CHÚ THÍCH VỀ CÁC YÊU QUÁI VÀ THẦN THÚ THƯỢNG CỔ ( PHẦN 2)
GIẢI TRÃI: ( Nguồn: Từ điển Hán Nôm)
Một giống thú theo truyền thuyết, hình giống bò, có thuyết nói giống cừu. Ngày xưa cho rằng nó biết phân biệt phải trái, thấy ai đánh nhau thì nó húc kẻ làm trái, nghe người bàn bạc thì nó cắn bên bất chính. Vì thế các quan ngự sử dùng lông nó làm áo, lấy ý biết sửa trừ gian tà vậy.
BỆ NGẠN: ( Nguồn: tuoitre.vn)
Còn gọi là Bệ Lao hay Hiến Chương là con thứ tư của rồng, có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn. Theo truyền thuyết, bệ ngạn rất thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công, nhờ vậy bệ ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.
THANH LONG: ( Nguồn: Niệm Lam)
Trong thời đại học thuyết ngũ hành thịnh hành, các học giả ngũ hành dựa theo ngũ hành âm dương phối năm loại màu sắc cho Đông Nam Tây Bắc Trung, tiếp đó phối cho mỗi con thánh thú ở Đông Nam Tây Bắc: Đông Phương Thanh Long 东方青龙, Tây Phương Bạch Hổ 西方白虎, Bắc Phương Huyền Vũ 北方玄武, Nam Phương Chu Tước 南方朱雀. Thanh Long chính là thánh thú chưởng quản phương Đông.
Căn cứ vào cách nói của 《Sơn Hải Kinh》, trong thần linh bốn phương, "Phương Nam Chúc Dung祝融, thân thú mặt người, cưỡi hai rồng", "Phương Tây Nhục Thu 蓐收, tai trái có rắn, cưỡi hai rồng", "Phương Đông có Câu Mang, thân chim mặt người, cưỡi hai rồng", "Phương Bắc Ngu Cương 禺疆, thân đen có tay chân, cưỡi hai rồng". Có thể thấy được miêu tả trong 《Sơn Hải Kinh》, rồng đều là vật dùng để cưỡi. Thanh Long đại biểu cho bảy chòm sao phương Đông: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, hình dạng mà bảy chòm sao này tạo thành cực kỳ giống như một con rồng: chòm sao Giác là sừng rồng, chòm sao Cang là cổ rồng, chòm sao Đê là thân rồng, đến chòm sao là vị trí phần cổ rồng, chòm sao Phòng là vai rồng, chòm sao Tâm là tim rồng, chòm sao Vĩ là đuôi rồng, chòm sao Cơ chính là điểm cuối cùng của đuôi rồng.
Thanh Long là thánh thú thuộc tính Mộc, các đế vương cổ đại đều thích ví bản thân là rồng. Trong rất nhiều triều đại cũng có đế vương lấy Thanh Long làm niên hiệu của mình, ví dụ điển hình nhất là Ngụy Minh Đế thời Tam Quốc. Trong sách sử cũng có ghi chép đề cập đến triều nhà Hạ là thuộc về niên đại Mộc Đức, cho nên "Thanh Long sinh ngoài thành" chính là dấu hiệu tốt lành.
QUỲ: ( Chú thích của tác giả)
"Đông hải trung hữu lưu ba sơn, nhập hải thất thiên lý. Kỳ thượng hữu thú, trạng như ngưu, thương thân nhi vô giác, nhất túc, xuất nhập thủy tắc tất phong vũ, kỳ quang như nhật nguyệt, kỳ thanh như lôi, kỳ danh viết quỳ."
Dịch nghĩa: "Trong Đông Hải có núi Lưu Ba, sâu bảy vạn dặm dưới biển. Trên núi có một loại thú hoang, hình dáng như trâu, thân xanh, không có sừng, chỉ có một chân, lúc rời khỏi biển chắc chắn có mưa gió làm bạn, nó tỏa hào quang như mặt trời và mặt trăng, âm thanh như sấm vang, gọi là Quỳ."
KỲ LÂN: ( Nguồn: Niệm Lam, Wikipedia, Baidu)
Kỳ lân (麒麟, bính âm: qílín) hay còn gọi là lân, li, là một trong 4 linh vật của tứ linh (long – lân – quy – phụng) theo tín ngưỡng dân gian Á Đông như tại Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên...
