Chương 1

"Chúng tôi đã xuất viện mấy ngày rồi, sao vẫn chưa có bệnh án chứ!"

"Chưa đủ hai tuần sau khi xuất viện thì không in được bệnh án đâu ạ, bác bĩnh tĩnh lại chút ..."

"Hôm nay nhất định phải in bệnh án cho tôi! Chậm trễ việc thanh toán là cậu đền tiền cho tôi đấy!"

Tiếng cãi vã chói tai vang lên từ cửa sổ phòng in ấn, giọng hét vang trời của ông cụ khiến tôi cảm thấy toàn thân khó chịu.

Máy in tự động vẫn tiếp tục kêu ro ro, cuối cùng tôi cũng lấy được bệnh án vừa in xong và nhanh chóng rời khỏi phòng quản lý bệnh án như muốn chạy trốn.

Toàn bộ bệnh nhân cả bệnh viện đều chen chúc đến cả chỗ bé xíu này, còn có kẻ mắt mù hút thuốc bên trong nữa. Thật sự muốn khiếu nại mà, mẹ nó.

"Muốn ngạt chết người ta hay gì."

Tôi lầm bầm, lôi từ túi ra cái máy dập ghim nhỏ, ghim đống bệnh án lại với nhau rồi nhét chung vào bìa hồ sơ cùng với chứng minh thư của bệnh nhân.

Đến bước này, nhiệm vụ hộ tống bệnh nhân của tôi xem như đã hoàn thành trọn vẹn.

Tôi tên là Thẩm Nhân, năm nay hai mươi ba tuổi. Công việc hiện tại của tôi là một nhân viên hỗ trợ tại bệnh viện.

Ngành này chỉ mới phát triển vài năm gần đây. Trước khi thấy các công ty dịch vụ hỗ trợ bệnh viện trên mạng, tôi còn nghĩ mình là người đầu tiên phát hiện ra ngành này.

Dĩ nhiên, tôi không chuyên nghiệp như họ. Tôi cũng chẳng biết làm cách nào để họ tìm được khách hàng. Cách tôi quảng bá dịch vụ chỉ là đứng trước tòa nhà khám bệnh, cầm loa và hét lên:

[Hỗ trợ miễn phí, hoan nghênh liên lạc!]

Hồi nhỏ, mỗi lần có ai bán bánh chưng đều hét như thế từ đầu ngõ đến cuối ngõ, nói ra thì cũng rất hiệu quả. Mỗi lần nghe là tôi lại chạy ra mua ngay.

Tôi không rõ quy tắc của ngành này là gì, nhưng theo kinh nghiệm của bản thân thì ở những thành phố lớn, việc từ lấy số thứ tự cho đến in bệnh án ở bệnh viện, đối với những người già hoặc từ quê lên đều là một thử thách lớn.

Những hàng máy tự động dài đằng đẵng kia đa phần chỉ có người trẻ biết sử dụng. Còn người lớn tuổi thường chỉ có thể đứng xếp hàng chờ đến lượt được phục vụ trực tiếp.

Nhưng không hiểu sao, cái mic phục vụ trực tiếp đó đôi khi nhỏ đến nỗi chẳng thể nghe thấy gì. Âm thanh lúc thì rè rè như cái ti vi bị sét đánh hồi bé khiến tôi chỉ muốn dán tai vào mà nghe cho rõ họ đang nói gì.

"Hỗ trợ bệnh viện à? Không lấy tiền?"

"Vâng, bác ạ," tôi nở nụ cười "thương hiệu": "Miễn phí hoàn toàn ạ. Con sẽ hỗ trợ từ khâu lấy số thứ tự. Nếu nhập viện, con sẽ lo đến khi bệnh án được giao tận tay, không tính phí gì đâu ạ."

"Làm gì có chuyện tốt thế, cậu lừa người đúng không?"

