NỖI ĐAU MUỘN MÀNG

Từ ngày ông ngoại tôi đi về nơi xa, tôi đắm chìm vào vực sâu tội lỗi. Không phải vì tôi làm chuyện phi pháp nào, mà chỉ là tôi không cảm nhận được nỗi đau mất mát, dù biết ông mình đã về với cõi vĩnh hằng. Sự thiếu hụt cảm xúc này khiến tôi phải tự hỏi liệu có phải đạo đức của mình méo mó và lệch lạc hay không. Tôi chẳng thể hiểu tại sao bản thân lại không khóc lóc, không xót thương cho chính ông ngoại của mình.

Chiều tà hôm ấy, ông tôi trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà nhỏ ở quê, nơi cái nắng hè gay gắt chiếu rọi vào gian phòng khách, làm nổi bật lên những vết nứt trên bức tường đã ngả màu. Ngày đó cách sinh nhật của tôi chín ngày, một con số ngẫu nhiên mà tôi cứ mãi ám ảnh. 

Khi nhận được cuộc gọi báo tin dữ từ em gái, tôi còn đang ngồi làm việc tại văn phòng. Không khí ngột ngạt, yên lặng đến lạ thường khiến tôi cảm giác như thời gian ngừng lại. Câu nói "Ông ngoại mất rồi" cứ lặp đi lặp lại trong đầu, nhưng tôi không cảm thấy gì, đáy lòng bình tĩnh đến đáng sợ. Giống như một con robot được lập trình sẵn, tôi ghi nhớ lời thông báo ấy và bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi về quê. Tệ thật, tôi tiếp nhận mọi thứ dễ dàng tới mức, hệt như khi tôi nghe mẹ than vãn: “Mẹ ốm rồi”. Sự thờ ơ của tôi trong khoảnh khắc này chẳng khác nào loài bò sát máu lạnh, lặng yên nhìn cái chết của đồng loại.

Não tôi lúc ấy chỉ suy nghĩ đến một việc là làm cách nào để xoay sở tiền xăng xe về quê, khi trên người chỉ còn vài đồng lẻ. Xin sếp về sớm hơn giờ tan ca thường lệ, tôi gọi điện thoại khắp nơi để hỏi vay tiền. Bạn bè tôi không hỏi lý do vì sao, chúng chỉ hỏi: “Cần bao nhiêu?”.

Tôi vay mỗi người vài trăm, tổng hơn một triệu. Một triệu ấy đủ để tôi gọi taxi về quê ngay tức khắc. Nhưng không! Tôi chậm rãi về phòng trọ, báo với bạn cùng phòng chuyện ông tôi đã mất, rồi thản nhiên ăn uống, sau đó tắm rửa và dọn dẹp nơi mình vẫn đang ở mỗi ngày. Ngắm nhìn mình trong gương, đôi mắt tôi vẫn bình thản đến lạ thường, không hề có vẻ đau thương cùng một giọt nước mắt. Sự bình thản này, trái ngược hoàn toàn với không khí tang lễ nơi tôi sắp tới, nó làm tôi càng cảm thấy hoang mang hơn bao giờ hết. Giữa đám đông, nếu bạn khác biệt thì bạn chính là kẻ lập dị, lạc loài,...

Tôi rời phòng về quê ngay khi trời vừa buông sợi nắng đầu tiên. Trên chiếc xe taxi đã cũ mèm, động cơ kêu rên ồ ồ, tôi mệt mỏi vì vừa phải dậy sớm, vừa phải đi một chặng đường dài. Đôi lúc, tôi cố gắng kéo tâm trạng mình trùng xuống thật sâu để có thể khóc. Vậy mà cuối cùng, chẳng có giọt nước mắt nào nghe theo điều khiển của tôi. Cảm giác này như một trò thử thách tâm lý, buộc tôi phải đối diện với sự lạnh lùng của chính nội tâm mình.

Phải nói rằng, ông ngoại tôi là một người thầy giáo quá ư liêm khiết và tận tâm với nghề. Cái chết của ông khiến cho bà con lối xóm tiếc thương vô cùng. Thậm chí, tới cả đồng nghiệp của các con ông và cả những lứa học sinh đầu tiên mà ông dạy cũng bỏ thời gian tới viếng. Ai ai cũng khóc, không khóc thì đôi mắt, gò má và đầu mũi cũng cay cay ửng hồng vì phải kìm nén cảm xúc. Riêng tôi, kể từ khi bước xuống taxi, đã cảm thấy mình thật khác người, thật máu lạnh với gương mặt trắng phấn. Khác biệt này như một lằn ranh rõ rệt ngăn cách giữa tôi và tất cả những người xung quanh trong suốt quá trình diễn ra tang lễ.

