Chương 8
Cơn mưa dữ dội đêm qua khiến lũ vắt đói đang ẩn mình dưới đáy lớp lá mục có thêm sinh khí. Chúng rời nơi trú ẩn vung vẩy chiếc vòi gớm ghiếc trườn thân hình nhơ nhớp lên các nhánh cây, cọng cỏ tìm nơi ẩn nấp chờ con mồi đi qua.
Mặt trời đã lên cao. Từng cụm mây hình vảy cá treo lơ lửng trên bầu trời xanh thẳm.
Ở một góc đồi thấp trong vạt rừng thưa mang tên Tà Săng linh thiêng thuộc tỉnh Kampongcham, cách quốc lệ 7 của vương quốc chùa tháp non 5 cây số ẩn hiện thấp thoáng những cụm nhà lá im lìm. Trong cái tĩnh lặng của rừng, những tiếng chim cùm với tiếng gọi bầy của voọc trở thành âm thanh huyền bí.
Tà Săng là tên gọi một vị thánh linh thiêng mà bất cứ thợ săn, thợ rừng nào cũng kính nể. Săng là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng thợ rừng cư ngụ tại sóc Tà Ôi. Thuở thiếu niên, Săng đã lộ rõ năng khiếu thiên phú về tài bắn cung thiện nghệ. Trong tầm ngắm của Săng, một con chim sẻ bay vút cũng không thoát được mũi tên căng dây dũng mãnh. Khi trưởng thành, Săng trở thành một tráng sĩ vạm vỡ, gan dạ của sóc. Nhờ Săng, những đám cướp cạn ven biển và lũ ma rừng, lũ chằn tinh ba mắt không dám bén mảng đến Tà Ôi quấy rối dân sóc.
Bỗng một ngày, sóc Tà Ôi dậy sóng bởi một đám người da trắng bệch mà người Việt gọi là quân Phú Lang Sa kéo quân đến xua đuổi dân sóc rời rừng sang bên vùng đất của người Việt. Chúng bắt những trai sóc đi làm phu đào đường không công cho chúng. Săng cùng một số thanh niên người Việt trốn vào rừng, gia nhập vào đội nghĩa quân của Pucambot (1) đánh đuổi Phú Lang Sa. Chủ soái Pucampot giao cho Săng chỉ huy một toán quân chuyên đột nhập các kho lương của địch đem về chia cho dân làng. Thỉnh thoảng những người dân nghèo người Miên, kể cả người Việt bất ngờ nhận được một bao gạo được ném bí mật vào nhà của mình. Quân Phú Lang Sa tổ chức nhiều trận phục kích nhưng không thể bắt Săng bởi Săng có phép tàng hình. Có lần Săng dùng phép thuật đi thẳng vào giữa doanh trại Phú Lang Sa lúc giữa trưa, đường hoàng lấy vài khẩu súng và một túi gạo trước mặt tên quan hai mà không bị phát hiện. Từ đó, dân làng Việt lẫn dân sóc Miên đều gọi Săng bằng cái tên kính trọng: Tà Săng. Sau này, quân Phú Lang Sa mở tuyến quốc lộ 7 xuyên Việt - Miên, nghĩa quân Pucampot rút lui dần vào rừng sâu và biến mất bí ẩn. Săng vẫn ở lại tại vùng đồi thấp nơi vạt rừng gần sóc Tà Ôi để bảo vệ dân làng. Tuy không ai thấy bóng dáng của ông nữa nhưng mỗi khi gặp nạn, người ta gọi tên ông, khấn cầu cứu giúp đều được thoát nạn. Nhiều thợ rừng kể rằng, thỉnh thoảng họ bắt gặp trong màn đêm một cặp mắt to bằng cái chén, đỏ lừ nhìn chăm chắm. Họ cho rằng đó là đôi mắt của Tà Săng. Khi họ đốt một bó nhang khấn vai Tà Săng thì đôi mắt biến mất.
(1)Pucampot - Pu Kom Pô (hay Pucômbô, ? - 1867) là tên (theo cách gọi của người Việt) một nhà sư người Khmer, và là thủ lĩnh cuộc kháng và triều đình Campuchia thân Pháp, khởi phát từ năm 1865, đến năm 1867 thì bị đánh dẹp. Trong trận chiến đấu cuối cùng, ông bị thương nặng và sau đó bị quân giết chết vào cuối năm. Ở Tây Ninh, thủ lĩnh Pu Kom Pô đã cùng với thủ lĩnh Trương Quyền xây dựng căn cứ chống Pháp ở Tây Ninh và Giao Loan, cùng hợp quân tiến đánh đồn Tây Ninh khiến cho thực dân Pháp lao đao và lo ngại.
