Dich Can Kinh
Vi ko the up duoc anh nen moi nguoi xem huong dan tu the' chi tiet
DỊCH CÂN KINH
Dịch Cân kinh là tiếng gọi tắt của Dịch Cân Tẩy Tủy Kinh. Bộ sách này đầy những huyền thoại, đầy những ngụy tạo, đầy những mơ hồ, đã làm hại biết bao nhiêu người tin vào các bản ngụy tạo, rồi luyện tập, gây ra phản ứng nguy hại cho cơ thể, dĩ chí chết người.
Vì vậy sau buổi hội thảo hôm nay, tôi xin Quý-vị hãy vì Y-đạo, chịu khó giảng dạy cho người xung quanh, cho thân chủ, để sự thực được soi sáng.
Thưa Quý-vị,
Tôi là người Pháp gốc Việt, sống ở Pháp nhiều hơn ở Việt-Nam. Tuy nhiên lúc nào tôi cũng tưởng nhớ đến cố quốc xa xôi vạn dặm. Tôi hy vọng bản tiếng Việt của tôi, sẽ được chuyển về Việt-Nam như một bông hồng dâng cho bà mẹ hiền tóc mầu sương đang ngồi trông tin con.
Phần thứ nhất: Dẫn nhập
1. NGUỒN GỐC
Trong hằng trăm nghìn ngôi chùa Phật-giáo trên thế giới, không một ngôi chùa nào được tiểu thuyết hóa, huyền thoại hóa và thần thánh hóa bằng chùa Thiếu-Lâm bên Trung-Quốc (1). Và cũng trong hằng triệu vị tăng, không vị nào được viết, được nói, được tôn sùng bằng ngài Bồ-đề Đạt-ma. Bỏ ra ngoài vấn đề tôn giáo, quả thực Ngài là một trong những người đã đem Thiền-công vào Trung-Quốc, và làm cho quảng bá.
Ghi chú:
Trung-Quốc có 3 ngôi chùa đều mang tên Thiếu-Lâm.
1. Hà-Nam đăng phong Tung-Sơn Trung-Châu Thiếu-Lâm tự,
2. Hà Bắc Bàn-Sơn Thiếu-Lâm tự,
3. Phúc-Kiến Tuyền-Châu Nam Thiếu-Lâm tự,
Một trong những sự kiện người ta từ thần thánh hóa ngài, rồi đi đến ngụy tạo ra những bộ Thiền-công, Khí-công và gán cho ngài là tác giả. Trong đó có bộ Dịch Cân Tẩy Tủy Kinh. Bài tựa bộ Thiếu-Lâm tự tư liệu của Vưu Cốc, Diêu Nguyên, do Văn-Hiến xuất bản xã Bắc-Kinh, xb. tháng 10-1984, phần tựa, trang 2 viết:
"Từ trước đến nay, mật bản Dịch Cân kinh nói là nội công Thiếu-Lâm, rồi được lưu truyền trên trăm năm đến giờ. Căn cứ vào sự kết thành của nội dung bộ sách cũng như cú pháp thì không thể nào tin được. Bộ này chỉ có thể được viết vào thời Thanh Khang-Hy (1662-1723), Ung-Chính (1723-1736) là quá. Trong thời vua Quang-Tự (1875-1909), chính Phúc-Sơn Vương Tổ Nguyên cũng đã viết: Xét đến Tung-Sơn Thiếu-Lâm tự, người ta mạo ra tập Nội-công đồ, phổ biến rất rộng".
Thực sự Dịch Cân kinh là bộ sách Khí-công do các Đạo-gia Trung-Quốc soạn ra vào cuối đời Minh hay đầu đời Thanh, tương đương với bên Đại Việt vào cuối đời Lê sang đời Nguyễn. Lúc mới xuất hiện Dịch Cân kinh chỉ là một trong hằng trăm bộ sách Khí-công, không quá siêu việt. Bộ sách này trước năm 1950 chẳng nổi tiếng cho lắm. Nhưng từ khi nhà văn Kim Dung, tiểu thuyết hóa đi trong Thiên-long Bát-bộ, thì bộ kinh này trở thành thánh kinh. Nổi tiếng đến độ đã có người bị ngã gẫy chân, thay vì đi tìm thầy điều trị, lại nằm ỳ ở nhà luyện, chút nữa phải cưa chân. Tác giả Dịch Cân kinh không biết là ai.
Dịch Cân kinh ra đời khoảng 1662-1736, thế nhưng Kim-Dung lại cho nhân vật tiểu thuyết Mộ Dung Bác, Du Thản Chi, Cưu Ma Trí luyện vào đời Bắc Tống (960-1127). Có lẽ Kim Dung cho rằng mình viết tiểu thuyết, nên không cần sự chính xác, rồi ông cũng và gán cho tác giả là ngài Bồ-đề Đạt-ma của chùa Thiếu-Lâm. Thành ra từ thập niên 60 thế kỷ thứ 20, người Việt không hề thấy bộ sách này, rồi cho rằng đó là bộ sách trong huyền thoại, không có thực.
