Chương 5

Trên ban công tầng hai ngôi biệt thự xây theo lối kiến trúc La Mã, cô con gái rượu của trung tướng Hoàng đang đứng tựa người vào lan can, mắt mơ màng nhìn xuống chiếc cổng sắt chờ đợi. Anh ta đã trễ giờ hơn 5 phút.

Ánh nắng chiều đã ngả màu vàng vọt yếu ớt và sắp khuất sau những ngọn nhà phố sắp lớp nhấp nhô. Tiếng đàn mandoline vẳng ra những điệu nhạc du dương từ chiếc máy hát đĩa đặt trong phòng không đủ sức lôi kéo ánh chiều trở nên tươi hơn. Cô gái thở dài thườn thượt. Cô không biết mình đã yêu chưa nhưng cô biết chắc trái tim mình luôn lỗi nhịp mỗi khi anh đứng trước mặt cất cao giọng phân tích những công thức toán học.

Cô bồi hồi nhớ lại cái ngày đầu tiên gặp anh.

Hôm ấy, đi học về cô bất ngờ gặp anh đang ngồi đối diện với mẹ nơi phòng khách. Bộ đồng phục nam sinh, mái tóc cắt cao khiến gương mặt hơi ngố, cái dáng cao kều và còm nhom ngồi cứng ngắc trên ghế nệm của anh khiến cô mắc cười không kiềm chế. Cô biết ngay cái gã khờ ấy sẽ là gia sư của cô. Trong khi cúi đầu chào để khỏa lấp nụ cười khiếm nhã, lòng cô thầm nhủ, chưa chắc anh chàng khờ này đủ học lực để bổ túc kiến thức cho cô - một kẻ được bạn bè trong lớp đặt cho biệt hiệu "máy điện toán biết làm điệu". Vì cô là một trong những nhân vật giỏi toán có tiếng. thật ra, cô đòi mẹ tìm cho một gia sư không phải để nâng cao kiến thức mà để test thủ khả năng anh chàng gia sư. Và đã có 2 gia sư bỏ của chạy lấy người ngay sau buổi dạy đầu tiên. Để thu hút nhiều "con mồi" cho cuộc chơi, cô đã yêu cầu mẹ đến trung tâm giới thiệu gia sư sinh viên hứa trả mức thù lao gấp 10 lần so với mức thù lao chung.

Ngay buổi chiều đó, anh được đến để dạy buổi đầu tiên, đúng hơn là để cô chơi trò thi đố kiến thức toán học. Thế nhưng, buổi học đó, chính cô lại là người thua cuộc. Anh điềm tĩnh không vội vã, tuần tự giải hết những bài toán hóc búa cô đưa ra. Cô chưng hửng khi phát hiện ra mình chưa đủ khả năng hạ gục anh trong toán học.

Đến buổi học thứ hai, anh vào đề ngay bài học, không nói thừa một lời. Vừa hết giờ học, cho dù đang dang dở bài giảng, anh tuyên bố hết giờ rồi xoay lưng đi thẳng không một chút chần chừ. Buổi học thứ ba, thứ đều như thế. Khi cô yêu cầu nán lại, anh nhìn đồng hồ tính giờ thù lao phụ trội. Suốt những buổi học, anh không trả lời những câu hỏi ngoài toán học của cô. Trong khi cô giải toán, anh bước ra ban công ngắm nhìn phố xá bên dưới. Những nụ cười hóm hỉnh, nũng nịu của cô bị anh dập tắt ngay bằng ánh mắt nghiêm nghị.

Gần kết thúc tháng học đầu tiên, cô bắt đầu chán nản vì cuộc chơi của mình đang trở thành những buổi học thật sự. Cô không muốn thế. Cô muốn mình tự khám phá những kiến thức có sẵn chứ không muốn gò ép mình nhồi nhét. Cô ghét anh vì anh đã phá trò chơi của cô.

