Chương 17

Thôi Tiếp mang theo người hầu và nhân chứng đi mãi không về,  vợ chồng Triệu viên ngoại ở nhà chờ sốt hết cả ruột, nhai cơm mà cứ như ăn sáp.

Cháu trai Triệu Ứng Lân của họ cũng không ăn nổi cơm, nghẹn ngào nghe ông bà khen không dứt miệng Thôi công tử tốt này tốt nọ, rồi còn quở trách cậu ta học hành nhiều năm mà chẳng hiểu việc đời, nhìn người ta bắt nạt tiểu công tử cũng không biết giúp đỡ, lại còn đứng cùng một đám thư sinh miệng bẩn nói xấu người khác.

Chính cậu cũng biết mình đã trách lầm người tốt nên lúc các trưởng bối răn dạy cũng không dám lầm bầm gì cả. Nhưng ăn xong một bữa cơm rồi mà Thôi Tiếp đi nha môn còn chưa về, ba người lớn tuổi trong nhà thay nhau mắng mỏ thì không thấy biểu hiện muốn dừng nghỉ, chỉ khổ cho cái tai của cậu nghe mắng đến đỏ cả lên.

Cuối cùng vẫn là ông cậu ta lo lắng rằng Thôi Tiếp đã xảy ra chuyện gì đó, mới tha cậu ta không mắng nữa, dặn dò: "Dù gì cháu cũng là Đồng sinh, trước mặt huyện lệnh đại nhân cũng có chút thể diện, cháu đi nha môn nói giúp đứa bé nhà họ Thôi kia, đừng để kẻ điêu nô đổi trắng thay đen, bắt nạt thằng bé."

Triệu Ứng Lân thấp giọng lẩm bẩm: "Cậu ta biết ăn nói như thế làm sao lại bị kẻ khác bắt nạt được. Người ta mới chuyển tới chưa được hai ngày, các vị đã quên luôn cháu mình mặt mũi thế nào rồi, vừa vào nhà mà chuyện tới chuyện lui lại chỉ nhắc mỗi tiểu công tử này nọ..."

Nói móc mấy câu liền lủi như thỏ ra cửa, chạy ba bước đã ra cổng chính, mò mẫm ra phố. Còn chưa đi đến đường chính đã thấy một nhóm quan sai mặc áo đen, mặt mũi hầm hừ lao thẳng đến Thôi gia. Theo sau là mấy nha lại, chẳng biết vác trên lưng thứ gì, không nói không rằng đã xông vào cửa nhà người ta.

Chuyện quái gì vậy, vừa lên nha môn đã bị soát nhà?

Chẳng lẽ kẻ hầu lấy ra được chứng cứ gì chứng minh mình không lấy trộm đồ, huyện Tôn lão gia muốn trừng trị Thôi Tiếp tội vu cáo nên sai người về nhà lúc soát tìm chứng cứ?

Triệu Ứng Lân sợ hết cả hồn, vội vã chỉnh lại quần áo và võng cân trên trán, nghênh đón hỏi một vị nha lại: "Thưa đại nhân, Triệu Ứng Lân tôi là Đồng sinh của bổn huyện, cũng là hàng xóm của nhà họ Thôi đây, không biết chủ nhân Thôi gia đã xảy ra chuyện gì mà các vị lại phải vào nhà cậu ấy?"

Không ngờ vị nha lại kia lại rất hòa khí, thấy cậu có vẻ thấp thỏm bất an, chủ động trả lời: "Thì ra là hàng xóm của Thôi công tử, chúng tôi phụng lệnh của đại nhân, đến nhà thay Thôi công tử vẩy nước quét sân. Triệu công tử cứ an tâm trở về không sao cả."

... Lẽ nào vị Thôi công tử kia có tài hoa kinh động trời đất, huyện lệnh vừa gặp đã mến tài, muốn thu làm đệ tử? Nếu không chỉ là nguyên chủ một vụ án, huyện lệnh cũng không săn sóc đến mức giúp cậu ta thu dọn nhà cửa đâu... nhỉ?