Trong một căn nhà lá nhỏ nép cạnh một gốc cây dầu già giữa cánh rừng Tà Săng, một người đàn ông trung niên, dáng tầm thước, vận bộ bà ba đen, khăn rằn cà ma quấn cổ, đang trầm tư suy nghĩ trước một quyển sổ tay chi chít chữ cạnh chiếc bàn được ghép tạm bợ bằng những tấm ván xẻ. Đó là Sáu Ngọc, Phó ban An ninh T4 chỉ huy mạng lưới điệp báo nội thành Sài Gòn.
Chiếc radio hiệu National nơi góc bàn đang rỉ rả phát bản tin của đài phát thanh Sài Gòn tường thuật về những cuộc biểu tình của giới học sinh sinh viên. Bản tin này đã được phát từ chiều hôm qua nhưng sáng nay vẫn được phát lại. Vì vậy Sáu Ngọc không quan tâm lắng nghe.
Ông đang bận tâm đến vấn đề quan trọng hơn.
Cuộc họp đột xuất của Thường vụ Khu ủy chiều hôm qua khiến Sáu Ngọc băn khoăn thức trắng đêm. Thường vụ Khu ủy giao cho Ban An ninh T4 nhiệm vụ tạo thế chính trị làm áp lực đòi Thiệu chấp nhận giải pháp hòa bình. Câu nói của Bí thư Khu ủy cứ ong ong trong đầu Sáu Ngọc: "Sẵn sàng ám sát Thiệu. Tuy nhiên đó là giải pháp cuối cùng bởi Thiệu bị ám sát sẽ có Thiệu khác thay thế. Ta đối sách với Việt Nam Cộng hòa nhưng thực chất là đối đầu với Mỹ. Việt Nam Cộng hòa là đối tượng nhưng Mỹ mới là mục tiêu của ta. Nếu Mỹ loại bỏ Thiệu, Mỹ sẽ tìm người khác thay thế. Biết đâu người khác khôn ngoan hơn Thiệu. Vì vậy, ta chỉ làm áp lực vừa đủ để Thiệu vẫn ở lại ghế tổng thống nhưng chấp nhận hòa bình. Hiện thời, Thiệu không chịu ký hiệp định Paris vì không dám công nhận chính phủ của ta. Thiệu không ký thì Mỹ khó có cớ rút quân trong danh dự. Vì vậy, bằng mọi giá ta phải làm cho Mỹ buộc Thiệu ký. Ta cần tổ chức một mạng lưới đòi hỏi Thiệu ngồi vào bàn đàm phán Paris . Giải pháp cuối cùng khi Thiệu vẫn cứng đầu thì dùng sức mạnh của tổ chức tình báo của ta lật đổ Thiệu và nhanh chóng đưa người của ta vào nội các Thiệu". Sáu Ngọc lẩm bẩm:
- Làm cách nào đây?
Ông mở xắc cốt lấy ra một tờ giấy mỏng. Đó là một bức mật điện được gởi từ Sài Gòn vào khu vừa được bộ phận cơ yếu giải mã. Bức mật điện là nội dung lá thư của Tổng thống Mỹ Nixon gởi cho Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 31 tháng 8 năm 1972.
"Thưa tổng thống,
Bước vào giai đoạn tế nhị hiện nay của cuộc thương thuyết Paris, tôi muốn quả quyết với Ngài một lần nữa, nhân danh bản thân tôi và một cách dứt khoát về nền tảng sắt đá của lập trường Hoa Kỳ: Hoa Kỳ đã không kiên trì từ bao lâu nay, với sự hy sinh của bao nhiêu mạng sống người Mỹ, để thay đổi lập trường vào mấy tháng chót của năm 1972. Lúc này đây chúng tôi sẽ không làm điều gì mà ba năm rưỡi trước đây, chúng tôi đã từ chối không làm. Nhân dân Mỹ biết rằng Hoa Kỳ không thể mua được hòa bình hay danh dự, hoặc chuộc lại được những hy sinh của mình với cái giá phải trả là bỏ rơi một Đồng minh dũng cảm. Điều này tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm. Nhưng nếu ta muốn thành công trong chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình lâu dài này, ta phải hoàn toàn tín nhiệm lẫn nhau...
