chào tạm biệt nơi lưu giữ thanh xuân

Con đò nhỏ neo dưới bến kia lúc trước tui đã đi không biết bao nhiêu lần. Gọi là nhỏ vì nó nhỏ thiệt, chỉ  chứa độ chừng chục chiếc xe hon đa là chật kín. Đã vậy còn chông chênh, sóng vỗ nhẹ cũng lắc lư, nghe mệt.
Cũng lâu rồi mới đi lại nơi này, vừa đổ dốc thì cái chống xe bị mắc lại giữa khoảng hở của hai miếng ván lót sàn. Chú 5 ngồi cười, con nhỏ này biết lựa chỗ đậu xe quá bây! Chú nói tau tưởng hơn chục năm nay cái tánh hậu đậu của mày đã sửa được rồi, ai dè y chang. Thiệt tình mà nói nếu có ly cà phê sữa đá và ai đó ngồi  kế bên thì tui có thể kể ra bao la chuyện về chiếc đò không- hề-lớn này. Và tất nhiên trong mỗi câu chuyện không đầu không đuôi ấy vẫn luôn có chú 5 âm thầm chứng kiến tất cả.
Duyên phận của tui với chiếc đò be bé này kể ra phải bắt đầu từ năm lớp 10. Lúc đó con đò nhỏ, bọn chúng tui cũng nhỏ chỉ có tình bạn chúng tui thì to lớn. Do học sinh được đi đò miễn phí, nên từ cái miễn phí ấy mà bị ngó lơ. Những chiếc xe đạp xiêu vẹo chen nhau vào một góc để nhường chỗ cho mấy chiếc xe hon đa chở đầy rau củ. Lần nào cũng vậy, phải đợi xe hon đa xếp xong hết mới tới lượt bọn tui. Thành ra mỗi chuyến đò là chúng tui lại xô vào nhau, mặc gió thổi bay vạt áo dài mà tiếng cười nói vẫn trong veo như mặt nước. Đã quá nhiều lần tui phải đứng miết ngoài rìa, đứa này ôm eo đứa kia, đứa kia lại kéo tay đứa nọ cho khỏi rớt xuống sông, còn "con chiến mã" thì nằm vắt vẻo nửa trong nửa ngoài. Giờ nghĩ mới thấy sợ, chứ hồi đó qua đò bình thường đều phải lắc lư như vậy. Từ nhà tới trường không xa, có 5 cây số mà đi trước một tiếng rưỡi đồng hồ vẫn trễ. Thầy Tổng bí thư từ chỗ bực bội, rồi ngạc nhiên chuyển sang thờ ơ và chai sạn cảm xúc với những lần đi trễ kéo dài liên tu bất tận ấy. Giả sử biểu hứa thì hứa dễ mà nhưng hứa vậy chứ có làm được đâu. Hứa cho Thầy yên tâm, hứa cho có hứa vậy mà! Phạt quét sân, nhổ cỏ hay dọn rác, cách nào phạt được thì Thầy cũng triển khai hết rồi, nhưng phạt cứ phạt mà trễ vẫn trễ đó thôi. Sau tất cả, Thầy cấp cho mỗi đứa một tờ thông hành "được đi trễ tối đa 15 phút miễn phạt". Quyết định của Thầy cũng không biết xuất phát từ lòng cảm thương hay là đã quá bất lực? Cơ mà sau đó đã có sự thay đổi rõ ràng ở mỗi chúng tui. Sự thay đổi đến từ tâm lý, tức là chuyển từ hồi hộp đến trường sang đến trường nhưng đã bớt hồi hộp hơn. Vì sao? Vì sự cảm thông quý giá của Thầy chẳng thể làm cho chúng tôi được ưu tiên hơn trong mỗi chuyến đò. Và thế là quỹ đạo đến trường vẫn cứ xoay vòng như vậy, không hề có dấu hiệu tích cực nào đáng để hi vọng.
Cứ cho việc đi trễ là do nguyên nhân khách quan, ấy chứ những tai nạn phát sinh trên con đò ấy thì phải giải thích thế nào? Thử tưởng tượng mình thì đang gấp, vất vả ngóng trông mãi mới chen được xuống đò. Vậy mà cái ván đò còn cố tình níu kéo, cứ kẹp mãi chân guốc cao gót không buông. Rồi câu chuyện đang gấp gáp, gây cấn lại biến thành hề hước. Mới sáng ra có đứa nhảy lò cò đi nhặt guốc! Bước nhảy đánh văng cái nết na thục nữ từ chiếc áo dài và đưa tui đến với biểu tượng của sự hậu đậu mà chú 5 vừa nhắc.
