Chương 24
Năm Quang cắm đầu, vặn người điều khiển chiếc Mobillette chạy vòng vèo trên con đường lởm chởm gạch đá xuyên giữa một xóm nhà lá lụp xụp ven nội đô.
Đây là xóm nhà của dân chạy loạn tứ xứ đổ về kể từ sau trận Mậu Thân. Mặc dù chính phủ Thiệu luôn cảnh báo đây là vùng không an toàn, rất dễ xảy ra giao tranh khi phát hiện Việt cộng nhập thành người dân bất chấp. Họ cứ xí đại một phần đất, chống cây làm cột, phủ bạt làm chòi ở tạm. Ngày qua ngày, người tứ xứ đổ về càng đông, thế là thành khu dân cư bất hợp pháp. Những căn chòi dần biến thành những căn nhà lá, tuy không vững chãi nhưng cũng đủ sức chống chọi nắng mưa. Rất nhiều cơ sở của ta được gây dựng trong đó.
Hôm qua, anh dẫn đoàn sinh viên cứu trợ đi khám bệnh, phát thuốc cho dân xóm này. Khi hoàn tất công tác cứu trợ, đoàn đang thu dọn vật dụng thì một cô gái rụt rè đến xin thuốc đỏ, bông băng và thuốc chống viêm nhiễm. Cô gái cho biết, anh trai cô đi nhặt phế liệu bị trái nổ làm bị thương, do không có tiền đi viện nên ở nhà tự điều trị. Anh đề nghị cô gái dẫn về nhà để khám trực tiếp cho bệnh nhân.
Sau đợt Tổng tấn công Mậu Thân, với danh nghĩa Đoàn sinh viên cứu trợ Y - Nha - Dược do anh làm chủ tịch đã cứu được rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương còn kẹt lại trong nội đô. Cũng với danh nghĩa này, anh tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đặt lu nước "trốn quân dịch" cho con em mình và cho cả con em hàng xóm. Phong trào lính đào ngũ và trốn bắt lính nhanh chóng lan tỏa khắp các cụm dân cư ven nội đô như một làm sóng ngầm mạnh mẽ. Người dân tự truyền tai cho nhau những kinh nghiệm hiệu quả. Ở Khánh Hội, thanh niên có sáng kiến rất vui. Khi bị ruồng bắt, người trốn chui vô lu ngồi thu lu gục mặt xuống hai đầu gối, hai tay cầm tờ bạc xanh(*) che trên đầu. Khi quân cảnh lục xét phát hiện cái lu có người trốn thì sẽ trông thấy tờ bạc xanh đầu tiên. Gã quân cảnh hiểu ngay đó là tiền hối lộ, chộp lấy rồi giả như không thấy người trốn trong đó. Từ phong trào này, anh tổ chức thành công màn kịch "trẻ em bị bắt quân dịch" để làm vũ khí tố cáo Thiệu với ngoại trưởng Mỹ Kissinger.
Những gia đình có con em đào ngũ và trốn bắt lính thường rất khó khăn, nghèo khó. Đoàn sinh viên cứu trợ thường xuyên thăm hỏi, khám chữa bệnh, phát gạo, mì gói. Nhờ vậy, mỗi lần trông thấy bóng dáng đoàn sinh viên cứu trợ, trẻ con ở các khu dân cư ven nội đô reo hò, mừng rỡ. Người lớn thì xem các sinh viên cứu trợ như con cái trong nhà. Khi đã thân thiết, các thành viên đoàn cứu trợ tuyên truyền cho người dân biết chính sách, chủ trương giải phóng dân tộc của Mặt trận. Dần dà, những cụm dân cư này trở thành những lõm "căn cứ" của ta giữa lòng địch. Hoàn tất việc gây dựng ban đầu, anh báo cáo về Cụm. Cụm báo cáo về T4. Khi ấy, các bộ phận khác của T4 cho cán bộ về móc ráp, gây dựng cơ sở. Những lõm chính trị như thế liền ranh nhau, bao bọc vùng ven nội đô Sài Gòn tạo thành vùng "căn cứ nội thành" chứa, giấu cán bộ nhập thành hoạt động. Nhiều lõm "căn cứ nội đô" bao bọc xung quanh hệ thống đồn bót của địch canh gác những cửa ngõ vào Sài Gòn.
