Chương 3: Ba ngàn thế giới
Ở quán rượu Trương gia, có một tên tiểu quỷ đang quỳ rạp trên mặt đất, liêu xiêu mà chạm khắc chân chiếc cột nhà. Tự tiểu quỷ này cũng hiểu được, bản thân uống đến say bí tỉ thật khôi hài biết mấy, liền "khanh khách" mà cười.
"Tiểu Bình An, ngươi khắc ở đó thì ai mà thấy được chứ, còn không bằng khắc vào bảng hiệu." Tiểu nhị phục vụ trong khách điếm nói.
"Có tiểu quỷ sẽ đi qua chân tường đó..." Bình An vừa khắc vừa lầm bầm độc thoại.
Nằm úp sấp trên mặt đất nguyên ngày hệt như con mèo nhỏ, khắc xong thì lại đứng thẳng dậy vặn thắt lưng.
Đinh đang— đinh đang—
Ngẩng đầu lên liền thấy một chiếc chuông gió giống như tú cầu* đang đung đưa trên mái hiên.
*Theo mình hiểu thì tú cầu này có thể là quả cầu có bề mặt được thêu nhiều màu sắc, hình dạng.
Bình An tỉ mỉ nhìn chiếc chuông ấy, cũng đẹp tựa như tú cầu thêu hoa mà mẫu thân làm vậy.
Trong gió nhẹ, tú cầu tròn tròn không ngừng chuyển động, mỗi một góc mà ánh dương chiếu vào đều hiện ra những hoa văn khác nhau. Bình An cứ chăm chăm nhìn tú cầu kia, muốn được quan sát gần hơn, nhìn rõ ràng từng hoa văn một.
Vì thế đứa nhỏ này liền đứng ở trước cửa chính quán rượu như vậy, ngơ ngẩn mà đứng đó.
Những người đi đến quán rượu cứ tới lui đi qua cậu, cũng không có ai cho là kì lạ.
Từ nhỏ Bình An chính là cái tính như vậy. Có khi sẽ nhìn lên bầu trời hết một ngày, vừa nhìn vừa ngây ngô cười. Cậu nói rằng những đám mây chính là cái bóng của các vị tiên nhân phản chiếu xuống trời xanh.
Đám này là cây bàn đào của Vương Mẫu Nương Nương. Đám kia là Kê Thúc Dạ* gảy đàn. Còn có một đám là Hằng Nga trên cung trăng, là chú thỏ nhỏ đang giã thuốc dưới tán nguyệt quế.
*Kê Khang (233-262): tên Thúc Dạ 叔夜, người đời Tấn. Ông là một trong "Trúc Lâm thất hiền" 竹林七賢 (bảy ông hiền trong rừng trúc) là tên dân gian gọi nhóm bảy học giả, nhà văn và nhạc sĩ theo trường phái Đạo giáo sống trong rừng trúc đầu thời nhà Tấn. Kê Khang có tài chơi cầm.
Theo mây trắng phiêu tán rồi lại tụ hợp lại, những vị tiên nhân này cũng có chuyện xưa.
"Đại thúc, đại thúc, tú cầu kia là do ai làm vậy ạ?"
"Ta cũng không biết nữa, cha ta nói tú cầu này được treo dưới hiên nhà ta đã một trăm năm nay, về phần ai làm, chỉ có cha của cha ta may ra mới biết được ."
"Tú cầu này tên là Nhân Quả, thật ra đó là một cái khóa. Tìm được Nhân của nó, là có thể mở được Quả của nó." Đứa nhỏ nghiêm túc nói.
Đại thúc sững sờ nửa ngày cũng không hiểu được đứa nhỏ này đang nói cái gì: "Cái kia... Sao ngươi lại biết tên nó là Nhân Quả?"
"Ca ca dạy cho ta đó."
Mỗi ngày sau giờ ngọ, ở trong thư phòng, Đại Hạc hỏi Tiểu Hạc: "Đệ có biết cái gì là Nhân, cái gì là Quả không?"
Tiểu Hạc lại lắc đầu nói không biết.
Đại Hạc hướng Tiểu Hạc vẫy tay: "Đệ lại đây."
