Chương 28


Trong lớp chỉ có tổng cộng mười lăm học sinh, phần lớn các sĩ tử đang gấp rút chuẩn bị cho thi huyện còn thi Đồng Sinh thì khá ít, mọi người đều đến lớp từ sớm. Lâm tiên sinh vội vàng thu lại bài tập chấm ngay tại chỗ, những người đã được thu bài thì ngồi học thuộc lòng.

Khi Thôi Tiếp nhập học mới bắt đầu học "Thi" nên cũng coi như là nửa học trò chân truyền của Lâm tiên sinh, đã vậy trong nhà cũng coi như gia chủ, thái độ của Lâm tiên sinh với cậu càng thêm thân thiết, chờ ba học trò nhỏ tuổi ngâm xong "Tam tự kinh" là ông gọi cậu lên trả bài luôn.

Không biết tại sao mà mỗi lần cậu lên học thuộc hay trả lời câu hỏi thì ở dưới lại có vài người ngẩng đầu nhìn trộm, có kẻ còn ngồi rung đùi đắc ý cười đùa nhại theo giọng cậu. Nếu chẳng phải khi tan học mọi người đều đàng hoàng ra về, chỉ thỉnh thoảng đứng khoe khoang tài văn trước mặt chứ không thấy động tay động chân gì, thì Thôi Tiếp đã nghĩ rằng cậu sắp dính bạo lực học đường.

Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, mỗi ngày đung đưa trước mặt người ta khoe thành tích có phải rất là thèm đòn đúng không?

Ngày hôm qua Lâm tiên sinh đã dạy hết đoạn "Phương nam có cá gia", lúc Thôi Tiếp lên bảng trả bài lại như một thói quen liếc qua đám người kia. Bốn mắt chạm nhau, một thư sinh mười mấy tuổi hoảng sợ tránh đi giống như anh ta vừa gian lận thi cử bị tóm được vậy, cả cổ cả mặt đỏ bừng hết lên.

Chà chà, sức chiến đấu của đám thư sinh này oải vậy, đã có ý chí của đại ca trường học mà lại không có gan làm là sao.

Cậu lắc đầu trong lòng, đứng im đọc to: "Cá Gia sẵn ở phương nam, vậy ta hãy lấy cái nơm bắt vào. Chủ nhân có rượu dồi dào..."* Khi cậu học thuộc thường quen học cả nguyên văn và chú giải, trong Kinh Thi lời chú thích lại ngắn hơn rất nhiều với Tứ Thư khiến lúc đứng đọc thuộc lòng cậu có một cảm giác trôi chảy cực kì sung sướng.

Lâm tiên sinh cũng rất thích kiểu học thuộc này, ông lim dim ngồi nghe cậu đọc hết "Phương nam có cá gia" chuyển sang đoạn "Cây cung đỏ" mới gật đầu hài lòng cười bảo: "Con học sách luôn cẩn thận tỉ mỉ như thế ta không cần nhắc gì nhiều. Đoạn cần ôn lại con đã đọc hết rồi nên hôm nay ta sẽ chuyển qua dạy con bài mới nhé."

Thôi Tiếp vâng vâng dạ dạ quay lại chỗ, ngồi nhìn Lâm tiên sinh gọi từng người học sinh lên trả bài rồi ra đề cho từng người về chỗ viết văn. Những thư sinh này chỉ còn thiếu một chút thôi sẽ lên Tú tài rồi cũng không cần ông cầm tay dạy học nữa. Lâm tiên sinh nhanh chóng giải quyết từng người một mới gọi Thôi Tiếp lên dạy riêng.

Xuất phát từ lòng kính phục của người hiện đại với thể văn Bát cổ của thời Minh Thanh nên lúc nghe giảng Thôi Tiếp càng tập trung hơn bình thường, chỉ hận không thể lấy quyển vở chép hết lại để về còn ôn tập nhiều thêm.

