Chương 12

Ngôi biệt thự kín cổng cao tường nằm khiêm tốn giữa một dãy phố sang trọng nhưng thâm trầm tĩnh lặng giữa Sài Gòn náo nhiệt. Nhìn vẻ ngoài, ngôi biệt thự giống như một nơi chốn riêng của một quan chức cao cấp trong chính phủ dành để hẹn hò người tình ngoại hôn. Những sợi dây leo mọc tự do hoang dại phủ kín hàng rào bao bọc bên ngoài khiến ngôi biệt thự đã thâm trầm càng thêm bí hiểm. Cánh cổng im ỉm, thỉnh thoảng hé ra vừa đủ cho một gã vận áo màu xám, quần Jean, sụp chiếc nón bo che kín cặp mắt kính đen len vào rồi biến mất. Ít ai biết đó là một trụ sở của tổ tình báo đặc biệt - một cơ sở ngoại vi của cơ quan Đặc ủy Tình báo Trung ương Sài Gòn.

Trong một căn phòng trên tầng cao nhất của ngôi biệt thự, gã thiếu tá chỉ huy trưởng tổ tình báo Tulip Đen ngồi đờ đẫn sau cái bàn có cắm lá cờ vàng ba sọc đỏ in nổi hình con diều hâu đen quắc mắt đứng giang rộng cánh - biểu tượng của lực lượng đặc vụ và cũng là biểu tượng hãi hùng cho những vụ bắt cóc, thủ tiêu bí mật.

Trên chiếc bàn dài đối diện, một gã đàn ông mặt thịt vận thường phục màu xám ngồi lẳng lặng như pho tượng nhưng cặp mắt ti hí cứ đảo quanh như một thói quen nghề nghiệp. Ban - viên thiếu tá chỉ huy tổ Tulip Đen - cất giọng rất trầm khiến người nghe có cảm giác như nó phát ra từ một chiếc loa ẩn kín đâu đó trong phòng:

- Như vậy là ta đã mất tích hai nhân viên khi bám sát thằng oắt con đó. Tin tức báo cáo cuối cùng của họ mang nội dung gì?

Gã mặt thịt có cặp mắt ti hí lên tiếng:

- Thưa thiếu tá, tin cuối cùng họ báo là thằng oắt con lên một chiếc xe đò tuyến Bến Thành - Trảng Bàng. Họ đã bám theo. Nhưng có một trình báo của chi cảnh sát quận Ba cho thấy, chiều hôm đó, thằng oắt con bị móc túi ở khu vực nội thành. Điều đó cho thấy, thằng oắt con không đi trên chuyến xe về Trảng Bàng. Có thể hai nhân viên của ta đã bám đuổi sai đối tượng.

Thiếu tá Ban nhắm nghiền đôi mắt trong giây lát:

- Theo anh, thằng oắt con có phải là Cộng sản?

Gã mặt thịt mở một xấp hồ sơ ra gí ngón tay tù lu vào từng dòng chữ gạch màu mực đỏ, đọc chăm chú trong lúc đôi môi dày, thâm sì mấp máy:

