|Chương 1|
Chương 1
Fuyuto là một con nhỏ tính khí dễ gần, chân chất hiền hòa, trong sáng như biết bao thiếu nữ thôn quê khác. Nhưng chỉ khác là, Fuyu lên thành phố sống chung với mẹ và dượng từ cái năm lên độ mười hai, sau khi ngoại nó phải ra thành phố chữa bệnh phổi.
Những năm về trước, con bé sống ở quê hương Ibaraki với ngoại nó, dưới tầng mái nhà lợp ngói gạch đỏ hơi sờn chồng san sát lên nhau như những lớp vảy cá. Nơi nó ở gần sát một con kênh cạn trong veo; vào mùa mưa, nước dâng dữ lắm cũng chỉ tới bụng, đôi khi ngang ngực nó. Vào độ xuân hè, khi xếp bằng trên sập nứa nhâm nhi miếng dưa hấu đỏ tươi, dưới tầng chuông gió thủy tinh trong trẻo lung lay xướng lên bản hòa ca độc nhất, nó bần thần thả hồn theo mây và những cánh bói cá xanh gợn, trông xuống con kênh nước cạn tới bụng chân phô ra những hòn sỏi đều tăm tắp như những cái mai cua xếp xen kẽ lấp loáng ánh nước mà phía trên chúng, đàn sin sít nối đuôi thong dong thả bóng xuống lòng kênh, uyển chuyển lượn theo mỗi nhịp khua chân thẫn thờ, trốn đi ánh nắng đầu chiều dưới chân một lùm cỏ may nào đó.
Chiều tà, thong dong tản bộ trên bờ kênh trông xuống từng đồng lúa xanh mượt như trảng thảo nguyên vô tận, những nhà máy, ống khói đen như đổ hắc ín, lắng nghe tiếng làn gió chiều luồn qua làn tóc, mân mê trên tay một đóa lục bình màu tím sậm hái từ trưa muộn vẫn còn mang vẻ tươi mới như vừa luyến tiếc rời làn nước xanh, nó bỗng thấy trong mình những xúc cảm mà chỉ ở vùng đất yên bình này mới có.
Chỉ nơi này mới có...
Con kênh này, là nguồn sống của ngôi làng nhỏ của nó. Từ trồng trọt cho tới chăn nuôi, giặt giũ cho tới văn hóa. Con kênh luôn tràn đầy sức sống, dẫu cho nước có nông tới bao nhiêu, người ta vẫn có thể tự hào mà nói rằng con kênh không bao giờ cạn, như tấm lòng chân chất mộc mạc của người dân quê. Mỗi độ hè về, khi đôi tai ngơ ngác đón những tiếng ve kêu đầu tiên, con kênh đã mang về cho làng những đóa hoa lục bình tím sớm nở, chăm chỉ mà cũng muộn tàn. Một bông hoa tím ấy, những cánh hoa nhăn nheo tựa hồ ngâm nước quá lâu, những dải nhụy nhờn nhợt, dẫu yếu đuối mảnh mai nhưng để bên ngoài chừng đôi ba tiếng, vẫn có thể tươi như thuở mới gặt về.
Chỉ ở đây mới cho ra được những thảm thực vật giàu sức sống như thế...
Sự khác biệt là thứ mà không nơi đâu có thể có.
Cũng như Fuyuto, không ai có thể là nó, nó cũng không thể là ai được.
Từ lúc nhỏ, nó là đứa có vẻ khác biệt lớn so với đám bạn đồng lứa. Nhưng dẫu khác biệt tới đâu, vui tươi hồn hậu hay lớn khôn trưởng thành, nếu là người ở đây nó vẫn sẽ như những đứa khác, tình yêu gắn bó với nơi này, với những trưa hè nghe nắng gắt đổ trên đỉnh đầu hay những đêm rằm kê chõng ra bờ kênh ngâm vịnh trong thanh âm ri rích của côn trùng, là bất diệt, bất lay chuyển.
Nhưng, trong khi tụi trẻ quê nó mơ màng ngước đôi mi lên trời xanh gờn gợn những làn mây rồi cãi nhau chí chóe xem cánh diều ai bay cao hơn, hoặc la hét nô đùa giữa làn nước xuôi dòng dưới con kênh hiền hậu chắn ngang qua phía sau sân nhà nó một cách hồn nhiên và nghịch ngợm, nó thể hiện sự khác biệt ̀một cách nổi bật bằng ngồi tự kỉ ở góc nhà ngắm kiến bò về tổ hay leo lên mái nhà lười biếng phơi nắng theo con mèo mướp.
