Anh trai, em trai (ChanBaek)

Biện Bạch Hiền là em trai tôi. Đứa em không cùng cha cũng chẳng cùng mẹ, nhưng lại sống cùng tôi dưới một mái nhà.

Mẹ tôi mất từ khi tôi còn nhỏ xíu, cho đến tận bây giờ tôi cũng chẳng thể mường tượng được dáng vẻ nào khác của bà ngoài tấm di ảnh đen trắng nhạt nhòa trên mặt bàn thờ cũ kĩ kia. Năm tôi 12 tuổi, bố tôi đưa về nhà một người phụ nữ. Ấy là dì Giang, mẹ của Biện Bạch Hiền.

Bạch Hiền cùng mẹ nó chuyển tới nhà tôi vào một buổi chiều đông lạnh giá. Năm đó, nó chỉ là đứa nhóc 8 tuổi gầy gò và lùn tịt trong một chiếc áo phao cỡ lớn dài tới tận gót chân. Thằng nhóc ấy trông lúc nào cũng u ám và ủ dột. Nhưng bố tôi thương nó lắm, ông coi nó như con đẻ, đôi khi còn thiên vị nó hơn tôi nhiều.

Tôi khi ấy là một thằng nhóc lắm chiêu và láu cá, vì thế đã từng bày không ít trò hãm hại thằng em trai của mình. Có khi tôi dẫn nó vào cửa hàng tạp hóa rồi lén bỏ vài túi bánh vào cặp sách của nó, sau đó chú Miên bán hàng đã xách tai nó về tận nhà để mách bố tôi. Kết quả là dì Giang cho nó một trận đòn nhừ tử. Có khi thì tôi lại lén vứt mấy cuốn bài tập của nó đi, để rồi hôm sau cô giáo nó sẽ gọi điện về cho bố, và dĩ nhiên nó sẽ bị lằn mông vì tội lười học. Hoặc cũng có lúc, tôi chơi lớn hơn, dắt nó ra mãi tận khu ngoại ô thành phố rồi lừa nó, một mình trốn về nhà. Bố tôi và dì lục tung cả khu phố mà vẫn không tìm được nó. Tôi đã ước nó bị đám buôn người trên thời sự bắt quách đi cho rồi. Ấy thế mà đến khuya, bố lại nhận được cuộc gọi của cảnh sát, nói rằng nó đi lạc.

Ôi chao, thật đáng tiếc.

Tôi ghét Biện Bạch Hiền, có lẽ vì nó cứ ngang nhiên chiếm lấy những gì vốn dĩ là của tôi. Nó chiếm mất bố tôi, để rồi cùng nó và dì, tạo nên một gia đình hạnh phúc mà trong đó tôi như một thằng nhóc vô dụng và thừa thãi. Ngay đến căn phòng này, nơi riêng tư nhất của tôi, cũng bị nó vô duyên mà chiếm lấy. Tôi ghét phải chia sẻ phòng của mình, tủ quần áo và cả chiếc giường yêu quý với một thằng nhóc xa lạ. Vì thế, mỗi khi có cơ hội, tôi đều tranh thủ bắt nạt nó. Thằng nhóc ấy sợ tôi một phép, dù tôi có làm gì nó cũng chẳng bao giờ dám hé răng mách bố một lời nào.

Tôi ghét Biện Bạch Hiền, cũng có thể đơn giản vì nó là con của dì Giang. Trong kí ức của tôi, dì là một người phụ nữ trung niên, rắn rỏi và hiền hoà. Ấy vậy nhưng tôi vẫn chẳng ưa được dì. Vì người phụ nữ ấy ngay từ khi bước vào nhà, đã chiếm mất vị trí của mẹ tôi. Tôi ghét dì, như một lẽ tất nhiên của một đứa con chồng đối với mẹ kế.