Triệu Ứng Lân khó hiểu ra mặt, thấy những vị nha lại đấy không muốn mở lời, chỉ đành quan về báo ông bà và mẹ. Trưởng bối nhà họ Triệu cũng không rõ chuyện, chỉ ngờ rằng có liên quan đến Cẩm y vệ, nhưng sâu hơn thì không đoán ra được.

Triệu viên ngoại vỗ đùi ban lệnh: "Mặc kệ là chuyện gì, mau mau phái người sang nhà thằng bé trông nom, đừng để mấy nha dịch đó làm hỏng đồ đạc, lấy trộm của cải!"

Không chỉ cả nhà bọn họ mà hàng xóm láng giềng hai bên cũng bị nhóm nha lại chạy đến chạy đi làm kinh sợ, người gan lớn phái kẻ dưới đến giúp đỡ, không thì cũng đứng từ xa dòm vào. Cả những học sinh ở trường Lâm tiên sinh cũng đứng vây xem, thấy Triệu Ứng Lân cũng ở đó trông coi người hầu làm việc, liền xắn áo bắt chuyện, dò hỏi cậu ta nhà họ Thôi đã xảy ra chuyện gì.

Triệu Ứng Lân nói: "Chắc là vị Thôi công tử kia được huyện tôn đại nhân quý mến, sai người sửa sang nhà cửa cho đấy."

Một vị đồng môn hâm mộ nói: "Đây là nhà của quan tiến sĩ đúng không? có phụ thân trong kinh làm quan, chẳng trách được đại lão gia nâng đỡ như thế."

Cũng có người cười nhạt nói: "Từ kinh đến thì có sao chứ, những người chúng ta ai mà chẳng học vấn uyên thâm, đâu phải cứ có cha tốt là thi đỗ khoa cử đâu."

Một vị Đồng Sinh lớn tuổi thì thầm nói: "Tôi lại thấy người hầu lúc ấy không nói dối, có lẽ người nhà đã chuẩn bị những thứ ấy thật. Cậu ta ở nhà đánh chửi em trai, làm cha mẹ tức giận nên mới bị đưa về quê tu dưỡng, kết quả lại không biết hối lỗi, lại dám bắt người hầu cha mẹ phái tới giáo dục trói kiện quan... Nhìn cậu ta bây giờ kênh kiệu thế thôi chứ sau này người nhà cậu ta biết chuyện rồi sẽ tóm cậu ta dạy dỗ một trận cho mà xem!"

Triệu Ứng Lân bĩu môi nói: "Tôi không tin người nhà Thôi Tiếp không thương cậu ấy, ông nội tôi mới gặp cậu ấy mấy hôm mà đã chỉ hận không thể thay ông bà nhà người ta nuôi cháu hộ."

Lại nói nếu thực không phải do điêu nô kia bắt nạt chủ, cậu ta sao có thể cây ngay không sợ chết đứng hiên ngang trói người ta lại giải lên nha môn chứ.

"Đấy là cậu còn nhỏ chưa rõ sự đời đó thôi, nhà đông con thì kiểu gì cũng có chuyện thiên vị nọ kia, nhà địa chủ trong huyện ta ai mà chả cưới thê nạp thiếp, đầy nhà có chuyện con cả con thứ tranh gia sản kia kìa. Nhà cậu ta ở trong kinh là danh gia vọng tộc, nếu người trên thật lòng yêu thương thì sao lại bắt con nhỏ về quê chịu khổ cơ chứ..."

Mấy người đang bàn tán, chiếc xe lớn của Triệu gia đã "lọc cà lọc cọc" đi vào phố này, một đám người nhảy xuống từ trên xe, ai cũng hớn ha hớn hở, lưng thẳng tắp, thấy người là không nhịn được mồm năm miệng mười tám chuyện:

"Ghê gớm lắm rồi! Khâm sai đến huyện ta đấy nhé, mọi người thử đoán xem ngài ấy vì ai mà đến?"

"Mộ tổ Thôi gia phong thuỷ tốt thật đấy, đã sinh được lão gia là sao Văn Khúc*, lại được đứa con là nghĩa sĩ được triều đình phong thưởng!"