Một số người thất học, trong đó có vài võ sư, vài thầy lang Việt-Nam, chưa hề thấy bản Dịch Cân kinh trên, họ bịa ra nhiều bản Dịch Cân kinh, rồi đem phổ biến. Tất nhiên quần chúng tin ngay. Trong thời gian 1960-1975 ở miền Nam Việt-Nam, ngay khi ra ngoại quốc (1975-2001) lưu truyền một phương pháp luyện Dịch Cân kinh, bằng tiếng Việt, chỉ có một thức duy nhất là đứng thẳng buông lỏng rồi vẫy tay như chim non tập bay. Đính kèm còn chép thêm rằng nhiều người tập, đã chữa khỏi ung-thư gan, lao, thận, Parkinson, huyết áp cao, và hàng chục thứ bệnh nan y. Cho rằng đây là một ấn bản khác của Dịch Cân kinh, tôi đã bỏ công tra trong các thư viện của những Đại-học Y-khoa Thượng-Hải, Giang-Tô, Hồ-Nam, Phúc-Kiến, dĩ chí đến các gia, các phái võ thuộc các hệ Thiếu-Lâm ở Hương-Cảng, Đài-Loan, nhưng cũng không thấy. Vì vậy tôi đặt tên bản này là Dịch Cân Kinh Việt-Nam (DCKVN), vì được sáng tác vào thời kỳ 1960-1975.
Gần đây một vài tờ báo Việt-ngữ bên Hoa-Kỳ lại lưu truyền một bản Dịch Cân kinh nữa, hơi giống bản DCKVN, hơn nữa còn đăng lời xác nhận giá trị của Bác-sĩ Lê Quốc Khánh (sinh 1932), người từng học ở Đại-học Quân-y, từng làm việc chung với các Bác sĩ Pháp, Mỹ, Phi-Luật-Tân, và cộng tác với Bác-sĩ Đinh Văn Tùng trong công cuộc nghiên cứu trị ung thư bằng Phẫu-thuật (1936-1965), nghĩa là ông Khánh mới 3 tuổi đã thành Bác sĩ. (Tài liệu đính kèm). Tôi không phủ nhận tập tài liệu này, tôi hứa sẽ nghiên cứu kỹ rồi xác nhận sau.
Từ năm 1974, một số Đại-học Y-khoa Trung-Quốc dùng Dịch Cân kinh làm khóa bản giảng dạy cho các thầy Tẩm-quất (Kinésithérapeutre) và Bác-sĩ Thể-thao để luyện lực phục hồi sau khi trị bệnh bị tiêu hao chân khí. Tài liệu còn dùng trị bệnh kết hợp Tây-y, Trung-dược, Châm-cứu:
- Lão khoa (Geratology)
- Thần kinh, (Psychiatrics)
- Não khoa, (Neurology)
- Niệu khoa (Urology)
- Phong thấp (Rhumatology)
- Phế khoa (Pneumology)
- v.v...
Đến Đại hội Y-khoa toàn quốc năm 1985 tại Trung-Quốc, các trường Đại-học Y-khoa trao đổi kinh nghiệm, đã chú giải, phân tích, tước bỏ phần có hại, hoặc không có kết quả đi. Từ đấy Dịch Cân kinh được giảng dạy chung với một số bộ Khí-công khác, theo thứ tự là:
1. Dịch Cân kinh,
2. Tráng yêu bát đoạn công, (8 thức luyện cho lưng khỏe).
3. Ngũ cầm công, (năm thức luyện nhái theo 5 loại thú).
4. Bát đoạn cẩm, (8 thức Khí-công đẹp như gấm).
5. 24 thức luyện công của Trần Hy-Di.
6. Nội đơn thuật (căn cứ vào Kinh Dịch, Đạo Đức kinh).
7. Thất diệu pháp môn (bẩy phép luyện công tuyệt diệu).
Sở dĩ Dịch Cân kinh được đưa lên hàng đầu vì những lý do sau:
- Dễ luyện,
- Luyện mau kết quả,
- Khi luyện dù trẻ con, dù người già, dù ngộ tính kém cũng thu được kết quả.
- Dù luyện sai, chỉ thu kết quả ít, chứ không sợ nguy hiểm.
Tuy vậy nếu bàn về kết qủa luyện thần, luyện thể thì Dịch Cân kinh thua xa 24 thức luyện của Trần Hy Di. Vì luyện Thiền-công, Khí-công từ nhỏ, nên trong thời gian học tại Đại-học Y-khoa Thượng-hải, tôi theo dõi những buổi giảng Khí-công rất kỹ. Sau khi rời Thượng-Hải, trở về Paris, tôi luyện Dịch Cân kinh liên tiếp 5 năm. Rồi giảng dạy. Trong lúc giảng, tôi đã gặp những khúc mắc khó khăn về sư phạm, không phân giải được, đành chịu, không biết bàn với ai. Phải chờ đến 1987, tôi sang Úc, ở tại nhà bào đệ là Trần Huy Quyền vấn đề mới được soi sáng.
Trong gia đình sáu anh em tôi, thì Quyền là người thông minh nhất. Bất cứ vấn đề gì rắc rối, bí hiểm đến đâu, Quyền chỉ suy nghĩ khoảng nửa giờ là kiến giải sáng suốt. Tôi là thầy thuốc thiếu kinh nghiệm dạy võ thuật, lại nữa tôi chỉ dạy Khí-công cho những sinh viên đã tốt nghiệp Đại-học Y-khoa, nên không có cái nhìn tổng quát. Còn Quyền thì dạy đệ tử nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất có khi tới 80, lại có đủ trình độ kiến thức. Vì vậy Quyền nhiều kinh nghiệm sư phạm hơn tôi. Tôi đem Dịch Cân kinh ra bàn với Quyền. Vì Quyền đã học võ từ năm 11 tuổi, dạy võ 22 năm (năm đó Quyền 42 tuổi), rất nhiều kinh nghiệm. Trong một tháng, anh em đã trao đổi, bao nhiêu khúc mắc đều giải được hết. Năm sau (1988) tôi trở lại Úc, chúng tôi ra soạn thành tài liệu.
