Tâm lý học : Tại sao chúng ta cần sự cô độc

Tại sao chúng ta cần sự cô độc?

“Cô đơn là dấu hiệu để bạn biết rằng bạn đang cần chính bản thân mình trong tuyệt vọng.” - Rupi kaur

“Loneliness is a sign you are in desperate need of yourself.” - Rupi Kaur

Bạn đã bao giờ nghĩ về sự cô đơn với một ý nghĩa khác với sự tiêu cực vốn có của nó chưa ? Người ta thường cho rằng sự đơn độc đồng nghĩa với việc tự cô lập, không thân thiện và mất kết nối với cộng đồng.

Vì những nhãn dán tiêu cực mà người ta gắn lên cho sự đơn độc, cảm giác này đã bị vặn vẹo thành một mặt cảm xúc mà không phải ai cũng muốn trải nghiệm trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nỗi cô đơn cũng có những mặt tích cực của nó. Không cần thiết một người có thích giao lưu xã hội hay hướng ngoại đến thế nào, họ cũng sẽ phải trải qua những cảm giác cô đơn cùng cực trong cuộc sống. Bởi vì sự cô độc là một phần cần thiết của đời người.

Các nghiên cứu cho thấy khả năng chịu đựng khoảnh khoắc cô độc một mình có liên quan mật thiết đến việc tăng chỉ số hạnh phúc, giúp người đó hài lòng hơn với cuộc sống và cải thiện khả năng chống chọi với căng thẳng trong cuộc sống. Những người tận hưởng được sự thoải mái khi ở một mình sẽ ít mắc trầm cảm hơn những người khác.

Cô đơn đôi khi không có nghĩa là cô độc. Có những người thích trải nghiệm sự cô đơn, họ tìm thấy những niềm vui nhỏ trong cuộc sống qua những khoảnh khoắc được một mình chơi đùa với cảm xúc và suy nghĩ của bản thân (Martin, 2016). Hơn nữa, có những người nghệ sĩ hay những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thậm chí còn bày tỏ rằng việc cô đơn một mình giúp họ sáng tạo hơn và nhờ vậy mà có nhiều tác phẩm xuất chúng hơn. Khi ở một mình, họ để tâm trí mình bay bổng và tưởng tượng cũng như được tận hưởng các cảm xúc khó hiểu xuất phát từ bên trong, kích thích sự sáng tạo cho riêng. Qua đó ta có thể thấy rằng mỗi một người sẽ thực sự cảm nhận về sự cô đơn khác nhau, có nhiều người dù chỉ quanh quẩn một mình với những sở thích nho nhỏ vẫn cảm thấy đủ đầy cảm xúc, tuy nhiên nhiều người khác dù đứng trong đám đông vẫn cảm thấy cô đơn.

Ở một mức độ khác của sự cô đơn, nó có thể khiến chúng ta cảm nhận được một luồng ý nghĩ và xúc cảm như bị tách ra khỏi cộng đồng, cảm thấy rằng bản thân mình không có ai đó để cùng chuyện trò, tâm sự.
Có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến chúng ta cô đơn, ví như thay đổi môi trường sống, rời xa gia đình, bạn bè và người ta yêu thương, hoặc như sự cô đơn cùng cực đến từ những dấu chấm hết trong một mối quan hệ hoặc khi chịu đựng nỗi đau vật lý. Cảm xúc xuất phát từ những thay đổi trong cuộc sống sẽ khiến ta ngột ngạt và đau khổ, nhưng sẽ có người vượt qua được và trở lại tận hưởng niềm vui hữu hạn trong vòng tuần hoàn sống. Nhưng không phải ai cũng có khả năng tự mình thoát ra khỏi sự cô đơn, khiến nó dần gặm nhấm và ăn mòn vào từng dòng suy nghĩ bên trong họ, giữ họ mãi quanh quẩn trong cuộc sống lẻ loi và bức bối.

Vậy, vì sao chúng ta lại cần sự cô độc trong cuộc sống?

