Chương 19
Đã bao năm nay Thích huyện lệnh không đọc lại sách "Tứ Thư", ông sợ dùng trí nhớ kiểm tra thì sẽ bỏ sót lỗi bèn gọi thư đồng bê sách đến, tiện tay lật môt trang đọc lên:"Đức Khổng Tử nói: 'Ngựa Ký không phải được đề cao do sức của nó, mà được đề cao do đức của nó.' "
Câu này lấy từ "Luận ngữ -Chương thứ mười bốn: Hiến Vấn" cách trang ông vừa đọc không xa, Thôi Tiếp không hề vấp váp đọc tiếp:"Ký là giống ngựa có khả năng chạy nghìn dặm (thiên lý mã), nhưng lại có đức tính thuần lương (thuần thục hiền lành)..."
Thích Thắng nhắc ngừng lại tiếp tục lật sách, tùy ý dừng lại ở một dòng, ông chỉ ngón tay vào nói:" 'Đã là con người, ai cũng nhận được ở Trời cái tính bản nhiên. Do đó, tính bản nhiên của mọi người gần giống như nhau, vốn tốt lành.' Lời bình này được trích từ đâu? "
Thôi Tiếp theo lời đáp: "Câu này là lời bình của ông Trình Tử, giải thích cho đoạn 'Đức Khổng Tử nói: Tính con người cùng gần gũi nhau, do thói quen hóa ra xa nhau', trích từ Luận Ngữ chương thứ mười bảy: Dương Hóa..."
"Tử Lộ hỏi về người hoàn toàn."
"Đức Khổng Tử nói: Ví bằng có sự khôn ngoan của Tang Vũ Trọng, có tính không ham muốn của Công Xước..."
"Quản Trọng làm tướng cho Hoàn Công —— "
"Quản Trọng làm tướng cho Hoàn Công lãnh đạo chư hầu. Một sửa thiên hạ cho chính, dân chũng đến nay còn chịu ơn. Nếu không có Quản Trọng... "
Thích huyện lệnh lật ào ào thêm mấy chục trang nữa, đột nhiên lớn giọng cắt ngang hỏi: "Vua Thuấn không thưa trình mà lấy vợ là tại sao?"
Câu hỏi này ông bỏ ngang "Luận Ngữ" nhảy luôn đến "Mạnh Tử". May mà hôm qua Thôi Tiếp mở sách ra đọc trước để ôn tập nên còn nhớ mang máng, vội vã liếc nhìn trang dưới, tìm phần nguyên văn đọc tiếp: "Mạnh tử đáp: "Thưa trình thì không lấy được vợ. Nam nữ thành gia thất, đó là mối luân lý lớn của con người..."
Thích huyện lệnh dùng cả chục vấn đề dồn dập đánh tới. Tinh thần Thôi Tiếp tập trung cao độ, nhìn chằm chằm từng trang sách không ngừng tìm kiếm, mò ra đọc được vài từ lại bị cắt ngang, phải không ngừng nỗ lực tìm lời đáp câu kế tiếp. Kiểm tra hết nửa ngày mà mỗi lần cậu đều phải liếc nhìn toàn bộ "tứ thư chương cú"—— còn phải như lúc đọc sách bình thường ngó qua là xem xong một tờ tìm được câu chữ trong lời huyện lệnh đang nói.
Nếu ở trong thực tế thì mắt con người sẽ không thể nhìn cũng lúc quá nhiều chữ viết nhưng nếu là trong đầu thì sẽ không bị vấn đề này hạn chế, đọc nhiều lần thậm chí là mấy chục lần đã giúp Thôi Tiếp có thể nhớ gần đủ quyển sách này.
Thích huyện lệnh lại không biết chuyện đó, ông càng hỏi thì càng gấp, càng đọc thì càng nhanh, hỏi hết từ "Luận Ngữ" "Mạnh Tử" , lại giở lại từ đầu lật về "Đại Học", nói: " 'Bồn tắm của vua Thang có bài văn để ghi nhớ rằng: 'Ví như mỗi ngày một mới, thì ngày ngày phải đổi mới, ngày lại ngày đổi mới', câu này giải thích thế nào?"