Cô nói thẳng suy nghĩ ra với anh. Lần đầu tiên anh mỉm cười và chấp nhận nói chuyện ngoài bài giảng: "Tôi biết em muốn vậy. Hai người bạn đã kể về lý do bỏ cuộc cho tôi nghe. Vì những yếu tố đó, tôi đã yêu cầu mẹ em ký hợp đồng dài hạn một năm. Trong hợp đồng đó có ràng buộc rằng, không vì mọi lý do bất khả kháng nào hai bên được phép thỏa thuận hủy hợp đồng khi chưa đến thời hạn kết thúc. Em phải chấp nhận cuộc chơi này thôi".
Chờ anh về rồi cô mới bật khóc vì tức tối, vì thua cuộc, vì lòng kiêu hãnh bị người khác xúc phạm hợp lý và cũng vì bất lực trước đối thủ.
Lòng kiêu hãnh của cô con gái một vị tướng đã thúc giục cô tìm kiếm kẽ hở của đối thủ đề hòng gỡ gạc. Trong khi chua tìm được sơ hở, cô đành chịu khuôn phép của anh trong những buổi học.

Một hôm, cô lấy chồng báo cũ của ba lục tìm những bài thơ tình để bổ sung vào tập thơ sưu tầm của mình. Tuy chưa bao giờ để mắt đến những bài báo chính trị, xã hội nhưng lần này mắt cô phải dừng lại trước một tờ báo năm ngoái có đăng ảnh 5 sinh viên vừa được ra tù. Cô giật mình khi trong thấy anh là một trong 5 sinh viên trên bức ảnh. Cô háo hức trước phát hiện và chăm chú đọc. Lần theo chú thích, cô thấy cái tên Nguyễn Minh Trí đích thị là tên anh.

Báo Tin Sáng ngày 2.7.1970:

Thiên phóng sự điều tra "Tố cáo sự tàn bạo của chuồng cọp Côn Đảo" của nhà báo Don Luce và nhà báo John Helmil đăng trên tạp chí Time khiến 2 dân biểu Hạ nghị viện Hoa Kỳ là ông Williamm R Anderson và ông August Hawkins tổ chức cuộc họp báo và đệ trình lên Hạ nghị viện tại Tòa Bạch Ốc về sự tàn bạo của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tại Nam Việt Nam.