Cô đơn giúp não của chúng ta có được sự cân bằng vốn có. Vì não bộ của con người phải hoạt động liên tục, thậm chí năng suất cao hơn trong các tình huống tiếp xúc xã hội. Vì vậy, Dr. Sherrie Bourgh
Carter giải thích rằng: “Liên tục hoạt động không ngừng nghỉ trong cuộc sống sẽ khiến não bộ không có thời gian nghỉ ngơi và “sạc pin”.

Đôi khi, việc ở một mình và không bị làm phiền hay xao nhãng khiến ta có cơ hội dọn dẹp lại suy nghĩ, tập trung và bồi dưỡng khả năg phân tích sáng suốt hơn. Trở nên cô đơn chính là cơ hội tốt để cả cơ thể lẫn trí óc được lấp đầy năng lượng.”
Hơn thế nữa, khi bạn ở cô độc cũng là thời điểm tốt nhất để bạn kết nối với bản ngã của chính mình.

Có nhiều người luôn bận rộn và xoay quanh bởi bộn bề cuộc sống, và mãi lang thang trong các mối quan hệ, đến mức khi họ dừng lại, một nỗi trống vắng bỗng dưng dâng đầy trong tâm hồn họ. Đến mức “nó” làm họ hoảng sợ, họ vùng vẫy cố thoát ra khỏi cảm giác trống vắng đó một cách bất lực.

Tuy nhiên, nếu họ tận dụng tốt sự “cô đơn trong khủng hoảng” đó bằng cách ngừng lại và phân tích về nó, họ có thể sẽ nhận ra bản thân mình đã quên mất điều gì trong lúc quá vội vã tồn tại.

Cô đơn thực ra chính là thời điểm tốt nhất để đi tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của đời người “mình là ai”, và “mình muốn gì?” Ví như: tại sao mình lại chỉ biết tìm kiếm sự có mặt của người khác trong cuộc sống? Điều gì ở bên trong khiến mình hoảng loạn, không dám đối diện? Liệu việc được hoà vào đám đông có thực sự là điều bản thân muốn, hay là một sự chạy trốn khỏi cảm giác lạc lõng trong chính ngôi nhà tâm hồn mình?. Có rất nhiều người sợ hãi phải đối diện với những mâu thuẫn bên trong mình đến mức hoảng loạn, đến mức họ thèm khát sự có mặt của người khác và quyết liệt tránh né chính mình. Họ không dám ở một mình vì họ sợ phải tranh luận với những tranh đấu đang diễn ra bên trong, họ không có dũng khí để đối diện với những lỗi lầm của chính mình, hoặc như, không dám nhìn lại những sự việc mà họ đã trải qua trong cuộc sống.
Đôi khi, sự cô đơn lại chính là phương pháp trị liệu tâm lý đúng đắn nhất cho những người mất đi kết nối với bản thân.

Hơn thế nữa, khi chúng ta ở một mình và không có ai khác bên cạnh, hoặc ở những tình huống cuộc sống khi bạn phải sống xa bạn bè và người thân. Người duy nhất mà bạn có thể dựa vào là chính mình.

Bỗng dưng bạn nhận ra bạn lại có thể làm nhiều việc mà bạn chưa từng nghĩ bạn làm được. Ví như bạn học được cách thay rèm cửa khi không có bố bên cạnh, hoặc sửa một chiếc sên xe đạp khi không có những người bạn dừng lại giúp sức. Khi bản thân bạn gặp khó khăn và không có ai sẵn sàng đưa tay giúp đỡ, hoặc người luôn yêu thương và bảo vệ bạn không thể có mặt để xoa dịu bạn, bạn sẽ học được cách tự vỗ về chính mình. Khi những người bạn luôn mang đến niềm vui và nụ cười cho bạn ở cách xa bạn trăm nghìn cây số, hoặc họ bận mãi miết với những bộn bề cuộc sống và những người bạn mới, sự cô đơn giúp bạn nhận ra rằng hoá ra có những thời điểm trong cuộc sống, bạn cũng có thể tự khiến mình nở nụ cười. Bạn có biết không, khi bạn có thể nở nụ cười với những điều vô thức nhất, cả cuộc sống xung quanh bạn đều sẽ bừng sáng.