Chú vẫn ở đây, trên con đò này chứng kiến biết bao người đi từ thời trẻ dại vô tư khi trở về đã một thân phong trần mỏi mệt. Ai rồi cũng đổi thay để đuổi kịp cái xã hội vốn không ngừng thay đổi. Vậy mà từng ấy năm nhìn lại, chú vẫn cứ điệu cười hề hề lộ cái răng vàng, vừa quay vô lăng vừa nhẩm hát cải lương Minh Vương - Lệ Thủy. Cái ra-di-o có ăng-ten của chú mỗi lần bắt sóng là phải đập  bồm bộp, vừa hát vừa kêu rè rè thành ra lên có câu vọng cổ mà ngắt chừng chục hiệp. Hôm gặp lại tui có giỡn, khi nào không còn xài được chú cho con nghen, hông chừng mai mốt làm đồ cổ đem đi đấu giá nữa kìa! Ai nhìn nói chú lạc hậu, chứ chú nói chú có xì - mát- phôn mà chú không thèm xài, để đó gọi điện cho con cháu thấy mặt đỡ nhớ à. Rồi chú cười, xã hội tiến bộ quá chú theo không kịp. Mà có phải riêng gì chú đâu, cả tui nữa, vẫn lạc lõng giữa bộn bề cuộc sống đó thôi.
Tui nói lần nào đi ngang đây thấy chú vẫn vui vẻ khỏe mạnh thì tui cũng vui lây. Chú cười buồn, ừ chừng nữa mày không gặp chú đâu, nghe đồn người ta xây cầu chỗ này. Giả như chuyện xây cầu là hơn chục năm về trước thì tui và tụi bạn sẽ là người hoan hô trước nhất. Vậy mà phải đợi đến khi bọn tui đã lăn lộn với con đò này suốt 3 năm tuổi trẻ và chú đã coi nghề đưa đò như là máu thịt. Cho đến bây giờ thì nơi lưu giữ những ký ức quý báu cuối cùng của chúng tui cũng sắp không giữ được. Tui sợ sau này bản thân mình thay đổi quá nhiều nhưng chẳng còn một tui của thanh xuân để mà so sánh và ủi an nữa. Nghe chú nói mai mốt mày đi trên cầu lỡ nhìn xuống sông có thấy chiếc xuồng ba lá đang câu cá chỗ bụi tre thì mày biết là chú đó. Nghe xong tui buồn ngang, rồi cũng muốn cười. Ai đời chưa có thông tin chính xác khi nào khởi công thì chú đã nghĩ tới chuyện sau này làm gì ở bến sông đã quá cũ này rồi.
Bất giác nhìn về mặt sông, hôm nay trời nắng đẹp, gió nhẹ gợn sóng lăn tăn. Con đò cũng bớt chồng chành, dường như đang cố mang lại chút bình yên cho người khách vốn đã quen giờ thành xa lạ. Tui và chú không ai nói tiếp, chú vẫn lẩm nhẩm hát theo Tần Lĩnh Sơn và Bảo Xuyên quận chúa, còn tui thì ngẩn ngơ ngồi đó. Có em gái chạy chiếc xe đạp điện, lao xuống vù vù từ trên dốc bẻ một đường cong đẹp mắt rồi dựng chống xe ngồi đung đưa hai chân theo giai điệu nhạc trẻ hiện hành. Thế ra tuổi trẻ ai chẳng từng như thế, hoạt bát, sôi động và có chút liều lĩnh. Bỗng nhớ tụi bạn ngày xưa của tui quá, nhìn sang chú, chưa chi đã thấy nhớ chú rồi.
Đò cập bến, lần đầu tiên tui không vội vã. Lần này lên bờ, không đi trường học mà đến trường đời. Vẫy tay với chú, cái vẫy tay đầu tiên suốt ngần ấy năm mà không biết lần tới gặp lại sẽ là khi nào nữa.
Chào mày, đò ơi. Chào tuổi trẻ đã ra đi không trở lại!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thanhxuân