[Đoản Văn] Hương Vị Của Tình Mẫu Tử - UPDATE 6/3/2013
[Đoản Văn]
Hương Vị Của Tình Mẫu Tử
Tác giả: Lăng Lung
Edit + beta: Elvie Yuen
Nguồn raw: 91baby
Nguồn edit: www.haibonthang7.wordpress.com
Ngót nghét gần cả tháng nay, tôi không về nhà ăn cơm rồi.
Dù là ăn cơm hộp, hamburger, món xào món nấu ở các tiệm ăn lớn nhỏ, hay món Tây được chế biến tinh tế, cũng chẳng thấy ngon miệng nữa. Cả một nhóm người phải tăng ca, nên cũng đành bó tay, buộc lòng lấy điện thoại gọi tới gọi lui kêu món ăn. Ai nấy đều ngán đến tận cổ rồi, cũng chẳng muốn đứng ra gọi món ăn vì chẳng biết hôm nay phải ăn gì.
Giữa trưa nay chỉ có nửa tiếng nghỉ ngơi, người ngày thường chẳng thích lao động chân tay như tôi, vẫn chịu khó chạy xe gắn máy về nhà giữa trời nắng gay gắt, lúc mồ hôi đầm đìa bước vào cửa, thì đã qua giờ cơm. Bỏ túi xách xuống rồi nhìn lướt qua bàn cơm, Mẹ không nấu cầu kì, vì trời quá nóng, chỉ nấu chút ít cháo loãng ăn kèm với dưa cải.
Chỉ mới húp miếng cháo và ăn củ cải trắng xào ớt thôi, mà cõi lòng tôi lại vô cùng thoải mái.
Mẹ phàn nàn, "Về nhà ăn cơm sao không chịu nói, để Mẹ làm thêm đồ ăn."
"Vậy là được rồi, đâu cần rườm rà làm gì." Tôi đã rất thoả mãn rồi.
Trở lại công ty, đồng nghiệp hỏi tôi giữa trưa ăn gì, tôi nói về nhà ăn cháo.
"Phơi nắng 20 phút chỉ để về nhà ăn cháo thôi hả?"
"Ngày mai cũng thế."
Dù là món sơn hào hải vị, ăn lâu rồi, cũng sẽ ngán thôi.
Duy chỉ có món ăn của Mẹ, cả đời ăn hoài không chán.
Việc nội trợ mà chị tôi thích nhất, chính là nấu ăn.
Đặc biệt là thích học lóm mấy món ăn trong tiệm. Ăn món gì ngon, hễ về nhà là chị ấy sẽ tìm tòi làm bằng được, mấy món làm ra cũng giống được bảy tám phần.
Chị thích nhất những món mặn nguội của Mẹ, mỗi khi chị về nhà ăn cơm, Mẹ tất nhiên sẽ nấu thêm vài ba món. Dù đó có là món chay, chị vẫn ăn rất vui vẻ.
Vô số lần chị nhờ Mẹ dạy cách nấu món mặn nguội, chị cố gắng học, cũng học được vài năm rồi. Bên nhà chồng chị ấy khi dùng bữa, cũng có làm mấy món mặn nguội, nhưng không hề giống hương vị của Mẹ làm.
Bất luận chị tự hào cho rằng, tài nấu nướng của mình giờ giỏi hơn Mẹ, hay những món mặn nguội chị nấu cũng đã làm ngon hơn của Mẹ, nhưng mỗi khi về nhà, chị vẫn ăn món do chính tay Mẹ làm.
Chị hỏi Mẹ rằng, "Con làm y chang như cách Mẹ chỉ, mà sao lại chẳng giống mùi vị Mẹ làm thế?"
Mẹ đáp, "Mẹ cũng học món này từ bà ngoại con, Mẹ cũng làm như bà ngoại con dạy, mà cũng chẳng giống được."
Khi đó tôi muốn nói với hai mẹ con đang làm nấu ăn trong bếp, rằng món ăn của họ đều thiếu cùng một gia vị, đó chính là "hương vị của tình mẫu tử".
