4 - Thế kỷ của những trí tuệ độc lập
Phải có trí tuệ, dù nhỏ bé cũng được, nhưng phải là trí tuệ của mìnhMaxim Gorki -
Khi nói đến vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh đến sự tự chủ và tinh thần trách nhiệm. Hai yếu tố đó xây dựng nên một con người trưởng thành đúng nghĩa.
Càng lớn, tôi mới nhận ra một điều: Trưởng thành không tùy thuộc vào độ tuổi, và độ tuổi không nói lên sự trưởng thành của một con người.
Tôi đã gặp những người lớn tuổi thực sự, nhưng cách ăn nói và xử sự phản bội lại bề ngoài "già đời" của họ. Họ hành xử theo bản năng, nếu không muốn nói là ấu trĩ. Họ không thể tự quyết định mọi việc cho bản thân. Họ sống dựa dẫm vào người khác và để cuộc đời mình cho người khác quyết định.
Ngược lại, tôi cũng đã gặp những cô, cậu bé rất ít tuổi, nhưng sự tự lập ý thức, và tinh thần trách nhiệm trong mọi việc của các em đã cho tôi thấy sự trưởng thành nơi bản thân những người nhỏ tuổi ấy.
"Có cái gì đó bên trong khiến chúng ta mong muốn mãi là một đứa trẻ... từ chối mọi thứ xa lạ" - Carl Jung, nhà tâm lý học và là tác giả thế kỷ 20 đã viết trong cuốn Các giai đoạn cuộc đời điều ấy.
Việc rèn luyện tinh thần độc lập là cả một quá trình bản thân người đó làm việc nghiêm túc với những suy nghĩ, hành động của bản thân.
Người vô trách nhiệm thường là người không thể tự đưa ra quyết định trong mọi cảnh huống cuộc đời. Bất cứ hành động hay suy tưởng nào, họ cũng tùng phục và mô phỏng theo kẻ khác. Họ trốn trách nhiệm.
Mỗi lần thất bại họ lại bắt đầu văn hóa đổ lỗi: tại hoàn cảnh, tại người này người nọ, tại thế lọ thế kia,... Họ không bao giờ nhận lỗi về phía bản thân. Vì không nhận lỗi, họ cũng chẳng sửa sai. Vì thế, trì trệ này nối tiếp trì trệ khác, thất bại này đưa đến những thất bại kế tiếp. Họ mãi luẩn quẩn trong sự bất toàn của bản thân mình.
Theo học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, khi bàn trong Cái dũng của thánh nhân, ông cho rằng tinh thần trách nhiệm là do cách giáo dục sai lầm gây nên. Mà môi trường giáo dục tác động chính yếu nhất đó là gia đình: Bố mẹ nuông chiều con cái cách thái quá, con làm sai thì người lớn tìm cách bao che, con ngã lại vu khống cho là lỗi của hòn đá, cái bàn, v.v... Đứa trẻ sẽ mãi là một đứa trẻ.
Hoàng Hồng - Minh trong sách Lòng Người Mênh Mang đã mạnh mẽ dứt khoát rằng: "Cái lớn nhất là phải 'giết đi', về mặt triết học, cái tuổi thơ của chính mình ở bên trong mình, vứt bỏ toàn bộ cái 'huyền thoại trong nôi' về đời sống của mình, không vay mượn, không nể nang, không chèo kéo".
Bà Maria Montessori nói: "Đứa trẻ không tập hành động lấy một mình, không tập chỉ huy lấy hành vi của mình, không tập quản lấy ý chí của mình, khi lớn lên sẽ là một kẻ dễ bị dụ dỗ, sai khiến và luôn luôn có tính ỷ lại vào kẻ khác. Đứa học trò thường bị rầy la quở mắng sẽ sinh lòng chán nản, không tin mình và hay sợ sệt nhút nhát, lớn lên nó sẽ có tính phục tùng và hay rủn chí, thiếu cả nghị lực tinh thần."
Còn Les Brown khuyên rằng: "Hãy có trách nhiệm với cuộc đời mình. Hãy biết rằng chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn muốn đến chứ không phải ai khác."
Hãy là một người trẻ có trách nhiệm, có sự độc lập, tự lập cần thiết. Hãy dám từ chối, dám nói 'không' trước những vấn đề sai trái, với sự hiểu biết và suy xét kỹ lưỡng.
Và rồi kết quả ra sao, hãy đón nhận nó như một bài học trên đường trưởng thành của bản thân.
Đừng sợ! Tôi nhắc lại: Đừng sợ!
Bạn sẽ được nếm quả ngọt do chính bạn tạo ra chứ không phải từ một ai khác. Nó có thể không lớn hơn những quả bên cạnh, nhưng tôi biết chính xác rằng nó ngọt ngào hơn bất cứ loại quả nào trên đời này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top