Ngày 24.5.1970, 5 sinh viên gồm Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long từ chuồng cọp Côn Đảo trở về tố cáo chế độ nhà từ của Việt Nam Cộng hòa trước Hạ nghị viện Sài Gòn. Nguyễn Minh Trí là một học sinh tuổi vị thành niên đã tham gia biểu tình đấu tranh yêu cầu hòa bình, đòi hỏi dân sinh, dân chủ bị bắt giam và đưa ra chuồng cọp Côn Đảo một cách trái luật, phi hiến. Trí bị giam ở Côn Đảo chỉ vì dám phát biểu nguyện vọng của mình. Sau khi được thả ra khỏi chốn địa ngục ấy. Nguyễn Minh Trí cùng 4 tù nhân sinh viên khác đã tố cáo chế độ lao tù hà khắc của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Từ những lời phát biểu tố cáo của Nguyễn Minh Trí, ngày 30.6.1970, phái đoàn dân biểu Mỹ và báo chí quốc tế ra Côn Đảo tìm hiểu sự thật. Họ đã tận mắt thấy những tù nhân bệnh tật, bại liệt, những cụ bà, thiếu phụ và trẻ em yếu đuối đang bị giam nhốt bởi chế độ lao tù tàn bạo. Họ vừa bị hành hạ, đàn áp, còn đang nằm nguyên trên vôi bột với những tấm thân tàn phế, ốm gầy chờ chết.
Nhà báo Mỹ Don Luce kể: "Chúng tôi được học sinh Nguyễn Minh Trí cung cấp tin tức về chuồng cọp Côn Đảo; Nó khắc nghiệt, nó dã man như thế nào, chưa biết? Khi đến Côn Đảo, tôi cầm trên tay tấm bản đồ do tù nhân người Minh Trí vẽ lối vào chuồng cọp. Chợt nhớ lời của anh sinh viên Việt Nam này là phải tìm một bức tường có cửa nhỏ bên một vườn rau xanh. Một nghị sĩ trong đoàn chỏi chúa đảo Nguyễn Văn Vệ: "Nghe nói trong tù các anh vẫn có thể trồng được rau xanh cải thiện cho người tù?". Vệ nghe thế thích chí dẫn mọi người tới bức tường (có cửa nhỏ) như sinh viên đã mô tả, nhưng không thấy cánh cửa nhỏ đâu mà chỉ thấy một vườn rau xanh ngắt. Một người trong đoàn hỏi Vệ: "Rau xanh này là rau gì?". Vệ nghĩ thầm người Mỹ không rành tiếng Việt, nói đại là "Rau muống". Thật xui cho tên chúa đảo, tôi là người Mỹ sống rất lâu ở Việt Nam . Tôi nói "Không phải! Đây là rau khoai lang". Ra vẻ như chứng minh lời mình nói, tôi cúi xuống nhổ dây khoai lang, nói: "Củ khoai lang nằm dưới đất ăn rất ngon". Thật ra, tôi muốn chỉ cho mọi người thấy đám rau này mới trồng để phủ lối mòn vào cánh cửa nhỏ. Đoàn nghị sĩ yêu cầu mở cánh cửa nhỏ, Vệ bực mình gõ mạnh vào cánh cửa nhỏ nói lớn: "Tôi nói cánh cửa này hư rồi, đã lâu không mở. Để tôi đưa các ông đi vòng qua cánh cửa khác". Y không ngờ tên cai ngục ở phía bên trong cánh cửa nghe tiếng ba-toong đập cửa của tên chúa đảo, lại tưởng chúa đảo yêu cầu mở cửa, thế là cánh cửa bật ra và sau đó là cả thế giới biết đến chuồng cọp.

Theo bức vẽ của Trí, tôi vô cổng lao Tư rẽ phải, đi vòng phía sau đám rau lang mà tù nhân khổ sai trồng để cải thiện bữa ăn, đến ngay bức tường chắn ngang có một cửa nhỏ để vào bên trong. Nhưng phái đoàn đến đây thì không thấy cánh cửa nào cả mà chỗ đó đã chất một đống củi cao lên bằng đầu tường. Tôi và William R Anderson trèo lên, nhìn vào bên trong thấy những ô đất, có tường bao quanh và Chúa ôi! Có 2 dãy chuồng cọp và những thân hình người xác xơ. Chúng tôi nhảy vào bên trong. Nguyễn Văn Vệ - trung tá Quản đốc cố ngăn chúng tôi lại nhưng không kịp. Cả phái đoàn vào bên trong bằng cách trèo qua đống củi đó. Chúng tôi quan sát mặt ngoài của chuồng cọp thấy có 30 cánh cửa sắt đen ngòm, đối lưng bên kia cũng có 30 ô cửa sắt đen như thế. Bên trong có nhiều tiếng người rên vì đau đớn, lại có cả tiếng phụ nữ và trẻ thơ khóc!

Tôi, John Helmil và 2 dân biểu Hạ nghị viện Mỹ August Hawkins, William R Anderson đã leo lên cầu thang, đi dọc trên đầu tường, hai bên là hai dãy hầm nằm dưới những chấn song sắt, giam cầm những người tù tàn phế, đang nằm trên vôi bột trộn lẫn thuốc sát trùng DDT. Những người tù thân trần trắng vôi, nồng nặc mùi hóa chất độc hại.

Phái đoàn tiếp xúc với những người tù bên dưới chấn song sắt. Họ thều thào: "Chúng tôi đòi được ăn no, được sống tự do"; "Yêu cầu nhà cầm quyền bãi bỏ chế độ khắc nghiệt". Một tù nhân là Đại đức Thích Hạnh Tuệ lên tiếng: "Tôi là một nhà tu hành cũng bì đày ải như thế này!".