Đại Hạc để cho Tiểu Hạc cầm bút lông, sau đó chính mình nắm lấy tay Tiểu Hạc.
Bút lông ở trên giấy Tuyên Thành nhuộm xuống những nét màu mực.
Trở đầu bút, vẽ ra một cái đầu tằm, bút đi, sau đó hất bút, liền ra một cái đuôi én.
"Một bút này, là Nhân." ( 因 )
Rồi lại xoay cổ tay, đầu bút lông hạ xuống, dần dần nâng tay lên, vẽ ra một nét mực thẳng tắp.
"Một bút này, là Quả." ( 果 )
"Đệ hiểu chưa?" Đại Hạc lại hỏi.
Tiểu Hạc nghiêng đầu suy nghĩ nửa ngày, thành thật lắc đầu.
"Ta đoán tên ngốc nhà đệ cũng không hiểu được." Đại Hạc thưởng cho Tiểu Hạc một cái hạt dẻ nổ*: "Chỉ cần sau này đệ viết lại từng chữ, rồi đệ sẽ hiểu."
*Hạt dẻ nổ (發音-bào lì): trong ngữ cảnh này có nghĩa là hành động dùng tay đánh vào đầu.
Tiểu Hạc hầm hừ chạy ra ngoài chơi, cậu nghĩ mình bị ăn một cái hạt dẻ nổ rất là cực kì không công bằng. Bởi vì Đại Hạc mới là người phụ trách đọc sách, mà cậu, chỉ phụ trách khắc gỗ thôi. Đại Hạc mỗi ngày đều cầm tứ thư ngũ kinh đi làm khó cậu. Mà cậu cũng chưa một lần bắt Đại Hạc khắc một con chim nhỏ!
Thế nhưng ngay tại lúc này, Tiểu Bình An vẫn còn ngẩn người nhìn tú cầu kia.
Cậu cảm thấy bản thân giống như phải biết được hết thảy nhân quả trên thế gian này.
Đại thúc đồng ý cho cậu mượn tú cầu về nhà nghiên cứu vài ngày.
Nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất bồ đề*. Bình An đang cầm tú cầu này lên quan sát liền sợ ngây người.
*Câu này thuộc một bài thơ nhà Phật mà mình không tìm được tên, các bạn có thể xem nguyên bài trên mạng. Cuối chương này mình sẽ giải thích.
Đây không phải một cái tú cầu, đây rõ ràng chính là một thế giới.
Nhà nhỏ như hạt sỏi, bảo tháp mỏng như sợi tóc, một hạt vừng bằng đồng ruộng phì nhiêu trăm mẫu, một viên hổ phách là một cái hồ sâu rộng. Những người đi lại có khi còn nhỏ hơn cả lông trâu, vậy mà thanh âm vẻ cười, lại có thể lờ mờ phân biệt được.
Hết thảy những thứ tồn tại trên thế gian này, trên tú cầu đều có cả. Ở cuối cùng từng ngôi nhà, từng người từng vật đều có một sợi tơ nhện quấn quanh, khiến cho phần gốc của bọn chúng có thể đan vào nhau được.
Nếu không nhìn kỹ còn tưởng rằng vật này là chạm khắc mà thành, nhìn kỹ mới phát hiện ở bên dưới bức tranh sơn thủy mặt ngoài lớp nhân vật kia, còn có một câu chuyện xưa, phía dưới chuyện xưa vẫn là những câu chữ. Vô cùng vô tận, như vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại.
Vì thế Bình An bắt đầu xem các câu chuyện được kể trên tú cầu này.
Chỉ bạc kéo thành nhành liễu lẳng lặng rủ xuống ven hồ làm từ ngọc hổ phách. Giáo phường san sát bên bờ, dòng người qua lại như dệt cửi. Tài tử cùng giai nhân hát đối, thư sinh cùng ca cơ chiết liễu. Tiếng gió ồn ào náo động như tràn vào trong tai.
Đối diện hồ là những lái buôn tới đây làm ăn, song hàm tây lĩnh thiên thu tuyết, môn bạc đông ngô ngàn dặm thuyền.*
*Dịch nghĩa: "Song cửa ngậm tuyết núi Tây Lĩnh đã từ nghìn năm,
Ngoài cửa đậu những con thuyền của Đông Ngô xa tới muôn dặm."
