tác giả yoshida và quan niệm về hạnh phúc

trong một bài phỏng vấn, tác giả của banana fish - akimi yoshida có một phát biểu ấn tượng: "mọi người có hạnh phúc hay không, điều đó không phụ thuộc vào thời gian sống và tôi tự hỏi liệu mọi người có hạnh phúc hay không chỉ vì họ có một cuộc sống lâu dài".

tôi đã nghĩ về câu nói này suốt hai ngày nay và gần như giác ngộ cái "động cơ" đằng sau việc vị tác giả đáng kính lại cho nhân vật chính của mình một kết cục bi thảm. trong suốt đoạn phỏng vấn tôi được đọc, yoshida nhắc nhiều về river phoenix (một nam diễn viên qua đời năm 23 tuổi) và cái cách con người ta có thể rút gọn một cuộc đời 70 tuổi trong 17 năm tuổi trẻ bằng cách tăng sự trải nghiệm. dù vậy, yoshida vẫn nhấn mạnh chết trẻ là "một thảm kịch khủng khiếp", nhưng "cũng không hẳn là một điều không vui".

có nhiều người cho rằng cô ấy khá... máu lạnh, nhưng riêng tôi nhận thấy đó là một góc nhìn lạc quan và thú vị. tôi dùng từ lạc quan vì yoshida đã tìm thấy sự an ủi trong bất hạnh, trong một cuộc đời ngắn hạn. đó là một sự lạc quan đáng ngưỡng mộ và có logic. vì rõ ràng chiều dài của đời người, hay số tuổi không phải là một yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ trưởng thành trong tư duy của con người. hãy làm một phép so sánh giữa một con người 17 tuổi đã vào đời và trải đủ cảnh đoạn trường để sinh tồn với một con người 19 tuổi sống trong một hoàn cảnh êm đềm, chưa từng lo lắng về cái chết chực chờ khắp chung quanh; ai sẽ phát triển đầy đủ nhất về mặt tinh thần? chắc chắn là kẻ 17 tuổi kia. đúng vậy, cặp bài trùng của banana fish đã là hình ảnh minh họa cho việc tuổi tác chẳng ảnh hưởng gì tới mức trải đời, mà số lần va chạm xã hội và trải nghiệm thực tế mới là mấu chốt. vậy nên những người mà ta cho là chết trẻ, có lẽ đã có những trải nghiệm bằng tất cả trải nghiệm của cả đời ta cộng lại.

yoshida có vẻ đã chọn ash là nhân vật cô gửi gắm những chiêm nghiệm này tới thế giới. tôi hoàn toàn tin rằng người ta có thể chết năm 17 tuổi mà vẫn cảm thấy mình đã sống trọn vẹn. còn tại sao tôi cảm thấy phát biểu của yoshida thú vị thì là vì cô ấy đã nói một cách thẳng thắn lời giải của những suy tư trong tôi về cái chết - không nhiều người lại dũng cảm nêu quan điểm về vấn đề này như cô ấy đâu. yoshida đã khai hoang một vùng trời mới trong tâm trí tôi, và tôi bắt đầu nhìn nhận chết trẻ như là một kết cục "không hẳn là không vui". những sự tồn tại ngắn ngủi cũng có cái hạnh phúc của riêng nó, chỉ là những người ngoài cuộc chúng ta không có thẩm quyền được biết mà thôi.

chúng ta thường sợ hãi cái chết của mình và tiếc thương cái chết của người khác như một bản năng mà hiếm khi có những nhìn nhận lý trí như vậy. tôi tôn trọng yoshida vì kiệt tác của cô ấy và cũng vì triết lý sống của cô ấy.

nhưng quay lại câu nói trên, tôi cũng có đôi lời phản biện. tôi nghi ngờ tính đúng đắn của luận điểm "mọi người có hạnh phúc hay không, điều đó không phụ thuộc vào thời gian sống".

