Chương 1: Trước Lúc Đi Xa Phải Xem Ngày Tốt.

Tháng giêng vừa qua đi, ven Kính hồ hạ xuống một trận tuyết lớn, toàn bộ huyện Sơn Âm đều bị phủ trong một tầng trắng thuần. Tại thị trấn phía tây, có một thôn nhỏ sinh sống vài trăm nhân khẩu, tên là thôn Nhã Trúc.

Thôn này có vẻ không lớn, nhưng lại nổi danh trong toàn bộ vùng Chiết Giang. Có hai nguyên nhân khiến nó nổi danh, đó là trong tên thôn có một chữ "Nhã" và một chữ "Trúc". "Nhã" là chỉ nơi này lịch sự tao nhã, cũng có nhiều nhã khách xuất hiện.

Thôn Nhã Trúc thịnh hành việc đọc sách, văn nhân được tôn kính, người người đều là nhã khách, cho dù là một tiểu đồng bốn năm tuổi chơi đùa ở ven đường, cũng có thể thuận miệng làm vài câu thi văn, nói ra nhiều lời có đạo lý.

Trúc, là chỉ xung quanh nơi này có một rừng trúc rất lớn. Rừng trúc này rộng đến ngàn khoảnh, giống như một cái túi tiền, bao quanh toàn bộ thôn làng, măng non và trà trúc diệp của thôn Nhã Trúc cũng là vật phẩm thượng đẳng, lừng danh.

Đầu thôn Nhã Trúc, có mảnh đất tròn với hàng rào vây quanh vài dãy nhà tường trắng ngói đen, trong đó có một căn nhà nhỏ lịch sự tao nhã, trên mái hiên còn đang đóng băng.

"Cót két" một tiếng, cửa bị mở ra, phía trong cửa, một tiểu oa nhi bốn năm tuổi nhô đầu ra, hướng về rừng trúc xanh đang bị tuyết trắng bao phủ phía xa xa nhìn quanh.

Đứa trẻ này trắng nõn, khuôn mặt nhỏ nhắn tròn xoe, đôi mắt to đen láy, mũi nhỏ miệng nhỏ, tinh xảo khả ái. Đầu đội mũ quả dưa hình thỏ, hai cái tai thỏ thật dài rũ xuống bên tai, trên búi tóc cột một cái chuông nhỏ, bé khẽ động, chuông lắc lư leng keng. Trên người mặc chiếc áo gấm nhỏ màu trắng, cổ áo cùng tay áo đều đính lông thỏ, trên tay cầm một cái noãn lô nhỏ sưởi ấm, bên ngoài còn khoác một cái áo choàng nhỏ màu hồng, trên chân mang một đôi giày da hươu, xem ra người lớn nhà này cực yêu thương, sợ bé lạnh, bao bọc như một cục bông.

Tiểu oa nhi đứng ở cửa hướng về rừng trúc nhìn quanh, trong miệng lẩm bẩm, dùng tốc độ thật chậm nói: "Phụ thân sao còn chưa quay trở về nha."

Sâu trong rừng trúc, có một ngọn núi đá nhỏ, dưới vách núi có dòng suối được gọi là TrúcThanh.Dòng suối này một năm bốn mùa đều có nước suối trong suốt chảy ra, hợp thành một dòng nhỏ chảy vào hồ, nghe nói đã chảy trăm nghìn năm, vì trong nước suối đặc biệt có mùi lá trúc mà được đặt tên như thế, là thượng phẩm dùng để nhưỡng rượu và pha trà.

Bên cạnh suối Trúc Thanh có một con lừa con lông ngắn đang đứng, trên lưng thồ hai cái bình nhỏ.Một thư sinh mặc áo trắng mỏng, bên ngoài khoác áo lụa trắng nghiêng người ngồi trên núi đá, dùng một cái muôi dài làm bằng trúc, vớt những hòn đá nhỏ vụn bên trong nước suối.

Đá trong nước đó chia làm hai loại, một loại xanh, một loại trắng. Thư sinh cẩn thận tỉ mỉ vớt đá ra, phân biệt, màu xanh thả vào bình bên trái, màu trắng thả vào bên phải, đã được nửa bình.