Tôi ghét dì như thế, nhưng chẳng thể cưỡng lại được sức hấp dẫn từ đồ ăn dì làm. Dì mở một tiệm ăn nhỏ trên mặt đường phố Giáp, cả ngày đều bận bịu, nhưng tối nào cũng dành thời gian chuẩn bị đồ ăn khuya cho hai đứa tôi, khi thì chút hoa quả, khi thì cái bánh bao kèm theo cốc sữa. Mỗi lúc như vậy, tôi luôn đợi dì ra khỏi phòng và đóng cửa lại, khi ấy tôi sẽ cướp luôn phần của thằng nhóc Bạch Hiền. Nó thường ngó sang bàn tôi, thỏ thẻ.

"Ngon không anh?"

"Ừ, ngon lắm".

"..."

"Nhưng có ngon tao cũng chẳng cho mày".

Lần nào tôi nói xong câu ấy, mặt nó cũng xị xuống, dài như một cái bị.

..

Hồi ấy ở chỗ tôi trường tiểu học và trung học được xây trong cùng một khuôn viên. Mỗi khi tan học, thằng nhóc Bạch Hiền đều đứng sẵn ở cửa lớp đợi tôi. Từ đây, nó bắt đầu lẽo đẽo theo tôi tới quán net, ngồi xem tôi và đám bạn chơi game. Phun đủ một trăm câu chửi thề, tôi rời quán net, và nó vẫn cứ bám theo sau.

Tôi tức mình, nạt nó.

"Mày cút mẹ đi, theo tao làm cái gì?"

Nó chỉ ngây ngô đáp lại.

"Mẹ nói em phải đi theo anh".

Vậy đấy, nó bám theo tôi ngay cả khi tôi tụ tập hút thuốc với đám bạn, hay khi chúng tôi kéo đàn kéo đống đi gây sự đánh nhau. Dù tôi có chửi, có đuổi nó cũng không chịu từ bỏ.

Có lần, tôi điên lên đấm nó một cú, khiến nó ngã dúi dụi. Thằng nhỏ lấy tay lau miệng, thấy máu chảy ra thì mặt tái mét.

"Anh đánh em gãy răng rồi!"

Tôi hoảng hốt.

"Chết rồi, đưa tao xem nào!"

Nó há miệng ra cho tôi xem, đúng là gãy mất một cái răng hàm thật. Cũng may chỉ là răng sữa thôi, sau này kiểu gì cũng mọc lại.

Thằng nhãi ấy thế mà lại chẳng khóc tí nào, nó chỉ ủ rũ nói.

"Nếu không mua thì thôi, sao anh lại đánh em?"

Tôi bỗng thấy có chút áy náy. Nó chỉ xin tôi mua cho nó một cái kẹo dâu, nhưng vì bố chẳng chịu cho tôi thêm tiền tiêu vặt, đã thế còn bị thằng Huân lừa mất một nửa, giận cá chém thớt nên tôi đã đánh nó một cái. Không ngờ lại đánh gãy cả răng nó.

Hôm ấy dì Giang về thấy mặt nó sưng vù thì liền tra khảo một hồi. Cũng may thằng nhóc không khai ra tôi, chỉ lí nhí nói là bị ngã. Dì đương nhiên không tin, còn cho rằng nó đi gây sự đánh nhau bên ngoài. Vừa lấy đá chườm má cho nó, dì vừa mắng nó xơi xơi. Chắc dì không nỡ đánh nó nữa, vì dù sao trông nó cũng nhàu nhĩ lắm rồi.

Bố tôi ngồi bên cạnh thế mà lại nói đỡ cho nó.

"Bọn trẻ thường hiếu động mà, em đừng khắt khe với con quá".

Bao nhiêu áy náy trong lòng tôi đều biến hết sạch. Hừ, bố có bao giờ hiền từ như thế với tôi đâu?

