Chương 30

Từ sáng sớm người ta đã thấy hàng trăm ký giả, nhà văn, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của làng báo Sài Gòn hàng ngay ngắn trước cửa trụ sở Hạ viện. Xung quanh họ là hàng trăm cảnh sát dã chiến đứng đan cánh tay thành hàng rào người hơn 10 lớp. Bên ngoài những lớp hàng rào cảnh sát là hàng chục ngàn người bao vây gồm giới tài xế taxi, giới xích lô, công nhân của các hãng Mic, Xakibomi, Vifomico, sinh viên, học sinh, Phật tử, ni cô, linh mục, trí thức, tiểu thương, thương phế binh. Đã được báo tin trước từ tối qua, hàng trăm ký giả, phóng viên ảnh, phóng viên truyền hình của các hãng tin quốc tế len lỏi vào giữa đám đông để tiếp cận sự kiện.

Cánh cửa Hạ viện đang đóng im ỉm chợt bật mở. Một số dân biểu từ bên trong bước ra chuyền tay nhau phân phát nón lá, gậy và chiếc bị cói cho các ký giả đang xếp hàng. Trên nón là sơn sẵn hàng chữ "Ngày ký giả ăn mày".

Sau khi trang bị xong dụng cụ, những "người ăn mày" bắt đầu tiến thẳng về hàng rào người cảnh sát. Một cảnh tượng hỗn độn bắt đầu diễn ra. Bên ngoài, lực lượng biểu tình xông vô xé hàng rào cảnh sát để những "người ăn mày" thoát ra. Ở góc phải tòa nhà, có ai đó la lớn: "Cảnh sát đánh người đổ máu ở đây anh em ơi!". Đám đông kéo dạt sang hướng phát ra tiếng la. Ở đó, một thanh niên trẻ mặc chiếc áo sơ mi trắng nhuộm đỏ máu đang vật lộn với 4 cảnh sát. Đám đông xông vào ôm ngang người 4 gã cảnh sát kéo ra đè nghiến xuống đường. Thấy đồng bọn bị tấn công, đám cảnh sát làm hàng rào kéo dạt qua giải vây. Nhờ vậy, những người "ăn mày" thoát ra ngoài tiến thẳng về hướng chợ Bến Thành. Họ đi giữa rừng người đông nghịt. Đi đến đâu, rừng người vẹt ra chừa lối cho họ đi đến đó. Nhiều người xúc động gởi vào chiếc bị cói của "người ăn mày" gói xôi, bánh mì, thuốc lá.
Rừng người cùng hòa giọng thét to: "Đả đảo đàn áp báo chí! Đả đảo bịt miệng dư luận! Thiệu phải từ chức!". Từ khắp các ngả đường, rất nhiều xe chở lính, cảnh sát lẫn xe cứu hỏa xuất hiện nhưng chỉ dừng từ xa, bất lực quan sát những dòng người hừng hực nhiệt huyết.

Từng dòng người từ khắp các ngả đường đổ về càng đông. Trục đường Lê Lợi không còn đủ sức chứa hàng chục ngàn người cùng tuần hành, thế là một dòng người tách ra đi dài theo các tuyến phụ bao bọc xung quanh trung tâm Sài Gòn. Dòng người này đồng thanh kêu gào Thiệu từ chức, đòi hòa bình, đòi tự do, đòi cơm áo, đòi thi hành hiệp định Paris và kêu gọi cảnh sát, binh lính đào bỏ ngũ đứng về phía đồng bào đấu tranh. Trên đường đi, dòng người biểu tình vẽ khẩu hiệu bằng nước sơn xuống mặt đường Lê Lợi.

Ở trên bậc thềm Hạ viện, một dân biểu đứng diễn thuyết phân tích việc Thiệu vi phạm hiệp định Paris. Ở một góc chợ Bến Thành, một ni sư đứng giữa hàng trăm ni cô diễn thuyết kêu gọi Phật tử đứng lên đuổi Thiệu ra khỏi đất nước. Trên tượng đài, góc đường Phan Đình Phùng một người đàn ông diễn thuyết kêu gọi con chiên của Chúa cùng hợp lực đòi Thiệu trao chính quyền.

Mười Thắng trong vai một tài xế xe ôm ngồi trên chiếc xe Honda 67 dựng sát góc vỉa hè quan sát quang cảnh. Đây là lần đầu tiên anh hiện diện công khai giữa đường phố trung tâm Sài Gòn, kể từ ngày vào căn cứ. Không khí rực lửa của cuộc biểu tình khiến anh nao lòng.
Anh không ngờ mức độ thành công của kế hoạch được như thế. Anh hài lòng vì không uổng công sức thức trắng suốt một tuần điều phối kế hoạch trong nước rút.

Như một nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng nhiều cung bậc, anh đã phân công từng nhiệm vụ riêng lẻ cho mỗi mắt xích thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Điều khó khăn nhất là phải tận dụng đúng thời điểm để bùng nổ cuộc biểu tình đại quy mô này. Nếu chậm một ngày, có thể tình hình sẽ chuyển biến theo chiều hướng khác, bất lợi cho kế hoạch dài hạn. Nếu vội vã, bỏ sót một chi tiết, cuộc biểu tình sẽ không đánh trúng huyệt đạo đối phương.

