Chương 3
Tối đêm đó, tại một căn nhà nhỏ nằm giữa xóm lao động nghèo khu Khánh Hội bên kia sông Sài Gòn, hai thanh niên trẻ chênh nhau vài tuổi ngồi bệt dưới nền đất cạnh mấy chai bia con cọp và dĩa gỏi khô sặc trộn xoài chua. Hầu như ly bia nào cũng vơi mặc dù chưa ai uống giọt nào. Chỉ có dĩa gỏi được gấp liên tục, vơi thật sự.
Người thanh niên trẻ hơn có đôi mắt nhanh nhạy, linh lợi chính là Minh Trí cất giọng vào đề:
- Thôi, hai anh em mình vờ nhậu như thế là đủ rồi. Giờ vào việc nè. Các anh ở T4 gởi lời khen ngợi anh về những hoạt động thúc đẩy phong trào sinh viên phản chiến, kêu gọi hòa bính. Các anh lãnh đạo rất thích thú chuyện các sinh viên Mỹ đốt thẻ quân dịch tại Sài Gòn. Hành động đó rất phù hợp với tình hình hiện nay, có lợi cho ta.
Khánh Duy với nước da trắng trẻo, mang cặp kính cận, ăn nói nhỏ nhẹ và chuẩn ý từng từ, nhỏ nhẹ cất giọng:
- Các anh ấy quá khen, chứ tao đã làm được gì to tát đâu. Chính tao cũng không ngờ mấy anh em sinh viên Mỹ lại nhiệt tình như vậy.
Trong mối quan hệ xã hội, Khánh Duy lớn tuổi hơn Trí nên thường mày tao trong trò chuyện mặc dù trong quan hệ công tác, Trí là cấp chỉ huy trực tiếp.
Khánh Duy háo hức nhớ lại cái đêm văn nghệ "Năm châu đấu tranh cho hòa bình" tại đường Công Lý hôm tháng 7 năm ngoái. Đó là một đêm trong chuỗi hoạt động của đại hội sinh viên liên viện đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh. Trong đại hội đó, sinh viên toàn miền Nam cùng thống nhất khẩu hiệu không đi quân trường, không học quân sự, không thi môn quân sự. Đại hội đã vận động được hơn 30.000 anh em sinh viên từ bỏ hẳn môn quân sự học đường, lôi kéo được hơn 450 sinh viên đang học quân sự bỏ về. Riêng sinh viên trường Y đốt cháy văn phòng huấn luyện quân sự học đường. Các anh em ở trường Văn Khoa, Vạn Hạnh, Kỹ thuật Phú Thọ cũng vậy.
Từ phong trào không đi quân trường, đêm văn nghệ "Năm châu đấu tranh cho hòa bình", Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã mời được rất nhiều đoàn sinh viên từ các nước đến tham gia nhưng anh chỉ chú ý đến các bạn ở đoàn sinh viên Mỹ. Trước đó, trong những đêm sinh hoạt "đốt lửa căm thù" để "nhận mặt kẻ thù, nhận mặt anh em, đốt lửa lên để nung nấu ý chí căm hờn, đốt lửa lên soi sáng niềm tin hy vọng", anh cùng các bạn sinh viên chỉ đốt lửa, hát và kêu gào hòa bình khản giọng. Như thế vẫn chưa đủ để làm lung lay ý chí xâm lược của Toàn Bạch Ốc. Đêm "Năm châu đấu tranh cho hòa bình", nhân có mặt các bạn sinh viên Mỹ, anh cần thêm gì đó mới mẻ để ngọn lửa đấu tranh nóng rực thêm, lan tỏa hơn những nguyện vọng của những người trí thức trẻ. Nhân lúc trò chuyện làm quen với một sinh viên Y khoa Mỹ tên Coin, anh phát hiện ra rằng, nhưng sinh viên Mỹ cũng bị phát thẻ quân dịch, cũng bị chính phủ Mỹ kích động tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Họ không muốn điều đó. Họ không muốn rời xa quê hương xách súng đi nửa vòng trái đất để gieo đau thương cho một đất nước nhỏ bé. Họ tiếc nuối cho những thanh niên quê hương họ bỏ xác ở một đất nước xa xôi không thù hằn. Đó là lý do họ tham gia đêm "Năm châu đấu tranh cho hòa bình" tại Sài Gòn. Khánh Duy đã cho Coin xem những bức ảnh chụp đồng quê Việt Nam xơ xác bởi chiến tranh, những em bé sơ sinh ôm bầu vú xác chết của mẹ, những bà mẹ vấn vành khăn tang khóc trên mộ con. Coin đã khóc thật nhiều. Ngày sau, Coin ôm xấp ảnh chạy đi gặp trưởng đoàn sinh viên Hoa Kỳ.