Hàng cây xoài, cây đu đủ trước sân nhà xanh um tươi tốt, nhưng không che lấp được bầu không khí u ám, trĩu nặng. Không gian trầm lắng, chỉ nghe thấy tiếng khóc nỉ non và tiếng thì thầm an ủi nhau. Trong khung cảnh này, vẻ lạnh lùng của tôi càng trở nên nổi bật, khiến tôi cảm thấy như mình là một gam màu không phù hợp với bức tranh chứa đầy tình cảm tang thương này.

Vì chỉ là cháu ngoại, nên tôi chẳng cần phải làm gì sất, kể cả việc đón tiếp khách khứa đến tiễn biệt ông. Tôi cũng không tỏ vẻ sốt sắng lo cho đám tang. Chọn cho mình một góc hiếm người nhất, tôi ngồi thừ ra, chăm chú lắng nghe và quan sát mọi diễn biến xung quanh. 

Trước mắt tôi, hàng trăm con người, từ trẻ đến già, đủ cả nam lẫn nữ thay phiên nhau cúi gằm mặt trước bàn thờ linh cữu của ông. Có vài vị là khách xã giao, không quá thân thiết vẫn mang nét buồn man mác nơi gương mặt. 

Mọi người đến, an ủi bà ngoại tôi, mẹ tôi, cậu mợ tôi, hai đứa em gái còn lại của tôi trong đại gia đình này, nhưng tuyệt nhiên, không một ai đả động một lời đến tôi. Cũng phải thôi, vì họ nào có biết tôi là ai, khi đã quá nhiều năm tôi tách rời khỏi nơi ấm áp này rồi. Thậm chí, khi tôi ngồi đây với tư cách cháu gái của người đã mất, tôi cũng chẳng khác kẻ xa lạ tới chia buồn là bao. Sự tách biệt này khiến tôi càng thêm lạc lõng, như một bóng ma vô hình trong lễ tang của ông ngoại mình.

Nếu ai đó cho rằng tôi sẽ đau lòng lắm vì không có ai chào hỏi một lời thì hẳn họ đã đánh giá quá cao cảm xúc của tôi rồi. Tôi chẳng hề tủi thân khi không ai bắt chuyện, mà thậm chí, tôi còn mong đừng ai tới gần mình. Vì cho dù tôi đã học qua một lớp diễn kịch thì cũng chẳng thể nhào nặn vẻ đau thương trên gương mặt mình. Cơ mặt tôi cứng đơ như tảng thịt bị cấp đông quá lâu. Nói gần gũi hơn, nó cũng lạnh ngắt như cảm xúc của tôi vậy. Thế nên nếu ai đó lại gần tôi, tôi sẽ bối rối vì không biết phải làm sao cho họ nghĩ rằng tôi đang đau buồn.

Tôi cứ rót nước uống liên tục như kẻ lạc ở sa mạc lâu ngày, rồi trong đầu tôi suy nghĩ đủ thứ kỳ quặc. Tại sao tôi có thể dễ dàng khóc nấc lên vì cái chết của ai đó nhưng trước linh cữu ông ngoại mình, tôi lại như tảng đá vô tri thế này? Tại sao đồng nghiệp của mẹ tôi có thể khóc dễ dàng như thế khi ông tôi mất, dù họ chẳng liên quan nhau là mấy? Tôi nên an ủi mẹ tôi như thế nào cho bà đỡ đau buồn đây? Tôi có nên rời khỏi đây trước khi đám tang xong xuôi không, khi mà tôi ở lại hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì? Tôi nên thắp nhang cho ông không, hay có nên thức canh quan tài cho ông không? Những câu hỏi này cứ xoay tròn trong đầu, khiến tôi càng thêm bối rối và mệt mỏi. 

Giá mà tôi biết đau buồn hoặc ít nhất là có thể tỏ ra mình đang tiều tụy trước cái chết của ông.

Vừa nghĩ, tôi vừa ngắm nhìn những người họ hàng xa của mình đang ngất lên ngất xuống bởi nỗi đau mất đi một người đức cao vọng trọng trong dòng họ. Ông tôi xa xứ đã lâu, họa hoằn lắm một năm về quê được đôi ba lần. Vậy mà những con người mang tiếng cô dì chú bác của tôi kia, họ vẫn khóc thương tới lạc cả giọng được. Càng nhìn dòng người trước mắt, tôi càng cảm thấy mình thật khốn nạn và trơ trẽn. Ông tôi mất và tôi cứ cư xử như thể đó là điều sớm muộn, vậy mà tôi vẫn ngồi đây với danh nghĩa cháu gái, không phải trơ trẽn thì là gì?

