Tùng - 14

Đêm đã muộn. Những lối đi bên trong tòa chung cư chỉ được chiếu sáng mờ mờ. Chẳng vội vàng gì, ông tôi đưa chìa vào ổ khóa, mở toang hai cánh cửa nhà chúng tôi. Rồi ông cúi xuống, nhọc nhằn ôm lấy hàng bao nhiêu bó hoa to ông đặt tạm trên nền đất. Khó khăn thế có lẽ là do tuổi già - hay vì ông thấy mình đã sống đủ, đã đến lúc xứng đáng được nghỉ ngơi.

Giữ nguyên vẻ khó nhọc, ông lại đặt mấy bó hoa xuống sàn nhà, nói nhỏ bảo tôi đi vào cho ông khóa cửa và tìm chỗ nào tử tế để đặt chúng. Tôi biết điều, cũng bước vào nhà, trên tay khệ nệ hàng đống hoa. Đám hoa hồng to và nặng ấy chẳng khác gì một bụi cây gai bọc trong giấy màu, nặng tới mức tôi phải hơi ngả ra sau mới giữ nổi thăng bằng. Tất cả số hoa này đều là khán giả tặng cho tổng đạo diễn và nam chính - hai trong số những con người chủ chốt của vở kịch này, những con người được nhớ đến, ca ngợi nhất. Chúng chẳng thể dùng làm gì ngoài trang trí, nhưng dù sao cũng là tấm lòng của biết bao nhiêu người, và đẹp đến mức bỏ đi là phí lắm. Thế nên tất nhiên, hai ông cháu phải vác chúng về nhà mà thôi.

Cổng nhà vừa khóa chặt lại, ông liền đi ngay vào phòng riêng, đóng cửa im ỉm. Mệt lử người, tôi chẳng vội dọn dẹp làm gì, ra tựa người vào cửa kính ban công ngắm nhìn màn đêm thành phố. Qua lớp kính trong vắt không tì vết, Hà Nội về đêm đẹp ngỡ ngàng. Ở độ cao này, cái nhộn nhịp ngay cả khi đêm đã xuống của cuộc đời chẳng thể chạm đến tôi, im lặng cứ thế trải dài tứ phía xung quanh. Càng nhìn lên cao thăm thẳm, bầu trời càng đen kịt lại, dấu hiệu cho nhân gian hay biết rằng đây là lúc để nghỉ ngơi. Nhưng từ phía dưới, những ánh đèn cao áp vàng rực trải dài ngút tầm mắt thay thế những ngôi sao và cả ánh dương, rọi sáng chói cả đường chân trời, gắng hết sức mình thắp sáng lên cuộc sống về đêm trên toàn thành phố. Bao con người sinh nhai trên mảnh đất Hà Nội này cũng vậy, bất kể ngày đêm đều chẳng ngừng làm việc, không ngừng ước mơ. Với tất cả những ưu đãi trời và người dành cho mảnh đất kinh kì này, biết bao người đã mang trong lòng khát vọng và lòng tham đủ lớn để thúc giục họ sống một cuộc đời mà mình bắt buộc phải lăn lộn và tiến lên vội vàng.

Tôi điểm lại gương mặt của tất cả những người tôi quen biết nơi đây.

Lê. Phong. Mai. Quỳnh. Ly. Nhiều người nữa. Ông. Và chính bản thân mình.

Có ai là chưa từng vội vã?

Chẳng mấy khi đời tôi trầm lắng như lúc này. Và tôi biết rằng mình nên thế.

Hà Nội, không vội được đâu.

Tôi thở dài như một ông già, rồi đứng lên dọn dẹp. Xả nước đầy những bình, lọ, tôi cắm vào mỗi lọ một bó hoa, kiếm cho mỗi bình hoa một góc nhà để chúng duyên dáng khoe mình. Cái mùi hương đậm đà đặc trưng với một chút chát nhẹ khoan khoái của hoa hồng khẽ lướt qua cánh mũi tôi. Thương thay một đời hoa, đẹp và thơm đến mấy cũng chỉ là thứ tiêu khiển trong tay con người suốt cuộc đời ngắn ngủi.