Khí trời rất lạnh, thư sinh này tuy mặc không ít, nhưng hai tay mò đá trong nước lạnh cũng đã tê cóng, tay áo xắn lên, lộ ra cổ tay mảnh khảnh, ngón tay thon gầy trắng nõn, đông lạnh đến đỏ ửng.

Lừa lông ngắn tựa hồ nóng nảy, lắc lắc đuôi kêu to hai tiếng, đi đến cắn ống tay áo của thư sinh.

Thư sinh nhợt nhạt cười, "Gấp cái gì, nhanh thôi."

Giữa lúc thư sinh định đóng chặt cái bình, đột nhiên, trong rừng trúc truyền đến tiếng xào xạc.

Thư sinh sửng sốt, xoay mặt nhìn qua, nhủ thầm -- Vùng này hẳn là không có dã thú chứ.

Đang nghĩ ngợi, trước rừng trúc, chỗ bụi cây tách biệt hai bên, một hán tử trung niên ăn mặc cũ nát, tóc tai tán loạn chạy vọt ra, cầm trên tay một cây côn, chỉ vào thư sinh nọ, hung ác kêu: "Mang bạc giao ra đây."

Thư sinh hơi sửng sốt, thôn Nhã Trúc cách biệt với bên ngoài, từ trước tới nay thái bình, ở đâu ra cướp? Thấy nam tử không giống người địa phương, bèn hỏi hắn: "Ngươi là ai?"

Nam tử kia lạnh cóng đến nỗi mũi đỏ bừng, run run tiếp tục phô trương thanh thế: "Ít nói nhảm..."

Vừa nói vừa quan sát tướng mạo thư sinh, nhìn kỹ liền giật mình.Thư sinh này hết sức nhỏ gầy, không cao không thấp, tư văn nhã nhặn, tóc dài hơn những nam tử khác, tùy ý buộc tại sau đầu.

Trong rừng có gió nhẹ, vài ngọn gió khẽ lướt qua làn tóc đen nhẹ bay, lọn tóc còn vương vài bông tuyết trắng, đại khái do vừa đi qua cánh rừng, tuyết từ trên lá trúc rơi xuống. Thư sinh này trông cực kỳ tuấn mỹ, lại còn mặc một thân trắng toát, đứng ở nơi nhiều tuyết, thoạt nhìn... còn tưởng là tiên giáng trần.

Thư sinh thấy đại hán không nói lời nào, cũng tinh tế quan sát hắn. Hắn thoạt trông nghèo rớt mồng tơi, chân mang giày vải, trên chân có một vệt đỏ, là vết thương do đao kiếm để lại, bèn nhịn không được nhíu mày: "Vết thương trên đùi của ngươi bị đông lạnh, nếu không chữa trị tốt, sau này chân coi như tàn phế."

Đại hán sửng sốt, đúng là hắn cảm thấy chân vừa tê vừa đau, có chút khó điều khiển, nhưng lúc này hắn bất chấp, chỉ lo uy hiếp thư sinh: "Ngươi ít quản, mang bạc giao ra đây."

"Ta sống không xa nơi này, ra ngoài không mang theo bạc. Hơn nữa, mạng sống mà ngươi còn từ bỏ, cần bạc làm gì?" Thư sinh khanh khách cười. Y vốn đẹp, đại hán nhìn thấy nụ cười này có chút quáng mắt, tâm nói vùng Giang Nam này đúng là vùng địa linh nhân kiệt a, người cũng đẹp như vậy...

"Ta... Ta cần bạc mời đại phu!" Đại hán vội la lên: "Ngươi đi lấy bạc đến đây, không thì ta giết ngươi."

Thư sinh suy nghĩ một chút: "Bạc thì ta không có, nhưng ta là đại phu, ngươi muốn trị chân của ngươi à?"

"Ngươi... Ngươi là đại phu?" Đại hán kinh hãi.

Thư sinh gật đầu, cực kỳ tự tin: "Ta là đại phu giỏi nhất vùng này."