Tôi tự hỏi liệu mình có đang sống trong một thực tại đảo lộn, nơi cảm xúc và đạo đức của tôi bị méo mó đến mức không còn phân biệt được đúng sai. 

Lễ tang diễn ra với đầy đủ các nghi thức truyền thống, từ việc đốt nhang đến việc cúng cơm. Tôi làm theo lời chỉ dẫn của thầy cúng một cách máy móc, làm theo những gì mọi người bảo mà không thực sự cảm nhận được ý nghĩa của từng hành động. Hẳn là tôi là một đứa bất hiếu nhất trên đời. 

Có lúc, mẹ tôi đến bên cạnh, nắm lấy tay tôi và nói bằng giọng khàn đặc vì khóc nhiều: "Hoàng Anh ơi! Mẹ mất bố của mẹ mãi rồi." 

Tôi không biết nói gì lúc ấy, chỉ nhìn vào đôi mắt mẹ. Có lẽ mẹ cũng cảm nhận được sự gượng gạo từ tôi nên bà nhanh chóng bỏ lại tôi đứng ngẩn ngơ gần khu nấu cơm, rồi ra cổng đón tiếp khách đến viếng.

Tôi không khóc, không buồn, nhưng trong lòng vẫn trống rỗng. Trong khoảnh khắc này, tôi chợt nhận ra mình đã rời xa quê hương, rời xa gia đình quá lâu, đến nỗi không còn cảm nhận được sự gắn kết với nơi từng là nhà. 

Tàn canh của ban ngày, ông chỉ còn được ở cạnh gia đình này nốt một đêm thôi. 

Khi mọi người đã mệt mỏi và thiếp đi trong giấc ngủ sâu, không khí trong nhà trở nên lặng lẽ và tĩnh mịch. Ánh sáng yếu ớt từ mấy ngọn nến chập chờn trên bàn thờ của ông tạo nên những bóng đổ mềm mại và lung linh, như đang cùng tôi chia sẻ nỗi buồn lặng lẽ, dẫu rằng tôi rất điềm nhiên trước sự ra đi này. Trong không gian im ắng ấy, tiếng ve kêu rả rích từ bên ngoài như đang chất vấn tâm can tôi.

Tôi ngồi đối diện với bàn thờ, nơi bức ảnh của ông hiện rõ trong ánh sáng mờ ảo của đêm đen. Những vết bụi trên khung ảnh lấp lánh ánh nến không che giấu nổi vẻ mặt phúc hậu của ông trong bức chân dung. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì thêm, chỉ đơn giản là nhìn chằm chằm vào bức ảnh, như thể việc tập trung ấy có thể giúp tôi khơi gợi lên niềm đau mà tôi đang tìm kiếm. 

Tôi thì thầm, cố gắng bày tỏ những xúc cảm ít ỏi của mình: "Ông ơi, con thật sự không biết phải làm thế nào nữa. Con xin lỗi vì đã không khóc được, vì không cảm nhận được nỗi đau mất mát này. Con không biết liệu có phải con đã mất đi một phần đạo đức của mình hay không, hay là con chưa từng có nó từ đầu."

Tôi không biết mình đã uống bao nhiêu cốc nước trong đêm hôm ấy, khiến bụng tôi căng tròn lên vì no nước. Tôi ngỡ rằng mình sẽ chẳng thấy đói đâu nhưng kỳ lạ không, ngay khi trời tờ mờ sáng, một cơn thèm ăn bỗng nhiên trỗi dậy trong tôi. Đúng vậy, lúc này tôi thèm ăn bánh chưng vô cùng! 

Trong cơn gió heo hút của buổi rạng sáng, tôi cảm nhận như có mùi hương quen thuộc của chiếc bánh chưng rền vỏ đang thoảng trong không khí, khiến tôi cảm thấy bồi hồi và nhung nhớ. Cảm giác này làm tôi liên tưởng đến những ngày tháng xa xôi bên ông bà, ngày mà nhà này chưa có phút giây tĩnh mịch nào như hiện tại.

***

Cơn thèm ăn bánh chưng đó nhắc tôi về quá khứ.

Mẹ tôi là một bà mẹ đơn thân, gánh vác trọng trách nuôi dưỡng gia đình nhỏ của mình sau khi ly hôn. Chúng tôi sống trong một căn nhà hai gian nhỏ hẹp ở phía vườn gà của ông bà ngoại, nơi ánh sáng chỉ lọt qua khe cửa sổ chật hẹp và những bức tường đầy mạng nhện. 

