Tám.

Thế nhưng cửa hàng lưu niệm cũng chẳng sửa được đồng hồ của tôi.

Dưới ánh đèn ấm áp là một loạt những món đồ trang trí hình động vật, rồi sách báo và cả đồ chơi, một mình tôi hồn xiêu phách lạc lượn lờ trong đó tận mấy vòng liền. Cô nhân viên áy náy bảo rằng đồng hồ đã bán hết sạch rồi, chắc hẳn vẫn tưởng rằng tôi chỉ là một du khách bình thường đến mua quà lưu niệm mà thôi.

Tôi không quan tâm, hỏi thế có sửa được đồng hồ không?

Đối phương lấy làm lạ: Vì sao lại phải sửa.

Tôi ngơ ngác, đồng hồ hỏng rồi, không phải nên mang đi sửa sao?

Cô nhân viên lắc đầu: "Nhưng đây là Nam Cực mà, ba giờ có thể là chín giờ, buổi sáng có thể là buổi tối, thời gian quan trọng đến thế ư."

Tôi ngây người ra, nhớ tới nhà cá voi học mặc váy hoa nhí trên tàu. Tôi từng hỏi cô ấy có lạnh không, cô ấy bảo không đâu, bởi đây là chuyến du thuyền cuối cùng của mùa hè Nam Cực, sắp tới cô ấy sẽ lại sang Bắc Cực tiếp tục trải qua mùa hè. Lần đầu tiên tôi được biết, hóa ra con người có thể vĩnh viễn dừng chân tại mùa hè.

Vậy nhưng tôi sờ lên mặt đồng hồ đã ngừng chạy, vẫn cảm thấy tiếc thương thay cho chú cá nhỏ chẳng thể động đậy được nữa.

Có lẽ là vì trông thấy vẻ mặt ban nãy của tôi quá đáng thương, cô nhân viên lại nói: "Nếu anh thực sự cần xác nhận thời gian đến thế, thì tôi có thể bán lại chiếc đồng hồ quả quýt của mình cho anh với giá rẻ."

Đây là một lời đề nghị tốt bụng, nhưng tôi cũng không thật sự cần nó.

Cuối cùng tôi chỉ cảm ơn rồi bảo, không cần đâu tạm biệt nhé.

Chẳng còn bao nhiêu thời gian, việc đầu tiên tôi làm là lên giường đi ngủ. Nhưng có cảm giác vừa mới chợp mắt, còn chưa ngủ được mấy phút thì đã lại bị tiếng người đánh thức rồi. Hóa ra ban đêm ở Nam Cực lại náo nhiệt đến thế.

Ông lão đang vuốt keo lên tóc, kêu đi thôi cậu nhóc, đêm cuối cùng nhất định phải uống rượu ăn xiên! Sạp đồ nướng ở cực Nam của địa cầu!

Ngồi trên nóc trạm nghiên cứu, tôi mới cắn mấy miếng sườn đã cảm thấy hơi ngấy. Bếp lửa nghi ngút mang đến chút khói lửa nhân gian cho thế giới trắng tinh này, núi băng hùng vĩ dường như cũng bị hun bớt đi vài phần.

Trên bàn đủ các thể loại cao lương mĩ vị từ khắp các nước trên thế giới, nhưng có lẽ lon cola uống trộm mới kích thích, những xiên nướng ăn vào năm mười mấy tuổi mới càng ngon. Trong đầu tôi vẫn nhớ mãi về xiên thịt nướng được bày bán ở chợ đêm.

Tôi hỏi, ông đã đến Trùng Khánh bao giờ chưa ạ.

Chưa, đẹp lắm à?

"Vâng, xiên nướng rất ngon."

Để về tôi sắp xếp đi một chuyến, đối phương hỏi bừa một câu thay cho lời cảm ơn, đồng hồ của cậu đã sửa được chưa?

Tôi lắc đầu, không sửa được.