Cụm dân cư này đoàn sinh viên của anh mới đến vài lần, chưa tạo đủ thiện cảm để trở thành vùng "lõm căn cứ". Người đàn ông bị thương này có lẽ là cán bộ của ta ở rừng về ẩn trú tạm bên xóm Sen - một vùng "lõm căn cứ" cách đây vài cây số - đi công tác bị bọn địch trong đồn phục kích. Anh phỏng đoán như vậy vì những vết thương do đạn nhọn chứ không phải bị trái nổ như cô gái khai bệnh. Vết đạn xuyên thủng bụng đã bắt đầu giai đoạn hoại tự do nhiễm trùng nên người đàn ông trạc 30 tuổi đó hôn mê sâu, mạch yếu. Có lẽ bị truy kích, vì sợ lộ địa chỉ ẩn trú nên anh chạy tránh sang vùng bên này và may mắn được gia đình cô chứa giấu. Nếu chuyển người bị thương sang vùng lõm an toàn trong tình trạng này rất dễ bị địch phát hiện. Anh cùng vài bạn sinh viên tổ chức giải phẫu ngay tại chỗ rồi hỗ trợ chi phí thuốc men cho gia đình cô gái chăm sóc nạn nhân. Hôm nay, anh trở lại thăm khám ca đặc biệt này.
Mải mê suy nghĩ, anh không để ý một ổ gà lớn trên đường khiến chiếc Mobillette giật nẩy mạnh, chao đảo. Không chịu nổi cú sốc, vành trước chiếc xe cong veo, vểnh ngược. Đã đến đầu xóm, nơi cần đến chỉ còn non 1 cây số, anh mím môi nhấc bánh trước chiếc xe, khệ nệ đi tiếp.
Đến ngôi nhà lụp xụp đầu tiên, anh cảm thấy linh tính của mình lay động một điều gì đó không lành. Xóm vắng lặng, không thất bóng dáng một đứa trẻ nào mặc dù cửa các ngôi nhà vẫn mở rộng. Điều này bất thường đối với một xóm lao động ngụ cư. Với những xóm này, ban ngày người lớn tủa đi khắp ngả kiếm sống, nhiều trẻ nhỏ cũng quanh quẩn trong xóm nhặt rác hoặc chơi đùa. Hôm nay, chúng biến đi đâu?
Anh dừng chân, đặt chiếc xe của nợ xuống, lấy khăn lau mồ hôi để quan sát.
Vẻ bất thường hiện rõ trên gương mặt người phụ nữ đang quét rác trước sân nhà đằng kia. Tay cầm chổi quét rác nhưng gương mặt chị hướng về anh, trông mắt đảo vòng vòng một cách kỳ lạ. Anh phóng tầm mắt xa hơn vào xóm. Trước hàng hiên căn nhà rách nát, một người đàn ông mặc quần đùi, ở trần để lộ nước da đen nhẻm nắng sương đang ngồi chẻ nan tre ra chiều thanh thản nhưng cây rựa trong tay ông cứ lặp lại nhiều động tác thừa. Với một nhát chẻ, chiếc rựa có thể tách làm hai thanh tre nhưng ông cứ phải chẻ tiếp hai ba lần sau khi thanh tre đã rời ra. Cứ mỗi lần làm động tác thừa thãi, ông liếc đôi mắt về phía anh, môi mấp máy điều gì đó.
Anh vừa vắt óc suy nghĩ điều gì đang xảy ra vừa đưa mắt quan sát xung quanh. Dưới mặt đất lổm nhổm đất đá có nhiều dấu giầy đinh. Anh hiểu ngay, lính quang phục kích trong xóm.
Quay lưng bỏ chạy, chưa chắc thoát, lại thêm yếu tố khẳng định với địch mình là ai. Anh bình thản đi thẳng vào, miệng chào vồn vã chị phụ nữ:
- Em chào chị! Hôm trước đến khám bệnh cho bà con, em sơ ý để quên ở nhà một số loại thuốc. Hôm nay em trở lại gởi cho bà con.
Gương mặt chị phụ nữ xanh mét:
- Thôi, chú đi về đi. Hôm nay bà con xóm này bận rồi, không ai rảnh nhận thuốc đâu.
Như sợ anh chưa hiểu, chị nói thật nhanh:
- Trong xóm có Việt cộng, mấy ông lính đang phục kích...
Từ trong căn nhà nhỏ bé của chị hơn chục gã lính đội nón sắt, tay lăm lăm khẩu tiểu liên AR15 lao ra. Một gã có hai bông mai trên ve áo xông đến trước mặt anh chĩa súng ngắn thét:
- Đứng yên, hai tay đưa lên đầu!
Trong lúc đó một gã khác xáng mạnh một tát tai vào mặt chị phụ nữ:
- Mày báo động cho Việt cộng hả, con quỷ cái?
Chị phụ nữ ôm mặt khóc:
- Thằng con nít này mà là Việt cộng hả? Mấy ông vu oan giá họa cho người khác, tội đầy đầu đó. Mấy ông bắt tôi đứng quét sân từ sáng đến giờ mỏi tay thấy bà cố mà có thấy thằng Việt cộng nào đâu.