Thôi Tiếp nói "Tương truyền rằng, cái bồn tắm của ngài có khắc một bài văn...", đọc không sai một chữ. Lúc này Thích huyện lệnh cũng không ngắt hỏi nữa, để tùy cậu đọc toàn bộ bản "Đại Học" xuống hết câu "Người đọc sách không nên nhìn cái trước mắt mà cảm thấy hốt hoảng"."
Thích huyện lệnh khép sách lại, bảo cậu dừng lại không cần thiết phải đọc thêm nữa, nhìn hỏi: "Bao nhiêu năm qua ngươi chỉ đọc mỗi "Tứ Thư" thôi à? Phải bỏ bao nhiêu công sức mới học thuộc lòng lưu loát đến vậy được?"
Thôi Tiếp chậm rãi thở phào một hơi, cậu mở mắt ra, cung kính khiêm tốn nói: "Học sinh thuở nhỏ được tổ mẫu nuôi nấng nhưng ông bà sau đó lại bệnh nặng nên học sinh chỉ có thể tự học, khi nào rảnh cũng chỉ xem "Hiếu Kinh", hỏi tiên sinh trong phủ mấy câu "Tứ Thư". Nhưng nếu đại nhân muốn kiểm tra thì cứ tùy tiện lấy vài cuốn sách đến, chỉ cần học sinh đọc một lần là có thể nhớ rõ nội dung."
Thích huyện lệnh không thể tin nổi mà trợn mắt lên hỏi: "Ý ngươi là mình có khả năng đọc qua thì sẽ không quên được ư?"
Thôi Tiếp cúi đầu xuống, mỉm cười đáp: "Chỉ là cách học vẹt chữ, để vào đầu mà không suy nghĩ gì thôi ạ."
Thích Thắng nhìn chằm chằm cậu một lúc lâu mới gọi người hầu dặn bảo: "Mấy ngày trước ta có làm một bản "ghi chép việc trùng tu nho học của bổn huyện", người vào lấy đến đây!" Lát sau thư đồng lấy đến một bài văn, Thích Thắng mở xem không thấy gì sai sót mới tự tay giao cho cậu, nói: "Ta cho ngươi thời gian một nén hương để học thuộc nhé."
Thư đồng đốt thẻ hương mới, từng làn khói trắng lại phiêu lãng trong không gian. Thôi Tiếp nhận lấy bài văn nhìn kĩ càng, sau khi nhắm mắt chữ vẫn còn hiện trong đầu liền thầm thì đọc: "Dân huyện Thiên An vốn hiếu học, từ sau năm thứ hai niên hiệu Hồng Vũ, khi Thái Tổ ta đã lấy xong thiên hạ, huyện ta ứng theo chiếu cần học vua ban, xây trường lớp, mở thư viện...... Dựng xây sự học, dân chúng theo về."
Bản ghi chép này là do Thích huyện lệnh mới viết gần đây, ông viết để ý từng câu từng chữ, cũng sửa đi sửa lại mấy lần, thế nên mỗi chữ mỗi dòng ông đều ghi tạc trong lòng chứ không phải xem lại như sách Tứ Thư. Lúc này ông đang chăm chú nhìn vẻ mặt Thôi Tiếp tập trung đọc thuộc.
Trầm tĩnh thong dong, từng câu lưu loát, thật là nghe nhìn đều làm người ta vui mắt vui tai.
Nghe cậu đọc trôi chảy toàn bộ bài văn mà Thích huyện lệnh lại chẳng có chút vui vẻ nào, trên mặt lộ rõ sự thương tiếc, lòng than thở: Thiên phú như thế sao bây giờ mới đến được Thiên An ta! Nếu đến trước một năm, không, chỉ nửa năm thôi, đứa bé này sẽ có thể kịp dự thi huyện năm nay, ta nhất định chấm cho đứng nhất—— mười bốn tuổi đứng đầu thi huyện, mười bốn tuổi lấy đỗ Đồng Sinh thì cũng vẫn là thần đồng!
