Chương 39: Nguy Hiểm
Chương 39: Nguy Hiểm
Lần trước tiễn Đình Duệ đi Phú Xuân là vào năm giỗ đầu Việp quận công, lúc đó Đinh Ngọc bịn rịn níu tay áo Đình Duệ, còn lần này người bịn rịn hơn ai hết lại là tôi. Đình Duệ mặc trang phục võ tướng, bên ngoài còn khoác một lớp áo giáp như vảy cá màu bạc dài đến trên đầu gối, trên đầu đội mũ đinh cũng màu bạc có chạm khắc mây nhũ vàng. Đây không phải lần đầu tôi nhìn thấy Đình Duệ trong trang phục võ tướng nhưng lần nào cũng bị khí thế tướng quân của anh làm cho ngây người.
Trước khi ra khỏi cửa, Đình Duệ xoa đầu tôi rồi cười:
- Đinh Thanh, có tin vui phải báo anh biết, anh sẽ gởi quà mừng cho em.
Tôi gật đầu, cố gắng để không tỏ ra sướt mướt. Chia ly không bao giờ là vui vẻ nhưng mỗi lần tiễn một người lên đường tôi lại có cảm giác bất lực, đã biết ngoài kia là nguy hiểm muôn trùng, chỉ sợ một đi không trở về nhưng lại không cách nào ngăn cản được.
Trước khi Đình Duệ lên ngựa, tôi không kiềm lòng được, níu áo anh, nói vừa đủ cho anh nghe, giọng nghèn nghẹn:
- Anh Duệ, anh phải sống.
Có lẽ không có ai nói lời chia tay như tôi, người ta chúc lên đường thượng lộ bình an còn tôi lại chỉ chúc một chữ "sống". Đình Duệ nghe xong thì hơi ngẩn người sau đó mới bật cười, xoa đầu tôi một lần nữa rồi nhảy lên ngựa.
Quận công ngồi xe ngựa, còn Đình Duệ cưỡi ngựa đi bên cạnh, họ sẽ đến doanh trại ở trấn Sơn Nam để kiểm quân lần cuối trước khi anh khởi hành vào Phú Xuân. Đinh Ngọc đứng cạnh tôi, chờ đến khi bóng người ngựa khuất sau con đường mới kéo tay tôi vào trong nhà.
***
Thoáng cái đã vào tháng mười, Thăng Long năm nay rét hơn so với mọi năm. Tôi mặc áo bông dày ngồi co ro bên bếp than trong phòng Đinh Ngọc, còn chị vẫn theo thói quen cũ, ngồi một chỗ sẽ lại lôi đồ ra thêu thùa. Lần này chị thêu rất nhiều họa tiết như đàn gà con, con vịt đang bơi, tổ chim trên cành cây... Tôi vừa lật qua lật về tấm khăn có hình thêu con cá vàng trên đó vừa trêu chọc chị:
- Chị thêu mấy cái này em chẳng dám mang ra đường đâu.
- Ai nói là chị thêu cho em? – Đinh Ngọc ngẩng đầu lên nhìn tôi mà cười.
- Vậy chị thêu cho ai? – Tôi nháy mắt hỏi lại.
Đinh Ngọc im lặng một hồi rồi mới trả lời:
- Chị thêu áo và khăn cho em bé.
Nghe đến từ "em bé" khiến tim tôi thót lên một cái sợ hãi, không lẽ Đinh Ngọc xuất hiện trạng thái trầm cảm giống mấy người phụ nữ mất con mà trên phim ảnh hay nói đến? Tôi e dè hỏi lại:
- Em bé nào cơ?
Đinh Ngọc thản nhiên nói:
- Vài hôm nữa chị thêu xong, may sẵn áo rồi sẽ để Gạo mang về nhà bên kia cho đứa bé mới sinh ra của Phan Huy.
- Chị... – Tôi ngạc nhiên nhìn Đinh Ngọc.
