diều

Đã lâu rồi từ khi Hy còn là một đứa trẻ.

Đó là lúc ngôi nhà em ở có một khoảng sân rộng vô cùng, chiều chiều lũ trẻ hàng xóm lại rủ nhau sang chơi đến tận khi tấm màn hoàng hôn bị xé toạc bởi tiếng gọi con về ăn cơm tối, vì mẹ em là phụ huynh dễ tính nhất trong thôn, chẳng lần nào to tiếng quát mắng nếu chúng nó có lỡ giẫm vào những hạt ngô mẹ đang phơi vàng cả sân.

Đó là lúc em hay ra vườn táo trước nhà, những cây táo to đủ để người trưởng thành chui vào dưới vòm cây mà không bị gai đâm trúng. Em gọi khoảng không những cây táo ở giữa đám chanh chảnh chọe chẳng chịu ra quả, bên cạnh là vài cây nhãn to lớn, rồi một nàng đào đang nhắm mắt ngủ đợi nụ hôn của mùa xuân bên cạnh cây khế lùn đang mải mê thưởng thức mùi thơm của quế, tất cả những loài thực vật khác trong vườn mà em không biết tên gọi và cao ngều rặng tre xanh rì này là "khách sạn táo". Mùa đông, táo ngọt xanh, táo chua hơi ngả vàng ở cuống làm trĩu cả cành táo yếu ớt.

Đó là lúc ông Nhân hàng xóm hay đi qua trước sân nhà em, băng qua lối đi chưa đổ bê tông giữa hai hàng rau ngót bà nội tự trồng, với cánh diều luôn luôn bên hông. Thay bỏ bộ đồng phục đã bắt đầu thấm mùi mồ hôi sau một ngày nghịch ngợm ở trường, em xin phép mẹ, lóc cóc cùng mấy đứa trẻ con khác đi theo ông Nhân, mắt dáo dác nhìn ông mở cánh cổng dẫn từ nhà em ra ngoài cánh đồng thuốc lá. Đi dọc cánh đồng đến một gờ đất, bên cạnh là cái ao nhỏ không phải vào tháng mưa nhiều sẽ khô cằn chẳng có lấy nổi một giọt nước. Ao cạn.

Đó là lúc em ngẩng đến mỏi cổ vẫn cứ thích thú ngắm cánh diều bé tí trên bầu trời rộng lớn. Dây diều căng. Gió căng. Tiếng cười đùa của những đứa trẻ nông thôn vang cả một vùng. Em nhìn theo hướng diều đưa mình, rời tầm mắt xuống một chút là thu cả trang trại thuốc lá ở xa vào mắt. Nếu cứ đi tiếp con đường này, em sẽ đến trại thuốc lá, có lẽ sẽ mất hai mươi phút đi bộ hoặc hơn. Nhưng chưa có đứa nào dám đi xa như thế. Con đường đất dẫn ra đó trong lời kể của mẹ bỗng trở nên thật đáng sợ. Dù nghe đồn bên cạnh trang trại thuốc lá ấy có một nơi nuôi thỏ, con vật mắt hồng với bộ lông trắng muốt, cũng chẳng đủ làm động lực cho những đứa nghe truyện cổ tích mà lớn như em trốn mẹ ra đó chơi. Khi chị Hà đạp xe ngang qua nơi ông Nhân hay thả diều để đi lấy sữa tươi về từ nhà ông Ngọc nuôi bò sữa, ông mới thu cánh diều xuống, dẫn em cùng đám trẻ nhí nhố về nhà.