"Thôi tiểu công tử nhìn thư sinh yếu đuối như thế lại có khả năng bắt giữ tặc nhân, sau này muốn thi Võ Cử nhân chả dễ như ăn kẹo ư."

Đám thư sinh áo trắng khi nãy còn hưng phấn bàn tán chuyện trong nhà người ta giờ đều trợn mắt há mồm, không nói nổi lên lời.

Triệu Ứng Lân kéo người nhà mình lại hỏi: "Ngươi đang nói vị Thôi công tử kia được triều đình phong thưởng ư? Còn có khâm sai đến tận nơi truyền chỉ? Cậu ta không phải... Cậu ta không phải đến huyện nha cáo kiện ư, chuyện người hầu kia giải quyết thế nào rồi? "

Hai kẻ hầu nhà cậu kích động đến lắp ba lắp bắp, xua tay nói: "Còn kẻ hầu người hạ nào nữa ạ! Chính miệng khâm sai đại nhân phán rằng người làm hại chủ, còn nói muốn lấy lại công bằng cho Thôi tiểu công tử, người biết vị khâm sai này có thân phận gì không? Là tâm phúc của hoàng thượng cơ đấy!"

Công tử nhà họ Thôi được thánh thượng phát chiếu khen ngợi là nghĩa sĩ, khâm sai lại tự mình xét xử vụ án của cậu, kết án rằng kẻ hầu kia ức hiếp chủ nhân, khâm sai đã xử án lại sai sao được? Vị quan lớn ấy còn nói Tiểu công tử là người trong sạch, cống hiến cho dân, còn dám nói cậu ta bất hiếu vô lễ thì chẳng phải đang ra mặt phản đối triều đình ư?

Mấy người Đồng Sinh lúc trước hả hê vu khống Thôi Tiếp nhiều nhất giờ đều ngượng nghịu lấy tay áo che mặt, ai về nhà nấy, chỉ lo có người đi đường chú ý đến họ. Nhưng cả phố này giờ đều đang vây quanh nhóm người từ huyện mới về kia, hỉ hả nghe họ kể khâm sai uy phong thế nọ, Thôi Tiếp chiến đấu với tặc nhân dũng mãnh thế kia, chẳng có ai rảnh hơi chú ý tới đám thư sinh đang bỏ trốn.

Mọi người bàn tán rôm rả đến tận đầu giờ Mùi* thì nghe thấy từ xa vọng lại tiếng trống kèn náo nhiệt, hai hàng quan sai bê cờ trống, nghi trượng đi tới kèm theo tiếng vó ngựa "lộc cộc" đi vào phố nhỏ.

Nhìn thấy trước mắt phần lớn là Cẩm y vệ mặc mãng bào vàng sẫm, khí thế hiên ngang, dẫn đầu đoàn người là một vị mặc bổ phục xanh biếc, mặt mũi trong sáng hiền hậu lại có phong độ ngời ngời. Một tay ngài nắm dây cương ngựa, ánh mắt liếc qua cổng nhà họ Thôi đã được dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp, khẽ gật đầu, tung người xuống ngựa, dìu đỡ Cao công công xuống kiệu.

Thích Huyện lệnh và Điền Huyện thừa cũng phải theo đến,còn sắp cho Thôi Tiếp một chiếc kiệu nhỏ, đi ở cuối đội.

Cậu vừa xuống kiệu, nhìn thấy đá lát cổng lớn đều bị cọ rửa sáng choang, gần như không tin nổi đấy là nhà mình. Bước vào trong phủ thấy mọi nơi đều đã đổi mới: Cửa sổ dán giấy dầu trắng như tuyết, hàng lang đá xanh không dính một hạt bụi, cỏ dại đầy sân cũng bị nhổ bỏ, phủ lên một lớp đất vàng bằng phẳng, mặt đất cũng được vẩy nước, quét dọn... Giữa sân bày một chiếc bàn dài phủ vải hồng, ngay lúc cậu vào cửa đã đốt lên ba nén hương đại mùi thơm ngát.

Cao công công cười nói: "Thôi công tử, trời không còn sớm nữa đâu, nhanh quỳ xuống tiếp chỉ nào."