Ký tên: Richard Nixon."
Sáu Ngọc bóp trán chăm chú đọc đi đọc lại nội dung lá thư hàng trăm lần. Bằng linh cảm nhạy bén của một vị chỉ huy phái khiển, Sáu Ngọc phân tích những ẩn ý nằm sâu trong từng câu văn trong lá thư của Tổng thống Mỹ.
Những thông tin điệp báo nội thành cùng với những bản tin của đài BBC cho biết đại hội Đảng Cộng hòa của Mỹ diễn ra ở Miami vào ngày 22 tháng 8. Tức là lá thư này được Nixon viết cho Thiệu sau 9 ngày diễn ra đại hội Miami . Đại hội này, Nixon được đảng của ông ta đồng ý cho ông ta tiếp tục tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2. Với tư thế chuẩn bị tái tranh cử, Nixon và đảng phái của ông ta cần, rất cần những cuộc đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tiến triển nhanh. Ông ta cần gương cao lá cờ triệu hồi binh sĩ về Mỹ theo con đường vinh dự để lấy phiếu bầu của cử tri. Những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam đang làm những gã dân biểu Mỹ nhảy lồng nhảy lộn suốt ngày đêm. Cái ghế tổng thống nhiệm kỳ 2 của Nixon đang được những chiếc đinh ốc mang tên hòa bình Việt Nam giữ tạm để khỏi bật ra khỏi cái nền Tòa Bạch Ốc. Ông ta cần Thiệu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán theo yêu cầu của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lá thư này, Nixon đang ve vãn Thiệu để đạt mục đích tranh cử tức là tạm nhân nhượng sự lỳ lợm của Thiệu chứ không phải Nixon chấp nhận ý kiến của Thiệu.
Sự tái ứng cử của Nixon buộc Nixon phải túm cổ Thiệu lôi ra bàn đàm phán Paris . Sáu Ngọc tin chắc như thế. Nghĩ đến đó, ông thở phào nhẹ nhõm. Lá thư này chỉ là cái củ cà rốt Mỹ ném cho Thiệu mà thôi.
Phải áp dụng chiêu thức "tựa phong đả mộc" thôi. Sáu Ngọc mỉm cười sau ý nghĩ có vẻ "sến" của mình. Tuy nhiêu, ngay sau đó, Sáu Ngọc cũng nhận thấy không thể dùng hình tượng khác để ẩn dụ kế hoạch mới vừa nảy sinh trong đầu.
Ông nhớ lại Nghị quyết 165 của "anh Ba" - mật danh của Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam - nhấn mạnh nhiệm vụ của công tác an ninh là: "Chủ động tiến công địch, đồng thời tích cực bảo vệ ta, đẩy lùi từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đánh địch trên cả 3 vùng, sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả 3 lực lượng: Chính trị, nghiệp vụ, vũ trang". Khu ủy cũng đã chỉ thị rõ 4 mục tiêu công tác đô thị là: Giành quyền làm chủ ở xóm lao động; Tập hợp quần chúng vào các tổ chức cách mạng làm thay đổi sự tương quan lực lượng có lợi cho ta; Hình thành mặt trận đấu tranh của nhân dân thật rộng rãi, lấy xóm làng làm nền tảng; Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt.
Với những yếu tố đó, Sáu Ngọc nhận thấy việc xây dựng một tổ chức tình bào chính trị chuyên biệt nhắm vào Thiệu và nội các của ông ta là giải pháp đúng đắn nhất. Tựa vào dư luận Mỹ đang tẩy chay chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, tựa vào áp lực Nixon đang nhắm vào Thiệu, tựa vào tư tưởng hòa bình, dân sinh, dân chủ của các tầng lớp đô thị, tổ chức tình báo này sẽ "bám lưng" Việt Nam Cộng hòa mà đánh là hiệu quả nhất. Nhưng, phải xây tổ tình báo này theo mô hình nào đây?
- Báo cáo chú Sáu, chú Mười đã đến.
Một chiến sĩ cảnh vệ khoác vai khẩu AK bước vào cất tiếng khiến dòng suy nghĩ của Sáu Ngọc bị cắt đứt. Ông bỏ viết ngẩng lên nói với người cảnh vệ:
- Ừm! Cháu tổ chức cảnh vệ mức độ cao nhất nhé. Đây là cuộc họp quan trọng.
