Câu chuyện thứ 12: Lily

Ngón tay tôi gảy trên những phím đàn đen trắng, âm thanh hỗn loạn vang lên, rơi vào trong không gian im ắng nghe chói tai đến lạ thường.
Từ bé tôi đã được xưng tụng là kỳ tài trăm năm khó gặp trong giới âm nhạc. Họ chỉ nhìn vào hào quang của tôi mà táng tụng, mà đố kỵ, lại không biết suốt từ năm sáu tuổi, một ngày tôi tập đàn ít nhất bốn tiếng, giai đoạn trước những kỳ thi thì mỗi ngày tập ít nhất sáu tiếng, đến nỗi những ngón tay không khống chế được run rẩy rồi mất cảm giác hoàn toàn.
Thiên bẩm là có thật, nhưng nỗ lực cũng không phải nói chơi. Máu và mồ hôi tôi đổ trên những phím đàn, không ai thấy, họ chỉ thấy cảm thán ông trời thiên vị. Không ai biết điều này, rằng những kẻ càng được ca tụng thì lại càng phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người thường, bởi lúc nào trên vai họ cũng phải gánh bốn chữ "danh xứng với thực". Người thường thất bại có thể tiếp tục nỗ lực, còn thiên tài thì không. Bởi khi họ thất bại, thế giới sẽ triệt để quay lưng với họ.
Tôi sinh ra trong một gia đình danh giá, một dòng dõi gia tộc có bề dày lịch sử trong giới âm nhạc cổ điển. Tôi nghe những bản giao hưởng từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Những chữ cái đầu tiên mà tôi được dạy không phải bố, cũng chẳng phải mẹ mà là tên của những nhà soạn nhạc lừng danh, những nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng. Thậm chí, tôi còn biết đàn trước khi biết đọc. Họ gọi tôi là "thiên tài", lại không biết quá trình đào tạo thiên tài khắc nghiệt ra sao.
Tôi chán ghét căn nhà của mình, nơi mà cha tôi say mê với những buổi diễn xướng, còn mẹ tôi cầm roi đứng sau lưng tôi mỗi khi tôi đàn. Chỉ cần tôi đàn sai, đàn chậm, đàn nhanh hay bất cứ thứ gì bà không hài lòng, chiếc roi ấy sẽ vụt ngay vào tấm lưng non nớt của tôi. Vì sao không đánh vào tay ư? Vì bà ấy cho rằng trên cơ thể tôi chỉ có ba bộ phận đáng giá, tai, mắt và tay. Tai để lắng nghe âm nhạc, mắt để nhìn bản nhạc và tay để đánh đàn.
Không ai biết rằng, trước năm mười tuổi, tôi chán ghét âm nhạc đến mức ước gì nó đừng xuất hiện trên đời. Cũng không ai biết, sau năm mười tuổi, âm nhạc trở thành niềm yêu thích thứ hai của tôi. Còn thứ đứng nhất, là cô ấy.
Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp cô ấy là khi cô ấy tám tuổi. Lúc ấy cô ấy mặc một chiếc váy trắng, trông thánh thiện và non nớt. Cô như một thiên thần đi lạc vào vườn nhà tôi và say sưa ngồi nghe tôi đàn. Khi tôi kết thúc bản nhạc, cô ấy vui vẻ vỗ tay ngợi khen tôi hết lời. Đó là lần đầu tiên tôi nhận được lời khen, bởi từ trước đến nay người nghe tôi đàn chỉ có mẹ tôi, và cho dù tôi có đàn hoàn hảo đến đâu, bà cũng chỉ thờ ơ buông một câu: "Phải cố gắng hơn nữa" rồi quay lưng đi. Trong thế giới của tôi, mẹ vĩnh viễn như thế, là một sinh vật thờ ơ với mọi thứ, trừ âm nhạc, và chỉ khi tôi đàn hỏng, bà mới nói với tôi nhiều hơn ba câu.
Khi đó, chúng tôi bắt đầu làm quen với nhau, cô ấy nói cô ấy tên Lily, còn nói đó là tên một loại hoa rất đẹp. Về sau tôi mới biết lily chính là loài hoa mà mẹ tôi hay cắm trong chiếc bình cổ trị giá mấy ngàn đô trong góc phòng khách. Lily, hay còn gọi là hoa Huệ tây, xinh đẹp và thuần khiết, tựa như cô ấy.
Cô ấy làm bạn với tôi từ thuở con trẻ đến khi trưởng thành. Có lẽ cô ấy cũng không biết, nhưng ngày đó lời khen của cô ấy đã trở thành động lực khiến tôi cố gắng luyện tập. Mẹ tôi không thích cô ấy, đơn giản bởi bà sợ cô ấy sẽ kéo tôi thụt lùi, nhưng sau bà phát hiện khi có cô ấy ở cạnh, tôi luôn phát huy tốt hơn, bà liền mặc kệ, thậm chí đôi khi tâm trạng tốt, bà còn mời cô ấy đến nhà chơi.
Tôi dần dần trở nên nổi tiếng, cô ấy cũng thế. Tôi nổi tiếng bởi dương cầm, còn cô nổi tiếng bởi giọng ca thánh thót. Có người nói, giọng ca của cô là âm thanh của Chúa. Điều này tôi đồng ý, bởi lần nào nghe cô ấy hát, tôi cũng ngẩn ngơ. Đôi khi tôi còn nghĩ, có lẽ giọng của Chúa cũng không hay bằng cô ấy.