- Lúc... hai mươi giờ ngày... tháng... năm... y gặp sinh viên Minh Trí tại bar Hoa Phượng hơn ba mươi phút. Sau đó, y cỡi chiếc Mobilette vào Tổng hội Sinh viên gặp Huỳnh Tấn Mẫm. Hai mươi hai giờ, y rời Tổng hội Sinh viên đi Mobilette trở về văn phòng trường Đại học Y khoa. Nơi đây nhóm của y đã hoàn tất các băng rôn biểu tình... Lúc chín giờ ngày... y dẫn đoàn cứu trợ sinh viên vào khu dân cư Khánh Hội. Trong lúc đoàn cứu trợ hoạt động, y tách đoàn ghé vào một địa chỉ nghi vấn là Việt cộng nằm vùng. Ta phát hiện trong đợt Mậu Thân, tên Việt cộng nằm vùng này đã chứa chấp một tổ biệt động Việt cộng. Nhưng khi bắt khai thác, tên này chỉ khai là do Việt cộng ép buộc. Không có cơ sở buộc tội, ta phạt giam y ba tháng rồi thả... - Gã mặt thịt ngước đôi mắt ti hí lên - Tuy thằng Khánh Duy là em vợ ông Sinh phó tỉnh Bến Tre, nhưng không thể loại trừ y liên can đến Việt cộng. Một thông tín viên của ta khẳng định Khánh Duy và Minh Trí quen biết nhau từ thuở còn là học trò ở Đà Nẵng. Một thông tín viên khác của ta nằm trong vùng căn cứ Việt cộng báo cáo rằng, Minh Trí được giao về thành móc nối với một nhóm sinh viên để tổ chức hoạt động lật đổ Tổng thống. Tôi có nghi ngờ Khánh Duy sẽ đi gặp Minh Trí, tiếc là hai nhân viên của ta đã theo dõi sai đối tượng, bỏ lọt tầm mắt thằng oắt Khánh Duy.

- Thông tín viên của ta trong vùng Việt cộng có biết thằng Minh Trí được các chỉ huy của nó giao nhiệm vụ gì không?

- Thưa thiếu tá, thông tín viên của ta không tiếp cận được vùng chỉ huy sỡ của bọn Việt cộng đầu sỏ nên chỉ biết rằng Minh Trí được các chỉ huy ban an ninh tức ban công an, tình báo của Việt cộng trọng dụng.

Thiếu tá Ban lại nhắm mắt. Lần này ông ta nhắm mắt hơi lâu khiến gã đàn em ngồi đối diện cứ bồn chồn sửa thế ngồi. Hơn 3 phút, Ban mới mở bừng mắt:

- Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương vừa cho ta hay, bọn chỉ huy tình báo nội thành của Việt cộng vừa có kế hoạch tung một mạng lưới tình báo vào Sài Gòn. Mạng lưới tình báo này mang mật danh A10. Có thể mạng lưới này là những chuyên viên được đào tạo từ lò KGB của Liên Xô hoặc được tu nghiệp tại Trung cộng do miền Bắc tung vào chi viện cho Việt cộng miền Nam. Ta chưa xác định được phương thức hoạt động của mạng lưới này. Phủ Đặc ủy giao cho ta tổ chức tìm một đầu mối trong lưới A10. Tôi đã cho bộ phận dò sóng âm điện đài hoạt động hết công suất hai mươi bốn trên hai mươi bốn để tìm cho ra ít nhất một thông tín viên của chúng. Anh cho kiểm tra lại lần cuối nhóm sinh viên Khánh Duy, nếu không tìm ra dấu hiệu hắn có liên can đến hoạt động của Việt cộng Minh Trí thì đóng hồ sơ để ta tập trung theo dõi bọn A10. Nhóm Minh Trí đã tiêu hao rất nhiều chi phí nhưng chẳng đem lại được kết quả gì.

- Báo cáo thiếu tá, tôi có một e ngại cần cân nhắc.

- Anh cứ nói.

- Thưa, có khi nào bọn Minh Trí, Khánh Duy là một mắt xích trong... A10?

Gã thiếu tá đang lim dim vội mở bừng đôi mắt, ngửa mặt cười sằng sặc:

- Anh ngây thơ quá trời. Anh học hàng chục năm trời qua mấy lò đào tạo tình báo mà vẫn còn lơ mơ, chưa làm gì ra hồn huống hồ mấy thằng sinh viên, oắt con hỉ mũi chưa sạch. Tôi kỳ hạn cho anh một tuần nữa, nếu không ngửi ra mùi Cộng sản trong người thằng Khánh Duy thì đóng hồ sơ lại, tập trung nhân sự để đối phó với những gã A10. Anh nên nhớ, thằng Minh Trí không phải là Việt cộng mà chỉ là một thằng sinh viên quậy phá. Chính chúng ta truy đuổi ép nó vào với Việt cộng.