Ngay trong đêm đó, sau khi những bàn tay nắm những bàn tay của các bạn sinh viên đến từ khắp trái đất nối những vòng tròn, sau khi đoàn sinh viên Việt Nam trao tặng lá cờ hòa bình có in hình chim bồ câu trắng tượng trưng cho khát vọng hòa bình, bất ngờ, đoàn sinh viên Mỹ đồng loạt rút tấm thẻ quân dịch châm lửa đốt rồi ném xuống đất, dùng gót giày giẫm đạp và hô vang khẩu hiệu "No war Việt Nam! Stop war at Việt Nam !" để biểu hiện tinh thần phản đối cuộc chiến xâm lược của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam . Trước biểu hiện đó, nhiều bạn sinh viên Việt Nam đã chạy đến ôm hôn và bắt tay các sinh viên Mỹ. Ngày hôm sau, hầu như tất cả các tờ báo phát hành tại Mỹ đều đăng trang nhất hình ảnh các sinh viên Mỹ cùng nắm chặt tay sinh viên Việt Nam, dưới đất là tấm thẻ quân dịch của sinh viên Mỹ cháy nham nhở.
Bản tin đó trờ thành một trong những động lực thức đẩy quốc hội Mỹ nhóm họp phiên bất thường để xem xét lại vấn đề chiến tranh Việt Nam và đó là tiền đế thúc đẩy chinh phủ Mỹ chấp nhận tổ chức cuộc hòa đàm tại Paris .
Trí gắp miếng gỏi khô:
- Tôi đang ở mức báo động, có thể bị bắt hoặc về rừng bất cứ lúc nào. Nếu anh thấy vắng tôi một tuần là biết tôi đã đi hoặc bị bắt. Hiện giờ mức an toàn của anh được bao nhiêu phần trăm?
Khánh Duy không vội trả lời, trầm ngâm suy nghĩ. Anh biết, đã từ lâu cảnh sát Đô thành liệt anh vào danh sách phần tử nghi vấn có liên can đến Việt cộng những không có bằng cớ xác thực. Với vị trí lãnh đạo "phong trào sinh viên Y khoa Sài Gòn đấu tranh đòi hòa bình, công lý", anh luôn tỏ ra "không liên can đến Việt cộng" nên chúng chẳng làm gì được anh ngoài việc cắt cử người theo dõi.
Đúng là kể từ khi tham gia phong trào đấu tranh, anh chưa "liên can đến Việt cộng" thật. Anh tham gia hoạt động phong trào xuất phát từ ý thức dân tộc chú không vì ý thức chủ nghĩa Cộng sản bởi anh hoàn toàn mơ hồ về chủ thuyết này.
Sinh ra trong một gia đình Phật tử nho giáo cố cựu, sống theo kiểu trí thức tiểu tư sản gốc Huế, tất cả anh em được sự giáo dục nghiêm khắc của người cha. Anh em anh luôn được uốn nắn ý thức dân tộc từ khi còn bé. Hàng đêm, sau bữa cơm tối, cha anh bắt các anh em của anh phải có mặt đầy đủ để nghe ông giảng những bài học luân lý làm người và Phật học sơ khai. Tư duy của cha anh là sự pha trộn giữa Nho học, Phật học và Huế học.
Vì tránh tên bay đạn lạc của chiến tranh, gia đình anh liên tục dời chỗ ở từ Đà Nẵng vào Hội An. Rồi từ Hội An vào hẳn Sài Gòn. Ở đâu, gia đình cũng một lòng thờ Phật.