Ít ra thì tôi sẽ tử tế với chúng. Tôi sẽ chẳng bắt chúng phải sống lay lắt rồi úa tàn trong vô dụng.

Cánh hoa hồng hiện rõ một màu xanh dưới ánh sáng lé loi trong đêm. Thứ độc dược màu lam hoàn hảo dành cho dị mộng của tôi.

__________

Ngày hôm sau là một ngày vui thực sự. Nắng thu nhẹ và thanh. Từ sớm, tin tức về vở kịch thành công đã ngập đầy mặt báo. Trong trường, ai cũng nói tới sự kiện ngày hôm qua, cũng chúc mừng tôi, ban tổ chức và câu lạc bộ vì vở kịch thành công rực rỡ. Tôi gửi thầy chủ nhiệm đơn xin nghỉ học cả tuần vì "gia đình có việc bận". Nhân tiện, chữ kí của phụ huynh là hàng giả. Buổi chiều, ngoài giờ học, tôi và Lê được triệu hồi lên phòng sinh hoạt câu lạc bộ. Ở đó, sau những thủ tục nhanh gọn, cả hai người chúng tôi được câu lạc bộ chính thức kết nạp làm thành viên. Ngay khi cuộc họp vừa xong, bữa liên hoan bắt đầu, Lê nhào đến, ôm chầm lấy tôi, vòng tay xiết chặt trong hạnh phúc và tự hào. Ấm lòng vì Lê, tôi cũng đáp lại bằng một cái ôm thật dài y như thế.

Đêm xuống, và kết thúc của mọi chuyện bắt đầu.

Tôi giả vờ đi ngủ, thừa biết rằng ông sẽ ngủ muộn hơn tôi. Người tôi không tránh khỏi bồn chồn, chân tay bủn rủn; có lẽ ngủ một chút bây giờ cũng tốt. Nhưng tôi cứ trằn trọc mãi chẳng vào giấc được. Tôi thừa nhận mình chẳng tốt lành gì, nhưng cũng chẳng ác ôn đến mức trước khi gây ra tội lỗi tày trời như thế, tôi vẫn có thể đánh một giấc ngon lành như thể không có chuyện gì xảy ra.

Tôi vừa thiếp đi chưa được bao lâu, đồng hồ báo thức đã gọi tôi dậy lúc hai giờ sáng. Nhà cửa im lặng như tờ, đèn tắt hết. Ông đã ngủ. Đầu óc tôi cũng tối đen, trống rỗng, chẳng còn lại gì ngoài chữ "hận". Tôi khẽ nhắc lại trong đầu những tội ác trùng trùng điệp điệp của lão già, lòng lăn tăn một nỗi kinh sợ, nhưng điều đó chẳng thấm thía gì so với quyết tâm đẩy bước chân mình tiến về phía trước. Rồi, nhẹ nhàng như thể loài mèo, tôi khẽ mở cửa, bước vào phòng ông. Ông không những ngủ, mà còn ngủ rất ngon. Ngủ say tới mức chẳng còn biết trời trăng gì.

Hoàn hảo đấy.

Tôi đi một vòng kiểm tra tất cả các cửa sổ, khóa chúng chặt tới mức không thể nào chặt hơn, rồi lại nhẹ nhàng bước ra ngoài. Và khi tôi quay trở lại, hai cánh tay tôi đã ôm một lọ hoa hồng. Đặt nó thật gọn trong một góc phòng, hai bàn tay tôi cứ run lên; nhưng tôi lại tự nhủ dù thế nào cũng không được để nước sánh ra ngoài, và phải tránh đặt chúng lung tung. Ban đêm trong nhà đã tối, bật đèn lúc này là điều cấm kị, đi lại khó khăn, tôi mà va phải lọ hoa, làm đổ nó hay giẫm vào vũng nước, trượt chân ngã thì quả thật không còn đường nào mà trốn chạy.

Lọ hoa đầu tiên đặt xuống, tôi thấy lòng nhẹ nhõm hơn nhiều. Như thể có gánh nặng gì trên vai mà tôi vừa trút bỏ. Tôi chần chừ một lát, mắt đăm đăm nhìn vào những đóa hoa còn tươi tắn trước khi đứng dậy, ra khỏi phòng, và mang vào thêm một lọ.