Người cảnh vệ cất giọng nhận lệnh. Anh ta xoay lưng vừa bước ra khỏi nhà, một dáng người cao bước vô. Sáu Ngọc đứng bật dậy:
- Báo cáo thủ trưởng...
Người mới bước vào khoát tay:
- Bỏ bớt thủ tục rườm rà đi.
Người mới bước vào nhập đề ngay trước khi ngồi xuống đối diện Sáu Ngọc:
- Sao? Cậu đã tìm ra giải pháp nào chưa?
- Báo cáo anh Mười, lực lượng Thành đoàn có sẵn nhiệt huyết nhưng hầu hết chưa qua lớp đào tạo nghiệp vụ an ninh.
Mười Hương nhìn thẳng vào mắt Sáu Ngọc:
- Ta không thể sử dụng lực lượng Thành đoàn. Các em bên Thành đoàn rất đáng tin cậy và nhiệt tình nhưng chính sự nhiệt tình đó sẽ trở thành nguy hiểm nếu hoạt động điệp báo. Các cuộc biểu tình đã khiến các em lộ mặt với địch hết rồi. Theo tôi, cậu nên sử dụng các anh em bên tổ trinh sát vũ trang.
- Nhưng mấy đứa này có biết gì về nghiệp vụ tình báo đâu?
Mười Hương cười xòa:
- Cuộc chiến đấu giành tự do cho dân tộc này không theo một khuôn mẫu nào cả. Cậu nên nhớ điều đó. Tôi, cậu và hàng triệu người chiến đấu cho miền Nam đang sử dụng trái tim là nghiệp vụ. Cậu là dân trường lớp chính quy, tôi hỏi cậu này, cậu ứng dụng các cặp phạm trù vào công việc thực tế ở miền Nam này được bao nhiêu phần trăm? Cậu thấy đấy, cái lý thuyết "trường kỳ mai phục" mà cậu thuộc nằm lòng có ứng dụng được cho chiến trường miền Namkhông? Đây là cuộc chiến thực dụng. Hãy tận dụng những thứ mình có.
Sáu Ngọc chờ thủ trưởng dứt câu mới cất tiếng:
- Nhưng... thưa anh, về quân sự ta có thể thực dụng được. Một du kích có thể đánh tay đôi với một tiểu đoàn địch. Nếu thất bại, người du kích hy sinh. Còn trật chiến tình báo thì khác. Nếu một chiến sĩ bị bắt thì ta gãy toàn bộ kế hoạch và lưới.
Mười Hương xoa tay:
- Thôi, bỏ kiểu suy luận trường lớp đó đi mà. Tôi đã từng lọt vào tay địch. Địch đã khai thác được gì ở tôi chưa? Hãy tin rằng, tất cả chúng ta đang chiến đấu vì một Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình và hòa hợp dân tộc. Lý tưởng đó chính là kiến thức nghiệp vụ tổng hợp. Hãy tin những trái tim quả cảm, yêu nước và hãy tin tôi đi, đồng chí.
Ngoài mặt tìm lý tranh luận với Mười Hương nhưng thật bụng Sáu Ngọc rất tán thành ý kiến của vị chỉ huy đáng kính. Sáu Ngọc ưa tranh với Mười Hương cốt để... lấy cắp kiến thức thực tiễn chứ không phải vì ông tự cảm thấy mình giỏi.
Thời còn là sinh viên C500 ở miền Bắc, Sáu Ngọc đã cảm thấy có gì đó không ổn ở chiến trường miền Nam về mặt lý luận. Theo những gì giảng viên nước ngoài dạy thì tình báo viên chỉ nên ẩn thân chờ thời cơ. Họ ví dụ, để thắng lợi trận Trân Châu Cảng, Nhật đã phải cấy một điệp viên vào vai gã thợ sửa đồng hồ hàng chục năm trời. Suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, gã điệp viên chẳng được giao nhiệm vụ gì cả mà chỉ chăm chỉ ngồi sửa đồng hồ trước cổng một căn cứ quân sự của Mỹ để kiếm từng xu lẻ sống qua ngày. Địa chỉ hòm thư mật trống rỗng vẫn được gã kiên trì thay đổi đều đặn mỗi tuần. Có lúc gã tưởng như mình đã bị bỏ rơi. Thế rồi một ngày nọ, gã được chỉ thị của trung tâm phái khiển: "Chụp ảnh căn cứ quân sự trước cửa tiệm sửa đồng hồ". Nhờ những bức ảnh đó, quân Nhật đã thắng lớn trong trận Trân Châu Cảng.