Nay nhân Đại hội Y-khoa Châu-Âu của ARMA, do yêu cầu của anh em, một lần nữa tôi sửa đổi, thêm kinh nghiệm, đem ra giảng dạy. Tôi tin rằng anh chị em sẽ hội lĩnh được hết. Trước là luyện cho thể kiện, tâm an, thần tĩnh. Sau là dạy cho thân chủ, giúp họ trị bệnh.
2. NỘI DUNG
Bản Dịch Cân kinh mà các Đại-học Y-khoa Trung-Quốc dùng là cổ bản từ cuối đời Minh, đầu đời Thanh, lưu truyền tới nay. Nội dung Dịch Cân kinh chia ra làm 12 thức. Mỗi thức gồm nhiều câu Khẩu-quyết, theo thể văn vần để dễ nhớ. Tôi không phiên âm, cũng như dịch nguyên văn, vì tối vô ích. Tôi chỉ giảng nghĩa, phân tích các câu quyết đó rất chi tiết. Tuy nhiên sau mỗi thức tôi cũng chép nguyên bản bằng chữ Hán, cũng như hình vẽ trong cổ bản để độc giả tham chước. Về tên mỗi thức, tôi không theo cổ bản mà theo bản của các Đại-học Y khoa Trung-Quốc.
Cũng như tất cả thư tịch Trung-Quốc, trải qua một thời gian dài, các câu Khẩu-quyết này bị nạn tam sao thất bản. Khi san định, phân tích để đem làm tài liệu, ban tu thư các Đại-học đã vứt bớt đi hầu hết các bản, chỉ nghiên cứu 27 bản mà thôi. Phần tôi trình bầy đây là theo bản của Đại-học Y-khoa Thượng-Hải và tham chước bản của các Đại-học Thành-Đô, Giang-Tô, Bắc-Kinh, Vân-Nam.
Mỗi thức gồm có:
- Động tác và tư thế, để chỉ thế đứng khởi đầu, rồi các động tác biến hóa, thở hít.
- Hiệu năng (actions), để chỉ tổng quát của kết quả đạt được nếu luyện đúng.
- Chủ trị (Indications). Tôi dùng chữ Chủ-trị sát nghĩa hơn là chữ Chỉ-định.
- Vị trí, huyệt vị. Mỗi khi định vị trí trên cơ thể, tôi diễn tả rất chi tiết, để đọc giả có thể luyện một mình. Tuy nhiên tôi lại mở ngoặc định rõ chỗ ấy thuộc kinh nào, huyệt nào, để các vị Bác-sĩ, Châm-cứu gia, Võ-sư, dễ nhận hơn. Độc giả chẳng nên thắc mắc làm gì.
Phần thứ nhì: Chuẩn bị
1. ĐIỀU KIỆN ĐỂ LUYỆN
- Từ sáu tuổi trở lên.
- Chỗ luyện phải thoáng khí, không bị nhiễu loạn vì tiếng động, không nóng hay lạnh quá (20 đến 30 độ C).
- Ăn vừa đủ no, không đói quá, không no quá, không say rượu.
- Y phục rộng.
- Giải khai đại tiểu tiện trước khi luyện.
- Luyện từng thức theo thứ tự.
- Không nhất thiết phải luyện đủ 12 thức một lúc.
- Khi mới luyện, luyện từng thức một. Tỷ dụ hôm nay luyện thức thứ nhất. Ngày mai ôn lại thức thứ nhất, rồi luyện sang
thức thứ nhì. Ngày thứ ba ôn lại hai thức đầu rồi luyện thức thứ ba.
- Mỗi ngày luyện một hay hai lần.
- Trong toàn bộ tôi dùng chữ :
- Thổ nạp để chỉ thở hít hay hô hấp.
- Thổ (hô) để chỉ thở ra.
Còn gọi là thổ cố nạp tân (thở khí cũ ra, nạp khí mới vào).
- Nạp (hấp) để chỉ hít vào. Thổ nạp dài ngắn tùy ý, không bắt buộc.
- Dẫn khí, tức dùng ý dẫn khí, hay tưởng tượng dẫn khí theo hướng nhất định.
2. TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN LUYỆN
- Đang bị cảm, cúm, sốt.
- Bị thương các vết thương chưa đóng sẹo.
- Phụ nữ có thai từ 3 tháng trở đi (Phụ nữ đang cho con bú luyện rất tốt).
- Ăn no quá hay đói quá.
- Sau khi làm việc quá mệt.
3. TƯ THÚC DỰ BỊ LÚC MỚI LUYỆN
Đứng: thân ngay thẳng tự nhiên.
- Hai chân mở vừa tầm, rộng bằng hai vai,
- Gối, bàn chân tự nhiên, thẳng,
- Hai vai, tay buông thõng, hai bàn tay khép nhẹ,
- Mắt nhìn thẳng phía trước, không lưu ý vào hình, cảnh,
- Tiến hành toàn thân buông lỏng: Mắt đầu, cần cổ, hai vai, hai tay, ngực, lưng, bụng, đùi, chân...
