Đoản 1: Ba Lan & Em
Warszawa (1) một đêm đông lạnh.
(1) Warszawa: Phiên âm tiếng Việt Vác-xa-va, thủ đô Ba Lan.
Em ngồi đó, đôi mắt nhìn qua cửa sổ của một khu ổ chuột chật hẹp. Từ nơi đây, em có thể thấy được những công trình kiến trúc tân cổ điển với vô vàn ánh đèn đường vàng ngà ấm áp, nhuộm màu cả một khoảng tuyết trắng đẹp đẽ, bởi tuyết lấp lánh, nên khi có đèn đường phản xạ vào, nó lại càng khiến vùng tuyết ấy chiếu sáng muôn màu như thứ kim loại vàng xa xỉ.
Lại một chốc, em xoa cái bụng gầy của mình. Đã rất nhiều ngày, em chưa ăn gì.
Nhưng em cũng không quá để ý lắm.
Em chỉ đứng thẳng dậy, bước ra khỏi căn hẻm nhỏ.
Ở nơi phố phường nhộn nhịp này cũng chẳng có ai quá để tâm xuất thân của em, hay em từ đâu đến. Em thầm nghĩ, cảm thấy như vậy thật tốt biết bao.
Chiếc áo manteau (2) em đang mặc sờn lên chút ít, em đã mặc chiếc áo này từ rất lâu rồi, lâu đến mức trên tường nhà em đã phủ đầy cả vạch kẻ đếm ngày.
(2) Áo manteau: Áo măng tô, từ mượn tiếng Pháp.
Nó vẫn theo em qua bao mùa đông giá lạnh, chất vải nỉ xám ôm chặt lấy thân thể em, tuy ấm áp, nhưng lại dễ bám tuyết.
Em vẫn bước đi, rồi lại rẽ vào một quán bar nhỏ. Âm thanh ding ding của cái chuông cánh cửa vang lên thanh thúy, chạm vào tai em lại biến thành một âm thanh hơi chói. Một lát, em lại nghiêng người, phủi đi chút bông tuyết còn vương lại trên cầu vai áo em.
Tiếng giày da nện vào sàn gỗ mỏng tạo nên âm thanh cộp cộp sinh động, em lại đến đây, làm công việc của mình, một nghệ sĩ dương cầm.
Em ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế gỗ đặt cạnh cây dương cầm đen ánh. Trông chiếc áo manteau nỉ xám của em lúc này thật giống bộ vest đuôi tôm mà những người nghệ sĩ thường khoác lúc bấy giờ. Mái tóc mềm óng của em bồng bềnh, chân vừa di chuyển thoăn thoát trên bàn đạp nhịp, bộ máy đàn thuận theo đôi tay chuồn chuồn lướt của em mà di chuyển lên xuống. Bản nhạc càng cao trào, hồn em lại càng phiêu lãng cuốn theo từng giai điệu. Em không phải Frédéric François Chopin (3) - Một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, em cũng càng chẳng phải tài năng thiên bẩm ba tuổi đã nhớ và đàn được những bản nhạc mà mẹ thường chơi, tám tuổi có khả năng biểu diễn xuất sắc trước công chúng và sáng tác những bản nhạc nổi tiếng.
(3) Frédéric François Chopin là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan của thời kỳ âm nhạc Lãng mạn.
Em chỉ là thích những loại nhạc cụ có âm thanh trong trẻo, và vô tình, em lại gặp được anh, người viết nên những bài thơ. Em đàn, anh hát, và lúc ấy cũng giống như hoàn cảnh bây giờ. Anh tiến vào quán bar, chăm chú nhìn lên khuôn mặt em một cách say mê, rồi cũng theo bước chân em tới tận khu nhà cũ.
Anh không dám bước theo em quá gần, chỉ bước từng quãng ngắn, rồi lại dừng lại, duy trì khoảng cách với em. Vì anh cao lắm, cao hơn em đến một cái đầu, bước chân vì thế cũng dài hơn em.
