Chương bảy. Tài Vượng

Mùa đông lương thực khan hiếm nên rất dễ bắt những con thú nhỏ đói khát, thành ra cứ vài ngày nhà họ Lưu lại được bữa gà thỏ. Kỳ đông chưa được nửa đường, bà Triệu đã tích được mười mấy tấm da thỏ.

Mới đầu Lưu Học Uyên còn phê bình Lưu Trạm nhưng lần nào anh cũng chỉ nghe cho có rồi lại tấp vào lề cũ, cấm cũng không được, Lưu Trạm leo ra cửa sổ cái là chạy mất hút.

Sáng sớm hôm nay anh lại ra ngoài, Lưu Học Uyên thừa biết anh lại lên núi, đành tức tối ngồi ở trong phòng khách.

"Thôi anh đừng lo lắng quá, nó cơ trí lắm, sẽ ổn thôi." Lưu Học Dật ngồi cạnh ông.

Lưu Học Uyên thở dài:"Lợn rừng là mối đe dọa, nay hay mai không gặp nhưng ắt có ngày gặp. Nhỡ lần sau xui xẻo nó bị giết thì sao!"

Điều ấy ai cũng hiểu nhưng cảnh nhà đều phó thác vào nó rồi.

"Bọn trẻ đều thèm thịt, cứ vài ngày lại được bữa thịt, người mẹ cũng khỏe mạnh hơn nhiều, công to nhất đều ở Trạm cả." Lưu Học Dật cảm thán.

Lưu Học Uyên thở một hơi dài, ông thừa biết điều đó và từng xin con dẫn mình theo cùng song nó cố chấp không chịu.

Đương lúc hai anh em nói chuyện chợt bà Ninh bật khóc, vẻ mặt Lưu Học Dật liền trở nên u ám.

Bệnh của bà ta ngày càng nặng, mới đầu chỉ ngồi nghệch một chỗ mà đến nay một ngày phải khóc mấy đợt.

Hiện tại nhà họ có ba phòng, phòng của bà nội với Lưu Học Lễ ở một bên khác, của Lưu Học Uyên và Lưu Học Dật thì ngay cạnh nhà bếp. Vì bệnh bà Ninh trở nên nghiêm trọng nên trừ lúc dùng bữa, bà nội với bà Phương chả thèm sang chuyện trò. Cuộc sống vốn đã khiến người ta nhọc lòng còn phải nghe bà Ninh khóc cả ngày nữa, chả trách người ta tránh như tránh hủi

Lưu Học Dật đã đưa hai đứa con sang ở với bà, chứ không chúng nó cũng rồ lên mất.

Lưu Học Dật không nghe nổi nữa, đen mặt đi ra.

Bấy giờ bà Triệu đi ra ngoài, sang phòng đối diện thăm bà Ninh, an ủi một lát tiếng khóc cũng bé dần.

Lưu Học Uyên nhìn em trai rời đi mà chỉ lắc đầu thở dài.

Dãy Tề Vân quả đúng là đồng rừng biển tuyết, vào mùa đông một phần cư dân sẽ "ngủ đông", số khác cũng đi săn thú như Lưu Trạm vậy.

Đương đông, thời điểm thú rừng hoạt động không mạnh mẽ, vô cùng an toàn để đi săn. Nhất là sau đợt tuyết lớn động vật thiếu hụt nguồn thức ăn, theo cách nói của dân bản địa thì là dịp tốt để vồ gà thỏ ngu đần.

Do nhiều người tới săn nên thu hoạch của đám Lưu Trạm ít đi hẳn. Hôm nay chỉ được một con gà rừng chẳng đủ cho năm đứa nhét kẽ răng.

Lưu Trạm nhìn chốn sâu hút của biển rừng, chợt dấy ý nghĩ:"Bắt ở ven rừng chỉ được ít ỏi thế nên anh định đi sâu vào, các cậu dám đi không?"

"Anh đi tôi dám theo!" Tào Tráng hưởng ứng đầu tiên.

"Tôi cũng thế, ai không dám theo là đồ con cáy!" Trương Tiểu Mãn hừng hực khí thế.

Đã nói thế rồi thì hai đứa kia nào còn lựa chọn khác. Lưu Trạm cũng đến vãi mất, trẩu sao mà trẩu thế.

"Anh đã bảo rồi, chúng ta phải tiến vào lãnh địa của lợn rừng vua đấy, sợ thì không cần đi. Mà đã đi chớ kéo chân anh, nếu không là khỏi đàn em gì hết."

Bốn đứa đồng loạt nuốt nước bọt nhưng đến cùng vẫn phấn khích theo Lưu Trạm vào núi.