Trong phòng giờ có hai lọ hoa rồi đấy. Nhìn số hoa gấp đôi lên mà tôi phấn chấn hơn hẳn. Rồi ba lọ, bốn lọ,... Những bó hoa lớn cứ dần dần được xếp gọn vào một góc, lấp kín một khoảng trống lớn trong căn phòng của ông tôi. Tôi quay ra phòng khách, kiểm tra lại quanh nhà thêm lần nữa, chân tay vẫn không hết buồn buồn, nhột nhột. Không còn bó hoa nào. Tôi ngước nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường; nó điểm từng tiếng tích tắc gãy gọn và khô khốc báo cho tôi rằng mới qua hai giờ một chút.

Tôi lại về phòng ông, với tiếng đồng hồ tích tắc vang vọng bên tai, rợn người và ám ảnh. Đứng từ xa, tôi lặng lẽ nhìn ngắm thành quả của mình. Trông như thể ông vừa trồng một vườn hồng lẫn lộn trắng và xanh ngay bên trong căn phòng yêu dấu. Và ông như đang say ngủ trên chiếc giường làm bằng hoa, mỉm cười hạnh phúc, vô lo.

Tôi rút điện cây quạt trong phòng, mong rằng sự thay đổi nhiệt độ bất thường không làm ông tỉnh giấc.

Ngắm nhìn căn phòng đầy hoa lần cuối, ruột gan tôi cồn cào lên dữ dội, bụng sôi sùng sục. Đôi chân tôi run run, đầu óc ong ong, đau nhức lên như thể chính cơ thể và tâm trí tôi không muốn tôi đứng vững; tôi lui từng bước về sau, để căn phòng ấy, bóng dáng con người ấy dần lùi xa khỏi tầm mắt mình.

Bàn tay tôi vịn vào tay nắm cửa, khẽ khàng kéo nó về phía ngoài, tránh gây ra dù chỉ là một tiếng động nhẹ duy nhất. Khe cửa cứ hẹp dần, và rồi đóng hẳn lại. Vặn tay nắm cửa sang một bên, tôi kéo cửa khít vào gờ tường cho tới khi không còn kéo nổi.

Tôi nhả tay ra. Cánh cửa không xê dịch. Căn phòng này đã đóng lại thành một hộp kín, và người kẹt lại bên trong đó chính là ông nội của tôi.

Thôi, thế là đoạn tuyệt!

Vĩnh biệt ông, ông già ác độc!

Tôi khuỵu xuống trước cửa phòng. Tiếng đồng hồ tích tắc dội ào ào vào tâm trí tôi. Những nhịp kim đồng hồ vẫn chuyển động đều đều như thế, nhưng tôi thấy những tiếng động ấy càng lúc càng gấp gáp. Như thể Thần Chết đang mỗi lúc một đến gần và kéo ông tôi đi. Là do nhịp đập trái tim tôi mỗi lúc một điên cuồng chăng? Mặt mũi tôi nóng bừng. Nước mắt nóng hôi hổi đã chan chứa đầy khóe mi, và chỉ chực trào ra. Rồi, không còn gì kìm nén nổi, chúng tuôn ra thành suối. Tôi cứ ngồi đó, khóc nữa và khóc mãi, cố nén những tiếng nức nở của mình hòng ngăn ông tỉnh dậy. Nhưng nghĩ đến điều đó cũng chẳng giúp ích gì; không thể chịu đựng nhiều hơn nữa, tôi bật khóc lên thành tiếng.