Buông lỏng hay còn gọi là phóng túng, nghĩa là thả cho cơ thể tự do, không cố gắng, không chú ý, không suy nghĩ.
- Ý niệm: thần tĩnh, không suy nghĩ, không chú ý đến âm thanh, mầu sắc, nóng lạnh.
- Hơi thở bình thường. Đây là tư thức căn bản, lấy làm gốc khởi đầu cho nhiều thức. Tất cả các thức Dịch Cân kinh đều
là Lập thức (thức đứng). Không có Ngọa thức (thức nằm) và Tọa thức (thức ngồi).
4. HIỆU NĂNG
- Điều thông khí huyết,
- Tăng vệ khí,
- Ích tủy thiêm tinh,
- Kiên cân, ích cốt.
- Gia tăng chân-nguyên khí,
- Minh tâm, định thần,
- Giữ tuổi trẻ lâu dài.
- Gia tăng nội lực.
5. CHỦ TRỊ
- Có thể trị độc lập, hay phụ trợ cho việc trị bệnh bằng bất cứ khoa nào: Tây-y, Châm-cứu, Trung-dược v.v.
- Phục hồi sức khỏe sau khi trị bệnh:
Trị tất cả các bệnh khí: khí hư, bế khí, khí hãm.
Trị tất cả các bệnh về huyết: huyết hư, bần huyết.
Trị tất cả các chứng phong thấp.
Trị tất cả các bệnh về thần kinh.
Trị tất cả các bệnh tâm, phế.
6. THU CÔNG
Kính thưa Quý-vị
Kinh nghiệm giảng huấn Khí-công mà chúng tôi thu được :
- Dù tuổi trẻ, dù cao niên,
- Dù tư chất cực thông minh hay bình thường,
- Dù người mới tự luyện,
- Dù những vị Bác-sĩ thâm cứu Trung-y, dù các vị lương y,
- Dù các võ sư, hay huấn luyện viên võ thuật.
Sau khi tập ngoại công, luyện nội công, luyện khí công xong, thì chân khí nảy sinh. Chân khí nảy sinh, cần quy liễm lại, thì mới không bị chạy hỗn loạn. Vì vậy Quý-vị cần hướng dẫn cho thân chủ thu công. Đây là kinh nghiệm đặc biệt của chúng tôi, sau nhiều năm giảng dạy y học, võ học, thiền công và khí công. Phương pháp thu công, chúng tôi chép vào cuối tập tài liệu này.
Phần thứ ba: 12 Thức Dịch Cân kinh
Thức thứ nhất:Cung thủ đương hung (Chắp tay ngang ngực)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Tý tiền bình cử (hai tay đưa ngang về trước), hai tay duỗi thẳng, hai bàn tay từ từ úp vào nhau, rồi đưa lên tới vị trí ngang ngực. (H1).
1.2. Cung thủ hoàn bao (vòng tay khép lại): cùi chỏ từ từ co lại, cho đến khi hai cánh tay ép nhẹ vào thân. Hai bàn tay hướng thượng. Hai vai hạ xuống, xả khí trong lồng ngực. Xương sống buông lỏng. Khí trầm đơn điền. Lưỡi đưa sẽ chạm lên nóc vọng (palais). Giữ tư thức từ 10 phút đến một giờ, mắt như nhìn vào cõi hư vô, hoặc nhìn vào một vật thể thức xa. Cứ như vậy trong khoảng một thời gian nhất định, tâm trung cảm thấy thông sướng. Đó là cách thượng hư hạ thực.(H2).
2. HIỆU NĂNG
Trừ ưu, giải phiền,
Giao thông tâm thận.
3. CHỦ TRỊ
Mất trí nhớ, tim đập thất thường.
Dễ cáu giận,
Nóng nảy, thiếu kiên nhẫn,
Trong lòng lo sợ vô cớ,
Thận chủ thủy, tâm chủ hỏa. Khi tâm thận bất giao, tức thủy không chế được hỏa, sẽ sinh mất ngủ, mất trí nhớ. Thức
này có thể điều hòa tâm thận.
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ nhì: Lưỡng kiên hoành đản (Hai vai đánh ngang)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Án chưởng hành khí ( án tay, khí lưu thông), tiếp theo thức thứ nhất, hai bàn tay từ hợp rời nhau, úp xuống tới bụng, rồi đưa ra sau lưng (H3), đồng thời ý-khí theo bàn tay trầm đơn điền.
1.2. Lưỡng tý hoành đản ( hai tay ngang vai), hai tay từ từ đưa lên ngang vai, hai bàn tay hướng lên trời, mắt khép lại, dùng ý dẫn khí phân ra hai vai, bàn tay. Mắt từ từ mở ra. Lưỡi từ nóc vọng hạ xuống. Ý khí trên đầu, hông, đùi buông lỏng. Giữ tư thức càng lâu càng tốt.(H4)
2. HIỆU NĂNG
Tráng yêu, kiên thận (làm cho lưng mạnh lên, giữ thận chắc chắn.)
Xả hung lý khí ( làm cho lồng ngực mở ra, giữ khí điều hòa).
3. CHỦ TRỊ
Trị chứng yếu thắt lưng,
Bảo vệ thận,
Trị chứng uất kết lồng ngực (thần kinh),
Giữ toàn thể xương sống khi bị yếu (sau khi bệnh, tuổi già).