Trải qua một thời gian vào ra núi, Lưu Trạm đã hiểu sơ sơ địa hình phụ cận nơi này, tuy chưa đến mức rõ như lòng bàn tay nhưng chắc chắn sẽ không lạc đường.

Lãnh địa lợn rừng vua là một khoảnh rừng thông, xuân hè cây, hoa sinh trưởng mạnh mẽ. Sang thu thông ra quả làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng giúp lợn rừng vua vượt qua mùa đông. Thảo nào cả nhà lợn cứ cắm cọc ở đây mãi.

Lưu Trạm nhặt một quả thông rụng, nó to hơn nắm tay anh, bên trong có hạt chắc mẩy.

Món này ăn được, ở hiện đại giá bán khá đắt, anh đương nghĩ xem có bên lượm thêm hay không, ngồi cắn như cắn hạt dưa kể cũng hay. Tiếc lại không mang sọt mang về sẽ chẳng được bao, đành mai mang đi vậy.

Tay anh cầm quả thông, dẫn đàn em đi sâu vào trong đồng thời chú ý tới vết chân trên nền tuyết. Từ qua đến giờ vẫn chưa thấy tuyết đổ nên dấu tích thú nhỏ để lại vẫn khá rõ, thậm chí còn xen cả những dấu chân lợn rừng. Anh cố gắng tránh nơi có dấu chân lợn rồi chọn khu vực tập trung dày dấu chân nhỏ, lấy hạt thông làm mồi bẫy.

Năm đứa trẻ nhanh chóng đặt vài cái bẫy dọc đường.

"Thế đã được chưa đại ca?"

Lưu Trạm gật đầu hài lòng, mai chắc chắn không về tay không:"Xuống núi thôi."

Bọn trẻ trò chuyện, đi về nhà.

"Nơi này khá xa đường bọn mình hay đi, phải băng qua rừng thông với về được nữa chứ." Văn Thanh Sơn làu bàu.

Đường núi gồ ghề, nhưng chúng nó đi khá nhanh.

"Đi về phía trước là rừng dây gai, hay đi về từ chỗ đấy đi." Tào Tráng chỉ tay vào một hướng.

"Nhưng ở đó có lợn rừng mà?" Tào Minh đáp.

Tào Tráng tạt gáy nó cái:"Nhát thế! Lợn rừng chui vào khu rừng thì to được bao nhiêu đó? Chúng ta từng giết lợn rừng cơ mà, sợ đếch gì."

"Đi, đi, khéo lại gặp được con lợn rừng bé nào đấy đó!" Trương Tiểu Mãn hưng phấn.

Thương vừa lành đã quên mùi đau thế nào rồi à? Nhưng anh cũng lười nói chúng nó.

Nếu là lợn chưa cai sữa thì không sao, còn lợn vừa cai sẽ theo mẹ kiếm ăn, lũ ngốc tụi bay mà gặp có mà phát khóc. Lợn rừng khác lợn nhà, một con lợn năm sáu tháng tuổi đã có sức tấn công rất mạnh.

Dấu chân thú trong rừng dây gai khá ít ỏi, có lẽ liên quan tới bọn Lưu Trạm bắt thú lúc trước. Ở đây không thấy dấu chân lợn rừng nên bọn trẻ cũng an tâm hẳn, bắt đầu rôm rả chuyện trò.

Chợt như Lưu Trạm nghe thấy tiếng chó?

"Các cậu nghe thấy tiếng chó sủa không?" Anh hỏi.

Trương Tiểu Mãn đáp:"Nhà Bách hộ có nuôi hai con vàng đó, mà đáng nhẽ chúng nó không nên chạy tới đây mới đúng."

Các quân hộ ngày thường toàn ăn mau chẳng được no bữa thì lấy đâu ra cơm nuôi chó? Hay chó hoang nhỉ? Nhưng bốn đứa nào từng nghe kể gần thôn Thiên Thương có chó hoang cư ngụ.

Lưu Trạm lần theo tiếng sủa:"Anh đi xem sao."

Đi được một lúc, anh thấy một cái ki tre úp ngược trên đất và một con cún rên ư ử chui ra ngoài.

Lưu Trạm mở cái ki lên, nhanh tay túm lấy con cún xám định thừa cơ chạy đi. Nhấc lên ngắm nghía, anh suýt phải bật cười. Nó phải giống Husky tới bảy tám phần, dường như vừa mới dứt sữa, trông mới thật là ngáo.

Bốn đứa kia chạy tới xem cũng thấy buồn cười.

"Có chó thật này."

"Sao không giống với con nhà Bách hộ tí nào nhỉ?"