Tôi có hơi muốn chửi thề, nhưng nhìn mặt bác này hơi dữ. Lần trước cũng có người bảo tôi lừa gạt, còn đòi gọi cảnh sát bắt tôi. Bực quá nên tôi lỡ mắng một câu "đồ ngốc", kết quả là bị đánh cho một trận.

Tôi nghiến răng, vừa nói vừa chuẩn bị rút lui: "Đúng đấy, cháu lừa đảo đấy, bác tự đi lấy số thứ tự đi."

Từ khi mở dịch vụ đến nay, tôi đã nhận chín khách. Đa phần đều rất thuận lợi, những trường hợp không thuận lợi, tôi cũng tìm cách giải quyết cho ổn thỏa. Chỉ cần hoàn thành xong lần này nữa là tôi có thể đóng cửa nghỉ ngơi thoải mái rồi.

Đến lúc đó tôi sẽ đi leo núi tuyết, leo Everest.

Nghĩ thôi mà đã thấy phấn khích rồi, là đỉnh Everest đó!

"Cháu trai, còn nhận khách không?"

"Có nhận dì ạ."

Lúc trời sắp tối, cuối cùng cũng có người tìm đến tôi. Một bác gái tóc xoăn đẩy theo chiếc xe lăn, trên xe là một cô gái trẻ.

Cô gái đội chiếc mũ mà tôi rất quen thuộc, mười người hóa trị thì chín người rụng tóc sẽ đội nó.

"Đây là con gái dì, chân tay không tiện lắm, ngày kia phải nhập viện chuẩn bị phẫu thuật. Cháu xem xem có tiện không..."

"Cứ để cháu lo, không vấn đề gì đâu dì."

"Tốt quá, tốt quá. Ngày kia bảy giờ sáng dì sẽ đưa nó tới, chỉ đến cửa tòa nhà khám bệnh thôi nhé."

"Vâng, dì ơi cho cháu xin số liên lạc của dì đi ạ."

"Được... Ôi, mưa rồi..." Bác gái vừa nói vừa lấy chiếc ô từ trong túi ra và bung lên: "Cháu cũng về nhà đi, trời mưa rồi."

Tôi gật đầu, bác mỉm cười với tôi, rồi đẩy cô gái đi về phía nam.

Hôm nay ra ngoài tôi quên xem dự báo thời tiết, cứ nghĩ cả ngày trời sẽ nắng, ai ngờ mưa càng lúc càng to. Mưa to như hạt đậu nành rơi xuống đầu kêu "bộp" một tiếng. Kính tôi dính đầy nước, các tòa nhà xung quanh bị khúc xạ thành những hình dạng kỳ lạ khiến tôi phải lắc đầu vài cái mới lấy lại được tinh thần.

[Về nhà đi.]

Nghe đến đó tôi bất giác ngẩn người. Những khách hàng trước đây đều nói: "Về đi, về đi." Khi đó, tôi sẽ bước ra khỏi bệnh viện, ngồi ở bậc thềm ngoài cửa, rồi lên chuyến xe cuối cùng về Thanh Hà, về căn phòng trọ trống không để ngủ một giấc.

"Về" và "về nhà" dường như có sự khác biệt. Ai cũng có thể "về", nhưng không phải ai cũng có thể "về nhà". Có lẽ tôi chưa bao giờ coi nơi đó là nhà, nên khi bác gái nói "về nhà", tôi chẳng biết phải về đâu.

Tôi xếp gọn mấy giấy tờ dự phòng trong túi, bỏ vào túi nhựa cho khỏi ướt.

Khoảng trống dưới bến xe buýt nhanh chóng bị cơn giông ào ạt chiếm chỗ, nó tranh giành chỗ trống với tôi, cuối cùng ép tôi vào một vị trí sát biển báo dừng, quần áo bị nước mưa thấm ướt.

Đến giờ, đường phố gần như không còn người đi bộ.