Ngay khi nắm được tin lực lượng ký giả Sài Gòn tổ chức một ủy van "đấu tranh đòi tự do báo chí" để chống lại việc Thiệu ban hành đạo luật số 007 khống chế tất cả những tờ bào Sài Gòn nhằm bịt mọi thông tin bất lợi đối với ông ta, anh đã chỉ đạo một cơ sở xâm nhập vào lực lượng này. Nếu tổ chức biểu tình trong thời điểm này, Thiệu sẽ dễ dàng đàn áp thẳng tay lực lượng. Anh chỉ đạo cơ sở, tìm cách kiềm chế ủy ban này, khuyên họ khoan manh động để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ.

Anh biết cái đạo luật 007 vẫn chỉ là một mớ giấy lộn nếu Thiệu không áp dụng cụ thể. Chắc chắn một ngày không xa, Thiệu sẽ hành động. Anh biết chắc như thế vì các tờ báo bất chấp đạo luật 007, vẫn tiếp tục chửi rửa Thiệu, Thiệu từ chức. Đúng như dự đoán, cách nay một tuần, một cơ sở của A10 trú ẩn trong Tổng nha Cảnh sát đã chộp được kế hoạch thực hiện chiến dịch bí mật mang mật danh Sao Chổi gởi vào cứ. bản kế hoạch chiến dịch này nêu rõ chi tiết đàn áp, bắt bớ, khủng bố từng tòa soạn, từng ký giả bằng những thủ đoạn đê hèn nhất, kể cả hành động thuê côn đồ đốt tòa soạn, đánh đập dằn mặt ký giả.

Cùng thời điểm, bọn tay chân Thiệu cũng soạn thảo một kế hoạch đánh úp dinh Hoa Lan. Kế hoạch này được soạn thảo bí mật, chỉ có Quang và vài thuộc hạ của y biết, khác với kế hoạch Sao Chổi có rất nhiều bộ phận tham gia soạn thảo. Nếu cho báo chí công bố kế hoạch Thiệu đánh úp dinh Hoa Lan, chẳng khác nào chỉ rõ vị trí của điệp viên đang ẩn thân cạnh Quang. Nếu để Thiệu đánh úp dinh Hoa Lan, một số điệp viên của Cụm sẽ bị vô hiệu hóa hoạt động.

Anh biết thời điểm đã đến. Thế là một kế hoạch tấn công chính trị quy mô vào chính quyền Thiệu được khởi động mà tâm điểm "ký giả ăn mày". Anh huy động tất cả mạng lưới của Cụm vào cuộc.

Đường dây của H2 chịu trách nhiệm kích thích ủy ban "đấu tranh đòi tự do báo chí" tập hợp lực lượng ký giả, tổ chức nón, bị, gậy đi tuần hành "ăn mày", đồng thời ra thông cáo báo chí phát cho các ký giả , phóng viên quốc tế. Đường dây của H3 chịu trách nhiệm vận động, kích thích các nghị sị, dân biểu ủng hộ cuộc tuần hành "ký giả ăn mày", trong đó, nhân tố chính là Họa sĩ Ớt. Các mắt xích, đường dây ngoại vi của H2, H3 nằm rải rác ở ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, các nhà thờ, chùa chiền, các trường học, các chợ và 39 lõm chính trị bao quanh Sài Gòn đồng loạt tổ chức xuống đường làm hậu thuẫn cho các ký giả .

Một đoàn sinh viên học sinh đi qua kéo Mười Thắng về thực tại. Những gương mặt trẻ trung hừng hực khí thế, tay vung lên cao, miệng hô vang khẩu hiệu "Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu độc tài". Tim anh run lên khi trông thấy Uyển Nhi, cô học trò mà anh dạy kèm trước khi rời Sài Gòn vào căn cứ. Uyển Nhi thướt tha trong bộ áo dài trắng dẫn đầu một tốp nữ sinh viên, tay cầm khẩu hiệu "Trả hòa bình cho Việt Nam" vung cao.

Như linh cảm, Uyển Nhi ngoái cổ lại nhìn anh. Ánh mắt cô thoáng chút bối rối rồi sáng lên. Cô rời đoàn người tiến thẳng đến bên anh. Khi còn cách anh khoảng 5 bước chân, cô đứng lại. Anh rất muốn nở nụ cười tươi đón Uyển Nhi nhưng tình thế hiện tại không cho phép anh làm điều đó. Anh nhìn Uyển Nhi bằng ánh mắt nhìn hững hờ, xa lạ.

- Hình như... anh.... thầy phải không?

Mười Thắng sửa giọng nói:

- Cô muốn đi xe Honda ôm?

Uyển Nhi rụt rè tiến thêm vài bước chân nghiêng đầu nhìn kỹ anh một lần nữa. Anh lặp lại câu hỏi:

- Cô muốn đi về đâu?

Uyển Nhi chớp chớp mắt, nói nhỏ vừa đủ anh nghe:

- Nếu đúng là anh thì em cũng không cần anh xác nhận. Em chỉ muốn nói là, anh không đúng như người em đã từng nghĩ. Em thất vọng về anh.
Giọng cô run run âm điệu trách móc. Đôi môi chín mọng trĩu xuống biểu lộ trạng thái khinh thị. Anh không thể trách cô. Anh đang trong bộ dạng một người chạy Honda ôm bàng quang thời cuộc, an phận kiếm cơm.

Uyển Nhi nhìn thẳng vào mắt anh một lần nữa rồi xoay lưng tất cả cất bước. Cái dáng nhỏ xinh xắn của cô hòa vào dòng người để lại anh một cảm giác pha trộn vui lẫn buồn đến khó tả.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top