DOANH NHAN CHIA SE

1. Nữ doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm thương trường

Nhân kỷ niệm 3 năm Ngày doanh nhân Việt Nam, sáng ngày 10/10, Nhà văn hóa Phụ nữ tổ chức buổi Tọa đàm "Những thử thách của Doanh nhân Việt Nam khi tiến vào hội nhập". Đây là dịp để những nữ doanh nhân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau, đồng thời tạo điều kiện giúp cho công chúng trẻ có những bài học thực tế trong kinh doanh.

Đối với các chị, có được thành công như ngày hôm nay không phải là chuyện dễ dàng, "phải trằn trọc suy nghĩ cả đêm" như chị Đào Thu Hồng - Giám đốc Công ty Mật Ong để tìm ra cách bán thật nhiều hàng trong một đợt tham gia hội chợ triển lãm. Chị Thu Hồng nói: "Tôi thấy những gian hàng khác sao mà hoành tráng, rực rỡ thế, trong khi nhìn lại gian hàng mình thấy ngậm ngùi...". Vậy mà chị đã nghĩ cách làm liều, đánh vài vòng "tiếp thị" quanh các gian hàng với trang phục Á Đông để gây sự chú ý từ phía khách tham quan. Thật may cho chị, không những bán hết số hàng có sẵn mà còn nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, đến nỗi công ty chị cứ sợ thiếu hàng để giao cho đối tác. Chị từ tốn: "Nói ra điều này không phải để khoe với các bạn trẻ mà tôi kể để các bạn thấy rằng, để thành công trong kinh doanh không phải là đơn giản, đôi khi chính cả sếp và lính cùng thức thâu đêm để làm hàng cho kịp".

Đã là doanh nhân phải có niềm đam mê và thể hiện trách nhiệm cao, nhất là đối với những đơn vị sản xuất phải có sự chuẩn bị khá kỹ, tìm được mặt bằng tốt là chưa đủ mà cần thêm một đội ngũ nhân viên tay nghề thuần thục, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Bởi chị Lê Thanh Nguyên - Giám đốc Công ty Cophaco cho rằng: "Đã bước vào hội nhập thì chữ tín càng đặt nặng trong kinh doanh, chữ tín thể hiện ở giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương thức thanh toán và thời hạn giao hàng". Xưa nay, theo cách kinh doanh truyền thống thường xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán, có những đơn vị đã rơi vào trường hợp dỡ khóc dỡ cười, đến thời hạn giao hàng mà hàng hóa không đủ để giao.

Bước vào hội nhập mà cứ đà này thì không tồn tại được, chị Nguyễn Thị Tranh - Phó Tổng giám đốc Liên hiệp các Hợp tác xã Saigon Co.op nói: "Chúng ta có nhiều cơ hội nhưng không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta phải cạnh tranh với toàn cầu, với dân số 6 tỷ người". Bản thân Saigon Co.op cũng phải có sự chuẩn bị, tập trung tái cấu trúc kinh doanh, thành lập Công ty CP Đầu tư Saigon Co.op để huy động nguồn vốn, phát triển thêm chuỗi siêu thị từ 17 siêu thị năm 2006 lên 24 siêu thị (tính đến tháng 9/2007), đưa doanh thu lên 3.000 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.

Những việc các chị đã làm, đã cống hiến cho gia đình và xã hội có nói hoài nói mãi cũng chưa cạn, chúng ta nên dành cho các chị những lời động viên để các chị hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của một người phụ nữ "giỏi việc nước đảm việc nhà". Tuy, cũng có đôi khi các chị có chùn chân vì trách nhiệm chồng - con, nhưng với lòng nhiệt huyết không những trong kinh doanh mà cả công tác xã hội. "Tôi cứ đi mang niềm vui đến cho những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh để thấy lòng mình thanh thản khi đêm về. Dẫu rằng, bù lại tôi phải thức khuya để làm việc tôi vẫn thấy vui". Chị Thanh Nguyên tâm sự.

Mong sao những chia sẻ của chị Bùi Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Công ty Mỹ thuật Xây dựng Dịch vụ Thanh Sơn khi dành cho các chị một khung cảnh ấm cúng, sâu lắng, để các chị được thư giãn với hương thơm Trà Đạo vào những ngày cuối tuần.

________________________________________

2. PROSCO với - Nữ doanh nhân - Những tâm sự và chia sẻ với công việc & cuộc sống

Gala là một diễn đàn ấm cúng, mà ở đó, những người phụ nữ đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn, những kinh nghiệm, những bài bài học quí giá trong công việc cũng như đời sống cá nhân.

Tại Gala Nữ doanh nhân & Cuộc sống diễn ra ngày 04/3/2007 do Công ty PROSCO phối hợp với Mạng lưới Nữ doanh nhân Hà Nội (HNEW) tổ chức tại khách sạn Bảo Sơn, đã có rất nhiều khách mời đặc biệt, như Phó Thủ tướng Vũ Khoan, bà Phạm Chi Lan, nguyên đại sứ Việt Nam tại Canada - bà Nguyễn Thị Hồi, và đông đảo các nữ doanh nhân thành đạt trong mạng lưới của HNEW...

Gala là một diễn đàn ấm cúng, mà ở đó, những người phụ nữ đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn, những kinh nghiệm, những bài bài học quí giá trong công việc cũng như đời sống cá nhân. Qua diễn đàn, mọi người càng gắn bó với nhau hơn, cùng nhau vươn tới mục tiêu Hạnh phúc, được Tôn trọng và Thành đạt.

