Chương 20

Mộ địa nhà họ Thôi được xây trên núi cách trang trại không xa nhưng đường xá gập ghềnh đến đi đều không tiện. Mà bây giờ kẻ coi sóc vườn tược lại là người hầu theo cùng về nhà chồng của Từ phu nhân, Thôi Tiếp chẳng muốn quan hệ với họ bèn xin ở nhờ một hộ nhà nông sống gần khu mộ tổ, từ sáng đến tối chỉ ngồi đọc sách luyện chữ chờ thợ đá tạc xong bia, chọn ngày lành cải mộ cho Lưu phu nhân.

Sách cậu mang theo không nhiều lắm nhưng nếu thực phải học lại cũng rất tốn công: các quyển "Tam tự kinh" "Bách gia tính" "Thiên tự văn" và "Ấu học thi" đều hay dùng nhưng không sử dụng trong thi cử, chỉ cần xem một lần rồi lưu vào ổ cứng là được; mà sách "Đối loại" và "Vận thư" lại không thể qua loa. Bởi những quyển này chắc chắn phải dùng, có thể nhờ nó mà nghe ngay ra đối phương có dùng sai âm vần cách đối hoặc nhìn vào để tự học viết thơ phú văn chương.

Nếu không thể hiểu cặn kẽ cách đối từ và luật bằng trắc thì đến lúc viết văn làm thơ sẽ giống như người mới học sơ mà đã đi thi tiếng Anh, lúc đi thi còn mang theo "Từ điển tiếng Anh" và "ngữ pháp tiếng Anh toàn tập" vậy.—— dù cho có để bạn lật tra luôn tay thì cũng không viết được câu nào có nghĩa.

Học cách đối câu còn có hứng ghép vần sửa chữ chứ học thuộc sách vần chính là tự ngược đãi làm bản thân mệt óc.

Ngôn ngữ người phủ Thuận Thiên dùng để nói năng hàng ngày và lúc họ họ viết văn khác nhau một trời một vực, có những chữ vốn đồng âm thì lúc viết lại có các bộ rất khác nhau, nếu không học có thể phạm húy kị.

Những cuốn dạy âm luật, cách dùng từ cho người mới bắt đầu như "Lạp ông đối vận" hay "Thanh luật khải mông" thì tận triều Thanh mới có, hiện tại chưa thấy xuất hiện, bây giờ trong tay cậu chỉ có hai quyển sách kia làm tham khảo, không còn cách khác hơn là phải học thuộc lòng. Trước tiên là đọc những câu Hán Cổ khó hiểu, sau đó vừa cố nhớ lại vừa tra giải nghĩa, xem từ nào là tượng hình từ nào là tượng thanh, thông qua việc đối chiếu ép chữ vào đầu.

Thôi đành coi như học thêm một môn ngoại ngữ nữa, thông qua mẫu câu khó để học từ mới... Ít ra so với phải học loại tiếng mới hoàn toàn thì dễ hơn nhiều.

Thôi Tiếp ôm hai bộ sách này ngày đêm khổ học, cha con Thôi Nguyên sợ cậu mệt chết mất bèn lên núi mua lại mấy con thỏ, hươu, nai, gà rừng, bồ câu, hầm chung với các loại thuốc như hoàng tinh, sơn dược, cẩu kỷ để cậu bồi bổ thân thể.

Chính bản thân Thôi Tiếp cũng sợ ngồi lâu sẽ ảnh hưởng tới cột sống mà ăn đồ bổ quá nhiều lại không ngủ được, liền nhân ban đêm không ai để ý lén lút ở trong phòng luyện chống đẩy, gập bụng, thỉnh thoảng lấy ghế tập cử tạ.

Có một đêm Phụng Nghiễn dậy đi tiểu ngó qua cửa sổ thấy cậu đang nâng ghế qua đầu, sợ đến nỗi gọi thần gọi quỷ, quả quyết rằng cậu bị ma nhập, chỉ đứng như trời trồng bên ngoài không dám đi vào, nhỏ giọng hỏi: "Thiếu gia luyện gì thế ạ, chẳng ra dáng chút nào, nhà người ta lại cười vào mũi cho."

Tim Thôi Tiếp đập thình thịch, cậu thả ghế xuống, nghiêm mặt cố giữ bình tĩnh nói: "Ta đang luyện cơ một chút thôi, mấy hôm nay lực cổ tay yếu đi, chữ viết không đẹp như xưa nữa. Tập kiểu này không đẹp thì mai ta làm hai bao cát buộc ở tay luyện viết chữ to xem sao nhé."