Tuy rằng Đinh Ngọc thêu thùa may vá lung tung sẽ khiến bản thân bận rộn, bớt phải ngồi ủ rũ u sầu, nhưng tôi lại sợ chị may đồ trẻ con rồi nhớ đứa con đã mất mà buồn tủi. Đinh Ngọc như hiểu được suy nghĩ của tôi nên khẽ thở dài:
- Tuy là con chị không còn nhưng chị vẫn có thể thêu khăn áo cho những đứa bé khác, hơn nữa chị đã muốn làm việc này từ lâu rồi.
Tôi thấy cay cay sống mũi bèn đứng dậy đến ngồi gần chị, kéo khăn len choàng trên cổ chị cẩn thận rồi nói:
- Vậy chị thêu nhiều vào, nếu dư nhiều quá thì chúng ta đem cho những đứa bé sơ sinh ở các nhà khác.
Đinh Ngọc gật đầu cười dịu dàng với tôi, chị còn nói sẽ mang hết mấy tấm nệm em bé mà tôi từng may ra đem cho người ta luôn. Không nghĩ đến cô vợ lẽ của Phan Huy lại có số hưởng như vậy, tôi không cam lòng nói với Gạo là mang về một nửa để đem tặng Nguyễn Hoàn và Vi Hà, con của họ chắc cũng sắp ra đời rồi.
***
Một chiều, tôi cùng Gạo ra phố, xe ngựa dừng lại ngay trước cửa hàng vải của Nguyễn Hoàn. Trong cửa hàng, một người hầu của Nguyễn Hoàn thấy tôi thì chạy ra đón, luôn miệng cười:
- Tiểu thư, công tử nhà tôi đang ở trong, có cả thiếu phu nhân.
Tôi cười đáp lại với anh ta rồi xách váy đi thẳng vào gian phòng bên trong cùng của cửa hàng. Lúc này Nguyễn Hoàn và Vi Hà đang ngồi uống nước ở bàn tròn, bụng của cô đã khá to rồi. Nguyễn Hoàn thấy tôi thì đứng dậy nói:
- Đinh Thanh, nàng mau vào ngồi đây cho ấm.
Bên cạnh bàn tròn có để một chậu than, tôi ngồi vào ghế hơ hơ tay sưởi ấm. Vi Hà rót một chén trà đưa cho tôi:
- Tiểu thư uống trà cho nóng.
Kể từ lần tôi vô tình mang tiếng cứu Vi Hà thì cô cũng không còn thái độ phòng bị với tôi nữa. Thỉnh thoảng cô còn sai người mang vải vóc qua tặng tôi, người vui mừng nhất trong chuyện này lại là Nguyễn Hoàn.
Sau khi nói vài câu chuyện phiếm, tôi nói Gạo mang túi vải ra tặng cho Vi Hà, bên trong túi có vài chiếc nệm em bé, còn lại là khăn và áo quần mà Đinh Ngọc tự tay thêu và may. Vi Hà sau khi nhận lấy thì mắt lấp lánh, miệng liên tục nói cám ơn còn gởi lời cám ơn đến Đinh Ngọc. Nguyễn Hoàn tò mò lấy một tấm nệm ra xem thử, sau khi biết được tác dụng của nó thì nhìn tôi bằng ánh mắt không tin được:
- Đinh Thanh, ra lần trước nàng hỏi tôi về da bò là để làm cái này.
- Ừ. – Tôi cười đáp lại.
Nguyễn Hoàn nhìn Vi Hà rồi cười cười, giọng trêu chọc:
- Hôm đó nàng đến tìm tôi để hỏi vải không thấm nước, nhưng có người lại không tin, ghen bóng ghen gió mất mấy ngày mới tha cho tôi đó.
Vi Hà nghe xong thì đỏ mặt không dám nhìn tôi, còn đưa tay ra nhéo nhéo cánh tay của Nguyễn Hoàn. Tôi nhìn thấy thì bật cười lớn, Nguyễn Hoàn cũng cười ra tiếng, cô ấy thấy vậy lại càng thẹn hơn.