Mẹ luôn bận rộn để có thể kiếm tiền nuôi sống chúng tôi và nghĩ rằng chỉ cần có tiền là sẽ đủ để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho các con. Suốt ngày, mẹ thường ra khỏi nhà vào lúc sớm tinh mơ và trở về khi trời đã tối mịt, mang theo cái mệt mỏi của những giờ lao động không ngừng. Hơn nữa, mẹ còn là giáo viên của một trường nội trú nên có những đêm mẹ chẳng cả về nhà, chỉ có tôi và em gái cùng ôm lấy nhau và ngủ say tít trên chiếc giường bé tí, ọp ẹp.

Bà ngoại tôi đã phải chịu đựng nỗi khổ khi thấy con gái mình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nỗi đau ấy cũng mang rất nhiều tính ích kỷ của bà trong đó. Vậy nên, bà chán ghét mẹ con tôi ra mặt vì bà cho rằng mẹ tôi là người đã tự hủy hoại cuộc đời mình và giờ chỉ biết trở về sống nhờ vào gia đình. Và đặc biệt, bà cực kỳ, cực kỳ ghét tôi. Có lẽ vì tôi có quá nhiều nét tương đồng với bố tôi, từ ngoại hình đến tính cách chăng?

Dù vậy, bà ngoại vẫn mềm lòng trước em gái tôi. Đôi khi, âm thanh trong trẻo từ giọng hát em gái tôi sẽ vang vọng khắp ngôi nhà. Bà ngoại thích thú nghe em tôi hát, hào hứng thưởng thức những bài hát không đầu không đuôi, như một phần bù đắp cho nỗi buồn của bà. Còn tôi, chỉ cần không lảng vảng quanh bà là đủ để bà thấy vui vẻ rồi.

Tôi đã chấp nhận sự thật đó, không còn mong chờ sự thay đổi nào từ bà ngoại. 

Khác với bà ngoại luôn chia tình cảm cho từng người trong nhà thành từng phần to nhỏ khác nhau thì ông ngoại lại chan hòa, dung thứ hơn cả. Dẫu vậy, cảm giác lạc lõng và sự phân biệt đã khiến tôi mãi mãi không thể hòa nhập với gia đình ngoại, dù đó là nơi duy nhất tôi có thể quay về mỗi khi đời này quật tôi ngã.

Năm năm rồi tôi không về ăn Tết cùng gia đình. Nhưng chẳng hiểu sao, năm nay, tôi nảy sinh ý định đón Tết ở quê. Có lẽ là sự khao khát tìm về với điều gì đó quen thuộc, hay một khoảng thời gian đã qua mà tôi không còn có cơ hội tìm lại nữa. 

Căn nhà của ông bà ngoại so với hồi tôi còn non nớt đã được sửa sang khang trang hơn, nhưng lại mang vẻ bừa bộn của những ngày dài không có ai dọn dẹp. Các vật dụng lộn xộn, bụi bặm phủ đầy các kệ bếp, và không khí mang theo sự im lìm của năm tháng đã qua. Ngày trở về, tôi không dám tin đây chính là nơi đầy ắp tiếng cười mà tôi vẫn thường vỗ ngực tự hào, kể cho lũ bạn nghe trong những lần nhậu nhẹt.

Tôi hỏi ông ngoại khi thấy ông lẩn thẩn ở khu vực rửa ráy phía sân sau của nhà:

- Ông không dọn nhà ạ?

Ông lơ đãng nhìn quanh, đôi tay nắm chặt chiếc khăn lau, ậm ừ đáp:

- Ừ, ông bà già rồi, mẹ mày bận suốt, cậu mợ mày thì chỉ rúc trên tầng nên không ai dọn nhà cả.

Nghe vậy, tôi tặc lưỡi:

- Thế thôi, để cháu dọn.

Tôi xắn tay áo lên, bắt đầu vào bếp, dọn dẹp những thứ đồ đã lâu không được động đến, bám đầy bụi bẩn đến mức đen xì. Mùi ẩm mốc và dầu mỡ cũ kỹ bao trùm không gian bếp. Ông ngoại nhìn tôi loay hoay trong bếp, không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ dọn dẹp cùng tôi, cho dù phần lớn công việc của tôi chỉ chà cọ lại bếp ga và bồn sơ chế thực phẩm. Sự im lặng của ông như một dấu hiệu cho những mất mát ở hiện tại mà nhà tôi phải gánh chịu. Chỉ là trong phút giây ấy, tôi chẳng hề mảy may đoái hoài đến báo hiệu này. 

Trong lúc dọn dẹp, tôi nhớ lại những ngày còn nhỏ, khi cách Tết cả chục ngày, nhà tôi đã rục rịch chuẩn bị, cả gia đình í ới nhau tổng vệ sinh và trang hoàng nhà cửa. Dù không sắm sửa những món đồ trang trí cầu kỳ, nhưng không khí thì náo nhiệt, vui vẻ, với những tiếng cười đùa và trò chuyện của một gia đình ba thế hệ. Giờ đây, cái bếp nấu ăn hàng ngày chỉ còn sự lạnh lẽo và trống trải. Những kỷ niệm xa xưa đang đối lập với hiện tại, khiến tôi cảm thấy nỗi hụt hẫng càng thêm rõ nét.