Đáng tiếc làm sao!
Buồn thay khoa thi năm nay đã kết thúc, năm sau là kì thi hương, không mở khoa lấy Đồng Sinh. Năm sau nữa Thôi Tiếp cũng đã mười sáu, mười bốn tuổi là vật quý còn mười sáu thì chả đáng đồng tiền.
Thích huyện lệnh thương cậu xót cả ruột, trong đầu đến cả việc lên Kinh vào Thôi phủ nắm cổ cha Thôi mắng mỏ tại sao lại làm lỡ dở một đứa trẻ thiên tài không cho nó được học lễ nghĩa thánh hiền như vậy, ông cũng nghỉ đến. Sau lại bình tĩnh xuống, nghĩ đến trước kia Thôi Tiếp không học hành đàng hoàng là bởi phải chăm sóc ông bà bệnh tật, trung hiếu đều là chuyện lớn nước nhà, không thể nói ai sai ai đúng...
Thôi thôi, chuyện học vấn sau này có thể bù lại vào còn chữ trung hiếu mới phải làm tròn ngay lúc. Nếu từ bé không có một lòng hiếu thảo dường ấy thì sau này làm sao được vua ban nghĩa sĩ trung quân được.
Ông thở dài nói: "Nếu ngươi đã ở lại huyện ta thì nên cố gắng học hành, đừng uổng phí thiên phú được trời cao ban cho ấy. Tiếc thay ta cũng chỉ là Giám Sinh, nếu như dạy ngươi thì càng làm ngươi tụt lại thôi, hai năm này nên tìm một thầy tốt học hết cơ bản, đợi đến kì thi năm sau ta sẽ nghĩ cách cho ngươi được vào phủ học, bên đó có nhiều thầy giỏi hơn."
Cái gì? Thôi Tiếp giật mình liếc mắt nhìn ông. Ý là nói năm sau cậu sẽ đỗ Tú Tài ấy hả? Đây là do Thích huyện lệnh quá tin tưởng vào thiên phú của cậu, hay là đang dự tính giúp cậu... trộm đề thi?
Thích huyện lệnh đang buồn thúi ruột nên không để ý đến vẻ mặt của Thôi Tiếp, suy nghĩ hồi lâu mới để ý cậu vẫn còn ở trong phòng, bèn cầm lại bản bút kí trên bàn nói rằng: "Trí nhớ tốt như vậy mà phải học thuộc bài văn của ta thì lãng phí quá. Trong phòng ta còn có một bộ " Lục tiên sinh văn tập" của Trâu Dương Tử, ngươi lấy về học tập cho kĩ, sau này phải viết văn bát cổ nên dùng nhiều dẫn chứng mới có sức thuyết phục."
Thôi Tiếp vội vàng đứng lên cảm ơn, lại nói ông một chuyện: "Học sinh được tặng hoành phi ngự ban nên muốn về quê tế tổ. Không biết vụ án kia của học sinh có gì trở ngại không ạ? bao lâu nữa con mới được ra khỏi huyện về thôn."
Vụ án gì? Ôi giời cả một đời thần đồng đều bị mất rồi còn quan tâm đến án nào nữa chứ aaa!!!
Thích huyện lệnh nhịn xuống lời than thở đang trực trào nơi cuống họng, bình thản nói: "Ngươi đã muốn thì cứ đi thôi, vụ án này bằng chứng như núi, trong phủ cũng chẳng còn ai có thể kháng cáo nữa. Phu xe kia cũng không có việc gì đâu, chờ hồ sơ ta gửi đến bộ Hình thì bọn họ còn phải điều tra thêm từ nhà ngươi nữa, bên ấy dễ lấy bằng chứng hơn."
