Chương 30

Cáo trạng rất nguy hiểm, mách lẻo đáng ăn đòn.

Sau khi tan học, Triệu Ứng Lân hầm hầm mặt mũi chặn cậu kéo vào một góc nhỏ không người, tâm lý bị phản bội vừa căm phẫn vừa đau đớn, nắm chặt vạt áo Thôi Tiếp nghiến răng nghiến lợi nói: "Sao cậu có thể làm như thế được hả! Tôi có lòng mời cậu đi chơi hội mà cậu lại dám tố cáo với ông bà sau lưng tôi, tôi... thế mà tôi vẫn coi cậu là người tốt cơ đấy! Cậu! Cậu..."

Thôi Tiếp tuy bị cậu ta xốc lên quần áo, nắm đắm thì đang dứ ở cổ nhưng vẫn giữ được dáng vẻ đường hoàng của người có học, hỏi vặn lại: "Triệu thế huynh ngày hôm nay luyện được bao nhiêu trang chữ? Học thuộc được bao nhiêu bài? Làm được bao nhiêu đề văn, bao nhiêu đề thơ nộp cho Lâm tiên sinh thế?"

Triệu Ứng Lân đang xốc áo cậu ý muốn đánh người, nghe lời cậu hỏi giống như bị một xô nước đá tạt tỉnh, nắm đấm nhỏ vẫn quơ quơ trong không khí lại bực mình thu tay, hận thù bảo: "Ngày hôm qua tôi bị ông bà cha mẹ thi nhau giáo huấn, lại còn nói sẽ viết thư cho đại ca để huynh ấy trị tôi nữa! Tôi có lòng tốt mời cậu đi chơi vậy mà cậu lại đối xử với tôi thế nào hả!"

Thôi Tiếp bình tĩnh chờ cậu ta nói hết mới nhấc tay cậy nắm đấm đang xốc áo mình xuống giữ chặt.

Cậu nhìn Triệu Ứng Lân khẩn khoản rãi bày: "Triệu huynh đừng tức giận vội, tôi làm thế là có lý do cả, Triệu huynh có rảnh đến nhà tôi ngồi nói chuyện chút không?"

Triệu Ứng Lân quay đầu đi, lạnh lùng hừ một tiếng. Thôi Tiếp chỉnh trang lại vạt áo, nói một câu "Mời" rồi dẫn người ra khỏi lớp học.

Ngoài cửa đã có mấy người hầu nhà họ Triệu đang đứng đợi sẵn, thấy bọn họ bước ra vội cười bảo: "Chào Thôi công tử, lão gia bảo chúng tôi đến đón Nhị thiếu gia về nhà, đồ đạc của công tử cứ để tôi xách hộ cho, Phụng Nghiễn còn nhỏ tuổi chứ mấy người tôi bê không tốn sức chút nào đâu."

Thôi Tiếp nói câu cảm ơn là giao túi sách cho họ, bảo Phụng Nghiễn chạy trước về chuẩn bị trà bánh, lại bàn với họ rằng: "Ta còn có một số bài học không hiểu muốn nhờ Triệu thế huynh giúp đỡ, mong hai vị đại ca đây về nhà giúp ta báo lại với ông bà và hai bác bên nhà với, để cho cậu ấy đến nhà ta ngồi chơi chút rồi cùng nhau ôn bài."

Một anh hầu nghe thế hơi khó xử: "Mấy hôm nay các cụ trong nhà dặn bọn tôi phải trông chừng kĩ Nhị thiếu, không cho ngài ấy ra ngoài..."

Triệu Khuê quạt tay sau gáy anh ta mắng: "Thôi công tử là người ngoài à? Thôi gia chẳng lẽ còn không biết giữ phép tắc như nhà ta ư!" Mắng tên kia xong anh ta quay lại cười với Thôi Tiếp bảo: "Công tử yên tâm đưa Nhị Thiếu sang chơi đi ạ, tôi sẽ về nhà bẩm rõ chuyện với các cụ, các cụ ở nhà chắc chắn vui mừng chẳng hết ấy chứ, sẽ không trách phạt Nhị thiếu lêu lổng chơi bời đâu ạ."

