Chương II: Thổi kèn harmonica giữa đêm khuya (2)
Sau tháng Bảy chưa được bao lâu thì Katsuro nhận được tin bà mất. Cuộc điện thoại từ cô em gái Emiko tới khi Katsuro đang dọn dẹp trước giờ mở cửa quán.
Katsuro biết bà không được khỏe. Cả gan và thận đều yếu, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vậy nhưng anh vẫn không về. Anh lo cho bà nhưng lại có lý do để không về.
"Mai là lễ thông dạ. Ngày kia tổ chức lễ tang. Bao giờ anh có thể về được?" Emiko hỏi.
Katsuro chống khuỷu tay cầm điện thoại lên quầy bar, tay còn lại đưa lên gãi đầu.
"Anh có công việc. Với lại còn phải xin chủ quán nữa."
Có tiếng Emiko thở dài "hừm" ở đầu dây bên kia.
"Công việc à, cũng chỉ là phụ việc thôi mà? Anh chẳng bảo quán đó trước đây chỉ mình chủ quán làm còn gì? Nghỉ một hai ngày thì có sao? Anh không xin việc khác mà vào làm ở quán đó cũng vì có thể nghỉ bất cứ lúc nào mà?"
Đúng là như thế. Emiko là đứa cẩn thận, có trí nhớ tốt, không phải dạng dễ đánh lừa bằng lời nói. Katsuro im lặng.
"Anh mà không về là chết với em đấy." Emiko xẵng giọng. "Bố ốm, mẹ thì kiệt sức vì phải chăm sóc bà. Vả lại, anh từng được bà chăm bẵm nhiều mà. Em nghĩ ít nhất anh cũng nên về dự lễ tang."
Katsuro thở dài. "Được rồi. Anh sẽ tính."
"Anh nhớ về sớm nhất có thể nhé. Nếu được thì tối nay về luôn."
"Không được."
"Vậy thì sáng mai. Muộn nhất là trưa mai."
"Anh sẽ suy nghĩ."
"Anh cứ nghĩ đi. Từ trước tới giờ mọi người toàn để anh tự làm theo ý mình mà."
Hả? Ăn với chả nói... Katsuro toan càm ràm nhưng chưa kịp thì điện thoại đã bị ngắt.
Anh đặt ống nghe xuống, ngồi lên chiếc ghế đẩu. Anh lơ đãng ngắm bức tranh trên tường. Bức tranh vẽ bờ biển hình như là ở Okinawa. Chủ quán rất thích Okinawa. Vậy nên khắp nơi trong quán bar nhỏ xíu này đều có trang trí những vật nhỏ gợi nhớ đến Okinawa.
Ánh mắt Katsuro hướng về góc quán. Ở đó có chiếc ghế mây và cây đàn ghi ta gỗ. Cả hai đều dành riêng cho Katsuro. Khi có khách yêu cầu, anh sẽ ngồi vào ghế và chơi đàn. Có lúc khách hát anh đàn nhưng thường thì là Katsuro hát. Hầu hết khách hàng lần đầu nghe anh hát đều ngạc nhiên. Họ bảo không thể nghĩ đây là giọng ca nghiệp dư. Họ cũng thường bảo anh: Thế mà không đi làm ca sĩ chuyên nghiệp.
Tuy khiêm tốn đáp "Không đâu không đâu" nhưng trong lòng anh thầm đáp "Tôi đã và đang phấn đấu đây". Anh bỏ dở đại học cũng là vì thế.
Từ cấp hai anh đã say mê âm nhạc. Hồi lớp Tám, trong một lần đến chơi nhà bạn cùng lớp, anh thấy nhà bạn có cây ghi ta. Người bạn nói đó là của anh cậu ta rồi dạy anh cách chơi. Đó là lần đầu tiên trong đời anh được chạm vào đàn ghi ta. Ban đầu, các ngón tay gảy còn vụng về nhưng sau vài lần luyện tập, anh cũng chơi được một đoạn của bài hát đơn giản. Niềm vui sướng lúc ấy chẳng thể diễn tả bằng lời. Cảm giác hân hoan không tài nào có được trong giờ âm nhạc vì nghe qua băng chạy khắp người anh.
Vài ngày sau, anh thu hết can đảm nói với bố mẹ rằng anh muốn có một cây đàn ghi ta. Bố anh làm nghề bán cá, chẳng dính dáng gì tới âm nhạc. Sau khi trợn tròn mắt ngạc nhiên, bố anh đùng đùng nổi giận. Ông quát tháo, cấm anh chơi với ngữ bạn ấy. Có vẻ như bố anh cho rằng thanh niên chơi ghi ta đồng nghĩa với hư hỏng.