Ông bảo thư đồng đi lấy một bộ "văn tập" cũ, để hết bạc thưởng, vải vóc và sách vở cất lên xe ngựa, làu bàu thả chủ tớ Thôi Tiếp về.
=====================================
Từ nha phủ trở về, Thôi Tiếp liền gọi phu xe mang thư báo về Thôi phủ còn mấy người bọn họ thì sắp xếp đồ dùng nhiều ngày, mang theo sách vở của nguyên chủ về thôn sửa mộ.
Thôi gia vốn là một phú gia giàu có, ở đời Vĩnh Lạc bị triều đình ép chuyển lên phương Bắc sinh sống, nguyên quán ở tại Tương Phàn nhưng bây giờ phân gia đã mấy đời rồi nên không còn qua lại với họ hàng ở quê cũ nữa. Lúc đầu trên đường bị quân đội kéo đi chục dặm, trong họ có người chết trên đường, có người bị chuyển tới làng khác, chuyển về đến huyện Thiên An sinh sống đến nay cũng chỉ có ông bà nội Thôi Tiếp mà thôi.
Gia tộc họ Thôi không vượng đường con cái, cũng có một số người chết trẻ, con gái chưa lấy chồng thì không được khắc bia mộ vậy nên có nhiều gò đất nhỏ lẻ loi vây quanh mấy khu mộ cao, có mấy ngôi đã bị mưa gió dập vùi mà thành đất phẳng, hương khói truyền lại đến giờ cũng chỉ còn lại một chi của Thôi Các.
Thôi Nguyên mua ba phần rượu lễ, đốt bó hương thơm, chia nhau đến cắm bên các mộ. Thôi Tiếp tự mình rót nước, cầm khăn lau từng mặt bia thật sạch sẽ, cũng nhân đó thu hết tên người trên bia vào ổ cứng.
Mộ của ông cố nội Thôi Tiếp được xây bề thế nhất, trên bia khắc to "Bia mộ Thôi đại nhân tên Giác", dưới góc trái có khắc "Đứa con hư Thôi Vân khóc dựng ". Áng chừng lúc lập mộ cha Thôi đã đỗ Cử nhân nên trên bia còn khắc một bài tế mộ do chính Thôi Các viết, ghi lại thành tựu đức hạnh và thê thiếp con cháu của vị tổ tiên.
Thôi Tiếp yên lặng ghi nhớ tên ông cố, ông nội sau đó đi quanh khu mộ một vòng mới tìm thấy một ngôi mộ nhỏ mọc đầy cỏ dại nằm cạnh mộ bà cụ cố (kị), trên mộ bia có khắc "Mộ vợ họ Lưu, chồng Thôi Các lập bia". Ngôi mộ này bé hơn các tòa mộ khác nhiều lắm, bia đã cũng đã nứt vỡ hết cả, có thể nhìn ra đã nhiều năm không có người chăm sóc sửa sang.
Cậu đứng trước mộ phần, lặng yên quỳ gối thay nguyên chủ, Thôi Nguyên nhẹ nhàng khuyên nhủ: "Lão gia nhà ta bận công chuyện nên không thường về tảo mộ, mấy kẻ hầu cũng không chăm sóc tốt..."
Bên cạnh nghĩa địa dựng một nhà quản trang nhỏ nhưng trong phòng trống trải cũng không thấy có người ở. Đến cả ngôi mộ tổ cũng không thường được dọn dẹp, trên bia bám đầy bụi, chắc là bởi chủ ở kinh thành không hay về viếng lên người hầu trộm lười biếng, chỉ có lúc người đến thăm mới dọn dẹp qua loa một hai ngôi.
Thôi Tiếp quỳ trước mộ nhỏ này, lấy ra thánh chỉ đọc to từng chữ, sau lại lấy giấy bút chép lại nhiều phần chia ra đốt ở mỗi mộ tổ một bản, giấy cháy cũng khấn báo với mọi người chuyện Thôi Tiếp chân chính đã bị cha ruột đánh chết, hi vọng rằng gia tộc họ Thôi ở dưới cửu tuyền —— nếu có cửu tuyền thật——hãy chăm non đứa trẻ này nhiều chút.