Hồi lớp năm, tôi đánh nhau với Kim Chung Nhân. Lý do thì cũng trẻ con lắm, chỉ là tôi trót tranh thủ dựng cây bút chì dưới ghế khi nó đứng dậy phát biểu làm nó thủng một bên mông, ấy thế mà nó nỡ lòng nào đấm tôi gãy cả mũi. Sau hôm ấy, tôi phải nhập viện làm phẫu thuật, nghỉ học mất cả tháng trời. Thế mà ngay khi lành lặn trở lại, tôi đã phải tụt quần, ngoan ngoãn nằm xuống ghế, giơ mông ra cho bố đánh vì tội dám gây sự đánh nhau với bạn học.

Hay hồi lên lớp sáu, tôi dẩy Ngô Thế Huân ngã xuống mương, chẳng hiểu kiểu gì mà chân nó đạp phải con cua, bị kẹp cho chảy máu be bét. Bố tôi biết chuyện liền lấy roi mây quật tôi nát mông rồi xách tai tôi sang tận nhà nó xin lỗi. Sau lần đấy, bố bắt tôi phải cõng nó đi học đến tận khi vết thương của nó bong vảy. Mà thằng lỏi ấy khôn lắm, chân nó hết đau từ tám đời rồi nhưng vẫn tỏ vẻ yếu ớt để tôi phải nai lưng ra cõng nó thêm vài tuần. Hừ, nó chỉ qua mặt được bố tôi chứ nào có lừa được con mắt tinh đời của tôi.

Lớn hơn một chút, năm lớp bảy, tôi lỡ tay thó hai mô hình iron man chỗ tạp hóa chú Hưng, bố biết chuyện liền đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết, sau đó còn cấm túc tôi suốt một tháng không được đi chơi. Cho đến bây giờ, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy cay cay nơi sống mũi. Thế mà lần thằng nhóc Bạch Hiền bị chú Miên tạp hóa tố giác tội ăn cắp vặt, dì Giang cầm roi đánh nó mà bố tôi còn bênh vực, nói cái gì mà con còn nhỏ phải dạy bảo từ từ. Tôi nghĩ ấm ức này có nhảy sông Hoàng Hà cũng chẳng thể nào gột hết.

..

Sau lần bị tôi đấm cho gãy răng, thằng nhóc Bạch Hiền không dám lẽo đẽo theo sau tôi nữa. Tôi thấy mình khỏe re như vừa trút được một gánh nợ.

Mãi cho tới một hôm, Ngô Thế Huân tổ chức tiệc sinh nhật, chúng tôi liền kéo nhau tới tham dự. Thằng lỏi ấy là con nhà khá giả, chiếc bánh sinh nhật của nó phải đắt bằng tiền ăn cả tháng của nhà tôi. Đám mặt giặc kia thì đứa nào đứa nấy đều tặng nó đủ thứ quà cáp trên đời, trong tay tôi lại chẳng có lấy một xu. Bỗng dưng tôi thấy mình lạc lõng và tủi thân ghê gớm. Từ nhỏ tôi nào có được tổ chức sinh nhật. Có lẽ bố cũng chẳng nhớ nổi tôi sinh ra vào ngày nào.

Đấu tranh tư tưởng mãi, tôi quyết định tặng nó một cái thẻ game mệnh giá thấp nhất trong túi quần rồi ra về.

Tôi không về nhà ngay mà cứ lang thang trên phố một mình, lòng tôi trĩu nặng và nỗi cô đơn cứ thế bủa vây lấy tâm hồn. Tôi nhớ mẹ quá. Dù cho kí ức về bà trong tôi thật mơ hồ, tôi vẫn nhớ bà da diết. Giá như mẹ tôi còn sống, tôi có lẽ sẽ được sống trong tình yêu thương, giống như Ngô Thế Huân, cũng giống như Biện Bạch Hiền. Giá như mẹ tôi còn sống, tôi có lẽ đã không trở thành một đứa trẻ hư hỏng. Tôi sẽ ngoan ngoãn, buổi sáng đi học, buổi chiều về nhà đúng giờ, quanh quẩn trong gian bếp nhỏ giúp mẹ nhặt rau, rửa bát. Và bố tôi sẽ về nhà và nhấc bổng tôi trên cánh tay, xoay tôi vài vòng. Rồi cả gia đình sẽ quây quần bên bữa cơm ấm cúng.