Triệu Ứng Lân bĩu môi lắc qua lắc lại đi theo cậu, mắt sắc lẻm trừng Thôi Tiếp và đám người hầu không biết là người nhà ai nữa, ôm một bụng bực mình đi theo.

Cậu ta thẳng lưng ưỡn ngực tiến vào cửa nhà họ Thôi, Triệu Khuê lẽo đẽo theo sau giúp họ xách cặp.

Trong sân chính có hai đứa bé tóc để trái đào đang chơi đuổi bắt, đôi trai gái này là con của một người thợ in họ Hoàng, Thôi Tiếp đứng tại cổng tròn chờ đám trẻ chạy qua mới kéo cổ tay Triệu Ứng Lân đi vào nói: "Triệu thế huynh, đến phòng sách của tôi này."

Phòng sách của cậu nằm ở bên hiên trái gần phòng ngủ chính, là căn phòng đầu tiên vú Trương dọn dẹp cho cậu, cửa ra vào mở bên tường tây phòng ngủ nên có thể đến thẳng phòng luôn. Sau này có thêm hai nhà thợ việc nữa đến ở phải làm thêm đồ đạc Thôi Tiếp cũng nhờ người ta làm giúp luôn một giá sách áp tường, một cái ghế sa lông đệm mềm giống phong cách hiện đại, có thể nằm ườn trên đó đọc sách nghỉ ngơi.

Triệu Ứng Lân chưa thấy căn phòng nào được bày biện như thế, vừa vào cửa đã áp mặt ngay một bức tường sách, bị chấn đến điếng người luôn.

Nhưng mà cậu ta đang hờn dỗi Thôi Tiếp nên không muốn khen ngợi gì sất, vừa lấy lại tinh thần đã nâng cằm hếch miệng tỏ vẻ coi thường, xoi mói chê bai: "Giá sách nhà cậu chao ôi nó xấu. Đã không dùng gỗ xịn thì chớ, lại chỉ quét một lớp sơn còn không biết đường chạm trổ hoa văn, giá sách cũng không biết chia ngăn chia tủ nữa chứ... Làm gì có ai đặt giường cạnh bàn học thế này!

"Cái giường La Hán này cậu bị người ta làm dối cắt xém nguyên liệu rồi, vừa chật vừa hẹp, nằm cũng không thẳng nổi lưng, giá giường còn bị nghiêng về phía sau mà cũng nhận hàng cho được? Gối và đệm thì vừa thô vừa dày. Vải bọc thì xấu hoắc, đệm trải giường nhà tôi đều dùng nhung lụa đấy nhé, trên gối còn thêu hoa cỏ, cả cái giường này của nhà cậu đến nửa hình thêu đều không có là sao..."

Cậu ta cố ý moi móc, thấy cái gì cũng chê, cái gì cũng ghét, giống như cái phòng này của Thôi Tiếp không nên cho người ở vậy. Đợi đến lúc liếc từ giá sách ra chỗ khác mới thấy bảng thời gian biểu gắn trên tường trắng đối diện bỗng thấy nghẹn cổ, không thốt nổi lời——

Trên bức tường trống đối diện gắn lên một tấm bảng gỗ phẳng dùng đinh cố định, trên đó treo những tấm gỗ có thể thay thế giống như bảng chấm điểm thi đấu ấy, còn có một dòng chữ lớn: Cách kì thi Huyện năm Giáp Thần còn 529 ngày.

Trên bảng nhỏ ba chữ số có thể lật qua lại, mỗi ngày giở một lần là có thể trừng mắt nhìn thấy kì thi đang đuổi sát sau mông, giết chạy đến tận ngày cuối cùng ấy... Chỉ mới tưởng tượng thôi mà đã cảm thấy dựng hết tóc gáy, đứng ngồi không yên.

