7
"Bên bờ vực thẳm
Đêm đêm ôm con vào lòng mà nghe tim mình nát tan. Tôi thấy tôi vô cùng có lỗi với con tôi khi mà tôi không chọn được cho nó một người cha đúng nghĩa. Trong đầu ngổn ngang với câu hỏi “ly dị hay không ly dị?” Tôi nghĩ tới tuổi thơ cơ cực của tôi phải ở trọ xa má tôi, không có tình thương, cuộc đời chỉ toàn nước mắt, học khôn qua tiếng la mắng của người khác, luôn phải nhìn vào sắc mặt của người khác mà sống.
Tôi đã cố vượt qua những nhọc nhằn để kiếm được tấm bằng cấp mong rằng sẽ thay đổi được số phận cho con tôi mai nầy không phải khổ như tôi. Tôi mong có được người chồng biết yêu thương tôi để bù lại quãng đời tôi đã “mồ côi”.
Giờ đây dẫu là một gia đình tan nát, nhưng dù sao đó cũng là một cái vỏ bọc cho tôi bám víu để tôi tự huyễn hoặc rằng tôi cũng có một gia đình. Nếu tôi buông tay thì tất cả ước mơ của cả một đời khốn khổ về một mái ấm gia đình (dẫu chỉ là cái bề ngoài mong manh để tự lừa dối mình) cũng sẽ vỡ vụn, tan nát.
Đứa con của tôi cũng là một báu vật đối với tôi vì tôi phải đổi cả cuộc đời của mình để có được. Tôi không thể để cho con tôi thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Con tôi không thể sống cù bơ cù bất như tôi ngày xưa.
Tôi nghĩ tới anh. Tôi nghĩ tới ba má tôi và cả ba má anh sẽ bị tiếng đời dị nghị khi con mình ly dị.
Một đêm nọ tôi hỏi con tôi:”Nếu ba má không sống chung với nhau nữa thì con ở với ai?” Con tôi thỏ thẻ:”Con ở với má”. Rồi ngừng một chút nó nói tiếp:”Mà thôi, ở với người nầy thì không có người kia. Hổng ở với ai hết cho huề đi”. Nước mắt tôi rơi trong đêm tối. Tôi cố nuốt tiếng nấc vào trong cho con tôi không nghe thấy. Nhiều đêm nước mắt tôi vẫn rơi lặng thầm. Tôi không muốn trí óc non nớt của con tôi sẽ nặng lòng, nhất là tôi không muốn anh thấy những giọt nước mắt “hèn nhát” của tôi rồi báo về Bộ Tổng Tham Mưu khiến họ đắc thắng mà hành hạ tôi thêm. Tôi lại nghĩ đến tương lai đen tối của con tôi nếu ba má nó ly hôn như những đứa con của nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự như tôi đã từng biết. Trong đầu tôi ngổn ngang với muôn ngàn câu hỏi. Tôi thấy khiếp sợ nếu như con tôi có bề nào. Thôi thì vì con, tôi sẽ cố gắng lê lết cuộc đời mình thêm phút nào hay phút ấy cho con tôi có được đầy đủ cha mẹ, mà tôi không ngờ rằng cái không khí gia đình đang giết lần giết mòn con tôi và dần dần biến nó thành cậu bé “tự kỷ”.
Trong lúc tôi ruột gan tôi rối bời thì anh khóc như mưa vì nhớ “thằng vợ”. Anh than khóc với tôi rằng anh nhớ nhung như thế nào. Ôi trời tôi tưởng như mình có con gái đang tuổi mới biết yêu. Anh vật vã bỏ ăn bỏ uống như mấy người đang cấn thai vậy. Nhờ anh mà lần đầu tiên tôi mới biết tình yêu ở lứa tuổi dậy thì là như thế nào.