Ông tôi khi đó đã quá già. Đôi tay của ông run rẩy nhẹ, chứng tỏ những đau đớn của người cao tuổi đang làm mòn sức lực ông. Ông vẫn luôn tỏ ra mạnh mẽ, nhưng đôi khi ánh mắt ánh lên nỗi u sầu, như thể mỗi bước chân nặng nề lết trên sàn gạch là một phần gánh nặng của thời gian. 

Cho đến hiện tại, tôi mới nhận ra rằng, sự hiện diện của ông là sợi dây mỏng manh duy nhất nối kết giữa quá khứ và hiện tại của tôi, dù khoảng cách giữa chúng ngày càng nới rộng.

Khi bữa cơm đầu tiên trong dịp Tết diễn ra, tôi cảm thấy lạ lẫm. Những món ăn đạm bạc, không có bánh chưng truyền thống, khiến tôi cảm thấy thiếu thốn. Trong trí nhớ đã dần phai mờ của mình, tôi nhớ rằng nhà tôi làm cỗ Tết rất to, dẫu nhà chỉ có tám con người ở với nhau. Tôi ngơ ngác hỏi ông mình:

- Bánh chưng đâu ông? Sao nhà mình lại cúng toàn những món dùng cho cơm ngày thường thế này?

Ông tôi trầm ngâm, cúi đầu ăn chậm rãi, ánh mắt ông lộ vẻ mệt mỏi:

- Ăn đi con. Giờ nhà còn ai đâu mà nấu cỗ như ngày xưa.

Tôi nhíu mày, khó hiểu nói:

- Nhà mình vẫn còn có cái Yến, cái Lâm Phương ở nhà còn gì.

Ông tôi không thở dài, nhưng tôi nghe thấy một chút xót xa trong giọng nói của ông:

- Chúng nó giờ lớn hết cả rồi, Tết nhất chúng nó đi với bạn bè là chính chứ có thèm ăn cơm với hai ông bà già này đâu.

Nuốt nốt miếng cơm cuối, ông đứng dậy, tập tễnh đi vào phòng ngủ. Tôi nhìn theo dáng ông, nhận thấy nỗi buồn và cô đơn trong từng bước đi của ông. Cơn đau xương khớp tuổi già có thể là một phần khiến ông đi đứng khó khăn. Nhưng có lẽ nỗi đau từ sự đơn độc và những thay đổi trong gia đình còn sâu sắc hơn. 

Thế mà tôi nào đâu thèm để ý thêm tới ông, vì tôi còn đang chìm đắm trong cảm giác ăn cơm nhà, điều mà tôi đã bỏ rơi bỏ rớt bấy lâu nay. Mùi vị quen thuộc của các món ăn khiến tôi cảm thấy như thời gian đã quay ngược lại, dù bức tranh tổng thể đã thay đổi.

Tới ngày thứ hai của kỳ nghỉ Tết, tôi cảm thấy lòng mình trống rỗng, thiếu thốn một thứ gì đó để lấp đầy khoảng trống. Khao khát của tôi không phải chỉ là đồ ăn mà còn là cảm giác quen thuộc của nhiều cái Tết đã qua. 

Tôi lóc cóc xuống bếp, lòng đầy hy vọng rằng ít nhất tôi sẽ tìm thấy một món gì đó để ăn cho đỡ nhạt miệng. Vậy mà khi mở tủ lạnh ra, hình ảnh bên trong làm tôi thất vọng hoàn toàn: những hộp đựng thức ăn cũ, mùi ẩm mốc và những món đồ thừa từ ngày hôm qua, tất cả đều không có dấu hiệu của sự tươi mới. 

Ông tôi khi ấy đứng bên bếp ga, đang trông chừng nồi thức ăn cho chó, ánh mắt ông xa xăm như đang đắm chìm trong suy nghĩ của riêng mình. Không khí trong bếp tràn ngập sự u ám, xám xịt. Dù cửa sổ bếp rất to, ánh sáng bên ngoài cũng không đủ để xua tan cảm giác lạnh lẽo. Không gian này, đầy ắp bóng tối và sự im lặng, làm tôi cảm thấy như mình đang ở trong một thế giới hoàn toàn tách biệt. Mỗi cử động của ông tôi dường như đều toát lên sự lạc lõng và nỗi cô đơn không diễn tả được bằng lời.