"Ngu thế, nó lông xám, của Bách hộ lông vàng, khác là phải."

"Kể ra lạ nhỉ, sao có chó con ở đây vậy?"

Lưu Trạm ôm con cún vào lòng, niềm vui bất ngờ này khiến anh vui vẻ cả người:"Về thôi."

"Anh tính nuôi à?" Văn Thanh Sơn hỏi.

Lưu Trạm gật đầu:"Nó là chó săn, con của chó với sói, trăm năm mới gặp. Đừng có mà loan tin này ra đấy biết chưa? Anh sẽ nuôi lớn rồi dẫn nó đi săn lợn rừng."

Chó săn? Lũ trẻ bị dọa, chỉ nghe tên thôi đã thấy bá rồi!

Nói thật làm gì có con chó săn nào, rành rành là sói hàng real hẳn hoi! Đời trước anh thích nuôi chó, nhất là những con cỡ lớn. Từ lâu đã muốn bắt sói con về chơi mà khốn là chưa có dịp.

Về nhà anh không thưa ngay với Lưu Học Uyên mà giấu nó vào phòng mình. Sói con sợ chốn lạ, chân vừa chạm đất đã chuồn vào một góc, co tròn, run rẩy người.

Sau bữa cơm tối, Lưu Trạm đút vụn xương gà cho nó. Mới đầu sói nhỏ có chút cự nự nhưng cơn đói cồn cào khiến nó đỡ lấy bát cơm, ăn tới khoái chí.

Đúng lúc này bà Triệu đi vào bắt quả tang Lưu Trạm. Anh định một thời gian sau mới kể cho người nhà ai dè đã bị vạch trần ngay hôm đó.

"Con nhặt đâu về?" Bà Triệu nghi vấn.

"Trên núi đó ạ, mẹ ơi con muốn nuôi." Lưu Trạm thích ý vuốt lông sói con.

"Trạm muốn thì Trạm nuôi đi." Bà Triệu cười hiền.

Điều kiện nhà liệu nuôi nổi thú cưng không? Lưu Trạm đã nghĩ xong lời để phản bác rồi, mà không ngờ mẹ lại đồng ý dễ dàng như vậy.

"Mẹ may y phục này, ra thử xem." Bà Triệu kéo anh tới giường.

Giờ anh mới để ý bà đương cầm một tấm áo may - ô da thỏ, mà hình như đấy là da từ những con anh bắt về đấy nhỉ?

"Mẹ không bán da đi à mẹ?"

Bà Triệu vừa mặc cho anh, vừa đáp:"Da thỏ con săn đương nhiên phải để con dùng. Khí lạnh trên núi dày, con chỉ mỗi áo bông sao mà đủ? Bán đi được tiền cũng không quan trọng bằng sức khỏe của con."

Áo may - ô da thỏ quả thực ấm, vừa mặc vào anh lập tức cảm nhận được nhiệt độ cơ thể đã tăng lên.

Đương định cảm ơn mẹ chợt thấy ngại ngùng. Nhất thời anh ngẩn ra để cho mẹ chỉnh trang. Chỉnh xong, bà Triệu xõa tóc anh ra giúp buộc lại thành búi.

Từ ngày an cư ở thôn Thiên Thương, ngày nào nhà họ cũng phải gắng sức để sống. Tuy không đến nỗi đói bụng song trong nhà cái gì cũng thiếu thốn, thậm chí dao còn phải đi mượn nhà thím Trương.

Trong tình cảnh ấy, bà Triệu vẫn sống rất thảnh thơi. Mỗi ngày đều lo cho chồng con chỉnh tề sạch sẽ. Lưu Trạm không khỏi khâm phục, chính một bà Triệu như thế đã khiến anh gọi tiếng mẹ từ chân tâm.

Một đứa trẻ mười hai bị hạn chế khá nhiều, không thể làm nhiều hơn ngoài đi bắt thú nhỏ và khi ấy anh chỉ muốn lớn thật mau.

"Đào về rồi! Mau! Mau mở cửa! Đào về rồi! Hức hức, mẹ nhớ con!" Hốt nhiên phòng khách vẳng lại tiếng nghe như khóc như cười của bà Ninh.

Bà ta lại phát bệnh, Lưu Trạm vội ra xem với mẹ, vừa tới nơi liền thấy Lưu Học Dật tát cho bà Ninh cái.

"Ầm ĩ đủ chưa!" Lưu Học Dật kích động gào lên.

Bà Triệu định ra đỡ bà Ninh bỗng ngây ra vì bộ dạng đó của hắn.

