Chương 7
Tại dinh Độc Lập, trong phòng họp đặc biệt, ngoài Nguyễn Văn Thiệu, nội các tổng thống, bộ sậu chính quyền Đô thành Sài Gòn còn có đủ mặt tất cả tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng các tiểu khu thuộc Vùng 3, Vùng 4 chiến thuật, một số dân biểu và báo giới cùng phe cánh. Mục đích triệu tập cuộc họp của Thiệu là thông báo về việc Mỹ ép ông ta ngồi vào bàn hòa đàm Paris , đồng thời chen vào việc cảnh sát sẽ bắt Minh Trí vào sáng nay. Cuộc họp này là một việc làm ngẫu hứng của Thiệu sau mấy đêm mất ngủ.
Thiệu đang thấy rất rõ cái ghế tổng thống của mình đang bị lung lay bởi áp lực của chính phủ Mỹ.
Gần đây những tờ bào lớn của Mỹ như The New York Times, The Washington Post cứ nhắm vào cái tên Nguyễn Văn Thiệu để chỉ trích chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon. Những bài báo này còn nhắc đi nhắc lại vụ sinh viên Minh Trí tố cáo chuồng cọp Côn Đảo. Nhà báo Don Luce được các báo khác phỏng vấn về diễn biến quá trình phanh phui chuồng cọp Côn Đảo như thể đó là chuyện thần thoại nghe hoàn không chán. Đã thế, Don Luce còn tổ chức một nhóm ký giả dịch, in và cổ xúy những tuyển tập thơ của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Huy Cận, Giang Nam . Rồi các nhà báo phương Tây như Jane Fonda, Barbara Dane và Joan Baez vào tận Bắc Việt Nam thực tế viết bài như một thức phong trào. Phóng viên Seymour Hersh còn công bố trên New York Times một loạt ảnh chụp quân đội Mỹ thảm sát thường dân Mỹ Lai ở Quảng Ngãi vào ngày 16.3.1968. Giáo sư sử học Gabriel Kolko thì viết bài "Giải phẫu một cuộc chiến tranh" phân tích sự tất thắng của Cộng sản Việt Nam và sự thất bại của Hoa Kỳ như một tất yếu tự nhiên. Còn Dave Dillinger và Cora Weiss họp báo ở New York ủng hộ kế hoạch 7 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miềnNam đòi Mỹ rút quân. Tại Âu châu, Úc châu và Phi châu, các hoạt động phản chiến của giới trí thức và truyền thông như Jean Paul Sartre, Madeleine Riffaud, Sara Lidman, Jean Lartéguy, Léopold Senghor, Geneviève Tabouis, Wilfred Burchett cũng làm Thiệu ngộp thở.
Thiệu nhớ lại hồi đầu năm 1966, khi vừa mới ngồi chưa ấm đít trên chiếc ghế tổng thống, ông đã choáng váng khi nhận được một tài liệu do cơ quan CIA Mỹ gởi. Trong tài liệu đó có một lá thư của học giả Huân tước Bertrand Russell gởi cho Hội nghị đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh ở La Havene ca ngợi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đồng thời kêu gọi hội nghị này thành lập Tòa án Quốc tế xử tội ác chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tháng 5.1967, tòa án này họp phiên đầu ở Stockhom, Thụy Điển gồm 15 thẩm pháp Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Philippines v.v... Tháng 11.1968, tại Roskilde, Đan Mạch, tòa án tuyên Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh xâm lược và ném bom hủy diệt các mục tiêu dân sự là phạm tội diệt chủng. Vụ kiện cái kiến củ khoai này tuy không đi đến đâu về pháp lý nhưng cơ hội tốt cho dư luận thế giới biết cái ngụy của chính quyền mà Thiệu vừa lên làm tổng thống. Lúc đó, người bạn Hoa Kỳ còn hăng tiết vịt chiến tranh. Bây giờ, người bạn ấy như một con gà mắc tóc trước những dư luận quốc tế.