Gió càng lúc càng lớn, tôi hắt xì một cái, chợt nhận ra thành phố nhỏ ven biển này đã sắp bước vào thu.

[Đài khí tượng Nghiêu Thanh nhắc nhở: đêm nay toàn thành phố sẽ có mưa to đến rất to, sức gió mạnh nhất có thể đạt đến cấp tám. Xin người dân đóng kín cửa sổ và chuẩn bị chống lũ...]

Đúng là một tin xấu.

[Hệ thống xe buýt nhắc nhở: chuyến xe bạn đặt từ trạm trung tâm Nghiêu Thanh về bến xe Thanh Hà đã bị hủy do thời tiết. Vui lòng điều chỉnh kế hoạch di chuyển...]

Lại thêm một tin xấu nữa.

"Cháu trai, đi đâu đấy? Đi xe không?"

Khi tôi đang nghĩ xem đêm nay sẽ qua loa ở đâu thì một chiếc taxi chậm rãi dừng trước mặt. Bác tài mở hé cửa sổ, ra hiệu cho tôi.

"Thanh Hà đi không? Phố Bắc Độ."

"Ui, xa đấy nhỉ."

Ba mươi sáu cây số, đúng là không gần.

Bác tài xế thu lại vẻ nhiệt tình lúc trước, liếc nhìn điện thoại rồi nói với tôi: "Một trăm hai mươi đồng, thế nào? Trời mưa đường khó đi."

"Tốt đó... Mưa lớn thế này, bác cứ đi từ từ."

Tôi cười, vẫy tay từ biệt với vẻ hơi ngượng ngùng, rồi cúi đầu. Bác tài vẫn cứ lải nhải gọi khách:

"Thôi thế này, một trăm, giá cuối cùng, đi không? Tôi tiện đường mà."

"Bác đừng mở cửa nữa, gió to mưa lớn lắm... Có người đón cháu rồi."

Tôi bịa ra một lời nói dối, nhưng lời nói dối này luôn có hiệu quả với tài xế taxi, bất kể họ có khó chịu đến đâu.

Thực ra ngủ ở trạm tàu điện ngầm cũng không sao. Biết đâu mai trời sẽ tạnh, ngày kia tôi lại làm việc bình thường. Nếu không tạnh thì cũng chẳng sao, đi bộ chỉ mất hai mươi phút.

Tôi đã tính như thế, chờ mưa bớt rồi đi, nhưng không ngờ điện thoại trong túi lại rung lên bất ngờ.

"[ Đơn F594151: Tài xế Dương đã nhận đơn, cách bạn tám trăm mét, dự kiến ba phút sẽ đến điểm xuất phát.]"

Tin nhắn này khiến tôi lạnh toát sống lưng.

Ba mươi sáu cây số, mười sáu tệ, số tiền tôi điền đại có khi còn chẳng đủ đổ xăng, vốn chẳng mong có ai nhận cuốc. Vậy mà giờ có người nhận rồi, tự dưng tôi lại thấy hơi sợ.

Mưa to, sấm chớp, ngoại ô hẻo lánh, đàn ông đi một mình, đêm khuya, xác chết trong bụi cỏ, ví tiền mất tích, giết người cướp của, tẩu thoát không dấu vết...

"Biển số đuôi 4151, anh bạn, cậu đặt xe đúng không?"

Tôi còn chưa kịp tìm nút hủy chuyến thì một giọng đàn ông xa lạ vang lên. Giọng này không khó nghe, thậm chí còn êm tai, nhưng giữa cơn mưa rào ào ạt lại khiến tôi rợn cả người.

Tôi rất muốn bảo là không phải, nhưng trên sân ga này chỉ có mỗi mình tôi.

"À... đúng rồi."

Đúng lúc ấy, điện thoại mất sóng, tôi ấn mãi không vào được trang hủy chuyến, đành ậm ừ kéo dài thời gian:

"Nhưng mà tôi... cái đó..."