Gã điệp viên sửa đồng hồ được chính phủ Nhật ghi nhận công lao to lớn nhất.
Ở miền Nam , ta và địch đối diện nhau, giành nhau từng tấc đất. Cái câu "trường kỳ mai phục" ở chiến trường miền Nam lại không phù hợp. Người dân theo ta nhưng địch quản lý. Nếu ta chỉ biết "mai phục" thì đến bao giờ mới có thời cơ?
- Cái cậu học trò chuồng cọp ra sao rồi? Quen rừng chưa?
Câu hỏi của Mười Hương cắt ngang dòng suy nghĩ của Sáu Ngọc.
- À! Nó đã ổn. Nó vào đây có cái tên mới là Mười Thắng. Hiện đang làm nhiệm vụ phân tích thông tin nội thành và nội các của Thiệu cho tổ điệp báo của tôi. Nó tỏ ra nhạy bén và có năng khiếu trong việc này. Có vấn đề gì hả anh Mười?
Mười Hương mở xắc cốt đeo bên hông, lấy ra một quyển sổ rồi hắng giọng. Sáu Ngọc biết thủ trưởng sắp triển khai công tác mới, vội vã mở quyển sổ tay và chăm chú lắng nghe. Mười Hương chậm rãi nói:
- Theo chỉ đạo của Trung ương Cục, ta chuẩn bị mọi thứ để buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài. Từ tháng Năm năm rồi, Trung ương Cục đã nhận được chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Trong chỉ thị đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh chủ trương "Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và cả chiến trường Đông Dương, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch xâm lược của chúng ở Campuchia và Lào, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972". Ngày 27.7.1972 tại hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân châu Âu đoàn kết với nhân dân Việt Nam, 27 đoàn đại biểu các nước Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu đã ra "Tuyên bố Paris" kêu gọi "chính phủ Mỹ chấm dứt tức khắc các cuộc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... chấm dứt mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, Lào và Campuchia". Mỹ không muốn chấp nhận việc ký kết hiệp định bất lợi cho Mỹ và ngụy nên chủ trương đánh đòn quân sự để ép ta phải nhượng bộ chúng. Chúng cho rằng "đe dọa phải... kết hợp với hành động thực thì mới có hiệu quả thuyết phục đối phương". Johnson năm 1965 đã dùng biện pháp leo thang đánh phá ra miền Bắc để thực hiện ý đồ chiến lược ở miền Nam ; còn Nixon năm 1972 dùng biện pháp leo thang để gây một sức ép cuối cùng theo cách tính toán "được ăn cả, ngã về không". Tại bàn đàm phán Paris , Mỹ đòi ta sửa đổi 120 chỗ trong dự thảo hiệp định. Bộ Chính trị Đảng ta nhắc nhở "phải đề phòng Mỹ tăng cường hành động quân sự. Tuyệt đối ta không được lơ là mất cảnh giá". Đó là tình hình chung.
Ngưng một lúc, Mười Hương nói tiếp:
- Ta phải thành lập một cụm điệp viên đáp ứng ba nhiệm vụ tình báo cụ thể do trên giao - Mười Hương vào thẳng vấn đề - Nhiệm vụ cụ thể của cụm này là xây dựng mạng lưới điệp báo, cơ sở bí mật trong các cơ quan chính quyền Sài Gòn. Một, sử dụng biện pháp tình báo thúc đẩy quần chúng chống đối Thiệu để Thiệu không còn con đường nào khác ngoài việc chấp nhận ký tên vào hiệp định Paris . Hai, xây dựng lực lượng điệp viên chuẩn bị chui vào lực lượng thứ ba đối lập với Thiệu sau khi hội nghị Paris hoàn tất. Trước khi đi ra Bắc dự hội nghị Trung ương 21, anh Mười Cúc - Bí thư T4 có dặn kỹ tôi: Nếu lật Nguyễn Văn Thiệu, người khác lên thay Thiệu thì không chấm dứt chiến tranh được. Ta phải để Thiệu lại rồi cho người vào được lực lượng thứ ba để nếu Hiệp định Paris thành công, chúng thành lập chính phủ ba thành phần thì có người của ta trong đó sẵn. Một điệp báo của ta đang ẩn mình trong lực lượng CIA đã báo cáo nhận định rằng: Mỹ mà rút thì Thiệu chỉ có "ăn cứt gà" thôi. Mỹ ngưng viện trợ là chết liền. Và Mỹ dứt khoát sẽ rút. Ba, ta sử dụng biện pháp tình báo xây dựng, tổ chức vùng lõm, chờ thời cơ nổi dậy cướp chính quyền. Không băn khoăn nữa, chọn cậu học trò chuồng cọp làm đầu mới xây dựng cụm điệp báo này. À, tôi và các đồng chí thường vụ đặt mật danh cho cụm này là A10. Tuy không được đào tạo qua trường lớp chính quy nhưng tôi tin chắc cậu ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tin sự chỉ đạo của cậu dành cho cậu ta chính là những bài học nghiệp vụ thực tiễn. Cụm điệp báo này phải tổ chức móc nối ngay với một tờ báo đối lập với Thiệu.