Lúc bầu trời chuyển sang màu hồng đậm, tôi hoàn toàn chẳng biết hiện tại là mấy giờ, có khả năng là hai giờ đêm, cũng có khả năng là sáu giờ sáng. Mọi người đều ngồi bên lan can, giơ chiếc ly trong tay mà hô cheers.

Tôi nhìn ánh sáng trên bầu trời xuyên qua ly rượu vang, đột nhiên bật cười vài giây. Hình như trước đây hồi còn ở kí túc xá, chúng tôi cũng dùng ly đế cao để uống nước mơ chua, màu sắc y hệt thế này.

Mắt tôi và bầu trời đều đỏ dần lên, tôi biết mặt trời sắp mọc rồi. Sự xuất hiện của nó lúc nào cũng không thể để cho người ta thấy trực tiếp được, mà phải hun sao cho bầu trời càng lúc càng đỏ, rồi lại phủ ánh sáng vàng hồng lên đỉnh núi tuyết, một chủ nghĩa cô độc vừa huênh hoang lại vừa lãng mạn. Ánh sáng đột nhiên xuyên qua làn mây, nồng nhiệt hết mình mà reo rắc hi vọng, xung quanh có tiếng hoan hô, và cả sự trang nghiêm. Tôi đưa tay lên che mắt, cảm thấy hơi run rẩy.

"Nồng độ của nước mơ chua còn cao hơn cả rượu vang." Tôi chợt buông một câu không có đầu cũng chẳng có đuôi: "Lại còn cực kì khó tỉnh."

"Khó tỉnh thì cứ say tiếp đi." Hẳn là ông lão cũng say rồi.

"Trên thực tế mỗi năm Nam Cực sẽ chỉ có một lần mặt trời mọc, một lần mặt trời lặn." Tôi lại nói.

"Mặt trời ấy mà, xuất hiện là được rồi, cần gì phải tách biệt rõ ràng như thế."

Đây không phải bình minh chân chính, nhưng buổi bình minh cuối cùng ở Nam Cực, lại thật sự có mặt trời xuất hiện.

Thế nhưng đời người vốn dĩ không phải nên tách biệt rõ ràng hay sao, tôi ngồi trong ánh mặt trời, thầm nghĩ.

Giống như chúng tôi vậy, dừng lại là chia xa, tiến lên cũng là chia xa.

Chúng tôi không thể nào cùng nhau ngủ mãi trên chiếc giường đơn ấy được, mỗi lần nuốt những viên thuốc lạnh lẽo xuống, tôi đều đang cố gắng chấp nhận sự thực này.

Thực hiện nguyện vọng rồi sẽ hạnh phúc thôi, thiên nhiên có thể dạy tôi làm sao để không cô độc mà nhỉ. Quay đi ngoảnh lại đã chạy qua một lượt những ngóc ngách trên địa cầu mà khi xưa từng mong được đặt chân đến, còn có cả ảnh chụp phong cảnh làm bằng chứng cho những hành động dũng cảm này nữa.

Thế nhưng ngày hôm đó, tôi nằm trên dòng sông băng ngước mắt lên trời cao, làm thế nào cũng chẳng thể nhớ nổi dáng vẻ của thế giới này, trong đầu chỉ còn một mảnh trống rỗng.

Tôi chợt nhận ra, mình đã hai mươi bảy tuổi rồi, rất muốn yêu thương thế giới này như hồi mười bảy tuổi, nhưng mà khó quá.

Sống trên đời này là phải không ngừng bay tới chỗ cao hơn, lúc nào cũng có ước mơ cần phải thực hiện, hoặc có lẽ là chẳng còn cách nào để lùi lại nữa.

"Tống Á Hiên, anh đừng đi, anh bay nhanh quá, anh từ từ thôi."

Đêm qua trong giấc mơ Lưu Diệu Văn còn gọi tôi.

Tôi đang cố gắng bay tới nơi cao tít trên kia, nghe vậy bèn nhìn xuống dưới, trông thấy Lưu Diệu Văn đứng ngay ở bên cửa sổ.