Gã mặt thịt toan nói thêm điều gì nhưng tiếng gõ cửa đã khiến y im lặng. Một phụ nữ son phấn lòe loẹt bước vào:

- Trình thiếu ta, có công điện khẩn gởi từ đồn Lê Văn Ken.

Viên thiếu tá chộp lấy mảnh giấy giải mã điện tín đọc lướt nhanh rồi nhăn nhó:

- Tụi sinh viên lại quậy ở Bến Thành. Cho người xuống hiện trường bám mục tiêu ngay thôi.

Chiếc xe lam ba bánh chở đầy những nam sinh mặt non trẻ từ hướng đường Tự Do phóng thẳng đến trước cổng chợ Bến Thành thắng kịt lại. Nhóm sinh viên nhảy xuống khỏi xe. Một sinh viên bước đến cạnh bác tài toan thanh toán tiền. Bác tài xua tay:

- Khỏi tiền bạc gì ráo. Mấy em thay mặt bà con đấu với thằng Thiệu đòi hòa bình, tui lấy tiền coi sao đặng.

Dứt lời, bác tài sang số, chiếc xe chồm lên phóng thẳng về hướng cầu Nancy.

Nhóm sinh viên nhanh chóng đứng xếp hàng nhìn về phía bót Lê Văn Ken rồi lấy từ trong cặp ra mấy tấm băng rôn màu đỏ chói giương cao tay căng ra: "Hòa bình cho Việt Nam!", "Tự do hay chết?", "Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu!".

Từ phía bên kia, nơi bót Lê Văn Ken, cảnh sát áo trắng chạy nháo nhác. Tiếng tu huýt vang inh ỏi. Nghe tiếng ty huýt, một tốp cảnh sát dã chiến đầu đội nón sắt, mình vận đồ trận, lủng lẳng lựu đạn đang đứng gác từ trụ sở Hạ viện xách súng chạy lộc xộc đến. Không nao núng, nhóm sinh viên nắm chặt tay vung lên trời hô vang: "Đả đảo đàn áp sinh viên! Đả đảo!" Trong phút chốc, đám cảnh sát dã chiến đã đối mặt nhóm sinh viên. Viên chỉ huy vung vẩy khẩu súng ngắn hét:

- Giải tán mau! Chúng mày làm loạn hả?

Một sinh viên hét trả:

- Khi nào Nguyễn Văn Thiệu chịu ký kết hoạt động, chúng tôi giải tán.

Gã chỉ huy ra lệnh:

- Tụi bây trói gô từng thằng tống vào bót Lê Văn Ken cho tao.

Đám cảnh sát hầm hè toan xông vào nhóm sinh viên, chợt khựng lại. Nhiều ánh đèn flash máy ảnh lóe lên. Thì ra, một nhóm ký giả đứng lẫn giữa những người đi chợ đã canh me từ lúc nào để chụp anh cảnh sát đang sử dụng vũ lực đàn áp sinh viên biểu tình. Sau mấy giây, gã chỉ huy hiểu ngay mình đã bị nhóm sinh viên dàn cảnh. Đúng lúc đó, từ khắp các ngả đường, những chiếc xe bus, xe lam ba bánh, xe ba gác chở đầy sinh viên lao đến. Hướng Phó Đức Chính, hướng Lê Lợi, hướng tượng đài Trần Hưng Đạo, hướng bến Bạch Đằng, hướng sau chợ Bến Thành... dòng người đổ ập đến miệng hô to khẩu hiệu: "Trả tự do cho Huỳnh Tấn Mẫm!", "Đả đảo đàn áp sinh viên!", "Hòa bình cho Việt Nam!", "Mỹ cút xéo về nước!".

Một nhóm sinh viên đã thủ sẵn mấy chai bom xăng ném tới tấp vào bọn cảnh sát dã chiến để giải cứu cho các ký giả.

Gã chỉ huy cảnh sát dã chiến hoảng hốt kêu gọi đám đàn em chạy vô bót Lê Văn Ken quây hàng rào cố thủ và gọi bộ đàm kêu cứu.