Hai câu này thuộc "Tuyệt cú tứ thủ kỳ 3" của Đỗ Phủ.
Nguồn dịch: Thi Viện
Lại nhìn ra xa, tám trăm dặm sông nước núi non muôn màu muôn vẻ, trên núi sông nằm rải rác vài ngôi chùa.
Băng qua ngọn núi kia là một tòa thành. Thiếu đi vài phần xinh đẹp, lại thêm vài phần đại khí. Lan can đỏ son, lưu ly biêng biếc. từng ngôi nhà lại tùy ý trồng vài khóm hoa mẫu đơn mang sắc đỏ thẫm. Cả một vùng hoa thơm cỏ lạ, không phải Trường An thì cũng là Lạc Dương.
Thành Đông có một bến đò, nếu ngồi đò thưởng thức Dương Châu tháng ba hoa khói cũng rất đẹp.
(Chỗ này làm mình nhớ đến câu thơ "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu" trong bài thơ "Tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" của Lý Bạch. Trong qt câu này cũng chỉ thêm một từ so với câu gốc)
Thành tây mười dặm trường đình, trời cao mây nhạt, chiết liễu biệt ly.
Hai người ôm quyền từ biệt, vừa khóc vừa cười. Cười xong lại nói: Thiên hạ có ai không biết quân?*
* "Thiên hạ thùy nhân bất thức quân?" – Câu thơ cuối trong bài thơ "Biệt Đổng Đại" của thi sĩ Cao Thích thời Đường.
Hướng mắt ra xa nữa là sa mạc cát vàng, thỉnh thoảng lại thấy lạc đà và thương nhân đi qua.
Cuối sa mạc là một vùng ốc đảo, dân du mục nơi đây thả trâu chăn dê. Một đời vô ưu vô lo, cũng không hỏi nhân sinh vì sao phồn hoa.
Qua ốc đảo, cảnh sắc chợt biến, giang sơn ngàn dặm, tuyết phủ trắng xóa, chắc hẳn đã đến nơi cực bắc lạnh giá rồi.
*Tường thành dựng đứng thủ vệ biên cương. Trăng quan san sừng sững cô độc trong mây khói.
Tướng quân đứng trên cổng thành thân mặc giáp bạc, trong tay nắm chặt một màu xanh mướt. Nhìn kĩ, vẫn là nhành liễu đó.
Gió xuân lồng lộng ải Ngọc Môn.
Từ ải Ngọc Môn phóng xa tầm mắt, lại là một chốn phồn hoa.
*Đoạn này tác giả lấy ý từ thi liệu, cụ thể là bài thơ "Quan san nguyệt" của Lý Bạch.
. . . . . .
Thời gian chậm rãi thoi đưa, Bình An nhìn thế giới trên tú cầu kia đến ngây ngốc. Thì ra kia mỗi một người mảnh như lông trâu đó, cũng có câu chuyện của riêng mình, từng câu chuyện của họ đều có Nhân và Quả.
Theo những sợi tơ nhện dai mảnh đan vào nhau, Bình An tìm được Nhân của tất thảy chuyện xưa rồi. Dùng sợi tóc nhẹ nhàng lấy cành liễu trong tay tướng quân kia.
Răng rắc —
Một thanh âm đã yên lặng cả trăm năm bỗng vang lên.
Tất cả cảnh vật trên tú cầu bắt đầu chuyển động không hề theo quy luật.
Tám trăm dặm sông núi phía Đông ban đầu lại chạy sang hướng Tây, miền tái Bắc không một ngọn cỏ lại nghênh đón một vùng đại dương mênh mông. Mới vừa rồi đôi tình nhân tại Tần Hoài còn sầu triền miên, giờ phút này họ lại mỗi người một phương, như không hề quen biết. Một người vốn đang ở sa mạc chăn thả, một người ở kinh thành ngâm thơ, hai con người không liên quan gì đến nhau, giờ phút này lại gặp nhau chốn Giang Nam, trở thành bằng hữu sinh tử có nhau.