Kinh nghiệm cân bằng công việc và cuộc sống

Trên vai người phụ nữ luôn mang một gánh nặng, mà một đầu là công việc, một đầu là thiên chức người phụ nữ - vì gia đình. Và trong đời sống hàng ngày, không khỏi có những lúc gánh nặng đó không được cân bằng, mà đối với các nữ doanh nhân, nó sẽ nghiêng hẳn về phía công việc. Lúc ấy, để giữ được thăng bằng là một điều rất khó. Nhưng, chúng ta hãy cùng nghe "người trong cuộc" chia sẻ nhé!

Chị Vũ Thị Thoa - GĐ Cty Xa lộ 4:

Tôi cũng xin chia sẻ kinh nghiệm này, bởi việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống rất là quan trọng. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, công việc không chờ mình, đối tác không chờ mình, vì thế đôi khi sự mất cân bằng có thể xẩy ra đối với tôi. Vậy nên chồng và các con cũng phải rất thông cảm. Các con thì phải thương mẹ, còn bố thì không cần thương mẹ, chỉ cần yêu mẹ thôi. Đó chính là điều giúp tôi có thể cân bằng trong công việc. Có những bữa tối mẹ công về ăn tối, mấy bố con gọi bánh pizza về ăn, vì chắc là bố nấu không ngon. Chính vì thế mà tôi luôn cố gắng để về ăn tối. Tôi thấy bữa tối rất quan trọng, như là lúc để mình nạp năng lượng và như 1 sự thư giãn

Chị Phạm Thị Loan - TGĐ Tập đoàn Việt Á:

Tôi thấy phụ nữ Việt Nam của chúng ta luôn xếp gia đình đầu tiên rồi đến xã hội. Đối với 1 doanh nhân, việc cân bằng giữa cuộc sống và gia đình là rất khó khăn. Vì đã là 1 doanh nhân thì phải lo công việc, đối ngoại, trách nhiệm xã hội, phải lo toan rất nhiều vấn đề của doanh nghiệp. Tôi thì xác định được tầm quan trọng cũng như giá trị của mỗi 1 lĩnh vực. Đối với gia đình tôi xác định gia đình là nền tảng, là căn cứ địa, là chỗ dựa quan trọng đối với mỗi 1 con người. Do vậy, phải xây dựng gia đình hạnh phúc trở thành hậu phương vững chắc cho ta. Muốn như vậy thì ta phải làm thế nào đấy để cân bằng được cuộc sống, tổ chức được cuộc sống gia đình thật tốt, tổ chức được hoạt động của công ty cũng thật là tốt.

Với tôi, cũng có lúc bị mất cân bằng. Chẳng hạn như 30 Tết, tôi phải lo cho cán bộ công nhân viên... nên vẫn chưa mua sắm được cho gia đình. Chồng tôi rất giận và đã có lần giẫn dỗi bỏ đi. Thực sự tôi rất là buồn vì mình phải lo toan công việc rất nặng nề. Nhưng lúc ấy, tôi cũng chỉ nói 1 câu nhẹ nhàng thôi - "anh ơi, đón giao thừa một mình ở nhà thì buồn lắm", và 15 phút sau anh lại quay về. Sau đó tôi phải chia sẻ và tâm sự rồi dần dần cũng đưa anh vào cuộc (công việc) để anh hiểu công việc cũng như trọng trách đối với xã hội, và trách nhiệm đến cùng đối với mọi người. Và sau đó thì không còn chuyện anh bỏ đi xẩy ra nữa, anh rất thông cảm và giúp đỡ. Quan trọng trong cuộc sống là phải chia sẻ để người khác hiểu.

Còn lời khuyên của người với 40 năm hết mình vì công việc thì sao? Hãy cùng đến với lời chia sẻ của người phụ nữ bé nhỏ mà quyết đoán - Bà Phạm Chi Lan: Tôi xin chia sẻ với những điều các chị vừa nói. Trải qua hơn 40 năm làm việc thì tôi vô cùng thấm thía 1 điều là mỗi phụ nữ chúng ta đều có 1 cái gánh rất nặng trên vai - 1 bên là công việc, 1 bên là gia đình. Thực ra đó không chỉ là gánh nặng riêng với nữ doanh nhân. Đối với phụ nữ nói chung, đã đi làm việc là phải có trách nhiệm với công việc. Và muốn công việc thành công, muốn bắt kịp với đồng nghiệp nam giới thì phải cố gắng rất nhiều, đầu tư rất nhiều cho công việc.

Tôi thấy phụ nữ Việt Nam ai cũng vậy, không ai như phụ nữ ở một số nước phương Tây là không bao giờ từ bỏ gia đình hoặc đặt gia đình ở vị trí thấp nhất để tập trung cho công việc, cho sự thành đạt của riêng mình, đó là điểm đáng quí.

Tuy nhiên, sự mất cân bằng cục bộ luôn luôn có thể xẩy ra. Điều quan trọng là phải tìm ra được thời điểm mất cân bằng để giải quyết sự cục bộ đó. Đôi khi công việc khó khăn, vất vả quá, đòi hỏi phải hy sinh bớt công việc gia đình để tập trung vào công việc. Và quan trọng là phải khắc phục sớm được tình trạng cục bộ đó và không để nó xẩy ra quá thường xuyên.