Sáu Ngọc vừa lắng nghe vừa cầm cây viết Parker viết nhanh những suy nghĩ vắt tắt vào quyển sổ tay: "Cần phải tấn công chính trị vào chính quyền Sài Gòn bằng điệp báo. Tạo thế chi phối những tờ báo tự do dân chủ, đối lập với chính quyền Thiệu. Phục hồi một số trung tâm hợp pháp trong lực lượng phụ nữ, học sinh, sinh viên. Tổ chức hoặc chi phối từ 5 đến 7 cuộc biểu tình đại quy mô toàn thành, ít nhất có từ 30.000 đến 35.000 người có cảm tình với ta. Theo dõi và tác động chính trị với nhóm Dương Văn Minh. Xây dựng vài trung tâm công khai dựa vào lực lượng thứ ba. Cài cắm người vào lực lượng thứ ba để tìm diệt nhân viên của Thiệu cài cắm vào đối phó hiệp định nếu Thiệu chịu ký hiệp định. Kiểm soát phong trào chống tham nhũng của Công giáo. Xây dựng các trung tâm công khai và các lõm chính trị trong các cụm dân cư. Học sinh sinh viên cần biểu tình bãi khóa từng trường đòi giảm thuế trường tư, đòi dân chủ học đường, chống bắt lính. Đối với những chợ điểm xây dựng ¾ gia đình làm trung tâm công khai, những quận mạnh phải xây dựng ½ tổng gia đình. Ở 36 chợ yếu chỉ xây dựng ⅓ cơ sở. Về công tác xây lõm chính trị: Phải xây dựng 150 khóm có cơ sở của ta, xây dựng từ 30 đến 40 khóm loại A (tức những khóm đã có tổ vũ trang, có đảng viên và địch bị ruỗng)"
- Báo cáo đồng chí, rõ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn... cụm điệp báo này sẽ hoạt động theo phương thức nào đây?
- Mạng lưới đơn tuyến một đầu mối. Ta tạm gọi đây là hoạt động tình báo chính trị.
- Và đầu mối sẽ là...
Mười Hương nhắc lại:
- Đúng, cụm trưởng là cậu học sinh chuồng cọp. Hãy để cậu ta tự xây dựng mạng lưới chân rết cho cụm.
Sáu Ngọc thức trắng đêm để băn khoăn những điều Mười Hương vừa chỉ đạo. Ông tự cười cái tính cả lo xa quên nhìn gần của mình. Cậu học sinh Minh Trí tức Mười Thắng chính là chìa khóa giải tỏa những băn khoăn nghiệp vụ của Sáu Ngọc.
Những thành tích hoạt động thành của Mười Thắng đã thu hút lực lượng sinh viên, học sinh thành một mạng lưới có sẵn. Đây sẽ là mạng lưới tình báo chính trị khắp nội thành. Lực lượng này có sẵn, chỉ cần thay đổi phương thức từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh tình báo chính trị. Và cậu học sinh chuồng cọp chính là người hội đủ yếu tố chỉ huy mạng lưới này. Sáu Ngọc gật gù mỉm cười thỏa mãn.
Mười Hương nhìn Sáu Ngọc:
- Chuyện gì mà cười một mình vậy?
Sáu Ngọc bộc lộ ý nghĩ của mình:
- Anh chọn thằng Mười Thắng khiến tôi hình dung ngay mức độ thành công của nhiệm vụ. Ấy vậy mà tôi thức trắng đêm suy nghĩ vẫn không ra.
- Thôi, đừng tán nhau nữa. Bắt tay vào làm thôi.
- Báo cáo đồng chí, rõ!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top