Thế rồi ngày nào cũng vậy, hôm nào em cũng đều biết anh đang bước theo từng dấu chân em bỏ lại trên nền tuyết, lại vừa ướm xem chân anh lớn hơn chân em bao nhiêu.
Em chỉ cảm thấy, người này thật ngốc, dù cao lớn là thế nhưng vẫn thật ngốc.
Anh thấy bước chân của em dừng lại, vừa nhìn phía sau lưng của em, trên đôi môi đỏ mọng của em phả ra hơi ấm khi bừa tiếp xúc với bầu trời âm độ đã biến thành một màn sương trắng mỏng. Anh nghĩ rằng em cảm thấy lạnh, vừa đứng sau em, phủi đi tuyết trắng vương trên đầu em, lại vừa đội chụp lên mái tóc mềm mại của em một chiếc mũ beret đen (5) cười rồi nói.
(5) Mũ beret: Mũ nồi.
"Này, em lạnh phải không?"
Bấy giờ em mới có cơ hội nhìn kĩ khuôn mặt của anh. Có lẽ vì quá lạnh mà khuôn mặt của anh trắng bệch, chiếc mũ beret mới từ trên đầu anh dời xuống đã làm mái tóc anh lấm chấm bông tuyết. Tuy vậy, trên môi anh vẫn nở một nụ cười rạng rỡ, em có thể thấy được ánh nắng của mặt trời ban sáng chiếu rọi trái tim khô cằn của em giữa đêm đông lạnh, hệt như có một dòng nước ấm chảy qua trong lòng, em biết người trước mặt em, là một người vô cùng đặc biệt.
Có lẽ vì đã lộ tung tích vì chính bản thân mình theo dấu em, nên anh chẳng thèm che giấu nữa mà quyết định công khai lẽo đẽo theo em đến tận lúc về nhà. Trên con đường tuyết xa xa lúc này không chỉ còn là dấu chân của một người đơn độc, mà lúc này là hai đôi chân vẫn cứ mãi đang rảo bước. Anh vừa đi, lại vừa trò chuyện một mình, nhưng anh biết em đều nghe tất cả, chỉ là em tỏ vẻ ngại ngùng mà thôi.
"Em đàn rất hay, 'Chopin' của anh"
"Từ khi nhìn thấy em, trái tim anh đã hẫng một nhịp"
Em không trả lời, nhưng đôi môi hồng đỏ bĩu lại, em nghĩ thầm rằng mình không phải là 'Chopin', cũng càng không phải là một thiên tài. Em chỉ là một đứa con trong gia đình nghèo khổ, lại thích một thú vui đắt tiền là dương cầm mà thôi.
Chẳng qua em cũng không muốn làm anh buồn, nên chuyện này đành không nói vậy.
Cứ như thế, cho đến ba năm sau.
Em biết rằng, anh là một người lính hải quân.
Em biết, đất nước này đang rơi vào vòng xoáy của thế chiến.
Anh lên đường ra trận, ta chia tay nhau ở nơi cảng biển gió thổi lồng lộng.
Khẽ nâng đôi tay đang cầm chiếc khăn quàng lớn, vừa nhón chân để quàng qua cổ cho anh. Trong tròng mắt xanh dương của em lúc nào cũng lạnh lùng bây giờ lại long lanh và sóng sánh lạ thường. Em cố ngăn cho nước mắt mình không chảy ra từ khóe mi. Em cũng chẳng giỏi ăn nói, chỉ biết ôm chầm lấy anh rồi nói nhỏ.
"Nhớ trở về."
Trong một thời gian dài lênh đênh trên biển lớn, anh và em trao đổi với nhau qua những tập thư dày chữ.
Anh nói rằng, anh rất nhớ em, nhớ em đến vô vàn.
Nhớ tiếng đàn, nhớ Ba Lan, nhớ những con sông chảy xuyên thành phố.