Toàn thân căm tức của Triệu Ứng Lân bị mấy tấm bảng nhỏ này bạt đi phân nửa, cậu ta sợ hãi hỏi: "Sao cậu lại làm mấy thứ này treo tường thế!"

Thôi Tiếp lạnh nhạt nói: "Bởi vì tôi không được như Triệu huynh đã thi đậu Đồng Sinh nên còn phải thi một cuộc thi Huyện nữa. Thời gian thi Huyện chưa công bố tôi đành dùng thời gian của kì thi xuân để tính chắc cũng không lệch mấy ngày đâu, Triệu thế huynh phải thi đạo thí nên muộn hơn tôi hai tháng ôn bài nhưng mấy chục ngày thì chớp mắt là hết thôi!"

"Thế, thế cũng còn tận sáu trăm ngày lận..." Triệu Ứng Lân cứng người cãi lại, tự bắt bản thân không được nhìn lên tấm bảng kia nữa thì lại liếc thấy thời gian biểu của Thôi Tiếp.

Sáng chính mão (6h) dậy tập thể dục, giờ thìn (7h) đi học, ngoài học bài của tiên sinh thì phải thêm được trăm dòng "Tứ thư", mười bài "Thi", chép hai mươi trang chữ, làm mười hai mở bài đề bát cổ, đọc một chương "Thư", "Lễ", "Dịch", "Xuân Thu". Sau khi tan học phải đọc thêm mở bài của văn tập, học thuộc ba bài cổ văn, ăn cơm chiều xong nghỉ hai khắc (30') lại ôn tập vở chép ban ngày, học thuộc lòng sách, luyện vẽ... Đến canh hai (10h) thì lên giường đi ngủ.

Rõ ràng không phải cái loại thức đến canh năm ôn bài các kiểu nhưng sao nhìn thời gian biểu của cậu ta lại vẫn cảm thấy sợ run người cơ chứ?

Đúng lúc ấy Phụng Nghiễn gõ cửa bưng lên trà bánh và túi xách, nhắc bọn họ biết Triệu Khuê đã về nhà trước rồi. Triệu Ứng Lân nhờ cậu ta nói chuyện mới từ trong cơn hoảng loạn thi cử sát mông, từng giờ từng phút ôn bài ... tỉnh lại được.

Khí nóng của cậu ta đã bị đánh bay qua biển rồi, đành mở miệng cãi thêm mấy câu lấy thế: "Tôi chưa phải học thế bao giờ mà cũng thi đỗ Đồng Sinh đấy thôi! Mà nói đi cũng phải nói lại, cái thời gian biểu này cậu viết sai rồi, sao lại không xem "Luật", "Lệnh", không học cả "Tư trị thông giám" và "Lịch đại danh thần tấu nghị" nữa?"

Bởi vì "Tứ thư Ngũ kinh" là quan trọng nhất, nếu không thể làm hết đề bài kinh nghĩa trong ấy thì mấy thứ kia cũng chỉ là râu ria thôi, để sau cũng được.

Thôi Tiếp cười không bảo gì, mời cậu ta ngồi xuống uống trà ăn bánh.

Ruột đệm ghế cậu sai người đi mua lông gà lông vịt hết những ba đồng bạc mới làm nổi, vừa ngồi lên là như rơi vào bị bông, đã mềm lại xốp. Lưng ghế sô pha có độ cong rất tuyệt, lại lót thêm đệm lông ngỗng, không cũng nhắc như ghế gỗ thẳng lưng, ngồi hay nằm đều để cho người ta cảm giác thoải mái tự nhiên nhất.

Cái khoảnh khắc vừa chạm mông xuống ghế ấy, Triệu Ứng Lân đã cảm thấy thật hổ thẹn với đồng chí sô pha, đáng nhẽ ra vừa này không nên vì bề ngoài vừa thô vừa hẹp lại không bọc tơ lụa mà mắng chửi nó. Ngồi ghế sô pha Thôi gia, uống nước trà Thôi gia, đối diện với Thôi... Thế huynh, cơn giận của cậu ta không sao bùng cháy nổi, chỉ hừ hừ vài tiếng lại cúi đầu.