Đó là lúc một cuốn truyện tranh đủ để trở thành vật ấn định tình bạn. Mười một tuổi, hoàn toàn chưa biết những khái niệm chết giẫm như tình yêu, công việc, đời, chỉ thèm chạy nhảy phá phách, Hy trầm tính hơn so với bạn bè, nhưng em vẫn hồn nhiên. Chưa tập tành vuốt tóc như anh Vũ, không buồn bận tâm chọn quần rách gối hay quần thụng để đi chơi như anh Tào, em hẵng còn thích rong ruổi ra cánh đồng với vài đứa bạn trong thôn hay đi học về thì mò vào tủ lạnh kiếm cái gì ăn. Hy vẫn thích xem siêu nhân, nhưng em toàn xem giấu vì có lần anh Vũ trêu em lớn từng này rồi vẫn mê mấy cái đấy. Ừ thì Hy tự ái một tí, cái từ trưởng thành đối với một đứa trẻ thì nghe hãnh diện và lớn lao biết bao, thành ra em phải tự lừa mình là không muốn xem nữa, lỡ đem mấy cái đĩa siêu nhân vứt đi. Sự ân hận tìm đến ngay sau đó. Em một mình đi ra cánh đồng thuốc lá, ngồi ở gờ đất bứt cỏ và ném sỏi xuống ao cạn. Đang lúc buồn bực, một bóng người xuất hiện. Đứa trẻ em chưa thấy bao giờ, với một cuốn truyện tranh Doraemon in màu trên tay. Tên đằng ấy là gì?

Thịnh.

Thịnh. Lần cuối Hy gặp Thịnh mà có cả ông Nhân với cánh diều quen thuộc là một chiều thứ bảy năm hai không mười một. Đó là những ngày cuối gió nổi đủ mạnh để nâng diều bay. Đám trẻ không còn đông đủ như trước. Chúng đang lớn lên, bằng cách xa rời những gì đã từng rất bình dị để tìm đến nụ cười qua một cái màn hình. Ụ rơm dần biến mất, bởi thay vì nuôi bò, họ chuyển sang lợn. Trại thuốc lá vẫn còn đó. Hy muốn một lần được đến ngắm, trước đây là vì tò mò, còn bây giờ có thêm một lý do khác. Nhà Thịnh ở gần trại thuốc lá, và Thịnh luôn tự hào khoe về tủ truyện giàu có của mình khiến em ham lắm. Dù mỗi chiều theo chân ông Nhân đi thả diều, em sẽ đều gặp Thịnh vì hai người đã trở thành bạn, Thịnh cũng hứa mang theo một cuốn truyện mới cho em đọc, em vẫn muốn được chiêm ngưỡng tủ truyện bằng đôi mắt của mình chứ không phải mất công tưởng tượng mỗi lần sắp đi ngủ nữa. Rốt cuộc, em vẫn chỉ gặp Thịnh nhờ những lần đi thả diều với ông Nhân. Nếu không còn cánh diều này nữa, em cũng lười đội nắng ra đồng chơi. Bởi em cũng đang dần bị cuốn vào những hấp dẫn thú vị khác mà xem nhẹ những niềm vui nhàn nhạt này.

Ông Nhân mất vào một ngày mưa.

----

Chuyến xe cuối cùng trong ngày đã đến bến. Hy vừa đi bộ ra ngoài đường lớn vừa gọi điện cho bố. Bố đã chờ sẵn ở ngoài.

Hy chào bố sau khi đóng sập cửa xe một cái. Em ngồi ở ghế sau như một thói quen, mắt đặt vào bao thuốc lá gần chỗ tay lái, thở dài nghĩ đến việc bố vẫn chưa thể bỏ thuốc. Trầm tư một chút, em hỏi.

"Lâu chưa ạ?"

"Bà ấy vừa mất cách đây một tiếng. Giống ông ngoại con, bệnh viện trả về rồi đợi giờ để rút ống thở."

Ngắm nhìn bầu trời qua cửa kính ô tô, Hy bỗng có cảm giác ở ngoài đang rất lạnh. Tất nhiên điều ấy thật vô lý, nắng tháng tám vẫn rất khó chịu. Đám mây em trông thấy lúc ngồi trên bus giờ như đang tan ra, thấm nhuần vào nền trời xám xịt. Những mảng hồng loãng ra như lọ mực đổ xuống tờ giấy tô màu của ngày tàn không cứu nổi sự u ám của không gian.

Không cứu nổi đứa trẻ trong tâm hồn em.