Kỳ Lân là một dạng nhân thú khác, là thụy thú đặc biệt, đầu rồng, thân nai, đuôi trâu, móng ngựa, vảy rồng, mắt hổ, sừng nai.
Theo Sơn Hải Kinh, Kỳ Lân giống đực được gọi là Kỳ 麒, giống cái được gọi là Lân 麟, ở trong đời sống hiện thực thường dùng Kỳ Lân để ví nhân vật kiệt xuất.
Mỗi lần Kỳ Lân xuất hiện đều là một thời kì vô cùng đặc biệt. Dựa theo ghi chép, Phục Hy 伏羲, Thuấn 舜, Khổng Tử 孔子 đều có Kỳ Lân xuất hiện kết bạn, và mang đến chỉ thị của thần, cuối cùng dẫn đến thắng lợi. Nhiều người nghi ngờ, trong văn hóa cổ đại Trung Quốc, đế vương hưng suy liên quan rất nhiều tới truyền thuyết Kỳ Lân.
Theo《 hoài nam tử · địa hình huấn 》: "Mao Độc sinh Ứng Long, Ứng Long sinh Kiến Mã, Kiến Mã sinh Kỳ Lân, Kỳ Lân sinh Thứ Thú." Truyền thuyết, Kỳ Lân là tổ thần của Cơ thị (dòng của Chu Thiên Tử), bắt đầu từ Hoàng Đế tổ thần Ứng Long, Kỳ Lân lại là đời sau của Ứng Long, vì thế Kỳ Lân còn tượng trưng cho thái tử trong mối quan hệ vua (rồng) – thái tử (kỳ lân) – hoàng hậu (phượng hoàng).
Ý nghĩa khi Kỳ Lân xuất hiện là một đời hạnh phúc, thái bình, trường thọ, mang tới may mắn và quang minh, xua đuổi điều không lành. Ngoài ra còn có ý nghĩa đưa con, cầu con (thuyết về Khổng Tử) và trấn trạch.
Hình tượng Kỳ Lân Việt Nam có chút khác so với Kỳ Lân Trung Quốc ở chỗ Kỳ Lân Việt Nam có đôi mắt to, mũi to, mõm ngắn đặc biệt phần đuôi xù ra hoặc rẽ quạt toát lên vẻ ngoài thân quen, vui vẻ, thân thiện hoạt bát dễ gần không ù lì, chễm chệ, dọa nạt như Kỳ Lân Trung Hoa.
Nghê là linh vật bản địa hóa Kỳ Lân do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử. Nghê là hóa thân của sư tử, theo phong cách của người Việt Nam. Là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ.
HUYỀN VŨ: ( Nguồn: Niệm Lam)
Huyền Vũ là do rùa và rắn tổ hợp mà thành thánh thú, bản ý của Huyền Vũ 玄武 là Huyền Minh 玄冥, âm cổ của Vũ và Minh là tương thông. Vũ 武 có nghĩa là màu đen; Minh 冥 có nghĩa là Âm 阴. Huyền Minh mới đầu là dùng để hình dung Quy Bốc: mời quy đến minh gian thăm hỏi tổ tiên, mang đáp án về, dùng hình thức bốc triệu hiện ra cho thế nhân.
Bảy chòm sao đại biểu Huyền Vũ chưởng quản phương Bắc: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích. Người dân thời cổ có rất nhiều loại cách nói giải thích Huyền Vũ, có nói "Huyền Vũ" tức con rùa, trên 《Lễ Ký · Khúc Lễ Ký》 nói: "Ngôi thứ, Chu Điểu trước Huyền Vũ sau..." Trong 《Sở Từ · Viễn Du》Hồng Hưng Tổ bổ chú: "Huyền Vũ, gọi là Quy Xà. Ở phương bắc, do đó gọi Huyền. Thân có vảy giáp, do đó gọi Vũ." Trong quyển 10 《Văn Tuyển》, 《Tư Huyền Phú》 của Trương Hành cũng nói: "Huyền Vũ trú trong mai, Đằng Xà tự uốn lượn." 《Hậu Hán Thư · Vương Lương Truyện》 viết: "Huyền Vũ, tên của Thủy Thần."
Huyền Vũ sớm nhất chính là rùa đen. Sau này, hàm nghĩa của Huyền Minh không ngừng mở rộng, rùa sinh sống ở giang hà hồ hải, thế là Huyền Minh liền trở thành Thủy Thần tượng trưng cho Thủy; rùa đen trường thọ, Huyền Minh lại trở thành tượng trưng cho sự trường sinh bất lão; ở trong ghi chép ban đầu, Minh gian ở phương bắc. Thế là Huyền Minh lại trở thành thần của phương bắc.