Tôi cứ ngồi trước cửa phòng mà khóc lóc, nỉ non. Khóc thật. Tôi đau buồn thật. Ông dù có ác thì vẫn cứ là người chung máu mủ, lại là người thân duy nhất. Tôi thấy mình tội lỗi quá. Có bao nhiêu đứa cháu còn niên thiếu dám thẳng tay giết chết ông nội mình như tôi? Dòng họ này thật bất hạnh khi có con cháu thế này... Tôi thật hèn nhát quá, bao nhiêu thời gian đã trôi qua mà chẳng gan góc được thêm chút nào. Dám ra tay giết chết người thân duy nhất, nhưng lại chẳng có đủ can đảm để nhìn người ấy thật kĩ trong những giây phút cuối đời, cũng chẳng dám nghe kẻ kia nói những lời trăng trối, chứng kiến trọn vẹn những giây phút người ra đi, dù to gan tới mức từng dám tưởng tượng ra hết thảy. Và tôi hết thương người rồi lại đến thương thân. Tôi chỉ còn lại bơ vơ một mình. Không còn người nào thân thích, và nhân cách nhơ bẩn này chẳng còn xứng đáng để kết giao với bất kì ai. Con người tồn tại nhờ ăn, nhờ ngủ, nhưng con người sống nhờ một tấm lòng đủ rộng mở, thanh thản để mà tiến lên phía trước. Điều mà tôi chưa bao giờ có, chẳng nắm chặt nổi trong tay, nên đành phải chật vật dựa vào may rủi để tìm lại sau khoảnh khắc này.

Tôi chẳng biết mình đã khóc lóc và dằn vặt trong bao lâu, cho đến khi thân thể tôi gục xuống, và tôi ngủ thiếp đi cạnh cửa.

Tôi giật mình tỉnh dậy lúc sáu giờ sáng. Với cảm giác gai gai và lạnh lẽo nơi sống lưng. Trời đã sáng lên rồi; với đôi mắt mỏi nhừ vì vừa trải qua một giấc ngủ chẳng mấy đàng hoàng, tôi có thể nhìn rõ đồng hồ mà chẳng cần căng mắt. Liếc nhìn ra cửa kính, tôi thấy mặt trời đã hiện lên hẳn trên bầu trời vốn chỉ một màu nhờ nhờ trắng tang thương. Vầng thái dương như một cái đĩa tròn vành vạnh giữa trời, ánh bình minh đỏ ối như màu máu phủ kín khoảng trời trước mắt, rọi lên cả những tòa nhà lô nhô của thành phố phía xa xa.

Sáu giờ sáng. Thường khi, giờ này hai ông cháu tôi đều đã dậy. Tôi tưởng như mình thấy căn nhà đang sáng sủa gấp bội phần dưới ánh đèn điện thường ngày. Tôi tưởng như mình đã nghe thấy tiếng bếp ga lách cách kêu mỗi sáng, tiếng bước chân thân quen chẳng lấy gì làm đều đặn và tiếng thở dài của một ông già khi tuổi đã cao mà vẫn phải miệt mài lao động - đúng hơn là tự buộc việc vào mình. Nhưng kì thực lại chẳng có gì. Im lặng day dứt, đau buồn và đáng sợ. Thứ âm thanh duy nhất vẫn ở bên tôi chỉ có tiếng kim đồng hồ chạy lạnh tanh. Lòng tôi chùng xuống, nhói đau, nguội lạnh.

Cửa phòng vẫn đóng im lìm, đèn vẫn tắt.

Ông tôi vẫn còn đang ngủ. Giấc ngủ ngàn thu.

Ông tôi chết thật rồi.

Lẩm nhẩm từ "chết" ấy, tôi thấy mình như vừa quẳng đi một gánh nặng trên lưng. Tôi vừa tự giải thoát cho bản thân mình. Buồn đau thì buồn đau thật, nhưng sao phải tự trách mình, dằn vặt mình đến thế? Hít một hơi thật sâu thứ không khí ngát hương hoa, tôi đứng dậy. Nắng sớm như nhạt màu hơn. Một buổi bình minh mạnh mẽ sau một đêm dài yếu đuối.

Việc đầu tiên là dọn dẹp hiện trường. Tôi đặt hờ bàn tay mình lên tay nắm cửa. Không một chút run rẩy, sau vài giây chờ đợi, tôi mở cửa ra.

Im ắng.

Tôi bước vào, khẽ nhón chân tới bên giường ông. Trong lòng tôi hoàn toàn bình lặng, chẳng có một suy nghĩ nào là cực đoan quá mức như khi trước, nhưng chẳng biết cái gì đang làm tôi nôn nao khó tả ngay bây giờ nữa. Một hai phút sau, tôi bỗng thấy xây xẩm mặt mày. Như những phản xạ tự nhiên, tôi cúi đầu, ôm ngực.

