Chương 23
Chương 23
Hôm sau, nhà tang lễ thành phố Lợi Nam gọi điện cho Trịnh Tư Kỳ. Khi ấy Trịnh Tư Kỳ đang chuẩn bị giáo án Power Point chiều nay đứng tiết, nội dung bài giảng là "Nhân Sinh" của tác giả Lộ Diêu. Quản lý nhà tang lễ ở đầu bên kia điện thoại lược bớt rườm rà, thuật lại sự việc đơn giản mà rõ ràng chi tiết.
Khu vực chứa tro cốt của nhà tang lễ sẽ hoàn thành cải tạo vào tháng năm năm nay, tro cốt lưu giữ trên năm năm cần được dời sang nơi cất giữ tạm thời. Tro cốt vợ anh có tên trong danh sách, xin anh bớt chút thời gian đến đây ký giấy tờ thủ tục liên quan.
Trịnh Tư Kỳ cúp máy, tháo mắt kính, dựa lưng vào ghế ngồi. Anh quay chiếc bút máy trong tay tới lui vài vòng, sau đó nheo mắt nhìn cuốn lịch nhỏ trên bàn. Chín giờ rưỡi đến mười hai giờ không có lớp, đi thôi.
Hơn năm năm.
Vào thời điểm Lý Mịch Hàm qua đời, cô còn rất trẻ, có thể xem như qua đời từ sớm. Sinh hạ Trịnh Úc chỉ mới hai năm, cô bị tai nạn giao thông trong chuyến du lịch đơn vị tổ chức. Mất mạng không một tín hiệu báo trước, gần như không cho Trịnh Tư Kỳ lấy một khoảnh khắc để trở tay.
Trịnh Tư Kỳ và Lý Mịch Hàm quen biết nhau nhờ mai mối.
Cậu Lý Mịch Hàm ngày xưa cùng tổ nghiên cứu với Trịnh Hàn Ông, làm việc chung với nhau ở bảo tàng Lợi Nam nhiều năm. Hai gia đình cũng thân thiết với nhau, muốn xích gần thêm mối quan hệ thân mật hơn nữa nên họ hàng hai bên đua nhau mai mối, đua nhau đùa giỡn ầm lên. Khiến hai người thả tay quyết định cưới xin chỉ sau vài tháng quen biết.
Khá tương đồng với nhiều cuộc hôn nhân bình thường thời đại này. Có công việc riêng phần mình, ăn chung ở chung, hòa hợp được với nhau, bình tĩnh hạ giọng nói chuyện trao đổi, ôm ấp làm tình, nhưng thật sự khó mà mặc đồ bộ ở nhà, chân xỏ dép, tay đan chặt tay đi trên đường hay đến siêu thị mua sắm.
Không phải không yêu, nhưng là không đủ yêu.
Hoặc chỉ là tương tự với yêu.
Lý Mịch hàm qua đời, Trịnh Tư Kỳ bồng Trịnh Úc hoảng hốt, mất hồn, luống cuống ròng rã ba ngày. Cuộc đời Lý Mịch Hàm đột ngột kết thúc, gia đình của cô, cuộc sống của cô, và cuộc sống của Trịnh Úc cao chỉ bằng cánh tay trong vòng tay. Anh nên gánh vác và cũng buộc phải gánh vác phần trách nhiệm nay bỗng nặng nề, khiến anh không tài nào biết phải mang lấy bằng cách thức nào đây.
Làm thế nào để gánh vác nổi, làm thế nào để gánh vác mà không đớn đau.
Dò đá qua sông ngả nghiêng đi mấy năm, Trịnh Úc học tiểu học, anh mới tỏ ra thuận buồm xuôi gió được một chút. Trịnh Tư Kỳ không còn dễ dàng yêu đương kết hôn, một mặt sợ hãi gặp thấy cảm giác không yêu một người trong hôn nhân, mặt khác sợ mình làm trễ nải cuộc đời người khác.
Tư tưởng gia đình Lý Mịch Hàm vô cùng truyền thống. Người xưa có câu, chết trẻ không chôn, vợ chết không chôn trước chồng, chết bất đắc kỳ tử không chôn. Lý Mịch Hàm dính cả ba điều, cha mẹ cô cũng nhất định phải làm theo thứ lề thói bảo thủ này bằng được.
Chưa kể những năm gần đây Lợi Nam thiếu đất nghĩa trang trầm trọng, gần như là tấc đất tấc vàng. Nhiều nghĩa trang công cộng thành phố đã quá tải, nếu muốn tìm một chỗ đất có phong thủy tốt, khoảng cách phù hợp mà giá lại không trên trời thì thật quá khó.
