Chương 28
Bá Thành cho chiếc Ladalat rẽ ngoặt vào cổng dinh Hoa Lan.
Tướng Minh mang gương mặt ưu tư đứng chờ anh từ lúc nào. Cái dáng người cao lớn ẩn nhẫn trong bộ đồ 4 túi kiểu ký giả màu xám khiến ông giống một giáo chức già hơn là một vị tướng hưu trí.
- Moa trông toa đến giúp moa vài chuyện quan trọng.
Lần nào cũng vậy, vừa gặp Bá Thành, ông Minh đều nói kiểu ngoại giao như thế.
Nhiều người cho rằng ông Minh là một vị tướng không am tường chính trị. Anh không nghĩ vậy. Là người yêu nước theo kiểu cổ xúy tinh thần dân tộc, khi ở địa vị quốc trưởng, có lẽ ông hiểu cái thế cờ miền Nam nằm trong sự kiềm tỏa của Mỹ. Với thế kiềm tỏa đó, miền Nam chỉ phải đi theo một chuẩn mực do Mỹ vạch ra, không thể khác được. Thế là ông bất lực buông xuôi. Trong những ngày lưu vong tại Thái Lan, ông nhận thấy, miền Nam muốn thoát khỏi bàn tay của Mỹ, chỉ có một con đường duy nhất, đó là chấp nhận vai trò nhạc trưởng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhưng với vị thế hiện tại của mình, ông không thể nói trắng ra điều đó.
Tiếp cận ông thường xuyên nên Bá Thành nhận ra ông có tư tưởng như vậy nhưng anh không hiểu vì sao lãnh đạo T4 không lôi kéo ông đứng hẳn về phía Mặt trận. Có lẽ, lãnh đạo T4 đã có một kịch bản bí mật.
Với anh, chuyến vào mật cứ vừa qua là một khóa huấn luyện điệp báo thật sự. Người chỉ huy tình báo Mười Hương và Sáu Ngọc đã truyền đạt cho anh nhiều biện pháp nghiệp vụ quý giá trong cách khai thác thông tin và điều khiển hành động đối phương theo ý đồ mình. Anh Mười Hương khuyên, đừng bảo ông Minh làm điều gì cụ thể cả mà chỉ có một cách duy nhất để hành động. Tất nhiên, hành động duy nhất đó là ý đồ mong muốn của ta. Cái thâm thúy nghiệp vụ và sâu sắc về tình hình, diễn biến chính trị của anh Mười Hương khiến Bá Thành thán phục tuyệt đối. Sống giữa lòng Sài Gòn nhưng khi gặp Mười Hương anh mới nắm bắt được những mấu chốt quan trọng nhất, yếu huyệt tuyệt đối nhất của chế độ Sài Gòn.
Từ khi nhận nhiệm vụ hoạt động tình báo, anh chỉ nhận được chỉ thị mục tiêu để tự đề ra phương thức hành động. Tức là Cụm chỉ đề ra mục tiêu cuối cùng cần đạt, giống như ra một đề toán đã có đáp số sẵn, anh phải tự tìm ẩn số X trong cách giải bài toán hành động.
Chính trị Sài Gòn thời điểm này giống như một cái lẩu thập cẩm. Cái xã hội vàng thau lẫn lộn này, ai cũng có thể trở thành một chính trị gia. Một gã buôn heo, ngủ một giấc thức dậy, hứng chí là chính trị gia bỏ tiền ra thuê thiên hạ ủng hộ mình. Các biểu tượng chính trị mọc nhanh nhản khắp nơi. Bông lúa, cành trúc, gà trống, nồi đồng, củ tỏi và hàng trăm thứ hầm bà lằng khác đều có thể biến thành biểu tượng của một nhóm chính trị. Lủng củng, lùng nhùng những học thuyết ba xu, những đường lối tiêu, hành, tỏi, ớt. Giữa cái mớ hỗn độn ấy, anh cần phải nhận ra nhóm nào có khả năng xoay chuyển tình thế nhất để đối phó. Nếu không có sự định hướng của anh Mười Hương và Sáu Ngọc, bị rơi trong mớ hỗn độn ấy, anh sẽ phân tán rộng sự chú ý của mình. Từ sự phân tích của anh Mười Hương, anh nhận ra, dù hỗn độn nhưng tất cả những nhóm chính trị đều có chung một đòi hỏi: Đuổi Thiệu ra khỏi ghế tổng thống. Tuy hỗn độn nhưng tất cả những nhóm chính trị có thực lực đều chọn tướng Minh là nhân vật trung tâm.