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ ba: Chưởng thác thiên môn (Hai tay mở lên trời)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Cử tý triển mục (nâng tay, phóng mắt) : đưa tay, mở mắt, tiếp theo thức thứ 2, hai tay đưa thẳng lên trời, hai lòng bàn tay đối nhau. Đồng thời ngửa mặt nhìn trời (H5). Giữ tư thức dài, ngắn tùy hoàn cảnh. Như nhìn trời lâu mỏi mắt, thì hai mắt khép nhỏ lại dùng ý dẫn khí, tưởng như dẫn thiên khí vào não, theo xương sống (Đốc-mạch) tới ngang thắt lưng (huyệt Mệnh-môn) rồi tỏa nạp sang thận .
1.2. Chưởng thác Thiên-môn (chưởng xuyên cửa trời) : chưởng thác thiên môn: Tiếp theo, ngửa hai bàn tay lên trời, các ngón hai bàn tay đối nhau. Lưỡi từ từ nâng lên. Mặt nhìn trời, hướng vào chân trời xa xa (H6). Luyện càng lâu càng tốt. Khi mắt mỏi, thì từ khép nhỏ lại, tưởng tượng nhìn thấy đôi mắt trời.
1.3. Phủ chưởng quán khí (úp chưởng thu khí) : tiếp theo thức trên, hai chưởng quay ngược hướng hạ. Hai cùi chỏ vòng như vòng cung. Đầu, cổ thẳng, mắt nhìn về trước, lưỡi hạ xuống (H7). Khi trở chưởng, ý niệm tưởng tượng thu được thiên khí, chuyển thẳng xuống ngang lưng; rồi lại thu thiên khí vào bàn tay nhập não (huyệt Bách-hội), qua hầu đưa tới hậu môn (huyệt Hội-âm).
Những vị bị huyết áp cao, thì dẫn khí từ hậu môn xuống lùi, rồi tỏa xuống bàn chân, đưa xuống đất.
1.4. Án chưởng tẩy tủy (án tay, tẩy tủy) : tiếp theo thức trên, hai tay từ từ hạ xuống tới bụng, rồi buông thõng (H3). Ý niệm khí từ não (huyệt Bách-hội) theo não, dọc xương sống (Đốc- mạch) xuống xương cụt, đùi, bắp chân, thoát ra bàn chân.
2. HIỆU NĂNG
Ích tủy kiên thận,
3. CHỦ TRỊ
Trị đau ngang lưng,
Đau phía sau vai,
Trị tất cả các bệnh phiền táo, cáu giận.
Nữ kinh nguyệt thất thường,
Nam khó khăn sinh lý,
Hay quên.
Trẻ con chậm lớn,
Thần kinh suy nhược.
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ tư: Trích tinh hoán đẩu (Với sao, đổi vị)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Chỉ thủ kích thiên (bàn tay chỉ trời) : tiếp theo thức trên, chưởng phải di chuyển tới vị trí ngang lưng, úp bàn tay vào sống ngang lưng (huyệt Lao-cung áp vào huyệt Mệnh-môn). Đồng thời tay trái đưa lên cao, chưởng mở rộng hướng sang phải . Lưỡi từ từ nâng cao. Mắt nhìn vào tay. (H8). Thức này phải buông lỏng cần cổ, dẫn khí từ não (huyệt Bách-hội) theo xương sống (Đốc-mạch tới huyệt Mệnh-môn).
1.2. Phủ chưởng quán khí (úp chưởng thu khí) : tiếp thức trên, chưởng trái hơi hạ xuống, đầu cổ ngay. Đỉnh lưỡi từ từ hạ xuống. Hai mắt nhìn thẳng, hơi khép lại. (H9). Ý niệm khí từ lưng bàn tay trái thoát ra.
1.3. Án chưởng tẩy tủy (giữ bàn tay, tẩy tủy) : tiếp theo thức trên, tay trái từ từ hạ xuống ngực, bụng (H10). Ý niệm như trên.
2. HIỆU NĂNG
Điều lý tỳ vị (điều hòa khí tỳ vị).
3. CHỦ TRỊ
Trị tất cả các bệnh tỳ vị, ruột.
Trị các bệnh vai, cổ, lưng.
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ năm: Trắc sưu cửu ngưu vỹ (Nghiêng mình tìm đuôi trâu)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Cung bộ quan chưởng (bước khom, quay chưởng) : đổi tư thức , hai bàn tay nắm nhẹ, đưa ra sau lưng, chưởng tâm hướng thượng. Chân trái bước về trước một bước, gối khom xuống hình cung, đồng thời tay trái đưa lên ngang với đầu đỉnh, chưởng tâm hướng nội. Trong thức này, mắt nhìn vào chưởng trái. Tay phải hơi đưa về sau. Hô hấp tự nhiên, lưỡi đưa lên trên.
(H11). Đổi thức, phải, trái giống nhau, duy phương hướng khác biệt.
1.2. Thanh hư tẩy tủy ( buông lỏng tẩy tủy) : vẫn tư thức trên, hai chưởng mở ra buông lỏng, đỉnh lưỡi hướng thượng, mắt khép nhẹ. Dùng ý dẫn khí từ bàn tay (Huyệt Lao-cung) đưa khí vào thân, hàm, răng, nhập não (Huyệt Bách-hội), rồi đưa theo xương sống (Đốc-mạch) xuống đùi, chân, bàn chân (Huyệt Dũng-tuyền).