Tôi còn trông thấy chính mình, cất bước chạy về phía tầng ba của kí túc xá, muốn chạy từ nơi băng tuyết ngập trời về với hoàng hôn ấm áp, muốn ngồi trên tatami khua chân múa tay mà trò chuyện cùng em ấy. Tôi chạy lâu ơi là lâu, vậy mà vạch tuyết vẫn nối liền với chân trời.

Trưởng thành đi liền với nuối tiếc mới càng khiến cho con người ta nhớ nhung. Thế nên tôi vì nhớ nhung mà cô độc, lại sợ rằng bản thân không nhớ nhung thì sẽ càng cô độc.

Tôi sợ bản thân thoát ra khỏi khoảng thời gian ấy, lại sợ bản thân chẳng thể nào bước ra được.

Cả tôi và Lưu Diệu Văn đều hiểu rõ, những thứ tình cảm bồng bột ấy sẽ chẳng bao giờ có thể khiến người ta dừng chân tại chỗ. Vậy nên chúng tôi đều không nói điều gì, và cũng chẳng tài nào nói rõ.

Tôi nhớ thời thanh xuân chẳng có gì cần phải tách biệt rõ ràng. Đồng đội, anh em, thích, yêu, những cái mác này lẫn lộn trên người tôi và Lưu Diệu Văn, gắn thêm lớp kính lọc đơn thuần nhất cho thời niên thiếu. Vậy nên tôi lược bỏ hết những kí ức không hay, cố chấp muốn quay ngược trở về dấu mốc năm mười bảy tuổi, tải lại khoảng thời gian đẹp đẽ mà mơ hồ, chỉ sống bằng trực giác ấy.

Không muốn trở thành bạn đời của sự cô độc, không muốn sở hữu thứ tình bạn lạ lẫm, mối quan hệ thấu hiểu lẫn nhau đến thế chẳng tài nào phân biệt rạch ròi, thế nhưng đã khắc sâu vào trong cuộc đời của tôi rồi.

Nam Cực nói với tôi rằng, đời người làm gì có ranh giới nào rõ ràng đến vậy.

Quá khứ và hiện tại đều là một mảnh ghép của cuộc đời, từng lướt qua cùng một vùng biển, sao trời từng lấp lánh, thái dương từng xuất hiện, cho dù chỉ sở hữu một khoảnh khắc ngắn ngủi thì cũng đủ để chứng minh rằng chúng từng tồn tại một cách chân thực đến vậy.

Yêu hay được yêu, tích cực hay tuyệt vọng, nhiệt tình hay tê dại, vốn dĩ cũng đều sẽ trôi qua trong sự mập mờ.

Không có ranh giới của thời gian, cả thế giới đều trở nên đơn giản. Không còn nghĩ đến việc phút sau phải làm gì, không còn nhớ những chuyện xảy ra vào phút trước, không còn sợ hãi đêm tối, cũng chẳng còn lo sợ phải tỉnh lại. Tôi cảm thấy đời người dài vô hạn, nhưng cũng nhận ra hóa ra nó lại ngắn đến vậy.

Tôi không biết hiện giờ mình bao nhiêu tuổi, vậy nên cũng chẳng quan tâm những năm vừa qua rốt cuộc thời gian đã trôi đi đâu cả rồi.

Tôi và Lưu Diệu Văn đều ở trong tuổi mười bảy, và cũng ở trong tuổi hai mươi bảy của tôi.

Chúng tôi vẫn đang tiến lên phía trước, thanh xuân rất tốt đẹp, nhớ nhung rất tốt đẹp, cuộc sống rồi cũng sẽ tốt đẹp thôi.

Tôi thầm nhủ, lúc về phải khoe tấm bằng khen dũng sĩ nhận được khi cắm trại ngoài trời cho Lưu Diệu Văn xem. Phải nói với em ấy rằng, em nói phải, cá voi ở biển không hề cô đơn. Nói với em ấy rằng quà lưu niệm đều là made in China. Nói với em ấy rằng, anh ở nơi tận cùng thế giới này nhớ em lắm, bạn hiền.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top