Tôi đàn, cô ấy hát. Khi tiếng ca của cô vang lên, tôi như hòa mình vào thế giới âm nhạc, không còn kĩ thuật cũng không còn bản nhạc, những ngón tay như được dẫn dắt trở nên thoăn thoắt nhẹ nhàng lướt trên những phím đàn.

Cô ấy từng nói, khi tôi đàn, tôi là Bá Nha, cô ấy là Tử Kỳ, còn khi cô hát, cô là Bá Nha, tôi là Tử Kỳ. Chúng tôi là tri âm tri kỷ của nhau, cũng chỉ có chúng tôi mới thấu hiểu hoàn toàn âm nhạc của nhau. Lúc ấy, tôi cảm thấy rất vui. Nhưng về sau ngẫm nghĩ kĩ lại thì không còn vui nữa. Bởi dẫu Bá Nha và Tử Kỳ có là tri âm tri kỷ thì kết thúc của họ cũng chẳng vẹn toàn.
Đôi khi, lời nói vu vơ lại thành tiên tri. Mùa đông năm đó cô ấy ngất xỉu khi đang biểu diễn. Bác sỹ tuôn ra một đống thuật ngữ y học, tôi ngẩn ngơ đứng bên cạnh người nhà của cô ấy, đúc kết ý bác sỹ lại trong hai câu, một, cô ấy chỉ sống thêm được tối đa sáu tháng, hai, có thể dùng hóa trị kéo dài thời gian sống của bệnh nhân, nhưng người nhà nên chuẩn bị tâm lý.
Đất trời như sụp đổ, tận thế cũng không đáng sợ bằng việc bạn mất đi người bạn yêu thương nhất trên đời.
Rồi cô ấy nhập viện, trải qua hai tháng hóa trị, cô trở nên còm cõi, tóc rụng phân nửa. Cô ấy cười mà như mếu, cô nói:
"Đừng nhìn em. Anh đừng nhìn. Em biết bây giờ mình rất xấu"
Tôi xót xa ôm cô vào lòng, an ủi:

"Lily, em trong mắt tôi vẫn xinh đẹp như ngày đầu"

Cô ấy òa khóc nức nở trong vòng tay tôi, cô nói cô không muốn chết dần chết mòn trong bệnh viện, cô muốn dùng những tháng ngày cuối cùng tận hưởng cuộc sống.
Tôi nói:


"Được, anh sẽ đưa em đi"

