Chương 32 (Chương cuối)

Một buổi sáng tháng 4 năm 2010, trong căn phòng nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh, một ông lão tầm thước, có đôi mắt thông minh và mái tóc bạc trắng ngồi đối diện với một nữ nhà báo trẻ, thuộc thế hệ 8X. Đó là ông Trần Quốc Hương - người chỉ huy nhiều mạng lưới tình báo cách mạng hoạt động trong lòng địch ở miền Nam trước năm 1975. Ông đang kể cho cô nhà báo nghe về một góc chỏ của cuộc chiến tranh vĩ đại giải phóng dân tộc mà ông là người trong cuộc.

Cô nhà báo sinh ra trong thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn đổi mới và trưởng thành trong thời kỳ phát triển kinh tế. Khái niệm về chiến tranh đối với cô mơ hồ, trừu tượng. Vì vậy, ông chỉ hướng câu chuyện vào những góc khuất nhỏ, những góc khuất ít người biết để minh họa thêm cho một khúc ngoặt thời gian. Điều đó, những nhân chứng như ông, ít ai biết. Nếu so với pho lịch sử của đất nước thì điều đó quá nhỏ nhoi, cùng lắm được các nhà viết sử ưu ái ghi một vài dòng ngắn gọn. Nhưng nếu so với một đời người sống trọn vẹn trong thời bình yên, phồn thịnh thì những góc khuất nhỏ ấy trở thành vĩ đại. Những góc khuất nhỏ ấy chất chứa rất nhiều điều, kể mãi không cạn.

Ông khiêm tốn nhận mình chỉ là một nhân chứng lịch sử cuộc kháng chiến của dân tộc nhưng những gì ông đã cống hiến khiến cho pho lịch sử ấy dày thêm rất nhiều trang.

Tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những thanh niên ưu tú của chính quyền non trẻ. Năm 1954, khi hai miền đất nước bị chia cắt sau hiệp định Genève, ông được Trung ương biệt phái vào Nam để xây dựng, huấn luyện và chỉ huy một số mạng lưới điệp viên hoạt động trong lòng địch. Kể từ đó, tuổi trẻ của ông trôi theo dòng lịch sử kháng chiến miền Nam trong trận tuyến tình báo. Ông thấu hiểu những nhân vật tình báo của ông là một khuân mẫu hoàn toàn khác với những khuôn mẫu của mọi đất nước phồn vinh hiện đại. Họ đã cống hiến không vụ lợi, không trả treo với lịch sử và ra giá với bản thân. Nhờ giá trị đó, họ luôn chiến thắng.

Như sinh ra để hoạt động tình báo ông luôn chiến thắng, kể cả lúc bị địch bắt vào năm 1958. Biết ông là tình báo cao cấp, địch sử dụng mọi biện pháp để lung lạc ý chí ông rồi sau đó mua chuộc. Không khuất phục được chúng đã đưa ông vào danh sách 200 tù nhân cần thủ tiêu, nhưng chưa kịp thực hiện thì cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm xảy ra.

Ra khỏi tù, ông về Hà Nội. Năm 1968 Trung ương Cục miền Nam xin Trung ương chi viện ông về chiến trường miền Nam. Lần vào Nam này, ông giữ vai trò Phó Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam phụ trách An ninh đô thị và Trinh sát vũ trang, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định. Đây là thời điểm ông tổ chức, xây dựng và chỉ huy nhiều Cụm tình báo hoạt động trong lòng chính quyền địch, trong đó có cụm tình báo A10.

Bằng giọng chậm rãi, khúc chiết, ông kể:

- Trong lịch sử thế giới, trận đánh quyết định cuối cùng của chiến tranh luôn biến sào huyệt của kẻ chiến bại thành một bãi hậu chiến đổ nát, hoang tàn. Duy nhất chỉ có thành phố Sài Gòn được giải phóng nguyên vẹn. Để làm được điều đó, ta phải vận dụng rất nhiều bộ phận quân sự, chính trị, nghiệp vụ phối hợp chiến đấu. tất cả bộ phận đó, mỗi anh một việc, mỗi anh một vị trí nhưng đều tập trung cho nỗ lực giải phóng Sài Gòn nguyên vẹn. Như một dàn nhạc giao hưởng, một bộ phận thực hiện một cung bậc khác nhau bằng các loại nhạc cụ khác nhau nhưng có cùng một nhịp, cùng một nhạc phẩm. Nếu Trần Văn Hương không chịu trao quyền Tổng thống cho Dương Văn Minh mà tiếp tục ra lệnh Sài Gòn tử thủ thì Quân giải phóng buộc lòng đánh sâu vào nội đô. Trước sau gì thì ta cũng giải phóng xong nhưng mỗi ngày kéo dài thêm cuộc chiến là danh sách người chết dài thêm. Phố phường sẽ đổ nát vì giao tranh. Chính cụm tình báo A10 đã góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực thúc đẩy ông Minh quyết tâm giành lấy chính quyền để giao cho Cách mạng. Sau này, khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ông Minh luôn khẳng định Huỳnh Bá Thành là người tác động quan trọng nhất để ông tuyên bố đầu hàng, trao chính quyền cho Quân giải phóng. Sáng ngày Hai mươi chín tháng Tư năm Bảy lăm, khi Quân giải phóng đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch và đã tiến quân đến sát cầu Sài Gòn, một đơn vị biệt động quân của địch được lệnh đặt mìn phá hủy cầu để chặn bước tiến của quân ta. Huỳnh Bá Thành đã nhờ Huy - một vị dân biểu là con rể của Dương Văn Minh bạn thân của chỉ huy đám lính biệt động quân chốt giữa cầu Sài Gòn - yêu cầu đừng phá sập cầu. Lúc ấy Sài Gòn rất náo luận nhưng Huy vẫn đến được tận chân cầu gặp trực tiếp tay chỉ huy yêu cầu giữ nguyên cây cầu với lý do: chừa đường cho đám tàn quân ở Long Khánh chạy về Sài Gòn. Nhờ vậy, xe tăng và quân của ta có đường xâm nhập vào thành phố...