Theo kinh nghiệm của tôi, thì phải tìm ra được chỗ dựa quan trọng cho bản thân mình. Thứ nhất là gia đình - chính gia đình chứ không phải ai khác luôn luôn là chỗ dựa cho mình ngay cả trong công việc. Gia đình luôn là nơi có tình thương lớn nhất dành cho mình, sự vị tha, bao dung lớn nhất dành cho mình; thứ hai là đồng nghiệp - đồng nghiệp với nhau thì bao giờ cũng phải có 1 tập thể, 1 cộng đồng để làm việc; thứ ba là bạn bè - bạn bè không bao giờ có thể thiếu được trong cuộc sống của mình. Khi có 3 chỗ dựa như vậy, chúng ta có thể sẵn sàng tự tin đi ra biển lớn.

Tôi rất đồng cảm với chị em về những vất vả khó khăn trong công việc. Thực ra cái mất của chị em cũng ở nhiều khía cạnh lắm. Chẳng hạn, nếu mình có nhiều thời gian hơn thì có thể mình sẽ được tham gia vui chơi, thoả mãn những sở thích của mình, như nghe nhạc, đọc sách, du lịch... Nhiều khi chị em mình phải nhường nhịn cái đó để có nhiều thời gian cho công việc; Rồi chuyện con cái cũng vậy, đôi khi người mẹ sẵn sàng mất 1 số thứ để lo cho con học hành thi cử...Thì đó là những điều có thể mất. Nhưng quan trọng là làm sao để không bị mất quá nhiều, mà quan trọng không bao giờ được để mất, đó là gia đình.

Người phụ nữ phải tự tin ở chính mình, phải tin rằng những cái mình đã mất thì sau này mình có thể mình sẽ lấy lại được. Phụ nữ không bao giờ được mất niềm tin ở chính mình, ở cuộc sống và ở những người xung quanh mình. Lúc nào cũng phải tin là mình không cô đơn, dù làm doanh nhân đôi khi rất cô đơn. Nhưng phải luôn tin rằng bên cạnh mình, xung quanh mình luôn có người sẵn sàng hỗ trợ mình, chìa tay ra cho mình.

Nếu như có niềm tin như vậy, tôi tin rằng cái cảm giác mất mát sẽ giảm đi rất nhiều.

Để đạt tới thành công nhanh nhất...

Để thành đạt, những nữ doanh nhân của chúng ta đã phải trải qua rất nhiều thử thách, sự miệt mài học hỏi, những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong suốt quá trình làm việc. Vậy, ngoài yếu tố tri thức, năng lực chuyên môn, thì văn hoá và phong thái giao tiếp chiếm bao nhiêu % sự thành đạt trong công việc của nữ doanh nhân?

Chị Nguyễn Hồng Mai - Tổng Giám đốc công ty CP Hồng Phát:

Theo tôi, cùng với thời gian, qua những năm tháng, tất cả những chị em làm doanh nghiệp đã có thời gian thử thách, đó cũng chính là thời gian để học tập và khẳng định mình, trau dồi sự tự tin, kiến thức và cách thức giao tiếp.

Tất cả các doanh nhân thành đạt ngồi đây, là đã được rèn luyện, đã trưởng thành, rèn luyện sự tự tin trước đám đông và trước các đối tác của mình. Để đạt được điều đó, thì ngoài sự rút kinh nghiệm của bản thân, rút kinh nghiệm từ những lần giao tiếp - mỗi 1 lần là ta có thể đúc rút được kinh nghiệm để những lần sau được tốt hơn, được hoàn thiện hơn.

Có câu "không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp" - tôi nghĩ đó rất quan trọng cho tất cả các nữ doanh nhân của chúng ta ngồi đây, đặc biệt là những nữ doanh nhân trẻ, có những thế mạnh về tuổi trẻ, văn hoá về giao tiếp...

Tôi nghĩ là hạn chế của nữ doanh nhân hay các doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề ngôn ngữ, đó là điều chúng ta phải tìm hiểu, kể các những doanh nghiệp đã thành đạt trên thương trường. Các doanh nghiệp trẻ, các nữ doanh nhân trẻ, hơn bao giờ hết, chúng ta phải trau dồi về ngôn ngữ. Khi tham gia vào hội nhập thì phải biết ngoại ngữ, biết càng nhiều ngoại ngữ càng tốt, như vậy chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được cơ hội để vươn ra thế giới, mang lại hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam đến với thế giới, mang lại chất lượng doanh nghiệp Việt Nam so với thế giới. Đó là điều chúng ta cần phải có để tránh sự thiếu tự tin trong tương lai.

Với 35 năm làm công tác ngoại giao, và nhiều năm làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới, theo bà Nguyễn Thị Hồi thì: Làm thế nào để có văn hoá ứng xử và phong thái giao tiếp là 1 vấn đề lớn. Cá nhân tôi cũng thấy cái đó là phải học rất nhiều, và là cái mà chúng ta phải nên trau dồi. Có rất nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tôi chỉ xin chia sẻ 1 vấn đề như chị Chi Lan đã nói, đó là sự tự tin, đó là nhân tố rất quan trọng. Nhưng để có sự tự tin ấy thì phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố - 1 là ngoài hình thể xinh đẹp và ăn mặc sang trọng thì mình làm nghề nghiệp nào phải thành thạo nghề nghiệp đó, thì đó mới là cơ sở để mình tự tin. Mình không thể tự tin khi mình không hiểu được công việc của mình, không hiểu mình đang làm gì. Cái quan trọng là mình phải trả lời được 3 chữ W - mình là ai? mình làm gì? và mình đang ở đâu? Cái nó giông giống với tổng kết Á Đông của chúng ta là hiểu mình và hiểu người thì trăm trận trăm thắng. Cơ bản là chúng ta có tự tin rồi và tự tin đó được xây dựng tren cơ sở, nền móng vững chắc đó là trí tuệ, sự hiểu biết của mình về công việc của mình, và nếu là đại diện cho đất nước của mình thì phải hiểu đất nước của mình. Và sự tự tin của mình ở chỗ phải hiểu cái mạnh cái yếu của đối tác ra sao. Khi có được sự tự tin ấy, tôi tin chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong muốn.