Nhớ nhung là vậy. Nhưng trong lúc tạm xa vắng, anh “cải thiện” bằng cách kêu mấy người đấm bóp dạo vô nhà, mở nhạc du dương nhè nhẹ, ánh sáng mờ ảo.....anh nhắm mắt lại hưởng thụ những màn vuốt ve đến rợn người. Tôi nhìn thấy rồi bỗng thắc mắc, có phải chăng tôi đã trở thành một bà tài pán trong một động nào đó! Rồi tôi nhớ tới trước kia khi anh đã ngủ riêng từng có lần tôi ôm anh thì được anh “tặng” cho tôi một đạp làm tôi thấy thật nhục nhã.
Trong “tình yêu” thì anh yếu đuối như vậy, nhưng với tôi thì anh rất mạnh mẽ trong chuyện sai khiến với thái độ rất là kẻ cả vì lúc nầy hai thành viên kia của Bộ Tổng Tham Mưu thường xuyên liên lạc với “Thiên Lôi bụp đâu chết đó” là anh để tung ra một chiến dịch tấn công tôi ráo riết hơn, bạo liệt hơn chuẩn bị dọn đường cho công cuộc ly dị. Tổng Tham Mưu Trưởng cô Ba đã dày công soạn thảo một bức tâm thư dày cộm đến hơn chục trang giấy học trò. Trong đó có phân tích rõ tại sao phải ly dị, lý do là tôi không thần phục nhà chồng, quá hỗn hào với mẹ chồng và cô Ba, không coi chồng ra gì.
Sau cùng vị Tổng Tham Mưu Trưởng kết luận một câu xanh dờn rằng:”Anh ly dị đi ! Em sẽ bên cạnh anh để Thanh Bạch mãi mãi trong lòng quần chúng.(.....) Anh nghe lời em đi! Đạo diễn nầy không có dở đâu.” Quao! Bây giờ ngẫm lại thấy cô Ba nói rất chính xác: từ khi ly dị tới nay là 13 năm, thấy anh chưa bao giờ chìm. Càng ngày càng khởi sắc, càng ngày càng nổi bần bật; nổi nhất là trong cách ăn mặc.
Trong thư Tổng Tham Mưu cô Ba còn phân tích thêm cho anh rằng anh già và xấu hơn “thằng chị dâu” nên về dài lâu sẽ không bền vì sự chênh lệch ngày càng xa sợ “thằng chị dâu” sẽ bỏ anh mà đi. Cô Ba cũng nhắc anh nên tạm thời đừng liên lạc với “thằng vợ”, nếu không thì bà Hương sẽ cho người rình rập để bắt quả tang rồi bả rêu rao thì khó ly dị.
Lá thư đó đến bây giờ tôi vẫn còn giữ như một “báu vật”, từ năm 1997 đến nay đã gần 1/4 thế kỷ. Có lần cậu em rể nhà anh nói với tôi rằng:”Chị Ba nói nếu như bà Hương kêu tao lạy bả một trăm lạy để bả đốt lá thư đó tao cũng lạy nữa. Thôi chị Hai đốt đi chị Hai”. Tôi bảo:”Không ai có phước như chị có được cô em chồng quý hoá soạn ra một công trình có giá trị như vậy. Một trăm lạy của cô Ba có là gì mà đổi được bức thứ đó?!” Nhân đây tôi sẽ post lại bút tích của cô Ba để nếu có dịp cô Ba sẽ xem lại một tác phẩm mà cô Ba đã dày công xây dựng.
Tuy mọi việc rối ren là vậy, nhưng tôi và anh vẫn đi diễn. Nếu trước kia tôi lý tưởng hoá về cái nghề của tôi, coi đó như một cách để tôi nói lên quan điểm công dân của mình, rằng với tôi con đường nghệ thuật mà tôi chọn như một cách để tôi tu thân. Nhưng với tình cảnh hiện tại thì tôi chỉ coi như đó chỉ là một cách kiếm cơm lương thiện nhất.