Trời ạ, quên mất đấy.

Tôi chạy vội ra ngoài, để cửa mở toang và đứng bên ngoài phòng đợi chờ một lát.

Đợi chờ đâu ra đó, tôi mới lại bước vào. Lần này thì không khó chịu, không nôn nao gì cả. Đúng thế, vấn đề không phải là cảm xúc nơi tôi. Đó là ảnh hưởng từ "độc dược". Trong đêm, những bông hoa kia đã y lệnh tôi mà chăm chỉ làm sao, biến một lượng không hề nhỏ dưỡng khí trong căn phòng này thành thán khí, đưa ông từ giấc ngủ hằng đêm vào cơn mê muội, và giết chết ông trong lặng lẽ, an bình.

Cả trăm đóa hoa trong nắng sớm càng nở rộ, tươi tắn hơn cả ngày hôm qua. Từng cánh hoa mượt mà màu trắng muốt hay màu xanh biển thẳm. Bên cạnh rừng hoa ngập tràn sức sống là chiếc giường của ông tôi, chiếc giường nâng đỡ thân thể một con người mà linh hồn đã về nơi cõi dưới. Làn da ông tái nhợt đi thấy rõ, đã trắng bệch lại càng bợt bạt hơn dưới ánh mặt trời. Da mặt ông tái xanh lại; những dấu vết thời gian in hằn trên gương mặt ông lại càng hiện rõ.

Lão già này, vì những gì tệ bạc lão đã đổ xuống cuộc đời bao nhiêu người, lão xứng đáng cút khỏi cõi đời này lắm.

Nhưng ông ạ, ông đáng được ban tặng một cái chết nhanh gọn, yên bình, không đớn đau sau biết bao nhiêu phen lao tâm khổ tứ để dành cho tất cả.

Lòng không còn bão tố, tôi bê từng lọ hoa ra khỏi phòng, đặt chúng về chỗ cũ như tôi đã sắp xếp ngày hôm kia. Căn nhà đã gọn gàng, tươm tất. Tôi lấy chìa khóa của ông, mở tung cửa nhà, đánh tiếng ầm ầm, chạy qua nhà hàng xóm bấm chuông, nức nở trước người đầu tiên tôi gặp như một đứa cháu mới mất ông:

"Bác ơi... Ông cháu... Ông cháu... Mất..."

__________

Chỉ nội trong buổi sáng ngày hôm ấy, cái tin động trời rằng ông tôi, một người thầy tâm huyết, một nghệ sĩ vĩ đại vừa qua đời trong đêm qua đã làm chấn động cả thành phố này. Chẳng phải chỉ có giới nghệ sĩ, người hâm mộ là tiếc thương ông tôi. Cả những người bình thường biết đến cái tên ông cũng không kém phần thương tiếc. Nhưng nhất là phải kể đến trường S.; đối với nhà trường, đây là một sự ra đi đột ngột và gây sửng sốt, bàng hoàng hơn bất kì điều gì khác. Những người đồng nghiệp của ông trên trường, bao nhiêu học trò, cựu học sinh đều dường như chẳng thể nào tin nổi - chỉ hai hôm trước thôi, thầy vẫn nhiệt tình chỉ huy vở kịch của đời mình đến thế cơ mà! Ngôi trường như chìm trong cả một bầu không khí nặng nề, tang thương. Tôi nghe nói Lê khủng hoảng đến mức như rơi vào trầm cảm. Thật chẳng biết thực hư thế nào; qua bao nhiêu cái miệng, có lẽ thông tin ấy đã bị nghiêm trọng hóa ít nhiều, nhưng sao cũng được. Tôi chỉ dám chắc chắn một điều, Lê đang buồn lắm. Ước gì tôi không cần phải che giấu sự thật này, có thể ở bên người lúc người cần tôi nhất, giúp người vượt qua cảm giác đau đớn khi mất đi một con người mình kính trọng hết lòng để mà sống tiếp.