Và tình cảm với HNEW...

Chị Đoàn Hữu Nghị - Tổng Giám đốc tập đoàn Hiệp Hưng: Mạng lưới Nữ Doanh nhân Hà Nội (HNEW) là mái nhà đầy tình yêu thương của các nữ doanh nhân. Ở đây, chị em nói chung và chị nói riêng có thể nhân lên những niễm vui, hạnh phúc trong gia đình, thành đạt trong kinh doanh và giảm đi những mất mát, buồn tủi, cô đơn... mà chị em nữ doanh nhân trên con đường sự nghiệp của mình không may phải đối mặt. Qua đó gắn kết với nhau như chị em gái, cùng tôn trọng, chia sẻ với nhau không có hàng rào về tuổi tác, lĩnh vực kinh doanh...

HNEW thực sự trở thành 1 mái ấm nữa cho toàn thể chị em doanh nhân ngoài mái ấm gia đình và công việc riêng của từng chị. Nói dại, có vấn đề gì của từng cá nhân các chị vẫn còn nơi đến với nhau, nương tựa vào nhau, đặc biệt những lúc khó khăn. Do vậy, HNEW thực sự là nền tảng bền vững cho 1 cộng đồng doanh nhân nữ vừa thanh lịch - dịu hiền, vừa trí tuệ - sáng tạo.

Để vừa có thời gian cho công việc, vừa có thời gian cho gia đình, bí quyết của chị là hy sinh 1 cách toàn diện bản thân mình cho gia đình, công việc và cộng đồng. Học và phấn đấu không ngừng vì sự bình đẳng thật sự của phụ nữ. Có vẻ là rất vô lý phải không? Nhưng thực sự đấy là bí quyết để chị có ngày hôm nay: 1 ông chồng yêu thương vợ và 2 đứa con ngoan, công việc thì cũng bình thường nhưng lúc nào chị cũng cảm thấy đó là mình quá may mắn rồi, không ước mong gì hơn. Ngoài ra chị còn HNEW nữa, quá đủ, nhỉ! (hihi)

Về quan điểm làm việc, từ khi ra trường, đi làm chị luôn tâm niệm: vui vẻ làm việc, hưởng thụ cuộc sống, thân thiện, cởi mở thì ta sẽ có tất cả. Sau khi làm lãnh đạo mấy chục năm thì toàn thể cán bộ, nhân viên của công ty chị, tất cả mọi người cũng cùng nhau theo quan điểm này. Gần đây, mọi người trong công ty cùng bàn nhau và phấn đấu thêm vào: tính văn hoá.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn & Truyền thông chuyên nghiệp PROSCO - đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị và tổ chức sự kiện. Con đường dẫn tôi đến với nghiệp kinh doanh cũng giống như 1 cuộc nhân duyên: sau 8 năm sống và làm việc ở nước ngoài, tôi trở về Việt Nam và đầu quân cho tập đoàn Unilever Vietnam. Sau hơn 5 năm phụ trách bộ phận tiếp thị chuyên nghiệp khu vực phía Bắc và dự án giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng "P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam" tại 32 tỉnh thành phía Bắc, tôi đã được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, hiểu được nhiều điều và rồi tôi cùng bạn bè thành lập PROSCO như 1 đứa con tinh thần của sự chân thành và tâm huyết đối đồng nghiệp, với xã hội.

Dù ở những năm tháng khó khăn khi khởi nghiệp, PROSCO vẫn không quên trách nhiệm của mình với xã hội. Hàng ngàn phần quà được gửi tới các em mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các tỉnh thành nhân mỗi dịp Lễ Tết. Hiện nay, PROSCO đã khẳng định được năng lực và uy tín của mình trong lĩnh vực truyền thông - tiếp thị - tổ chức sự kiện với nhiều doanh nghiệp, đơn vị uy tín hàng đầu Việt Nam.

Trở về Việt Nam với chồng và 2 con nhỏ (gia đình lớn của tôi sống ở bên Đức), làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn, tôi hiểu sâu sắc tầm quan trọng của tình thương yêu và sự chia sẻ. Tôi đến với HNEW hoàn toàn tự nguyện và hạnh phúc khi thấy mình giúp ích được nhiều người, làm được nhiều việc tốt và được nhiều chị em tin tưởng. Mà theo tôi, con người có sức phấn đấu cũng chỉ mong cho được hai chữ Hạnh Phúc. Hạnh phúc như được nhân lên và tôi nghĩ tôi chẳng cần gì hơn thế nữa.

"Thương trường như chiến trường" - bí quyết của tôi để vừa có thời gian cho công việc, vừa chăm sóc được gia đình là luôn có kế hoạch tốt với tinh thần trách nhiệm cao và hy sinh hết mình cho những người mình thương yêu.

Tôi có người chồng và 2 con trai hết lòng thương yêu, luôn tin tưởng và ủng hộ những việc tôi làm. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng để giữ được niềm tự hào trong họ và tôi hạnh phúc khi trở về nhà làm nhiệm vụ của 1 "osin xịn" hay 1 "hoa hậu" của cả nhà.

Quan điểm làm việc của tôi là Lao động - Học hỏi - Chia sẻ - Tận hưởng cuộc sống.

