Chương 7. Chợ

Diệp Quốc Thịnh năm nay đã 70 tuổi, ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng những năm 70-80 thế kỷ trước, trong đầu ông vẫn luôn nghĩ rằng "buôn bán" là một loại hành vi đầu cơ trục lợi. Mặc dù bây giờ đã không còn nghĩ như vậy nữa nhưng trong đầu ông "buôn bán" vẫn được đặt ở một vị trí vô cùng thấp. Ông lão có thể sẽ bán vài quả trứng gà, bán sắt vụn tinh tinh, hoặc làm mấy đồ thủ công bán kiếm ít tiền, nhưng từ trước đến giờ ông vẫn không hề có ý định coi chuyện "buôn bán" này như một việc làm nghiêm túc có thể kiếm sống.

Nhờ có sự nhắc nhở của đứa nhỏ Diệp Trì, ông lão cảm thấy mình cũng có thể thử một lần.

Diệp Trì hỏi ông: " Ông ơi, mấy cây măng này có thể bán lấy tiền đúng không ạ?"

Diệp Quốc Thịnh trả lời: " Đúng vậy."

" Vậy chúng ta đem chúng đi bán thôi."

" Trước tiên chúng ta phải đào được măng đã."

" Đào như thế nào ạ?"

" Phải về nhà lấy công cụ đào đã."

" Vậy đi nào ông."

Hai ông cháu dắt tay nhau xuống núi, cùng nhau về nhà, vác cái cuốc từ trong góc phòng lên, đeo cái sọt lên vai rồi còn tiện tay cầm theo cái xẻng, sau đó cùng nhau quay lại núi Cảnh. Diệp Trì rất vui vẻ, đi được hai bước không đợi nổi đã cất bước chạy về phía rừng tre, đến nơi là bắt đầu tìm măng ngay.

" Ông ơi, ở đây có một cây măng mọc lên này."

" Được, để ông đào nó lên."

Diệp Quốc Thịnh đặt sọt cùng với xẻng sang một bên, rồi cầm cuốc đi tới trước mặt Diệp Trì. Ông bảo Diệp Trì đứng sang một bên, sau đó bắt đầu đào gốc măng mà Diệp Trì vừa chỉ lên. Thông thường thì măng cũng không mọc một mình, kiểu gì xung quanh cũng phải có sáu bảy gốc măng mọc lên cùng.

Diệp Quốc Thịnh vừa đào một lúc thì thấy gốc măng hiện ra, vì để tránh đào hỏng đến mấy cây măng bên cạnh, ông lấy cái xẻng mới đặt xuống lúc nãy bắt đầu đào đất xung quanh gốc măng ấy, sau đó lấy tay gạt gạt đất rồi mới nhấc măng từ trong đất ra đưa cho Diệp Trì. Diệp Trì vừa mừng vừa lo nhận cây măng từ tay ông xong là đặt ngay vào trong sọt. Đặt măng xong bé lại tiếp tục ngồi nhìn ông nội đào măng. Gặp được gốc măng khó đào, bé cũng nhăn hết mặt lại, cắn chặt răng, làm ra bộ dạng giống hệt bộ dạng Diệp Quốc Thịnh đang ra sức đào măng vậy.

Đào được hồi lâu, Diệp Trì sợ ông mệt mỏi, nói: " Ông ơi, để cháu đào đi, ông mệt rồi nên nghỉ ngơi một lúc đi."

Diệp Quốc Thịnh hỏi: " Cháu biết đào? "

" Ông cứ để cháu thử đi." Diệp Trì nói: " Nói không chừng cháu làm một lúc sẽ biết thôi."

Diệp Quốc Thịnh bây giờ đã học được cách để con trẻ tự lập hành động, vì vậy ông đưa cái xẻng cho Diệp Trì nói: " Được, vậy cháu thử xem, cẩn thận đừng để tay bị thương nhé."

" Vâng ạ."

Diệp Trì nhận được xẻng là bắt đầu chọc chọc xuống dưới đào đất ra, đến lúc phát hiện ra măng rồi, bé lại cảm thấy dùng xẻng không thuận tay cho lắm, thế là bé vứt luôn cái xẻng sang một bên, bắt chước động tác cún con cào đất cũng dùng tay cào cào một hồi.

Diệp Quốc Thịnh nhìn thấy vội chạy đến ngăn cản: " Ấy ấy, Diệp Trì, sao cháu lại dùng tay đào đất thế kia?"

Diệp Trì quay đầu lại nói: " Cái xẻng dùng không tốt tí nào, cháu dùng tay còn nhanh hơn."

" Lỡ may bị đau tay thì làm sao giờ? Cháu đứng sang bên đi, để ông đào, rồi cháu nhặt măng."

" Vậy cũng được ạ."