Trong không khí nặng nề đó, tôi buông một câu than thở:

- Sao ông không làm bánh chưng chứ. Tết mà không có bánh chưng thì còn gì là Tết.

Ông tôi trả lời, như thể lời nói của ông chỉ là một sự đáp lại không có cảm xúc:

- Thì chị có nhà đâu mà tôi làm. Mấy người nhà này ngoài chị ra chẳng có ai chịu phụ tôi rửa lá gói cả.

Tôi phụng phịu:

- Thì vẫn phải có bánh chưng để mà thờ tổ tiên chứ.

Ông tôi đành hứa hẹn:

- Năm sau Hoàng Anh về ăn Tết thì ông gói.

Nghe thế, tôi vui lắm, hí hửng đáp:

- Đã thế năm sau cháu về từ ngày hai tám Tết.

Phút giây ấy, tôi nhìn lướt ngang khuôn mặt của ông, chỉ thấy sự mệt mỏi và nỗi buồn chất chứa, không còn một chút dấu vết của niềm vui hay sự kỳ vọng. Không gian này, nơi mà những ký ức vui vẻ của những năm Tết trước đây đã nhạt phai, giờ chỉ còn lại những tàn dư của cô đơn. 

Có điều, tôi không quan tâm đến biểu cảm của ông, chỉ chăm chú lựa chọn xem nên ăn lạp xưởng cũ hay là lạp xưởng mới.

Trong ba ngày rưỡi tôi ở nhà, giao tiếp của tôi với ông gói gọn không quá hai mươi câu, đấy là có tính cả lời hứa của ông. Không khí Tết năm nay, vốn dĩ không lạnh, lại còn giống như mùa hè, càng làm tôi thấy xa lạ. Tôi cảm giác như mình đang sống trong một khoảng thời gian vô định, khi mà những ngày Tết chỉ có ý nghĩa giống với ngày nghỉ thông thường.

***

Quay trở lại thành phố lớn sau đám tang của ông ngoại, tôi bước vào căn phòng trọ của mình, nơi mà sự ấm áp và thoải mái gần như lập tức xoa dịu cảm giác mệt mỏi từ chuyến đi. Căn phòng trọ của tôi, dù nhỏ hẹp, nhưng luôn được giữ gìn sạch sẽ và ngăn nắp, khiến tôi cảm thấy như mình đang trở về một nơi an toàn và thân thuộc.

Thật kỳ lạ khi ở nơi đất khách quê người, tôi còn thấy thân quen hơn khi ở nhà.

Ánh sáng mềm mại từ chiếc đèn trần tạo ra một không gian ấm cúng, phủ lên toàn bộ căn phòng sự nhẹ nhàng và dễ chịu. Mấy bức tường sơn màu xanh pastel mang đến cảm giác bình yên và thư thái, làm dịu đi sự mệt mỏi của tâm hồn tôi. Cửa sổ lớn, với rèm cửa màu trắng tinh khiết, cho phép ánh sáng tự nhiên tràn vào, tạo nên những vệt sáng lấp lánh trên sàn gỗ sáng màu.

Giữa căn phòng, chiếc sofa với bộ chăn gối dùng cho một người được gọn gàng và sạch sẽ như mời gọi sự nghỉ ngơi. Mùi thơm nhẹ nhàng từ bình hoa khô được tẩm tinh dầu thơm trong góc phòng tạo nên một môi trường thư giãn tuyệt vời. Ngồi xuống ghế sofa êm ái, tôi cảm nhận được sự nhẹ nhõm và yên bình mà mình mong muốn.

Yên bình trong căn phòng không kéo dài lâu khi bạn cùng phòng trọ của tôi, cố gắng động viên tôi:

- Cố lên em. Chị biết là mất người thân là sự mất mát khó tả…

Cô ấy còn định nói thêm điều gì đó, nhưng tôi đã ngắt lời, giọng tôi khô khốc:

- Không đâu chị, em rất bình thường. Em không có chút đau buồn nào. Có lẽ em chỉ về viếng cho đúng bổn phận phải làm mà thôi.

Ánh mắt của cô ấy nhìn tôi, trong vắt nhưng lại đầy hoài nghi, như thể đang tìm kiếm một dấu hiệu nào đó của sự thật trong đôi mắt tôi. Cô ấy liếc nhanh về phía màn hình máy tính của mình, rồi buông thõng một câu:

- Ừ, chị biết. Nhưng dẫu sao đây cũng là một câu chuyện buồn. Vì ông ngoại em không còn sống nữa.

Câu nói của cô ấy, dẫu có vẻ chân thành, lại khiến tôi hơi giật mình. Tôi biết cô ấy là người bộc trực, suy nghĩ luôn đi đôi với lời nói. Nhưng lời này của cô ấy thật sự khiến tôi sợ hãi, hệt như một đứa trẻ đang cố tỏ ra đáng thương bị bắt quả tang vờ vịt.