Tin tức thì chẳng mấy chốc đã len lỏi tới tai từng con người trong thành phố này. Nhưng theo cái nguyện vọng ích kỉ mà đứa cháu yếu đuối cần được bảo vệ là tôi đề đạt, không một cơ quan truyền thông nào được tiếp xúc với những thông tin về sự ra đi của ông trước ngày phát tang. Hàng xóm, láng giềng không ai phản đối. Họ thương xót tôi, thằng cháu duy nhất của ông, mất đi mọi người thân trên cõi đời này, cô độc và khủng hoảng, lại phải một mình đối mặt với biết bao vấn đề tang gia bối rối. Truyền thông mà dám soi xét lúc này quả thực là trơ trẽn vô cùng. Cũng vì thế mà sức ảnh hưởng của sự ra đi ấy ngày càng lớn; ngày qua ngày, cánh báo chí chờ chực cùng dòng người tụ họp nhau nơi cổng khu chung cư, đòi được vào viếng ông, nỉ non tới mức công an phải bước vào can thiệp. Nhưng đến công an cũng không ngăn nổi dòng người mỗi lúc lại một đông thêm, mà vì thế nên sự ồn ào, mất trật tự lại cứ thế gia tăng.

Với những sự chuẩn bị của tôi và sự giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, của những người hàng xóm, chẳng bao lâu sau, những công việc trước khi phát tang đều đâu vào đấy cả. Nhanh gọn nhất, nhưng đảm bảo tuyệt đối hoàn hảo, không một sai sót nào, y như ý muốn của ông lúc sinh thời.

Ông ra đi rạng sáng thứ ba, lễ viếng bắt đầu từ sáng sớm ngày thứ sáu. Trời đất cũng như thương tiếc trước cái mất mát chung lớn vô ngần của tất cả những con người này. Bởi vốn dĩ tiết trời Hà Nội vẫn cứ ẩm ương, đa sầu đa cảm. Hôm ấy, trời đột nhiên trở lạnh; mùa đông đường đột tới mà không hẹn trước, bao phủ lên một thành phố đang tiếc thương cái lạnh lẽo đến cắt da cắt thịt, sắc màu ảm đạm và tăm tối của những ngày trời nặng mây đen xầm xì.

Những cơn gió đông cuốn theo hàng dòng người lũ lượt đổ về căn hộ của chúng tôi; họ đến rồi đi, buồn bã và im lặng, chẳng còn lao nhao như những khi chờ đợi dưới chân tòa nhà. Với cặp kính râm giấu đi đôi mắt đỏ ngầu trước những đoàn khách lạ, trốn biệt trong phòng khi nghe láng giềng đánh tiếng mỗi đoàn khách quen, không một ai hay biết thằng cháu trai duy nhất của cố nghệ sĩ già Lâm Chí Bách và Lâm Thanh Tùng lớp 10B trường S. vốn dĩ chính là cùng một người. Trước mặt họ, tôi chỉ là cháu trai ông, không hơn không kém. Và ngày hôm ấy, cái phần linh hồn của một đứa cháu ngoan tiếc thương ông vô hạn trong tôi lại được dịp thức tỉnh. Tôi sống như thế mãi suốt cả ngày dài, khóc lóc thỏa thuê, không ai dám động chạm vào tôi mà ngăn cản.

Từ sớm, tôi nhận được tin ngày hôm ấy, thầy chủ nhiệm và cả lớp 10B sẽ tới viếng ông sau giờ học. Lê sẽ xuất hiện là một điều chắc chắn. Tôi nhắc nhở hàng xóm về hết, để căn hộ của mình chỉ còn mình tôi và đoàn khách này, bởi lần này thì tôi không thể không ra mặt. Sau mấy ngày ở lì trong nhà lo việc ma chay và nghe từ đám bạn những tin đồn vớ vẩn, tôi cần biết, và phải biết được Lê mà tôi hằng yêu dấu giờ này ra sao.

Ngừng khóc một lúc cho mắt thôi không đỏ, bỏ lại hết khăn tang và tất cả những dấu hiệu khác chứng tỏ mình là chủ tang hay cháu trai ông, tôi ra ngoài đón khách, tất nhiên trước đó đã chốt chặt cửa phòng mình.