Diệp Trì ngồi xổm sang một bên nhìn Diệp Quốc Thịnh đào măng. Nhìn thấy một gốc măng bắt đầu lộ ra bên ngoài, đã đến lúc dùng tay được rồi, bé vội nói: " Để cháu nhặt, để cháu nhặt cho."

Nói xong bé bắt đầu lấy tay đào đất, đến khi ôm ra được một gốc măng vừa to vừa tươi ngon, bé cười cực kỳ vui vẻ: " Ông ơi xem này! Cháu đào được một gốc măng rồi."

" Cháu bỏ nó vào cái sọt đi."

" Vâng ạ."

Đào măng cũng không phải chuyện dễ dàng gì. Không phải gốc măng nào cũng mọc trên mặt đất, mà những gốc măng mọc ra được trên mặt đất cũng không nhất định sẽ ăn được. Vì vậy ngoài việc đào ra, còn phải tìm kiếm lựa chọn vô cùng cẩn thận.

Nhưng cuối cùng thì hai ông cháu vẫn đào được đầy một sọt, Diệp Trì chỉ xuống dưới chân mình nói: " Ông ơi, chỗ này còn có 1 gốc này ông ơi."

Diệp Quốc Thịnh cất cái cuốc lắc đầu: " Chúng ta không đào nữa."

" Sao vậy ạ?"

" Sọt không đựng được nữa rồi."

Diệp Trì nhìn về phía cái sọt đầy ăm ắp măng là măng, quả thực không nhét thêm được nữa rồi.

Diệp Quốc Thịnh nói: " Không biết có bán hết không nữa, đào nhiều quá cũng sẽ hỏng mất."

Diệp Trì bước tới cạnh ông nói: " Thế thôi ạ, chúng ta không đào nữa."

" Ừ, đi về thôi."

" Về nhà thôi."

Diệp Quốc Thịnh một tay cầm quốc, một tay xách xẻng, lưng phía sau thì đeo cái sọt chứa phần lớn măng đào được. Còn một phần nhỏ còn lại thì để Diệp Trì ôm, bởi vì bé muốn giúp đỡ ông nội giảm một phần trọng lượng.

Hai ông cháu cứ một trước một sau như vậy đi bộ xuống núi, lúc này mặt trời đã bắt đầu sắp xuống núi rồi.

Diệp Trì nhìn bầu trời nói: " Ông ơi trời sắp tối rồi."

Diệp Quốc Thịnh bước chân chậm lại: " Ừ, mặt trời xuống núi là trời bắt đầu tối rồi."

" Vậy giờ chúng ta đi bán măng luôn ạ?"

" Giờ chúng ta không đi nữa, trời tối thì mọi người cũng về nhà rồi, đợi ngày mai rồi đi vậy."

" Đợi đến ngày mai liệu măng có hỏng không ạ?"

" Không đâu, măng này có thể để được ba ngày."

" Vậy giờ chúng ta quay về nhà ăn măng ạ?"

" Ừ, về nhà ăn thử xem có ngon không thì mới quyết định có bán không chứ."

" Chắc chắn là ngon rồi." Diệp Trì đã mặc định trong lòng như vậy rồi.

Diệp Quốc Thịnh lại cười, lúc về đến nhà thì trời đã tối rồi. Diệp Quốc Thịnh lấy từ trong sọt ra hai gốc măng, lột ra sửa sạch, lại thái thêm ít thịt, rồi bỏ vào chảo xào lửa lớn, cũng không cần phải bỏ thêm gia vị đặc biệt gì, chỉ cần ngửi mùi thơm của thịt và măng xào bay trong không khí đã đủ khiến người ngửi được thèm nhỏ dãi rồi.

Diệp Trì nhịn không được mà không ngừng nuốt nước miếng.

Cuối cùng cũng đợi được đến lúc ăn cơm, Diệp Trì nhảy nhót nói: " Ông ơi, nhìn ngon quá."

Diệp Quốc Thịnh nếm thử một miếng, thanh đạm lại vừa tươi vừa giòn, quả thực rất ngon. Như thế này thì ông mang đi bán cũng an tâm được phần nào. Sau giờ cơm tối, Diệp Quốc Thịnh sợ măng bị hỏng nên đắp một tầng đất mỏng lên phía trên đám măng. Sau đó ông cùng với Diệp Trì dắt bò về lại phòng, tiếp theo đấy là đuổi gà vào chuồng. Làm xong xuôi hết mọi việc hai ông cháu đi đánh răng rửa mặt rồi mới chui vào trong ổ chăn.

Ngày hôm qua Diệp Trì ngủ ở bên chân Diệp Quốc Thịnh, lý do là vì lúc ấy Diệp Quốc Thịnh cố ý làm ngơ bé. Còn hôm nay thì khác hoàn toàn rồi, Diệp Quốc Thịnh đã quyết định cùng chung sống với Diệp Trì, đương nhiên phải để bé nằm cạnh mình. Đợi vài ngày nữa lúc có thời gian rảnh, ông sẽ kê một cái giường nhỏ ra để Diệp Trì tự nằm một mình.