Hai chúng tôi cùng thuyết phục ba mẹ cô ấy, có lẽ họ cũng hiểu tâm trạng của cô nên dù không nỡ vẫn để tôi đưa cô đi.
Chúng tôi đi hết những nơi mà cô ấy muốn đi, tận hưởng cảnh sắc khắp nơi trên thế giới. Đêm trước ngày cô ấy mất, chúng tôi ngồi ngoài sân ngắm đom đóm. Cô ấy nói:
"Hãy đàn cho em nghe đi. Rất lâu rồi em không nghe anh đàn"
Vì vội vàng đi và đàn dương cầm khá cồng kềnh nên tôi không mang theo, cũng không thể mượn ai. Cuối cùng tôi đành mang về một cây đàn ukulele. Đây không phải nhạc cụ mà tôi hay sử dụng nên tôi chỉ biết những bước căn bản. Những âm thanh trúc trắc vang lên. Cô ấy lại mỉm cười, ánh mắt lấp lánh như những vì sao, cô nói, tôi đàn rất hay.
Cô dựa vào vai tôi, nói:
"Hãy sống tốt, sống cả phần em nữa"
Tôi cố gắng không cho nước mắt chảy ra, khàn giọng đồng ý. Rồi cô hát tôi nghe, những ca từ không còn trong veo như ngày nào mà trở nên khàn đục nhưng tôi lại cảm thấy cô hát rất hay.
Sáng ngày hôm sau, cô nói cô thèm ăn ô mai. Tôi vội vàng chạy ra siêu thị gần đó mua. Đến lúc trở về, đã thấy cô ngồi trên chiếc ghế gỗ, mắt nhắm lại, hai tay đan vào nhau, giống như đã ngủ nhưng tôi lại cảm thấy lo lắng vô cùng. Tôi bước lại, lay cô ấy, cô ấy không tỉnh, tôi nắm tay cô ấy, những ngón tay lạnh ngắt. Tôi run rẩy áp tai mình vào ngực cô, muốn lắng nghe nhịp tim của cô nhưng cho dù có cố thế nào cũng không nghe được.
Nước mắt tự dưng chảy dài. Tôi ôm lấy thi hài của cô khóc cho đến khi tia nắng cuối cùng của ngày tàn lụi.
Tôi muốn hỏi cô, có phải cô sợ tôi đau lòng nên mới kêu tôi đi đúng không, nhưng tôi không hỏi, bởi cô ấy đã không còn. Lily của tôi đã không còn trên thế gian này nữa. Ánh dương của tôi, tình yêu của tôi, người tôi yêu nhất thế gian này, đã vĩnh viễn mất đi...
Ngày đó, là một ngày cuối xuân. Thời tiết nóng lên, nhưng tôi lại thấy lạnh vô cùng. Bởi, vào ngày mà cô rời đi, trái tim treo lơ lửng của tôi đã rơi xuống đất, vỡ tan tành...
...
Cô từng nói tôi là Bá Nha, còn cô là Tử Kỳ. Khi Bá Nha biết Tử Kỳ mất đã đến trước mộ Tử Kỳ khóc than rồi đập đàn. Ông cho rằng Tử Kỳ mất đi, từ nay về sau không ai hiểu tiếng đàn của ông nữa.Lily mất, tôi không đập đàn. Dù khi cô ấy mất đi, tôi chẳng thể đàn được gì nữa, tôi cũng không đập. Bởi cây đàn ấy là thứ chất chứa nhiều kỉ niệm giữa tôi và cô, tôi không đập, bởi nếu đập, những dấu vết cô ấy từng để lại có lẽ sẽ tan biến đi theo thời gian...
Lily của tôi, Bá Nha vì cái chết của Tử Kỳ mà đập đàn, còn tôi vì mất đi em mà vĩnh viễn mất đi khả năng đánh đàn. Từ nay về sau, thế gian của tôi đã không còn ánh sáng nữa...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #doanvan