Anh trường thành trong khối tư duy đó và trờ thành huynh trưởng trong đoàn thanh thiếu niên Phật tử ở Hội An. Anh chỉ biết học thật giỏi ở trường, ngoan thật ngoan ở nhà và lăn xả vào xã hội chia sẻ kiếp khổ với người nghèo, hoạn nạn. Trong tư tường anh không hề tồn tại bất cứ lý thuyết chính trị nào ngoài triết thuyết nhân quả.
Một ngày hè năm 1960, trong lần sinh hoạt huynh đệ Phật tử ở Hội An, một vị sư xuất hiện làm cả ngôi chùa xôn xao. Người lớn xì xào với nhau rằng, vị sư đó trụ trì một ngôi chùa ở Sài Gòn đang chuẩn bị tư hủy thân xác tìm về cõi chư Phật để cầu xin hòa bình cho dân tộc Việt Nam và để van xin cõi trên cứu Phật giáo Việt Nam qua khỏi cơn pháp nạn.
Anh chới với và hoảng hốt.
Bấy lâu nay, chỉ nghe phong phanh rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo những đàn áp như thế nào thì anh không quan tâm đến. Bây giờ, một vị bồ tát sắp tự hủy diệt thân xác để đi tìm gặp đức Phật đã buộc anh suy nghĩ và tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra đối với những đứa con của Phật, trong đó có anh, gia đình anh.
Hôm đó, nhà chùa tập hợp tất cả sư, tăng, Phật tử lại để nghe vị sư bạch tâm. Vị sư đó nói rất nhiều về tình hình chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm đã sử dụng quyền lực ngầm tiêu diệt Phật giáo để đẩy dần Phật giáo vào chốn tuyệt diệt.
Giọng nói trầm buồn của vị sư khiến tất cả những người nghe nhỏ lệ. Có người khóc òa lên rồi cúi lạy vị sư liên tục.
Kết thúc cuộc bạch tâm, vị sư cho biết sẽ tự thiêu vào một ngày gần nhất. Ông kêu gọi tất cả những người con của Phật hãy đứng lên, nắm chặt tay nhau thành một khối đoàn kết bảo vệ nền Phật pháp.
Tâm khảm anh tràn ngập một nỗi xót xa. Nỗi xót xa ấy lớn dần, lớn dần để rồi biến thành lòng căm ghét. Anh căm ghét kẻ đã báng bổ niềm tin tối thượng của anh.
Sau ngày đó, anh bắt đầu dấn thân vào các phong trào học sinh, sinh viên Phật tử đấu tranh. Từ những cuộc thảo luận của phong trào, anh bắt đầu tìm hiểu về cái chính phủ đang gây hấn với niềm tin tâm linh của anh. Hóa ra các chính phủ ấy không chỉ có ý muốn bóp chết tôn giáo của anh mà còn đón rước ngoại bang đem chiến tranh vào quê hương này. Những ca khúc "da vàng" của Trịnh Công Sơn bóp nghẹt tâm trí, lay thức cơn cuồng nộ quê hương trong lòng anh. Với tư cách huynh trưởng thanh niên Phật tử, anh kêu gọi, vận động học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình chống đối cái chính quyền vô nhân ấy.
Những vị sư liên tiếp tự thiêu. Ngày đêm, khắp các chùa chiền vang động tiếng chuông thảng thốt, vang động tiếng cầu kinh cứu khổ cứu nạn u uất, ai oán thê lương. Những dùi cui, lựu đạn, bố ráp, bắt bớ của cảnh sát. Những Quách Thị Trang, Trần Văn Ơn ngã xuống bởi bàn tay cuồng bạo của chính quyền. Xuống đường thôi. Xuống đường và xuống đường.
Cuối năm 1963, anh thi vào trường Y khoa Sài Gòn và đậu thủ khoa. Ngồi ghế giảng đường vài tháng thì tin chính phủ Ngô Đình Diệm bị tướng Dương Văn Minh lật đổ. Trong tâm thức, anh đặt tướng Minh vào vị trí thần tưởng chỉ vì ông ta là người lật đổ cái chế độ anh căm ghét.