Dãy chuồng cọp bên kia đang nhốt cả phụ nữ, trẻ em, những người bệnh tật. Sau khi chứng kiến, chụp ảnh để làm bằng chứng, tôi và John Helmil sang chuồng cọp I. Tại đây có trên 300 phụ nữ bĩ giam nhốt trong các ô chuồng cọp, đặc biệt có "má Sáu mù". Bà đã mù cả đôi mắt không còn thấy đường mà nhà cầm quyền Sài Gòn cũng đày ải bà ra Côn Đảo vào ngày 23.11.1969, giam nhốt tại chuồng cọp hàng tháng nay trong điều kiện khắc nghiệt như thế, không được tắm giặt, ăn uống kham khổ, không thịt cá, rau tươi.


Mọi việc xảy ra nhanh chóng, nên nhà cầm quyền Côn Đảo, nhất là trung tá Quản đốc Nguyễn Văn Vệ không làm sao phản ứng kịp, sau đó thì bọn giám thị la hét thúc giục bọn trật tự dọn dẹp tất cả các cần xé vôi bột trên đầu tường các ô chuồng cọp, dẹp đi những khạp nước, phương tiện hành hạ đàn áp tù nhân trong thời gian qua.

Để đối phó, đám cai ngục tại Côn Đảo đưa số chị em phụ nữ lên lao 5, số anh em bịnh tật có 129 người thì được đưa lên trại Sở muối. Sau đó, 2 dãy chuồng cọp được phá tung phần nóc, một hình thức phi tang dấu vết tội ác. Họ muốn đẩy số tù bệnh tật tàn phế lên trại giam Sở muối, dùng ánh nắng mặt trời gay gắt ở sát biển để cho những làn da xanh mét gầy còm bò lết này phải đen đi vì sạm nắng, hòng xóa đi những khắc nghiệt của chốn địa ngục trần gian...

Nước mặt cô rơi lã chã ướt đẫm cả tờ báo. Cô không ngờ trong lúc mình hưởng thụ cuộc sống thiên đàng trong ngôi biệt thự này thì có những con người đấu tranh cho quyền được sống thanh bình của mọi người lại bị giam cầm đối xử tàn tệ đến như vậy. Trong phút chốc, cô thấy anh thật phi thường và đáng ngưỡng mộ. Hóa ra, anh không thuộc dạng người để cô trêu chọc, đùa cợt mà chính cô mới là kẻ đáng bị xem thường.

Cô đã từng nghe thấy lời rủ rê tham gia những cuộc xuống đường của bạn bè cùng trường. Nhưng mỗi lần như thế cô đều làm ngơ. Cô không quan tâm đến những gì ngoài cuộc sống êm đềm đang bao bọc xung quanh cuộc đời. Thậm chí cô còn dè bỉu những cuộc xuống đường biểu tình đó bằng những câu xác định: Lũ xuẩn ngốc mới làm điều đó. Hòa bình hay chiến tranh là chuyện của những người làm chính trị chứ không phải chuyện của học sinh.
Từ khi phát hiện bài báo 5 học sinh tù nhân Côn Đảo, cô bắt đầu nhận ra xung quanh mình có quá nhiều bất công. Cô bắt đầu biết đọc báo và xem tin túc trên tivi. Dần dà, cô nhận thấy có điều gì bất ổn đang xảy ra trên đất nước của mình đang sống. Cô hốt hoảng khi biết bấy lâu nay mình sống quá sung sướng trong một tòa lâu đài ích kỷ. Trong đó, cô là một ả công chúa chỉ biết hái hoa bắt bướm.

Những buổi dạy của anh trở nên có ý nghĩa rất lớn đối với cô. Cô bắt đầu biết quý giá những buổi anh dạy. Cô muốn làm điều gì đó để chuộc lại thái độ không đúng đắn của mình. Nhưng cô chẳng biết phải làm gì để tạo cơ hội cho mình.