________________________________________

3. Họ là doanh nhân trẻ

Họ là những thành viên CLB doanh nhân 20 - 30. Có người sinh năm 1975, có người là sinh viên mới ra trường được ba năm. Một buổi trò chuyện thân mật vào sáng thứ bảy trong khuôn viên khách sạn Thắng Lợi, họ vui vẻ tự phác họa chân dung mình...

Trần Hoàng Bảo, Tổng giám đốc công ty BNP, kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ 20 - 30 mở đầu buổi trò chuyện bằng cách đề nghị các thành viên phác thảo chân dung thế hệ doanh nhân của mình.

Không còn trẻ nữa

Bảo cười cười: "Họ có bề ngoài hơi ốm, không có bụng bia do ít nhậu hơn, đeo kính cận hơi bị nhiều. Một chút thời trang, như anh Hà Duy Trung đây chẳng hạn, có cả cái đầu đinh".

Như Bảo nói, chỉ có 8 thành viên tham gia buổi gặp gỡ mà đã có đến một nửa là đeo kính cận. Hầu hết mặc sơ mi, quần tây nhẹ nhàng, trang nhã. Trong số họ có người đã từng làm việc và có thời gian tìm kiếm kinh nghiệm làm ăn từ các công ty nước ngoài.

Không biết có phải đề cập phần nào đến mình hay không, mà giám đốc công ty Ngọc trai đỏ, Nguyễn Thị Thúy Hằng nhận định: "Doanh nhân nữ có rất nhiều cô rất là xinh". Hằng cười: "Nữ làm doanh nghiệp tư tưởng mở, nhanh nhạy về nhiều mặt, chủ động tấn công hơi bị nhiều!".

Hằng cho rằng, " lớp doanh nhân trẻ có cơ hội tích lũy được kinh nghiệm nhiều hơn thế hệ cha anh. Nói theo một cách nào đó, nếu chỉ xét về kinh nghiệm thì lớp doanh nhân này không còn trẻ nữa, thậm chí phải nói là đã già!".

Hà Duy Trung, giám đốc công ty Ngôi sao nhỏ, sinh 1975, là một doanh nhân "do hoàn cảnh đưa đẩy" như anh tự nhận. Ông chủ doanh nghiệp có gương mặt như sinh viên mới ra trường thừa nhận đã gặp "khá nhiều thất bại" trên thương trường và cho rằng thất bại lại là cơ hội để làm lại một cách vững vàng hơn.

"Quả tim bự, đôi chân dài"

Hằng mang rất nhiều ý tưởng làm ăn từ khi còn là sinh viên, nhưng phải bỏ qua vì không vốn, nhưng giờ thì "cương quyết không để vuột mất bất kỳ cơ hội nào đến với mình". Cô bảo, doanh nhân trẻ là những người có trái tim "bự", có nghĩa là thật đam mê công việc, và có đôi chân "dài", để xông xáo...

Anh Thư, cô giám đốc Vinagarment trẻ trung, thời trang, nhẹ nhàng tâm sự: "Đam mê giúp mình làm việc suốt ngày không biết mệt. Nhiều lúc tập trung cho công việc quên cả ngày cuối tuần, những cuộc hẹn gác lại, bị "anh ấy" giận là thường xuyên. Ai mà không mong có người yêu bên cạnh trong ngày cuối tuần, nhưng công việc chưa đâu vào đâu, đành vậy..."

Nguyễn Lê Thành, Giám đốc công ty TNHH viễn thông và công nghệ thông tin TIC, nói: "Trẻ là không vốn, không kinh nghiệm, không có lòng tin của gia đình lẫn khách hàng. Nếu không có đam mê, không thể vượt qua bước đầu gian khó này". Nửa năm sau khi ra trường, Thành lập công ty và sau ba năm, ông giám đốc trẻ đã tự tin thông báo cho các đối tác mới doanh số mỗi năm ở mức 2 triệu USD.

Giản Tư Trung, giám đốc công ty tư vấn đào tạo PACE, có ý nghĩ "già dặn" hơn. Trung cho rằng "lớp doanh nhân trẻ hiện nay có ý thức về việc hội nhập và suy nghĩ toàn cầu (global mind). Họ may mắn được trưởng thành khi đất nước mở cửa. Trong đó, ba cột mốc chính có ảnh hưởng đến tính cách lớp doanh nhân này: Năm 1990 khởi đầu cho hội nhập kinh tế và 2000 là thời kỳ nghề kinh doanh được công nhận và tôn vinh, năm 2006 chính thức mở cánh cửa WTO."

Bí quyết của sự tự tin

Thành nói: "Điểm mạnh của doanh nghiệp trẻ là sự táo bạo dựa trên nền tảng được học hành đàng hoàng. Mọi người đều có chung nhận xét, thế hệ của mình được đào tạo bài bản, có môi trường để tiếp cận thông tin, kiến thức nhanh hơn."

Nguyễn Đình Thọ, giám đốc công ty Trường Thọ, hùng hồn: "Nói tới trẻ là nói tới năng động, sáng tạo. Không chỉ nắm bắt lấy cơ hội, mà còn tạo ra cơ hội". Phạm Hoài Nam, giám đốc phát triển kinh doanh công ty TTT, thừa nhận: "Thế hệ trước phải làm dữ lắm mới dám tự tin. Điển hình nhất là việc... tiếp xúc các nhà báo chẳng hạn. Quan niệm "báo chí tìm tới là phức tạp tìm tới" không có ở giới doanh nhân trẻ".