BÀN CỔ: ( Nguồn: Wikipedia)
Bàn Cổ ( tiếng Trung phồn thể: 盤古; giản thể: 盘古; bính âm: Pángǔ) được coi là vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc.
Theo Lão giáo, Bàn Cổ là thủy tổ của loài người, do Mẹ sinh ra. Theo Tam Hoàng Thiên Kinh, sự tích Bàn Cổ như sau:
Tại núi có một cục đá lớn đã thọ khí Âm Dương chiếu diệu rất lâu đời, nên đã thâu được các tính linh thông của vũ trụ mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, một tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra, sản xuất một vị Linh Chân hy hữu, là Thần mang hình hài như con người được gọi là Bàn Cổ.
Vừa sinh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả, dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái dùi ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm rìu tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần.
Thuở đó Trời Ðất còn mờ mịt. Ngài ước cho phân biệt Trời Ðất thì nhân vật mới hóa sinh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang, Thiên thanh, Ðịa minh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả.
Ngài liền chỉ Trời là Cha, chỉ Ðất là Mẹ, muôn dân là con. Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên cũng gọi Ngài là Thái Thượng Ðạo Quân. Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời, cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi Ngài là Hỗn Độn thị.
Tương truyền, Bàn Cổ có ba người con là Phục Hy, Nữ Oa, và Hoa Tư.
Bàn Cổ thọ được 18.000 tuổi rồi quy tiên. Tiếp theo thì có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, rồi Nhân Hoàng nối nhau cai trị thiên hạ.
Nhiệm Phưởng, thế kỷ 6, đã viết Thuật Dị Ký huyền thoại Bàn Cổ trong quyển rằng:
"Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và Mặt Trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc. Thời Tần và Hán, dân gian kể rằng đầu của Bàn Cổ là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải là Bắc Nhạc, và hai chân là Tây Nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng."
GIAO LONG: ( Nguồn: Wikipedia + Baika Baidu)
Giao Long (Giao) là một thần thú trong thần thoại cổ đại, là thủy thú có huyết mạch Long tộc (bao gồm Ngư Xà thủy tộc). Chúng là một trong những loài có thể tiến hóa thành rồng, chỉ cần vượt nan kiếp là có thể hóa thành Chân Long, sở hữu sức mạnh cường đại.
Hình tượng của Giao Long trong cổ tịch Trung Quốc không giống nhau. Có một thuyết nói Giao có bốn chân, đầu ngựa đuôi rắn. Có thuyết nói thân phủ vảy lân, đầu có râu và sừng, chân có năm vuốt. Trong "Bản thảo cương mục" lại gọi là "rồng có chín con", vì gồm nhiều chủng dị loại khác nhau với đặc điểm khác nhau. Tên gọi khác nhau, có vảy là Giao Long, có cánh là Ứng Long, có sừng là "Đa Tha" Long, có sừng nhỏ là Cầu. Hoặc con nhỏ là Giao, con lớn là Long.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Giao Long chính là Thuồng Luồng. Thuồng luồng là thủy quái hay quái vật dữ ở nước thuộc lớp bò sát đạt kích cỡ khổng lồ, có thể hại bất cứ sinh vật nào bơi dưới bao gồm cả người. Thời xưa, thuồng luồng được quan niệm có hình thù như con rắn khổng lồ nhưng có 4 chân, có mào, có lẽ chúng giống loài cá sấu khổng lồ thời cổ đại. Ở dọc các sông lớn miền Bắc Bộ đời xưa thường có đền thờ thần thuồng luồng mà sách chép là giao thần. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, thuồng luồng được được mô tả là con giải khổng lồ, một loài ba ba cỡ lớn cùng chi rùa mai mềm Rafetus với rùa Hồ Gươm, rùa Đồng Mô.