Lâm tiên sinh cũng ngồi nghiêm chỉnh lại, giảng giải cho cậu: "Triều đình mở khoa cử lấy người tài thì viết chiếu chỉ, sắc lệnh, biểu tấu hay sách luận đều chỉ là những thứ ngoài rìa, cái quan trọng nhất vẫn là lấy "Tứ Thư Ngũ kinh" làm trung tâm nhất. Ta cũng sẽ không dạy con mấy thữ linh tinh kiểu "học để hiểu và phát huy ý chí của thánh nhân"—— chúng cố gắng học tập, đọc sách chính là vì làm quan, vì khoa cử!

"Ví như năm ngoái kì thi hội thiên hạ có cả thảy bốn ngàn tài tử đổ về kinh thành. Ngày mùng chín tháng hai thi hội, ngày mười năm thi điện, chỉ có mười mấy vị giám khảo chia làm năm khu mà muốn chấm hết toàn bộ bài làm của bốn ngàn người thì chấm bao lâu cho vừa chứ? Chẳng qua là chỉ liếc qua phần mở bài trên cùng thôi! Đoạn đầu đã viết không tốt thì sau có làm hay thế nào giám khảo cũng chẳng rảnh kiểm tra đâu."

Lúc ông nói chuyện tập trung cực kì, giọng như diễn giả lên bổng xuống trầm, ngân vang sâu lắng, hùng hồn như muốn đứng lên ghế diễn thuyết.

Đương nhiên là ông cũng không thể kéo ghế đứng lên thật. Không những thế mà còn phải cố gắng nhỏ giọng xuống, nhìn chăm chú học trò trịnh trọng bảo: "Trước tiên hôm nay ta sẽ giảng cho con phần mở bài. Mở bài tuy chỉ dùng ba bốn câu để khái quát vấn đề, nghe thì có vẻ dễ nhưng thực ra lại là vấn đề khó nhất. Thế nên mới có câu 'Trước khi mở bài văn chương từ mình, sau khi mở bài, mình dựa văn chương', dàn ý của con thâm sâu thế nào, tài học trong bụng nhiều ít ra sao, bút lực có cao đến đâu, chỉ cần dựa vào mấy câu mở bài là người ta rõ mồn một."

Thôi Tiếp gật đầu liên tục, đôi mắt mở lớn hơn ngày thường nhiều tỏ vẻ chăm chú lắng nghe như vừa học được điều gì tinh túy lắm, cả người giống như dính lên ghế luôn rồi.

Lâm tiên sinh rất chi hài lòng với thái độ của cậu, từ trên bàn cầm lên một quyển văn, lật vài tờ chỉ cho cậu xem bài "Chu công tư kiêm tam vương dĩ thỉ tứ sự" (ÔngChu Công nghĩ ngợi gồm thu cả ba đời vua, thi hành cả bốn công việc của các vua ấy) liếc nhìn cậu bảo rằng: "Đây là bài thi của Vương Hàn lâm Vương Tề Chi* người đậu giải nguyên khoa thi năm Ất Mùi, con đọc bài này một lần đi, đây là văn chương mô phạm cho tất cả những sĩ tử trong cả nước! Ta sẽ lấy bài này làm ví dụ để phân tích phương pháp mở bài cho con."

Thôi Tiếp đứng cạnh bàn cúi đầu đọc bài văn kia, thấy hai câu mở đầu có ghi rằng "Bậc Đại Hiền nếu có mong muốn bàn luận về chuyện noi theo các đấng Tiên Thánh  thì phải có cái tâm lo lắng, chăm chỉ, kính sợ, cố gắng vậy".

Cậu vô cùng tự giác bàn luận: "Tiêu đề bài văn này được lấy từ chương Ly Lâu Hạ của "Mạnh Tử". Ý nói Chu công muốn noi theo Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương và Võ Vương, ba đời thánh vương: Noi theo Hạ Vũ ghét bỏ rượu ngon làm lòng người hưởng lạc mà yêu quý lời khuyên can của các bậc trung thần; noi theo Thương Thang giỏi giữ đạo trung hòa (Trung Dung), chỉ cầu người hiền là dùng lấy; noi theo Văn vương chăm lo đám con đỏ, đã có đạo làm vua còn khao khát học hỏi rèn rũa; noi theo Võ vương không đối xử tùy ý với đại thần thân cận mà xa lánh người ở xa. Trong phần mở bài nhắc đến 'Ưu, cần, thích, lệ' (lo lắng, chăm chỉ, kính sợ, cố gắng) chính là lời bình của Chu Tử dùng để khen ngợi Chu công chăm lo chính sự, có cái đức tuân theo thiện hạnh của các bậc tiên vương đời trước."