Còn đang đắm chìm trong những suy nghĩ vẩn vơ, tôi bị kéo lại thực tại bởi sự xuất hiện của mấy thằng học sinh trường khác. Tôi vẫn còn nhớ rõ mặt thằng lỏi với kiểu tóc bờm ngựa bị bọn tôi tẩn cho một trận tháng trước. Có lẽ nó kéo người tới báo thù, đen đủi lại trúng vào ngày tôi đơn phương độc mã. Khỏi phải nói cũng biết kết quả tôi bị bọn nó đánh cho bầm dập. Thằng nhóc Bạch Hiền chẳng biết từ đâu xuất hiện.

"Chú cảnh sát ơi, ở kia kìa, chúng nó đang đánh anh cháu!"

Mấy thằng ranh nghe thấy hai chữ "cảnh sát" thì hô nhau cong đuôi chạy như vịt. Tôi bĩu môi khinh bỉ một cái, định bụng ngồi dậy thì cả người bị khựng lại bởi cơn choáng váng, mọi thứ xung quanh cứ dần tối sầm lại.

Tới khi tỉnh lại, tôi hé mắt, thấy mình đang nằm dưới một gốc cây cổ thụ tán lá sum suê, khắp người đều ê ẩm.

"Anh có đau lắm không?"

Thằng nhóc Bạch Hiền vừa thấy tôi mở mắt thì liền sốt sắng hỏi.

"Tao đấm mày xem mày có đau không nhá!"

Nó chẳng nói gì nữa, chỉ lẳng lặng lấy thứ gì đó man mát đắp lên vết thương của tôi.

"Mày làm gì đấy?"

"Anh đừng cử động. Mẹ nói bị thương mà đắp lá này lên thì sẽ nhanh khỏi á".

Tôi nhìn lên cánh tay xanh lét của mình, rồi lại ngước lên nhìn nó. Ồ, thằng nhóc ấy có một làn da trắng, khuôn mặt nhỏ và một đôi mắt buồn rầu. Thật ra tôi chưa từng nhìn nó một cách hẳn hoi như vậy bao giờ, bình thường nếu không lướt qua thì tôi cũng chỉ liếc nó một cái mà thôi.

"Tao cảm ơn".

"Cảm ơn em á?"

"Ừ".

Đó là lần đầu tiên trong những năm tháng chung sống, tôi thấy thằng nhóc ủ dột ấy nhoẻn miệng cười. Tôi lặng thinh, quan sát nó, và cơn gió miên man nào cứ nhẹ nhàng phả qua bên tai. Ráng chiều chiếu lên gương mặt, lên vai, lên tóc nó và cả thế gian xung quanh tôi đều nhuốm màu đỏ rực, mọi thứ mơ màng tựa chiêm bao. Sau này, tôi không thể nhớ hết được chuyện gì đã xảy ra vào buổi chiều mơ màng ấy, chỉ có duy nhất cảm giác kì lạ nảy nở và len lỏi trong tâm hồn một thằng nhóc mới lớn là tôi năm đó khiến tôi mãi mãi chẳng thể nào quên.

Kể từ hôm đó, tôi bắt đầu bớt khắt khe với Bạch Hiền. Tôi không còn bắt nạt hay giành ăn với nó, cũng không cấm nó đi theo mình nữa. Vì tôi nhận ra, thằng nhóc ấy không tệ như tôi tưởng.

Năm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được nhận một chiếc bánh sinh nhật, không phải là từ bố tôi mà lại từ Biện Bạch Hiền.

"Chúc anh sinh nhật vui vẻ!"

Bố và dì về quê thăm họ hàng nên chỉ còn tôi với nó ở nhà. Thằng nhóc tắt hết đèn đi rồi bắt tôi thổi nến. Thổi xong còn bắt tôi ước đủ ba điều rồi mới chịu cho tôi ăn.