Cầm tờ báo Điện Tín mới phát hành sáng nay, anh trịnh trọng đưa tướng Minh, cất lời:
- Hôm bay báo đăng nguyên văn kế hoạch Sao Chổi của Thiệu đó chú.
Tướng Minh cầm tờ báo, một tay áp sau lưng Bá Thành nhẹ nhàng dìu vào trong:
- Đi vào uống nước trà đã. Thiệu dùng kế hoạch Sao Chổi bịt miệng dư luận tức là tự bịt cả mũi lẫn miệng của y rồi đó. Chết ngộp ngay tức khắc thôi. Toa công khai kế hoạch này ra là bấm đúng huyệt chết đứng của y. Hôm nay, moa muốn ký giả chứng kiến và ghi nhận một cuộc họp quan trọng.
Bá Thành vừa đặt chân lên tiền sảnh đã thấy trong phòng có rất đông những gương mặt các chính trị gia nổi tiếng.
Một nghị sĩ vừa trông thấy anh đã lên tiếng:
- Ồ, có cả ngài Họa sĩ Ớt đây nữa. Xem tranh của ông, cay xé cả mắt.
Bá Thành nhận ra đó là một nghị sĩ vừa được anh đưa gương mặt vào làm chủ thể một bức biếm họa. Trong bức họa này, anh không hề có chủ ý chửi xiên xỏ vị nghị sĩ này mà chỉ mượn hình ảnh ông ta đang giương cao một lá cờ hòa bình. Hàm ý của anh là phê phán chung chung những ông nghị chỉ kêu gọi hòa bình suông bằng lời chứ không bằng hành động cụ thể. Tuy anh không phê phán riêng cá nhân ông ta nhưng nét vẽ phóng khoáng khiến gương mặt của ông ta trông méo mó như một tên hề. Trong giới chính trị Sài Gòn kháo nhau về 3 nỗi sợ khi hoạt động: Ám sát, số một; Lột quyền, số hai; Cay ớt, số ba. "Cay ớt" là cụm từ ám chỉ Họa sĩ Ớt đưa chân dung vào biếm họa.
Anh chìa tay ra tỏ ý thân thiện với vị nghị sĩ:
- Nếu bức họa làm ông phiền lòng, mong ông thứ lỗi. Tôi chỉ có ý muốn kêu gọi mọi người nên hành động cụ thể có lợi cho nước nhà chứ không chủ ý với riêng cá nhân ông. Xin thứ lỗi! Thứ lỗi!
Vị nghị sĩ cười khà nắm chặt tay anh như chấp nhận lời xin lỗi.
Anh đảo mắt quanh phòng họp nhận diện từng người. Những thành phần có mặt khẳng định cuộc họp này rất quan trọng. Anh đi một vòng bắt tay từng người để phân loại nhanh. Nhóm thứ nhất có xu hướng chống Cộng gồm: Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Hữu Phi, Mai Hữu Xuân, Võ Văn Hải, Tôn Thất Thiện, Bùi Chánh Thời. Nhóm thứ hai chủ trương trung lập hóa miền Nam gồm Vũ Văn Mẫu, Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu Chung, Lý Quí Chung. Nhóm thứ ba có biểu hiện Mặt trận gồm Trần Ngọc Liễng, Lý Chánh Trung, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Nguyễn Ngọc Lan, Hồ Ngọc Nhuận. Ngoài ra còn một số ký giả trong nước lẫn nước ngoài.
Với những thành phần như vậy, Bá Thành đoan chắc cuộc họp này sẽ đánh dấu một điều gì đó to tát đối với chế độ Thiệu. Anh lẳng lặng tìm một chỗ khuất ngồi xuống theo dõi diễn biến.