Hơn ai hết, Thiệu biết Mỹ đang tìm cách bỏ của chạy lấy người khỏi Việt Nam . Bỏ chạy một cách... lịch sự có danh dự. Mỹ không muốn mang tiếng thua cuộc. Mỹ cũng không quan tâm đến hậu quả của cuộc bỏ chạy bởi hậu quả ấy đã có cái bia Việt Nam Cộng hòa gánh lấy.
Cái lão diều hâu Kissinger đã bày vẽ đủ trò xung quanh cái mỹ từ "hòa bình trên bàn đàm phán". Nhưng đàm phán mẹ gì. Cộng sản Bắc Việt, Cộng sản Nam Việt Nam và lão Kiss cứ đòi Thiệu phải chấp nhận một chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, chấp nhận Cộng quân đang thường trú tại miền Nam được ở lại phía dưới vĩ tuyến 17, trong khi quân Mỹ triệt thoái về nước. Cái kiểu đó, xem như Mỹ chấp nhận xóa sổ Việt Nam Cộng hòa rồi còn gì. Mặc dù vẫn cố gân cổ kêu gào quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể đương đầu với Cộng quân nhưng Thiệu quá rành nhuệ khí đám quân tướng của mình. Sư đoàn 3 mới thành lập đã có nguy cơ bị xóa sổ. Tướng ta thì tay nào cũng gào sẵn sàng tử thủ với Việt cộng nhưng chỉ cần nghe một phát súng đã nháo nhào chui đầu vào hầm chổng đít lên trời gọi phi pháo, gọi máy bay Mỹ ểm trợ.
Lại nhớ tới hình ảnh hai cái xác của ông Diệm, ông Nhu bê bết máu trong chiếc xe bọc thép, Thiệu rùng mình. Cái giá cãi lời Mỹ quá đắt đối với anh em ông Diệm vẫn còn là bài giảng có thể lặp lại với Thiệu. Biết thế... nhưng Thiệu đang đứng ở một góc hẻm cụt, khó bước tới mà cũng không thể tháo lui. Nếu nghe lời Mỹ, ngồi vào hòa đàm Paris , tức là Thiệu đã chấp nhận đầu hàng Cộng sản vô điều kiện. Nếu cãi lời Mỹ thì... Thiệu không muốn đi chung xuồng với Diệm. Nếu Mỹ không thanh toán Thiệu bằng một cuộc đảo chính như đã từng làm với anh em Diệm mà rút hết các khoản viện trợ thì Thiệu cũng chết. Những kẻ thuộc phong trào phản chiến có cớ, có lý do đảo chính hoặc ám sát Thiệu không chừng. Thiệu tưởng tượng cảnh mình ôm đầu máu chạy dưới làn mưa đá của đám người biểu tình quá khích mà rùng mình từng chập.
Cửa nào cũng chết, thôi thì Thiệu cũng tìm cho bản thân mình một con đường thoát như ông thấy Mỹ đã làm, tức là bỏ chạy trong danh dự. Thiệu chấp nhận cuộc đàm phán Paris nhưng trước đó Thiệu sẽ la làng với dư luận rằng Mỹ ép uổng mình. Thiệu muốn ra vẻ mình yêu nước, nhưng vì Mỹ thúc ép nên miễn cưỡng chấp nhận. Với lý luận đó, sau khi Mỹ rút, Việt Nam Cộng hòa ngất ngư chết, Thiệu sẽ cùng gia đình bay biến khỏi Việt Nam thụ hưởng khối tài sản được bà Sáu tích lũy từ lâu ở các ngân hàng châu Âu. Lúc đó, dư luận không có cớ chê Thiệu bất tài. Miền Nam mất là do Mỹ. Thiệu thoát tội.
Thiệu triệu tập cuộc họp này để tiến hành kế hoạch "bỏ chạy trong danh dự" của chính mình.