Lâm tiên sinh gật đầu tán đồng: "Tứ Thư học không tồi đâu. Con có biết vì sao trong tiêu đề thì nhắc tới Chu Công, Tam Vương nhưng mở bài lại dù đại hiền và tiên thánh để phiếm chỉ không?"

Đấy là... Bởi vì khi viết mở bài không nên lặp lại những từ đã có trong đề từ trước tránh nhàm hở?

Cậu có chút khó hiểu nên cũng không dám nói bừa. Mà Lâm tiên sinh cũng không cần cậu phải trả lời, tự ông xoa râu giảng bài rằng: "Trong mở bài không thể nhắc tên người được, như vậy ba đời thánh vương, Văn vương, Chu công, Lỗ Thánh đều phải xưng là 'Thánh', bầy tôi thì phải gọi là 'Hiền', chỉ duy nhất Mạnh tử vừa có thể coi là 'Á thánh' cũng vừa có thể gọi là 'Hiền'. Còn các loại cây cỏ chim muông khí cụ đều có thể phiếm xưng thành một chữ 'Vật', nói chung lúc viết mở đề thì cả người và vật không thể dùng tên riêng, nếu bắt buộc sử dụng thì cũng phải lấy biệt hiệu trong kinh thư."

Ừm... Không biết mở bài bây giờ có giống như lúc sáng tác văn ở hiện đại phải lấy ý từ đề bài không nhỉ? Thôi Tiếp không khỏi nghi ngờ: "Thưa, mở bài có phải làm rõ ý cho đề văn không ạ, giống như dùng lời của bản thân để giải thích lại ý chính?"

Lâm tiên sinh khẽ gật đầu nói "Ừ" một tiếng: "Đơn giản thì là như thế đấy, nêu ý trước rồi giải đề thì gọi là giải thuận, còn giải đề rồi tóm lại ý chính hay viết ý chính rồi giải đề rồi lại tóm gọn thì gọi là giải nghịch. Viết văn không phải chỉ cần nói rõ ý là ổn, con cần bắt được cái mấu chốt của vấn đề mới có thể chạm đến một chữ " Giải" này. Nếu đọc ý chính mà viết rõ ràng rành mạch đề tài thì ta quy thành Giải Minh (rõ ràng), còn đề tài mà lắt léo lấy dẫn chứng từ nhiều nơi khác nhau thì người ta gọi là Giải Ám (tối nghĩa). Xếp theo bài làm của Vương Hàn Lâm vừa bàn đã chỉ ngay ra chuyện Chu công noi theo tiên vương thực thi nền chính trị nhân từ thì ta sẽ đưa bài này vào Giải Minh."

"Còn một chuyện tối kị khi viết mở đầu là chuyện mở bài lấy lại nguyên câu ở tiêu đề để dùng—— Con đọc câu 'Chu công tư kiêm tam vương dĩ thỉ tứ sự': Ngươi vừa mới đọc đề tài liền biết ngay được dẫn từ "Mạnh tử", sau đấy viết dàn bài thế nào, dẫn chứng ra sao, đều phải từ câu này diễn giải ra, tuy vậy phần mở bài không thể lại nêu lại trực tiếp tên tiêu đề được.

"Ví như lúc con viết mở đề lại đi giải thích "tam vương" là ai, "dĩ thỉ tứ sự" có nghĩa thế nào thì sẽ bị đánh thành vi phạm tiêu đề, gọi làm lỗi liên kết; nếu câu sau con lại nhắc đến Chu công ngày đêm cần chính thi hành chính sách giúp nước thì tính lỗi phạm húy. Đến lúc con đi thi thì giám khảo và đồng khảo vừa mới nhìn thôi cũng vứt luôn, dù có hay ho thế nào cũng không rảnh đọc đâu, bài thi chỉ cần có lỗi là loại, nhìn ngay mở bài đã thấy phạm luật thì biết ngay câu văn của con cũng chẳng trau chuốt gì, bỏ qua cho đỡ tốn công luôn!"