Giữa trưa cậu đã xem nha lại tập lễ nhiều lần, vừa nghe tiếng liền làm theo lúc diễn tập quy củ quỳ trên mặt đất, cung kính tiếp thánh chỉ.

Cao công công mở ra thánh chỉ, thu lại nụ cười thân thiết bình thường, mặt mũi cũng nghiêm túc uy nghi, cao giọng tuyên đọc:

"Hoàng đế tuân theo mệnh trời, truyền cho: Con trai Thôi Các, Lang trung ty Vân Nam bộ Hộ, dân huyện Thiên An phủ Vĩnh Bình Trực Lệ, tiếp chỉ. Khanh đương tuổi nhỏ lực yếu, đã hay nhân nghĩa trung quân, không quản ngại giúp đỡ tướng sĩ Cẩm y vệ, quyết hết lòng vây bắt thủ lĩnh Bạch Liên Giáo, thề chết không sờn, ngăn chặn tà ngôn. Hiện, đặc biệt ban thưởng sắc dụ, cờ hiệu nghĩa sĩ và hoành phi* ngự bút, thay triều đình ca ngợi công lao này. Khâm thử."

Thôi Tiếp cúi đầu hô vạn tuế, tiếp nhận thánh chỉ, nâng cao trên đỉnh đầu, thị vệ phía sau Cao công công nâng một tấm hoành phi đến, bên trên còn khắc "cấp công hảo nghĩa" bốn chữ lớn. (Nghĩa: nhiệt tình vì lợi ích chung).

Cao công công lập tức dặn dò: "Mau đỡ Thôi công tử đứng dậy, gọi người đến treo hoành phi nhanh lên."

Thôi Tiếp hai tay nâng thánh chỉ, không để ý đứng dậy luôn, người đằng sau vẫn đang quỳ nên không kịp dìu cậu. Tạ Thiên Hộ quỳ gần cậu cũng nhướn người đứng lên, không nhọc kẻ khác đỡ.

Dưới ánh mắt tập trung của mọi người, cậu cúi đầu cung kính nâng thánh chỉ vào từ đường, sau đó dặn dò cha con Thôi Nguyên sang Triệu gia mượn chút bánh kẹo, đồ ăn và trà ngon về chiêu đãi khâm sai. Cao công công cười nói: "Một đứa trẻ như cậu đã phải sống trong cái nhà rách như thế, chúng ta sao lại đành lòng ăn uống tốn tiền. Ở đây còn có huyện nha Thiên An đãi tiệc, sáng sớm ngày mai lại phải gấp rút lên đường về cung báo cáo, cậu cứ an tâm sinh hoạt đi thôi, không lên tiêu xài thêm nữa đâu."

Thôi Tiếp cũng tự biết lấy mình, cái sân bẩn này trong mắt người ta thực chẳng đặt nổi chân nữa, cũng không nài kéo thêm, hành một lễ lớn xong bèn tiễn mọi người ra cổng.

Sai dịch của huyện nha làm việc rất chi nhanh nhẹn, lúc bọn họ ra đến cửa đã treo xong tấm hoành phi quét sơn vàng lên đại sảnh, đẹp đến lóa mắt, mới nhìn vào đã làm người ta an tâm.

—— Từ nay về sau, cậu chính là nghĩa dân có thánh chỉ khen ngợi, dù Thôi gia có trở về huyện Thiên An ra oai đi nữa thì để cậu chống mắt lên xem dưới tấm biển ngự ban này còn kẻ nào dám bắt nạt cậu!

Cậu vì thánh chỉ than thở, chắp tay cung kính tiễn Cao công công lên kiệu, trong lòng thì suy nghĩ nên lấy thứ gì làm quà đáp lễ mang tặng ông và Tạ Thiên Hộ.

Trong tay cậu có khá nhiều phương pháp ủ rượu nhưng nếu tặng thì có phải hơi ít hay không? Không biết có thứ gì mới mẻ chút, lại là đồ cao cấp, có thể khiến người hiểu biết rộng như Cao công công cũng hứng thú, mà lại còn phải làm ngay trong tối nay nữa.

