Chương 20
Bar cà phê Gir nằm trên đường Tự Do không dành cho khách bình dân bởi giá cả của nó chỉ phù hợp với túi tiền của những người khách trung lưu. Giá một ly cà phê đen trong bar Gir tương đương giá 20 ly cà phê đen xây dừng ở quán cóc trên vỉa hè cách đó khoảng vài chục mét. Rất nhiều chính khách, rất nhiều nhân vật cao cấp của chính phủ đều chọn Gir làm nơi uống cà phê, điểm tâm sáng trước khi vào công sở. Giới ký già Sài Gòn cũng chọn bar Gir để gặp gỡ các nhân vật của chính phủ để trao đổi và kiểm chứng nguồn tin hoặc nghe ngóng phát ngôn của chính phủ.
Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền siết chặt kiểm soát báo chí, bar Gir không còn là nơi thuần túy trao đổi giao lưu thông tin nữa mà trở thành nơi các ký giả lên án, chửi bới chính quyền. Thế là những tay mật vụ cũng chọn Gir làm nơi la cà, tạo thêm một lượng khách đáng kể cho nơi này.
Sang hôm nay bar Gir mang một không khí khác lạ. Cánh ký giả bước vào bar với ánh nhìn dáo dác, đề phòng và nôn nóng. Họ không ăn to nói lớn như thường ngày mà thầm thì hỏi han nhau: "Đã có manh mối nào chưa?", "Đã có nguồn tài liệu chưa?", "Hình như ai đó đã có bằng chứng trong tay phải hông?".
Cả tháng nay, kể từ khi vụ buôn lậu mà giới ký giả Sài Gòn đặt tên là "vụ buôn lậu còi hụ" có liên quan đến nhiều quan chức cấp cao của chính phủ được đánh giá là quy mô nhất từ trước đến nay bị đổ bể, chưa có tờ báo nào dám đưa tin vì thông in nội vụ bị những người có trách nhiệm ém nhẹm quá kỹ. Giới ký giả đã tận dụng mọi đầu mối thân thuộc trong giới chức để moi chút ít bằng chứng nhưng đều thất vọng. Những người liên quan nội vụ đều bị bắt giam bí mật. Những người có trách nhiệm bắt giam, khi hỏi thì xanh xám mặt mày thì thào: "Không dám tiết lộ". Những tay ký giả giỏi săn tin nhất cũng chỉ biết trông chờ một phép lạ. Sự việc tưởng chừng đã chìm xuồng dư luận sau hơn 4 tuần im ỉm. Bất ngờ từ hôm qua, giới ký giả rỉ tai nhau: "Một ký giả đã có hồ sơ còi hụ". Ký giả nào có hồ sơ? Không ai biết. Dù vậy, họ vận hy vọng được chia sẻ hồ sơ quý giá đó.
Người làm báo lơ ngơ nhất cũng biết vụ "Còi hụ" sẽ hút lượng độc giả đến mức nào. Cái đất Sài Gòn đầy biến động chính trị, thay đổi chủ hàng ngày đã buộc con người phải có thói quen đọc báo, cập nhật thời sự. Là một dân đen cũng phải hiểu biết thời sự để xu theo thời thế. Người ta còn cần biết vị quan chức nào sắp phải vào tù, "về vườn" hoặc hoán chuyển công tác để mà liệu đường làm ăn. Lạc hậu thời sự trong một ngày có thể dẫn người ta vào con đường tán gia bại sản, rơi vào vòng lao lý như chơi.
Dân biếu Sáu, mặt còn ngái ngủ, bước vào bar Gir, tiến thẳng lại chiếc bàn trong góc khuất. Ông ta gọi một ly cà phê đen để chờ đợi một nhân vật chưa biết mặt.
Đêm qua, một thư điện báo gởi đích danh ông cho biết, sáng nay sẽ có người gặp ông tại đây để cung cấp hồ sơ vụ "còi hụ Long An". Với ông, đó là một phi vụ lớn, là một cứu cánh giúp đỡ tờ báo Bút Thần của ông khoát khỏi nguy cơ phá sản.
Là người khai sáng lần lượt 5 tờ báo lớn đều bị chính quyền Thiệu đóng cửa, ông nợ như chúa chổm nhưng cái thế dân biểu cứ buộc ông phải trụ nghề làm báo. Làm chính trị ở cái thế đối đầu với Thiệu, nếu không có tờ báo trong tay, ông sẽ khó lòng tồn tại nổi. Nhờ làm báo, ông đã khiến Thiệu ngán mặt không dám cho đàn em ám sát thủ tiêu.