Tế cáo xong xuôi, cha con Thôi Nguyên đứng hai bên dìu cậu dậy khuyên nhủ: "Chúng ta về thôi ạ?"
Thôi Tiếp lắc đầu: "Khó có thời gian ta được về một chuyến lại nhìn thấy kẻ hầu làm việc chểnh mảng thế này, ta muốn tu sửa lại mộ mẫu thân rồi mới trở về."
Cậu là cháu trai trưởng, tu sửa mộ phần tổ tiên là chuyện phải làm.
Cạnh khu mộ không xa có một nhà chuyên làm bia, xây mộ. Thôi Nguyên mời họ đến bảo họ phỏng theo chữ khắc trên bia làm lại bia mới, Thôi Tiếp thì bàn bạc với những người còn lại phải xây sửa mộ phần ra sao.
Người chấm công nói: "Nếu muốn làm đơn giản thì đào đất đắp lên mộ cũng có thể giữ được một năm. Nhưng chỗ này gió to không dùng cách đó được, ngôi mộ này nhà ngài bị gió thổi mất mộ luôn rồi. Còn một cách là lấy cát trộn với vôi mới đốt, đợi khô rồi sẽ không sợ nắng mưa nữa; tốt nhất là dùng vôi tự nhiên mỗi tội hơi đắt, dùng đất vàng loại tốt và cát trộn với vôi đó, sau khi trộn còn phải đập sàng nhiều lần đến khi nó kết dính mới thôi."
Ông ta thấy quần áo trên người Thôi Tiếp tuy hơi bẩn nhưng vẫn lộ rõ chất vải tốt, nuốt nước bọt nói: "Vị tiểu công tử chắc sẽ không tiếc thêm chút tiền nhỏ ấy đâu ạ?"
Thôi Tiếp nhìn ngôi mộ nhỏ nhoi và bia mộ vỡ nát, lộ ra chút bi thương và nụ cười giễu cợt, lạnh lùng nói: "Không cần tiết kiệm, cứ dùng loại tốt nhất cho ta. mấy người mời thêm một thầy phong thủy đến xem ngày giờ tốt rồi hẵng động thổ, ta muốn tự mình đào xẻng đất đầu tiên, chờ lâu chút cũng không sao."
Xây mộ cho chính mình đương nhiên phải làm thật đẹp rồi.
Cậu không thể lập mộ mới cho nhóc Thôi Tiếp nên chỉ có thể nhân lúc sửa sang phần mộ mẹ đẻ của cậu ta mà lấy đồ đạc của nguyên chủ chôn theo, mong rằng mẹ con họ sau này có thể vui vẻ an lành sống với nhau.
Hết chương 19
Tác giả có lời muốn nói: Liên quan đến bài văn bia khuyến học nên tớ không dịch nhé.
Lời tớ muốn nói:
1. ....|≧△≦|
2. Lần đầu dịch ba tiếng được có hai trang còn tưởng phải khất đến mai luôn.
3. Phần lớn đoạn chữ in nghiêng được tớ cóp từ bản Tứ thư bình giảng của Nguyễn Minh Tuấn. Tớ đã dịch rồi nên sẽ không viết thêm phần chú thích nữa, ai có thắc mắc thì để lại tin nhắn nhé.
4. Nói thêm chuyện này, tớ thấy phần lớn mọi người dịch đều để nguyên phần Phiên âm Hán Việt nhưng theo tớ đọc giải trí nếu như vậy thì dễ ngắt mạch chuyện nên tớ để phần dịch luôn nhé. Đôi khi có một số phần là tác giả sửa lại từ một số tác phẩm nên tỡ sẽ dịch thoát nghĩa hoặc dịch theo ý hiểu của tớ, mong mọi người thông cảm* cúi đầu*
5. Yêu thương
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top