Anh trở lại vị trí của một sinh viên chăm chỉ học hành. Thế rồi tình thế chính trị Sài Gòn lại buộc anh lao vào phong trào biểu tình. Cái chính quyền mới thay chính quyền Diệm thối nát đến đáng khinh. Mỹ lấn sâu vào chiến tranh Việt Nam . Anh biểu tình để giảm bớt sự thối nát của chính quyền. Thế nhưng càng biểu tình anh càng mất phương hướng đấu tranh. Chính quyền thuộc Mỹ này bị lật đổ thì chính quyền thuộc Mỹ khác lại mọc lên. Cuộc đấu tranh không phương hướng của anh và bạn bè sẽ chẳng đi về đâu. Càng đấu tranh càng mệt mỏi, càng chán chường và càng thất vọng.
Sau một chuyến xuống đường khản cả cổ, rã rời thân xác, anh được báo tin có một người thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng tìm gặp. Hóa ra đó là Minh Trí.
Minh Trí là con của bác Cả - xóm giềng thân thiết của gia đình anh ở Quảng Nam . Chạy trốn chiến tranh, cả hai gia đình đều lưu lạc ra Huế và trôi vào Sài Gòn, cùng cư ngụ chung một xóm nhà, vẫn giữ mối quan hệ thân thiết như xưa. Thuở còn là học sinh trung học Huế, Trí học cùng trường và dưới anh vài cấp lớp. Vào Sài Gòn, anh ít có điều kiện tiếp xúc với Trí. Bất ngờ một hôm anh nhận được tin Trí bị bắt vì tội chống chính quyền rồi bị đày ra Côn Đảo. Anh vẫn không nghĩ Trí là Việt cộng mà nghĩ Trí là học sinh chiến đấu bị chính quyền Sài Gòn chụp cho cái mũ phản loạn như bao nhiêu học sinh sinh viên khác tranh đấu cho hòa bình. Thế rồi một hôm nhận được tin của Tổng hội sinh viên yêu cầu tổ chức biểu tình về vụ 5 sinh viên tố cáo chuồng cọp, trong đó có Trí. Anh thán phục Trí. Anh tự cảm thấy xấu hổ vì không làm được những chuyện can đảm như Trí. Đến khi gặp "người đại diện Mặt trận" anh mới ngã ngửa. Hóa ra, Trí đã là Việt cộng từ thuở nào.
Lần gặp đó, Trí hỏi thẳng anh: "Anh có muốn làm Việt cộng không?". Anh tròn xoe mắt: "Làm Việt cộng để mần chi? Tại sao phải mần Việt cộng?" Trí hỏi lại anh: "Vậy, anh đang lãnh đạo cho sinh viên trường anh xuống đường đấu tranh cho cái gì?" Anh gãi mũi: "Thì đấu tranh đuổi Mỹ về nước trả lại thanh bình cho quê hương Việt Nam chúng ta, chứ cho cái chi?" Trí lại hỏi: "Kết quả đấu tranh cho các anh đã đi tới đâu? Bao nhiêu năm nay, sinh viên, học sinh xuống đường bao nhiêu lần, bao nhiêu người? Bao nhiêu người xuống đường đã bị đánh đập, tù đày, giết chết? Mỹ đã cút chưa? Tại sao? Tại vì các anh đấu tranh tự phát, nhỏ lẻ. Một ngọn nến chỉ đủ soi sáng gương mặt mỗi mình anh. Hàng ngàn ngọn nến soi sáng một góc phố. Đất nước mình bao la. Nếu ngọn lửa các anh cháy theo kiểu ngẫu hứng không nhập chung với các ngọn lửa khác thì không thể hóa thành bão lửa. Mỹ vẫn sẽ cứ tồn tại. Nếu không biết hòa ngọn nến của mình vào những ngọn lửa khác, anh vẫn chỉ leo loét. Ở Sài Gòn này có rất nhiều tổ chức đấu tranh cho hòa bình như anh. Nhưng họ vẫn chỉ là những tổ chức con đẻ của bọn Xịa mọc ra để Mỹ khống chế chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chỉ có Cộng sản và duy nhất Cộng sản mới là ngọn lửa thật sự, đáng để tụi mình hòa ngọn nến vào".