"Sao mày lại biết hôm nay là sinh nhật tao?"

"Sinh nhật anh mà, lúc nào em chẳng biết".

Tôi ngờ ngợ. Từ khi nó chuyển tới đây, năm nào tôi cũng được nhận một món quà sinh nhật đặt trên hòm thư trước cửa nhà từ một người bạn bí ẩn nào đó.

"Là mày tặng quà cho tao?"

Nó gãi đầu, cười cười.

Nó làm tôi cảm động quá.

"Từ giờ trở đi, năm nào mày cũng phải tặng quà cho tao đấy".

Thằng nhóc mỉm cười gật đầu. Lúc ấy, tôi bỗng phát hiện ra, thằng nhỏ đó trông như một thiên sứ.

"Khi lớn lên, anh muốn làm gì?"

Bạch Hiền đột nhiên hỏi làm tôi bất ngờ, nghĩ mãi chẳng ra đáp án, tôi lắc đầu rồi hỏi lại nó.

"Tao chẳng biết nữa, còn mày?"

"Em muốn làm giang hồ".

Tôi bật cười ha hả.

"Mày á? Sao lại muốn làm giang hồ? Mày muốn đánh tao à?"

Nó lắc đầu, tỏ ra huyền bí.

"Không nói cho anh biết đâu!"

Tôi bĩu môi, ra vẻ chẳng thèm quan tâm. Nó thấy vậy liền kéo kéo vạt áo tôi thủ thỉ.

"Hay tụi mình viết điều ước, bỏ vào trong một cái hộp rồi đem chôn xuống đất, đợi tới sinh nhật năm sau của anh thì lấy ra đọc nhé!"

Tôi lắc đầu, chê nó ấu trĩ, nhưng chiều hôm sau vẫn kiếm ở chỗ Chung Nhân một chiếc hộp sắt đem về cho nó.

...

Ngô Thế Huân có một con iron man to bằng cái phích nước, đám chúng tôi đứa nào đứa nấy đều mê tít thò lò. Tôi phải để dành tiền tiêu vặt với tiền ăn sáng suốt hai tháng mới đủ để tậu một con y hệt về nhà.

"Mày thấy sao? Ngầu không?"

Nó ồ lên, hai mắt lấp la lấp lánh.

"Anh cho em sờ thử một cái nhé?"

Tôi hào phóng, hai tay chống nạnh vui vẻ nói.

"Ừ, cho mày sờ thoải mái!"

Nó sung sướng nhảy cẫng lên, hết sờ đầu lại nắn mấy ngón tay của món đồ chơi.

"Mày nhớ giữ bí mật, cấm để bố biết đấy. Bố mà biết là tao nhừ đòn".

Nó thích chí, gật đầu như chó con. Sau đó ngày nào cũng đem ra ngắm đủ mười lăm phút.

Một tuần sau, tôi vừa đi học về thì nghe tiếng đổ vỡ, liền vội vã chạy vào xem. Tôi sững người khi thấy món đồ chơi của mình tan nát trên mặt đất.

"Bố, bố làm cái gì thế?"

Vừa thấy tôi, bố liền giơ tay định đánh, dì Giang vội giữ ông lại.

"Anh ơi bình tĩnh thôi, đừng đánh con!"

"Mày còn hỏi à? Mày khai mau, mày ăn trộm ăn cắp tiền ở đâu để mua thứ này về hả?"

Tôi thất vọng nhìn về phía thằng nhóc Bạch Hiền đang ngồi rúm ró trên ghế.

"Là mày mách?"

Nó mếu máo lắc đầu.

"Mày im ngay! Mày ăn cắp tiền, còn muốn đổ cho em mày nữa à?"