Ngồi nói chuyện được một lát, tôi tạm biệt vợ chồng Nguyễn Hoàn rồi cùng Gạo đi bộ qua cửa hàng bên kia đường mua bánh đậu xanh nướng cho Đinh Ngọc. Lúc tôi và Gạo đang đứng chờ lấy bánh thì một người đội nón che khuất cả mặt đi ngang qua, va chạm vào người tôi rất nhẹ rồi bỏ đi cũng rất nhanh. Đó là một cú va chạm cố ý bởi vì đường thì không đông người, tôi lại đang đứng phía trong, Gạo đứng ở phía ngoài. Người đó đi đến ngã rẽ thì hơi nhấc chiếc nón lên nhìn về phía tôi. Tôi nhận ra ngay lập tức, đó là Dự Vũ, trợ thủ bên người của Trịnh Khải.
- Tiểu thư, chúng ta đi thôi. – Gạo kéo kéo tay tôi đang đứng sửng sốt.
Sau khi ngồi trên xe ngựa tôi mới bình tĩnh xem lại áo mặc trên người mình, trong túi chiếc áo bông to sụ có một mẩu giấy nhỏ. Gạo nhìn thấy tôi loay hoay lục lọi túi áo rồi lôi ra được một mẩu giấy thì cũng ngạc nhiên không kém:
- Tiểu thư, cái này là gì?
Gạo không biết chữ nên tôi cũng không lo lắng nhiều, mở mẩu giấy ra thì thấy bên trong viết mấy chữ, là nét bút cứng cỏi quen thuộc của Trịnh Khải.
"Giờ Tý, miếu hoang phía tây."
- Tiểu thư, trên đó viết gì ạ? – Gạo nhìn mẩu giấy rồi lại nhìn tôi đầy thắc mắc.
Tôi không trả lời câu hỏi của Gạo mà vén rèm hỏi Hải đang đánh ngựa ở phía trước:
- Hải, bao lâu rồi ngươi chưa gặp công tử?
Hải bị tôi hỏi bất ngờ, tay hơi kéo dây cương ngựa cho xe chạy chậm lại rồi mới trả lời:
- Tiểu thư, lần cuối tôi gặp công tử là lần đưa người bức tranh.
Hít vào một hơi thật sâu, tôi cắn môi nói:
- Ta vừa gặp Dự Vũ.
Dự Vũ là người thân cận bên cạnh Trịnh Khải, Hải là người của anh thì chắc chắn sẽ biết Dự Vũ. Nhưng tôi không ngờ đến là khi Hải nghe xong thì tỏ ra rất ngạc nhiên mà thốt lên:
- Không thể nào.
Tôi nhíu mày chờ Hải nói tiếp nhưng anh ta lại đưa mắt nhìn Gạo đang ngồi trong xe ngựa. Gạo nãy giờ im lặng nghe đoạn đối thoại của tôi và Hải, tôi cũng tin tưởng Gạo sẽ không nói lung tung cho người khác nghe nên nói với anh ta:
- Ngươi cứ nói đi.
Hải chần chừ một lát rồi lên tiếng:
- Tiểu thư, Dự Vũ hoạt động bí mật ở bên ngoài từ khi công tử, ừm... từ khi đó. – Tôi gật đầu, ám chỉ là hiểu được ý của anh ta, lúc này Hải mới nói tiếp. – Dự Vũ rất hiếm khi xuất hiện trừ khi được lệnh của công tử. Nếu hắn đến gặp tiểu thư, sợ rằng có việc gì đó không ổn.
Nghe Hải nói, tôi bỗng dâng lên cảm giác bất an. Đúng là từ lúc Trịnh Khải bị truất ngôi thế tử đến nay tôi chưa từng gặp lại Dự Vũ, vì sao hôm nay anh ta lại cố ý đưa cho tôi mẩu giấy này?