Khánh Duy nhận ra những người Cộng sản đang làm những điều mà anh và những bạn bè sinh viên mong muốn: Đuổi Mỹ về nước, lật đổ chính quyền tham nhũng, đòi quyền dân sinh, dân chủ và độc lập dân tộc cho người Việt Nam. Anh nhận ra, những người Cộng sản đấu tranh có tổ chức, có mục tiêu rõ ràng. Anh quyết định ngả lòng theo những người Cộng sản.
Thế rồi cái tết Mậu Thân năm 1968 đập vào hệ tư tưởng anh một khái niệm mới về người Cộng sản. Những chiến sĩ Việt cộng đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi tự sát đã làm anh rất xúc động. Họ chết vinh quang như những vị thánh.
Kể từ đó, anh hướng những hoạt động đấu tranh của mình theo hướng chỉ đạo của Thành đoàn thông qua minh Trí. Lúc đó anh cũng chẳng biết Thành đoàn là tổ chức gì, chỉ biết đó là một phần của Mặt trận. Thành đoàn cũng chẳng đòi hỏi nhiều, chỉ yêu cầu anh tập hợp lực lượng sinh viên biểu tình theo từng mục tiêu chính trị rõ ràng.
Anh vận động sinh viên tổ chức những đêm biểu diễn văn nghệ tập trung, văn nghệ xung kích, làm báo sinh viên, đồng thời tỏa đi khắp các xí nghiệp, các chợ, các xóm lao động và các vùng nông thôn ngoại thành để nói "cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi nói" và để "hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát" nhằm tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền sống, đòi hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi lật đổ Thiệu, đòi Mỹ phát rút hết. Với sự nhiệt tình và lòng say mê đấu tranh, anh nhanh chóng được các bạn sinh viên bầu làm trưởng ban đại diện sinh viên trường Y.
Khi đã nắm được hoạt động của sinh viên trường Y, anh nhận thấy, không chỉ riêng 3 trường Y, Nha, Dược, thời gian sau này các tổ chức của Tổng hội Sinh viên hoạt động trở nên cầm chừng, lỏng lẻo. Điều này cũng dễ hiểu. Hầu như tất cả các hoạt động của sinh viên đều bị cảnh sát dập tắt ngay từ khi khởi động. Tháng trước, cánh sinh viên Nha khoa dự định tổ chức một đêm trắng đốt lửa trại, chưa chi đã bị bọn cảnh sát cho du côn vào tận trường đánh đập anh em, xé hủy bích chương. Anh biết cảnh sát đã cài được mật báo viên vào đội ngũ sinh viên. Phong trào sinh viên Y - Nha - Dược bị cảnh sát kẹp đến nỗi khó làm được chuyện gì to tát. Nhiều anh em đã bị chúng hốt về bót thẩm vấn liên tục. Đầu năm đến nay, phong trào 3 trường Y, Nha, Dược có phần trầm lắng, dịu đi. Nhìn xe hơn về năm sau, cái anh đại diện sinh viên trường Dược sẽ tốt nghiệp ra trường, không còn ai lãnh đạo phong trào. Tất nhiên sẽ có người khác được bầu vào thay thế nhưng có thể cảnh sát sẽ tìm cách đưa người của họ vào vị trí này để khống chế hoạt động của sinh viên. Anh đại diện sinh viên trường Nha thì thuộc dạng ba phải rất dễ bị cảnh sát hù dọa. Nếu không nắm giữ được phong trào của 3 trường Y, Nha, Dược thì rất uổng.