Chờ ông ngưng lời nhấp ngụm trà, cô nhà báo trẻ hỏi:

- Thưa ông, vì sao gọi A10 là tình báo chính trị ạ?

Ông cười hồn nhiên:

- Có lẽ trên thế giới chưa có hoạt động tình báo nào như cụm A10. Họ không được trang bị bất kỳ máy móc, thiết bị nào cả. tất cả các thành viên của cụm đều không có đồng lương nào. Hoạt động vì lòng yêu nước, vì nhiệt tình tuổi trẻ và vì cách mạng. Gọi là tình báo chính trị vì hoạt động của cụm luôn bám các chủ trương của địch mà đánh. Đánh bằng chính trị. Tính từ năm Bảy hai đến đầu năm Bảy lăm, Thiệu ban hành hơn sáu mươi sắc lệnh để thủ tiêu quyền dân chủ, khủng bố tất cả những ai không đồng ý với ông ta. Thông qua A10 Thành ủy đề ra các khẩu hiệu cho từng giới, từng ngành, từng thời điểm để đấu tranh với Thiệu. A10 đã linh hoạt để xoay chuyển hình thức, quy mô đấu tranh chính trị một cách linh hoạt, phù hợp, sát thực tế nên lôi kéo, cuốn hút được nhiều thành phần trung gian, nhiều sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền giúp phong trào đấu tranh biểu tình vừa có hiệu quả, vừa bảo toàn được lực lượng, góp phần thúc đẩy nhanh sự khủng hoảng chính trị trong chính quyền Sài Gòn. A10 đã làm các sắc lệnh của Thiệu bị vô hiệu , thậm chí để biến các sắc lệnh ấy trở thành chứng cứ tố cáo Thiệu.

- Hầu hết những thành viên của A10 đều không qua đào tạo nghiệp vụ tình báo?

Ông lại cười:

- Đúng. Nếu có thì chỉ là những buổi nói chuyện mang tính bình luận thời sự hơn là học nghiệp vụ. Mỗi thành viên A10 đều tự tìm cho mình một phương thức hoạt động. Ấy vậy mà, suốt thời gian hoạt động, cho đến ngày toàn thắng không một thành viên nào của Cụm A10 bị địch phát hiện. Nhắc chuyện này khiến tôi nhớ đến một nữ giao liên của A10. Cô này là em vợ Bá Thành, lúc đó đang là sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn, chưa từng tham gia phong trào sinh viên lần nào và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm hoạt động bí mật. Thời điểm đó, Bá Thành bị theo dõi nên không thể tiếp xúc trực tiếp với H3. Thế là Bá Thành nhờ cô em vợ này trao một tài liệu quan trọng cho H3. Bá Thành dặn cô đến địa chỉ hẹn, chờ gặp một người thanh niên. Nếu anh ta nói đúng và trả lời đúng mật khẩu thì giao tài liệu được hóa trang thành điếu thuốc lá. Sau lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ thành công, cô này xin được nhận nhiệm vụ luôn mà không biết đó là làm tình báo. Sau này, khi đó là nhiệm vụ tình báo thì cô đã trở thành một cán bộ đầy kinh nghiệm từ bao giờ.

Cô nhà báo toan hỏi thêm điều gì đó, ông ôn tồn bảo:

- Khi đất nước thống nhất rồi, một số anh em trong A10 được chuyển về công tác tại Công an Thành phố, một số chuyển sang làm báo, luật sư. một số khác vẫn tiếp tục ẩn thân hoạt động, bước vào cuộc chiến đấu thầm lặng khác để bảo vệ an ninh tổ quốc và giữ bình yên cuộc sống cho mọi người. Hồi mới hòa bình, tôi chỉ đạo "đại úy bác sĩ thủy quân lục chiến" Khánh Duy vẫn ra trình diện quân cách mạng như bao nhiêu anh em binh sĩ ngụy khác. Khánh Duy vẫn đi học tập cải tạo. Nhưng sau đó, vì thấy không cần thiết duy trì vỏ bọc đó, Khánh Duy được chuyển về công tác tại Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện giờ, Khánh Duy là giám đốc một trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện ở Thanh Đa; Minh Trí là luật sư trưởng văn phòng luật sư Trí Việt; Hai Phương là một nhà báo; Ba Hoàng đã mang hàm Thiếu tướng Công an... Có người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng, có người đang được đề nghị.

Ngưng một chút, ông nói tiếp như để kết thúc cuộc trò chuyện:

- Không thể kể hết tất cả mọi thứ được. Với tình báo, chạm vào bất kỳ điểm nào, ngóc ngách nào cũng có thể biến nó thành một câu chuyện dài nhiều tình tiết...

Ông nhắm nghiền mắt, dựa người vào thành ghế nghỉ ngơi. Sức khỏe của ông dạo này không được tốt lắm. Nhưng tiềm ẩn trong cơ thể yếu ớt vì tuổi già đó, một sức sống mãnh liệt luôn tồn tại.

Trại sáng tác Đà Lạt 2009

Trại sáng tác Nha Trang 2010

Nông Huyền Sơn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top