Đúng vậy, học sinh tiểu học viết văn mà bài làm có lấy lại tiêu đề cũng không được cho điểm cao, kì thi hội có không đến mười phần trăm số người trúng tuyển thì thấy bài có lỗi là cậu cũng bỏ luôn, còn bao nhiêu bài hay phải chấm kia kìa.

Thôi Tiếp thấy ông vẫn đang thao thao bất tuyệt có rất nhiều chuyện cần bàn, đành xin thầy thứ lỗi mà cầm vở viết lên, chấm mực trong nghiên của ông bắt đầu ghi chép.

Lâm tiên sinh rất khen ngợi tinh thần của cậu, cầm lấy quyển tập văn Bát Cổ đưa ra trước mắt cậu, chỉ lại phần mở bài tiếp tục giảng: "Còn có hai điều đại kỵ nữa, một là phần mở bài không thể nói hết toàn bộ nghĩa của tiêu đề. Bị gọi là đề thiếu; thứ hai là dù có nêu được hết ý tiêu đề mà nội dung cứng nhắc, không hòa hợp thì gọi là đề xấu. Nếu lỡ phạm phải một trong hai lỗi này thì cả bài con đều dính lỗi kết cấu, dù tài học uyên thâm đến đâu thì vào phòng thi ai cần biết con thế nào, gặp bài sai sẽ vứt luôn không ngó lần hai."

Thôi Tiếp "Xoẹt xoẹt xoẹt" ghi lại vào vở, lúc viết chữ cũng không cần nhìn vào giấy mà vẫn tập trung vào tiên sinh, giống như làm vậy thì có thể nghe rõ ràng hơn chút.

Lâm tiên sinh nghiêng đầu ngâm nga đoạn mở bài của Vương Ngao, say mê nói: "Mở bài có ba cách giải, giải chữ, giải câu và giải ý, giải từng chữ là loại thô thiển, giải từng câu thì tạm chấp nhận, còn giải đề mà còn ẩn được ý chí thánh nhân mới là tuyệt nhất. Con mới chỉ là học trò văn chương không thể sánh bằng bậc tông sư như Vương Hàn lâm, nhưng lúc mở đề cũng phải chú ý được câu cú ngắn gọn súc tích, văn vẻ khí thế, trau truốt xuyên suốt cả đoạn văn. Nếu như dùng cách thay chữ tiêu đề rồi thêm thắt vài câu thành mở bài thì chỉ được coi là bài kém mà thôi."

Ông rung đùi đắc ý dõng dạc nói xong, đột nhiên cúi đầu hỏi Thôi Tiếp: "Ta nói thế có chút mơ hồ quá, con học thức còn ít nên chưa chắc hiểu thấu đáo ý ta, vậy ta cho con một số đề bài tương đối dễ con thử về nghĩ rồi làm xem, phải tự bản thân viết ra mới có thể lĩnh hội rõ ràng được."

Thôi Tiếp đã thấy cả núi bài tập khổng lồ đang vẫy gọi trước mắt, lòng cậu thầm thở dài, cúi đầu đáp: "Dạ."

Lâm tiên sinh nhìn cậu bảo: "Đầu tiên ta sẽ giảng phương pháp làm mở bài con phải ghi nhớ —— mở bài có thể viết hai câu, viết ba, bốn câu cũng được, nhưng vì cần phải ngắn gọn xúc tích nên viết hai câu là hợp nhất. Có thể câu trên dẫn ý, câu dưới mở bài hoặc câu trên mở bài câu dưới dẫn ý đều ổn cả. Nếu phải sử dụng những từ phiếm chỉ thì nên đẩy xuống câu dưới, câu trên không có từ phiếm chỉ người ta mới cảm thấy xúc tích được.