Khi còn làm chủ nhiệm tờ báo Tiếng Nói Dân Tộc, ông đã chỉ đạo tòa soạn phanh phui vụ án "Châu - Hồ - Trúc" để phơi bày cho dân chúng biết chân tướng gian manh, thủ đoạn của Thiệu bỉ ổi đến mức nào. Thiệu trả thù ông bằng cách ra lệnh buộc tờ Tiếng Nói Dân Tộc đóng cửa. Không ngán, ông tiếp tục hợp lực với một nghị sĩ làm tờ Điện Tín. Ông này vốn là một đại tá quân đội đắc cử nghị sĩ, rất thân thiết với tướng Dương Văn Minh. Tờ Điện Tín là một giải pháp hỗ trợ vị tướng này tìm thế tháy Tổng thống Thiệu, nhằm thành lập một nội các hòa bình, góp thêm một điều kiện thuận lợi để chấm dứt chiến tranh. Lúc này tướng Minh bị bắt buộc sống lưu vong tại Bangkok, Thái Lan vừa về nước. Chính thái độ công khai ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh khiến cho Bộ Thông tin của chính phủ Thiệu càng dòm ngó kỹ tờ Điện Tín.
Nhờ khéo léo, ông đã đưa tờ Điện Tín thành một tờ báo có đông độc giả bình quân ủng hộ nhất Sài Gòn. Những chuyên mục nổi trội, độc đáo như "Văn tế sống", tranh châm biếm chua cay chuyên nhắm vào những vị tai to mặt lớn trong chính quyền khiến báo bán chạy như tôm tươi.
Một trong những cú huých khiến độc giả tin tưởng tờ báo này là phóng sự điều tra lính Mỹ thảm sát dân thường ở Sơn Mỹ do ký giả Văn Lê khai thác. Có lẽ đó là bài báo lên án tội ác chiến tranh đầu tiên của miền Nam.
Sự vụ đó bắt đầu từ việc một số nạn nhân đến tận tòa soạn Điện Tín kêu cứu. Họ cho biết, họ là những người may mắn thoát chết trong một vụ lính Mỹ vô cớ xả súng giết hàng hoạt dân thường vô tội gồm người già, phụ nữ và trẻ nít. Ngay hôm sau, Điện Tín cho đăng một phóng sự điều tra tỉ mỉ tội ác của toán lính Mỹ. Từ bài báo, quốc hội Sài Gòn lập đoàn đến tận Sơn Mỹ đều tra. Ngay sau đó, đồng loạt các báo trong nước lẫn nước ngoài cùng lên tiếng kêu gọi quốc hội Mỹ xem xét vấn đề.
Tờ Điện Tín là một cái gai trong mắt Thiệu, liên tục bị sách nhiễu, nhiều lần bị đóng cửa phải phát hành lậu. Nhiều lần ông và ekip làm báo phải tuồn lén báo ra cửa sau đem đi phát hành. Có lần, Thiệu thuê côn đồ ném hóa chất gây cháy vô cửa tòa soạn lúc nửa đêm, may nhờ một phóng viên ảnh có nhà gần tòa soạn phát hiện, tri hô nên đám cháy nhanh chóng được dập tắt. Thậm chí, Thiệu cho đàn em gởi một lá thư nặc danh đe dọa sẽ cho nổ bom tòa soạn.
Trước sự khủng bố đê tiện đó, ngân sách gia đình ông gần như kiệt quệ. Mặc dù rất yêu đứa con tinh thần chứa đầy tâm huyết của mình, ông vẫn quyết định rời tờ báo vì ông cần tờ báo này tồn tại song song với chế độ Thiệu. Với số lượng phát hành cao ngất ngưởng, tờ báo này sẽ là công cụ đắc lực cho bất kỳ ai nắm giữ nó. Nghe tin ông bán tờ Điện Tín, nhiều tay chân của Thiệu ngỏ lời mua với giá cao. Ông không phải Cộng sản và muốn tờ Điện Tín góp chút công sức vào tiếng nói chung của Mặt trận. Nhận thấy ekip của tờ Tin Sáng mà đứng đầu là dân biểu Ba có chủ trương kêu gọi hòa bình trong tinh thần dân tộc phù hợp với chủ trương của tờ Điện Tín, linh cảm ông cảm nhận, dân biểu Ba là người của Mặt trận. Thế là ông tìm gặp dân biểu Ba giao quyền điều hành tờ Điện Tín. Ông nhảy sang thuê manchette tờ Bút Thần ẩn tên tiếp tục làm báo.
Không phụ niềm tin của ông, kể từ khi nhóm dân biểu Ba điều phối, Điện Tín tăng số lượng phát hành đến chóng mặt. Điện Tín không chống Thiệu gay gắt như trước mà chuyển sang đấu tranh chính trị có bài bản.
Dù ẩn tên điều phối tờ Bút Thần nhưng nhiều anh em ký giả đối lập với Thiệu vẫn còn quý trọng ông. Đối với ông, đó là niềm an ủi to lớn nhất.