Tôi nhìn lại mẩu giấy trong tay, "Giờ Tý, miếu hoang phía tây", là nét chữ của Trịnh Khải, chắc chắn không thể nhầm lẫn được. Nếu như bình thường Trịnh Khải muốn gặp tôi thì sẽ nhắn thông qua Hải, cho nên giờ giấc và địa điểm trong mẩu giấy này không phải là để anh hẹn gặp tôi. Vậy nó có ý nghĩa gì?
Tôi nói với Hải, giọng có chút run run:
- Quay xe lại.
Sau khi quay lại quán bán bánh ban nãy, tôi cùng Gạo đến đứng ở góc đường mà Dự Vũ biến mất. Đường phố đông đúc, tôi nhìn quanh một hồi cũng không nhận ra được ai. Gạo khẽ kéo tay tôi:
- Tiểu thư, có chuyện gì vậy ạ?
Tôi cắn môi nhìn Gạo rồi nói:
- Em còn nhớ vị công tử mà... ừm, là người tặng chị khăn tay và chiếc trâm cài đầu đó?
Gạo trợn tròn hai mắt nhìn tôi:
- Tiểu thư! Người và người kia không phải đã cắt đứt rồi sao?
- Ừ, thì là sau đó... – Tôi bối rối không biết phải giải thích với Gạo như thế nào.
- Hải cũng biết công tử đó sao tiểu thư? – Gạo nhíu mày hỏi tôi.
Cô bé này đúng là ngày càng thông minh ra. Tuy rằng tôi không muốn giấu Gạo nhưng cũng không nên tiết lộ việc Hải là người của Trịnh Khải. Hơn nữa, tôi cũng không dám chắc việc Gạo đã biết thân phận thực sự của Trịnh Khải hay chưa? Vì thế tôi gật đầu thay cho câu trả lời.
Tuy biết là quay lại đây không chắc sẽ gặp lại Dự Vũ nhưng tôi vẫn hi vọng có thể gặp được anh ta, ít nhất cũng nên cho tôi biết có chuyện gì đang xảy ra? Tại sao lại đưa mẩu giấy này cho tôi? Nhưng... lỡ như anh ta không thể quay lại đây được thì sao?
- Về thôi. – Tôi nói với Gạo sau khi đứng đợi được một lúc.
Trên xe ngựa trở về phủ, tôi lại tiếp tục đọc mẩu giấy, dù rằng nó chỉ có mấy chữ ngắn ngủn. Trước khi vào cổng, tôi quay ra nói với Hải:
- Miếu hoang phía tây là nơi nào? Ngươi có biết chỗ đó không?
- Thưa, tôi không biết. – Hải lắc đầu.
Tôi nghĩ nghĩ, lại hỏi:
- Hải, ngươi có thể nhắn tin hay gặp công tử được không?
- Thưa, tôi biết được một người hay truyền lệnh của công tử cho tôi. Nếu muốn nhắn tin cho công tử phải gặp được hắn ta. – Hải trả lời.
- Hắn ta là lính canh trong ngôi nhà giam giữ công tử? – Tôi nói ra suy đoán của mình.
Hải tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn tôi:
- Dạ đúng thưa tiểu thư.
Vậy là bình thường Trịnh Khải trốn ra ngoài có sự giúp đỡ của tên lính canh đó. Dự Vũ hoạt động bí mật, chắc chắn không thể chỉ có một mình, ngoài anh ta ra chắc còn nhiều người khác. Tôi lại hỏi:
- Vậy những người khác, ngươi có biết cách liên lạc với họ không?
Anh ta tỏ vẻ bối rối:
- Thưa, tôi không biết.
Tôi thở dài rồi đưa ra quyết định:
- Ngươi đi tìm tên lính canh đó, gặp được rồi thì về báo tin cho ta. – Suy nghĩ một lát, tôi nói tiếp. – Ngươi đồng thời cũng đi tìm hiểu cho ta trong thành Thăng Long và xung quanh có miếu hoang nào không. Để ý kỹ khu vực phía tây thành giúp ta.