Gã lính đeo hai bông mai vẫy súng ra lệnh cho đồng bọn:
- Trói thằng nhóc này lôi vô nhận mặt đồng bọn đi. Trói luôn con quỷ báo động kia, chờ đó tính sau.
Phác họa nhanh phương án xử lý tình huống trong đầu, Năm Quang tĩnh tâm bình thản để cho đám lính trói tay. Chúng trói bằng dây kẽm nhuyễn, đau thấu trời.
Mười Thắng biết lợi thế tương quan giữa chiếc Honda 67 và chiếc Jeep nên anh cất thẳng cánh đồng lồi lõm gốc rạ và bờ đất chứ không chọn con lộ bằng phẳng. Điều cần thiết lúc này là giữ thăng bằng mỗi khi xe vượt chướng ngại.
Mười Thắng cúi rạp người siết ga. Chiếc Honda 67 đã được đôn dên, xoáy nòng phóng như bay qua các mô đất, bờ ruộng. Phía sau, Ba Hoàng choàng một tay ôm cứng lấy Mười Thắng, một tay chĩa khẩu Colt 12 về hướng chiếc xe Jeep đuổi theo vẩy từng phát đạn cầm chừng. Nếu đứng yên vị dưới đất, Ba Hoàng có thể sử dụng hai tay hai súng bắn chính xác hồng tâm di động trong bán kính 15 mét. Thời còn công tác ở tổ trinh sát vũ trang, nhờ tài thiện xạ đó, Ba Hoàng đã vượt qua rất nhiều pha hụt chết. Trong tình huống này, Ba Hoàng chỉ bắn hú họa, cầu may để giữ cho chiếc xe Jeep không dám áp sát.
Không mấy chốc, chiếc xe Jeep đành chịu thua, dừng lại bắn đuổi theo vài tràng tiểu liên.
Chạy hết cánh đồng, Mười Thắng cho xe rẽ vào một con đường đất núp dưới những lùm tre. Mười Thắng biết, thưởng một xe vàng, chiếc xe Jeep kia cũng không dám đuổi vào tới đây. Tuy cách vùng ven nội đô không xa nhưng từ mép cánh đồng này kéo dài đến Mỹ Hạnh là vùng du kích.
Mười Thắng tìm một vạt rừng chồi um tùm dừng xe nghỉ ngơi.
Tuy đã thoát nạn nhưng anh vẫn không vui vì lo lắng cho số phận Sáu Vỹ - một giao thông viên mới được tuyển vào Cụm. Vì ghìm chân địch để giải thoát cho anh và Ba Hoàng mà Sáu Vỹ bị thương và kẹt lại. Trong cuộc chiến này, bị địch bắt hoặc hy sinh là chuyện không thể tránh khỏi. Một chiến sĩ cầm súng chiến đấu ở chiến tranh trực diện hy sinh ta tổn thất một tay súng, mức độ ảnh hưởng đến cuộc chiến không to lớn bằng một chiến sĩ tình báo. Một chiến sĩ tình báo bị bắt hoặc hy sinh ảnh hưởng đến cả một kế hoạch, có khi nguyên hệ thống bị phá vỡ. Nếu bị địch bắt, không chịu nổi sự tra tấn của địch, chịu đầu hàng khai báo, nguyên cụm sẽ trở nên vô dụng. Để giảm thiểu trường hợp đó xảy ra, Mười Thắng đã khéo léo xây dựng nhiều tuyến đan xen nhau nhưng hoàn toàn độc lập. Nếu một người của tuyến nào bị bắt thì chỉ mỗi tuyến đó bị vỡ, những tuyến song song khác còn nguyên vẹn.
Tuy đã dự tính rất nhiều tình huống xấu xảy ra nhưng chuyến nhập thành này là một sơ sót chủ quan của anh.
Theo kế hoạch, khi Năm Quang gầy dựng xong lõm chính trị an toàn nào là Ba Hoàng đến đó tổ chức tuyến điệp báo. Khi nghe Ba Hoàng báo cáo đã tổ chức xong một tuyến ở xóm Sen, anh theo Ba Hoàng nhập thành để kiểm tra.
Trong vai lính thủy quân lục chiến ở chiến trường trốn về thành chơi, anh và Ba Hoàng hẹn gặp Sáu Vỹ ở một bãi đấy hoang ven xóm Sen. Không ngờ, cuộc hẹn của anh đúng lúc bọn lính đồn Phú Lâm đi tuần. Sáu Vỹ là một thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng nhưng chưa có kinh nghiệm đối với những tình huống bất ngờ. Vừa trông thấy bọn lính bất thần xuất hiện từ xa, thay vì bình tĩnh đối phó, Sáu Vỹ nổ súng.