"Hãy nghe em từng viên đá lát
Những con đường, tiếng hát đau thương
"Ba Lan, Ba Lan
Thịt da đã bao lần tan nát
Nước mất, tim về vọng cố hương"
"Hãy nghe em từng viên ngói đỏ
Những mái nhà phố cũ hồi xuân
Máu đã quyện, em ơi, trong đó
Máu Ba Lan và máu Hồng quân!"
Anh nói rằng, anh muốn trở lại những ngày đất nước không có chiến tranh, không rơi vào loạn lạc. Anh muốn trở về khoảnh khắc đầu tiên gặp em, khi từng ngón tay em lướt trên phím đàn, khi đôi mắt em phiêu lãng theo giai điệu. Anh chỉ ngồi đó, mãi mê nhìn em không biết chán, người anh yêu.
Kết thư, anh nói anh sẽ sớm trở về, khi thắng trận.
Nhưng đến một ngày, em nhận được thông báo có thư gửi cho mình. Trên chiếc xe đạp cũ kĩ, em vội vàng đạp đến bưu điện cách khu nhà khá xa, đón được lá thư lạ về tay mình.
Người nhận vẫn là tên em, nhưng lại được gửi đến từ một người xa lạ, kèm một món bưu phẩm.
Bên trong là một số dụng cụ cá nhân, quần áo riêng của anh, cùng tấm thẻ bài quân nhân bằng kim loại, trên đó dập nổi tên anh, cùng một số thông tin cơ bản.
Họ nói, anh đã hi sinh rồi.
Trong một cuộc nội chiến quy mô lớn.
Anh cũng chẳng còn kịp để lại cho em bất cứ một lá thư nào, kể từ sau đó.
Chẳng ai biết được rằng, sau đó em đã sống như thế nào.
Và kể cả em cũng không biết được chính bản thân mình đã bao ngày không ăn rồi.
Em chỉ như thói quen, rảo bước trên phố đông, lại bước vào quán bar chơi nhạc.
Lặp đi lặp lại, chỉ có một ao ước duy nhất, được thấy anh lại một lần nữa.
Nhưng cũng chẳng còn ai kia bước theo em, che chở cho em những ngày đông về nữa rồi.
Anh từng bảo anh nhớ em xiết bao, thì em cũng như vậy.
Bàn tay xiết chặt lấy thẻ bài quân nhân của anh, bây giờ nó đang được em đeo và che giấu sau lớp áo dày.
Em không muốn quên anh, lại càng lưu luyến một chút thứ gì thuộc về anh như thế này. Như vậy càng làm em có cảm giác được gần anh hơn, người mà em yêu hơn.
Cứ càng lúc chơi đàn, em lại càng nghe được âm thanh ấm áp của anh vang vẳng bên tai 'Chopin, Chopin của anh'
Em có khác xưa, ngoài chiếc áo sơ mi trắng, khoác thêm áo măng tô nỉ cùng quần đen bạc màu, em còn đội thêm cả chiếc mũ beret từng là của anh.
Em kéo áo kín cổ, vừa ngắm nhìn trời đất đẹp đẽ.
Lòng ngẩn ngơ nhớ về một bài thơ nọ, vừa lẩm bẩm theo giọng nói văng vẳng nọ
"Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn."
Bởi mệt, bởi đói, tầm mắt em càng mờ đi rồi tối đen thành một màu. Em thiếp đi trong màn đêm lạnh lẽo.
Sáng sớm giao mùa hôm sau, em nghe được tiếng đàn đang vang vọng.
Cơ thể em nhẹ bẫng, vừa nghe xôn xao tiếng mọi người.
Em không quan tâm nhiều, quay đầu chỉ thấy nụ cười như ánh dương ấy của anh.
"Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy
Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan..."
Note: Tất cả chữ in nghiêng đều từ bài thơ "Em ơi... Ba Lan" của nhà thơ Tố Hữu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top