Bốn.

Tôi nằm liệt trong cabin nguyên một ngày, hôm sau tỉnh lại thật sự là đói đến mức không chịu nổi nữa, bèn quyết định ra ngoài ăn sáng, dù rằng vừa ra khỏi cửa tôi đã sợ nhũn cả chân, chỉ biết bám chặt lấy lan can nhắm tịt mắt lại, chậm chạp lết từng bước một vào nhà ăn như trẻ sơ sinh mới tập đi.

Đến cả ông lão về hưu còn bình chân như vại, thế mà tôi đã xám xịt hết cả mặt mày. Chẳng biết đời người đào đâu ra dũng khí nữa, có lẽ phải dựa vào thời gian chăng.

Trông thấy trên bảng thông báo đề có buổi thuyết giảng về cá voi, tạm thời tôi vẫn chưa buồn nôn, bèn quyết định đi nghe thử.

Khu thuyết giảng cũng chẳng có mấy người, tôi ngồi ngay hàng đầu mơ màng nghe giảng, hướng dẫn viên mặc váy hoa nhí liên tục nở nụ cười khẳng định với tôi, y xì cảnh tượng năm ấy Lưu Diệu Văn phải học bổ túc Địa lý một – một.


Cá voi xuất hiện vào lúc một rưỡi chiều. Loa phát thanh đột nhiên thông báo, tôi vội vàng lao phắt ra boong tàu. Con tàu đã đi qua vùng biển nguy hiểm nhất, mặt biển và bầu trời đều trở nên ôn hòa, hai chú cá voi ngay sát tàu lượn từ bên trái sang bên phải, tôi cũng theo đó mà chạy từ mé trái sang mé phải.

Tôi tò mò về cá voi, chúng cũng tò mò về những con người trên tàu, cứ bơi vòng quanh du thuyền mãi, trong mắt tràn ngập sự ngây thơ trong trẻo.


Hồi tôi còn ngây ngô cũng từng mê đắm cá voi suốt một khoảng thời gian, còn giải thích ý nghĩa của "kình lạc" cho Lưu Diệu Văn nghe.

"Tức là khi một chú cá voi chết đi trong đại dương, xác của nó sẽ chìm xuống đáy biển và hóa thành một hòn đảo, nuôi dưỡng cả hệ sinh thái trong một khoảng thời gian rất dài rất dài, các nhà sinh vật học gọi quá trình này là kình lạc."

Lưu Diệu Văn dừng chiếc bút đang tính toán trong tay lại, hỏi: "Nghe có vẻ bi thảm lắm mà, đây chính là lý do vì sao gần đây anh lại thích cá voi á?"

"Em không cảm thấy chúng rất cô độc ư?"

"Con người thì không cô độc à, đều cô độc cả mà!"

Lưu Diệu Văn nói năng hết sức hùng hồn, làm tôi cảm thấy cũng hơi có lý.

Chúng tôi hoàn toàn chẳng hiểu thế nào là cô độc, vậy mà đều bắt đầu giả vờ khóc huhuhu.

Lưu Diệu Văn ngừng trước, ho một tiếng rồi bảo: "Em cảm thấy kình gì đấy đúng là cô đơn thật. Nhưng anh nghĩ mà xem, lúc nó ở trong biển sẽ có thuyền lướt qua bên cạnh, cá cũng bơi đầy xung quanh, còn có cả đàn cá voi nữa, chết lại còn có giá trị như vậy, tính ra cũng không đến mức thảm thương lắm."

"Thế nếu như có một chú cá voi, tần số Hz của nó không giống với người khác thì sao?" Tôi ngẫm nghĩ một hồi, lại hỏi em ấy.

Lưu Diệu Văn nghẹn lời, rồi hùng hổ đáp lại: "Thì nó vẫn còn biển còn cá còn trăng sao đầy trời nữa mà."

"Người ta bảo cá voi cả đời sống trong biển rồi cũng chết trong biển, còn dùng cả sinh mạng để nuôi dưỡng đại dương."

"Trừ trường hợp xui xẻo bị con người bắt được, không thì con cá nào mà chẳng như vậy, trừ phi nó tự nguyện vào thủy cung."

Lưu Diệu Văn kiên quyết phá hoại văn nghệ đến cùng, tôi cũng bị em ấy đốp chát tới mức bật cười.

"Ê hôm nào chúng mình đi thủy cung đi!" Hai chúng tôi sóng vai ngồi trên giường, Lưu Diệu Văn háo hức cầm lấy tay tôi lắc qua lắc lại: "Em thấy ảnh người ta chụp trong đấy đều đẹp lắm, đến lúc đấy chắc chắn em sẽ chụp anh siêu đẹp trai luôn."

Tôi cười em ấy: "Chụp ảnh á? Không phải là đi xem động vật à?"

"Ôi dào thì cũng xem mà!"

"Thế gọi ai đi cùng đây?" Tôi mím môi hỏi.