Hôm nay, cơ may đã đến. Ba cô đi tìm thăm một vị tướng hưu ở dinh Hoa Lan trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi. Cô nghe loáng thoáng bả kể với mẹ là sáng mai sẽ có một vụ bắt bớ. Kẻ bị bắt chính là một trong 5 sinh viên đã từng tố cáo chế độ lao tù Côn Đảo. Ba cô đăm chiêu, thở dài nói với mẹ cô: "Chế độ này đang suy tàn rồi. Tổng thống yêu cầu cảnh sát chụp mũ cho gã nhóc sinh viên này cái tội giết giáo sư Bông và một loạt vụ ám sát trước đó để khẳng định gã nhóc bị bắt đày ra tù Côn Đảo là đúng. Ông ta đem mạng sống của thằng nhóc này làm vật tế thần để cầu an cho địa vị tổng thống của ông ta. Tôi ngao ngán vì phải phục vụ cho cái chế độ thối rữa này". Ba cô nói thêm, lần này, gã nhóc sẽ phải gánh tội tổ chức ám sát các ông Lê Minh Trứ, Tổng trưởng Văn hóa giáo dục và thanh niên bào ngày 6 tháng 1 năm 1969; Ông Lê Diệu Luận, Phó chủ tịch nhân dân tự vệ phường Chợ Quán; Ông Văn Diễn Quang, Trường văn phòng đặc vụ Đài Loan ngày 6 tháng 4 năm 1959, Nghị viên đô thành ngày 19 tháng 6 năm 1969, Hà Thành Tín phụ trách Phân cục cảnh sát quận 6 tháng 7 năm 1969... Và cũng là kẻ tổ chức tấn công Phân cục cảnh sát ngụy quận 10, Phân cục cảnh sát quận 5.

Ba cô không hề biết, cái gã "nhóc sinh viên" ấy chính là anh, người hàng ngày đến tận nhà để dạy kèm cô. Từ một trung tướng cầm quân, ba cô đã bị buộc nghỉ hưu gần 10 năm nay nên không biết được những chuyện xảy ra ở chính trường. Mẹ cô thì không bao giờ quan tâm đến tin tức nên cũng chỉ biết anh là gia sư được thuê để dạy kèm.

Cô chìa tờ báo có đăng vụ 5 sinh viên tố cáo chế độ lao tù ra trước mặt anh. Ngược với suy đoán của cô, anh không tỏ vẻ ngạc nhiên mà còn bình thản hỏi:

- Tin này đã cũ hơn một năm rồi, bây giờ cô mới biết?

- Không. Mẫu tin cũ này chỉ là tiền đề cho một loạt hệ quả hiện tại. Anh sắp bị bắt.

Cô kể nhanh những gì ba cô nói với mẹ cô lúc ban trưa. Anh chăm chú lắng nghe bằng thái độ nghiêm túc. Khi cô nói xong, anh nhìn vào mắt cô:

- Sao em không cho ba biết tôi là nhân vật chính trong câu chuyện của ông? Ba em đang là một công thần của chế độ mà.

Ngạc nhiên vì anh không tỏ ra sợ hãi, cô nói:

- Em không có thói quen tự phân tích hành vi của mình. Em chỉ nghĩ mình đang là đúng. Tại sao anh không bỏ trố ngay bây giờ?

Anh nhún vai:

- Rất cám ơn em đã cho biết tin này. Ngày mai tôi mới bị bắt chứ không phải bây giờ. Hy vọng sau này, em sẽ là một trong những người bạn tốt cùng đứng chung một phía.

- Em là con gái một vị tướng Việt Nam Cộng hòa, một vị đại sứ, em không thể đứng cùng hàng ngũ với những người Cộng sản.

Anh mỉm cười:

- Không phải tất cả những sinh viên, học sinh, những bạn bè ta xuống đường biểu tình đều là Cộng sản. Họ xuống đường vì hòa bình, dân sinh, dân chủ và tự do cho dân tộc, cho quê hương này. Tôi không đề nghị em phải làm Cộng sản.

