Chương 22

Chiếc Mercedes đen trũi chở Kissinger rời Tân Sơn Nhất lẳng lặng và đơn độc. Trước khi đến Việt Nam chuyến này, ông ta đã cẩn thận dặn dò các bộ phận tháp tùng phải thông báo trước cho Thiệu một tuần lễ. Ấy vậy mà, không có thủ tục chào đón của chính phủ nước sở tại, không có đoàn hộ tống mở đường. Đã đến đất nước này nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên ông ta hiện diện tại một xứ sở nhỏ bé này một cách bình lặng như một du khách. Những lần ngồi lọt thỏm trong chiếc xe hơi bọc thép, giữa một đoàn xe hộ tống có vũ trang bao quanh, ông ta chẳng kịp nhìn thấy một chút phố sá ven đường. Mặc dù được lực lượng vũ trang hộ tống, ông ta vẫn nơm nớp lo một tiếng nổ bất thần xảy ra dưới gầm xe. Những vụ ám sát thủ tiêu lẫn nhau bằng bom của các nhóm chính trị vẫn thường xảy ra tại Sài Gòn, mặc dù các nạn nhân được hộ tống chặt chẽ làm ông ta luôn bất an. Ông ta ghét cái đất Sài Gòn này thậm tệ.

Lần này đến Sài Gòn, Kissinger lại cảm thấy thích thú. Qua kính xe, ông ta trông thấy tường tận những chiếc xích lô đạp chở những người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn trong bộ áo dài thướt tha. Ông ta thích thú ngắm nhìn những chú bé con vận quần đùi ôm chồng báo trên tay chạy dọc theo vỉa hè rao bán. Hình ảnh những người phụ nữ đội nón lá gánh hàng rong như một biểu tượng cho sự mưu sinh vất vả làm ông ta xúc động. Ngẫu hứng, ông ta muốn chụp những bức ảnh đường phố Sài Gòn để làm kỷ niệm. Mai sau, chưa hẳn ông ta có dịp trở lại cái đất nước kỳ quặc này. Ông ta đưa tay nhìn đồng hồ. Mới hơn 8 giờ sáng. 2 giờ chiều ông ta mới làm việc với Thiệu. Thời gian còn rộng chán. Ông ta bảo viên tài xế cận người Việt Nam:

- Này anh, cho tôi xuống phố, gần dinh Độc Lập.

- Ồ không nên, thưa ngài. Rất nguy hiểm. Nhiệm vụ của tôi không cho phép để ngài đi bộ một mình trên phố - Ngưng một chút, viên tài xế láu cá nói tiếp - Mặc dù thời điểm này người dân Sài Gòn đang náo nức chuẩn bị mùa Giáng sinh rất tuyệt vời. Có lẽ không nơi nào trên thế giới người ta đón mừng Giáng sinh trong khi tiếng bom B52 vẳng đến từ xa.

Tính tò mò kích thích, Kissinger kèo nài:

- Không ai nhận ra lão già Hoa Kỳ này đâu. Anh vui lòng cho tôi hưởng chút không khí tự do.

Viên tài xế đành nhún nhường:

- Ok. Ngài sẽ vui lòng nếu tôi xin ý kiến cấp trên chứ?

- Ok.

Kissinger hoàn toàn hài lòng khi cuộc điện đàm của viên tài xế cận vệ với cấp trên hoàn rất:

- Cấp trên của anh đồng ý. Anh vui lòng thả tôi xuống công viên cạnh nhà thờ Đức Bà nhé. Tôi sẽ đi bộ dọc theo công viên trước cổng dinh Độc Lập.

- Vâng. Xin ngài lưu ý là đừng nên đến gần bất kỳ đám đông nào nhé.

- Tôi sẽ nhớ lời khuyến cáo của anh.

Kissinger bước xuống xe. Ông ta để lại trong xe chiếc áo khoác lẫn cravat. Ông ta hít thở khoan khoái cất bước sải dài trên vỉa hè dưới cái nắng nhàn nhạt của buổi sáng Sài Gòn.

Chiếc xe công vụ chạy rề đến trước cổng dinh Độc Lập dừng lại chờ đợi. Mấy gã lính lăm lăm súng máy đứng gác trước cổng dinh đưa mắt lơ đãng nhìn chiếc cờ hiệu trước mũi xe rồi tiếp tục công việc liếc ngang dọc tròng mắt.

Quang len bộ dạng phục phịch vào cánh cửa hé xộc vào phòng Thiệu:

- Báo cáo Tổng thống. Đúng như tài thánh đoán của Tổng thống, lão Kis đòi đi dạo một mình trước dinh Độc Lập.

Thiệu được Quang khen nịnh, vui ra mặt:

- Trời chiều ý ta. Đứng trên dinh có thể nhìn thấy lão không?