Những ngôi nhà mới mọc lên không ngừng. Nóc nhà như chọc vào trời, chiếm chỗ của những cánh diều mang đầy hoài bão đơn thuần đến ngu ngốc của những đôi mắt long lanh thuở nào. Năm sau Hy hai mươi tuổi rồi. Em đã chẳng hề nhận ra thời gian trôi qua nhiều như thế nào cho đến khi mọi thứ dần biến mất: trò trốn tìm hay cá sấu lên bờ, "khách sạn táo" đi vào dĩ vãng vì bố đã chặt hết đi, cây đào nơi chị gái tự chăng lên một cái xích đu, đợi khi Táo quân đã chiếu được bốn, năm ngày mới an lòng ngồi xích đu để hoa đào rụng vào những ngày Tết cuối cũng bị bán đi rồi; hai hàng rau ngót cùng lối đi ra cánh đồng cũng không còn nữa; cánh đồng thuốc lá bị xây tường bao kín hết xung quanh, ao cạn được lấp đất để trồng ngô, xây tường kẽm rào quanh vì sợ trộm, vậy nên chẳng còn cánh diều nào đủ sức bay ở nơi mà gió đã ngại ngần ghé thăm vì xa lạ nơi chốn gió từng yêu nhất nữa. Đó chỉ là cảnh. Hy biết rõ nhất thời gian độc ác thế nào, khi em dần trưởng thành, còn những người đã xây nên tuổi thơ của em đang dần rời xa thế giới này. Em nhớ về ông Nhân và con diều nhỏ bé nhưng mang trong mình những gì lớn lao nhất một đứa trẻ có thể có, niềm hạnh phúc cùng nụ cười không chút giả dối. Và rồi em bỏ lửng nhiều thứ. Chúng mãi mãi ở lại với quá khứ, mà quá khứ chỉ còn tồn tại trong suy nghĩ của con người mà thôi. Thế giới này chỉ có một, hiện tại luôn luôn ở đây, quá khứ rốt cuộc cũng chỉ là một từ để gọi. Những người đã thuộc về quá khứ rồi sẽ có ngày bị quên lãng. Nhưng không phải cứ chết, cứ hết là kết thúc. Chỉ khi nào những người biết đến sự tồn tại của những điều đã từng xuất hiện ấy; ở đây em muốn nói đến những điều nhỏ bé và vô danh với nhân loại, như là một hạt cát hay một người hàng xóm chẳng hề nổi tiếng; chết đi, thì đó mới là cái chết thực sự. Những ai từng biết tới ông Nhân, hay câu chuyện về ông vẫn còn được mọi người nhắc đến, tức là ông vẫn sống. Cho đến ngày không còn một ai nhớ tới được nữa, nghĩa là họ không còn thở, ông mới thật sự ra đi. Hy vẫn luôn nhớ tới hình ảnh một người đã có cháu nhưng vẫn rất khỏe và thích đi chơi, thích đi thả diều dù nếp nhăn khóe mắt dần nặng nề. Không có chuyện ông sẽ bị quên lãng hay em từ bỏ những gì người ta gọi là quá khứ tươi đẹp đầy tiếc nuối, trừ khi em chết đi. Dù thế, em không tránh khỏi những nỗi buồn khi thời gian tiếp tục ghi tên con người vào cuốn sổ tử thần.

Bà Sơn mất vì bị tai biến. Bây giờ bà có thể gặp lại người bà yêu nhất cuộc đời này, ở một nơi yên bình hơn cái thế giới náo nhiệt chỉ mải mê chạy theo những điều xa xỉ. Lại một người ru tuổi thơ của em ngủ yên.

Xe về đến nhà. Bố bảo ngày mai mới phát tang. Hy vào phòng cất đồ. Trước khi sang nhà bà Sơn xem có giúp được gì không, em đứng bần thần nhìn cánh cửa dẫn ra cánh đồng ở đằng xa. Lâu lắm rồi em không lại gần cánh cổng ấy nữa, em bỏ lại nhiều thứ đằng sau nó quá, ấy là những ngây ngô ngày bé trên từng trang truyện tranh mà anh hay mang đến.

"Em về lúc nào đấy?"

"Anh Thịnh,"

Hy quay ngay lại. "Em vừa về thôi."

Thịnh tiến đền gần em. Anh có một nụ cười hiền, chẳng thay đổi mấy so với ngày bé.