Đám đông biểu tình tay nắm tay tạo thành một hàng rào người tiến thẳng đến bao vây cái bót cảnh sát.

Ở một góc chợ Bến Thành, Năm Quang ngồi quan sát một ký giả trẻ đang xách máy ảnh chạy lăng xăng hết góc này đến góc kia chụp lia lịa. Năm Quang không nghi ngờ gì nữa. Đó là Hai Phương, dân sinh viên gốc Quy Nhơn - một đội viên thuộc Tổ vũ trang Tuyên truyền Y4(*). Chỉ hơn 4 năm không gặp, giờ Hai Phương thay đổi quá nhiều nhưng không thể giấu cái mái tóc quăn và cái dáng tất bật cố hữu. Hồi trước, khi đoàn sinh viên Y khoa còn trực thuộc Đội Vũ trang Tuyên truyền, với tư cách là trưởng ban đại diện, Năm Quang được Y4 chỉ đạo bắt tay phối hợp với Hai Phương tổ chức một cuộc xuống đường đấu tranh. Nhờ có dịp phối hợp nên Năm Quang biết Hai Phương cũng là tổ trưởng một tổ vũ trang tuyên truyền. Sau đợt tấn công Mậu Thân, đột ngột Hai Phương lặn mắt tiêu khỏi Sài Gòn. Bây giờ Hai Phương lại đột ngột xuất hiện trong cuộc biểu tình này trong vai ký giả buộc lòng Năm Quang chú ý.

(*) Ký hiệu của Ban An ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định

Sáng nay, Năm Quang dự định đi gặp Bá Thành nhưng vừa mới đẩy chiếc Mobilette ra đường thì nghe tin có một nhóm sinh viên biểu tình tự phát ở Bến Thành. Anh vội lao xe ra đây ngay. Anh ra đây với mục đích ngăn cản những sinh viên Y - Nha - Dược tham gia vào cuộc biểu tình không định hướng này. Anh không muốn phong trào sinh viên Y - Nha - Dược phải lộ mặt thêm nữa. Trước kia, khi còn trực thuộc phong trào của Thành đoàn, anh không bao giờ bỏ qua dịp vui như thế này nhưng bây giờ anh đã có nhiệm vụ khác quan trọng hơn. Nếu ham vui tham gia biểu tình, anh sẽ làm hư mất những nhiệm vụ mới.

Anh chẳng có tý khái niệm nào về tình báo. Từ lúc nhận nhiệm vụ mới, anh lục tìm những sách, tài liệu liên quan đến nghiệp vụ tình báo đọc ngấu nghiến để rồi thất vọng khi nhận ra chẳng có sách, tài liệu nào phù hợp với tình hình hoạt động của anh. Những mớ sách, tài liệu đó chỉ giới thiệu những thiết bị tối tân mà có nằm mơ anh cũng không thể hình dung nổi hoặc chỉ là những tiểu thuyết hư cấu, nhảm nhí, huyễn hoặc về những tay tình báo siêu hạng, bắn súng bằng hai tay, ném dao bằng miệng và lừa tình như điếm đực. Anh chẳng biết mình phải bắt đầu từ đâu. Thôi thì trước mắt cứ đi tìm người xây dựng mạng lưới. Nhưng tìm ai? Giữa chốn Sài Gòn bát nháo đủ hạng người này, ai là ta, ai là địch? Anh chới với trước nhiệm vụ khó khăn này. Khó khăn nhưng phải làm, không thể buông xuôi. Không ai bắt buộc anh phải làm nhưng tim anh thôi thúc phải làm.

- Bót Lê Văn Ken cháy rồi anh em ơi!