(H12). Đổi thức, phải, trái giống nhau, duy phương hướng khác biệt
(3) Tiếp cốt tẩy tủy (thấm xương tẩy tủy), tiếp thức trên. Chân trái thu hồi, cùng chân phải song song. Hai tay cũng thu hồi, buông thõng bên hông, rồi từ từ đưa lên cao như phần (3) và (4) thức thứ ba.
2. HIỆU NĂNG
Cường kiên tứ chi,
Ích tủy, trợ dương.
3. CHỦ TRỊ
Tất cả các chứng đau nhức tứ chi,
Đau ngang lưng,
Dương ủy (Impuissances sexuelles)
Di, mộng tinh.
Nữ lãnh cảm,
Tất cả các bệnh thời kỳ mãn kinh.
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ sáu: Xuất trảo lượng phiên (Xuất móng khuất thân)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Quật quyền liệt yêu ( móc quyền chuyển lưng) : tiếp theo thức trên, gập người về trước 90 độ. Hai tay tự nhiên buông thõng. Mắt nhìn thẳng về trước. Sau đó từ quyền biến ra chưởng (bàn tay mở ra), rồi người từ từ thẳng dậy, hai cánh tay ép nhẹ vào thân, bàn tay hướng thượng.
(H13). Khi người gập xuống thì Thổ. Lúc người thẳng dậy thì Nạp.
1.2. Lưỡng chưởng tiền thôi (đẩy hai chưởng về trước), tiếp theo thức trên, hai tay do quyền biến chưởng, từ từ đẩy về trước, chưởng tâm hướng về trước. Hai cánh tay thẳng ngang với vai. Hai mắt nhìn về trước. (H14).
1.3. Hấp khí hồi thu ( hít khí, trở lại bình thường), tiếp thức trên, bàn tay buông lỏng, cùi chỏ gập, hai tay từ từ thu lại, đưa ngang lưng, Nạp khí.
Nếu sức yếu, hoặc tuổi cao thì chỉ luyện một lần. Còn như thanh tráng niên muốn tăng cường thể lực có thể tiếp tục: hai tay đưa lên, chưởng tâm hướng thượng Thổ ra rồi hạ xuống Nạp vào. Luyện liền 7 lần.
2. HIỆU NĂNG
Bổ tinh ích thận,
Dưỡng tâm kiên phế,
3. CHỦ TRỊ
Trị tất cả các bệnh tâm, phế, thận mãn tính. Trị các bệnh cườm tay.
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ bảy: Bạt mã đao thế (Cỡi ngựa vung đao)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Định thân bối kiến ( đứng vững, nhận lưng) : trở lại tư thức dự bị lúc đầu. Tay phải đưa ra lưng, xương sống nơi ngang thắt lưng (huyệt Mệnh-môn), chưởng tâm quay về sau (tức lưng bàn tay áp vào xương sống). Đồng thời tay trái cử cao hơn đầu. Co cùi chỏ lại, tay úp vào gáy, ngón tay ép lên tai phải. Chưởng tâm hướng về trước. Sau khi đạt thức rồi, đầu đỉnh, sống lưng đồng thời nghiêng phải , mắt nhìn vào ngón chân.
(H15). Đỉnh lưỡi đưa lên. Đổi, phải trái cùng thức, duy phương hướng khác nhau.
1.2. Đầu trắc thượng quan ( đầu nghiêng, nhìn lên) : tiếp thức trên. Thân trở về chính vị. Nghiêng đầu, nhìn lên, hai mắt hướng về phương xa.
(H16). Đổi, phải trái cùng thức, duy hướng trái ngược nhau.
2. HIỆU NĂNG
Làm mạnh, làm chắc chắn lưng bụng, lồng ngực, cùng cổ.
3. CHỦ TRỊ
Trị tất cả các bệnh bụng, lưng, ngực, cổ,
Bàn tọa, ngang lưng.
4. NGUYÊN BẢN
Hình cổ bị mờ, bỏ qua, vì không cần thiết. Tuy nhiên nguyên bản vẫn còn đủ:
Thức thứ tám: Tam thứ lạc địa (Ba lần xuống đất)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Hạ án tẩy tủy (án phía dưới, tẩy tủy) : tư thức như dự thức đầu. Hai tay từ từ cử lên trên, chưởng tâm hướng thượng tới đầu đỉnh. Hai chưởng tâm đối nhau, đồng thời ngước mắt nhìn trời. Hai mắt nhìn về phía vô tận của bầu trời. Lưỡi đưa lên cao. Sau đó đầu cổ thẳng, úp chưởng hướng trở xuốngï, rồi hạ tay xuống ngang bụng.
(H17). Ý niệm "Chưởng thác thiên môn" như đệ tam thức.
1.2. Mã bộ tồn án (xoạc chân trên lưng ngựa) : tiếp thức trên, gập gối như ngồi trên lưng ngựa, đồng thời hai tay phân hướng hai bên thân, các đầu ngón tay hướng ngoại. Đó là thức mã bộ, mắt nhìn về trước. Lồng ngực, lưng, đùi như mở ra thành thức thượng hư hạ thực. (H18).
1.3. Chưởng thác thiên cân (chưởng đẩy nghìn cân) : tiếp theo thức trên. Hai chân đang xoạc, thu hẹp lại. Hấp khí. đỉnh lưỡi hướng trời. Đồng thời hai chưởng hướng thượng như đẩy vào một vật nặng nghìn cân, khi tới ngang vai thì đưa hai tay thành vị trí với vai thành đường thẳng. Hô khí. Hai bàn tay hướng lên trời. Giữ nguyên tư thức, một thời gian. Kế tiếp hai tay hạ xuống, gối gập như ngồi trên yên ngựa. Hai tay ép sát người, bàn tay hướng ngoại. Hô khí. Luyện liền ba thức
(H19). Những người huyết áp cao, hay thấp khi luyện thức này phải rất khoan thai. Thanh tráng niên trái lại luyện với tốc độ nhanh.