Không nói thêm gì, tôi chỉ lặng lẽ thu mình vào góc sofa quen thuộc, nơi tôi thường ngồi mỗi khi cảm thấy cần sự yên tĩnh. Ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn bàn tạo nên một không gian ảm đạm, càng làm nổi bật sự cô đơn của tôi. Trong lúc mở điện thoại, tôi lướt qua những thông báo và thấy mẹ tôi vẫn đang vật lộn với nỗi cô đơn sau cái chết của ông ngoại. Bài thơ mẹ đăng lên là một bài thơ đầy xúc động, thể hiện nỗi đau và sự mất mát sâu sắc. Những từ ngữ như giọt nước mắt lăn dài của bà mà tôi không thể lau đi.

Cảm giác của tôi về cái chết dường như đã trở nên lãnh đạm, giống như một thùng đá cất giữ ký ức lạnh lẽo và không thể chạm tới. Trong lòng tôi, sự ra đi của ông ngoại chỉ là một phần của quy luật sinh lão bệnh tử, một điều không thể tránh khỏi và cần phải chấp nhận. 

Và có lẽ tôi sẽ tiếp tục nghĩ như thế cho đến hơn mười ngày sau, khi tôi và Th, bạn thân của tôi, đi ăn riêng với nhau tại một nhà hàng sang trọng nằm trong trung tâm thành phố. Nhà hàng, với thiết kế hiện đại và tinh tế, tạo nên một không gian ấm cúng nhưng cũng đầy sự sang trọng. Bàn ăn của chúng tôi được đặt gần cửa sổ lớn, nơi ánh sáng của những ngọn đèn đường thành phố hòa quyện với ánh sáng từ bên trong nhà hàng, tạo ra một không khí lãng mạn và dễ chịu.

Tôi nhớ về mâm cơm ngày Tết của nhà mình, trong lòng dấy lên nỗi xót xa. Đến cuối đời, kể cả vào ngày lễ Tết, ông tôi vẫn ăn uống thật đạm bạc. Còn tôi, suốt bao lâu nay ăn bao nhiêu nhà hàng, lại chưa từng nghĩ sẽ về quê ăn cùng ông và mẹ một bữa thật tươm tất, ngon lành.

Ông tôi mới mất và giờ đây tôi lại ngồi trong nhà hàng cao cấp, bù khú bạn bè.

Hình ảnh bữa cơm cuối cùng tôi ngồi ăn với ông càng lúc càng hiện lên rõ mồn một trong đầu tôi. Bữa cơm toàn đồ ăn dư từ bữa trước, chẳng có miếng bánh chưng nào, thêm được tí dưa ghém, cà muối xổi và tới bát mắm chấm cũng là ăn lại…

Th đang ngồi ngay cạnh tôi, điếu thuốc lá kẹp giữa ngón tay áp cái và ngón tay trỏ của nó. Mùi thuốc lá, mặc dù không quá nồng nặc, vẫn lẫn vào hương thơm của các món ăn đang được bày trí trên mặt bàn, tạo nên một sự kết hợp không mấy dễ chịu. 

Tôi vừa cười, vừa cúi mặt xuống, day trán và nghẹn ngào:

- Chết tiệt, tao không biết cảm thương cho chính người nhà của mình.

Th rít một hơi thuốc lá rồi phả khói ra ngoài, giọng nó thản nhiên:

- Ồ, có sao đâu. Dù sao mày cũng đã tách ly khỏi gia đình quá lâu rồi. Mày không nên tự trách bản thân mình.

Nhưng lời nó nói chỉ khiến tôi cảm thấy bực bội hơn. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi ánh đèn thành phố đang lấp lánh. Tôi không thể hiểu tại sao, giữa những ánh sáng rực rỡ và không khí ấm áp của nhà hàng sang trọng này, tôi lại cảm thấy tâm trạng của mình bí bức đến vậy. 

Giọng tôi nhỏ nhẹ, hệt như đang độc thoại cho chính tôi nghe:

- Không! Ông tao là một người thầy giáo quá tốt. Tốt đến mức học sinh đầu tiên mà ông tao dạy còn ở lại chịu tang cùng gia đình tao cho tới khi tang lễ kết thúc hoàn toàn. Vậy đấy! Người lạ còn báo hiếu ông hơn cả tao.

Th vẫn phì phèo điếu thuốc lá, những làn khói nhẹ nhàng bay lên và biến mất trong không khí. Nó lơ đãng nói:

- Thôi nào. Mày đừng có suy nghĩ tiêu cực thế.