Bố thấy thế liền lao về phía tôi. Tôi giận dữ chạy ra khỏi nhà. Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ uất ức đến thế. Khi ấy, tôi không tài nào hiểu nổi, vì sao bố lại đối xử như thế với tôi. Bố coi tôi như một thằng con mất dạy, bố coi con đẻ của bố là thằng nhóc xấu xa rồi lại đi bênh vực và yêu thương con của kẻ khác.

Cũng kể từ lần ấy, mối quan hệ của tôi và thằng nhóc Bạch Hiền lại quay trở về vị trí ban đầu, thậm chí còn tồi tệ hơn thế.

..

Lên cấp ba, đám bọn tôi phải đối mặt với rất nhiều đối thủ mới từ khắp nơi tụ lại. Vì thế, ngày nào sau khi tan học, chúng tôi cũng triền miên trong những trận chiến tranh giành ngôi vị đại ca của trường.

Hôm ấy, như mọi ngày, chúng tôi lại ném cặp sách xuống rìa đường rồi lao vào đánh nhau tóe khói. Khổ nỗi bọn nó đông hơn bọn tôi gấp hai lần, thành ra đứa nào cũng bị đập cho tơi tả. Tôi bị đấm trúng đầu liên tiếp, hai bên tai đều ù hết đi. Chỉ nghe văng vẳng đâu đó tiếng thét chói tai.

"Anh ơi cẩn thận!"

Đến khi tôi lấy lại được sự tỉnh táo thì đã thấy chúng nó kéo nhau chạy hết, trên đất chỉ còn thằng nhóc Bạch Hiền sõng soài bên cạnh một cây mã tấu lăn lông lốc. Tôi hốt hoảng lay nó dậy, nhưng thằng nhãi ấy cứ nằm xụi lơ, hai mắt nhằm nghiền, mặc cho tôi gọi, tôi lay thế nào nó cũng không tỉnh. Tôi vội lấy tay đỡ lên đầu nó, bàng hoàng khi nhận ra máu đỏ chảy ra từ sau gáy nó ngày một nhiều.

Lần ấy, Bạch Hiền bị thương nặng, tuy may mắn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng khiến nó phải nằm viện suốt hai tháng liền. Ngày nó được ra viện, vừa tan học, tôi đã vội vội vàng vàng chạy đi mua một cân dâu tây về tặng nó. Có điều tôi chẳng ngờ được rằng, nó mãi mãi cũng không thể nào nhận quà của tôi được nữa.

Nhà tôi hôm ấy yên ắng lạ thường, tôi tìm khắp nơi cũng chẳng thấy ai. Trên phòng, ngoài vườn, dưới bếp, trong phòng khách, đều không một bóng người. Tôi hoang mang tột độ khi phát hiện ra trong tủ quần áo, trên bàn học và cả phòng tắm đã chẳng còn thứ gì của thằng nhóc Bạch Hiền nữa.

"Bố ơi, dì với Bạch Hiền..."

"Đi rồi".

Bố tôi buồn rầu, ôm tôi vào lòng. Ngày hôm ấy, lần đầu tiên tôi thấy bố òa khóc như một đứa trẻ, cũng là lần đầu tiên bố xin lỗi tôi vì tất cả những gì đã trải qua.

"Bố là một ông bố cộc cằn và nóng nảy, bố sợ bản thân không dạy được con, bố muốn cho con một mái ấm gia đình, cho con một người mẹ. Nhưng có lẽ bố đã sai rồi. Bố sao lại không biết con không thích Bạch Hiền, bố sao lại không biết con luôn muốn bắt nạt nó, chỉ là bố cố chấp quá. Sự cố chấp của bố lại vô tình làm tổn thương con trai bố, tổn thương dì Giang, và cả Bạch Hiền. Bố xin lỗi con, xin lỗi con nhiều lắm!"

Ngày hôm ấy cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi khóc nhiều đến thế. Tôi chẳng rõ mình đã chạy ra ngoài như thế nào, cũng chẳng rõ bản thân đã lang thang ngoài trời bao lâu, chỉ biết đến khi dừng lại, tôi đã đứng dưới gốc cây năm nào tôi cùng nó chôn chiếc hộp điều ước.