"Thật... Thật tốt quá, ông trời có mắt!" Đại hán xông đến, chặn ngang thư sinh nọ: "Đi! Ngươi đi theo ta! Đi cứu nương tử của ta."

Thư sinh bị hắn túm kéo vào sâu trong rừng, trong lòng nghi hoặc... Cứu nương tử?

Đi qua rừng trúc, tới hang động trong một ngọn núi nhỏ, bên cạnh đống lửa trong động, có một nữ tử trẻ dựa vào bên vách, trên đầu vai là một vệt máu lớn, hiển nhiên cũng là bị thương do đao kiếm.

Thư sinh thấy tình cảnh đó, bước nhanh đến bên người nàng kiểm tra. Từ trên lưng con lừa lông ngắn vừa theo tới lấy xuống hòm thuốc màu trắng, lại duỗi tay lấy cái bình bên cạnh, đem những viên đá vừa vất vả kiếm được đổ hết đi, nói với nam tử nọ: "Lấy tuyết bỏ vào trong bình, dùng làm nồi đun thành nước nóng."

"Được!" Đại hán vội vàng nghe theo.

Thư sinh dùng nước nóng giúp nàng kia rửa sạch vết thương, lấy ra kim châm, dùng sợi chỉ cực mảnh giúp nữ tử khâu vết thương, nam tử nọ nhìn thấy hết hồn, hỏi: "Đây là..."

Thư sinh không để ý đến hắn, chuyên tâm giúp nàng kia trị thương, đắp thuốc lên vết thương vừa khâu xong, cuối cùng dùng băng gạc băng lại, cho nữ tử ăn đan dược do chính y làm, chỉ trong chốc lát, sắc mặt nữ tử dần tốt lên, người cũng thanh tỉnh.

Thư sinh lại bảo nam tử nọ ngồi xuống, chữa trị vết thương trên đùi cho hắn, phát hiện trên người hắn có nhiều chỗ bị đánh đến bầm đen, bèn hỏi: "Sao các ngươi lại trở thành như vậy?"

"Nói ra thì dài lắm." Nam tử thở dài: "Phu thê chúng ta bị kẻ thù truy sát, chạy trốn tới thôn trang phía trước. Nương tử bị thương nặng, ta vốn định tìm một đại phu giúp nàng trị thương, nhưng lộ phí đã dùng hết. Ta vừa bất đắc dĩ lại nóng ruột, đã định ép buộc lang trung kia chữa bệnh, bị nô bộc của lang trung đánh ột trận. Ta không còn cách nào đành phải dắt nương tử đào tẩu, đến rừng trúc này nương tử liền bất tỉnh... ta cực kì bất đắc dĩ, mới nổi ý xấu muốn cướp đoạt ngân lượng, mời lang trung tới trị cho nàng..."

Thư sinh gật đầu, thu dọn hòm thuốc: "Hai ngươi đã không còn nguy hiểm, đi đến phía trước, tìm một trấn điếm hảo hảo nghỉ ngơi một vài ngày, đợi vết thương lành lại thì có thể cắt chỉ, sau đó mua dượt đắp lên."

Nam tử cười khổ gật đầu, chợt thấy thư sinh đưa qua cho hắn một túi tiền.

Tiếp nhận túi tiền, đại hán kinh ngạc, thư sinh cười: "Vì ngươi nói muốn cướp bạc, ta đương nhiên không thể nói cho ngươi biết trên người ta có bạc."

Nam tử nhìn túi tiền một chút, rồi quỳ xuống đất hành lễ với thư sinh nói lời cảm tạ, thư sinh phất phất tay: "Ta thấy ngươi đối với nương tử của mình trọng tình, mà nàng lại có thai, ngươi phải chiếu cố thật tốt."

"Cái gì?" Nam tử há to miệng, có câu băng hỏa lưỡng trọng thiên, vừa mới cảm thấy cực kỳ bi thương, bây giờ thì lại mừng rỡ như điên.