Tôi nhìn vào nồi nước lẩu đang sôi lục bục trên bàn, hơi nước nóng bốc lên và làm mờ đi phần nào cái không gian xung quanh. Tôi cảm thấy như mình sắp phát điên, như thể muốn gào lên để giải thoát khỏi nỗi ám ảnh thất đức, nhưng lại không thể. Từng từ, từng lời rít qua hai hàm răng tôi:

- Mày biết không? Ông ngoại tao là giáo viên dạy vật lý nhưng chính ông là người dạy tao cách ăn nói, cư xử. Ông tao bảo phải nói “năm trước” thay cho “năm ngoái”. Ông tao bảo đũa phải cùng một mẫu, không được có độ dài chênh lệch, không thể lấy đũa gỗ đi sắp cùng đũa nhôm. Ông tao bảo nằm ngủ cùng người lớn thì không được nằm tráo trở đầu đuôi, chân mình đặt trên đầu người khác. Mày biết không, ông là người dạy tao ăn, dạy tao nói, nhưng khi ông chết đi, tao lại là đứa duy nhất không khóc, không buồn. Vậy tao có còn là con người hay không?

Th thở dài, dường như cảm nhận được nỗi đau của tôi, dù không hoàn toàn hiểu được. Tôi tiếp tục nhìn vào nồi lẩu, không còn sức lực để tranh luận. Cảm giác lạc lõng và cô đơn như một cái bóng mờ ảo, bao phủ cả không gian ấm cúng của nhà hàng, làm tôi cảm thấy như mình chỉ là một lỗi nhỏ của cảnh tượng, không còn có ý nghĩa gì hơn.

Đôi vai tôi và cả giọng nói của tôi đều khẽ run lên:

- Ông tao chết thật rồi, Th ạ. Ông tao đã chết ngay sau Tết. Tao sẽ chẳng được ăn bánh chưng mà ông tao gói nữa. Và việc tao không đau buồn trước cái chết của ông là có thật.

Lời tôi chưa kịp dứt, thì một giọt lệ khẽ chảy ra khỏi khóe mắt tôi, tạo thành một đường sáng nhỏ trên lớp trang điểm mỏng. Tôi sững sờ khi cảm nhận được mình đang khóc, nhìn Th chăm chăm như muốn nó xác nhận với tôi điều này là có thật. Th, không biết phải phản ứng thế nào, vội vàng quay mặt đi, cố gắng giữ khoảng cách để tôi có thể tạm thời tự xử lý cảm xúc của mình. Trong khi đó, tôi khẽ đưa tay mình lên, chạm nhẹ vào mặt, cảm nhận giọt nước mắt lạnh lẽo đang lăn trên gò má.

Khi ngón tay tôi chạm vào giọt nước mắt, cảm giác thật sự của sự mất mát mới vỡ òa trong tâm trí tôi. Tôi ngơ ngác không hiểu vì sao sự đau buồn bỗng nhiên trào lên như thế, khi mà trước đó tôi lạnh lùng và thờ ơ chẳng khác gì một pho tượng đá. 

Tôi thử khóc thêm, cố gắng gợi ra những cảm xúc sâu xa hơn, nhưng chẳng có giọt nước mắt nào khác rơi xuống nữa. Mặt tôi lại ráo hoảnh như chưa hề xảy ra điều gì, dù thâm tâm tôi đang gào lên, khát khao được khóc tiếp.

Th ngập ngừng hỏi tôi:

- Mày ổn chứ?

Trước câu hỏi của Th, tôi không biết trả lời ra sao. Tôi có nên nói tôi rất vui sướng khi cuối cùng tôi đã khóc được trước sự ra đi của ông mình hay không? Vì chí ít, điều này chứng tỏ tôi vẫn là con người, vẫn biết buồn thương cho máu mủ ruột rà của mình.

Nhưng đó chỉ là một giọt nước mắt mà thôi. Một giọt nước mắt này có thấm tháp vào đâu. Tôi bất lực, tuyệt vọng. 

Ánh mắt Th nhìn tôi khiến tôi khó hiểu. Nó cứ nhìn như thể đang cố gắng hiểu chuỗi hành động vừa rồi của tôi có phải xuất phát từ việc tôi phải sử dụng thuốc Serophin hay không. Nhưng cuối cùng, nó đứng phắt dậy, nói:

- Tao đi lấy đồ ăn tráng miệng đây.

Tôi ngồi lại bàn, nhìn theo dáng nó đang nhanh thoăn thoắt qua các quầy line. Đầu tôi hiện ra cảnh ngày rất xa xưa, tôi cũng nhanh thoăn thoắt, rửa hết các tàu lá gói bánh chưng cho ông…

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top