Hay đôi lúc, nó mang thóc gạo trải ra sân phơi, mang rau củ ra thềm vườn lặt. Cũng có lúc nó theo chân đám trẻ đi săn côn trùng, ở những ô ruộng của người dân làng.
Ngoại nó vốn là người giỏi gieo cấy, nên ruộng lúa nhà nó tuy nhỏ mà gần như năm nào cũng bội mùa. Cứ vào độ hạ-thu trong năm, tần suất một lần mỗi tuần, nó lại đi theo đám trẻ trong làng đi lùa những bụi cỏ rẫy lúa, dồn châu chấu.
Đó là nơi lí tưởng để những con châu chấu voi hạ cánh cho mùa sinh sản. Châu chấu là loài di cư, tới mùa thường sẽ hình thành một đàn lớn bay về phương bắc khô ráo để giao phối, đẻ trứng, và lại chết đi. Vì vậy, dù chỉ đẻ 1 lứa trong đời, diệt chủng hoàn toàn loài này vẫn là bất khả thi.
-------
Khác với chúng bạn, nó không bắt côn trùng để buộc dây dắt đi chơi như người ta hay làm với những con chó mèo ngoài thành thị, đặt vào bao diêm một cách trân trọng tựa món bảo vật giá trị, hay để say mê dán mắt vào đấu trường nho nhỏ bao quanh bởi những viên ngói lở người ta ném vào bụi tre xem tụi dế mèn chọi nhau, vừa mường tượng bản thân là một người La Mã trong những trang sách vở đượm mùi mục in giấy trắng ngà. Nó bắt để bảo vệ những bông lúa non sắp tới kì gặt hái, hay cũng để ngồi co lưng giữa tấm sân ngập nắng mà tỉ mẩn bứt từng đôi càng gai góc, đem đi rán cho được bữa cơm.
Nó có chút hơn so với bạn bè, cả về vốn sống lẫn kiến thức sách vở.
Vì nhà nó lúc ấy vốn không phải khá giả gì, cho được nó đi học đã là may mắn rồi. Nó học kém môn nào, giỏi môn nào, cha mẹ nó biết đấy, muốn cho con mình học lĩnh vực mình yêu thích. Nhưng ngặt một nỗi, dù có muốn tới đâu, nó cũng không có cơ hội học thứ mình thích một cách chuyên sâu vì miếng cơm manh áo đè nặng lên kinh tế gia đình.
Vì những lẽ đó, nó trưởng thành hơn, nhẫn nhịn hơn và sau này là cãi láo hơn so với những đứa cùng tuổi rất nhiều. Nó gần như không có đối thủ về khoản cãi lí, hỏi sao mẹ nó mỗi lần đi thi về bà lại mang cánh tay run rẩy vung cán chổi bắt chước mấy quyền Đồ Long Chưởng trong phim Tàu, rượt nó chạy quanh vườn.
Nó nào có nói gì nhiều nhặn đâu, chỉ có:
"Năm ngoái môn văn con chỉ được năm điểm, năm nay lên mười, tiến bộ thế rồi còn gì"
Hoặc:
"Con nhai nát sách ra rồi, con không làm được bài là tại bộ giáo dục!"
Nhưng uất ức hơn, nó giỏi chỗ nào thì mẹ nó không bao giờ chọc vào cho nó tự hào được đôi lần. Hay đúng ra, mẹ chỉ nói rằng:
"Mày giỏi môn nào mẹ cho mày học môn đấy, nhưng những môn khác cũng phải chú tâm vào. Đúp năm nay mẹ cho mày biến về quê chăn trâu luôn đấy"
Nó tính gân cổ lên phản bác, nhưng nhác thấy lấp loáng sau tà áo mảnh thân thuộc là cây Ỷ Thiên Chổi khắc tinh và sau lưng là những chồng sách bình giảng văn học, nó lại thôi.
Khuôn miệng đau khổ mím chặt trước những đòn roi như cắt vào da thịt, bình tĩnh kiềm chế để ngăn bản thân không lao vào đồ sát lọ muối ớt mẹ thường dùng để tẩm vào cây roi mỗi lần tra tấn, nó âm thầm chửi đổng, trong bộ não sắp phế tàn hiện lên những hình ảnh Lão Hạc, chiếc lá thường xuân hư ảo đã ám ảnh nó từ lâu lắm.
Kiếp học sinh ai cũng từng trải cả, nuốt đắng ngậm cay ắt tu thành chính quả mà thôi...
Nhưng, đời người là bể khổ, qua bể khổ là qua đời. Chừng nào nó chưa chết, chừng ấy khắc nó còn phải chịu ách cai trị tưởng như còn dài hơn cả Bắc thuộc nghìn năm.
Năm nay, nó mười lăm tuổi.
Ngày 27/12/2021
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top