Chờ cho khách mời đông đủ, Thiệu bước lên chiếc bục gỗ đứng cúi gằm mặt nhìn những chiếc micro hồi lâu ra vẻ rất buồn phiền. Ông ta từ từ ngẩng ánh mắt đỏ hoe lên, cố nhão giọng như sắp khóc:
- Hỡi các chiến hữu, các đồng đội đang cùng tôi chiến đấu trước họa xâm lăng của Cộng sản! Vậy là người bạn đồng minh Mỹ của chúng ta đang mưu toan bán đứng chúng ta. Họ đang đâm sau lưng chiến sĩ của ta. Họ muốn ta ngồi chung bàn với Cộng sản. Tôi, Nguyễn Văn Thiệu, một tổng thống Việt Nam Cộng hòa, một đại tướng quân lực Việt Nam Cộng hòa cương quyết nói không với Cộng sản, cương quyết không chấp nhận bắt tay hay ngồi chung bàn với Cộng sản. Nhưng... (ông ta ngưng khoảng 10 giây để nhìn một lượt các cử tọa) Hoa Kỳ thúc ép tôi phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Ngày nào tôi còn thở trên đất nước này, tôi còn nói không biết, không nghe, không thấy Cộng sản. Nhưng... (lại ngưng 10 giây) nếu tôi không chấp nhận hòa đàm Paris , Mỹ sẽ cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa. Nếu điều đó xảy ra thì không phải một năm, một tháng hay một tuần mà chỉ một ngày, Việt Nam Cộng hòa sẽ rơi vào tay Cộng sản, Miền Nam sẽ tắm trong biển máu...
Thiệu toan nói nhiều nữa nhưng viên cố vấn an ninh của Thiệu bất ngờ xuất hiện nơi cánh cửa nhung đỏ bước như chạy về phía Thiệu ghé tai nói nhỏ:
- Cảnh sát đã để sổng tên sinh viên Trí.
Thiệu quên mình đang ghé sát mồm vào những chiếc micro, nói thảng thốt:
- Mẹ mấy thằng cảnh sát! Bảo thằng Bình chuyển cuộc họp báo vô đây. Vẫn công bố thằng Trí là Việt cộng.
Câu nói của Thiệu được hệ thống khuếch đại âm thanh phát lồng lộng trong phòng họp. Không gian trầm lắng vỡ òa. Thiệu đỏ mặt đính chính:
- Tôi xin tuyên bố cuộc họp tình hình hòa đàm Paris chấm dứt để nhường cho một cuộc họp báo công bố một thông tin liên quan đến các hung thủ ám sát giáo sư Bông. Yêu cầu các cử tọa ở lại tham dự. Để chuẩn bị cho cuộc họp báo, chúng ta giải lao. Tôi sẽ mở hầm rượu chiêu đãi quý vị.
Phòng họp lao nhao kẻ nói người cười bên bàn buffet ứ ắp thức ăn. Một sĩ quan bảo vệ Phủ Tổng thống tiến đến cạnh ông Sinh phó tỉnh trưởng Bến Tre dập gót chào:
- Kính mời ông phó tỉnh ra ngoài sảnh nhận điện thoại từ người nhà.
Ông Sinh nhanh chóng rời phòng họp bước ra. Bên kia đầu dây, giọng Loan em vợ của ông nói rành rẽ:
- Anh Ba vừa ghé thăm anh.
Ông Sinh bình thản bảo:
- Được rồi. Em bảo ông trung úy Tám tài xế, mười lăm phút nữa đánh xe đến phía trái cổng dinh Độc Lập đón anh nghen. Anh họp sắp xong rồi.
Cánh cửa ngôi biệt thự nhà ông Sinh mở rộng để chiếc Mercedes màu đen có cắm cờ hiệu ưu tiên trước mũi xe từ từ lăn bánh khỏi con hẻm. Tài xế là một thanh niên có hàng ria mép rậm, vận bộ quân phục bộ binh đính hàm trung úy. Những người hàng xóm láng giềng thoáng ngạc nhiên khi thấy người lái xe cho ông phó tỉnh hôm nay không phải là ông trung úy hiền lành và vui vẻ thường ngày mà là một viên trung úy trẻ lạ. Tuy lạ nhưng nét mặt viên tài xế trung úy trẻ này trông quen quen. Tuy nhiên những người hàng xóm tò mò vội quên ngay tâm trạng ngạc nhiên vì cảnh lục soát nhà ông ký bưu điện đàng kia hấp dẫn hơn.