Khi không còn những yếu tố bên ngoài nào giúp bạn thấy vui vẻ, sự cô đơn sẽ khiến bạn tự tìm niềm vui, qua đó bạn có thể tự mình khám phá những mặt khác của cuộc sống mà không cần đến bất cứ ai khác. Những khoảnh khoắc đơn độc hoá ra lại giúp bạn nhận ra rằng bạn rất yêu thích vẽ tranh, trồng hoa, sáng tác nhạc hoặc đơn giản là ngồi thơ thẩn bên ô cửa sổ ngắm trời mưa. Không có sự xao nhãng từ người khác, bạn lại vô tình cảm nhận nhịp thở của chính mình một cách nhẹ nhàng, sâu lắng; khiến cả cơ thể và ý nghĩ của bạn hoà lẫn với không gian và thời khắc thực tại. Liệu bạn có cảm nhận được điều này lúc bạn được vây quanh bởi người khác và các công việc hằng ngày hay không?

Sự cô đơn giúp bạn bao dung với con người, và quý trọng hơn thời gian được ở bên cạnh người khác.
Biết được những trống rỗng bên trong và kết nối với những vết thương của chính mình, bạn tự học được lòng trắc ẩn cho bản thân và người khác. Vì khi cô đơn, bạn học được cách suy nghĩ. Bạn học được cách phân tích vấn đề đa chiều thay vì đánh giá mọi sự việc theo hướng một chiều và đầy định kiến. Bạn sẽ bớt đi những trách móc, những hờn giận lên người khác, thay vào đó bạn sẽ nhìn nhận những người xung quanh mình với sự bao dung, bạn biết đặt chân mình chiếc giày của họ. Bạn biết được rằng có lẽ ai cũng phải mang theo những gánh nặng cảm xúc, ai cũng phải trải qua những cảm giác cô độc. Bạn thấu hiểu cho sự cô đơn của họ vì bạn biết rằng cảm giác đó không hề dễ dàng. Bạn thấu hiểu cho những vấn đề trong cuộc sống của họ vì bạn biết rằng cuộc sống của mỗi người đều là một cuộc chiến trường kì.

Trải qua sự cô đơn, bạn biết được giá trị của chính mình. Bạn biết được bạn xứng đáng với điều gì trong cuộc sống, và điều gì không phù hợp với bạn. Như đã nhắc đến ở trên, việc ở một mình giúp bạn biết tìm lấy cho mình những niềm vui riêng, qua đó không còn phụ thuộc vào người khác. Bạn sẽ không vì cảm thấy cô đơn mà chọn ở lại những người khiến bạn thấy tiêu cực, cũng giống như không ai đi uống thuốc độc chỉ vì thấy khát nước cả. Bạn sẽ không cố chạy theo những mối quan hệ độc hại chỉ vì bạn không có khả năng tự làm vui lòng chính mình.

Vậy thì, sự cô độc có đáng sợ không khi mà nó có thể giúp bạn cảm nhận được nhiều hơn bạn nghĩ? Và chỉ khi bạn được kết nối làm một với chính mình, bạn sẽ biết rằng không có điều gì có thể đánh bại lại sức sống mạnh mẽ của bạn nữa. Vì cho dù cả bầu trời có sụp đổ, bạn vẫn có thể một mình chống đỡ, và còn chống đỡ trong bình an và hạnh phúc.

Nguồn :

Rokach, A. (2004). Loneliness Then and Now: Reflections on Social and Emotional Alienation in Everyday Life. Current Psychology, Vol. 23, No.1, pp.24-40
Trích sách “Thấu hiểu để trưởng thành”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #buồn#hài