Hoài Nam cho rằng thế hệ doanh nhân trước thực sự giỏi hơn thế hệ doanh nhân thuộc lứa của anh. "Ngày trước sân chơi bị bó hẹp, doanh nhân vừa làm vừa chạy theo cơ chế, có thất bại đôi khi không phải do họ. Còn bây giờ sân chơi bình đẳng, ai có gì đặc biệt, thật sự có tài thì sẽ nổi lên". "Cái khó của họ trước đây là vốn, công nghệ và luật. Giờ thì chỉ có đối thủ cạnh tranh", Trung nói.

Thọ kể: "Chị mình khuyên, với các quan chức, nên "bồi dưỡng" thôi chứ đừng nên "nhậu". Mình lại nghĩ khác, hễ làm đúng thì cứ dựa vào luật, không nên rơi vào vòng luẩn quẩn đó". Các bạn khẳng định: "Nắm kiến thức thật vững, tìm hiểu quy định pháp luật kỹ càng thì không ai có thể xử ép mình được".

Chơi để có thêm ý tưởng kinh doanh

Có lẽ là người hay "đầu têu" trong những chuyện vui chơi của nhóm doanh nhân trẻ, Hoài Nam được "phong chức" là "playboy" của câu lạc bộ 20 - 30. Anh kể: có lần cùng được mời dự dạ tiệc một lượt với vợ, cũng là một doanh nhân, một người bạn mách vui "Này ông, thằng Tây kia vừa hôn vợ ông hai cái kìa". "Tôi hôn bồ của hắn còn gấp đôi nữa kia!", Nam cười trả lời.

Hà Duy Trung thường được cử làm "chủ xị" cho các cuộc vui chơi tập thể của câu lạc bộ bởi anh có khả năng tổ chức. Trung quan niệm phải sắp xếp giờ giấc để có thời gian để chơi nhiều hơn, vì như vậy mới làm đầu óc tươi trở lại để tiếp tục có "sáng tạo" cho công việc kinh doanh của mình. Doanh nghiệp Ngôi sao nhỏ của Trung mới thành lập hai năm nay, mọi công việc đổ dồn lên vai giám đốc 30 tuổi này.

Trung nói: "Mình sẽ mụ đi nếu không chơi. Các cuộc chơi còn giúp thêm ý tưởng trong kinh doanh. Sắp xếp cuộc chơi thế nào cho sinh động, cuốn hút tập thể cũng là bài tập để sáng tạo tốt hơn".

________________________________________

4. Nghệ thuật dùng người là chìa khóa để thành công

Trước thềm năm mới, báo giới đã hỏi chuyện một số doanh nhân xung quanh chủ đề: quản trị nhân lực trong doanh nghiệp.

Nghệ thuật dùng người là chìa khóa thành công

(Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh - REE)

"Một trong những điều quan trọng nhất đối với một người lãnh đạo là nghệ thuật sử dụng con người. Bởi vì phải có con người thì mới làm nên việc và một doanh nghiệp muốn phát triển phải có được những con người có hoài bão lớn.

Hai mươi năm trước, một trong những điều kiện tôi đặt ra khi được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh là được quyền thay đổi bộ máy nhân sự.

Đánh giá đúng năng lực của từng cá nhân, đặt họ vào đúng vị trí là một thách thức đối với người lãnh đạo. Muốn làm được thì phải hiểu nhân viên, phải biết họ đang làm gì, họ đang suy nghĩ điều gì và liệu những điều đó có phù hợp với những định hướng phát triển của công ty hay không?

Trong quỹ thời gian của mình, tôi luôn có phần dành để nói chuyện trực tiếp với cấp dưới. Người lãnh đạo có rất nhiều cách để tiếp cận nhân viên mà không làm cho họ cảm thấy e ngại.

Theo kinh nghiệm của tôi, một trong những cách mà chúng ta có thể sử dụng hiệu quả, là tham dự các cuộc họp giao ban hàng tuần lúc thì ở bộ phận này, lúc sang bộ phận khác, dù không được mời. Qua những cuộc tiếp xúc như thế tôi có thể hiểu chính xác người dưới quyền của mình cần gì, họ nắm công việc đến đâu và có thực sự quyết tâm với công việc đang làm hay không...".

Học để tồn tại

(Ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu - ACB)

"Con người ta khi càng lớn tuổi thì càng khó thay đổi, càng bảo thủ. Tôi nghĩ đây chính là trở lực lớn nhất của những người lãnh đạo ở lứa tuổi trung niên. Môi trường kinh doanh ngày nay biến động không ngừng đòi hỏi người lãnh đạo phải tự mình thay đổi nhanh hơn nếu muốn doanh nghiệp của mình tồn tại.

Muốn thích ứng được với những điều kiện khách quan như thế, chúng ta chỉ có cách học. Học để cập nhật kiến thức, để có thể tự tin khi đưa ra những quyết sách. Sự học đối với tôi lại càng quan trọng vì người làm ngân hàng như tôi không chỉ quản lý đồng tiền của mình, của các cổ đông mà còn có trách nhiệm với tài sản của hàng ngàn khách hàng.

Người lãnh đạo phải học để biết nhiều. Biết để hướng dẫn cấp dưới thực hiện. Thành bại của một doanh nghiệp không phụ thuộc hoàn toàn vào một cá nhân nào mà đó là công sức của cả một tập thể. Tôi quan niệm rằng công việc lãnh đạo doanh nghiệp là một cuộc chạy tiếp sức, một người không thể giữ mãi một vị trí.

Chính vì thế mà người lãnh đạo lại càng phải học để biết cách xây dựng một đội ngũ kế thừa tinh nhuệ, học và cập nhật nhanh kiến thức để làm gương cho các đồng sự. Làm được như vậy thì mới mong sự nghiệp đang có ngày hôm nay phát triển mạnh trong tương lai".