Năm đó Trịnh Tư Nghi ngỏ ý bảo Trịnh Tư Kỳ chôn cất Lý Mịch Hàm ở thành phố lân cận, song Trịnh Tư Kỳ không đồng ý. Anh nghĩ, mai sau trưởng thành dù Trịnh Úc có nhận biết Lý Mịch Hàm là mẹ mình hay không thì anh vẫn muốn người mẹ được ở gần con mình, để thi thoảng đến thăm viếng chuyện trò với mẹ nó bất kỳ lúc nào.
Dù là chưa từng gặp mặt hay lạnh nhạt, thà vậy vẫn hơn ép buộc lau xóa đi thân phận vĩnh cửu này khỏi cuộc đời Trịnh Úc, có khác nào bịt tai trộm chuông không.
Mùa mưa Lợi Nam đến rồi, lúc này trời đang đổ cơn mưa nhỏ.
Trịnh Tư Kỳ đỗ xe ngoài nhà tang lễ, khi đi xuống đã suýt nữa giẫm phải thùng hoa cúc chỉ mới hé nở của sạp hoa ngay cổng ra vào. Anh vội vã xin lỗi chủ sạp đang che vải dù lên chỗ tiền giấy.
Trong sảnh chắc đang có người làm lễ truy điệu, tiếng nhạc tang tóc lờ mờ vang đến lẫn với tiếng khóc than trũng thấp không mấy rõ của nhóm người đưa tang. Cơn mưa thoáng chốc khoác màu tiết Thanh minh đến sớm.
Nơi cất giữ nằm trên cùng nhà tang lễ, sát bên là khu vực đốt vàng mã quy định. Không biết có phải vì sợ lửa hay không mà đào hồ sen rất lớn ngay trước cửa, nước trong có cá. Buổi sáng không có ai đến, sảnh nơi cất giữ tro cốt tĩnh lặng quạnh quẽ, gió lạnh thổi lùa vào đến rồi đi.
Người quản lý khu lưu giữ tro cốt họ Hành rất khách sáo rót cho Trịnh Tư Kỳ một tách nước nóng, đoạn quay đi lấy một xấp giấy tờ trong túi hồ sơ xếp ra mặt bàn trước mặt anh. Chỉ một lần di dời rất nhỏ thôi mà đơn vị nhà nước phải tỉ mỉ đến từng chi tiết, thoạt như thể bảo toàn lợi ích cho mọi người lại vừa giống như sợ dính vào trách nhiệm.
"Chỗ này sao? Ký tên là xong phải không?" Trịnh Tư Kỳ xem kỹ một lượt, chỉ vào cột để trống hỏi.
Quản lý cười cười: "Vâng đúng rồi, anh ký tên vào cả hai bản. Anh giữ một bản, bên chúng tôi giữ một bản."
Trịnh Tư Kỳ gật đầu, cầm bút trong tay người nọ ký tên mình xuống. Có điều ngòi bút hơi cứng không được trơn tru cho lắm, lúc nhấc bút lên làm rách một cái lỗ nhỏ trên giấy.
"Tôi xin lỗi, ký rách giấy mất." Trịnh Tư Kỳ ái ngại cười cười.
"Không sao sao. Chữ của anh đẹp thật đấy, anh làm công việc bàn giấy nhỉ?" Quản lý cầm giấy lên, tò mò hỏi một câu.
"Cảm ơn anh." Trịnh Tư Kỳ nhấp một ngụm nước: "Tôi là thầy giáo, hay viết bảng với làm giấy tờ."
"Ồ thật thế à? Anh dạy cấp ba phải không?"
"Không, tôi là giảng viên đại học." Trịnh Tư Kỳ tiếp tục trả lời.
"Ôi trời, giảng viên đại học sao! Cho tôi hỏi thầy công tác ở trường đại học nào được không?"
"Đại học Lợi Nam." Để người kia đỡ phải đặt câu hỏi, Trịnh Tư Kỳ nói thêm: "Dạy nhân văn ở khu giảng đường mới."
Quản lý nghe vậy ánh mắt lộ rõ vẻ thán phục. Trịnh Tư Kỳ được nhìn như thế vừa thấy vui vui lại vừa bất đắc dĩ.
Thời bây giờ nhiều người có tuổi vẫn luôn tỏ lòng ngưỡng mộ và tôn trọng khác người bình thường với theo nghề giáo và người theo ngành y.