Lưu Diệu Văn nhướng mày, biết tôi hiểu rõ mà còn cố tình hỏi, nở nụ cười cũng đến là xinh trai: "Chỉ hai đứa mình thôi."


Cá voi ở Nam Cực trông có vẻ không giống với cá voi mà năm ấy chúng tôi trông thấy ở thủy cung, động vật trong thủy cung đều giống như bị bao bọc bởi một lớp vỏ thủy tinh, xanh xao đến mức mong manh. Chú cá voi trước mắt tôi lúc này còn mang theo những chiếc vỏ sò xinh đẹp kí sinh trên đuôi mình, tôi cảm thấy Lưu Diệu Văn nói đúng, ở biển thì sẽ không quá cô đơn.

Khi đó tôi đọc rất nhiều kiến thức về sinh vật, cứ cho rằng mười câu của Lưu Diệu Văn thì phải có đến tám câu là mạnh miệng đấu võ mồm với tôi, nhưng rồi thời gian dần dần chứng minh rằng em ấy mới là người đúng, dường như em ấy chỉ cần dựa vào trực giác là có thể sống một cách đúng đắn.

Kiến thức Sinh học trên Weibo của Lưu Diệu Văn, ngoài nhờ học bổ túc ra thì tất cả đều nhờ có tôi khai sáng cho. Tôi khá thích Sinh học và Địa lý, bởi vì rất thích tự nhiên. Vào lúc người khác còn đang bận đam mê quần áo giày dép, lén đọc tiểu thuyết kiếm hiệp thì tôi lại đặc biệt thích mở TV ngoài phòng khách lên xem phim tài liệu về thiên nhiên, còn nhờ trợ lý của nhóm mua giùm tạp chí địa lý.

Kí ức về việc xem TV một mình rất mơ hồ, có lẽ là vì không gian có hạn, hầu hết thời gian Lưu Diệu Văn đều có mặt ở bên cạnh, nhìn tôi khua chân múa tay chém gió tung trời. Ghế sô pha là khu vườn của trí tưởng tượng, chúng tôi chỉ cần ngồi đó thôi là có thể từ ô cửa sổ sát đất hòa mình vào làn gió của tự nhiên.

Có lần Lưu Diệu Văn vuốt ve tai tôi, rồi lại xoa nhẹ tóc tôi, nói bằng giọng điệu rất nhẹ nhàng: "Tống Á Hiên, sau nay anh chắc chắn cũng sẽ vui vẻ như bây giờ nhỉ."

Tôi không đoán ra được đây là câu nghi vấn hay câu trần thuật, hay câu cầu khiến, nhưng tôi rất sợ em ấy dùng giọng điệu như vậy khi nhắc đến sau này, hẳn là em ấy cũng sợ lắm, vậy nên đến cả giọng nói nghe cũng có vẻ hết sức kỳ lạ.

"Đừng thở dài." Giọng nói của tôi cũng hơi kỳ lạ, tôi bảo: "Em đừng thở dài."


Có điều tôi cứ tưởng rằng trí nhớ của mình kém lắm, đa số những bài từng hát tôi đều không nhớ, gần đây mới nhận ra là hoàn toàn ngược lại. Kiến thức sinh vật hồi nhỏ, và thậm chí là cả tiếng thở dài của Lưu Diệu Văn, tôi vẫn còn nhớ như in.

Nhưng người có trí nhớ tốt thường dễ cô độc, có lẽ đây cũng chẳng phải chuyện tốt gì.


Chú cá voi xanh bất thình lình phun ra một cột nước cao đến vài mét, nước bắn tứ tung rồi lại đột nhiên lặn mất tăm xuống dưới mặt biển, động vật ở Nam Cực đều đến rồi đi một cách bặt vô âm tín như vậy sao.

Thế thì vẫn là cá voi ở thủy cung đáng tin cậy hơn, ít ra còn để cho tôi và Lưu Diệu Văn chụp ảnh chung lâu ơi là lâu, mặc dù ảnh polaroid giờ đã ố vàng cả rồi, nhưng vẫn được tôi trọng tình trọng nghĩa mà kẹp trong ví tiền cũ.

Tôi nhìn một góc sông băng bên ngoài cửa sổ mắt bò, chẳng phân biệt được là mây hay là núi, phong cảnh trên biển lơ lửng ngoài cửa hệt như một tấm ảnh cũ có thể tỉnh giấc bất cứ lúc nào.


Cho đến hiện tại, Nam Cực hoàn toàn chẳng giống với những gì tôi nghĩ.

Live stream trên tàu biến thành say sóng nôn mửa, dù đang là ban ngày vùng cực thì bầu trời cũng vẫn cứ xám xịt, những lúc xanh trong rất ngắn ngủi, cũng chẳng cảm nhận được hơi ấm.

Đến bao giờ mới được trông thấy mặt trời đây? Tôi chống cằm nghĩ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top