- Dạ thấy nếu Tổng thống nhìn qua ống nhòm ạ.

- Mắt anh không cần ống nhòm vẫn nhìn thấy?

Quang ỉu xìu vì bị Thiệu chửi xỏ

Thiệu vớ lấy chiếc ống nhòm đặt trên bàn rồi sải chân bước ra hành lang nhìn về hướng nhà thờ Đức Bà. Quang cập rập chạy theo đứng cạnh. Thiệu hài lòng khi thấy Kissinger ngồi xổm trước một gánh hàng rong.

Quay sang Quang, Thiệu hỏi:

- Mật kế "quà Giáng sinh" tôi giao anh, đã làm xong chưa?

Quang hơi nhót ruột khi Thiệu nhắc đến kế hoạch vận động các nghị sĩ dân biểu biểu tình chống hòa đàm Paris ngay khi Kissinger đặt chân đến Sài Gòn. Quang đã đích thân đi gặp từng vị dân biểu thuộc phe cánh hậu thuẫn. Hầu hết họ đều lớn giọng trong phòng họp quốc hội nhưng lại e ngại xảy ra đụng độ với nhóm đối lập ngoài đường. Quang đã phải thề sống chết rằng sẽ cho cảnh sát mật dập tắt tất cả các cuộc biểu tình của các nhóm đối lập ngay từ trứng nước. Cuối cùng Quang cũng thuyết phục được gần 30 vị chịu xuống đường căng 2 biểu ngữ "Phản đối hòa đàm Paris! Hòa đàm Paris có lợi cho Cộng sản! Ký hòa đàm là giao Việt Nam cho Cộng sản!".

- Dạ, hoàn tất chín mươi chín phần trăm.

- Chắc không?

- Dạ chắc.

- Còn kế hoạch tổng động viên tân binh?

Quang tươi tỉnh:

- Dạ vượt dự kiến ạ. Ta đã bắt... à không, tuyển được hơn tám trăm ngàn tân binh.

- Nghe nói trong đợt tuyển quân vừa rồi, anh vơ khẳm tiền hối lộ miễn dịch?

Quang xanh mặt:

- Dạ, Tổng thống đừng nghe Việt cộng tuyên truyền bậy ạ.

- Tôi là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lại đi nghe lời tuyên truyền của Cộng sản hử?

Mặt Quang càng tái hơn:

- Dạ không, ý em không phải vậy. Ý em là... là...

Thiệu thoát tay:

- Khỏi phân bua. Miễn chú làm tốt công việc của tôi giao là được.

Quang thở hào hển sau cú nắn gân của Thiệu.

Gương mặt bóng lưỡng của Thiệu nở một nụ cười bí hiểm:

- Chiều nay, lão già Kissinger sẽ phải thay đổi lập trường, quan điềm về cái gọi là giải pháp hòa bình ở Paris của lão. Hừ!
Một loạt âm thanh ầm ì như tiếng sấm rền từ xa xăm vẳng đến kèm theo những cơn chấn động nhẹ sàn nhà. Thiệu nghiêng tai lắng nghe rồi hỏi:

- Tiếng bom B52 ở Hà Nội cũng vẳng đến tận đây à?

Quang cười gượng:

- Dạ không. Xa quá, không vẳng tới nổi đâu, thưa Tổng thống. Đó là tiếng B52 ta rải trên đường mòn Hồ Chí Minh ngăn chặn đoàn quân Nam tiến.
Thiệu đưa tay vuốt cái cằm nhọn, nhẵn nhín:

- Tôi rất thích tiếng nổ của bom B52. Nó âm âm, rền rền như tiếng bass trong dàn nhạc giao hưởng. Thời còn bên quân sự, ta chưa có B52. Tiếc thật!

Quang chưa kịp hiểu Thiệu tiếc điều gì thì Thiệu đã cất bước đi te tái vào trong. Quang chạy theo. Thiệu sập cửa trước khi ném cho Quang mệnh lệnh:

- Chú cho khởi sự đi.

Kissinger nheo mắt ngắm nhà thờ Đức Bà qua ống kính máy ảnh. Ông ta bỏ dở động tác bấm máy bởi một loạt âm thanh hỗn độn vẳng đến. Ông ta lia tia nhìn về hướng phát ra tiếng ồn rồi lẩm nhẩm: "Lại biểu tình". Ông ta chọn một gốc cây trong công viên có tầm nhìn bao quát làm điểm tựa lưng để chụp ảnh.

