nghe không hiểu, xong mọi thứ tối om lại. Có hôm tôi mơ thấy bà nội ngồi trước mặt, bà gọi tôi là cậu Quý, trong mơ mà tôi vẫn văng vẳng bên tai tiếng xin đài âm dương, “coong coong”. Lần cuối tôi mơ, là thấy bà dắt tay “tôi” đi qua cầu ao, tôi cũng không rõ vì sao lại thấy cả mình trong mơ, cứ thế tới khi không thấy bà đâu nữa thì tôi tỉnh dậy.

Hôm đó trời nắng ráo, bà nội đã dứt cơn bệnh, mấy ngày trước bà còn có thể đi lại trong nhà được, bố mẹ tôi thấy thế nên yên lòng lắm. Bà bảo muốn sang hàng xóm chơi, tôi đang ở trường học nên mẹ định dìu bà đi, bà gắt lên không cần, xong tự chống gậy đi ra cổng. Mấy tiếng sau chợt có người vừa chạy vừa hô hoán từ cổng vào, bà nội tôi bị ngã xuống ao, nhà tôi ra đến nơi thì người ta đã vớt bà lên, nhưng không cứu kịp.

Từ đó tới nay nhà tôi không gặp chuyện gì kì lạ nữa, cả cái vong sinh đôi trước đây theo tôi cũng biến mất. Nhưng có điều này tôi vẫn nghĩ mãi, là vào hôm một trăm ngày của bà tôi, thầy cúng có chiêu được hồn bà về, nhưng bà không nhập vào ai cả, thầy chỉ thuật lại lời bà, nói rằng:

- Bà chỉ có một thằng cháu, và mẹ nó đã hại nó chết dưới ao.

Tác giả: Tống Ngọc

#lir

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top