Mẹ là người Tứ Xuyên, làm món nào cũng ngon hết, biết làm đủ thứ món. Bất kể mời bạn bè của ai trong nhà tới dùng cơm, đều không ngớt lời khen tay nghề nấu ăn của Mẹ.
Nhà mẹ đẻ của Mẹ còn có mấy anh chị em nữa, cuộc sống gia đình tạm ổn, không quá dư giả nhưng cũng không thiếu thốn. Với điều kiện như thế, bà ngoại đáng lẽ phải hưởng phúc an nhàn.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần Mẹ về nhà ngoại thăm người thân, bà ngoại luôn luôn tự tay chuẩn bị thức ăn, một ngày ba bữa, ngay cả nguyên liệu nấu ăn cũng đòi tự mình đi mua, cho dù Mẹ hết lời khuyên bà nghỉ ngơi để cho Mẹ làm.
Theo nhận định khách quan của chúng tôi, món bà ngoại làm cũng không khác mấy với món của Mẹ. Một số người còn nói là Mẹ nấu vẫn ngon hơn chút.
Nhưng khi ngồi vào bàn ăn, Mẹ luôn miệng khen, "Đồ ăn Mẹ làm lúc nào cũng ngon cả."
Thường Mẹ nấu ăn, đều nấu những món chúng tôi và Ba thích ăn. Chỉ có bà ngoại, sẽ dựa vào khẩu vị của Mẹ, nấu những món Mẹ thích.
Người Mẹ mãi mãi biết rõ, con mình thích ăn món gì.
Mà ở trước mặt người Mẹ, con cái, vĩnh viễn vẫn là con cái, dù cho họ đã trở thành cha mẹ của người khác hay chưa.
Ba tôi sinh trưởng ở một làng chài ven biển. Ông nội đã mất tích trên đại dương mênh mông khi Ba còn trẻ, bà nội phải một mình nuôi nấng mấy người con, vượt khó nuôi Ba tôi vào đại học, trở thành sinh viên đầu tiên của cả thôn. Bà nội không thể hưởng được phúc con cháu, bà đã qua đời khi tôi còn bé tí. Vì thế mà Ba chỉ về quê tảo mộ vào tiết Thanh Minh hàng năm.
Ba tuy chưa từng khen Mẹ, nhưng cả hai cũng đã sống cùng nhau hơn nửa đời người rồi. Hễ chị em tôi làm món nào, Ba luôn chê hết cái này đến cái kia, ăn không ngon nuốt không trôi. Ấy thế, chỉ cần Mẹ về nhà ngoại thăn người thân thôi, thì Ba đã gầy đi mấy ký.
Mỗi đêm trước Thanh Minh trở về quê, Ba sẽ ở bàn ăn hoài niệm món hải sản sốt tương, cá muối rim, cháo kê do bà nội nấu có hương vị thơm ngon thế nào. Như thể đó là những món mỹ vị nhất trên đời, như thể những món đã ăn hơn nửa đời người cũng không bằng một góc.
Mẹ và bà nội không mấy hợp nhau, vì vậy mỗi khi Ba nhắc đến hương vị thơm ngon của những món bà nội nấu thì Mẹ sẽ tỏ ra bực dọc. Trong suy nghĩ của Mẹ, những món ăn ở làng chài khó ăn hơn rất nhiều so với món Tứ Xuyến trứ danh.
Khi còn nhỏ, chúng tôi thường thấy vẻ mặt ngây ngất thèm thuồng đến rớt nước miếng của Ba, trong trí nhớ của Ba, mấy món đó ngon ngang ngửa với những mỹ thực trên thế giới. Mãi đến một ngày chúng tôi có dịp thưởng thức mấy món ăn ngon trong truyền thuyết này tại nhà của cô, không thể nào khen ngon cho được, cuối cùng thì chúng tôi đã biết cảm giác vỡ mộng là thế nào.
Có cho cũng không thể nuốt được hỗn hợp tôm cua giã nhuyễn ướp rất nhiều muối và tương hải sản, cũng chẳng thốt ra được từ “ngon” ngay cả khi món cá muối rim gừng không có mùi tanh, hai chị em tôi cảm giác như mình bị lừa rồi. Dù Ba cũng cứ nói do tay nghề của cô không bằng bà nội, nhưng chúng tôi cũng không thể tưởng tượng nó sẽ ngon hơn.