Thôi Tiếp bình tĩnh hỏi: "Triệu thế huynh vẫn còn giận tôi?"

Triệu Ứng Lân cắn môi tức giận nói: "Chính cậu cũng đi chơi mà, sao sau lưng lại phản bội tôi? Sớm biết cậu là cái loại chuyên mách lẻo với ông bà người khác thì tôi, tôi đã không giúp mọi người mời cậu đi rồi!"

Thôi Tiếp nghiêm nghị nói: "Tôi có đi được hay không với chuyện thế huynh không thể đi là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tôi là con trai quan lớn, nếu sau này không thể theo khoa cử thì còn có tập ấm của cha tôi ở kia, làm một chức quan nhỏ nhàn tản cũng xong; có thể kế thừa gia sản, làm thương nhân cũng được, còn có thể cưới một nhà vợ giàu có, chơi bời sung sướng sống hết một đời... Thế huynh thật muốn so sánh với tôi ư?"

Tôi sao không so được với cậu chứ! Cậu là con cái nhà quan thì tôi cũng là con phú thương làm giấy, chẳng phải cái loại thư sinh nghèo rớt mồng tơi!

Trong ngực Triệu Ứng Lân có một luồng khí nóng bốc lên, thật muốn cãi nhau ra ngô ra khoai với Thôi Tiếp, nhưng cậu đã canh trước cướp lời, trịnh trọng nói: "Triệu Đại thế huynh đi học trên phủ thành, chẳng mấy khi về được nhà, chỉ còn mình cậu có thể hầu hạ gia trưởng, hi vọng của cả nhà họ Triệu đều gửi gắm lên cậu! Tổ phụ, tổ mẫu ngóng trông cậu đọc sách thành tài, gánh đỡ gia nghiệp; cha mẹ cậu lại mong con trai có thể vinh quy bái tổ, đền ơn sinh thành—— "

Triệu Ứng Lân ngẩn ra, nhỏ giọng cãi cố theo bản năng: "Vẫn còn anh tôi..."

Thôi Tiếp liếc nhìn cậu ta, gằn giọng nói: "Chính là bởi còn có anh của cậu nên cậu càng phải cố gắng mà học hành cho tốt vào. Đại ca cậu từ nhỏ dạy cậu đọc sách, mong cậu thành tài, sau này huynh ấy thi đậu làm quan ở trong triều cần người giúp đỡ, không phải chính cậu nên báo đền huynh trưởng sao? Cậu còn không mau thi đỗ vào giúp chẳng lẽ cứ bỏ mặc anh mình một người nguy hiểm ở triều đường à?"

Triệu Ứng Lân há to miệng lại không biết cãi lại thế nào. Thôi Tiếp cũng không cho cậu ta thời gian suy nghĩ gì, giải quyết nhanh gọn lẹ: "Cậu là người cả nhà hi vọng, gánh trách nhiệm như núi trên lưng, sao lại để một buổi hội thơ làm đau lòng gia trưởng? Được rồi, chỗ tôi có sưu tập một số đề văn của các châu huyện quanh phủ Thuận Thiên, cậu cầm về học hành cho tốt. Hội thơ có làm thơ hay đến đâu thì thi huyện cũng chẳng dùng đến, sao bằng được văn chương có đất dụng võ chứ."

Cậu lấy mấy quyển mình đã học hết bọc lại bằng giấy dầu, còn dặn dò Phụng Nghiễn xuống nhà bếp lấy thêm chút hoa quả điểm tâm rồi đích thân đưa Triệu Ứng Lân về nhà, ở lại tiếp chuyện với gia trưởng nhà họ Triệu một lúc.