Thư sinh dắt con lừa lông ngắn đi bộ trở về, nam tử kia vượt qua vài bước hỏi: "Xin hỏi tôn tính đại danh của tiên sinh, ngày khác nhất định báo đáp."

"Ừm." Thư sinh gật đầu, cũng không khách sáo với hắn: "Ta là Công Tôn Sách, sau này nếu ngươi thực sự phát đạt, hãy giúp thôn trang vùng Kính hồ mở thêm vài hiệu thuốc đi."

Nói xong dắt lừa đi.Công Tôn vừa về đến cửa thì thấy một tiểu hài nhi lao ra, vươn một tay ôm lấy y, ngẩng mặt nó: "Phụ thân thật chậm."

Công Tôn nhéo nhéo hai má của tiểu hài nhi: "Tiểu Tứ Tử, không phải đã dặn con đừng chạy ra sao."

Tiểu Tứ Tử nguyên danh là Công Tôn Cẩn, bởi vì đứng hàng thứ tư, nên đặt nhũ danh là Tiểu Tứ Tử. Công Tôn năm nay vừa mới hai mươi, đương nhiên sẽ không có một đứa con năm tuổi.

Kỳ thực đây là đứa trẻ của họ hàng bên nội. Đứa trẻ này từ lúc nhỏ đã luôn ốm yếu, đầu óc cũng hơi ngốc, họ hàng nghĩ nuôi sẽ không lớn nên không muốn. Công Tôn bèn nhận làm con nuôi.Công Tôn đối với hài tử thương yêu vô cùng, ngày ngày cẩn thận tỉ mỉ chiếu cố, dùng thuốc tốt điều bổ thân thể, dạy bé đọc sách viết chữ.

Nuôi dưỡng năm năm, Tiểu Tứ Tử không những lành bệnh, mà càng lớn càng khả ái đáng yêu. Họ hàng lại muốn bắt về, Công Tôn không cho, Tiểu Tứ Tử cũng chỉ nhận thức Công Tôn làm cha, cách xa liền khóc nháo không ngừng, hai người cứ nương tựa lẫn nhau như vậy ngày qua ngày. Tiểu Tứ Tử về phương diện nào cũng đều rất tốt, cho dù ngốc, nói chuyện thì chậm, gan cũng nhỏ chút, cũng như khi còn bé phát sốt cao liền làm ầm ĩ. Nhưng mà Công Tôn nghĩ, tiểu hài tử ngốc một chút, cũng rất khả ái.

Tiểu Tứ Tử từ trong lòng lấy ra một phong thư, đưa cho Công Tôn: "Vừa có người đưa tới."

Công Tôn nhận thư nhìn lướt qua, thấy đây là từ Khai Phong gửi tới, có chút khó hiểu.Thư là do một người bạn cũ trước đây cùng trường với Công Tôn gửi tới, người này tên Chu Minh, ba năm trước vào Khai Phong, trong thư nói, hắn hiện tại đang làm việc ở phủ của Cửu Vương gia.

Cửu Vương gia thì Công Tôn đương nhiên biết, Binh Mã Đại Nguyên Soái Triệu Phổ danh chấn thiên hạ, đóng giữ tại biên quan vùng Tây Bắc, tính cách rất bá đạo, dũng mãnh thiện chiến, Liêu binh và Tây Hạ binh đều cực kì e ngại Triệu gia quân của hắn. Gần đây quốc thái dân an, lâu rồi không có chiến hỏa, kỳ thực đều là nhờ công lao của hắn.

Trong thư nói hoàng nương của Cửu Vương gia, Minh Dương công chúa từ hơn mười năm trước mắc phải bệnh phong thấp, ngày ngày bị bệnh dày vò đau nhức. Cửu Vương gia tốn hao thật nhiều nhân lực mời đến rất nhiều danh y trong thiên hạ, thế nhưng thủy chung trị không hết. Chu Minh nói rõ Vương gia có ơn với hắn, nên muốn mời Công Tôn đến Khai Phong giúp vị lão Thái Phi này chữa bệnh.