1.4. Hạ án tẩy thủy (án dưới tẩy tủy) : sau khi hoàn thành thức cuối thì , đứng thẳng dậy, hai tay từ từ đưa ngang đầu, chưởng tâm đối nhau, nghiêng đầu nhìn ra xa, đỉnh lưỡi nâng cao. Đầu cổ thẳng, hai tay hạ xuống ngang bụng như thức thứ 8 (H17).
2. HIỆU NĂNG
Bồi bổ nguyên khí,
Cường kiên cân lực, (làm mạnh, làm gân chắc chắn).
3. CHỦ TRỊ
Trị lưng đau,
Dương ủy (bất lực sinh lý).
Các bệnh về chân.
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ chín:Thanh-long thám trảo (Rồng xanh dương vuốt)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Khuất quyền liệt yêu (gập quyền, xuyên lưng) : như thức thứ 6, Xuất trảo lượng phiên và Khuất quyền liệt yêu. (H13).1.2.Khất thân thám chưởng (nhiêng mình xuất chưởng) : quyền phải đưa ra sau lưng (huyệt Mệnh-môn). Quyền trái đưa lên khỏi đầu. Lưng, đầu từ từ nghiêng qua phải. Tay trái vòng qua đỉnh đầu nghiêng theo, tay phải tự nhiên bị vòng ra phía hông. Sau đó toàn thân chuyển sang phải, trong khi hai chân giữ nguyên vị trí. Mắt nhìn đầu bàn tay trái.(H20). Đổi hướng phải trái giống nhau, duy phương hướng khác nhau.
1.3. huất thân quá mạch (hạ thân dưới gối) : quyền phải áp vào giữa sống lưng, gập gối, xoạc chân. Chưởng tâm trái hướng thượng, lưng bàn tay cách mặt đất khoảng 10 cm, chuyển tay song song với mặt đất từ bên phải sang phía chân trái. Tay phải từ quyền biến thành chưởng đưa xuống thấp. Thân thể do nghiêng chuyển sang ngay, song chưởng đưa ra hai bên đùi.
(H21). Đổi hướng phải, trái giống nhau, duy phương hướng khác nhau.
1.4. Tiếp cốt tẩy thủy : giống như thức thứ 5.
2. HIỆU NĂNG
Cường yêu kiên thận (làm mạnh lưng, kiên cố thận).
3. CHỦ TRỊ
Trị tất cả các bệnh đau xương sống kinh niên.
Trị các bệnh về thận: Yếu sinh lý, hay quên, răng lung lay,
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ mười: Ngoạ hổ phốc thực (Cọp đói vồ mồi)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Hổ cứ thâm sơn (hổ ngồi trong rừng sâu) : khởi từ dự bị thức. Hơi cúi về trước, hai bàn tay khum khum thành quyền đưa về trước. Quyền tâm hướng thượng. Tới ngang với ngực, chưởng tâm hướng nội, gối hơi khum lại.1.2. Cung bộ tiền phó (khum người hướng trước) : chân trái bước về trước một bước, khum lại, đồng thời hai tay đưa thẳng về trước, hai bàn tay như móng cọp. (H22-1-2). Hai mắt nhìn vào song chưởng, miệng gầm thành tiếng "Huồm" như cọp gầm.
Kế tiếp, hai bàn tay án ở hai bên chân trái, lồng ngực xả khí, đầu ngước lên, mắt nhìn thẳng (H22-3).
Hai chân bất động, đứng dậy, hai tay nắm thành quyền song song ngang hông (H22-4-5).
Đổi hướng, phải trái giống nhau, duy phương hướng khác nhau.
1.3. Tiếp cốt tẩy tủy, xem thức thứ 5, phần Tiếp cốt tẩy tủy.
2. HIỆU NĂNG
Cường yêu tráng thận.
3. CHỦ TRỊ
Trị thận hư bất túc.
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ mười một: Hoành chưởng kích cổ (Vung tay đánh trống)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Thủ bão hậu não (tay ôm sau óc) : khởi từ thế dự bị. Hai tay từ hai bên thân từ từ đưa lên qua đầu, ngước mặt nhìn trời. Kế tiếp gập cùi chỏ, hai tay tới mang tai, rồi vòng hai bàn tay án lên hai tai. (H23-1-2).
1.2. Hoành chưởng kích cổ, Thân cúi dần về trước, đầu cúi tới gối, gối khum khum về trước. Các ngón tay nhè nhẹ ép vào sau gáy. Luyện liền 36 thức. (H24).
1.3. Lưỡng biên yên tiếu (hai bên mỉm cười) : từ từ ngay người lại. Vặn người sang phải, trái 7 lần, miệng nở nụ cười. Hai chân giữ nguyên vị thế. (H25-1-2).
1.4. Đề cước thượng thứ (dùng gót đâm lên) : thức trên luyện xong, đứng thẳng người, hai chân chụm lại. Hai tay buông não ra, từ đưa thẳng lên cao. Chưởng tâm hướng lên trời. Hai đầu bàn tay chĩa vào nhau. Hấp khí. (H26).