Phụng Nghiễn lập tức phản đối: "Không đâu ạ, vài bản sao thánh chỉ ngài viết đẹp hơn ngày xưa bao nhiêu! Tôi nghĩ chắc là không phải do lực tay đâu mà do ngài dùng không đúng bảng chữ mẫu thôi —— thể chữ Nhan không dễ luyện, lúc về thành chúng ta mua bảng chữ mẫu thể cung đình của Dương học sĩ học xem, đảm bảo ngài sẽ thành một tay viết cừ khôi."

Còn về chuyện Thôi Tiếp muốn luyện cơ, Phụng Nghiễn về phòng kể lại cho cha cậu ta. Thôi Nguyên càng để tâm chuyện của cậu chủ mình, sáng sớm hôm sau thành thực nói chuyện với Thôi Tiếp: "Thiếu gia ngài đừng luyện lung tung như thế, nhỡ bị thương rồi còn ảnh hưởng đến học hành nữa. Rảnh tôi đi mua một cây cung nhỏ rồi đặt thêm bia ngắm trong sân, học bắn tên mới luyện lực cổ tay nhất, còn giúp luyện hít thở. Nhà chúng ta lại có ngựa đấy, để tôi tìm một vị tiên sinh dạy kĩ thuật cưỡi ngựa cho ngài, lúc rảnh rỗi ngài ra thành săn thỏ, gà rừng, rèn luyện thân thể rắn chắc như các vị Cẩm y vệ cũng được."

Ý kiến hay.

Cưỡi ngựa, bắn tên đẹp trai sáng láng hơn hít đất, gập bụng, chạy bộ quanh nhà nhiều.

Cậu lúc ấy quyết định lập tức đày ghế gỗ tập tạ vào lãnh cung, ngồi thơ thẩn dưới trăng đánh nhịp "Trời đất lâu bền rồi sẽ tận, trắng sáng gió qua như đêm nào".

Chớp mắt đã đến mười một tháng tám.

Thầy phong thủy đã chọn được ngày đẹp, rất thích hợp sửa chữa cải mộ, tốt cho việc động thổ, thợ đá cũng vừa khắc xong bia, tất cả chỉ chờ đến giờ là tiến hành.

Trước đó mấy hôm, Thôi Tiếp ngồi trước gương đồng vẽ một bức chân dung, vừa dùng bút lông nhỏ đi nét, lại dùng thêm phương pháp vẽ tranh của hiện đại vẽ chân dung hiện thực, hình trắng nền đen, khuôn mặt giống hệt Thôi Tiếp mười bốn tuổi trong gương, chỉ là vẽ càng có chút trẻ con, ngây thơ vô lo nghĩ.

Tranh này cậu giấu không cho cha con Thôi Nguyên nhìn thấy, kẹp trong một quyển "Tam tự kinh" cũ nát mà nguyên chủ học từ tấm bé. Sau khi đào xong mộ ra, cậu cất tất cả cùng một dây ngọc bội nguyên chủ luôn mang theo người vào một cái hộp đặt lên nắp quan tài. Sau đó tự mình đổ đất trộn nước, từng xẻng từng xẻng lấp kín lại những món đồ đó.

Lúc này các phu thợ và cha con Thôi Nguyên mới động xẻng, xúc đất lấp thành gò cao, rồi mới xây kín lại mộ phần.

Thôi Tiếp quỳ gối trước mộ, đổ xuống đất ba ly rượu, hóa thêm một lễ tiền vàng. Đầu ngón tay cậu chạm nhẹ lên dòng chữ "Con trai bất hiếu Thôi Tiếp khóc dựng", yên lặng chúc phúc cho đứa trẻ kia kiếp sau có thể sinh ra trong thời đại của cậu mà bình an trưởng thành.

Cũng hi vọng rằng tại một thế giới khác, có người đứng trước mộ cậu mà thật lòng thương tiếc.

Sau khi tế bái tổ tiên xong xuôi, ba người họ trở lại Thiên An.

Về đến nhà đã gần hoàng hôn mà trên đường lớn lại tắc hơn mọi ngày, xe ngựa đi rất chậm. Bọn họ cứ đinh ninh rằng trong huyện xảy ra chuyện lớn vậy mà lúc về đến gần nhà mình mới phát hiện, chuyện ảnh hưởng giao thông không phải do người khác mà chính là do nhà cậu—— đầu phố nhà họ Thôi có nhiều tốp công nhân đang bận bịu, có người đang xúc đất, có người đang khuôn đá, nền đất được san phẳng, dựng lên bốn cột gỗ cao, nhìn cấu tạo và hình dạng là muốn xây đền thờ kiểu tứ trụ ba gian.