Nhân biến cố Mậu Thân, anh nhờ trí xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên thành lập một tổ chức sinh viên hoạt động công khai, hợp pháp trong lòng chế độ Việt Nam Cộng hòa. Được T4 đồng ý, anh sử dụng tiêu chí "nhường cơm sẻ áo, cứu giúp đồng bào bị ảnh hưởng chiến tranh" và chính thức nộp đơn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập "Đoàn cứu trợ xã hội sinh viên Y - Nha - Dược Sài Gòn" do anh làm chủ tịch. Anh tập hợp những anh em sinh viên có cảm tình với Cộng sản vào phong trào này. Lấy danh nghĩa đi cứu trợ, cứu thương cho đồng bào bị nạn chiến tranh, anh cùng anh em đi tìm những người của Mặt trận bị thương, bị kẹt lại trong nội thành đưa ra vùng giải phóng. Anh và các anh em còn tổ chức những cuộc cứu trợ thật cho đồng bào nghèo để tuyên truyền về chính sách, chủ trương của Mặt trận Giải phóng. Từ những cuộc tuyên truyền mang danh cứu trợ đó, nhóm của anh đã mời gọi những người yêu nước tham gia hoạt động cho Mặt trận. Hoạt động của Đoàn cứu trợ sinh viên Y - Nha - Dược trở thành một đơn vị thuộc Trinh sát vũ trang liên quận do Minh Trí trực tiếp chỉ đạo.
Giờ Minh Trí đang có nguy cơ lộ diện phải lánh vào rừng, anh băn khoăn:
- Mức độ an toàn của tòa hoàn toàn lệ thuộc vào mày vì sợi dây liên lạc duy nhất của tao với Trung tâm là mày. Mày không khai, tao không sợ lộ. Tao chỉ sợ phong trào của tao không ai định hướng.
- Hãy tin ở tôi. Nếu bị bắt, có chết tôi cũng không khai. Nhưng chúng muốn bắt tôi cũng không dễ đâu. Với tình hình này, để an toàn, tạm thời tôi và anh ngừng liên lạc một thời gian cho đến khi an toàn tuyệt đối.
Khánh Duy băn khoăn:
- Trong thời gian này, tao sẽ phải cho anh em sinh viên đấu tranh theo hướng nào?
- Tình hình mới được Trung tâm cập nhật và cho biết, Mỹ đã nhận ra sự sa lầy của chúng đang ở thế thua và đang tìm cách tháo lui, bỏ chạy về nước,
Với bản chất gian manh, không muốn công nhận thế thua của mình, chúng tìm đến giải pháp đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại Paris. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu ngoan cố cãi lời quan thầy Mỹ. Thiệu biết cái ghế tổng thống của y sẽ không còn nếu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Trung tâm nhận định, Mỹ sẽ rút quân bằng mọi giá, kể cả giải pháp lật đổ Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng Mỹ đang e ngại, nếu lật Thiệu, Mặt trận sẽ chớp thời cơ giải phóng miền Nam . Khi ấy, chúng chẳng còn gì để mặc cả với ta tại bàn đàm phán. Vì vậy, Trung tâm cần anh khuấy động mạnh phong trào đấu tranh đòi hòa bình để thúc ép Thiệu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Đó là mục đích. Riêng phương thức đấu tranh như thế nào thì Trung tâm chưa chỉ đạo cụ thể. Thôi thì anh cứ linh hoạt. Ngày chiến thắng của ta đã cận kề, phải nhanh chân thôi. Nếu tôi biến mất, anh sẽ phải hoạt động một mình trong khi chờ Trung tâm bắt liên lạc lại.
Khánh Duy trầm ngâm suy nghĩ rất lâu rồi vỗ vai Trí, nói:
- Nếu mày bị bắt, tao sẽ tìm cách tổ chức sinh viên đấu tranh đòi thả dự do cho mày.
Trí khoát tay:
- Đồng ý. Nếu anh nghe tin cảnh sát bao vây nhà tôi thì việc đầu tiên cần làm là thông báo khẩn cấp cho cánh ký giả có cảm tình với Mặt trận để dập chúng một trận. Chúng không bắt được tôi đâu. Anh cứ tin vậy đi.
- Nhất trí chuyện này.
Hai anh em bá vai nhau cùng uống cạn một chai bia đầu tiên và cũng là cuối cùng của tiệc nhậu để chia tay.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top