PHƯỢNG HOÀNG: ( Nguồn: Niệm Lam)
Phượng Hoàng 凤皇 là tên gọi khác của Phượng Hoàng 凤凰, con trống gọi là Phượng 凤, con mái gọi là Hoàng 凰, cùng Lân 麟, Quy 龟, Long 龙 gọi chung là tứ linh. Phượng Hoàng là vua của muôn chim, 《Bản Thảo Cương Mục》 của Lý Thời Trân miêu tả Phượng Hoàng: "Vũ trùng ba trăm mà có sáu mươi là Phượng đứng đầu." Phượng Hoàng là Chu Điểu (tức Chu Tước) của phương nam, tượng trưng cho đức hạnh và điềm lành. 《Bão Phác Tử》ghi Phượng có ngũ hành: "Do hành Mộc là nhân 仁, là xanh. Trên đầu Phượng xanh, do đó cũng gọi là đội nhân 戴仁. Hành Kim là nghĩa 义, là trắng. Phượng cổ trắng, do đó cũng gọi là buộc nghĩa 缨义. Hành Hỏa là lễ 礼, là đỏ. Phượng lưng đỏ, do đó cũng gọi là gánh lễ负礼. Hành Thủy là trí 智, là đen. Phượng ngực đen, do đó cũng gọi là hướng trí 向智. Hành Thổ là tín 信, là vàng. Dưới chân Phượng vàng, do đó cũng gọi là đạp tín 蹈信."
Phượng Hoàng trích từ 《Sơn Hải Kinh · Nam Kinh thứ ba》: "Núi Đan Huyệt 丹穴, có loài chim, dạng nó như con gà, năm màu mà có vằn, tên là Phượng Hoàng 凤皇, vằn ở đầu là chữ "đức" 德, vằn ở cánh là chữ "nghĩa" 义, vằn ở lưng là chữ "lễ" 礼, vằn ở ngực là chữ "nhân" 仁, vằn ở bụng là chữ "tín" 信. Đó là giống chim ăn uống tự nhiên, tự ca tự múa, thấy được thì thiên hạ yên ổn."
CÔN BẰNG: ( Nguồn: Wiki Sơn Hải Kinh)
Côn Bằng là thượng cổ Linh Thú xuất hiện từ thuở hồng hoang, là loài phi ngư to lớn, thường cư trú ở Bắc Minh (Biển Bắc). Côn Bằng có phần thân hình to lớn giống loài cá voi xám, hai vây bên hông to khỏe, đủ sức nâng toàn thân bay lượn trên không trung. Côn Bằng có thể hô phong hoán vũ, làm chủ những con sóng thủy triều khi ở dưới nước, nắm giữ các luồng khí lưu khi cất mình bay lên không trung. Côn Bằng được xem là biểu tượng của tinh thần tự do, thong dong tự tại, ý chí mãnh liệt, cũng được xem là biểu tượng của sự lột xác thần kỳ.
PHU CHƯ: ( Nguồn: Baike Baidu)
Phu Chư là một trong những Thần thú trong truyền thuyết thần thoại Trung Quốc, Phu Chư có bốn sừng hươu, ngoại hình nó trông ôn nhu tinh khiết, thích hí vang bốn phía, nó vừa xuất hiện, nơi đó ắt tới mùa lũ lụt.
HÀM DƯƠNG: ( Nguồn: Niệm Lam)
Hàm Dương là một loài quái thú, dáng vẻ giống như con dê, thế nhưng có cái đuôi ngựa, mỡ của loài dê này có thể trị khỏi bệnh tật về da cho con người. 《Nhĩ Nhã》 ghi chép bề ngoài của Hàm Dương là: "Dê sáu thước là Hàm." Trong 《Đồ Tán》 của Quách Phác có viết: "Dê ở Nguyệt Thị, chủng loại hoang dã. Nó cao sáu thước, đuôi đỏ như ngựa. Lấy gì xác định, sự kiến nhĩ nhã."
Hàm Dương trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Sơn Kinh》: "Núi Tiền Lai 钱来, có loài thú, dạng nó như con dê mà đuôi ngựa, tên là Hàm Dương 羬羊, mỡ của nó có thể trị khỏi da khô."
LỘC THỤC: ( Nguồn: Niệm Lam)
Lộc Thục là một loài thần thú cổ đại, dáng vẻ giống như ngựa, đầu màu trắng, đuôi màu đỏ, thân mình đầy vằn hổ, kêu lên giống như con người đang hát. Truyền thuyết kể rằng mặc da lông của Lộc Thục ở trên người mình thì có thể khiến cho con cháu gia tộc hưng thịnh, ở thời Sùng Trinh nhà Minh, trên phố loan truyền rằng có người từng thấy qua Lộc Thục.
Ở trong《Đồ tán》 của Quách Phác có nói: "Thú Lộc Thục, bản chất ngựa vằn hổ. Ngẩng đầu kêu dài, duỗi chân nhảy chồm. Mặc da lông của nó, con cháu như mây."
