Chương 7: Nghiên Xuân

   Tối hôm đó, Thuấn Anh kêu khó ngủ, ôm gối chạy sang ngủ chung với Lương Thiềm. Nàng ngủ một mạch đến tận sáng, tỉnh dậy sảng khoái, không đau đầu nhức mắt.

   Lương Thiềm giúp nàng chọn trang sức, hai tỷ muội dắt tay nhau đi thỉnh an lão phu nhân. Náo nhiệt một hồi rồi trở về, lại thấy nha hoàn Cốc Lan của tam di nương đứng chờ.

   Tam di nương, cùng các di nương trong phủ không sống cùng các tiểu thư công tử. Quy định này không phải là cũ, mà là do phu nhân, sau khi nhị di nương sau nhị công tử mới đặt ra. Lấy lí do con cái trong nhà vốn là phải đưa đến cho chủ mẫu nuôi dưỡng, ngoại lệ trước kia là nhị tiểu thư sinh thiếu tháng yếu ớt, đứa trẻ bám hơi mẹ nên mới cho đại di nương giữ bên mình một thời gian.

   Tam di nương sống ở Mật Chỉ các, ở phía tây phủ quốc công, trên đường đi phải đi qua hoa viên, một dòng suối giả chạy ngang, bắc qua bằng một cây cầu đá.

   Bước vào sân, đã thấy hoa cỏ xanh mướt, một bàn trà với bốn mây phủ đệm kê trong sân, trên bàn bày một bộ chén sứ ngọc màu xanh ngọc bích. Tam di nương ngồi bên bàn đọc sách, nghe thấy tiếng bước chân, quay đầu lại mỉm cười.

   Tam di nương họ Phí, người Ninh Chỉ ở phía Đông Bắc Kinh thành. Nghe di nương kể, người cũng từng là con nhà thư hương, sau này gia cảnh thất thế, di nương nhờ người giới thiệu, dựa vào kiến thức được phụ thân người chỉ dạy đi làm nữ sư dạy chữ, đọc sách cho nữ nhi những gia đình khá giả. Quốc công gia có việc đi tới Ninh Chỉ, nhìn trúng di nương nên mới đưa về phủ.

   Tam di nương đã gần bốn mươi tuổi mà nhan sắc vẫn thanh thoát như đầu ba mươi, mái tóc đen như mực, mềm như thác nước di truyền cho Lương Thiềm, đầu cài một cây trâm phỉ thúy hình cành liễu, hoa tai vàng nho nhỏ, trên người khoác một kiện lăng y màu bích hồ, thắt lưng lụa đỏ thẫm, mang ngọc bội song ngư phủ thúy thúy ti.

   Hai nàng ngồi xuống cạnh di nương, di nương năm tay hai nữ nhi, hốc mắt hồng hồng.

- Hai con vẫn khỏe mạnh, còn xinh đẹp như thế này, ta chẳng còn gì vui hơn. Chỉ tiếc giá mà mẹ con chúng ta được gần gũi nhiều hơn.

   Tam di nương nói tới đây, Lương Thiềm cũng nghẹn ngào, Thuấn Anh thấy hốc mắt nóng lên.

   Tam di nương hỏi han một lúc, rồi gọi nha hoàn lấy từ trong buồng ra hai cái bọc.

- Năm ngoái quốc công gia trên điện được hoàng thượng ban thưởng, trong đó có mấy xấp tơ lụa tốt, quốc công gia lại thưởng cho ta một ít. Ta thấy chất vải vừa mịn vừa mát, muốn làm thành hai kiện váy cho các con. Ai ngờ tay nghề ta giờ ngày càng kém, chậm trễ lâu như vậy.

   Tam di nương giục hai người.

- Mau mở ra xem xem.

   Chất vải lụa mịn màng mềm mại, sờ tay vào thấy hơi mát lạnh. Của Thuấn Anh là anh thảo sắc, thân váy dùng chỉ bạc thêu hồ điệp phi hoa. Của Lương Thiềm là hồ lam sắc, thân váy thêu du ngư và hoa sen, phủ lên một tầng nhuyễn sa như sương khói.

- Di nương, thật sự đẹp quá!

   Thuấn Anh không nhịn được thốt lên, tay mân mê đường thêu tinh xảo. Hoa văn dùng chỉ bạc thêu, trên nền anh thảo sắc, theo ánh sáng chiếu vào mà như ẩn như hiện.

   Tam di nương nhìn gương mặt hai nữ nhi, ánh mắt khóe miệng đều ánh lên vẻ yêu thương. Nàng nắm tay hai nữ nhi, nhẹ giọng nói.

- Các con thích là được rồi. Cũng sắp trưa rồi, mau trở về đi, kẻo người khác chú ý.

   Nhìn tam di nương cẩn thận như thế, trong lòng Thuấn Anh như thít lại. Nhưng nàng cũng chỉ đành đứng dậy hành lễ cáo từ rồi cùng Lương Thiềm rời đi.

   Trên đường, nàng ôm bọc váy trong tay, khoác tay Lương Thiềm, thì thào.