"Số điện thoại của cậu trùng với biển số xe tôi, trùng hợp thật... Không lên xe sao?"

Tôi ngờ vực ngẩng đầu nhìn anh. Qua màn mưa dày đặc, chỉ thấy đây là một người đàn ông trẻ tuổi, rất trắng.

Tôi quyết định ăn ngay nói thật.

Tôi đội mưa bước đến bên cửa xe, anh có vẻ hơi sững lại, sau đó vội vàng lục dưới ghế lôi ra một chiếc ô, hấp tấp bung ra đưa tôi, suýt nữa thì đâm vào mắt tôi.

Tôi nói: "Mười sáu tệ, đến Thanh Hà, Đại lộ Bắc Độ, ba mươi sáu cây số."

Anh gật đầu, tôi nhận ô: "Vậy anh không lỗ à?"

Tôi vừa nói vừa ngẩng lên nhìn anh. Thành thật mà nói, anh có gương mặt của một người tốt—đường nét rõ ràng nhưng không sắc lạnh. Khi nhìn thẳng vào người khác, dường như cả cơn gió cấp tám cũng dịu bớt đôi phần.

Nếu một người như anh mà đi lừa gạt, chắc chắn tỷ lệ thành công sẽ không thấp.

"Số 21 Đại lộ Bắc Độ, gần nhà tôi lắm, coi như đi chung xe."

Anh nói rồi mở cửa ghế phụ: "Lên đi, khu Bắc Độ địa thế thấp, dễ ngập nước, tốt nhất nên đi sớm."

Câu này đúng thật. Chỉ cần mưa một chút là nước trên đường đã dâng đến mắt cá chân, những ngày có bão còn nghiêm trọng hơn, nước sâu đến mức không thấy được bánh xe.

Tôi bán tín bán nghi lên xe, thử dò hỏi:

"Nhà anh cũng ở Bắc Độ à?"

Cửa kính nâng lên ngăn cách tiếng mưa, giọng anh nghe càng rõ ràng hơn:

"Ừ... ở nhiều năm rồi."

"Tôi cũng ở đó nhiều năm, nhưng hình như chưa từng gặp anh."

Có lẽ nhận ra sự đề phòng của tôi, anh khẽ cười, bỗng nói một câu chẳng liên quan:

"Tôi biết ở ngã tư phía Tây có một quán bán hạt dẻ ngào đường. Cậu ăn chưa? Dở tệ."

Tôi thở phào nhẹ nhõm, dựa lưng vào ghế, cười ngại ngùng:

"Phải, dở tệ thật."

Trong ký ức của tôi, quầy hạt dẻ đó là của một ông lão. Bà vợ ông mỗi ngày cứ lượn quanh quầy, vừa ăn hạt dẻ vừa gân cổ hét lên: "Thơm ngon ngọt lịm!" Nhưng ăn xong lại lập tức quay đầu nhổ ra.

Ngoài ra, bà còn ép khách nếm thử hạt dẻ đã bóc sẵn, bảo rằng "ăn thử miễn phí", nhưng chỉ cần đưa vào miệng, chắc chắn phải mua một phần.

Tôi chính là nạn nhân của chiêu này—bị nhét một hạt vào tay, sau đó bất đắc dĩ tốn mười tệ mua một túi hạt dẻ ngào đường mà theo tôi thấy là khó ăn nhất thế giới.

Bên trong xe rất sạch, dường như còn có mùi nước hoa dễ chịu, hoặc cũng có thể là hương nước xả vải trên quần áo anh.

Mười sáu tệ, đưa tận cửa nhà, không cần tranh chỗ, mùa hè còn có điều hòa, đúng là một vụ làm ăn tốt.

Xe buýt cũng mất mười hai tệ cơ mà.

Thế là tôi nghiêng đầu hỏi hắn:

"Hôm nào cũng mười sáu tệ à?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dammy