Thôi Tiếp tuy không phải dạng người thích tự sướng nhưng cả phố này không có quả phụ thủ tiết thờ chồng, cũng không có anh hùng liệt sĩ, người có thể được dân xây đền thờ hình như cũng chỉ có một mình cậu thôi.

Thôi Tiếp nhảy xuống xe dặn Thôi Nguyên vòng xe vào cổng sau, còn cậu thì đi đến chỗ đốc công chắp tay hỏi: "Chào đại ca, sao phố nhà tôi lại dựng đền thế ạ?"

Vị tiểu lại kia nhìn thấy cậu cũng vội vã chắp tay: "Sao công tử giờ này mới về, tiểu nhân là Trương Hưng, ngài cứ gọi thẳng tên là được ạ. Huyện tôn còn muốn sửa luôn hộ phủ ngài mà ngài đi lâu quá, chúng tôi suýt nữa thì không vào được cửa!"

"Trương đại ca này... Huyện tôn đã ban thưởng cho tôi rồi sao còn phải lập đền thờ và sửa nhà vậy ạ?" Thôi Tiếp liếc mắt đã thấy cửa phủ mở toang, nhìn đoàn người qua lại xách đá bê gạch kinh ngạc đến cạn lời, im lặng đứng đó than thở cách làm việc thần tốc như hành quân của tri huyện đại nhân.

"Triều đình đã phát xuống thánh chỉ khen thưởng lại ban cho cả hoành phi thì bổn huyện cũng phải góp sức cấp tiền bạc xây đền thờ cho ngài, chẳng qua chuyện sửa phủ là do đại nhân thương tình, bỏ tiền túi sửa giúp ngài đấy..." Trương Hưng cũng liếc nhìn cổng phủ, than thở nói: "May mà nhà ngài phái người đến chứ nếu không thợ thuyền cũng không vào được lại phải chờ đến lúc ngài về."

Thôi gia vừa phái người đến? Lại tính gây sự nữa hả giời?

Không phải cậu nghĩ xấu cho người khác, nhưng từ lúc cậu xuyên đến giờ, chạm mặt người nhà nhiều đến vậy cũng chưa thấy một ai đối xử tử tế với nhóc Thôi Tiếp cả. Lần này lại đến ...

Người tới lần này là một bà vú lớn tuổi thấp gầy, khoác áo lụa trắng, mặc váy đỏ thêu kim tuyến trông rất đại gia. Bà mặt mũi vui mừng chạy từ trong nhà ra, chạy nhanh đến váy quét đất cũng không để ý, đến gần cậu mới đi chậm lại, vỗ quần áo, lấy khăn lau nước mắt, vừa khóc vừa cười nói với Thôi Tiếp: "Tiếp thiếu gia thật có tiền đồ, ông bà cha mẹ biết tin người được phong thưởng đều vui mừng thay người đấy!"

Vị này là... Ở nhà chưa gặp lần nào nhỉ!

Thôi Tiếp tự tay đỡ bà, thật lòng không giả nổi vẻ mặt vui buồn lẫn lộn có độ khó cao như thế, ậm ừ cho qua nói: "Vú đừng kích động, chuyện vui bậc này sao phải khóc nữa, bậc trưởng thượng trong nhà đều khỏe chứ? Bệnh tình ông nội thế nào rồi, bà còn tái phát bệnh nữa không? Cha mẹ vẫn như thường chứ ạ?"

Bà vú cười đáp: "Tốt tốt, sao mà không tốt cho được, người được triều đình khen ngợi, lão thái gia vui đến mức dựa đệm ngồi liền một khắc*. Lão phu nhân cũng vui mừng cực vội vàng dặn tôi sắp xếp chút đồ mang tới cho người, thiếu gia nhanh đi theo tôi, nhìn xem tấm lòng của bà nội ngài này!"

Lúc thì cười, lúc lại khóc không ngừng. Thôi Tiếp không thể làm gì khác hơn là dỗ bà vào phủ rồi hẵng khóc, sau lại vội vã tạm biệt Trương Hưng, cũng nhờ anh ta thay mình cảm ơn Thích huyện lệnh, bẩm với Huyện lệnh đại nhân rằng hôm nay đã muộn ngày mai sẽ tự mình lên nha nói lời cảm ơn.