"Mày nhanh cái tay lên, tối đến nơi rồi. Có mỗi cái hộp mà chôn mãi chẳng xong".

Tôi ngồi vắt vẻo trên thân cây nhìn thằng nhóc Bạch Hiền đang lúi ha lúi húi. Nó thấy tôi bắt đầu cáu thì ném cái xẻng qua một bên, sục cả hai bàn tay xuống hố bới đất, mũi nó khìn khịt.

"Em xong rồi nè, anh xuống đi!"

Tôi bực dọc trèo xuống, giật lấy chiếc hộp trong tay nó ném nhanh xuống hố, rồi cùng nó lấp kín lại.

"Anh không được lén em mở ra đâu đó!"

"Tao chẳng thèm!"

Thằng bé thấy tôi hứa thì an tâm lắm, nó cười đến hai mắt híp lại.

Trải qua nhiều năm tôi giận nó, cũng quên luôn chuyện chiếc hộp. Đến khi tôi nhớ ra, thì nó đã chẳng còn ở đây nữa. Chiếc hộp điều ước tôi và nó đã hứa sẽ cùng nhau mở ra, cuối cùng vẫn là tôi thất hứa mở trước. Dù sao thì nó cũng không trở về nữa, những gì nó nói với tôi năm ấy có lẽ nó cũng chẳng nhớ đâu.

Tay tôi run run mở từng mảnh giấy, những nét chữ nắn nót và trọn trịa hiện ra làm tôi quặn thắt.

"Mình muốn trở thành giang hồ, vì anh Xán Liệt rất giỏi đánh nhau. Biện Bạch Hiền"

Biện Bạch Hiền xuất hiện trong thời niên thiếu của tôi rồi biến mất chẳng để lại một dấu vết nào, tựa như tất cả chỉ là một giấc mộng dài, tựa như tất cả chỉ là ảo tưởng của riêng tôi mà thôi. Nó đi, để lại trong tôi một nỗi ân hận muộn màng. Nó đi, để lại trong tôi một nỗi buồn da diết.

Đến mãi sau này, khi đã lớn lên và trưởng thành, tôi vẫn không thôi ám ảnh và day dứt về Biện Bạch Hiền. Tôi cứ ngỡ khi thời gian trôi đi, kí ức về nó trong tôi sẽ phai mờ dần, nhưng tôi đã lầm mất rồi. Biện Bạch Hiền. Chỉ ba chữ ấy thôi, không ngờ lại dai dẳng trong đầu tôi lâu đến thế. Có lẽ vì tôi nợ nó nhiều quá, nên chẳng khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ về nó. Tôi nợ nó một người anh trai, nợ nó một tuổi thơ tươi đẹp, nợ nó một mái ấm gia đình, và nợ nó một lời xin lỗi. Năm ấy tôi đã là một đứa trẻ chẳng hiểu sự đời, kiêu ngạo và ích kỉ, giá như tôi nhận ra sớm hơn, nhận ra rằng tôi thương nó đến nhường nào thì có lẽ nó sẽ vẫn ở đây, và bố tôi cũng sẽ không khổ sở như vậy.

Năm tôi 27 tuổi, bố tôi qua đời. Bầu trời Bắc Kinh chưa bao giờ đen đến thế. Giữa thế gian lại chỉ còn mình tôi vơ vơ và chơ chọi, chứng kiến những người thân yêu nhất cứ thế lần lượt rời bỏ tôi mà đi. Bỏ lại tôi chật vật với nỗi đau đớn và thống khổ tột cùng.

...

Paris đón tôi trong một đêm đông lạnh giá, tuyết rơi trắng trời. Tôi ngửa mặt lên ngắm màn đêm đen kịt, hít thật sâu dưới bầu không khí lạnh ngắt. Có lẽ bắt đầu một cuộc sống mới ở một miền đất mới sẽ giúp tôi quên đi phần nào những mất mát mà mình vừa trải qua.