Lúc ấy, khi Ba so sánh mấy món này còn ngon hơn cả món Mẹ nấu, chúng tôi chẳng dám tin. Theo như kết luận của chúng tôi, đồ ăn bà nội làm không ngon bằng một nửa của Mẹ.
Bà nội không biết chữ, cũng chẳng biết đạo lý gì lớn lao, chỉ biết nuôi nấng dạy dỗ con cái trưởng thành, không để cho chúng phải chịu cảnh đói khát.
Trong hồi ức của Ba, hình ảnh sâu sắc nhất, là hình ảnh bà nội khom lưng đào trùn đất dọc bãi biển, đó là món ăn cực kỳ dinh dưỡng trong thôn hồi đó.
Đối với ông, hương vị những món ăn này, không có trong món ăn của mình, mà trong bàn tay Mẹ.
Mãi mãi không còn cơ hội thưởng thức nữa hương vị món ăn của Mẹ mình, đó là điều mà Ba tiếc nuối.
Bởi vì, bà nội không thể hưởng được phúc con cháu.
Một đồng nghiệp nam ghé qua nhà tôi ăn cơm mấy lần, tấm tắc khen tay nghề nấu ăn của Mẹ quá đỉnh, khen tới nỗi Mẹ tôi miệng cười toe toét.
Trước giờ cùng nhau ăn cơm bên ngoài, cậu ta đôi khi đề cập tay nghề nấu ăn của Mẹ cậu ta, than là bà ấy không nấu ăn, mà có nấu thì ăn cũng chẳng ngon gì cả. Sau đó còn tỏ vẻ hâm mộ tay nghề nấu ăn giỏi của Mẹ chúng tôi, bảo là chúng tôi có lộc ăn.
Cậu ta ít khi về nhà ăn cơm, đa phần phải lo làm việc, không bận làm việc thì cũng phải tiếp đãi khách hàng.
Ngày đó có cơ hội đến nhà cậu ta dùng bữa, rốt cục cũng thưởng thức tài nghệ nấu ăn của Mẹ cậu ấy, quả thật không ngon lắm. Thịt ba rọi kho thì ướp quá nhiều nước tương. Canh rau thịt nạc cũng chưa chín tới. Hai con cá chiên lại không ướp gừng, mùi khá tanh.
Mấy đồng nghiệp chỉ ăn dè chừng một ít, sau đó nói đã no rồi.
Mà nhìn cậu ta đi, thật là người con có hiếu! Không phải nói Mẹ cậu ta làm đồ ăn không ngon sao? Giờ đang bới chén cơm thứ hai đấy! Chê thịt ba rọi ướp mặn quá đấy ! Vậy mà vẫn ăn rất ngon lành!
Ngày thường, nếu không phải ăn gộp ba bữa thành một bữa duy nhất, quả thật không thể nhìn thấy được cảnh này!
Bởi vậy mới thấy được, dù người Mẹ có nấu ngon hay không, dù người Mẹ có làm món gì, thứ mỗi người tìm kiếm, chính là hương vị trong từng món ăn do tự tay người Mẹ nấu.
Hương vị ấy bắt nguồn từ dòng sữa mẹ ngọt ngào chúng ta đã mút, nó ghi tạc trong lòng chúng ta, ăn sâu vào tiềm thức. Hoặc thậm chí ngay trước đó, khi chúng ta vẫn còn là thai nhi trong bụng, hương vị đó đã khắc vào xương tuỷ, chảy trong máu chúng ta.
Trẻ sơ sinh làm sao phân biệt ai là mẹ của mình? Chính là bắt đầu từ hương vị ngọt ngào kia.
Hương vị của Mẹ, đối với con cái, là độc nhất vô nhị trên thế gian này. Ai cũng không thể học, và cũng không tài nào học được.
Có lẽ, bình thường chúng ta cũng chẳng may may để tâm, chỉ là nhu cầu bản năng, và chưa bao giờ thực sự muốn trải nghiệm qua.
Hương vị của tình mẫu tử, thật ra chính là một loại hạnh phúc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top