Lộc Thục trích từ 《Sơn Hải Kinh · Nam Sơn Kinh》: "Núi Nữu Dương 杻陽, có loài thú, dạng nó như con ngựa mà đầu trắng, vằn nó như con hổ mà đuôi màu đỏ, tiếng kêu như tiếng hát, tên nó là Lộc Thục 鹿蜀, mang vào thì hòa hợp con cháu."
TINH TINH: ( Nguồn: Niệm Lam)
Hệ thống dãy núi đầu tiên ở phía nam gọi là Thước Sơn 䧿山, ngọn núi đầu tiên của dãy núi đó gọi là núi Chiêu Diêu 招摇, sừng sững ở bên bờ Tây Hải, nhiều cây quế sinh trưởng ở trên núi, trong núi còn chứa đựng rất nhiều khoáng vật kim loại và ngọc thạch phong phú. Trong núi có loài cỏ, hình dạng rất giống rau hẹ, nở những đóa hoa màu xanh, tên nó là Chúc Dư, người ăn nó sẽ không cảm thấy đói bụng. Trong núi có loài cây, hình dạng giống cây dó nhưng lại có hoa văn màu đen, đồng thời chiếu rọi ánh sáng khắp bốn phương, tên nó là Mê Cốc, mang nó ở trên người thì sẽ không bị lạc đường. Trong núi còn có loài dã thú, hình dạng như Mi Hầu, trên đầu mọc một đôi tai màu trắng, không những có thể nằm bò mà còn có thể đi đứng như con người, tên nó là Tinh Tinh 狌狌, người ăn được thịt nó có thể đi rất nhanh. Dòng nước Lệ Lộc bắt nguồn từ ngọn núi này, sau đó chảy về hướng tây trút vào biển, trong nước gần đó có rất nhiều thực vật gọi là Dục Bái, đeo nó ở trên người thì sẽ không bị bệnh cổ trướng.
TỨ ĐẠI THẦN THÚ:
Tứ Đại Thần Thú còn được gọi là Tứ Tượng hay Tứ Thánh Thú trong văn hóa Phương Đông bao gồm: Thanh Long của phương Đông, Chu Tước của phương Nam, Bạch Hổ của phương Tây và Huyền Vũ của phương Bắc. Theo truyền thuyết thì chúng là do linh khí của buổi sơ khai tụ lại mà thành, đại biểu cho ý chí của Trời và Đất, mang trọng trách trông coi và bảo vệ thế giới này, tránh để nó bị hủy diệt. Mỗi thánh thú cai quản một phương và tượng trưng cho một mùa, chúng có những đặc điểm và nguồn gốc riêng. Ngoài ra chúng còn được miêu tả đầy sinh động trong thần thoại và trí tưởng tượng của người Phương Đông.
Thanh Long( Mộc), Bạch Hổ( Kim), Chu Tước( Hỏa), Huyền Vũ( Thủy).
TỨ ĐẠI HUNG THÚ:
Trong truyền thuyết thời thượng cổ Trung Quốc, Tứ Đại Hung Thú bao gồm hóa thân của bốn danh thần sau khi chết, tức: Tam Miêu, Hoan Đâu, Cổn và Công, bởi vì làm nhiều việc ác, không tu đức, bị giáng chức hạ phàm mà hóa thành hung thú, trở thành: Thao Thiết, Hỗn Độn, Đào Ngột và Cùng Kỳ.
ĐÂY LÀ NHỮNG TRUYỀN THUYẾT VÀ NHỮNG NỘI DUNG VỀ THẦN THÚ, YÊU QUÁI THƯỢNG CỔ CỦA TRUNG QUỐC NÓI CHUNG VÀ PHƯƠNG ĐÔNG NÓI RIÊNG.
NẾU CÓ GÌ SAI SÓT MONG CÁC BẠN BỎ QUA. MÌNH ĐÃ GHI NGUỒN RÕ RÀNG VỀ NƠI ĐỂ TÌM HIỂU VÀ ĐỌC THÔNG TIN CỦA CÁC YÊU QUÁI, THẦN THÚ THƯỢNG CỔ, NẾU CÁC BẠN MUỐN BIẾT THÊM THÌ HÃY ĐẾN NHỮNG NGUỒN ĐÓ ĐỂ TÌM HIỂU NHIỀU HƠN.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
CHÚC MỌI NGƯỜI ĐỌC TRUYỆN VUI VẺ VÀ MỘT NGÀY TỐT LÀNH.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top