Hàng trăm giọng hò reo cùng vang lên lấn át tiếng ty huýt, tiếng súng ngắn và tiếng nổ của lựu đạn khói kéo Năm Quang trở về thực tại. Những chai bom xăng từ đám đông bay thẳng vào bót. Những vệt lửa nhỏ kết nối với nhau thành những ngọn lửa lớn. Cái bót cảnh sát bén lửa cháy nghi ngút. Đám cảnh sát bị bao vây giữa ngọn lửa và đám đông biểu tình chỉ còn cách bán từng tràng đạn lên trời cầu cứu.

Hai chiếc xe chữa lửa cùng cả ngàn lính tráng tay lăm lăm súng tiểu liên xuất hiện từ phía đầu đường nhưng không thể tiếp cận đám cháy vì bận đối phó với hàng ngàn người đứng cản đường, tay nắm tay thành hàng rào người, miệng hát gào.

Năm Quang thấy Hai Phương ôm máy ảnh lao qua hàng rào người ngồi thụp xuống lia ống kính. Một tay cảnh sát dã chiến nhào đến túm lấy Hai Phương lôi vào trong hàng rào. Nhóm sinh viên thấy vậy, lao đến ôm chặt lấy Hai Phương lôi ngược ra ngoài. Ba chiếc xe Jeep chở đầy lính dù mặc quân phục da beo vượt được hàng rào người xuất hiện sau lưng nhóm sinh viên bao vây bót Lê Văn Ken túa xuống dùng báng súng đánh không thương tiếc. Máu đổ ướt đỏ các vạt áo trắng. Hai Phương thoát được ra ngoài, vừa chạy vừa ngoái ngược máy ảnh chụp những cảnh tượng dã man đó. Hai gã lính dù xách súng lao theo Hai Phương. Như một con sóc, Hai Phương chạy vút về hướng chợ Bến Thành lẫn người vào các sạp hàng. Những người đi chợ đứng xem cuộc biểu tình đã không bàng quang nữa. Họ nắm chặt tay nhau ngăn cản hai gã lính dù đuổi theo Hai Phương, phẫn nộ hô:

- Các ông không được bắt ký giả. Không được đánh đập sinh viên! Các ông là đồ dã man!

Trước sự phẫn nộ của đám đông, hai gã lính ngơ ngác đứng lại rồi thụt lùi về phía đồng bọn. Năm Quang bám theo sát nút Hai Phương. Chạy tới Tao Đàn, Hai Phương dừng lại kiểm tra đồ nghề. Năm Quang chạy vừa đến thở hổn hển:

- Chạy chi mà dữ vậy?

- Ồ! Khánh Duy.

Năm Quang nói nhanh:

- Đi tìm chỗ uống cà phê đã.

Hai người bạn khoác vai nhau đi về hướng một quan bar vắng.

Cảnh tượng đó nằm trong tầm nhìn của gã mặt thịt ngồi sau tay lái một chiếc Citronzen màu xanh. Và chiếc Citronzen màu xanh lại nằm trong tầm quan sát của một thanh niên trẻ đang cởi chiếc Robel đậu cách đó không xa. Người thanh niên đó có mật danh là Ba Hoàng thuộc Đội Trinh sát Vũ trang của Ban an ninh T4.

Sau trận tổng tấn công Mậu Thân, Hai Phương bị đứt liên lạc với tổ chức vì người chỉ huy trực tiếp của anh mất tích. Bị mất liên lạc, anh trở nên mất phương hướng. Sự mất tích của người chỉ huy khiến Hai Phương nghĩ đến tình huống anh ấy bị địch bắt. Để an toàn, Hai Phương tạm lánh về quê mặc dù đã tốt nghiệp Văn khoa. Mãi đến sau này, qua thông tin của một người bạn cùng quê, cùng khóa đang làm ký giả tại Sài Gòn, Hai Phương mới biết người chỉ huy của anh đã hy sinh trong khi dẫn một tổ vũ trang tấn công vào đồn cảnh sát Phú Lâm. Trở lại Sài Gòn, Hai Phương hành nghề ký giả, hy vọng tìm gặp lại người của Mặt trận. Anh tin rằng mình không bị bỏ rơi giữa Sài Gòn. Cứ mỗi lần nghe tin ở đâu có biểu tình là anh vác máy chạy đến để tìm đồng chí cũ. Quả nhiên, sáng nay anh đã gặp may.