Công tôn đọc xong thư, thoáng nghĩ một hồi, rồi hỏi Tiểu Tứ Tử còn đang ôm mình: "Tiểu Tứ Tử, có muốn đến Khai Phong du ngoạn không?"

Tiểu Tứ Tử lập tức cười đến rạng rỡ: "Muốn, phụ thân đi chỗ nào, Tiểu Tứ Tử đi chỗ đó."

Công Tôn ôm lấy bé: "Vậy chúng ta thu xếp hành lý, sáng mai sẽ lên đường đi Khai Phong."

...

Nếu nói thứ đang rơi ở vùng Giang Nam là mưa tuyết, vậy thì nơi Ải Bắc, lại là bão tuyết bay đầy trời như lông ngỗng.Hắc Phong thành ở biên cảnh Tây Bắc đã được xây dựng thành chỗ trú của Tống quân vùng biên ải, có điều gần đây lâu dài không chiến sự, trận trước Liêu Vương ngã ngựa mà chết. Trong nội bộ Liêu quốc đám hoàng tử tranh đoạt vương vị đánh nhau túi bụi, chính bọn chúng còn bận rộn bù đầu, chỗ nào còn tâm trí tấn công Đại Tống?!

Tây Hạ cũng không nhàn rỗi, lúc trước vừa đánh một trận lớn, Lý Nguyên Hạo bị Triệu Phổ dần cho tơi tả, thiếu chút nữa phải tán gia bại sản mà bồi thường chiến phí, nói sợ Triệu Phổ, treo miễn chiến bài cùng Đại Tống nghị hòa ngưng chiến, vừa vặn trong nước có người tạo phản, cũng tập trung bình định nội loạn.

Đã không có chiến sự, bách tính tự nhiên sẽ vui vẻ, quân nhân cũng vui vẻ, chỉ có một người nhàn rỗi đến mức hốt hoảng.

Nam Hắc Phong thành, trong phủ nguyên soái.

"Nguyên soái, ngài đừng đi qua đi lại nữa được không?" Phó tướng Hạ Nhất Hàng đang viết công văn, tình hình ở biên quan phải định kỳ thông báo về cho triều đình.

Vốn người viết chiết tử phải là nguyên soái, có điều Triệu Phổ cực kỳ lười nhác, ngoại trừ chiến tranh giương đao múa kiếm khiến hắn phấn chấn, hết thảy những thứ khác thì đều thiếu thiếu hứng thú, bình thường ngay cả cây bút cũng lười cầm. Lần kia Hạ Nhất Hàng ép hắn tự viết chiết tử, hắn liền chấm mực viết một chữ "Tốt" thật to, sau đó phái người đưa vào trong cung, hoàng đế Triệu Trinh nhìn thấy chỉ phải thở dài.

Cuối cùng, toàn bộ công việc chỉ có thể để cho vị phó tướng lao lực mệnh Hạ Nhất Hàng này đảm nhiệm, có điều Triệu Phổ còn nhàn rỗi, ở trước mắt hắn lúc ẩn lúc hiện, khiến cho tay cầm bút của Hạ Nhất Hàng run lên.

Triệu Phổ quay đầu lại, liếc qua chiết tử Hạ Nhất Hàng đang viết, bĩu môi chậc chậc hai tiếng: "Quá khó nhìn, ngươi không thể viết chữ đẹp hơn sao?"

Hạ Nhất Hàng cắn răng: "Ta cũng là võ tướng đó, làm sao có thể viết thứ đồ bỏ này, nguyên soái, sao ngươi không tìm một thư sinh đến viết đi?"

Mí mắt Triệu Phổ giật giật, xanh mặt: "Đừng nhắc đến thư sinh với ta, xui!"

"Thư sinh thì làm gì ngươi?" Hạ Nhất Hàng nhỏ giọng nói thầm: "Văn võ mỗi thứ một nửa, làm việc không khó."

Triệu Phổ cười gượng hai tiếng: "Con mọt sách có cái khỉ gì để dùng chứ, cả ngày cầm bút viết văn, lời hay không nói toàn nói những thứ khó hiểu, chén nhỏ ăn cơm chén nhỏ uống rượu, gầy như đàn bà, chẳng giống nam nhân, phiền!"