Hải vâng dạ rồi quay người đi. Tôi kéo tay Gạo vào trong phòng, cài then lại rồi dặn dò cô bé:
- Em nhớ những chuyện liên quan đến vị công tử đó nhất định phải giữ bí mật, không được nói với ai, kể cả chị Đinh Ngọc.
Gạo gật đầu đồng ý.
***
Sau bữa cơm trưa, tôi ngồi ở bàn đá dưới cây lựu chờ tin của Hải, trong lòng thấp tha thấp thỏm. Đinh Ngọc đi ra thấy tôi thì nhíu mày rồi nói:
- Đinh Thanh, ngoài này lạnh lắm, mau vào phòng đi.
- Em không sao, chị vào trước đi. – Tôi cố kéo một nụ cười với Đinh Ngọc.
Nhưng Đinh Ngọc lại đến ngồi cạnh tôi, chị hỏi:
- Em sao vậy? Nhìn mặt cứ lo lắng không yên.
Tôi đưa tay sờ mặt mình, không lẽ biểu hiện rõ rệt như vậy sao? Đinh Ngọc khẽ lắc đầu:
- Không nói thì thôi, nhưng em chịu lạnh kém như vậy thì đừng ngồi ở đây quá lâu, mau vào trong phòng đi.
Đinh Ngọc vừa dứt lời thì Hải cũng xuất hiện, anh ta đứng lấp ló ngoài sân. Tôi nhìn thấy liền kéo tay Đinh Ngọc mà nói:
- Chị vào phòng đi, em bị mất chiếc vòng tay nên mới lo lắng. Giờ em nhớ lại rồi, thì ra là bỏ quên ở cửa hàng vải của Nguyễn Hoàn, em phải qua đó lấy.
Nghe tôi nói xong, Đinh Ngọc khẽ thở dài rồi trách tôi:
- Có chiếc vòng tay mà chị còn tưởng em gặp chuyện gì lớn lắm. Hay để sai người qua lấy cũng được, ra ngoài chi cho lạnh.
- Không được, em qua lấy vòng tay tiện thể hỏi Nguyễn Hoàn vài chuyện luôn. – Tôi đẩy Đinh Ngọc vào trong phòng của chị. – Chị vào trong đi, người mới hết bệnh nhiễm lạnh sẽ không tốt đâu.
Chờ cho Đinh Ngọc vào phòng, tôi đi ra ngoài cổng, leo lên xe ngựa ngồi, Hải bắt đầu đánh xe đi chầm chậm ra phố.
- Thế nào rồi? – Tôi hỏi Hải gấp gáp.
- Tiểu thư, tôi đã tìm kiếm nhưng không thấy hắn ta. Nghe mấy người lính canh nói là từ hai ngày trước đã không thấy hắn ta đến nhận nhiệm vụ. Tôi có về nhà của hắn hỏi nhưng cả nhà cũng không ai biết hắn ta đang ở đâu. Họ nói mỗi tháng hắn ta đều đi hai ba ngày mới trở về nên cũng không thấy lạ.
Tình huống có vẻ đáng ngờ, là mất tích hay chỉ đơn giản là anh ta đi đâu đó vài ngày? Tôi đang trầm ngâm thì Hải nói tiếp:
- Tôi đã kiểm tra kỹ, trong thành có năm ngôi miếu hoang, phía tây có hai cái.
- Hai cái?
- Dạ đúng. – Hải đáp đinh ninh. – Có điều hai ngôi miếu này khá gần nhau.
Tôi gật đầu, địa điểm chắc chắn là một trong hai ngôi miếu đó rồi nhưng thời gian lại chỉ nhắc đến giờ Tý, không hề có ngày tháng cụ thể. Linh cảm cho tôi biết là ngày hôm nay, vừa đúng ngày rằm, nếu không phải hôm nay thì Dự Vũ đã không phải liều mình lộ mặt nhắn tin cho tôi như vậy.
Hải chần chừ hỏi tôi:
- Tiểu thư, không có cách nào gặp được công tử sao?