ở một vài trường hợp, thời gian sống quyết định hạnh phúc. có thể nói dẫn chứng cho điều này là vô biên. từ thời chiến, bao người chinh phu đã chết trên chiến trường mà không trở về gặp được người chinh phụ, họ có hạnh phúc với sự sống ngắn ngủi đó chăng? hay cứ cầu mong thiên mệnh của mình dài thêm để có cơ hội đoàn viên cùng quyến thuộc? đến thời bình, những đứa trẻ đã và đang bỏ mạng trong tai nạn giao thông, đuối nước, thiên tai thì sao? chúng có hạnh phúc với sự sống ngắn ngủi của mình không? hay chúng còn chưa kịp định hình khái niệm hạnh phúc là gì? trong thời dịch bệnh, ta được dịp nhìn gần hơn vào cái chết và thấy nó hữu hình khắp chung quanh. có những gia đình mất đi người thân, những gia đình đáng lẽ đã có thể cùng nhau ăn thêm nhiều mâm cơm, cùng nhau đi thêm nhiều chuyến du lịch, và có với nhau thật nhiều kỉ niệm trong tương lai đầy hứa hẹn, và hạnh phúc. thời gian sống của họ chẳng phải quyết định hạnh phúc của họ đấy sao?

việt nam ta còn dành riêng cho nỗi buồn chết trẻ một thi sĩ: hàn mặc tử. tác giả tập thơ điên đã dành không biết bao nhiêu đêm trắng ngày trường để kể cho chúng ta về nỗi đau trước sinh mệnh ngắn ngủi của mình. sự day dứt, tiếc nuối cuộc đời hãy còn phảng phất quanh cái thôn vĩ đã không thể tìm về của hàn, cái kí ức ngày xanh mà hàn dành trọn niềm thương tiếc. đấy, một cái chết đến sớm chẳng phải lúc nào cũng là tuyệt vời, nhất là đối với những con người chưa sẵn sàng để chết. và biết đâu là sinh mệnh chỉ cần ngắn đi một ngày thôi, đã đủ để cuộc đời ấy chìm sâu trong bất hạnh... cũng biết đâu chỉ cần tuổi đời của cậu ấy được dài thêm mấy tháng năm nữa, cậu ấy sẽ đến được nhật bản, được sống hạnh phúc thêm một chút, được sống bình thường thêm một chút, bù đắp cho một kiếp người đã mất mát quá nhiều. rồi xứ phù tang sẽ có thêm một người mỹ từng đặt chân đến và giã biệt cuộc đời với tâm nguyện đã mãn toàn.

là tôi tham lam hay quá yếu lòng? tôi không cho rằng chỉ một lá thư là đủ để ash kết thúc sinh mệnh năm 18 tuổi và hạnh phúc như đã sống trọn cuộc đời - dù cho lá thư ấy chứa cả một linh hồn đi nữa, dù cho tình cảm ash nhận được là phi thường đến đâu đi nữa. bởi ash xứng đáng nhiều hơn thế, eiji xứng đáng nhiều hơn thế. cho tất cả những gì họ đã bị tước đoạt và hy sinh. nhưng mặt khác tôi không thể không công nhận, chính sự bất công có phần tàn nhẫn trong cách thu vén câu chuyện vốn đã tàn nhẫn này, yoshida đã nâng tầm tác phẩm của mình lên, khiến banana fish trở thành vô nhị vô biệt, duy ngã độc tôn trong lòng tôi. nếu những thước phim cuối cùng của banana fish khép lại theo một cách khác, tôi không dám chắc mình sẽ yêu thích bộ anime này đến thế.

còn vế sau để ngỏ của yoshida: "tôi tự hỏi liệu mọi người có hạnh phúc hay không chỉ vì họ có một cuộc sống lâu dài". nếu không xem đây là một hành vi trịch thượng thì tôi xin trả lời cho điều yoshida tự hỏi: mọi người không hạnh phúc khi có một cuộc sống lâu dài, không bao giờ là mọi người. nhưng đối với những người đã đau đớn cả phần đời trước đó và đang có cho mình cơ hội gặp nhiều điều tốt đẹp đón đợi ở tương lai, một cuộc sống lâu dài chính là hạnh phúc!




Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top