Hạ Nhất Hàng tranh cãi: "Bên trong triều đình còn có phân nửa là quan văn đó."

"Đúng vậy." Triệu Phổ liếc mắt trừng lại: "Ta đây nhìn không vừa mắt, sao hả?"

Hạ Nhất Hàng không dư hơi cùng hắn ầm ĩ, âm thầm thở dà - tính tình kiểu này, thực sự là...

Trước mắt là Cửu Vương gia danh chấn thiên hạ, nhưng cũng chỉ là một tiểu tử cứng đầu ngoài hai mươi tuổi mà thôi, lúc chiến tranh nhiều đại tướng nước khác lần đầu thấy hắn cũng đều cả kinh, tuổi tác cùng danh tiếng không hợp a.

Vóc dáng Triệu Phổ rất cao, cường kiện xốc vác, hơn nữa thiên phú dị bẩm, ngay cả thanh trảm mã đao hắn sử dụng kia, cũng phải vài binh sĩ cùng nhau nhấc mới nổi.

Hoàng nương của Triệu Phổ là công chúa Minh Dương của bộ tộc Đột Quyết Tháp Tháp, bộ tộc Tháp Tháp là tộc du mục quanh năm sống trên lưng ngựa, dũng mãnh thiện chiến, mẫu thân hắn là bị đưa đến Đại Tống hòa thân.

Nguyên bản hoàng đế lúc đó không hề thích cô nương dị tộc, cảm thấy dã man, chỉ là hôn nhân chính trị mà thôi. Nhưng dung mạo của Minh Dương công chúa cực kì xinh đẹp, hoàng đế lâm vào si mê, phong làm quý phi, phi thường sủng ái.

Lúc ấy hoàng đế đã gần ngũ tuần, hoàng tử nhỏ nhất cũng đã hơn mười tuổi, thế nhưng Minh Dương công chúa lại sinh cho ông một long nhi, điều này khiến lão hoàng đế mừng rỡ vô cùng. Chỉ là trời không chiều lòng người, hoàng tử này, cũng là Triệu Phổ, khi sinh ra một con mắt có màu xám tro. Con ngươi của người Hán đều là màu đen, mắt xám chính là yêu đồng!

Nghe đồn loại hài tử này sẽ mang đến tai họa, lúc đó hoàng đế hạ lệnh đòi xử tử Triệu Phổ.Minh Dương công chúa trời sinh tính tình quật cường, cố chấp mang theo Triệu Phổ rời cung, trở về bộ tộc Tháp Tháp, tự mình dốc lòng nuôi Triệu Phổ lớn khôn tại thảo nguyên mênh mông.

Cho đến khi Triệu Phổ mười tuổi, lão hoàng đế mất, hai người mới được tiên hoàng, cũng là tứ ca của Triệu Phổ đón trở lại, xây dựng Cửu Vương phủ ở tại Khai Phong.

Minh Dương công chúa bởi vì vừa sinh ra Triệu Phổ liền dẫn con đi xa, bệnh căn không dứt, thân thể vẫn không tốt, Triệu Phổ và bà rất được Bát Vương chiếu cố.Đương kim hoàng đế Triệu Trinh khi ấy cũng được gửi nuôi tại Bát Vương phủ, vì vậy Triệu Phổ mới cùng hoàng chất nhỏ hơn một tuổi này làm bạn cùng nhau chơi đùa. Vài năm trước Triệu Trinh đăng cơ, biên quan báo nguy.

Triệu Trinh lớn mật phong cho Triệu Phổ - hoàn toàn chưa đến hai mươi tuổi nhậm chức biên ải nguyên soái.

Triệu Phổ cũng không phụ sự mong đợi của mọi người, một trận này, đánh cho người Liêu và Tây Hạ nghe tiếng sợ vỡ mật. Triệu Phổ cũng từ hôi nhãn yêu đồng khi xưa trở thành hôi nhãn Tu La ngày nay.