Tốt thì tốt thật, nhưng thường tốt quá hóa dở. Trịnh Tư Kỳ luôn cho rằng bất kỳ nghề nghiệp nào, bất kỳ địa vị xã hội nào chung quy đều như nhau. Người cao thượng với thấp kém phải đi qua vẻ bề ngoài tìm về bản chất, chứ không định đoạt chỉ vì địa vị.
"Anh Trịnh này."
Trước lúc cảm ơn ra về, quản lý gọi Trịnh Tư Kỳ lại.
"Còn vấn đề gì sao?"
Quản lý nhíu mày: "Là thế này, khu lưu giữ của chúng tôi mấy năm qua đã xây dựng thêm. Ngày xưa chỉ có hơn năm mươi ngàn chỗ, hiện tại đã tăng lên gần đến chín mươi ngàn, mà giờ cũng chỉ còn loanh quanh đâu đó chưa đến mười ngàn chỗ trống, gần như quá tải rồi. Hằng năm chỉ có chừng bốn ngàn tro cốt chuyển đi."
Trịnh Tư Kỳ nghe quản lý nói, đẩy mắt kính.
"Mỗi thân nhân đến làm thủ tục chúng tôi đều sẽ ngỏ lời, chứ không phải chỉ riêng một mình anh. Bây giờ nghĩa trang ở Lợi Nam không dễ gì mua được chỗ, giá cả thì leo thang, vấn đề này chúng tôi đều biết rõ cả. Nhà tang lễ chúng tôi rất mong mỏi những người dân có điều kiện dời đi nếu tìm được chỗ thích hợp, cũng như cố gắng dời đi hết sức có thể."
Quản lý nói xong khách sáo cười, gãi tóc: "Vấn đề là như thế."
Trịnh Tư Kỳ ngẫm nghĩ trong chốc lát, hỏi: "Anh có đề xuất chỗ an táng nào không?"
"À, anh chờ một lát, để tôi tra cứu thử." Quản lý ghìm bàn tay lại, quay người đến trước máy tính trên bàn làm việc, gõ bàn phím, ấn chuột: "Hiện tại các nghĩa trang công cộng trong thành phố... đại khái không còn chỗ."
Sau đó quản lý nheo mắt nhấp chuột thêm lần nữa: "Nếu muốn chắc chỉ có thể xem xét các huyện và thị trấn dưới thành phố. À, bao gồm cả thị trấn Lộc Nhĩ." Quản lý chỉ vào màn hình, "Hiện chính phủ đang giải tỏa các trấn dưới Lộc Nhĩ, mở rộng phần đất trống quanh núi Lộc Nhĩ. Vài năm gần đây chính phủ lẫn tư nhân đều đang có hoạt động khai phá. Những khu Lang Khê, Minh Viễn cũng có thể phải di dời."
Quản lý ngẩng lên: "Anh có thể xem xét khu vực này. Giá nghĩa trang công cộng trước khi nóng tương đối bình thường, cơ mà vẫn cần quan hệ nội bộ mới kiếm được, anh cứ xem xét thử."
Trịnh Tư Kỳ bước đến gần: "Thật sao? Lang Khê..."
Đã bao nhiêu năm Kiều Phụng Thiên không rầy rà chuyện ngày mai nấu gì. Ở một thân một mình quen, bình thường nấu bát mì đập thêm trái trứng với miếng thịt nguội là xong. Giờ có thêm một đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn, buộc phải cẩn thận cân đo đong đếm dinh dưỡng với hương vị.
Buổi tối Kiều Phụng Thiên bắt kịp giờ chợ ban tối để mua tôm sông về, nhìn tụi nó nhảy nhót tưng bừng trong thau nước mà sợ tụi nó bật tứ tung đi mất, trước lúc ra tiệm tóc mới lấy thêm thau sắt úp lên trên.
Trưa y vội vội vàng vàng rước Tiểu Ngũ Tử về, rửa tay, nôn nóng chạy đi quên cả tháo tạp dề. Đỗ Đông giật ngược sợi dây buộc sau lưng kéo y về: "Ê, ngốc hả, cháu cậu không đói chết được đâu, đừng có vác nguyên cái bộ dạng đầu bếp này ra đường giùm cái đi."
Kiều Phụng Thiên thò tay ra sau lưng, tháo tập dề quẳng cái lên cái đầu trọc lốc của Đỗ Đông: "Gội đầu cậu đi."
"Mang dù!"
"Ờ, mang rồi."
Trời mưa không mượn xe điện được nên đành cuốc bộ đến trường, lại sợ Tiểu Ngũ Tử chờ lâu nên chạy vội giẫm lên mấy vũng nước đọng bên đường, bắn tung tóe ướt nhẹp ống quần jeans.