Trong cuộc bầu cử năm 1971, Tổng thống Thiệu dùng quyền lực chính quyền ép quốc hội ra luật bầu cử mới buộc mỗi liên doanh phải có đủ 40 dân biểu, nghị sĩ hoặc 100 nghị viên đồng giới thiệu mới được ra ứng cử. Thiệu dùng chiêu này để loại bỏ giá trị chơi, ứng viên chỉ còn hai liên doanh tranh cử là ông Minh và Thiệu. Trước sự xảo trá của Thiệu, ông Minh chờ gần hết ngày niêm yết chính thức danh sách liên danh tranh cử, bất thần tuyên bố rút tên để mỗi người tranh cử với chính mình. Nếu một người tranh cử danh chính ngôn thuận, trong tình thế đó, Thiệu phải hủy bỏ cuộc tranh cử để xin ý kiến quốc hội tổ chức lại. Nhưng bản tính tham quyền cố vị, Thiệu "độc diễn" luôn trong sự dè bỉu của công luận quốc tế cớ cho hàng loạt của biểu tình chửi rủa Thiệu. Lúc đó, Bá Thành chưa được của giao nhiệm vụ nhưng anh biết, Cụm đã cho người tiếp cận ông Minh để bày diệu kế đó.
Với sự nhạy bén của một ký giả lăn lộn trong chính trường địch, anh nhận ra trong số những người tham mưu của ông Minh gồm những Vũ Văn Mẫu, Lý Chánh Trung, Hồ Văn Minh, Trần Ngọc Liễng, Hồng Sơn Đông, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung và Lý Quí Chung có người của Cụm. Sau này, khi đã vào Cụm, tuy nhận diện được "mặt anh em" nhưng nguyên tắc anh không cho phép anh nhận "họ hàng".
Sau cuộc "ứng cử độc diễn" của Thiệu, mỗi thứ tư hàng tuần, dinh Hoa Lan có thêm nhiều chính khách mới. Một số người trước kia ủng hộ Thiệu rất hăng, nay tìm đến dinh Hoa Lan để ngóng nghe tin tức, lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Một người mặc áo vest bạc đứng lên vỗ tay bôm bốp ra hiệu cho mọi chú ý rồi bắt đầu nói:
- Kính thưa tất cả quý vị có mặt ở đây hôm nay. Chúng tôi cố ý mời tất cả các vị, không phân biệt thành phần chính trị, tôn giáo, đảng phái cùng ngồi với nhau để cùng nhìn về một hướng, đó là vận mệnh quốc gia. Như quý vị đã rõ, Nguyễn Văn Thiệu đã lộ rõ bản chất xảo trá, gian manh, tham quyền, cố vị, lừa đảo, tham nhũng, độc ác, phi nhân. Ông ta đã tuyên bố không chấp nhận hòa bình. Lời tuyên bố của ông được lặp lại nhiều lần. Đó là sự thách thức trắng trợn đối với những ai biết đau xót trước thảm cảnh dân tộc bị bom cày, đạn xới, người dân vô tội bị giày xép thịt da...
Có ai đó ngồi trong nhóm ông già Thơ nói lớn:
- Gọn đi cha nội.
Không đếm xỉa đến lời nói cắt ngang phá bĩnh, ông ta nói tiếp:
- Chúng ta cần làm áp lực để Thiệu từ chứ. Chúng ta cần một người có tài lên thay Thiệu để đưa đất nước vào cái thế hòa bình, hòa hợp dân tộc.
Nhiều lời bàn luận lao xao từ phía các cử tọa khiến lời nói của ông ta bị chìm nghỉm. Nhóm nào cũng muốn đại diện của mình trở thành nhân vật trung tâm của "công cuộc" thay Thiệu. Người mặc áo vest xám bạc phải vỗ tay nhiều lần mới làm không khí dịu xuống. Ông ta nói tiếp:
- Chúng tôi nhận thấy ngài đại tướng Dương Văn Minh là người đầy đủ bản lĩnh chính trị để lãnh đạo quốc gia. Chúng tôi xin công bố cương lĩnh hoạt động...