- Di nương thêu thật đẹp. Người lại còn làm cho cả hai chúng ta.

    Lương Thiềm hiểu ý nào, ánh mắt ướt ướt như muốn khóc. Nàng ta nắm lấy tay Thuấn Anh, hai tỷ muội cứ thế rảo bước trở về Vĩnh Xuân viện.

__________

   Chiều đó Thuấn Anh nghe từ Tiểu Tuyết rằng có xe ngựa của phủ Văn Đình hầu đỗ ngoài cổng. Hai phủ cũng xem có chút qua lại từ trước, sau này lại có hôn sự nên càng thân thiết, Văn Đình hầu đến thăm phủ quốc công cũng chẳng có gì lạ. Cái lạ là lại còn dẫn theo đệ đệ là nhị gia Dung gia tới cùng.

   Thuấn Anh nhẩm tính, đoán hầu phủ cũng sắp mãn hạn tang kỳ, hôn sự của Cổ Nghiên Xuân và Dung Thế Bân cũng nên được tính tới rồi. Nghiên Xuân vì chờ hắn mà giờ đã mười chín tuổi, bình thường ở thời đợi này đã là gái ế chồng.

   Thuấn Anh sai Sơn Trà đi tìm một hũ thủy tinh thật đẹp để bày thủy tiên rồi mới sắp xếp đi gặp Cổ Nghiên Xuân.

   Cổ Nghiên Xuân ở Hạnh Hoan lâu, gọi như vậy vì trong sân có trồng một cây hoa hạnh cao vượt mái nhà. Hạnh Hoan lâu có hai tầng, trước khi nhị tỷ Cổ Thục Lệ xuất giá cũng ở đây. Hai người Thục Lệ và Nghiên Xuân đều do đại di nương sinh ra.

   Khi nghe nha hoàn báo nàng đến thăm, Nghiên Xuân cũng ngạc nhiên. Thuấn Anh ngồi đợi ở phòng khách không lâu, đã thấy Nghiên Xuân tiến vào.

   Đại di nương vốn là nha hoàn thông phòng của quốc công gia, ngoại hình tuy không thể so với nhị di nương băng thanh ngọc khiết nhưng cũng có một loại mềm mại xinh đẹp. Nghiên Xuân gương mặt cực giống đại di nương, chỉ khác đôi mắt phượng có hàng lông my dài là giống lão phu nhân. Nàng ta búi búi tóc triêu vân cận hương, cài trâm vàng hồ điệp nạm ngọc hồng lựu cùng ngọc xanh biển, đeo hoa tai dài bằng vàng nạm hoàng ngọc. Áo khoác ngoài màu úy lam thêu thúy tước, váy sa màu nguyệt bạch, thắt thắt lưng gấm màu điện lam, bên hông đeo túi thơm cùng ngọc bội.

   Vẻ ngoài vừa quý phái, vừa mềm mại, vừa có nét chững chạc, vừa mang vẻ thanh thoát. Nghiên Xuân, Nghiên Xuân. Nghĩ lại, thấy quốc công gia đặt tên này thật đúng. Trong mấy tỷ muội Cổ gia, Nghiên Xuân là người xinh đẹp nhất.

   Chỉ tiếc hồng nhan bạc phận, kết cục của Nghiên Xuân ở kiếp trước, là một điều ám ảnh nàng mãi suốt cả đời.

   Khi đó Thượng Quan Tàn Nguyệt còn sống, Dung Thế Bân mê muội nàng ta, lại bị khúc mắc trong lòng là hôn sự với Nghiên Xuân mà dằn vặt. Tàn Nguyệt theo chủ nghĩa hiện đại, biết được nỗi khổ tâm của hắn, khuyên bảo hắn rằng con người sinh ra, vận mệnh trong tay mình, do mình làm chủ. Con người hiện đại chân chính là phải chạy thoát khỏi những gôm cùm xiềng xích lễ giáo cổ hủ, đi tìm tự do, hạnh phúc cho chính mình.

   Dung Thế Bân muốn đuổi theo "hạnh phúc" của mình, kiên quyết đến tận phủ Vĩnh quốc công từ hôn với Nghiên Xuân, mặc cho quốc công gia chửi bới vang ầm ĩ chính đường. Hắn quay trở về hầu phủ, không biết là làm cách nào mà khiến trưởng bối Dung gia cũng đồng ý hủy hôn.

   Lúc đó đã là tối muộn, nhưng nàng biết hôm đó là ngày rằm, Dung Thế Bân và Tàn Nguyệt sẽ ở Tồn Cúc trai thưởng nguyệt ngâm thơ. Nàng không nghe lời Lương Thiềm ngăn cản, dùng một túi bạc hối lộ, cho phu xa lái xe đi đến Tồn Cúc trai.

   Ở cửa bị chặn không cho vào, nàng lôi cả tên phủ Vĩnh quốc công ra để đe dọa thì thấy tên hầu cận bên người Dung Thế Bân đi tới, nói Tàn Nguyệt tiểu thư nghe nói tiểu thư đến, mời tiểu thư vào trong. Nàng theo hắn dẫn đi tới một khoảng sân rộng, góc sân có cây lớn, xung quanh có hoa thơm cỏ lạ, chính giữa là bàn đá, Dung Thế Bân và Tàn Nguyệt đang ngồi đối diện, tiếng cười nói, thơ từ vang trong không trung.