"Nếu không do anh có việc phải về sớm thì hôm nay anh đưa em về nhà rồi, đỡ phải ngồi lâu trên bus."

"Ngồi xe hai tiếng có nhằm nhò gì với em đâu ạ. Trước đấy em còn đến thăm bé thỏ anh tặng em nữa, bác sĩ bảo tuần sau là nó khỏi bệnh rồi." Hy chỉnh lại vài sợi tóc rối của Thịnh. Em muốn trêu anh bằng cách đòi thêm một kèo đi ăn vào tuần sau, nhưng lòng lại trùng xuống khi nhìn nhà hàng xóm đang đông người ra vào nên thôi.

"Sắp khỏi là tốt rồi." Thịnh khẽ nói.

"Anh vừa từ nhà bà Sơn ra ạ?"

"Ừ, anh ở đó từ chiều. Hồi còn sớm, mẹ bảo anh bà đang được đưa từ viện về. Hai nhà cũng thân nhau nên anh đưa mẹ với bà tới. Đời người cũng chỉ có thế." Thịnh thở dài.

"Vâng. Chắc giờ em sang đây." Hy khẽ vỗ nhẹ lên mu bàn tay Thịnh lúc này đang nắm tay phải của mình. "Anh lại đi cùng em nhé?"

Bước chân em nặng trĩu, như thể dây diều buộc vào cổ chân, em phải kéo cả cánh diều đang lúc gió hăng đi theo. Không sao hết, những ngày buồn như thế này, có anh Thịnh ở bên em, thế là đủ rồi.

Như những ngày xưa cũ.

Khi người chở niềm vui bên cánh diều không còn đi qua sân nhà nữa, đứa trẻ ban đầu ngỡ rằng nó cũng dừng việc chạy nhảy nơi cánh đồng mênh mông những sắc xanh xen lẫn vàng và mây trắng trên cao. Nhưng rồi có gì thôi thúc nó, rằng trước khi bị buộc lại bởi những thứ hiện đại hơn, trước khi đôi mắt bị giam giữ bởi màn hình điện thoại và thay vì đốt rơm nghịch tổ kiến, người ta lại nhóm lửa trên mạng bằng một cái nhấn chuột; hãy lao ra ngoài kia rồi hét thật to, chơi thật thỏa thích.

Những gì đứa trẻ cần làm, chỉ là đợi đến ban trưa, một trưa hè mất điện, khi tiếng quạt nan đã dừng, ấy là lúc bà đã ngủ quên mà làm rơi chiếc quạt nửa ông trăng, rồi rón rén nhảy xuống khỏi phản, rón rén xỏ đôi dép, rón rén chạy qua lối đi đất giữa hai hàng rau ngót cao ngang đầu gối. Giữa inh ỏi nắng hè làm mồ hồi lấm tấm vầng trán, đứa trẻ dáng dấp gầy gò khẽ mở cái then chốt ở cánh cửa đã hoen gỉ vài chỗ. Đẩy nhẹ một cái, tiếng cổng kèn kẹt đánh thức mấy con gà đang đứng gật gù trên cành cây, chúng giật mình vỗ cánh kêu quang quác bay xuống mặt đất.

Lúc đấy đứa trẻ không hề có suy nghĩ gì về tình yêu, khá chắc chắn là như vậy, nó chỉ đơn giản muốn được thỏa nỗi niềm trong lòng mình, là giữa buổi trưa rờn rợn được chạy nơi thênh thang bao la mà không ai càu nhàu, là được cắm mặt vào những trang truyện Thịnh mang đến cho. Nó đã đến ngắm cái trại thuốc lá ấy trước khi trại không còn hoạt động, và chán nản vì chẳng hề có con thỏ nào ở đó cả. Thế nên sau này, Thịnh đã tặng nó một con thỏ xinh xinh vào kỷ niệm một năm chính thức yêu nhau, cũng là tám năm quen biết nhau.

Đứa trẻ chạy.

Trước mắt nó là cánh đồng thuốc lá.

Nó mơ hồ thấy cánh diều trên không trung, xa xôi và đẹp đẽ như nó đã từng.

Vẫn sẽ luôn ở đó, cho đến ngày nó chết đi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top