Cả hai chọn một góc quán tương đối kín. Sau khi gọi thức uống, Hai Phương nôn nóng hỏi:

- Khánh Duy vẫn... như cũ chứ?

Năm Quang rất vui khi gặp lại một đồng chí cũ nhưng bản năng an toàn đã kiềm chế anh xác nhận ngay. Giữa cái đất Sài Gòn vàng thau lẫn lộn này, con người có thể thay đổi quan niệm sống chỉ trong tích tắc. Đã lâu không gặp nhau, biết đâu Hai Phương đã bị miếng mồi tiền bạc của địch lôi kéo. Năm Quang cẩn thận trả lời:

- Ừ thì vẫn như cũ. Tao vẫn học Y.

- Không, tao hỏi cái vụ phong trào.

- Thì tao đã lập một đoàn cứu trợ gồm ba trường Y, Nha, Dược để cứu giúp các nạn nhân chiến tranh. Tao cứu luôn mấy anh Việt cộng bị thương còn kẹt lại trong thành. Nhân đạo mà. Phe bên nào tao cũng cứu.

Nhận ra thái độ e dè của bạn, Hai Phương buồn bã trút tâm can:

- Tao bị mất liên lạc với anh em (anh nhấn mạnh từ "anh em") sau trận ta đập vào mặt lũ mọi rợ năm Mậu Thân. Tao nói thẳng, nếu mày không còn là phe ta và đã về phe địch thì cứ đi báo cảnh sát bắt tao. Không cần oong đơ* gì ráo. Tao mong từng ngày gặp lại anh em đồng chí để tiếp tục hoạt động cống hiến cho cách mạng. Nếu mày vẫn còn hoạt động thì làm ơn báo cáo về trên, cho người bắt liên lạc với tao.

*oong đơ (un deux): một hai

Dứt lời, Hai Phương móc sổ tay, hý hoáy viết dòng địa chỉ của mình rối xé trang giấy đặt trước mặt Năm Quang. Hai Phương bực dọc bước lại quầy tính tiền rồi đi khỏi quán.


Năm Quang muốn lên tiếng gọi Hai Phương trở lại để ôm vào lòng nhưng anh kịp kiềm chế tình cảm của mình. Anh chưa học nghiệp vụ tình báo nhưng anh biết công tác của mình bây giờ không thể để tình cảm lấn át nguyên tắc bí mật. Anh xếp miếng giấy ghi địa chị của Hai Phương bỏ vào túi quần rồi cũng rời quán. Năm Quang hy vọng Cụm chấp nhận Hai Phương vào đầu mối của anh.

Năm Quang vừa ra khỏi quán cà phê, bất thần một chiếc taxi từ đâu phóng tới thắng lếch bánh sát bên người. Trên xe, hai gã đàn ông nhảy xuống đứng kẹp hai bên nách nhấc bổng anh lên đẩy dúi vào xe. Anh vùng vẫy há hốc mồm toan la lớn cầu cứu. Bỗng quai hàm anh đau nhói. Một cảm giác đau đớn giật mạnh toàn thân khiến anh ngất xỉu.

Gã mặt thịt đang ngồi trong chiếc Citroen đậu bên kia đường tức giận đập tay vào vô lăng ầm ầm. Gã móc ngay máy bộ đàm:

- Báo cáo. Hình như cụm Phượng Hoàng của quận Nhất phát hiện đom đóm và đã bắt. Xin cho chỉ thị gấp. Over!

- Cứ để tụi quận xử lý. Xem như ta kết thúc sồ sơ. Over!

Cách đó không xa, Ba Hoàng cũng chứng kiến toàn bộ cảnh bắt người của cảnh sát quận Nhất. Ba Hoàng chờ cho chiếc Citroen của gã mặt thịt phóng đi như điên, mới đủng đỉnh leo lên chiếc Robel khởi động máy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top