Trương Nha lại buồn cười chắp tay nói: "Thôi công tử không cần đa lễ như thế, yên tâm về phủ đi ạ. Xem trong nhà chỗ nào muốn sửa lại hoặc đổi mới thì cứ nói với tôi nhé!"

Sau khi về đến nhà, Thôi Tiếp mới từ trong miệng Phụng Nghiễn biết bà vú này họ Trương, là người chuyên hầu hạ lão phu nhân. Nguyên chủ lúc ở kinh thành sống một mình một sân, bà cũng thường đến thăm nom, đưa ít thứ.

Xem ra việc nguyên chủ sống được tới từng này tuổi cũng là nhờ công phần lớn của vị vú già hầu cạnh lão phu nhân này.

Nhưng cậu không biết lúc nguyên chủ giao tiếp với và sẽ làm thế nào, chỉ có thể ôn hòa tươi cười, khuyên nhủ: "Vú đừng khóc nữa, về đến kinh nhớ khuyên nhủ ông bà đừng quá lo cho ta. Bây giờ ta đã là nghĩa dân được thánh thượng ngự khen, cũng hay được vời lên huyện nha, đã trở thành người lớn rồi."

Vú Trương lau sạch nước mắt, cười nói: "Ây ya, Tiếp thiếu gia nhà ta đã là người lớn rồi, có thể thành chủ gia lo việc rồi. Mới mấy ngày không gặp mà đã ra dáng người lớn đáo để, so với ngày xưa ở nhà thì tiến bộ thật nhiều. Lão thái gia và lão thái thái mang cho ngài ít đồ đấy, thấy ngài tự lập như thế thì hai vị trưởng thượng cũng có thể an lòng rồi."

Bà vội đẩy cha con Thôi Nguyên ra hành lang trông gác, tự mình mở hòng xiểng mời Thôi Tiếp xem.

Mấy chiếc hòm này không giống kiểu cậu hay dùng, nó được làm từ hồng mộc tốt nhất, họa tiết trạm trổ tinh vi. Bên trong rương có đựng gấm lụa đẹp đẽ trơn bóng, có để đồ chơi, lư hương, còn mang hết sách vở đồ dùng và cuộn tranh lúc ra kinh cậu không kịp cầm đi mang đến.

Không ngờ rằng nguyên chủ cũng biết vẽ, chắc là học với vị Lục Cử nhân từ hai năm trước, cậu ta mới chỉ họa được hình dáng hoa sen nhưng trình độ còn chưa được tốt.

Quả thực là niềm vui bất ngờ.

Đồ đạc vải vóc là trong nhà phân cho không thể bán lấy tiền lên muốn cất đâu cũng được,cậu không để ý lắm. Chuyện làm cậu phải cười toe toét là việc nhóc Thôi Tiếp cũng biết vẽ tranh—— Lâm tiên sinh chỉ là người đọc sách bình thường nên không biết những môn học phong nhã này, lúc đầu cậu còn không biết phải tìm cớ thế nào mới có cơ hội thể hiện tài năng hội họa của mình. Nếu nguyên chủ đã học qua rồi thì sau này có thể không cần phải nói dối cha con Thôi Nguyên nữa, quang minh chính đại thích làm gì thì làm.

Nếu sau này người nhà vị Cẩm y vệ kia đến tặng rượu thì cậu sẽ phỏng một bức "Trúc Thạch" của Trịnh Bản Kiều đề thêm đôi câu thơ: "Giảo định thanh sơn bất phóng tùng..."* để Tạ Thiên Hộ thấy rằng cậu không phải đứa mù chữ.

Hết chương 20

1.Một khắc: 15 phút

2.Trịnh Bản Kiều:郑板侨 là thư hoạ gia nổi tiếng đời Thanh, chữ viết và tranh vẽ của ông rất có cá tính, được người đời yêu thích

Dưới đây là bức họa "Trúc Thach"- "Đá Trúc" của ông

Trên bức họa đề bào thơ rằng

 "竹石"

咬定青山不放鬆

立根原在破巖中

千磨萬擊還堅勁

任爾東西南北風

Phiên âm:Trúc thạch

Giảo định thanh sơn bất phóng tùng,
Lập căn nguyên tại phá nham trung.
Thiên ma vạn kích hoàn kiên kính,
Nhậm nhĩ đông tây nam bắc phong.

Dịch nghĩa

Bám chặt núi xanh chẳng buông ra,
Gốc mọc vững bền nơi vách xa.
Va đập ngàn muôn vẫn cứng chắc,
Bốn bề gió cuộn mặc thổi qua.

(Bản dịch của thienthanh- thivien.net)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top