Phần 1: Người ta vẫn hay bày tỏ cảm xúc thật sau những câu đùa
Bạn chẳng cần biết tôi là ai đâu, bạn chỉ cần hiểu rằng tôi là đứa có tâm sự mà chẳng biết nói với ai, chẳng ai muốn nghe tôi. trong cuộc sống hằng ngày, tôi là một con người hoạt bát, chăm chỉ, vui vẻ và năng động. Nhưng nhờ cái tính vui tươi ấy nên mọi người không biết tôi cũng có nỗi buồn, cũng có tâm sự.
Đối với tuổi 15 - độ tuổi mà người ta coi là ẩm ương nhất, bướng bỉnh nhất nhưng thực ra lại mang nhiều tâm sự nhất. Tuổi 15 - cái tuổi bắt đầu biết yêu. Tuổi 15 - cái tuổi bắt đầu mới lớn, cũng là lúc mà những đứa trẻ ấy bắt đầu phải bước vào kì thi mà người ta cho là căng thẳng nhất cuộc đời học sinh: Thi cấp 3.
Nếu bạn không thi được vào đúng nguyện vọng của mình thì ở thành phố hay thành thị cũng thế thôi: Bạn đều bị người khác coi thường và không được học ngôi trường mà mình mong muốn. Nếu bạn muốn đỗ được theo nguyện vọng thì bạn phải học hành vất vả, hi sinh rất nhiều. Đối với học sinh Hà Nội như chúng tôi, việc thi cấp 3 này càng được coi trọng.
Bố mẹ đều hy vọng con mình có thể đỗ vào một trường danh tiếng nhưng điều đấy cũng đồng nghĩa với việc con cái mình sẽ phải đánh đổi, sẽ phải học. Có thể nói là học "như trâu như bò". Và bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Họ mong muốn tôi phải đỗ vào trường Chu Văn An (hay còn được gọi là trường Bưởi). Đây là ngôi trường danh tiếng không phải ai cũng vào được. Nhưng vì cái tôi, cái sĩ diện bản thân mà bố mẹ sẵn sàng hy sinh con cái, bắt tôi học hành xuyên ngày đêm. Có thể bạn cũng biết dịch Covid mà chúng ta đã phải nghỉ ở nhà một thời gian và thời gian ấy chính là "thời điểm vàng" cho tôi ôn thi. Thậm chí tôi chỉ được ăn 1 bữa 1 ngày, 24/7 trong phòng đọc sách, giấc ngủ chỉ vỏn vẹn 4 giờ đồng hồ. Liệu đây có phải những gì một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn phải chịu đựng?
Không những phải thi vào một ngôi trường nổi tiếng mà bố mẹ còn kì vọng tôi phải thi chuyên. Và đương nhiên không phải môn chuyên tôi thích mà là môn chuyên bố mẹ thích. Tôi đã cố gắng chịu đựng 1 thời gian dài học theo bố mẹ. Tôi không muốn làm bố mẹ buồn. Nhưng bố mẹ đã bao giờ hỏi tôi cảm thấy như thế nào, học có mệt hay không đâu. Tất cả là tôi một mình chịu đựng. Thậm chí những ngày tháng cuối cấp này tôi còn chẳng được chơi đùa cùng chúng bạn mà tất cả thời gian rảnh những thứ bên cạnh tôi đều là bài tập.
Tất cả đã dồn nén một thời gian dài và rồi nó bùng nổ. Tôi đã bật khóc ngay giữa bữa cơm- khi ấy bố mẹ lại đề cập đến chuyên học hành như một lẽ thường tình. Tôi nói rằng mình đã quá mệt. Thực sự môn chuyên này quá khó với con. Bố mẹ có hiểu không? Đời thì có bao giờ như là mơ. Thậm chí 1 từ cũng chẳng lọt tai bố mẹ nữa. Vậy là cuộc đời tôi lại tiếp tục chuỗi ngày nhàm chán ấy.
Từ ấy trở đi, khoảng cách giữa tôi và bố mẹ càng lớn.
Vì không muốn bố mẹ buồn nên tôi cũng chẳng dám bày tỏ cảm xúc nữa. Tôi chỉ dám giữ những lời ấy trong lòng mà thôi. Và thỉnh thoảng tôi vẫn nói đùa với mẹ. Nhưng mẹ đâu có hiểu được ý nghĩa của những câu nói đùa ấy.
Nhiều lúc tôi đang nói thật nhưng bố mẹ chỉ nghĩ đấy là lời bồng bột của trẻ con, không hề có dụng ý gì hết. Nhưng bố mẹ ơi, con thực sự rất mệt mỏi rồi! Nhiều khi con đã nghĩ đến cái chết rồi con lại nghĩ đến công sức cố gắng của con và hy vọng của bố mẹ. Con đâu dám làm càn? Tôi thường nói là mẹ ơi con nghĩ mình bị "tâm bệnh". Từ ngữ ấy không quá trịnh trọng mà gần như là một câu nói đùa nên mẹ tôi cũng chẳng để ý. Vậy rồi ai sẽ hiểu cho tôi đây?
Thử nghĩ mà xem, áp lực từ mọi phía đều dồn lên tôi. Áp lực từ cha mẹ, từ thầy cô, từ họ hàng cô bác,.. Tôi làm sao một mình gánh vác tất cả đây!
Những viên thuốc ngủ luôn là giải pháp. Hằng đêm tôi vẫn luôn thao thức về tương lai, về những gì mình đang cố gắng.
Lời nói đùa ngây dại nhưng đều mang hàm ý sâu sắc và đương nhiên sẽ có rất ít người hiểu được ý nghĩa của chúng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top