Dứt lời, anh nhìn sâu vào mắt cô một lần nữa, nói giọng trầm:

- Bây giờ tôi phải đi và tôi mong có dịp cùng em hòa ca với bạn bè bài nối vòng tay lớn.

Cô chưa kịp nghĩ ra điều gì để trả lời, anh đã khuất sau cánh cửa. Cô bâng khuâng đưa tay vén mái tóc đang lòa xòa trước trán để tầm nhìn rộng hơn.
Bên ngoài phố, trong một chiếc taxi đậu cách chiếc cổng sau ngôi biệt thự vài chục mét, gã tài xế dán chặt mồm vào chiếc tổ hợp điện đàm:

- Đom đóm vẫn còn trong rừng. Over!

Từ chiếc tổ hợp, giọng một cô gái õng ẹo vẳng ra âm lượng vừa đủ để gã nghe rõ nhưng không đủ lớn hơn để thoát khỏi chiếc taxi:

- Yêu cầu dự đoán cụ thể thời gian đom đóm trong rừng. Over!

Gã lái taxi bực mình gắt:

- Thường lệ là hai giờ. Đề nghị tổ đại bàng bớt... ngu lại tí xíu. Over!

Chiếc điện đàm bùng nổ:

- Thằng nào dám chửi tôi ngu vậy? Lo làm cho tròn trách nhiệm theo hướng dẫn của tôi. Tôi báo cáo thái độ công tác của anh là anh sẽ được dịp đi rình mèo đẻ. Over!

Gã lái taxi bực mình ném chiếc tổ hợp xuống sàn xe, văng tục một tràng rồi móc thuốc lá châm lửa hút lấy hút để. Bất chợt gã ho sặc sụa khi trông thấy cô con gái tướng Hoàng đang mở cánh cổng sắt cho Minh Trí dắt chiếc xe gắn máy Honda 67 ra.

Gã không ngờ hôm nay Minh Trí rời khỏi nhà tướng Hoàng sớm hơn thường lệ rất nhiều. Do bất ngờ, gã cập rập khởi động chiếc taxi. Vừa ho sù sụ cho khói thuốc thoát ra khỏi buồng phổi, gã vừa đánh tay lái nhấn ga phóng theo chiếc xe gắn máy.

- Đom đóm bất ngờ rời khỏi rừng. Over!

- Tìm hiểu đom đóm đi đâu. Bây giờ thì ai ngu? Over!

Gã vẫn ho sặc sụa. Nước mắt trào ra khiến tầm nhìn của gã mờ đục. Nếu chiếc xe gắn máy biến mất giữa dòng xe cộ, sự nghiệp tình báo của gã kể như kết thúc. Gã sẽ úa đời vì bị điều chuyển về nhân viên một trại giam.

Như không hề biết bị theo dõi, Minh Trí ung dung chạy ga nhỏ vòng vèo qua nhiều con đường lớn. 15 phút sau, anh chui xe vào một con hẻm trên đường Tôn Thất Hiệp.

Gã lái taxi đã bớt ho và căng thẳng, bình tĩnh báo cáo:

- Đom đóm về vườn bình an, không lo lắng. Over!

Ở một căn phòng kín trong Tổng nha cảnh sát, viên đại tá chỉ huy cuộc theo dõi thở phào nhẹ nhõm, nói với những người có mặt:

- Vậy là con mồi không biết mình sắp bị săn đuổi. Vẫn giữ nguyên kế hoạch. Đêm nay canh gác cho nó ngủ thật ngon. Sáng mai rước nó về. Con mồi sổng là tất cả chúng ta sẽ đối mặt với cơn thịnh nộ của tướng Bình đó.

Không cần ngoái đầu lại, Trí cũng biết mình đang là mục tiêu theo dõi của mật vụ.