Có điều hiển nhiên là bé Diệp Trì rất vui lòng khi được ngủ cùng với ông nội. Bé lấy balo đồ của mình ra, rồi lấy một cái bút chì, một quyển vở, một cái gọt bút chì cùng với một cái tẩy từ trong balo ra cho Diệp Quốc Thịnh nhìn. Bé nói đây là đồ mẹ mua cho mình. Vốn dĩ ban đầu bé cũng đang đi học mầm non, nhưng mà sau đó nhà hết tiền rồi nên không thể học tiếp, vậy nên chỉ đành tạm thời thôi học. Mẹ bé còn nói đợi đến khai giảng tháng 9 năm này là bé sẽ đủ tuổi học lớp một rồi.

Diệp Quốc Thịnh nhìn Diệp Trì, hỏi: " Cháu muốn học lớp một?"

Diệp Trì gật đầu: " Vâng."

" Cháu còn chưa học xong mầm non, giờ mà lên lớp một thì liệu có theo kịp các bạn không?"

" Theo kịp ạ, cháu biết viết rất nhiều chữ đó." Diệp Trì nói tiếp: " Mẹ cháu bảo, mầm non vốn dĩ là nơi để trẻ em chơi thôi, mà cháu cũng biết chơi mà."

" Vậy được, đợi tới tháng 9 sẽ cho cháu nhập học nhé."

" Vâng ạ."

Diệp Quốc Thịnh kiên nhẫn xem hết quyển vở của Diệp Trì, sau đó tiếp tục kiểm tra một lượt balo của bé. Kiểm tra xong thì ông cũng biết trong này cũng chẳng có mấy bộ quần áo, ngồi nhẩm tính trong đầu trừ việc mua giày cho Diệp Trì ông còn phải mua mấy bộ quần áo mùa xuân cho bé mới được.

" Ông ơi." Diệp Trì gọi một tiếng.

Diệp Quốc Thịnh mới giật mình nhìn Diệp Trì.

Diệp Trì cất hết mấy thứ đồ như quyển vở, cái bút chì vào balo của mình, rồi nói: " Đợi chừng nào cháu lên lớp một rồi, mẹ cháu sẽ quay lại đón cháu."

Diệp Quốc Thịnh lặng im không nói câu nào.

Diệp Trì tự nhiên lại nghĩ tới lời của Diệp Hoành Vĩ nói hôm trước, chớp chớp đôi mắt của mình hỏi ông: " Ông ơi, ông nói xem, mẹ cháu sẽ quay lại đón cháu đúng không?"

Diệp Quốc Thịnh chần chừ một lúc mới nói: " Chuyện tương lai ông cũng không nói trước được."

" Mẹ cháu không cần cháu nữa à ông?"

Diệp Quốc Thịnh hơi lảng tránh trả lời câu hỏi của Diệp Trì, nói: " Diệp Trì, mẹ cháu đương nhiên là quan tâm cháu rồi."

" Sao ông lại biết ạ?"

" Nếu không quan tâm thì làm sao mẹ cháu lại nuôi được cháu lớn lên khỏe mạnh hoạt bát như bây giờ."

" Vậy tại sao mẹ lại để cháu ở đây ạ?"

" Bởi vì cuộc sống còn khó khăn nên mẹ cháu phải đi ra ngoài kiếm sống." Diệp Quốc Thịnh xoa đầu Diệp Trì rồi nói tiếp: " Nuôi được một đứa trẻ lớn lên không dễ dàng gì, lo cho cháu ăn cho cháu mặc rồi còn phải lo cho cháu đến trường. Một mình mẹ muốn nuôi cháu rất cực khổ, vì vậy nên mẹ  mới để cháu ở đây để có thể yên tâm đi kiếm tiền. Đợi kiếm được nhiều tiền rồi thì cuộc sống của hai mẹ con cháu sau này mới tốt lên được."

Diệp Trì nghe ông nói một hồi lại vui trở lại.

Diệp Quốc Thịnh nói: " Đi ngủ thôi, ngày mai ông còn đi bán măng nữa."

Diệp Trì ngay lập tức tiếp lời ông: " Ông ơi, cháu cũng muốn đi bán măng với ông."

" Vậy thì cháu phải dậy thật sớm mới được, phải dậy trước khi gà gáy sáng mới kịp đi đấy."

" Cháu dậy được ạ."

" Vậy được, đi ngủ trước đã."

" Vâng ạ."

Diệp Trì chui vào trong chăn nằm, lập tức nhắm mắt ngủ luôn.