   Ánh mắt nàng ta ngà ngà say, hỏi nàng đến đây làm gì. Mà nàng như ngọn lửa đổ thêm dầu, không màng hình tượng lao đến tát thẳng vào mặt Dung Thế Bân. Nàng chỉ nhớ, lúc đó nàng to tiếng chửi hắn mê muội đến tâm cũng không còn, hỏi hắn rằng hắn từ hôn, vậy Nghiên Xuân đã chờ hắn suốt ba năm thì làm sao.

   Tàn Nguyệt kích động đứng dậy nói hôn nhân do cho mẹ sắp đặt, Dung Thế Bân không có tình cảm với Nghiên Xuân, Nghiên Xuân cũng chỉ là do nặng trách nhiệm lễ giáo phong kiến nên không dám buông bỏ. Con người sinh ra có tự do, sao có thể để số phận mình cho người khác sắp đặt.

   Nàng ta còn chưa nói hết câu, nàng đã lao tới, định tát nàng ta thật, nhưng đã bị Dung Thế Bân giữ lại. Nàng nổi cáu quay ra tát lại hắn, chửi cả một đôi tra nam cẩu nữ, vô sỉ hạ tiện.

   Sau đó Dung Thế Bân sai người cưỡng ép đưa nàng về phủ, trở về rồi, nàng bị phạt mười roi, quỳ trong từ đường  suốt một đêm.

   Mười roi trên tay, chảy máu sưng đỏ, Lương Thiềm vừa khóc vừa bôi thuốc băng lại cho nàng. Mà nàng chỉ hỏi rằng có thấy Nghiên Xuân đâu không. Lương Thiềm nói nàng ta vẫn luôn khóa mình trong phòng, đưa thức ăn đến cũng không ăn.

   Băng Sương ra ngoài thu thập tình hình, nói với nàng rằng giờ bên ngoài đã đồn ầm lên rằng nhị tiểu thư phủ Vĩnh quốc công có vấn đề, nếu không thì đã chẳng bị từ hôn đột xuất như vậy. Lại có kẻ tặc lưỡi tiếc thương, nói nàng ta giờ đã là gái già, còn nhà nào dám cầu thân nữa.

   Nàng nhiều lần tự mình đến trước cửa phòng Nghiên Xuân, nhưng người bên trong vẫn mãi im lặng.

   Thế rồi cho đến một buổi sáng, tiếng nhốn nháo đánh thức nàng dậy, Hoàn Lan tái mặt chạy vào, báo rằng nhị tiểu thư đã nhảy hồ tự vẫn rồi. 

   Trong phút chốc, nàng cảm thấy như thứ gì đó trong mình vừa nứt ra rồi vỡ tan, một dòng nước đen kịt từ trong đó chảy ào ạt, tràn khắp đại não rồi lan ra cả thân thể nàng, nhấn chìm lấy toàn bộ.

   Trong đám tang của Nghiên Xuân, nàng nhìn thấy Tàn Nguyệt, nàng ta khóc lóc chạy đến, luôn miệng nói không cố ý. Nàng vô hồn nhìn, giật tay áo khỏi tay nàng ta, không nói gì bước đi. Tàn Nguyệt còn khóc lớn hơn, chạy theo như một tội nhân cầu xin được minh oan. Cho đến khi nàng ta túng quẫn, buột miệng nói Nghiên Xuân tư tưởng bị trói buộc, cổ hủ nên mới nghĩ quẩn làm vậy.

   Đại não nàng không kịp phản xạ, chỉ cảm thấy cơn tức giận như ngọn lửa ngủ đông bùng lên, tay đa vơ lấy chén trà trên bàn đá bên cạnh, ném về phía nàng ta. Đáng tiếc, chén trà chỉ sượt qua tóc mai rồi rơi xuống đất, vỡ tan thành từng mảnh, văng ra khắp nơi.

   Đúng lúc đó Dung Thế Bân cũng chạy ra, hắn vội kéo Tàn Nguyệt lại bên người, trước hết kiểm tra xem nàng ta có thương tổn gì không, sau đó mới trừng mắt nhìn nàng. Nhưng đối diện với hắn lại là đôi mắt đen sâu hun hút như vách đá nứt ra từ lòng đất, lạnh lẽo như hàn khí chui lên từ địa ngục, nàng gằn giọng nói hắn cũng có mặt mũi mà dám tới đây sao.

   Nàng mặc kệ, lớn tiếng gọi thị vệ phủ, sai người đuổi cổ cả hai ra khỏi cổng, mặc cho sau đó quốc công gia mặt đỏ bừng vì giận chạy đến.

   Nhưng nàng lúc đó như cái xác chết, trong đầu nàng hỗn độn, chẳng cảm thấy và suy nghĩ gì được khác. Mỗi lần nhắm mắt là nàng lại chìm vào dòng nước đen ngòm, tĩnh lặng và bất tận.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top