Lắc đầu, nếu có cách nào gặp được anh thì tôi có phải lo lắng như vậy không? Ngôi nhà giam giữ anh luôn được canh chừng cẩn thận, dù là quan lại cũng không được phép vào thăm anh, người ra vào cửa phải có sự cho phép của quận công. Nếu như Đình Duệ còn ở đây, tôi còn có thể kiếm cớ để nhờ anh đưa tin cho Trịnh Khải. Tôi đưa ra quyết định:
- Tối nay ta và ngươi sẽ chia nhau ra hai ngôi miếu hoang đó đứng đợi công tử.
Hải ngạc nhiên sau đó bình tĩnh mà nói với tôi:
- Tiểu thư, hai ngôi miếu hoang đó khá gần nhau. Tiểu thư để mình tôi đi là được rồi, người đi không an toàn.
Giờ Tý là đã gần nửa đêm, nếu như lúc đó không gặp trộm cướp cũng gặp người bất lương, nhưng tôi lại có cảm giác là Trịnh Khải đang gặp nguy hiểm, tôi không thể yên tâm ở nhà chờ đợi.
- Ta sẽ tự bảo vệ bản thân mình, ngươi đừng lo. – Tôi trấn an Hải.
Thế nhưng anh ta lại nói bằng giọng kiên quyết:
- Tiểu thư đừng làm khó tôi. Công tử đã dặn phải bảo vệ an toàn cho tiểu thư, lỡ như người gặp nguy hiểm gì thì...
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, nói rõ ràng:
- Ta sẽ không gặp nguy hiểm nhưng công tử thì khác, chàng có kẻ thù. Nếu như ta gặp phải chuyện gì thì chỉ cần cái danh con gái của Huy quận công cũng sẽ không ai gây khó dễ cho ta. Ngươi biết điều đó đúng không?
Hải do dự sau đó thì gật đầu rồi im lặng. Tôi biết mình đã thuyết phục được anh ta. Thực ra tôi cũng không tin có cái danh con gái của Huy quận công là sẽ an toàn nhưng ít nhất tôi phải làm gì đó trong trường hợp Trịnh Khải gặp nguy hiểm.
***
Tối đến, Hải vẫn không thể tìm được tên lính canh của Trịnh Khải vì vậy tôi và anh ta đều chuẩn bị tinh thần để ra ngoài. Gần đến giờ Tý, cả phủ chìm trong thứ ánh sáng mờ mờ của trăng tròn, tĩnh mịch và sương lạnh. Tôi mang một áo bông thật dày, trùm đầu một chiếc khăn lụa lớn rồi nhẹ nhàng đi ra ngoài. Tối nay, người gác cổng ở phủ đã bị Hải lén cho uống thuốc mê nên hắn ngủ say không biết trời đất gì. Gạo sẽ làm nhiệm vụ gác cổng và canh chừng mọi người trong phủ giúp tôi.
Lúc ngồi trên xe ngựa, Hải vừa đánh xe vừa liên tục dặn dò tôi đủ chuyện, anh ta cứ nhắc đi nhắc lại là trong trường hợp nguy hiểm phải la to lên để anh ta chạy qua giúp đỡ. Tôi ậm ờ đồng ý, tay không ngừng cầm chặt con dao nhỏ được bọc vải cẩn thận. Con dao này rất nhỏ, thường dùng để cắt chỉ trong may vá cho nên khả năng sát thương là rất nhỏ, đó là tôi nghĩ vậy. Tôi mang theo nó như một vật phòng thân, chủ yếu là để có cảm giác an toàn.
Miếu hoang nằm ở phía tây của thành Thăng Long, tức là không cần phải ra khỏi cổng thành. Hải đánh xe ngựa đến một góc đường rồi dừng lại. Anh ta đỡ tôi xuống xe, sau đó thì kéo xe ngựa vào một khoảng trống đằng sau một bức tường đổ nát. Nương theo ánh trăng mờ mờ trên đầu, tôi có thể thấy được xung quanh hoàn toàn yên tĩnh và lưa thưa vài ba ngôi nhà nhỏ. Hít vào một hơi thật sâu để không khí lạnh tràn vào phổi giúp đầu óc thêm tỉnh táo, tôi đi theo Hải trên con đường mòn đến một ngôi miếu hoang cũ.