Bình An quan sát cảnh sắc không ngừng biến hóa, thương hải tang điền*, tình người ấm lạnh.
*chỉ những sự thay đổi lớn lao như biển xanh biến thành ruộng dâu.
Biến hóa càng lúc càng chậm, cuối cùng hóa thành tĩnh lặng.
Cảnh còn người mất, thế gian lại bước sang một niên đại mới.
. . . . . .
Mà Nhân của niên đại này là một chiếc cầu trong hai mươi tư cây cầu.
Rút cây cầu đó ra.
Bánh xe thời gian lại tiếp tục xoay vần.
Liền như vậy, mỗi một Nhân của một niên đại được tìm ra tìm ra, lại là Quả của niên đại kế tiếp.
Nếu vậy thì Quả sau cùng là cái gì nhỉ?
Bình An nghĩ, liền tiếp tục tìm kiếm manh mối trong mỗi một niên đại.
Mặt trời mọc mặt trời lặn, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, mặt trời mọc lại mặt trời lặn...
Cũng không biết đã qua bao nhiêu ngày, Bình An rút ra chiết liễu, rút ra đoạn kiều, rút ra uyên ương, rút ra tuyệt đại giai nhân, rút ra ngàn dặm giang sơn...
Mỗi khi rút ra một vật, sẽ chuyển động một lần, mỗi một lần chuyển động, là một đời đã qua. Mà cứ sau một đời, thế giới trên tú cầu này liền mất đi một vật.
Sau cùng, đình đài lầu các, tài tử giai nhân từng vật một mất đi. Tú cầu cũng không còn nguyên vẹn nữa. Thứ còn lại chỉ là một cái hòm gỗ nho nhỏ, tơ nhện nối với vạn vật được gắn trên nắp hòm.
Trong niên đại cuối cùng, chỉ còn duy nhất một người.
Chỉ thấy hắn trên dưới một bộ bạch y, khoanh tay mà đứng.
Trước không thấy người xưa,
Sau không thấy kẻ lại,
Vạn ngàn thế gian nơi tâm tưởng,
Giọt lệ xuôi nỗi sầu lẻ loi.
Bình An không biết rằng, bản thân đã lệ rơi đầy mặt.
Cậu chỉ biết, cậu đang nhìn chăm chú vào một thế giới qua ngàn năm biến đổi.
Bỗng nhiên cảm thấy, trên cõi trần thế này, đời người cũng chỉ như vậy thôi.
Giống như cạn kiệt tất cả sức lực, suy sụp nằm trên mặt đất.
Tuy rằng cậu còn rất nhỏ, còn chưa hiểu rõ rất nhiều thứ.
Nhưng dường như cậu lờ mờ hiểu được, hết thảy nhân quả trên thế gian này, chẳng qua chỉ là những cuộc hội ngộ giữa người với người mà thôi.
Nếu không có tương ngộ, vậy thì những thứ khác cũng không còn tồn tại nữa. Không có niềm vui, chẳng còn nỗi buồn.
Vui buồn, buồn vui.
Không biết nằm mê man trên mặt đất đã bao lâu. Bình An tỉnh lại, dọn dẹp đống hỗn độn. Chỉ còn lại người đứng trên hòm gỗ nhỏ kia, cậu liền nhặt lên nốt.
Ngay lúc cầm vật ấy lên, chỉ trong nháy mắt, tất cả tơ nhện giống như sống trở lại.
Hết thảy non sông, đình đài lầu các đều bị kéo về hòm gỗ nhỏ.
Trong giây lát, từng vật bị tháo ra bắt đầu đan quấn vào nhau, lại hợp thành một cái tú cầu.
Tựa như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Tựa như, ngàn năm yên bình này đều đã trôi qua một cách lãng phí.
Đứa nhỏ ôm tú cầu ngẩn người, đột nhiên giật mình.
Đây có phải là cái tú cầu mà cậu cầm lên lúc đầu không?
Tất cả đình đài lầu các, núi cao sông rộng, cậu chưa hề thấy qua, đến cả những con người trong đây cũng toàn là khuôn mặt xa lạ.