Dân biểu Thìn dẫn đầu một nhóm khoảng 10 người mặc áo sơ mi thắt cravat đi bộ từ nhà thờ Đức Bà đến trước cổng dinh Độc Lập ngồi xổm xuống. Được dặn dò trước nên đám lính gác vẫn bình thản làm nhiệm vụ liếc ngang dọc. Dân biểu Thìn nhễ nhại mồ hôi, trấn an mấy người cùng nhóm:

- Các anh ráng chờ vài phút nữa. Các đoàn học sinh, sinh viên ủng hộ ta đang trên đường đến.

Một người trong nhóm cắt ngang:

- Lỡ họ không đến thì sao?

Thìn cười khùng khục:

- Đến chứ sao không? Mình bỏ tiền thuê đấy. Mỗi người tham gia biểu tình đều được trả mười lăm ngày công lao động. Họ đến chậm là do... ta thuê người ở các tỉnh lân cận. Xe đi đón họ từ hồi một giờ khuya. Sắp tới rồi. Yên tâm đi, Mấy anh không lẻ loi đâu.

Một người khác làu bàu:

- Nếu họ không tới thì coi như ta làm đám hề cho tụi báo chí đối lập có cớ tăng số lượng phát hành.

Dân biểu Thìn toan nói gì nữa nhưng thấy có vài người hiếu kỳ đứng lại bên vỉa hè chỉ trỏ, bàn tán nên im lặng. Không hơn 10 phút sau, đám người hiếu kỳ đã tạo thành một hàng rào người bao xung quanh đám dân biểu.

- Ủa? Họ làm gì ngồi đây ta? Mấy ông này là nghị gật của quốc hội đây mà.

- Giống là biểu tình quá hà. Nhưng sao chỉ có mấy ngoe vậy? Làm biểu tình mà im như hến, ai biết họ đòi hỏi cái gì.

- Ừa hén! Ít nhất cũng phải có biểu ngữ chớ.

- Tôi biết cái ông có bộ râu mép kia kìa. Ổng là dân biểu "xé cheng" đó. Hè hè hè!

Thìn đứng lên phân trần:

- Tụi tôi là những dân biểu phản đối hòa đàm Paris.

Một người phụ nữ lớn tuổi đứng trong đám đông hiếu kỳ trề môi:

- Mồ tổ mấy ông! Mấy ông điên hả? Người ta mong muốn hòa bình còn mấy ông phản đối hòa bình. Chiến tranh giết chết hai đứa con của tôi rồi. Làng xóm tiêu điều xác xơ cũng vì chiến tranh. Vậy mà cũng dám xưng là dân biểu hả? Tôi đố mấy ông mở miệng phản đối chiến tranh một lần cho tôi coi. Tôi xáng cái thúng này vô miệng đó.

Lời đe dọa có tác dụng ngay lập tức. Đám dân biểu chống hòa bình im thin thít, lấm lét nhìn quanh.

Đúng lúc đó, từ khắp các ngả đường đổ về hàng ngàn người đủ mọi thành phần tay cầm băng rôn miệng hô vang khẩu hiệu: "Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu phá hoại hòa bình! Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu bắt trẻ em ra trận! Mỹ rút quân về nước! Hãy chấm dứt chiến tranh!". Họ tiến tới đứngrau lưng nhóm dân biểu đang ngồi chết lặng.

Một thanh niên mặc áo blouse trắng từ trong đoàn sinh viên Y khoa tách ra, tiến đến kéo tay người phụ nữ lớn tuổi nói nhỏ: "Cám ơn dì Tám! Dì đi theo con".

Năm Quang cùng dì Tám luồn lách giữa đám đông tiến về Kissinger đang giương máy ảnh chụp liên tục cảnh biểu tình của dân chúng. Ông lăng xăng chụp ảnh như một nhà báo thực thụ.

Dì Tám cầm xấp hồ sơ tố cáo chính quyền bắt trẻ em đi quân dịch chìa về phía Kissinger:

- Chào ông nhà báo Mỹ. Tôi muốn ông có bộ hồ sơ này để viết bài kể cho nhân dân Mỹ biết Nguyễn Văn Thiệu ác nhơn ác đức cỡ nào. Trong này có danh sách những đứa trẻ nít bị buộc phải ra chiến trường cầm súng bắn nhau. Hiện tại tụi nó vẫn còn đang ở quân trường. Ông xem đi. Tặng ông thêm mấy tờ báo nữa nè.

Năm Quang phiên dịch lời của dì Tám cho Kissinger hiểu. Đôi mắt màu xanh xám của ông ta tối sầm. Ông ta chộp lấy bộ hồ sơ.
Đứng cách đó khoảng 10 mét, chứng kiến toàn bộ cảnh Kissinger tiếp xúc với người biểu tình, viên trợ lý an ninh của Tổng thống Thiệu xám ngoét mặt mày. Gã quay lưng tìm đường chạy vào dinh Độc Lập tìm Thiệu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top