Sau khi quan sát qua kính chiếu hậu, biết chắc không có cái đuôi nào bám theo, Trí đánh vô lăng cho xe tấp vào một ga xăng. Anh Tám tài xế của ông Sinh trong bộ đồ lính đứng chờ sẵn từ khi nào bước đến mở cửa xe, vồn vã hỏi lớn:
- Cha! Lần sau muốn nghỉ phép thì báo trước vài ngày nghen cha nội! Ông lái xe cho phó tỉnh trưởng mà cứ nghỉ đột xuất đi chơi với mèo, có ngày bị ông phó tỉnh cho đi Vùng Một đó.
Trí cười hề hề, đáp lớn:
- Thông cảm đi anh Tám. Tui chỉ nhờ anh lái thay thế lần này nữa thôi. Tại tui mới quen con nhỏ sinh viên, cù cưa cả tháng nay mới hẹn được nó đi chơi Vũng Tàu. Thôi, anh đi đón ông sếp tui nhanh nhanh đi, ổng mới họp xong, đang chờ xe tới đón ở cổng phải dinh Độc Lập. Tối nay tui bao anh chầu lade(*) tạ ơn.
(*) Một loại bia bình dân ở Sài Gòn
Trước khi bước vào xe, anh Tám bắt tay Trí:
- Thôi khỏi bia bọt. Mai mốt tui có độ, ông lái xe thay tui là được. Chúc ông đi chơi với mèo vui vẻ.
Trí nhận được giữa cái bắt tay của anh Tám một miếng giấy nhỏ. Anh Tám đánh xe phóng ra đường. Trí vẫy một chiếc taxi chui tọt vào:
- Cho tôi ra bến Bạch Đằng.
Trí kín đáo mở miếng giấy nhỏ của anh Tám đưa khi đang ngồi gọn trong taxi. Miếng giấy ghi vỏn vẹn 2 từ: "Hạ viện".
Trí dựa ngửa vào thành ghế nói với người lái xe taxi:
- Khỏi ra bến Bạch Đằng. Anh chở tôi đến Hạ viện.
Người lái xe taxi chỉ dạ một tiếng rồi lẳng lặng đánh xe đến thẳng tòa nhà Hạ viện.
Ra khỏi chiếc taxi, Trí bước thẳng lên bậc tam cấp tòa nhà Hạ viện. Mấy viên quân cảnh đang đứng gác gần đó, quát:
- Anh lính kia, đi đâu?
Như một gã lính lưu manh chính hiệu, anh hất hàm về phía mấy tên quân cảnh chửi thề:
- Tao vừa từ chiến trưởng lửa khói về, tranh thủ ghé thăm anh tao, không được hả? Tụi mày cơm no ấm cật ở thủ đô bày đặt hạch sách, tao cho ăn mấy phát bây giờ.
Mấy gã quân cảnh thấy Minh Trí ăn nói giống như bọn lính mới đi trận về nên hơi ngán, hạ giọng:
- Trung úy bớt nóng. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo an ninh khu vực này. Lúc này Việt cộng lộng hành lắm. Nếu trung úy không phiền, làm ơn cho chúng tôi xem giấy tờ.
Trí chưa biết phải đối phó sao thì từ trong tòa nhà Hạ viện, một người đàn ông trắng trẻo, phốp pháp bước ra. Đó là dân biểu Hàm. Ông ta xua tay với mấy gã quân cảnh:
- Giấy tờ chi cho phiền phức. Em trai tôi đó mấy chú. Nó từ chiến trường Trị Thiên về đó - Nhìn về phía Trí, vị dân biểu nói to - Hóa ra em còn sống. Ôi! Vào đây với anh, nhanh lên.
Trí mừng gỡ chạy lên bậc tam cấp ôm lấy vị dân biểu. Mấy gã quân cảnh vội lỉnh đi chỗ khác.
Trong lúc ôm chặt nhau, vị dân biểu nói nhỏ vào tai Trí:
- Chú vào phòng làm việc của anh trú mấy hôm chờ giao liên đưa lên Đà Lạt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top