Diệp Quốc Thịnh cũng vào giường nằm ngay sau đó, vươn tay tắt đèn phòng. Căn phòng ngay lập tức trở nên tối đen, xung quanh cũng yên tĩnh đến lạ kỳ. Diệp Quốc Thịnh cũng chưa nhắm mắt ngủ ngay mà yên lặng hồi tưởng lại tất cả sự việc xảy ra từ hôm qua đến giờ. Từ việc ban đầu ông không thích Diệp Trì cho đến khi ông quyết định nuôi dưỡng bé rồi việc cùng Diệp Trì đi đào măng và cuối cùng là cùng nhau nằm trên cùng một cái giường. Tất cả những điều này đều là việc trước nay ông chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Chắc có lẽ là do nguyên nhân huyết thống nên ông và Diệp Trì ở chung với nhau rất tự nhiên không gặp trở ngại gì.

Ngẫm kĩ lại, có một đứa trẻ bên người thực ra cũng tốt, ít nhất không phải mỗi ngày làm bạn với bò, gà, cuộc sống mỗi ngày đương nhiên sẽ phong phú hơn lúc ở một mình. Hơn nữa một đứa bé đáng yêu như thế này, mỗi ngày ríu ra ríu rít cũng khiến một ông già như ông trở nên có sức sống hơn.

Đúng vậy, ông cần phải tích lực lên thì mới sống lâu hơn một chút, có thế thì mới chăm sóc cho Diệp Trì nhiều hơn một chút, ít nhất cũng phải đến lúc bé được 18 tuổi.

Diệp Quốc Thịnh vừa nghĩ được như thế, lần đầu tiên trong mấy năm gần đây ông cảm thấy buồn ngủ sớm như vậy. Chưa qua được mấy phút đã nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ, không những thế còn phát ra tiếng ngáy nho nhỏ. Vậy mà bé Diệp Trì của chúng ta còn chưa ngủ, bé còn đang nhớ mẹ. Đã hai ngày rồi, vậy mà mẹ không gọi cho bé lấy một cuộc điện thoại, bé vẫn thấy trong lòng hơi buồn buồn.

Bé hơi ghé sát vào người của ông nội, bé ngửi thấy từ trên mùi ông thoang thoảng mùi thuốc lá, nghe thấy âm thanh chậm rãi nhai cỏ của Đại Hoàng, lại cảm nhận được hơi ấm từ trong chăn, tất cả mọi thứ đều khiến bé rất thoải mái. Trong lòng bé cũng dần dần không đau lòng nữa, mí mắt cũng càng ngày càng nặng, được một lúc bé cũng ngủ thiếp đi rồi.

Tờ mờ sáng ngày hôm sau, không biết đã mấy tiếng gà gáy rơi vào trong tại của Diệp Trì rồi bé mới giật mình tỉnh dậy. Bé quay người nhìn sang, thấy bên cạnh mình đã không còn người.

" Ông ơi." Diệp Trì gọi một tiếng rõ to.

Diệp Quốc Thịnh trong miệng còn ngậm tẩu thuốc, cả người từ trên xuống dưới ăn mặc chỉnh tề bước vào phòng: " Cháu dậy rồi à?"

Diệp Trì vội vã hỏi: " Ông đi bán măng chưa ông."

" Đương nhiên là chưa đi rồi."

" Vậy chúng ta đi thôi ông."

" Ừ."

Diệp Quốc Thịnh muốn đi chợ sáng của trấn Cảnh Sơn, vì vậy ông dậy từ rất sớm. Trước tiên ông còn chạy quanh chân núi Cảnh nửa tiếng, sau đó quay lại hâm nóng bánh bao, luộc trứng gà, rồi cho mấy con vật trong nhà ăn. Cuối cùng ông vác cái sọt chứa đầy măng lên vai, dắt tay Diệp Trì đi chợ .

Diệp Trì còn chưa ăn hết mấy cái bánh bao ông hấp vì vậy mỗi tay bé còn cầm theo một cái, trái một miếng, phải một miếng, miệng không lúc nào được rảnh khiến cho hai bên má phồng lên như con sóc nhỏ. Vì chân ngắn không theo kịp nên bé phải chạy để theo kịp ông. Diệp Quốc Thịnh quay đầu nhìn thấy Diệp Trì đang chạy thì vội dừng chân chờ đợi. Đợi đến lúc Diệp Trì ăn xong miếng bánh bao cuối cùng thì mới cất nhanh bước chân đi về hướng chợ sáng.

Có điều sợ là đi hơi muộn rồi.

Hai ông cháu không ngừng đẩy nhanh tốc độ đi về phía chợ buôn bán của trấn Cảnh Sơn, liếc mắt nhìn qua đã thấy vô cùng náo nhiệt, dòng người đông đúc tấp nập, tiếng rao bán đồ thì vang lên không ngừng.

Cả hai ông cháu nhìn xong cũng hơi sững sờ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dammei