Ban nãy tiện tay cầm đại cây dù trong tiệm, lúc đi không ngó ngàng, ai dè là cây dù Lý Lệ để lại, đã màu hồng từ đầu đến đuôi thì thôi đi, còn thêm hoa nhí, cộng thêm viền ren màu trắng. Kiều Phụng Thiên vừa đi vừa mất tự nhiên, sao cứ cảm thấy người đi đường nhìn mình như thằng đàn ông ẻo lả thiểu não.
Kiều Phụng Thiên dừng ở cạnh cây ngô đồng, đang khi do dự có nên cụp dù dầm mưa không, dù sao cũng lất phất thôi, không phải mưa nặng hạt. Y ngẩng đầu, chợt trông thấy Tiểu Ngũ Tử đang dắt tay một đứa bé thấp người nào đó đi về phía mình. Trên lối đi bộ chật hẹp, hai đứa trẻ đi dưới tán ô hình hoa nhí có hai cái tai nhỏ, chung quanh là nhóm học sinh đông đúc.
"Tiểu Ngũ Tử."
Kiều Phụng Thiên không buồn để ý cụp dù hay bung dù nữa, bước tới đón cháu: "Sao lại tự đi về thế này? Không cho con đứng chờ trước cổng trường à?" Y cúi đầu, nhìn đôi giày đi mưa màu hồng: "Đây là ai mà con dắt về đây?"
Kiều Phụng Thiên nhè nhẹ nâng tán dù hoa lên, trông thấy bên dưới là gương mặt tròn trịa đang xấu hổ của Trịnh Úc.
"Bé Táo?"
Chẳng phải là con gái cưng nhà Trịnh Tư Kỳ đây à? Đầu y bỗng chợt hiện lên mái đầu cao cao kia, cặp mắt kính mỏng thật mỏng và chiếc Volvo màu sâm panh.
Tiểu Ngũ Tử ôm cặp, chìa tay nắm chặt lòng bàn tay Kiều Phụng Thiên, ngẩng mặt nhìn y: "Đây là bạn cùng bàn của con ạ."
Kiều Phụng Thiên hơi chớp mắt, khựng lại hồi lâu mới ngồi xổm xuống trước mặt cô bé: "Con là Trịnh Úc à, cứ nghe bố con gọi bé Táo bé Táo miết, thành ra chẳng biết tên thật của con."
Không thì đã biết sớm hơn rồi.
"Là anh kìa, không phải, chú ơi!" Trịnh Úc reo lên cười, đưa tay muốn sờ tóc mái của Kiều Phụng Thiên: "Tóc của chú Kiều khác với lần trước mất tiêu rồi."
Kiều Phụng Thiên cúi đầu mặc cô bé sờ: "Hơi phai màu, hết đẹp được như hồi đầu đó."
Tiểu Ngũ Tử đứng bên nhìn hai người rất quen thuộc với nhau, mặt mũi ngờ ngẫn ra khó hiểu: "Chú..."
Lúc này Kiều Phụng Thiên mới nhớ ra quay sang Tiểu Ngũ Tử.
"Sao con lại dẫn bạn về." Y hướng mắt về phía Trịnh Úc: "Bố con không đón con tan học à?"
Trong đầu và mắt Trịnh Úc bấy giờ chỉ toàn là tóc Kiều Phụng Thiên thôi. Cô bé dụi về trước, nắm lấy lọn tóc cuốn vào ngón tay: "Bố con phải làm việc nên trưa không đón con, con ăn cơm ở nhà ăn. Con muốn..." Trịnh Úc nói tới đây lại cúi đầu, Kiều Phụng Thiên thấy cô bé xích lại gần mình thế, bèn ôm hờ cô bé.
Cô bé ngượng nghịu ấp úng: "Con muốn..."
"Hả? Con muốn gì?"
Kiều Phụng Thiên nhìn hai bím tóc cái cao cái thấp, cái dày cái mỏng không hề đối xứng đẹp đẽ tí nào kia. Lòng bỗng thấy nhộn nhạo, y mới bèn đưa tay vén tóc cô bé.
"Bạn nói bạn muốn đến nhà mình ăn cơm chứ không muốn ăn cơm nhà ăn đâu!"
Tiểu Ngũ Tử nhìn chú mình với bạn mình ở sát rạt nhau, trái tim có thể nói là hết sức rộng rãi bất giác chua chát. Sau mấy hồi suy nghĩ, cậu bé nói to đòi lại sự chú ý của Kiều Phụng Thiên.
Edit: tokyo2soul
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top