Thoát thai hoán cốt.
Bình An nhận ra, đây là một thế giới khác.
Vừa nãy là thế giới của ngàn năm trước.
Mà bây giờ đã lại là một thế giới mới.
Bình An chợt cong môi, nước mắt ban nãy còn chưa khô, giờ đây cậu lại nở nụ cười.
Lại mất thêm nhiều ngày nữa, mới có thể rút ra được toàn bộ nhân quả của thế giới này.
Tú cầu tái hợp thành thế giới kế tiếp.
Lần nữa giải hết câu đố của thế giới ấy.
Lại là một đời.
Cứ như vậy, đến vô cùng vô tận.
. . . . . .
Lúc Bình An lần đầu nhìn thấy tú cầu này, chỉ biết nó là một cái khóa. Nhưng cậu không biết đây lại là một cái khóa mà nguyên một năm cậu cũng không thể giải ra. Mới đầu, cần phải bốn năm ngày mới có thể giải được một lần. Hiện tại, cậu có thể giải xong một lần chỉ trong một nén nhang. Có điều mỗi lần tháo xong, ổ khóa này liền tự mình đóng lại.
Mọi người trong nhà cảm thấy đứa nhỏ này càng lúc càng kỳ quặc, ngày nào cũng ôm tú cầu kia không rời tay.
Phụ thân từng đánh cậu mắng cậu, cũng vô dụng. Có lần giấu tú cầu đi, đứa nhỏ này sốt ruột đến độ ngay cả cơm cũng ăn không vô. Bất đắc dĩ, mẫu thân lại lặng lẽ trả lại cho cậu.
"Nhân quả tuần hoàn, tú cầu này mỗi lần được dỡ ra, sẽ chạm vào cơ quan làm nó đóng lại, con vĩnh viễn cũng sẽ không giải được đâu." Phụ thân từng nói qua.
Đứa nhỏ nghĩ ngợi, lại vẫn như cũ cố gắng tháo nó ra.
Bình An nhìn dịu ngoan như vậy thôi, thật ra lại là một đứa nhỏ cực kì cứng đầu.
Tết âm lịch năm sau tới rồi.
Hỏa thụ ngân hoa bất dạ thiên*, người người nhà nhà đều đốt pháo dán câu đối.
*Dịch thơ: "Đèn đuốc sáng rỡ như ban ngày" Xuất xứ từ bài thơ Hoán Khê Sa của Liễu Á Tử.
"Bình An đến đốt pháo đi con." Mẫu thân hướng về phía phòng gọi. Thằng bé này thích nhất là đốt pháo, hàng năm đều phải cho nó châm lửa, thế mà năm nay gọi mấy tiếng cũng không thấy đi ra.
"Không cần để ý đến nó!" Phụ thân nhíu mày, khoát tay chặn lại.
Trong thư phòng hiện tại, Bình An đang nằm bò trên mặt đất. Mẫu thân biết cậu thích lăn lộn dưới sàn liền đặt một cái đệm bông tròn ở nơi cậu thường nằm.
Vì thế, mỗi ngày ca ca ngồi ở ghế bát tiên đọc sách viết chữ, lúc nào cũng ngồi hết sức nghiêm chỉnh. Bình An thì lại giống như con mèo nhỏ nằm dưới chân ca ca, một lòng một dạ mà nghiên cứu tú cầu của cậu.
Lúc này ca ca nhẹ nhàng đạp cậu một cước: "Mẫu thân gọi đệ kìa."
Không phản ứng.
Lại thêm một đạp.
Vẫn không phản ứng.
Thở dài.
Giờ đây suy nghĩ của Bình An đã hoàn toàn đặt vào tú cầu kia mất rồi.
Rút ra ngôi chùa cuối cùng một, tú cầu lại được tháo ra thêm một lần.
Thời gian từng chút qua đi, một đống đồ vật rốt cuộc cũng không hợp lại thành một tú cầu nữa.
Bình An thở phào một hơi, lần này, cậu thật sự giải được tú cầu rồi.
Nằm sóng soài trên mặt đất, trong đầu cùng lúc hiện lên một ngàn một vạn câu chuyện xưa.