"Ai, thật là chán chán chán quá." Triệu Phổ ngồi vào ghế trên, cảm thấy cả người khó chịu: "Hay là thương lượng với đám Lý Nguyên Hạo và đám lừa, ta giúp bọn hắn bình nội loạn, chờ bình xong chúng ta lại đánh tiếp."

Hạ Nhất Hàng cả kinh trợn to hai mắt: "Nguyên soái, ngài đừng nói liều."

Triệu Phổ nắm tay chống cằm, nhìn tuyết bay đầy sân tiếp tục thở dài.Hạ Nhất Hàng bất đắc dĩ, nếu chỉ nhìn Triệu Phổ một cách đơn thuần, tuyệt đối không đoán được thân phận của hắn, có lẽ do trưởng thành trên thảo nguyên, hắn chả có một chút dáng vẻ hoàng thân quốc thích nào cả. Cả ngày cà phơ cà phất, ngay cả tóc cũng lười chải, tùy tiện buộc, cũng chưa bao giờ mặc áo gấm đai ngọc, chỉ mặc một bộ hắc bào rộng.

Nếu ngươi nói hắn là mã tặc, số người tin khẳng định so với khi nói hắn là Vương gia còn nhiều hơn. Có điều Triệu Phổ giống như mẫu thân hắn, ngũ quan đường nét phân minh, anh tuấn đến mức có chút bá đạo, đủ tiêu sái đủ tự tại, nhưng lại không đứng đắn... Bất quá cơ hồ toàn bộ nữ nhân vùng biên quan đều mê muội hắn, đây đại khái gọi là nam nhân không hư hỏng thì nữ nhân không thương đi.

"Nguyên soái." Hạ Nhất Hàng xáp qua nói: "Nếu như ngươi cảm thấy không vui, chi bằng tìm một nha đầu thành thân sinh con đi? Hai ngày trước không phải Vương Phi đã gửi thư thúc giục ngươi thành thân sao?"

Triệu Phổ nhướng nhướng mi: "Thành thân cái gì, tiếng nói của cô nương người Hán còn nhỏ hơn cả tiếng con muỗi vo ve, cúi đầu không dám nhìn người, ngoại tộc thì quá hung dữ, một chút dáng vẻ nữ nhân đều không có, chả ai thèm để ý."

Hạ Nhất Hàng bị hắn chọc cho tức giận đến méo mũi, rủa thầm trong bụng, ngươi dứt khoát lấy nam nhân cho rồi đi.Chính lúc này, một trong những ảnh vệ của Triệu Phổ là Tử Ảnh chạy vào: "Vương gia."

"Gì?" Triệu Phổ nhìn thấy bức thư cầm trên tay hắn, nhíu mày: "Nương lại khó chịu sao?"

"Không phải." Tử Ảnh vui vẻ: "Là lời nhắn của gia tướng Vương phủ gửi tới, nói Chu Minh mời một thần y đồng hương với hắn đến chữa bệnh cho vương phi, nghe nói thần y này rất lợi hại, bệnh gì cũng đều có thể trị."

"Có thật không?" Triệu Phổ xoay người một cái từ trên ghế nhảy xuống, tiếp nhận thư liếc sơ qua rồi nói: "Ta phải trở về một chuyến, dắt ngựa lại cho ta."

"Ai, nguyên soái, ngươi mang bao nhiêu người?" Hạ Nhất Hàng đã định đi chuẩn bị.

"Mang người làm gì, có phải đi đánh giặc đâu." Triệu Phổ kích động thu thập một bọc y phục nhỏ, vắt trên lưng, phi thân lên ngựa.

Chiến mã Hắc Kiêu của hắn cũng có tính tình y như Triệu Phổ, vừa thấy có thể đi ra ngoài, liền tung bốn vó lao vù ra, một người một ngựa toàn thân đen tuyền, đạp tung những bông tuyết bay loạn, phóng như bay về phía xa xa.

Mà hầu như cùng lúc, Công Tôn cũng dẫn theo Tiểu Tứ Tử, cưỡi lừa lông ngắn ra cửa, tiến đến Khai Phong.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top