Người người đều ngạc nhiên vì không một ai khác ngoài tôi chính là người mở cửa. Câu hỏi "tại sao" ấy, dĩ nhiên tôi đã lường trước. Tôi nghỉ học vì bận việc gia đình, nhưng nhà tôi cũng chẳng tiếc của tôi một buổi viếng thăm người thầy đáng kính. Vì thế, tôi đã cố đến được đây trước họ.

"Nghe nói con thầy người thì mất, người thì ra nước ngoài và cắt đứt liên lạc, chỉ để lại đúng một đứa cháu trai, con/mày có biết bạn ấy thế nào rồi không? Khổ thân quá..."

"Bạn ấy đang ở trong phòng, khóa cửa rồi, không cho ai vào cả; mọi người cũng nên để cậu ta bình tĩnh, mới mất người thân duy nhất, cậu ta hoảng loạn lắm."

Tôi rùng mình nhẹ. Đúng thế, theo một cách nào đó. Cái phần linh hồn thương xót cho ông kia, tôi đành phải khóa chặt lại cùng với căn phòng riêng của mình.

Màn hỏi đáp căng thẳng này rồi cũng đến hồi kết thúc. Tôi ngay tức khắc tìm kiếm Lê. Lê ủ rũ lắm, dù vẫn như những ngày vừa qua, không có vẻ gì là cạn kiệt thứ gọi là "sức sống". Nhưng tôi biết, bây giờ không phải là lúc để đánh giá những lời đồn về cô ấy mà lũ bạn nói với tôi thực hư thế nào.

Tôi kể Lê nghe về sự ra đi của ông. Rằng ông đã ra đi thanh thản, bình yên ra sao trong giấc ngủ. Một cuộc hành trình về bên đất mẹ bằng phẳng, nhẹ nhàng hiếm có, dù đường đột và bí ẩn muôn phần.

Thương ông, nhưng chẳng biết còn cách nào để tỏ lòng thương ông, tôi rủ Lê đi đặt hoa tươi vào bên linh cữu. Phần lớn người đến viếng thăm đều tự mang hoa của riêng mình. Lại có cả những người hâm mộ mua thêm hoa tươi chất trong một góc nhà, để người người tự do tới lấy, để được cùng nhau tỏ lòng thương tiếc với người nghệ sĩ. Hoa tang phổ biến, cúc trắng, hồng trắng. Lại biết ông thích hồng xanh, một biểu tượng của vở Cantarella, có một người nào đã đem tới tặng chúng tôi một bó.

Lê lấy một đóa hồng trắng, đẹp và trong sáng như chính cô. Tôi không chần chừ, cầm ngay đóa hồng xanh, không quên giải thích cho Lê tại sao mình làm thế. Tất nhiên, sự thật vẫn cần được ẩn giấu; hai đứa chúng tôi tiến về phía linh cữu, trên tay là những đóa hoa tươi. Chẳng một ai ngoài tôi biết rằng, những đóa hoa ấy chính là thứ vũ khí đã tước đi mạng sống của ông...

Chúng tôi lùi lại. Thấy Lê khẽ run rẩy, tôi luồn những ngón tay mình vào bàn tay Lê. Cô nàng không phản đối. Thầy chủ nhiệm tôi đã chỉ dẫn đám bạn cùng lớp đặt lễ từ lâu, và vừa mới thắp hương. Cùng với cả tập thể 10B, chúng tôi đứng yên tưởng niệm.

Những ngón tay chúng tôi càng lúc càng siết chặt. Tôi muốn trấn an Lê, nhưng bàn tay của cả hai đều không thể ngừng run rẩy. Lê níu tay tôi chặt lắm, cô ấy như nhìn thấu nỗi buồn của tôi, muốn dỗ dành tôi. Chính bản thân tôi cũng muốn sưởi ấm tâm hồn cô ấy, và tôi đã gắng hết sức mình mà làm thế qua đôi bàn tay, nhưng tôi cũng đồng thời cảm nhận được hơi ấm của Lê gửi tới mình. Lê hoàn toàn không biết gì cả. Hoàn toàn ngây thơ, trong sáng và hạnh phúc. Vậy mà, một cách biết mấy màu nhiệm, diệu kì, Lê là người duy nhất chạm tới được những nỗi đau không thể nguôi ngoai nơi tôi...

Cảm ơn người.

Và xin lỗi...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top