Từ lần đầu tiên đến tận bây giờ, cậu đã tháo tú cầu này ra tổng cộng ba ngàn lần.
Ba ngàn?
"Ca ca."
"Ừm?"
"Con số ba ngàn này có cách nói nào khác không ạ?"
Hạ Ôn Ngọc suy tư một lát: "Chắc là 'ba ngàn thế giới'* đi."
*Cụm này cũng thuộc triết lí nhà Phật, mọi người có thể tìm hiểu thêm trên mạng.
Ba ngàn thế giới tức là tất thảy, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.
Bình An suy nghĩ nửa ngày cũng không nghĩ ra cái gì. Ngồi dậy, cầm ruột tú cầu lên, cũng chính là cái hòm gỗ nhỏ kia.
Mở ra —
Bên trong lộ ra một tờ giấy.
Lại mở tiếp, mặt trên viết —
Mang một bầu Tiền Triều tửu, lập tức đến Mặc Tử Sơn!
Lạc khoản là Minh Dương Tán Nhân.
Chữ như gà bới, có thể nhìn ra được là viết trong tình cảnh vô cùng cấp bách, lại thêm câu nói kia. Giống như tờ giấy này vừa được viết ngày hôm qua, như thể người nọ vẫn còn đang chờ ở trên núi vậy.
_____________________________
Ý kiến cá nhân:
1. Tú cầu
- theo mình nghĩ thì cấu trúc của nó từ trong ra ngoài là thế này:
+ Hộp gỗ nhỏ chính giữa – vỏ cầu bao ngoài, lợp bởi một lớp tranh sơn thuỷ – những đồ vật siêu nhỏ được gắn bên ngoài, lấp kín khung.
+ Chân mỗi vật có một sợi tơ gắn vào nắp hộp gỗ bên trong, hộp gỗ này có thể tự xoay tròn. Nếu không giải đủ 3000 lần, thì khi lấy ra vật cuối cùng, hộp gỗ bên trong sẽ tự xoay tròn cuốn mọi thứ vào, ráp lại quả cầu, hình thành những cảnh vật mới khác hẳn lần trước.
2. Những trích thơ, ý thơ trong chương 3
- "Nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất Bồ Đề."
+ Nhất hoa nhất thế giới : Mượn cái lẽ "Sinh" mà nên câu này (Nhất hoa khai, thế giới khởi) Từ "Thế giới" của nhà Phật nghĩa là Vũ Trụ. "Thế" là thời gian, "Giới" là không gian.
Một cánh hoa nở ra là lúc Vũ trụ bắt đầu chuyển động.
+Nhất diệp nhất Bồ Đề : Mượn cái lẽ "Diệt" mà nên câu này. Xưa đức Thích Ca ngồi dưới gốc Bồ đề mà tu luyện. Nhìn lá cây mọc rồi rụng mà giác ngộ thuyết Luân hồi .
Bồ đề - ý nghĩa cũng như là chân chính giác ngộ vậy.
Bản giải thích này mình tìm được trên mạng, không phải của mình.
- Có sự xuất hiện của ba nhà thơ nổi tiếng thời Đường: Đỗ Phủ, Lí Bạch, Cao Thích. Ba người khi còn sống là bạn tâm giao, tri kỉ của nhau.
3. Địa danh
- Trường An, Lạc Dương là hai trong tứ đại cố đô, là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa.
+ Mình xin được nói thêm về ba nhà thơ trên. Lí Bạch trước làm quan ở Trường An, sau ông quyết định từ quan năm 44 tuổi, đi ngao du đây đó, gặp Đỗ Phủ 33 tuổi ở Lạc Dương, hai người kết thành bạn vong niên. Sau này, hai ông tiếp tục ngao du đến vùng Sơn Đông. Tại đây họ gặp Cao Thích, cũng là một thi nhân nổi tiếng đương thời. Ba người mau chóng kết thân, cùng trải qua những tháng ngày tiêu dao tự tại.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của mình, nếu có kiến thức nào sai sót xin mọi người góp ý, mình sẽ sửa. Cảm ơn rất nhiều!
-HẾT CHƯƠNG 3-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top