Mấy phát súng của Vỹ đã khiến bọn lính nháo nhào ẩn nấp. Nhờ vậy, Mười Thắng đủ thời gian nổ máy chiếc Honda 67 chờ cho Ba Hoàng và Sáu Vỹ nhảy lên là anh phóng đi. Thế nhưng Sáu Vỹ bị thương ngay loạt súng phản kích đầu tiên của bọn lính. Sáu Vỹ đành nằm lại thoát tay ra hiệu cho anh và Ba Hoàng chạy thoát.
Anh không biết Sáu Vỹ sống chết ra sao.
Gã lính có một vết sẹo từ đuôi mắt chạy thẳng qua màng tang chui tọt vào mớ tóc rậm rì, bù xù, trợn mắt, bặm môi hất bá khẩu tiểu liên vào bụng Năm Quang. Anh hộc lên một tiếng đau đớn. Phổi anh thắt nghẹn không thở được.
- Mày thuộc đơn vị nào của Việt cộng?
Anh há hốc mồm đớp không khí rất lâu mới mở miệng được:
- Em chỉ là sinh viên trường Y đi cứu trợ.
- Xạo hả mày? Đi cứu trợ hay đi cứu thương thằng Việt cộng nằm kia?
Theo hướng mũi súng chỉ của tên lính, anh trông thấy người bị thương nằm còng queo, thoi thóp dưới đất, người bê bết máu, lớp băng cứu thương xổ tung. Anh cố nén xót xa vào lòng, trả lời tỉnh rụi:
- Dạ, hôm qua tôi có băng bó cho anh này.
Gã lính giang thẳng tay tát anh một cú nảy đom đóm:
- Không phải Việt cộng mà đi cứu thương Việt cộng hả?
- Tôi đâu cần biết ảnh là Việt cộng hay dân thường. Tôi là sinh viên Y khoa, thấy người bị thương là cứu. Đó là quy định quốc tế.
Thấy gã lính giơ tay toan đánh nữa, anh la lớn:
- Mấy ông không được bắt giữ, hành hạ tôi trái luật. Tôi sẽ kiện mấy ông đó. Tôi là em ruột trung tá Sinh phó tỉnh Bến Tre.
Gã lính mặt thẹo dừng tay. Gã trung úy, có lẽ là trưởng toán, nghe anh nói vậy, tiến lại gần:
- Mày có xạo không?
Thấy tình thế có chiều hướng sáng sủa, Năm Quang tự tin:
- Tôi không rảnh để xạo với mấy ông. Mấy ông đụng tới tôi là mấy ông mệt đó. Không tin mấy ông điện thoại về nhà tôi xác minh.
Gã trung úy ngờ vực:
- Là anh em quốc gia, sao mày đi cứu thương cho Việt cộng?
- Tôi đã nói rồi. Tôi là bác sĩ sắp tốt nghiệp. Tôi thấy ai bị nạn đều phải cứu giúp. Chuyện phân biệt Việt cộng hay quốc gia là của mấy ông chứ không phải tôi.
- Sao mày không báo cáo sự việc phát hiện cho nhà chức trách?
- Tôi biết gì mà báo cáo. Họ khai là đi làm đồng bị nổ trái. Tôi cứu thương người bị té xe, té giếng của phải đi báo cáo với nhà chức trách sao?
Gã trung úy thay đổi sắc mặt, ra lệnh cho đàn em:
- Thằng truyền tin đâu. Điện về đồn bảo tụi nó thông báo cho gia đình thằng nhóc này đi bảo lãnh. Tháo trói cho nó. Đưa thằng Việt cộng bị thương kia về đồn. Đưa hết gia đình chứa chấp thằng Việt cộng theo.
Năm Quang biết mình đã thoát nạn nhưng vẫn lo cho số phận người đồng đội nằm kia. Anh nói với gã trung úy:
- Tôi phải cứu chữ người kia. Nếu mấy ông muốn điều tra cũng phải giữ cho người ta sống chớ.
Gã trung úy gật đầu. Năm Quang cố tính thực hiện thao tác cứu chữa thật chậm để chờ cơ hội hỏi thăm. Thấy bọn lính mải mê ăn uống, người bị thương thều thào vào tai Năm Quang:
- Nếu bạn thuộc phe chúng tôi, bạn làm ơn treo một chiếc nón lá vào ngọn cây thị ở đầu xóm Sen rồi chích cho tôi một mũi thuốc độc. Trước sau gì chúng cũng đánh tôi chết.
Dù xót xa, Năm Quang vẫn không thể xác nhận mình thuộc phe ta hay phe địch và càng không thể giết chết anh ta theo yêu cầu. Để anh ta sống tức là đẩy anh ta vào tình huống chết chậm trong đau đớn trước những đòn tra tấn của địch.
Anh nhớ mãi ánh mắt van nài cầu khẩn ấy suốt đời.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top