Triệu viên ngoại thực hận không thể cướp người ta làm cháu nội mình, vứt thằng khỉ nhỏ không lúc nào làm người nhà yên lòng trả cho Thôi gia. Thôi Tiếp mỉm cười an ủi bọn họ: "Kỳ thực Ứng Lân huynh cũng không thích mấy chuyện xã giao đó, chẳng qua chỉ ham không khí văn nhân, muốn đến nghe các bậc tiền bối bàn luận thơ từ ca phú ấy thôi ạ. Sau khi về cháu sẽ chép lại thơ từ văn trong buổi hội cho huynh ấy, chắc chắn huynh ấy sẽ vui vẻ lại ngay thôi ạ."

Triệu đại bá nói: "Được, được, sau đấy cháu mang thơ qua đây..."

Ủa? Nhóc đi mách lẻo không cho người ta đến mà bản thân lại vui vẻ đi chơi là sao?!

Thôi Tiếp vô cùng tự nhiên bảo: "Cháu và các đồng môn còn chưa quen thân lắm, khó có dịp này họ mời cháu đi chơi, mà cháu lại vô duyên vô cớ từ chối thì sợ rằng họ lại nghĩ cháu kiêu ngạo, tùy ý, sau này không ai muốn làm bạn với cháu nữa."

Thì ra là thế. Triệu viên ngoại gật đầu liên tục: "Nói như thế đúng lắm, người đọc sách nên đi nhiều hội thơ hội văn giao lưu. Chẳng qua thằng bé Ứng Lân này nhà ta không yên tâm được chứ không cũng cho nó sớm va chạm xã hội rồi."

Triệu Ứng Lân tức giận đến tím mặt tím mày, Thôi Tiếp cậu ấy nóng phát bệnh cũng đành quay ra nói tốt với ông nội người ta: "Ông ơi, Ứng Lân huynh là người có trách nhiệm đương nhiên sẽ biết chuyện nào nặng chuyện nào nhẹ, sẽ không để điều xấu bên ngoài ảnh hưởng đến tâm trí đâu ạ."

Chào tạm biết ông cháu nhà họ Triệu, vừa về đến nhà, Phụng Nghiễn đã lộ vẻ lo lắng hỏi cậu: "Đại thiếu gia thức sự muốn đến hội thơ đấy ạ? Trên người người còn vết thương chưa lành, tết Trùng Dương trên núi lạnh lắm, nhỡ vết thương nặng thêm nhiễm bệnh thì phải làm sao đây?"

Thực ra thuốc trị thương của Tạ Thiên Hộ và thái y đưa đã làm sẹo trên mông cậu mờ hẳn đi rồi, vết trên vai cũng chỉ còn hơi hồng chút, lúc trước thì có hơi ngứa nhưng bây giờ thì không còn tí cảm giác nào luôn.

Thôi Tiếp xoa xoa vết thương dưới lớp áo cười nói: "Vết thương trên người ta đã khỏi hẳn rồi, cha con ngươi lo lắng quá đấy, không đây này ngươi sờ thử xem!"

Phủng Nghiễn lắc đầu: "Tôi xem thì có ích gì, cũng chẳng phải thái y. Thôi để tôi nhờ Hoàng đại tẩu làm thêm cho ngài cái áo bông lót trong, thà mặc nóng chút còn hơn lại để cảm lạnh."

Thôi Tiếp cười hì hì nhìn theo cậu nhóc chạy vào sân, bản thân thì vòng đến phòng làm việc chung, tính hỏi xem khắc bản còn cần bao nhiêu thời gian nữa, liệu có lỡ hội thơ không.

Thợ khắc nghe hỏi đều phì cười: "Bọn tôi làm nhanh thì bốn năm ngày mới được một trang, sách Phụng Nghiễn chép chúng tôi đếm rồi, tầm trăm trang, riêng khắc chữ cũng tốn ba tháng ròng. Nếu còn tính in tranh màu thì cũng phải khắc thêm mấy trang lồng vào nữa. Bây giờ đã là cuối tháng tám nhuận thì làm sao in kịp Tết Trùng Cửu đây ạ, đến tháng mười một in xong cũng là sớm rồi đấy."