Cả phòng lặng đi giây lát rồi tiếng lao xao lại cất lên. Hầu như ai cũng công nhận tướng Minh là người thay thế Thiệu phù hợp nhất. Ai cũng biết, cái ghề của Thiệu tuy đã lắt lay không vững nhưng vẫn còn tồn tại là nhờ có Mỹ chìa tay ra giữ. Muốn Thiệu ra đi, họ cần một người thay thế. Người thay thế đó phải được Mỹ chấp nhận. Ông Minh đã từng được Mỹ hậu thuận trong cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm, sẽ dễ dàng được Mỹ chấp nhận thay Thiệu hơn những người chưa có "số má". Vả lại, nếu ông Minh lên nắm quyền, người của họ sẽ có nhiều cơ may tham chính hơn những gã ăn đong khác. Cuộc họp trở nên hỗn loạn: mạnh ai nấy nói.
Ông Minh lẳng lặng bước sang căn phòng thư viện:
Bá Thành cố nhẹ nhàng để không tạo sự chú ý về phía mình, len lách người bám theo tướng Minh.
Tướng Minh mệt mỏi ngả lưng trên chiếc ghế tựa. Gương mặt ông đầy vẻ thất vọng chán chường. Ông tươi tỉnh nét mặt ngay khi trông thấy Bá Thành:
- Moa mệt mỏi quá. Tưởng chúng nó bàn luận chuyện gì mới, không ngờ cứ bấy nhiêu lặp đi lặp lại hoài. Chán ngắt.
Bá Thành ngồi xuống cạnh ông Minh:
- Thưa đại tướng - Anh nói rõ hai tiếng "đại tướng" - Cháu nhận thấy đại tướng đã quy tụ được nhiều thế lực ủng hộ nhưng hình như... không biết đại tướng có chấp nhận ý kiến của cháu không?
-Ồ, toa sao lại khách sáo với moa. Moa luôn tôn trọng ý kiến của những anh em trẻ nhưng nhiệt tâm như toa. Toa cứ nói.
Vẫn giữ thái độ e dè, Bá Thành nói:
- Có một lực lượng rất quan trọng đã thúc đẩy độ chín muồi cho cuộc đảo chính năm Sáu ba. Ông Thiệu rất e dè lực lượng này.
Ông Minh vỗ tay đánh bộp vào thành ghế:
- A! A! Toa định nói về thượng tọa Trí Quang?
Như có luồng sinh lực mới, ông Minh ngồi dậy bóp trán.
Ông Minh là phật tử và có mối thâm tình với thượng tọa Trí Quang - một nhận vật kỵ số một với Thiệu mà Mỹ rất ngán. Trong nhóm chính trị gia ủng hộ tướng Minh đã có sẵn nghị sĩ Mầu, cầm đầu lực lượng hòa giải dân tộc. Nghị sĩ Mầu cũng là đại diện giới Phật giáo. Nhưng thượng tọa Trí Quang mới là người có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong giới Phật giáo nói chung và Ấn quang nói riêng. Nếu ông Minh tìm được tiếng nói ủng hộ cụ thể từ thượng tọa Trí Quang thì chắc chắn Thiệu không còn đường thoát.
Ông Minh lại vỗ tay xuống thành ghế một lần nữa:
- Ngay ngày mai moa sẽ đến chùa Ấn Quang. Toa rất nhạy bén. Cám ơn toa đã cho moa một gợi ý sáng suốt.
Không để ông Minh khe thêm, Bá Thành nhắc lại bài báo công khai kế hoạch Sao Chổi của Thiệu:
- Theo đại tướng thì giới ký giả có nên làm một điều gì đó để phản ứng lại kế hoạch bịt miệng báo chí của Thiệu không ạ?
Sực nhớ đến tờ báo của Bá Thành đưa, ông Minh vỗ trán:
- À, lát nữa moa sẽ đọc. Nhưng moa đã nghe kể nội dung sơ nét. Moa sẽ đề nghị các anh em tổ chức một cái gì đó đập lại tên gian hùng Thiệu.
Bá Thành thở phào. Anh đã hoàn tất hơn phân nữa điệp vụ. Anh cũng toan thông báo cho tướng Minh biết Thiệu đã có một kế hoạch tấn công dinh Hoa Lan nhưng anh kịp giữ lại. Nếu một cuộc biểu tình quy mô của giới ký giả bùng nổ thì Thiệu chẳng còn hơi sức đâu để tấn công ai khác. Một động tác thừa thãi có thể dẫn đến nguy cơ lộ diện, tốt nhất là giữ bí mật.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top