Thời gian gần đây, tin đồn râm ran về việc vợ Thiệu sử dụng quân đội tổ chức đường dây buôn lậu rất lớn, khiến hầu hết các tờ báo đối lập đều đói khát tin này. Tin này sẽ là một cái tát thẳng vào mặt Thiệu. Tiếc là không ai có được một mẫu bằng chứng để có cơ sở viết bài. Nếu không có bằng chứng cụ thể mà viết thì chẳng khác nào mời gọi Thiệu xóa sổ tờ báo.
- Chào ông!
Giọng một cô gái vang lên khiến ông giật mình ngẩng lên. Trước mặt ông là một cô gái trẻ, gương mặt thanh tú và cách ăn mặc đơn giản phảng phất nét hồn nhiên sinh viên, nghiêng đầu nhìn ông cười. Ông bối rối:
- Tôi và cô đã từng biết nhau?
Cô gái hồn nhiên hỏi lại:
- Ông có cho phép em ngồi trước khi trả lời?
- Ồ, vâng. Mời cô ngồi.
Cô gái nhìn thẳng vào mắt ông:
- Em là người gửi bức điện hôm qua.
Ông hơi sốc. Tay chân của Thiệu sẽ không hối tiếc một loạt đạn dành cho người có bộ hồ sơ tối mật này. Ông không ngờ kẻ bạo gan lại là một cô gái mảnh mai. Hay đây là trò đùa của một nữ sinh tinh quái?
- Cô biết mức độ quan trọng của hồ sơ này?
Cô gái mỉm cười tự tin:
- Em biết rất rõ, thưa ông.
Ông nhìn sững cô gái trẻ, thoáng nghi ngờ:
- Cô có thể cho biết làm cách nào cô có bộ hồ sơ này?
- Em chỉ là người chuyển giúp, thưa ông.
- Cô không sợ tôi sẽ báo cảnh sát? Với hành động đó tôi sẽ được một món tiền thưởng của Tổng thống, còn cô sẽ bị bắt.
Cô gái lại mỉm cười:
- Thưa, trước khi gặp ông, em đã biết rất rõ về ông. Em còn biết, khi nhận được bộ hồ sơ này, ông sẽ chấp nhận một thỏa thuận của em nữa.
- Cho dù thỏa thuận đó nằm ngoài ý muốn hoặc khả năng của tôi?
- Vì biết rõ về ông nên em tin rằng những thỏa thuận đó sẽ nằm trọn trong ý muốn lẫn khả năng của ông.
Nhìn cái vẻ tự tin của cô gái, ông đã cảm thấy thích thú:
- Cô muốn bán hồ sơ này với giá bao nhiêu?
- Ông lầm rồi, thưa ông. Thỏa thuận của em không nằm trong phạm trù vật chất.
Chờ cho người phục vụ bê ly cà phê đặt lên trước mặt rồi rút lui, cô gái ngoảnh nhìn xung quanh để tin chắc không ai ở gần có thể nghe được, rồi bắt đầu nói chậm, mạch lạc:
- Em không muốn ông độc quyền hồ sơ này mà cần ông tổ chức họp báo để công khai.
- Vì sao?
- Vì nếu sử dụng hồ sơ này để hạ uy tín Thiệu thì uổng phí. Nếu biến hồ sơ này thành một vũ khí chính trị buộc Thiệu từ chức tổng thống hoặc chí ít cũng làm Thiệu chấp nhận giải pháp hòa bình, hòa hợp dân tộc thì tốt hơn.
- Cô là...?
- Em chỉ là người yêu chuộng hòa bình, mong muốn Mỹ trả quyền tự quyết cho dân tộc Việt.
- Cô còn yêu cầu nào nữa không?
- Dạ còn. Cuộc họp báo chỉ nên xảy ra ngay khi Ngoại trưởng Kissinger trở lại Việt Nam hội đàm với Thiệu trong tuần sau. Đó sẽ là chuyến gặp cuối cùng của Kissinger với Thiệu trước khi Kissinger đi Paris gút lại những điều khoản cần ký trong hiệp định. Nếu làm được những điều đó, ông đã góp phần không nhỏ cho Tổ quốc hòa bình. Ông đồng ý chứ?
- Tôi đồng ý vì đó là mục tiêu chung của tất cả đồng bào Việt Nam. Nhưng cô lấy gì bảo đảm rằng đây là hồ sơ thật?
Cô gái móc trong xắc tay ra một bộ hồ sơ đặt lên bàn:
- Tất cả tài liệu trong hồ sơ này đều có đóng dấu của những quan chức có trách nhiệm điều tra vụ việc. Chúc ông thành công!
Dân biểu Sáu cảm thấy tay mì run run khi chạm vào bộ hồ sơ. Với bản tính gian manh của Thiệu, ông không tin bộ hồ sơ này có thể khiến y từ chứ nhưng ông tin Thiệu sẽ kết thúc sự nghiệp chính trị trong lần bầu cử tới.
Ông ngẩng lên toan cất lời cám ơn nhưng cô gái đã rời đi từ lúc nào. Ông không biết đó chính là F2 - một mắt xích của cụm tình báo A10.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top