"Đào chết rồi! Phải để tôi nhắc bao lần nữa!"

"Không, không! Nó, nó chưa chết!"

"Mày im cho ông!" Lưu Học Dật cầm vạt áo nhấc bà Ninh dậy.

"Học Dật! Em làm gì thế! Bỏ tay mau!" Lưu Học Uyên xông lên kéo tay hắn.

Lưu Học Dật như sắp điên rồi, mắt hắn đỏ ngầu, lắc lắc bà Ninh. Gào lớn:"Đào chết rồi! Bị chôn bên đường kìa! Nó chết rồi!"

"Dật! Con làm gì vậy!" Bà nội nghe động tĩnh, nhờ bà Phương với Lưu Học Lễ đỡ ra xem, thấy cảnh ấy bà giận dữ trách mắng.

"Con buông tay mau! Con định ép bức nó phải điên lên sao!"

Hắn gào lớn:"Mẹ! Giờ không phải nó điên mà là con điên đây này! Con chịu hết nổi nó rồi, con muốn bóp chết nó!"

"Em nói điên nói dại gì thế!" Lưu Học Uyên đau lòng, mắng.

Đúng lúc này Triệt với Hinh chợt chạy từ phòng kế bên sang ôm chầm lấy mẹ mà khóc. Bà Ninh cứ lẩm bẩm tên Đào. Cái vẻ này của bà Ninh khiến Lưu Học Dật vô cùng căm ghét.

Sau đêm nay, bà Ninh đã điên đến mất tính người. Khi khóc khi cười, mỗi ngày đều cần người canh, lơ là một chút bà ta sẽ chạy ra ngay, ra ngoài mà gặp ai đều hỏi có thấy Đào con tôi không.

Vào chạng vạng hôm nào, bà ta đã chạy đi đâu mà chưa thấy về.

Đêm bà đi mất, trời đổ tuyết lông ngỗng. Lưu Học Uyên đi nhờ nhà Tào - Trương - Văn tìm giúp.

Khốn nỗi tuyết quá lớn, họ đành tìm loanh quanh thôn, ra ngoài thôn căn bản một bước khó đi. Nhà họ Lưu thức trắng nguyên đêm đó.

Đợi mãi tới hôm sau trời nhỏ nắng, việc bà Ninh mất tích đã kinh động tới nhiều người. Gần như nửa thôn ai cũng góp sức tìm kiếm.

Cuối cùng họ phát hiện bà ta đã chết cóng trên bờ ruộng cách thôn bảy, tám dặm.

Bà Ninh được khiêng về nhà, Lưu Học Dật chạy ra ôm xác vợ, khóc thống thiết nguyên ngày.

Khi chôn cất bà Ninh, vì quá nghèo, nhà họ Lưu chỉ cuộn bà ta trong tấm chiếu rồi chôn ở sau núi.

Bà Ninh đi nhà này yên hẳn, đi đôi là cái nét tĩnh mịch lạnh lẽo. Đầu xuân, tuyết chậm tan dần, nhà họ Lưu mới hồi lại một chút sự sống.

Kế hoạch cả năm ra đời vào xuân, cày vụ xuân quan trọng với nhà nông thế nào chẳng cần bàn nhiều, mấy việc cày bừa, gieo hạt, cấy mạ đều không thể qua loa. Với cả nhà họ không có đất trồng rau, cần phải khai khẩn đất khô nẻ trước sau nhà để trồng rau.

Nói tới đất trồng rau, nhà có mười mẫu ruộng nước và một mẫu đất khô mà chỉ có mỗi Lưu Học Uyên và Lưu Học Lễ là làm.

Lưu Học Dật thì vô dụng quá rồi. Qua đầu xuân, cả ngày chả biết vất vưởng ở đâu. Có hôm thì về trong say xỉn, có hôm cả đêm không về.

Thôn họ đồn Lưu Học Dật hay ở nhà bà góa nào mà trên bộc trong dâu. Khuyên và mắng Lưu Học Uyên cũng hết lời nhưng cũng chỉ vâng cho có, rồi lại đâu vào đấy cả.

Thiếu một sức lao động khỏe mạnh, việc đồng áng nhà họ cũng căng thẳng hơn. Lưu Học Uyên đành bảo Lưu Trạm và bà Triệu xuống làm cùng, để việc nhà cho bà Phương cáng đáng.

Mới đầu bà Phương cũng khóc lóc ỉ ôi, mấy ngày đó nhà vô cùng loạn. May mà hôm nào người nhà Tào - Trương - Văn cũng sang đỡ đần không mười mẫu ấy đã chẳng hoàn thành tiến độ cày bừa vụ xuân.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dammy