- Tiểu thư, người nên ra phía sau nấp cẩn thận. Tôi sẽ qua ngôi miếu bên kia chờ, có gì nguy hiểm tiểu thư nhớ la to lên. – Hải dặn dò tôi thêm một lần nữa.
Tôi gật đầu rồi nói anh ta cứ đi đi. Chờ Hải quay lưng đi ra, tôi đứng quan sát ngôi miếu trước mặt thêm lần nữa. Đó là một ngôi miếu nhỏ, cao trên đầu người, một bên tường đã xiêu vẹo đến mức tôi nghĩ rằng chỉ cần chạm nhẹ cũng có thể khiến nó thành một đống đổ nát. Gió mang hơi lạnh thổi qua làm tôi run rẩy, tay siết chặt chiếc khăn trùm đầu để giữ hơi ấm. Cố đè nén nỗi sợ hãi, tôi rón rén đến gần ngôi miếu hoang cũ nát rồi ngồi sụp ở một bên tường còn nguyên vẹn, mắt nhìn ra khoảng trống trước mặt. Sương đêm rơi xuống thành từng giọt lớn như mưa, lạnh buốt. Đôi giày vải trên chân của tôi cũng bị sương đọng trên cỏ làm cho ướt mèm, hai chân sắp bị đông cứng.
Xoạt. Một tiếng động rất nhỏ vang lên làm tim tôi nảy lên một cái đầy sợ hãi. Theo bản năng, tôi quay đầu nhìn về hướng vừa phát ra tiếng động.
- Ưm... – Tôi bất ngờ bị một người đứng ở ngay sau lưng bịt chặt miệng, trong lòng hốt hoảng vô cùng.
- Là ta. – Giọng nói quen thuộc thì thầm bên tai tôi.
Tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm, trái tim đang treo lơ lửng tạm thời buông lỏng. Trịnh Khải thả tay, tôi cố gắng điều chỉnh nhịp thở của mình rồi quay người nhìn anh. Hôm nay Trịnh Khải vẫn đội một chiếc nón lính rất lớn, che khuất một bên mặt. Anh kéo tay tôi đi vòng ra phía sau ngôi miếu rồi mới lên tiếng, giọng thấp trầm:
- Tại sao nàng lại ở đây?
Bàn tay Trịnh Khải ấm áp cầm chặt hai tay của tôi, gương mặt anh lộ vẻ lo lắng. Tôi hít vào một hơi thật sâu rồi kể lại mọi chuyện một cách tóm tắt với Trịnh Khải. Sau khi nghe xong, ánh mắt Trịnh Khải đen sâu hun hút, tay anh siết chặt tay tôi, anh nói:
- Đáng lẽ nàng không nến đến đây. Ở đây không an toàn.
Trịnh Khải vừa dứt lời thì một âm thanh rất lớn vang lên. Đoàng. Tôi còn chưa kịp phản ứng với tiếng nổ thì đã bị Trịnh Khải ôm trọn vào lòng, anh xoay người bảo bọc tôi ở phía trong, lưng anh đưa ra ngoài.
- Khải, đó là... – Tôi run rẩy trong lòng anh.
Tôi còn chưa nói hết câu thì một tiếng nổ khác vang lên. Đoàng. Lần này cả tôi và anh đều ngồi sụp xuống đất, Trịnh Khải vẫn ôm hai vai tôi, anh nói rất nhỏ:
- Nàng đừng nói gì, chỉ cần theo ta là được. – Trịnh Khải nắm chặt tay tôi, chúng tôi vẫn duy trì tình trạng ngồi xổm, chầm chậm đi vòng qua bức tường xiêu vẹo của ngôi miếu. Mùi thuốc súng lan tỏa trong không khí, tay tôi siết chặt tay anh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top