Anh hoàn toàn tin những lời Nhi - con gái tướng Hoàng - nói. Vì từ tối hôm qua anh cũng đã nhận được tín hiệu báo nguy khẩn cấp của giao thông viên. Nước đã đến chân nhưng anh không thể nhảy ngay được. Anh có thể rời ngay vị trí để về cứ một cách an toàn. Có nhiều lý do để anh chần chừ. Lý do căn bản nhất là anh không tin Ba Điệp đã khai ra mạng lưới tổ chức trinh sát vũ trang B5(*). Anh biết rõ Ba Điệp là một chiến sĩ gan dạ, kiên trung, chấp nhận chết chứ không bao giờ phản bội lại tổ chức. Nếu Ba Điệp khai thì đâu chỉ mình anh mà rất nhiều người trong hệ thống An ninh Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đang hoạt động hợp pháp đã bị bắt. Thế nhưng kể từ ngày Ba Điệp và Ba Châu bị bắt đến nay đã một tháng, chưa cơ sở nào bị địch bắt cả, chỉ duy nhất C4 quá lo xa nên về cứ sớm. Ba Điệp là người hiểu rất rõ nhiệm vụ ám sát Nguyễn Văn Bông là nhằm vào mục đích chia rẽ, tạo sự nghi ngờ trong nội bộ địch. Nếu Ba Điệp khai nhận mình là Cộng sản tức là Ba Điệp đã giải tỏa được sự chia rẽ của địch. Ba Điệp không khai nhận thì thế cờ thắng vẫn thuộc về Ba Điệp, thuộc về tổ trinh sát vũ trang. Anh không tin Ba Điệp đầu hàng. Điều duy nhất có thể xảy ra là địch muốn dựng một màn kịch, trong đó, Ba Điệp đã khai ra duy nhất một cái tên. Đó là anh.

Sau cú bị tố cáo chế độ lao tù Côn Đảo vô nhân, Thiệu rất bẽ mặt với báo chí và quốc hội Mỹ. Thiệu rất muốn chứng minh anh là Cộng sản để giải tỏa những dư luận chỉ trích mặc dù bấy lâu nay Thiệu chỉ xem anh là đối tượng sinh viên bất mãn chiến tranh, căm ghét chế độ Việt Nam Cộng hòa chứ không xem anh là phần tử Cộng sản.

(*) Ký hiệu của một tổ ám sát vũ trang thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định

Bây giờ, anh lẩn trốn ngay sau khi Ba Điệp bị bắt tức là anh đã thông báo cho địch biết mình là Cộng sản. Anh lẫn trốn tức là anh tự nhận mình có liên quan đến Ba Điệp. Nếu không liên can, tại sao anh phải trốn?

Xét góc độ ích kỷ cá nhân, bằng đường dây giao thông dự trữ, anh dễ dàng về cứ và ung dung thụ hường sự an toàn cho riêng mình. Nhưng nếu anh về cứ thì tất cả đường dây liên quan đến anh cũng đều phải rút về cứ hoặc tê liệt. Một sự tổn thất lớn cho tổ vũ trang hoạt động hiệu quả, an toàn như thế, anh và đồng đội đã mất tâm huyết hàng mấy năm trời. Chỉ vì sự nhát gan của anh mà phá huy công sức đó thì quá đau lòng.

Sau khi suy xét nhiều chiều, anh phát hiện một góc nhỏ của vấn đề lóe sáng. Anh cứ chờ địch thực hiện một cuộc bắt bớ cụ thể. Anh lẫn trốn trong tình huống đó mới an toàn cho thế hợp pháp của tổ chức. Trong tình huống đó, anh vẫn giữ được vỏ bọc sinh viên tranh đấu và cái lõi Cộng sản của anh vẫn còn nguyên vẹn. Anh sẽ tìm cách thông báo cho báo chí biết, anh lẫn trốn vì bị bắt chứ không lẫn trốn vì mình liên can đến bất kỳ hoạt động nào của Cộng sản.

Anh mỉm cười phác họa một ván cờ thế, trong đó một nước sai anh sẽ chỉ trả giá bằng sinh mạng mình nhưng vẫn giữ nguyên thế hợp pháp cho tổ chức.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top