Con vẫn sẽ học hành chăm chỉ, sẽ đỗ vào trường cấp ba tốt nhất vùng, nếu con trượt con sẽ vứt đàn đi, không bao giờ chơi nữa... Katsuro kiên trì nài nỉ với một loạt lời hứa vừa nghĩ ra trong đầu.
Trước đây Katsuro chưa từng đòi hỏi thứ gì nên bố mẹ anh khá bất ngờ. Mẹ anh là người hạ hỏa trước, sau đó đến lượt bố anh nhượng bộ. Nhưng nơi anh được dẫn tới không phải cửa hàng bán nhạc cụ mà là một tiệm cầm đồ. Bố anh bảo hãy tạm hài lòng với cây ghi ta không có người chuộc.
"Biết đâu con sẽ vứt đi. Bố không mua loại đắt tiền được." Bố anh nói với bộ mặt hằm hằm.
Dựa vào những cuốn sách mua ở tiệm sách cũ, ngày ngày anh miệt mài luyện tập. Vì đã hứa với bố mẹ nên đương nhiên anh cũng rất siêng năng chuyện học hành. Nhờ vậy mà kết quả học tập có tiến bộ, ngày nghỉ, dù Katsuro có chơi đàn suốt trong phòng trên tầng hai cũng không bị bố mẹ phàn nàn nữa. Anh cũng đỗ được vào trường cấp ba như mục tiêu đặt ra.
Trường cấp ba có câu lạc bộ nhạc nhẹ nên anh xin vào ngay. Anh cùng hai người bạn trong câu lạc bộ thành lập một ban nhạc và đi biểu diễn khắp nơi. Ban đầu bọn anh chỉ toàn bắt chước các ban nhạc sẵn có, nhưng dần dà bắt đầu biểu diễn cả các ca khúc tự sáng tác. Các ca khúc đó chủ yếu do Katsuro viết. Hát cũng là Katsuro luôn. Thành viên trong nhóm đánh giá cao ca khúc anh viết.
Tuy nhiên, đến lớp Mười hai, ban nhạc tự động tan rã. Lý do thì đương nhiên là vì phải thi đại học. Cả bọn hứa nếu tất cả đỗ đại học suôn sẻ sẽ tái hợp nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Bởi một người bị trượt đại học. Nghe nói một năm sau cậu ta cũng trở thành sinh viên nhưng chuyện tái hợp không bao giờ được nhắc tới.
Katsuro theo học khoa Kinh tế của một trường đại học ở Tokyo. Thật ra anh muốn theo đuổi con đường âm nhạc nhưng biết bố mẹ sẽ kịch liệt phản đối nên đành thôi. Việc tiếp quản cửa hàng cá – cơ nghiệp của gia đình – là lộ trình được vạch sẵn ngay từ khi anh còn nhỏ, bố mẹ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện anh sẽ chọn con đường khác. Bản thân anh cũng đã hình dung như vậy.
Ở trường đại học có rất nhiều kiểu câu lạc bộ âm nhạc. Anh thử tham gia vào một trong số đó nhưng ngay lập tức thấy thất vọng. Lý do là các thành viên chỉ toàn nghĩ đến chuyện chơi, anh không hề cảm thấy có sự thiết tha nào với âm nhạc ở họ. Hễ anh phàn nàn về chuyện này là bị họ nhìn với ánh mắt kỳ thị.
"Cái gì, định ra vẻ hả? Nhạc nhẽo thì chỉ cần vui là được."
"Phải đấy. Dốc sức mà làm gì chứ. Có phải để thành chuyên nghiệp đâu."
Chẳng phản bác được câu nào trước những lời chỉ trích ấy, Katsuro quyết định ra khỏi câu lạc bộ. Anh nghĩ tranh luận cũng vô ích. Mục tiêu của anh và họ quá khác nhau.
Kể từ đó, anh không tham gia bất kỳ câu lạc bộ nào. Anh thấy chơi nhạc một mình thoải mái hơn. Ở cùng với những người không có hứng thú chỉ càng tích tụ thêm mệt mỏi.
Anh bắt đầu thử sức với những cuộc thi nghiệp dư. Sau khi rời trường cấp ba, giờ anh mới hát trước mặt khán giả. Ban đầu anh toàn trượt ngay từ vòng sơ tuyển nhưng sau vài lần cố gắng, anh dần đạt được thứ hạng cao hơn. Đa phần các nhóm tham gia thi đều đã thành quen biết và họ cũng bắt đầu trò chuyện.
Katsuro cảm nhận được sự khích lệ mãnh liệt từ họ. Nói đơn giản thì đó là nhiệt huyết dành cho âm nhạc. Thứ tình cảm khiến ta có thể hy sinh tất cả để nâng tầm âm nhạc lên.
Mình không được phép thua... Mỗi khi nghe họ biểu diễn, anh đều nghĩ vậy.