"Ví dụ lấy bài của vị thám hoa này làm mẫu con sẽ thấy ngài ấy dùng câu trên mở bài, câu dưới dẫn ý. Câu trên giải được cái tiêu đề của bài, còn câu dưới thì dẫn ý xuyên suốt toàn bài văn, dùng bốn chữ 'Ưu, cần, thích, lệ' mà khái quát ý cả toàn bài, lại không động đến một chữ nào trong tên tiêu đề cả, cực kỳ trôi chảy ngắn gọn. Đương nhiên là lúc con làm mở bài cũng có thể dùng cách câu trên dẫn ý, câu dưới mở bài. Nhưng nhắc mà nhớ phải cẩn thận hết sức vì nếu câu đầu tiên mở ý đã phạm kỵ tiêu đề thì cả bài phải chịu đánh đỏ bỏ đi thôi."

Thôi Tiếp vừa gật đầu vừa chép lại, bản PDF trong đầu cũng càng ngày càng dài xuống, quyết định sau này đi thi phải đọc lại những điều không được phép này một lần để tránh mắc lỗi bị trượt.

Lâm tiên sinh cảm thấy vấn đề này đã giảng khá chi tiết rồi, thấy cậu cũng dừng bút, ông bèn cầm lấy vở viết của cậu kiểm tra lỗi sai vừa nhìn vừa nói: "Nói vậy chứ thi Đồng Sinh chỉ là chuyện nhỏ, đề thi thường là mấy lời nói thánh nhân tùy ý lấy trong sách ra, nếu ta ra đề như thế có vẻ gò bó con quá. Đã làm thì nên làm ngay đề lớn mới có ý nghĩ sâu sắc, nuôi được cái khí phách văn chương. Ta sẽ lấy ngay đề trong quyển văn bát cổ này giao cho con làm bài, mỗi một đề con phải viết được cho ta ba đến năm mở bài..."

Đang nói chuyện hăng say bỗng ông dừng lại, khóe môi run rẩy, đặt quyển vở chép của Thôi Tiếp xuống bàn đổi sang một đề tài khác: "Ta lại giảng tiếp cho con phương pháp giải chính và giải phản, con cầm quyển văn này về dùng đề bài của ba người đỗ đầu làm thành mở bài, dùng bốn phương pháp, giải thuận, giải nghịch, giải chính, giải phản mỗi loại làm một lần sớm mai nộp cho ta."

Thôi Tiếp bị mười hai phần mở bài giật cho khét lẹt, không hề chú ý đến chuyện ông đã lỡ lời thêm hai phương pháp giải đề mới, cậu chỉ biết nín thở tập trung, chuyên chú nghe giảng.

Lâm tiên sinh cảm nhận được sự tôn kính của học trò nên càng yêu quý đứa bé có đức tôn sư trọng đạo này, càng nói càng hăng, nói hết còn chưa đã nghiền, ông thấy đáng nhẽ phải thêm vài loại đề bài nữa mới tốt. Nhưng lúc trước đã lỡ nói chỉ giải có ba đề thôi nên cho thêm vào cũng không ổn lắm, Lâm tiên sinh bèn trở lại thư phòng lấy ra một quyển chữ mẫu giao cho Thôi Tiếp bắt cậu mỗi ngày về nhà phải chép đủ hai mươi trang nộp lên.

Hết chương 28

Mấy thím đọc chương này chỉ là lướt vội nhưng tôi dịch thì chậm vê lù đấy nhé. Huhu. Rồi đến mấy chương đi thi thì có mà bung bét hết cả ra.

1. Bài thơ: Gia hữu cá gia- trích trong Kinh Thi

  南有嘉鱼,烝然罩罩。君子有酒,嘉宾式燕以乐  

Nam hữu gia ngư,
Chưng nhiên sán sán.
Quân tử hữu tửu,
Gia tân thức yến dĩ khán.

Bản dịch của Tạ Quang Phát:

Cá gia sẵn ở phương nam
Vậy ta hãy lấy cái nơm bắt vào
Chủ nhân có rượu dồi dào
Tiệc tùng khách tốt cùng nhau vui hoà

2. Vương Ngao (1450-1524 tự Tề Chi, người Ngô huyện, Bắc Trực Lệ, là trọng thần dưới thời các vua Chính Đức, Gia Tĩnh nhà Minh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top