Mỗi ngày tôi vẫn cơm bưng nước rót. Vẫn phải làm những công việc như một con trâu kéo cày. Nhưng đã là con trâu thì có cày kiểu gì cũng bị đòn roi. Một hôm anh bảo tôi đi với anh đến một công ty nọ để bàn bạc thương lượng hợp đồng. Anh kêu tôi đi cùng vì “em nói năng có duyên, thông minh nên dễ thành công”. Lâu lâu được anh khen nên tôi nghe hồn vía như bềnh bồng lên mây. Có lẽ lúc đó cái hộc môn ngu lâu của tôi tiết ra nên tôi hăm hở đi theo anh. Buổi ký hợp đồng diễn ra trong không khí vui vẻ có tôi góp phần. Hợp đồng cũng được ký. Vừa quay lưng ra thì mặt anh bỗng tối sầm xuống. Tôi không hỏi anh lý do. Anh lầm lỳ chạy xe. Đi được một đoạn anh nói:”Người sang không bao giờ nói nhiều. Sao em nói nhiều quá. Nói như em không có sang.” Tôi như miễn nhiễm trước tình trạng trái gió trở trời như đàn bà trong giai đoạn tiền mãn kinh của anh. Hình như được bà độ, tôi trả lời tỉnh bơ:”Anh à, thế gian nầy người sang ít lắm. Cần phải phân phối đều cho mọi người. Nhà mình có hai người mà sang hết thì ai chịu nổi?!”
Không biết tự bao giờ tôi thấy rằng tôi hay quên một cách khủng khiếp, lên sân khấu diễn những tiết mục đã quá quen thuộc nhưng đang nói nửa câu trước đã không biết nửa câu sau tôi phải nói gì. May mà tôi vẫn nhớ ra kịp lúc. Đồng thời đầu tôi thường xuyên đau như búa bổ. Những cơn nhức đầu như tiếng búa nện vô đầu từ mọi góc mọi hướng. Kèm theo đó là cái cảm giác nóng như sôi trong óc và cái sọ như có ai lấy miếng cước chùi nồi xát vào đó từng hồi liên tục. Tánh tình thì nóng nảy bất thường. Bệnh trạng của tôi may là được một người bạn bác sĩ phát hiện và dẫn tôi đi bác sĩ tâm thần. Bác sĩ cho toa mua thuốc, kết luận bệnh đã rất nặng.
Tôi nói lại với anh về tình hình sức khoẻ tồi tệ của tôi và nói với anh rằng bác sĩ nói nếu như tình trạng nầy vẫn tiếp tục thì có thể tôi sẽ trở thành người điên. Tôi tha thiết năn nỉ anh mong rằng anh và gia đình anh hãy bớt khủng bố tôi để tôi còn có thể sống để lo cho con tôi. Nếu như tôi phát điên mà anh không bắt được tôi đưa vô nhà thương điên thì biết đâu tôi sẽ xé quần áo đi rong ngòai đường nói nhảm những chuyện tệ hại của anh và gia đình anh làm cho tôi thân tàn ma dại thì gia đình anh sẽ bị mang tiếng. Thôi thì coi như anh cứu một mạng người vừa giữ tiếng tốt cho gia đình. Vậy mà anh lạnh lùng như nghe tin con chuột bị xe cán chết rồi anh vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của Bộ Tổng Tham Mưu đề ra.
Uống thuốc được ba năm nhưng bệnh tình càng nặng hơn vì tình hình chiến sự vẫn tiếp tục, vùng vịnh vẫn bị dội bom thê thảm. Tôi bỏ thuốc không uống nữa. Tôi lại năn nỉ anh. Tôi nói rằng bây giờ bệnh đã quá nặng. Nếu như tôi và anh không ly dị được và nếu sau nầy anh chết trước tôi thì xin anh hãy chừa cho tôi vài giọt nước mắt để khóc tiễn biệt anh. Trong đám tang không phải người ta lấy nước mắt để đo tình cảm của người thân. Nhưng nếu người chồng chết mà người vợ ráo hoảnh không một giọt nước mắt thì mọi người sẽ đặt dấu hỏi to tướng về người chồng đã đối xử với vợ như thế nào. Nhìn nét mặt lạnh tanh của anh lòng tôi tan nát. Tôi chẳng còn chút hy vọng nào. Và tôi lại đem hết sức tàn ra chiến đấu với cối xay gió.
Chú thích: Bên dưới phần bình luận là bút tích của Tổng Tham Mưu cô Ba.
(Còn tiếp)"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top