Anh dốc hầu như toàn bộ thời gian khi thức để dành cho âm nhạc. Cả lúc ăn lẫn lúc tắm, anh đều nghĩ về ca khúc mới. Dần dần, anh không còn đến trường nữa. Anh không tìm thấy ý nghĩa của việc đến trường. Vì lẽ đó, anh không lấy được tín chỉ, cứ phải học đi học lại suốt.
Bố mẹ anh không hề hay biết thằng con trai được cho lên Tokyo học lại thành ra như thế. Họ cứ đinh ninh hết bốn năm, theo lẽ thường anh sẽ tốt nghiệp và trở về nhà. Vì vậy, mùa hè năm hai mươi mốt tuổi, khi Katsuro thông báo qua điện thoại rằng anh đã bỏ học, ở bên kia đầu dây, mẹ anh khóc òa lên. Sau đó đến lượt bố anh quát tháo ầm ĩ đến đinh cả tai rằng thế nghĩa là sao.
Con sẽ theo đuổi con đường âm nhạc nên học đại học chẳng còn ý nghĩa gì nữa.Nghe anh đáp vậy, bố anh càng quát to hơn. Bố nói nhiều quá nên anh đơn phương dập máy, thế là ngay tối hôm đó, bố mẹ anh khăn gói lên Tokyo. Mặt bố anh đỏ gay, còn mẹ thì tái nhợt.
Trong căn phòng rộng sáu chiếu, anh và bố mẹ nói chuyện đến gần sáng. Bố mẹ anh bảo nếu bỏ học rồi thì mau về nhà trông cửa hàng cá đi. Katsuro không gật đầu. Anh không nhượng bộ, bảo rằng làm vậy thì con sẽ hối hận cả đời, rằng con sẽ ở Tokyo cho đến khi đạt được nguyện vọng.
Bố mẹ anh quay về ngay chuyến tàu đầu tiên khi chưa chợp mắt được phút nào. Từ cửa sổ căn hộ, anh nhìn theo bóng dáng bố mẹ. Cả hai trông thật bé nhỏ và buồn rầu. Bất giác, Katsuro chắp hai tay xin lỗi.
Thấm thoắt ba năm trôi qua. Lẽ ra Katsuro đã tốt nghiệp đại học từ lâu. Vậy mà giờ anh chẳng có gì trong tay. Vẫn chỉ là những chuỗi ngày luyện tập để tham dự các cuộc thi nghiệp dư. Anh cũng đoạt giải được vài lần. Anh cứ nghĩ chịu khó đi thi biết đâu có ngày sẽ lọt vào mắt người làm nhạc. Nhưng đến nay vẫn chưa có ai đánh tiếng với Katsuro. Anh cũng gửi băng thu âm thử tới cho hãng đĩa nhưng chẳng nhận được hồi âm.
Duy nhất một lần, anh được khách quen của quán giới thiệu cho một nhà phê bình âm nhạc. Trước mặt người đó, Katsuro đã biểu diễn hai bài tự sáng tác. Anh muốn trở thành một ca sĩ kiêm nhạc sĩ. Cả hai bài đều là các ca khúc anh tâm đắc.
Nhà phê bình âm nhạc có mái tóc bạc được uốn quăn khen ngợi anh. "Giai điệu mượt mà, chất giọng cũng hay. Thuộc loại khá đấy."
Anh vui lắm. Trong lòng khấp khởi rằng mình sắp được ra mắt công chúng.
Người khách giới thiệu nhà phê bình âm nhạc cho Katsuro hỏi thay anh: "Liệu cậu ta có thành chuyên nghiệp được không?"
Cả người Katsuro căng ra. Anh không thể nhìn nhà phê bình.
Nghỉ một hơi, nhà phê bình lẩm bẩm:
"Chà, không nên nghĩ vậy thì hơn."
Anh ngẩng lên, hỏi: "Vì sao ạ?"
"Người có chất giọng như cậu nhiều lắm. Giọng có cá tính thì không nói làm gì, đằng này lại không."
Bị giội thẳng gáo nước lạnh, anh chẳng biết đáp sao. Đây là điều bản thân anh hiểu rõ.
"Còn bài hát thì sao? Tôi nghĩ cũng được đấy chứ." Chủ quán ngồi cùng hỏi.
"Cũng được. Nếu so với dân nghiệp dư." Nhà phê bình đáp bằng giọng lạnh tanh. "Nhưng, thật đáng tiếc là chỉ thế thôi. Nó khiến người ta nghĩ tới những bài đã có. Nghĩa là không có nét mới."
Chua xót làm sao. Sự thất vọng và đau đớn khiến toàn thân anh nóng bừng.
Mình không có tài năng ư, việc sống bằng âm nhạc chỉ là mơ hão ư... Kể từ hôm đó, anh đã nghĩ như vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top