Thôi Tiếp cũng tính được là không in kịp sách, chỉ đành in lấy trang tranh màu, khắc thêm vài dòng thơ tinh túy thì chắc cũng đúng dịp đấy nhỉ. Mấy hôm nay cậu cấp tốc luyện thêm đường nét, đầu tháng chín thử phỏng một tấm tranh mẫu xem sao. Nếu thực không ấn kịp sách thì in tạm vài bức tranh mĩ nhân đến hội thơ chào hàng trước vậy.

Cậu lại quan tâm thêm mấy vấn đề kĩ thuật, còn về phương pháp lăn màu tạo sắc quá thô không chân thật thì cậu nêu ý tưởng—— nếu muốn in màu nhẹ nhàng mềm mại thì dùng ngón tay miết nhẹ giấy in; còn nếu muốn in màu đậm một chút, thực một chút thì dùng ngón cái ấn thật mạnh, màu sắc sẽ sống động hơn chỉ dùng con lăn nhiều.

Thực lòng cậu chỉ bực không thể chép cả quyển sách hóa cho đội thợ đọc, một công tử nhà quan chưa đụng đến in ấn bao giờ mà đòi hỏi phải có sách đẹp màu ngon là chuyện thường ở huyện; nhưng một kẻ chưa đụng đến in ấn bao giờ mà biết được quá nhiều kĩ thuật vượt thời đại đó chính là yêu quái nhá.

Vậy nên cậu chỉ tình cờ cho chút ý kiến, dẫn dắt đội thợ thủ công đột phá tư duy hạn chế, còn sau đó nhóm thợ này có càng nhiều sáng kiến độc đáo bù đắp vào các kĩ thuật còn thiếu, thậm chí nghiên cứu thành công kĩ thuật in ấn còn tốt hơn cả nghi chép ở thời hiện đại thì cậu cũng chỉ biết nhún vai thôi.

Đội thợ vừa nghe thấy ý kiến mới liền vội vàng lấy bản khắc, thuốc màu con lăn ra thử làm—— vẫn dùng bức tranh hoa mai kia. Lão Triệu Thạch - người lớn tuổi có kinh nghiệm phong phú nhất trong đám thợ đã tự tay bôi quét thuốc màu lên bản khắc, đặt giấy lên mặt trên, dùng ngón tay nhẹ miết màu cho đóa hoa mai rồi nhấc ra quan sát hiệu quả.

Bông hoa mai xinh xắn mềm mại được in ra, nở bung trên trang giấy giống như vừa được người họa sĩ tài ba vô danh vẽ lên vậy.

Triệu Thạch kích động đến đỏ mắt "A A" hét um lên : "Ông giời ơi, ta thực già quá rồi, biện pháp đơn giản vậy mà bao năm nay không hề nghĩ đến lại phải nhờ đến công tử nhắc nhở! May mà công tử là sao Văn khúc hạ phàm, trời sinh thông minh sáng dạ, học một biết mười, không chỉ biết dựa vào đám lão già cả đời làm thợ này mới là chậm trễ chuyện lớn nhường ấy!"

Thôi Tiếp cười cười, qua loa cho xong: "Mọi người đêm ngày chỉ biết khắc bản, mấy chuyện thay đổi loanh xoành xoạch như vậy làm sao nghiên cứu được. Ta chỉ là người ngoài nghề cũng chẳng biết chuyện có làm được không, chỉ là trong đầu có gì nói đấy mới có sáng ý hơn chút thôi."

Cậu thấy bên ngoài đã tối đen vội dặn dò: "Trời quá muộn về không tiện đâu, bây giờ cũng chưa vội khắc bản, mọi người ăn cơm xong thì về sớm chút đi."

Hết chương 30

Kì thực bạn thấy nhân sĩ xuyên không nào cũng sẽ có cái tài hùng biện, nói như muốn nhét cơm vào mồm người ta còn thằng bị nhét thì chỉ nhai thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top