Cậu hơi nhíu lông mày, khổ não nhìn chằm chằm cái kiệu. Tạ Thiên Hộ gặp mặt cậu mấy lần, cũng khá hiểu vẻ mặt cậu bèn dắt ngựa đi tới, vỗ nhẹ vai cậu.

Thôi Tiếp chợt hồi thần đã thấy Tạ Thiên Hộ tủm tỉm nhìn cậu, ôn hoà hỏi: "Cậu lại muốn lấy quà gì mang tặng công công hửm? Nếu rảnh nghĩ mấy thứ tầm thường ấy chẳng bằng làm hai bài thơ ca ngợi công đức thiên tử, hoặc viết thơ đưa tiễn chúng ta cũng được, đấy mới là việc người có học phải làm."

Thứ ấy, thứ ấy không làm được mới phải nghĩ chứ nị! Ầy, trong ổ cứng của ông ba chẳng có lấy một bài thơ thời Minh Thanh để cóp lại là sao...

Cậu xấu hổ cúi thấp đầu, sau bao nhiêu năm học hành lần đầu tiên mới cảm thấy cái việc làm văn vừa khổ sở vừa xấu hổ đến thế.

Tạ Thiên Hộ lập tức hiểu ra chỗ khó xử của Thôi Tiếp, không nhịn phì cười, mắt liếc qua khuôn mặt đỏ bừng ngượng nghịu của cậu, an ủi: "Không viết ra được thì không phải cố làm gì, tuổi cậu còn nhỏ, tìm thầy học thêm hai ba năm là tự biết làm ngay thôi."

Mười bốn mà còn chê nhỏ, thêm hai năm nữa mà thi đậu Tú tài cũng chẳng coi là thần đồng. Đại học sĩ Dương Đình Hòa nhà người ta mười hai tuổi đã trúng Cử nhân, mười chín đạt được Tiến sĩ, lúc cậu mười hai tuổi ấy mà... Í, lúc mười hai tuổi cũng thi đỗ được trường thực nghiệm chuyên của tỉnh, chưa đến mười chín tuổi đã thi đỗ trường đại học hạng nhất cả nước, lại còn được học bổng hàng năm.

Nếu nói như vậy, cậu cũng chưa đến mức xấu hổ lắm nhỉ.

Tạ Thiên Hộ nói: "Phương pháp ủ rượu cậu tặng ta đã cho người làm thử rồi, nếu chế ra rượu ta sẽ tặng cậu một vò nếm thử. Cao công công cũng đang chờ uống rượu của đậy đấy, nếu vị cực ngon, ta sẽ tặng lại phương pháp cho ngài ấy, đỡ cho cậu lại băn khoăn không biết nên tặng gì cho người ta."

Hắn xốc lại dây yên, mượn lực phi lên ngựa, ngồi vững trên yên sắt trạm hoa văn, cúi đầu cười với Thôi Tiếp: "Đúng rồi, nếu sau mà làm được thơ hay văn tốt thì chờ lúc người phủ ta đến tặng rượu gửi về kinh cho ta đọc tử nhé!"

Hắn hô to một tiếng, tay trái giữ dây cương, chuyển đầu ngựa, phi đến khuất trong đoàn người.

Hết chương 17

Lời tác giả: Nguyên văn Thánh chỉ lấy từ sắc văn trên bia khắc thời Minh Anh Tông Chu Kì Trấn, khen ngợi nghĩa dân Triệu Phụng.

Mèo: Hôm qua đi ăn cỗ lười chút.

Mọi người đọc có thấy lỗi không?

Thấy cách dịch của mình có vấn đề gì không?

Muốn tạo sự khác biệt chút, nên gọi Ta Anh là "hắn" hay "ngài ấy", xin cho ý kiến.

1.Sao Văn Khúc: Sao chủ về tiếng tăm, danh dự, bút mực, công danh quan trường và văn chương thơ phú. Nghĩa bóng chỉ những người ham học đã thi đỗ khoa bảng.

2.Giờ Mùi: Từ 1 đến 3 giờ chiều

3. Hoành phi: Tấm biển khắc chữ- thường là 4 chữ treo trên cao giữa phòng của người xưa. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top