1.5. Phủ chưởng quán khí, xem thức thứ 3, Chưởng thác Thiên-môn và Phủ chưởng quán khí.
1.6. Án chưởng tẩy tủy, xem thức thứ 3 Chưởng thác Thiên-môn và Án chưởng tẩy tủy.
2. HIỆU NĂNG
Tỉnh não, thông nhĩ,
Xả bối cường yêu (Xả sống lưng, mạnh lưng)
3. CHỦ TRỊ
Trị nhức đầu, tai điếc, tai kêu, đau vai, lưng đau.
4. NGUYÊN BẢN
Thức thứ mười hai: Đề chủng hợp chưởng (Đưa gót hợp chưởng)
1. ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
1.1. Từ thức dự bị, hai tay cạnh người, từ từ đưa lên cao, chưởng tâm hướng thượng, tới đầu đỉnh thì hai chưởng hợp nhau, chân giữ nguyên vị trí. (H27).1.2. Phủ ngưỡng điệu vỹ (Cúi, ngửa hợp với đuôi) : Tiếp theo thức trên, hai châm khum xuống, hai tay hạ xuống ngực. (H28-1).
Hai bàn tay úp vào nhau. Chưởng tâm hướng ngực. (H28-2).
Gối gập, lưng hạ xuống, hai bàn tay mở ra, chấm xuống đất ở hai mắt cá ngoài. (H28-3).
Sau đó thẳng lưng, hai tay đưa qua đầu, bàn tay đưa lên, chưởng tâm hướng trời, mười đầu ngón tay đối nhau. (H28-4).
Luyện liền 3-5 thức.
1.3. Tả hữu phủ ngưỡng (phải, trái cúi, ngửa) : tiếp theo thức trên. Chân bất động. Lưng chuyển sang trái. Chân trái hư (không dùng sức nặng thân), chân phải thực (chuyển sức nặng thân lên chân phải). Hai tay giữ nguyên đầu ngón tay đối nhau. Mặt đối nhìn vào chân trái. (H29-1).
Chân giữ nguyên vị trí. Thân thẳng đậy, song chưởng cử quá đầu. Chưởng tâm triều thượng. Đầu các ngón tay đối nhau. (H29-2).
Lưng quay 180 độ . (H29-3).
Giữ nguyên vị trí. Cung thân, từ từ cúi xuống 90 độ,
hai tay rời nhau, bàn tay xòe đối diện với mặt đất. (H29-4).
Luyện liền (1) (2) (3) 3-5 thức.
1.4. Tiếp theo thức trên, hồi thân trở lại chính hướng. Hai tay từ từ hợp lại trước ngực, mười ngón tay đối nhau, chưởng tâm hướng hạ. Khi hai chưởng xuống ngang rốn, thì rời nhau, trở về vị trí như dự bị thức.
1.5. Thức kết thúc : Buông lỏng hoàn toàn cơ thể.
- Hoặc nghỉ, uống một ly nước trái cây, (dành cho việc trị bệnh)
- Hoặc vận khí một vòng Tiểu Chu-thiên, hoặc Thu công (dành cho các thầy thuốc châm cứu, các thầy thuốc đấm bóp, võ sư, võ sinh,).
2. HIỆU NĂNG
Cường cân tráng cốt (mạnh gân, xương).
Bổ thận, thêm tủy.
Điều khí hoạt huyết.
3. CHỦ TRỊ
Trị các bệnh về xương sống.
Làm lưu thông máu,
Làm khí điều hòa.
4. NGUYÊN BẢN
Phần thứ tư: Tổng kết
Thưa Quý Đồng-nghiệp,
Quý vị vừa nghe chúng tôi trình bày phương pháp luyện Dịch Cân kinh. Quý vị cũng xừa xem Bác-sĩ Trần Huỳnh Huệ biểu diễn các động tác. Sau đây tôi xin có đôi lời cuối cùng:
1.- Khi Quý-vị đem giảng cho thân chủ, chắc chắn Quý-vị sẽ gặp những người từng luyện bản Dịch Cân Tẩy Tủy kinh này. Tuy nhiên những động tác có khác. Lý do, có thể họ học ở các Võ-sư, mà bản chất của các Võ-sư là luyện lực. Quý vị cần phân tích cho họ biết cái khác nhau. Cũng có thể Quý-vị sẽ gặp những người luyện phải bản bịa đặt.
2.- Những động tác mà chúng tôi trình bày trong bài này, chỉ có tính cách tượng trưng, không nhất thuyết phải giữ vị trí này hay vị trí nọ.
3.- Khi mới luyện thì mỗi ngày chỉ luyện một lần, mỗi lần một thức. Sau khi đã quen rồi, thì cũng mỗi ngày một lần, mỗi lần nhiều thức.
4.- Cổ nhân nói: Văn ôn, võ luyện, quý dĩ chuyên. Nghĩa là học văn thì phải ôn nhiều lần; luyện võ thì cần chuyên. Muốn có kết quả thì ngày nào cũng phải luyện.
5.- Một yếu tố quan trọng, sau khi luyện phải thu công. Không thu công thì khí sẽ chạy hỗn loạn. Cảm ơn Quý-vị đã chú ý theo dõi.
Cảm ơn nữ Bác-sĩ Trần Huỳnh Huệ, giám đốc Espace Qi Gong đã biểu diễn mẫu.
Trân trọng kính chào Quý-vị.
Trần Đại-Sỹ
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top