Khi còn đang loay hoay với đống hành lí cồng kềnh trên phố, tôi bỗng thấy một cậu thanh niên châu Á bên kia đường. Ngay giây phút cánh tay đưa lên định nhờ sự giúp đỡ, tôi chợt khựng lại vì đôi mắt quen thuộc. Trên đời này, chỉ có Biện Bạch Hiền mới có đôi mắt như thế.

Cậu thanh niên ấy quay lưng bước đi, tôi vội vàng băng qua đường đuổi theo. Cậu hòa lẫn vào dòng người đông đúc rồi biến mất như một thứ ảo ảnh. Tôi lại thấy mình lạc lõng giữa phương trời xa lạ, hình bóng tôi muốn kiếm tìm có lẽ mãi mãi cũng chẳng thể tìm thấy. Kí ức như thủy triều cuốn vào từng đợt làm lòng tôi đau nhói.

"Anh Xán Liệt, anh ở đâu thế?"

"Anh ơi, đừng bỏ em, em sợ quá!"

Tôi nấp sau cây cột điện, ngó Biện Bạch Hiền từ phía xa. Thằng nhóc sau khi bị tôi lừa chạy xuống bờ sông quay lại thấy tôi biến mất thì hoảng loạn khóc oà lên.

"Anh đi đâu mất rồi?"

"Anh ơi, đừng bỏ em..."

Tôi đã từng lạnh lùng nhìn nó từ xa trong cơn hoảng loạn, đã từng lạnh lùng quay lưng rời đi khi nó đang ở tột cùng của sợ hãi và tuyệt vọng. Có lẽ giờ đây ông trời đang phạt tôi rồi. Biện Bạch Hiền, có phải khi ấy em cũng cô đơn và lạc lõng như anh lúc này đúng không?

"Xán Liệt!"

Tiếng gọi phía sau khiến tôi giật mình ngoảnh lại. Đúng là Biện Bạch Hiền rồi. Nó, Biện Bạch Hiền bằng xương bằng thịt đứng trước mặt tôi, không còn là ảo ảnh trong những giấc mộng nữa. Sống mũi tôi cay xè và nước mắt cứ chực tuôn rơi. Đã bao năm rồi, đã bao năm rồi tôi mới thấy lòng mình rộn ràng đến thế. Cuối cùng anh cũng thấy em rồi. Thế giới lớn như vậy, ấy thế mà anh lại tìm thấy em.

"Anh là Xán Liệt phải không?"

Biện Bạch Hiền mỉm cười nhìn tôi. Em vẫn không thay đổi chút nào cả, chỉ là đã lớn hơn trước nhiều. Tuyết kia vẫn chẳng ngừng rơi, ấy vậy mà sao trong lòng tôi lại thấy ấm áp đến thế?

"Chào em, Biện Bạch Hiền".

Hóa ra Paris không chào đón tôi bằng đêm đông lạnh giá, cũng chẳng phải là nỗi cô đơn tột cùng, mà nó chào đón tôi bằng mặt trời rực lửa, ấy là Biện Bạch Hiền.

...

Nhiều năm sau đó, tôi cùng Biện Bạch Hiền trở về ngôi nhà nhỏ giữa Bắc Kinh rộng lớn. Chúng tôi ngồi trên mái nhà, ngắm nhìn quả cầu lửa đỏ rực phía chân trời.

"Hồi nhỏ em không ghét anh sao?"

"Em thích anh mà!"

Bạch Hiền nhìn tôi cười tủm tỉm.

"Lúc đó anh đáng ghét vậy, có gì mà thích chứ?"

"Đáng ghét nhưng mà đáng yêu".

Tôi bật cười, đưa cho em một mảnh giấy nhỏ.

"Tao ước năm nào cũng được nhận quà sinh nhật từ Biện Bạch Hiền. Phác Xán Liệt"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top