Vo lâu củ ấu cũng tròn

(Ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại TTT)

"Truyền thống gia đình đã cho tôi đầy đủ triết lý sống "thương nhau củ ấu cũng tròn" để làm hành trang trên con đường kinh doanh.

Nhưng rồi khi bước ra thương trường, khi bắt đầu làm công tác quản lý, qua những trải nghiệm trong công việc tôi đã thay đổi triết lý trên theo hướng chủ động hơn, "vo lâu củ ấu cũng tròn". Và trong nhiều năm qua tôi đã dùng triết lý này để "vo" các đồng sự, nhân viên và cả khách hàng của mình.

Mười lăm năm qua ở TTT không có quy luật bỏ phiếu đa số thắng thiểu số, nếu có một thành viên trong ban lãnh đạo không đồng ý là chúng tôi dừng ngay vấn đề lại để thuyết phục. Đó là một quá trình "vo" từ đối thoại trực tiếp đến e-mail, "vo" từ bàn làm việc đến bàn tiệc... bằng lý lẽ thuyết phục cho đến khi "lá phiếu" kia chuyển thành thuận mới thôi.

"Vo" nhân viên, chính là quá trình đào tạo. Chúng tôi đặt mục tiêu nhân viên của mình không chỉ làm giỏi mà còn phải chơi hay. Một khi muốn xây dựng một môi trường văn hóa công ty như thế, chính những người lãnh đạo phải làm gương cho nhân viên. Còn "vo" khách hàng chính là nghệ thuật thuyết phục khách hàng, mà trong lĩnh vực thiết kế, trang trí nội thất của chúng tôi chính là hướng khách hàng đến một công trình hoàn mỹ.

Tôi vẫn nghĩ rằng để cho củ ấu tròn thì phải vo lâu, đôi lúc thật lâu, thật kiên nhẫn và phải vo bằng cả trái tim".

Cho nhân viên cọ xát thực tế

(Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions)

"Để có được đội ngũ hàng chục cán bộ quản lý dự án như ngày hôm nay và mỗi năm đưa hàng trăm kỹ sư ra nước ngoài học tập và làm việc, bất kỳ kỹ sư nào vào làm việc tại TMA cũng đều được đào tạo không chỉ về kỹ thuật công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm mà còn có các kỹ năng mềm khác như ngoại ngữ, giao tiếp.

Tuy nhiên đó chỉ là bước khởi đầu trong những ước vọng về nghề. Để trưởng thành, họ cần được đào tạo về vai trò và trách nhiệm, nâng cao ba khả năng: song ngữ, văn hóa và kinh nghiệm tổ chức quản lý.

Người lãnh đạo vừa là thầy, vừa là bạn và là đồng nghiệp của nhân viên, tạo cho nhân viên nhiều cơ hội tiếp cận với đối tác, khách hàng, hiểu được cách thức phát triển và nhu cầu của chính doanh nghiệp mình. Không có cách đào tạo nào tốt hơn là để cho nhân viên cọ xát thực tế, gánh vác trách nhiệm, nhằm tạo ra những con người biết học hỏi để vươn ra thế giới.

Trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất là tạo nên sức mạnh văn hóa, tinh thần và niềm tin để nhân viên làm việc và sáng tạo. Người lãnh đạo là hình mẫu cho nhân viên noi theo. Các nhân viên sẽ theo đó rèn luyện kỹ năng giao tiếp, bản lĩnh thị trường và quan trọng là họ biết tự tin vào mình hơn người khác tin vào họ".

Kinh nghiệm thành đạt trong công việc của doanh nhân

Một doanh nghiệp thành công trong kinh doanh đồng nghĩa với doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp đó đã thành đạt trong sự nghiệp. Những yếu tố giúp tạo nên thành công đó không chỉ nằm ở những phương thức hoạt động kinh doanh, mà nó còn phụ thuộc cả vào kinh nghiệm quản lý của doanh nhân đó. Kinh nghiệm thành công của những người thành đạt có điểm giống và khác nhau. Và, giữ uy tín để thu phục lòng người, sử dụng nghệ thuật dùng người, biết rèn luyện bản thân và có niềm tin vào bản thân và người khác chính là những kinh nghiệm quý báu giúp nhiều doanh nhân đạt được thành công trong công việc.

Doanh nhân thành đạt từ: Giữ uy tín để thu phục lòng người

Duy trì và nâng cao uy tín kinh doanh, làm đẹp hình ảnh trong mắt khách hàng cũng như đối tác kinh doanh luôn là mục tiêu hàng đầu của bất cứ doanh nghiệp nào.

Đã là doanh nhân là phải có niềm đam mê và thể hiện trách nhiệm cao, nhất là đối với những đơn vị sản xuất phải có sự chuẩn bị khá kĩ, tìm được mặt bằng tốt thôi là chưa đủ mà còn cần thêm một đội ngũ nhân viên tay nghề thuần thục, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Chính điều này góp phần tạo nên chữ tín của doanh nghiệp và thu được lòng tin của khách hàng cũng như đối tác.

Theo chị Lê Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty Cophaco thì; "Đã bước vào hội nhập thì chữ tín càng đặt nặng trong kinh doanh, chữ tín thể hiện ở giá cả, tiêu chuẩn kĩ thuật, phương thức thanh toán và thời hạn giao hàng". Còn chị Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm AAA chia sẻ bí quyết giữ chữ tín trong thành công của mình như sau: "Trong kinh doanh, tôi luôn tâm niệm 3 tiêu chí: thứ nhất là đem đến an tâm cho khách hàng của mình, thứ hai là đem đến an tâm cho các cổ đông và thứ ba là đem đến an tâm cho các nhân viên để họ phát huy được hết trình độ và năng lực của mình".

Doanh nhân thành đạt dựa trên: Kinh nghiệm dùng đúng người

Một trong những điều quan trọng nhất để đạt được thành công đối với một người làm công tác quản lý và lãnh đạo là nghệ thuật sử dụng con người. Bởi có con người thì mới làm nên việc và một doanh nghiệp muốn phát triển phải có được những con người có hoài bão lớn.

Đánh giá đúng năng lực của từng cá nhân, đặt họ vào đúng vị trí là một thách thức đối với người lãnh đạo. Muốn làm được như vậy thì phải hiểu nhân viên và biết được liệu họ có phù hợp với những định hướng phát triển của công ty hay không.

PepsiCo nổi tiếng là công ty săn lùng chất xám. Khi được hỏi về thuật dùng người, anh Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng giám đốc công ty đã cho biết quan điểm của mình như sau: "... yếu tố đầu tiên tôi chọn phải là trẻ, có chuyên môn, có điều kiện phát triển lâu dài, tôi coi trọng yếu tố thích ứng văn hóa truyền thống. Trẻ đồng nghĩa với đam mê, khát khao chiến thắng, một số anh em có chuyên môn cao, tiếng Anh tốt, hội nhập nhanh với các văn hóa khác nhau... nhưng lại thực tế quá, đi tới thực dụng. Không có nền tảng văn hóa tốt, họ sẵn sàng rời bỏ công ty sang nơi khác nếu được trả lương cao hơn. Thành công của họ mang tính nhất thời, không thể phát triển lâu dài được. Khi thu nhận người, tôi luôn dựa vào yếu tố này để định hướng một đường đi lâu dài cho từng người".

Doanh nhân thành đạt bởi: Biết rèn luyện bản thân

Cùng với thời gian, qua những năm tháng hoạt động doanh nghiệp, những người làm kinh doanh đã có thời gian thử thách, đó cũng chính là thời gian để học tập và khẳng định mình, trau dồi sự tự tin, kiến thức và cách giao tiếp của mình.

Tất cả các doanh nhân thành đạt là đã được rèn luyện, đã trưởng thành, rèn luyện sự tự tin trước đám đông và trước các đối tác của mình. Để đạt được điều đó, thì ngoài sự rút kinh nghiệm của bản thân, rút kinh nghiệm từ những lần giao tiếp - mỗi một lần là có thể đúc rút được kinh nghiệm để những lần sau tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Khi được hỏi có bao giờ khóc vì thất bại trong làm ăn, chị Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân) - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc SaiGon Co.op đã chia sẻ: "Cuộc đời tôi đầy thử thách, nhưng tôi luôn cảm ơn nó vì nó đã giúp tôi kiên trì, chắc chắn, vững vàng hơn. Chẳng có ai sinh ra đã có bản lĩnh, ý chí, nghị lực cao. Tất cả nhờ trải nghiệm mà thành. Tôi luôn nhắc nhở nhân viên của mình: Không bao giờ bằng lòng với hiện tại, hôm nay phải khác hôm qua, và khác cả ngày mai,...".

Doanh nhân thành đạt nhờ niềm tin: Tin mình nên tin người

Trong kinh doanh phải có niềm tin, tin vào chính bản thân và tin vào người khác. Không ít doanh nhân đã thành đạt trong sự nghiệp của mình từ chỗ biết đặt niềm tin của mình đúng nơi đúng chỗ.

Tin vào mình tức là tin vào khả năng và năng lực của bản thân, của doanh nghiệp, vào giá trị sản phẩm cũng như tin vào dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Còn tin người là có niềm tin vào con người. Để có sự tự tin vào bản thân, cái quan trọng là phải trả lời được ba câu hỏi: mình là ai? Mình làm gì? Và mình đang ở đâu? Sự tự tin giúp người kinh doanh hiểu được cái mạnh cái yếu của đối tác ra sao và xây dựng được niềm tin vào đối tác, tin rằng đó là đối tác có thể kết hợp làm ăn và phát triển,... Khi có được sự tự tin ấy, kết quả sẽ dễ đạt được như mong muốn.

Tin mình nên tin người cũng chính là điểm nổi bật của anh Trần Phương Bình, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á. Anh Bình chia sẻ: Đông Á không từ nan những khách hàng đang trong thời kì nguy khốn, ba trường hợp điển hình là Liksin, Cofidex và Nam Á. Liksin không còn vốn lưu động, Đông Á chỉ cho vay 500 triệu đồng đã cứu lấy một công ty bao bì loại nhất nhì nước ta. Sau khi nghiên cứu kĩ và đánh giá đúng tiềm lực của Cofidex, Đông Á cho vay 400 triệu đồng với cam kết giám đốc không được quyền tự do chi tiền, rút tiền. Nhờ đó mà Cofidex trở thành con chim đầu đàn trong ngành xuất khẩu thủy sản của thành phố. Còn khi suýt bị kiện ra tòa vì cho Công ty giày dép xuất khẩu Nam Á vay tiền trả nợ. Anh Bình quả quyết nếu Nam Á không trả được hết nợ thì anh sẽ bán nhà trả nợ thay vì anh tin vào khả năng "phục hồi" của công ty. Và bây giờ khi đã hoạt động lành mạnh trở lại, các doanh nghiệp một thời thua lỗ vẫn là khách hàng thân thiết của Đông Á.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lakegoodsun